Kỹ năng sống của trẻ 5-6 tuổi ở một số trường mầm non tại thành phố Hồ Chí Minh - 3

- Nhóm 2: Kỹ năng tiền nghề nghiệp: Kỹ năng giao tiếp; Kỹ năng tính toán; Tri thức về quyền và trách nhiệm của người chủ và người làm thuê; Kỹ năng giải quyết vần đề…

- Nhóm 3: Các kỹ năng nghề nghiệp, như: Trồng trọt; Nuôi gia súc; Sửa chữa đồ điện; Sử dụng máy tính, và Nói ngôn ngữ nước ngoài…

Ở Campuchia, kỹ năng sống được đào tạo chính quy trong nhà trường và được coi như là những nhân tố chính trong chính sách giáo dục nhằm kết nối giáo dục với nhu cầu thị trường để phát triển kinh tế xã hội. Sự kết nối này sẽ nâng cao tính hiệu quả nghề nghiệp của người học sau khi tốt nghiệp và tăng cường sự đầu tư của địa phương và quốc tế, đồng thời sẽ tạo ra nhu cầu tự học của người học. Chương trình giáo dục kỹ năng sống trong các trường chính quy đều hướng tới giúp người học có khả năng áp dụng kiến thức của các môn học khác nhau vào cuộc sống hiện thực; Sau khi rời ghế nhà trường là người tích cực và có trách nhiệm đối với xã hội; Tham gia vào thế giới công việc; Giảm nạn thất nghiệp và nghèo đói để góp phần phát triển xã hội… Để thực hiện được những mục tiêu đó, việc giáo dục kỹ năng sống tại Campuchia được thực hiện như sau:

- Các kỹ năng sống chung được tích hợp vào bài học của các môn học cơ bản từ lớp 1 đến lớp 12.

- Các kỹ năng nghề nghiệp từ lớp 6 đến lớp 12 được tổ chức dạy và thực hành trong các tiểu ban công nghệ.

- Các kỹ năng nghề đơn giản được lựa chọn thực hiện dựa trên khả năng của từng trường.

Tại Malaysia, nhiều nhà nghiên cứu coi kỹ năng sống là một môn học của cuộc sống và môn này được dạy như một môn học ở trường tiểu học và trung học cơ sở. Mục tiêu môn học này ở trường tiểu học là cung cấp cho người học những kỹ năng thực tế cơ bản để có thể thực hiện các nhiệm vụ trong cuộc sống; còn ở bậc Trung học cơ sở là hướng đến việc trang bị những kỹ năng để góp phần tạo nên những cá nhân độc lập, tự chủ về cuộc sống, có kỹ năng về công nghệ, có sự tự tin, sáng tạo, có khả năng tương tác hiệu quả với người khác.

Ở Thái Lan, việc quan tâm đến kỹ năng sống khá sớm. Nghiên cứu về kỹ năng sống được thực hiện bởi những tổ chức phi chính phủ và cả những tổ chức giáo dục của Bộ - Ban ngành trong nước. Tại đây họ quan niệm kỹ năng sống là những thuộc tính hay năng lực tâm lý xã hội giúp cá nhân đương đầu với tất cả những tình huống hằng ngày và đáp ứng được với hoàn cảnh tương lai để sống hạnh phúc. Nói cách khác, kỹ năng sống là khả năng của cá nhân có thể giải quyết những vấn đề trong đời sống hằng ngày để sống an toàn và hạnh phúc. Từ quan niệm này, họ cho rằng: muốn con người trưởng thành và thích ứng cần hình thành cho con người ít nhất mười kỹ năng sống cơ bản: Kỹ năng ra quyết định, Giải quyết xung đột, Sáng tạo, Phân tích – đánh giá, Giao tiếp, Quan hệ liên nhân cách, Làm chủ cảm xúc, Làm chủ được những cú sốc, Đồng cảm, Thực hành.

Cùng quan điểm này, tại Philippine kỹ năng sống được xem là năng lực thích nghi và tính tích cực của hành vi giúp cá nhân có thể ứng phó một cách hiệu quả với những yêu cầu, thay đổi, trải nghiệm và tình huống của đời sống hằng ngày, và vì vậy những kỹ năng sống cần giáo dục cho con người bao gồm: Tự nhận thức, Đồng cảm, Giao tiếp hiệu quả, Quan hệ liên nhân cách, Ra quyết định, Tư duy sáng tạo, Tư duy phê phán, Ứng phó, Làm chủ cảm xúc, Kinh doanh.

Còn tại Indonexia, kỹ năng sống được tập trung nghiên cứu trên bình diện như một khoa học giáo dục. Kỹ năng sống được xem như những kiến thức, kỹ năng, thái độ giúp người học sống một cách độc lập. Việc giáo dục kỹ năng sống sẽ mang đến những lợi ích nhất định: nâng cao cơ hội việc làm cho người học, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ đó thúc đẩy việc thực hiện chính sách tự chủ của địa phương, tạo ra chất lượng giáo dục cho người nghèo và người có hoàn cảnh đặc biệt. Mặt khác, việc giáo dục kỹ năng sống tại nước này được thực hiện bởi các tổ chức phi chính phủ cũng như những trung tâm chuyên biệt khá nổi bật và có đầu tư.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 154 trang tài liệu này.

Như vậy ở các nước phương Tây và các nước thuộc khu vực Châu Á, kỹ năng sống được nghiên cứu theo hướng tập trung tìm hiểu về khái niệm, phân loại cũng như hướng huấn luyện kỹ năng sống cho trẻ em, sinh viên. Tuy nhiên, việc nghiên cứu một cách rõ ràng về khái niệm theo hướng tiếp cận tâm lý học chưa thực sự rõ ràng và sâu sắc. Mặt khác, các cách phân loại cũng còn có sự trùng lặp mà chưa thể

hiện sự phân loại theo các tiêu chí khoa học khi tiếp cận. Đây là những vấn đề cần được quan tâm bên cạnh việc chưa có nghiên cứu nhằm đánh giá thực trạng kỹ năng sống của một lứa tuổi nào đó mà trẻ em lứa tuổi mầm non là một điển hình.

Kỹ năng sống của trẻ 5-6 tuổi ở một số trường mầm non tại thành phố Hồ Chí Minh - 3

1.1.2. Nghiên cứu ở Việt Nam‌

Trước những năm 1990, việc giáo dục rèn luyện kỹ năng sống cho thế hệ trẻ luôn là mục tiêu quan tâm của các nhà giáo dục Việt Nam. Mặc dù khái niệm kỹ năng sống chưa được nêu ra hay những nghiên cứu về kỹ năng sống chưa có. Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy vấn đề này được đề cập đến trong chương trình giáo dục của nước ta, như môn học Đạo đức, Giáo khoa thư. Bên cạnh đó có nhiều tác giả, dịch giả, học giả nghiên cứu và biên soạn ra những tài liệu, sách học làm người nhằm cung cấp cho mọi giới có thể học biết về cách làm người, cách đối nhân xử thế, phương pháp học tập, tổ chức đời sống cho khoa học,… Có thể nêu lên một số tác giả nổi danh: Nguyễn Hiến Lê với tác phẩm Đắc nhân tâm, Tổ chức công việc theo khoa học; Hoàng Xuân Việt với tác phẩm “Rèn nhân cách”, “Nghệ thuật giao tiếp”; “Phép lịch sự” của Phạm Công Hoàn,… Những tài liệu này đã góp phần rất lớn trong việc trang bị những kỹ năng nhất định để sống, làm việc cho con người Việt Nam. Điều đó cho thấy việc nghiên cứu kỹ năng sống tuy chưa được gọi chính thức như nghiên cứu về kỹ năng sống nhưng đã được quan tâm đề cập đến nhiều.

Tuy nhiên, thuật ngữ “Kỹ năng sống” chỉ bắt đầu được quan tâm tại Việt Nam vào những năm đầu thập niên 90 (thế kỷ 20). Khi ấy, xã hội bắt đầu có những chuyển biến phức tạp – nền kinh tế thị trường và việc du nhập các nền văn hóa từ các nước bên ngoài vào Việt Nam; sự biến đổi của môi trường tự nhiên đã tác động rất lớn đến con người; vì lẽ đó đòi hỏi mỗi người phải học cách thích nghi; ngoài trình độ học vấn, tư cách đạo đức, những kỹ năng khác như năng lực làm việc bắt đầu được xem xét và quan tâm. Đây chính là điều kiện để giáo dục Việt Nam quan tâm đến thuật ngữ kỹ năng sống trong chương trình và triển khai một số dự án của các tổ chức khác trên thế giới.

Đầu những năm 1990, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản tại quyết định 1363/TTg về việc “đưa nội dung giáo dục môi trường vào hệ thống giáo dục quốc dân”. Trong văn bản này có đề cập đến việc trang bị những kỹ năng ứng xử với môi

trường, thái độ sống như những biểu hiện ban đầu của kỹ năng sống. Tiếp đến chỉ thị số 10/GD & ĐT năm 1995 hay chỉ thị 24/CT&GD năm 1996 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những chỉ đạo về công tác phòng chống ma túy tại trường học. Đây cũng là hướng đề cập đến những kỹ năng cần có của học sinh như: từ chối, bảo vệ bản thân, ứng xử với ngưới có HIV…

Sau những năm 1990, một số dự án bắt đầu được thực hiện ở các tỉnh thành để thử nghiệm việc giáo dục kỹ năng sống cho những đối tượng thiệt thòi. Trên cơ sở đó, những nghiên cứu về kỹ năng sống cũng bắt đầu được phát triển từ những năm 1998 – 2000. Dưới sự phát triển cùng những thử thách của đời sống, kỹ năng sống không chỉ là vấn đề cần thiết cho trẻ em mà vị thành niên, thanh niên cũng là những đối tượng rất cần trang bị những kỹ năng sống. [30]

Một số tổ chức nước ngoài cũng đã có những nghiên cứu ban đầu về kỹ năng sống tại Việt Nam dưới dạng huấn luyện và đào tạo thành những dự án. UNICEF là một tổ chức tiên phong với chương trình “Giáo dục kỹ năng sống để bảo vệ sức khỏe và phòng chống HIV/AIDS cho thanh thiếu niên trong và ngoài nhà trường”. Giai đoạn một được thực hiện cho những đối tượng trong ngành giáo dục cũng như Hội chữ thập đỏ. Các kỹ năng được lồng ghép như: Kỹ năng tự nhận thức, Kỹ năng giao tiếp, Kỹ năng kiên định, Kỹ năng xác định giá trị… Giai đoạn kế tiếp, kỹ năng sống bắt đầu được đề cập rộng và sâu hơn như hành trang quan trọng con người cần có trong cuộc sống. Sau đó, khái niệm kỹ năng sống được đề cập với đầy đủ nội hàm sau hội thảo: “Chất lượng giáo dục và kỹ năng sống” do UNESCO tài trợ năm 2003. Thuật ngữ kỹ năng sống trở nên phổ biến và được quan tâm một cách rộng rãi với nhiều nhà khoa học.

Có thể đề cập đến những nghiên cứu về kỹ năng sống thông qua một số nghiên cứu sau đây xuất phát từ những dự án tài trợ tại Việt Nam:

Biện pháp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học thông qua dạy học môn đạo đức ở các trường tiểu học khu vực miền núi phía bắc vào năm 2001.

Nghiên cứu mô hình giáo dục kỹ năng sống cho các em học sinh trường nội trú tình thương Khai Trí tỉnh An Giang vào năm 2002.

Giáo dục kỹ năng sống cho nữ học sinh, sinh viên thành phố Long Xuyên vào năm 2004.

Tiếp đến, có thể đề cập đến quyển “Giáo trình chuyên đề giáo dục kỹ năng sống” của tác giả Nguyễn Thanh Bình, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2008, sau khi tác giả tham gia dự án đào tạo giáo viên trung học cơ sở. Giáo trình đã tập trung phân tích về khái niệm kỹ năng sống, các nguyên tắc và phương pháp giáo dục kỹ năng sống hiệu quả. Tuy nhiên, nội dung cơ bản của từng kỹ năng vẫn chưa được phân tích một cách hệ thống và sâu sắc vì không phải là nội dung trọng tâm của tài liệu này. [5]

Năm 2009, NXB. Giáo dục lần đầu tiên cho in quyển “Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ từ 5 đến 6 tuổi” của tác giả Lê Bích Ngọc. Mục đích của cuốn sách này tác giả muốn nhắm đến các phụ huynh có con từ 5 đến 6 tuổi ở vùng nông thôn. Trong đó tác giả phân loại thành 7 nhóm kỹ năng sống; mỗi nhóm gồm nhiều kỹ năng sống; mỗi kỹ năng sống có hướng dẫn về tên gọi, những điều cha mẹ cần hướng dẫn cho trẻ và gợi ý các hoạt động, phương tiện, hình thức giáo dục. [27]

Bộ sách “Giáo dục kỹ năng sống trong môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Sinh học, Giáo dục công dân của trường trung học phổ thông” thử nghiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo viết vào năm 2010 do các tác giả Lưu Thu Thủy, Nguyễn Thị Hồng Vân (Ngữ Văn); Lưu Thu Thủy, Nguyễn Thị Thanh Mai (Giáo dục công dân); Lưu Thu Thủy, Nguyễn Thị Minh Phương (Địa lý); Lưu Thu Thủy, Trần Quý Thắng (Sinh học), Nguyễn Trọng Đức nêu lên một số vấn đề chung về kỹ năng sống và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong trường trung học phổ thông, cụ thể là các quan niệm, phân loại, tầm quan trọng của kỹ năng sống, định hướng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh THPT và giáo dục kỹ năng sống trong môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Sinh học, giáo dục công dân ở trường THPT. Trong đó các hình thức tổ chức, cách tiếp cận và phương pháp giáo dục kỹ năng sống, nguyên tắc, kỹ thuật dạy học hiện đại cũng được đề cập và hướng dẫn sử dụng vào các bài dạy để thực hiện việc rèn luyện các kỹ năng sống cụ thể cần thiết cho học sinh. Cũng theo chiều hướng này, năm 2011, nhóm tác giả Lưu Thu Thủy, Lê Minh Châu, Trần Thị Tố Oanh, Phạm Thị Thu Phương, Đào Vân Vi (Vấn đề chung kỹ năng sống); Trần

Hiền Lương, Hoàng Hòa Bình, Nguyễn Thị Phương Thảo (Tiếng Việt); Lưu Thu Thủy, Nguyễn Việt Hà (môn Đạo đức); Nguyễn Tuyết Nga, Phan Thanh Hà (Tự nhiên và xã hội) đã biên soạn Bộ sách “Giáo dục kỹ năng sống trong các môn học ở tiểu học”. Trong thời gian này, một nhóm tác giả khác cũng đã biên soạn một bộ sách về kỹ năng sống với từng chủ đề như sau: Phạm Thanh Hiệp: Kỹ năng sống – một số kỹ năng cần thiết, Kỹ năng sống – Bạn là ai?; Nguyễn Minh Anh: Kỹ năng sống – Rèn luyện bản thân; Nguyễn Minh Anh – Nguyễn Thị Chung: Kỹ năng sống

– Hoàn thiện chính mình; Trần Văn Nghĩa: Kỹ năng sống – Sơ cấp cứu và an toàn; Đỗ Hồng Ngọc: Kỹ năng sống – Những bệnh - tật ở tuổi học trò và cách phòng tránh. Bộ sách cung cấp những kiến thức cơ bản về kỹ năng sống, giúp học sinh hoàn thiện nhân cách và định hướng cho cuộc sống và sự nghiệp trong tương lai; nội dung mang tính thực tiễn và có hướng dẫn cụ thể giải quyết những vấn đề trong cuộc sống thường ngày.

Trong những năm gần đây, một số giáo trình, tài liệu và một số bài báo về kỹ năng sống bắt đầu được quan tâm, điển hình như bài báo viết về kỹ năng sống dưới góc nhìn tâm lý học của GS.TS. Nguyễn Quang Uẩn được đăng tải trong tạp chí Tâm lý học [47, tr.1-4], các chương trình huấn luyện kỹ năng sống được thử nghiệm ở khu vực TP. Hồ Chí Minh của TS. Huỳnh Văn Sơn và các cộng sự dưới sự tài trợ hai năm liền của bảo hiểm DAIICHI LIFE, nhiều chuyên đề về huấn luyện hay trang bị kỹ năng sống cho sinh viên được thực hiện. Cũng có thể đề cập đến một vài tài liệu đề cập đến khái niệm kỹ năng sống, phân loại và nội dung cơ bản của kỹ năng sống như quyển Nhập môn kỹ năng sống, Bạn trẻ và kỹ năng sống, Mô hình kỹ năng sống của tác giả Huỳnh Văn Sơn [36,37,38,39]; PGS. TS. Nguyễn Dục Quang với quyển “Hướng dẫn thực hiện Giáo duc kỹ năng sống cho học sinh phổ thông” [33].

Năm 2010, công trình nghiên cứu luận văn cao học của tác giả Nguyễn Hữu Long tập trung vào đối tượng là học sinh trung học cơ sở. Tuy nhiên, việc nghiên cứu của tác giả mới giới hạn ở mức tìm hiểu thực trạng kỹ năng sống và bước đầu thử nghiệm tác động tâm lý để nâng cao một số kỹ năng của học sinh: kỹ năng tự

nhận thức bản thân, kỹ năng ứng xử trong giao tiếp, kỹ năng chia sẻ và hợp tác, kỹ năng phân biệt hành vi hợp lý và hành vi chưa hợp lý.

Cũng trong thời gian này, tại TP. Hồ Chí Minh, tác giả Mai Hiền Lê đã nghiên cứu kỹ năng sống của trẻ mầm non, với đề tài: “Một số biểu hiện kỹ năng sống của trẻ lớp mẫu giáo lớn trường mầm non Thực Hành thành phố Hồ Chí Minh”. Ưu điểm của đề tài này, tác giả đã mạnh dạn bước đầu đi vào nghiên cứu về kỹ năng sống của đối tượng mới là trẻ em mầm non và đã có cuộc khảo sát khá đầy đủ về các kỹ năng sống của trẻ mẫu giáo lớn. Nhưng giới hạn của đề tài là mới chỉ khảo sát ở một trường mầm non, và việc thử nghiệm tác động nâng cao kỹ năng sống của trẻ chỉ dừng lại ở một kỹ năng giao tiếp.

Tuy vậy, việc nghiên cứu kỹ năng sống cho trẻ mầm non – giai đoạn 5 – 6 tuổi là giai đoạn chuẩn bị cho trẻ vào trường phổ thông và là nền tảng có tính quyết định cho quá trình phát triển nhân cách của mỗi cá nhân trong những giai đoạn tiếp theo lại chưa có nhiều tài liệu hay công trình nghiên cứu. Đặc biệt hơn, vẫn chưa có một nghiên cứu nào khảo sát một cách chi tiết thực trạng kỹ năng sống của trẻ mầm non TP. Hồ Chí Minh nên hướng nghiên cứu này vẫn còn để trống.

1.2. Cơ sở lý luận‌


1.2.1. Kỹ năng sống‌


1.2.1.1. Khái niệm kỹ năng

Theo Từ điển tiếng Việt, kỹ năng là khả năng vận dụng những kiến thức thu nhận được trong một lĩnh vực nào đó vào thực tế. [48, tr.517]

Từ điển Oxford định nghĩa “skill” – kỹ năng là khả năng tìm ra giải pháp cho một vấn đề nào đó và có được nhờ rèn luyện. [38, tr.15 – trích theo]

Theo Từ điển Giáo dục học, kỹ năng là “khả năng thực hiện đúng hành động, hoạt động phù hợp với những mục tiêu và điều kiện cụ thể tiến hành hành động ấy, cho dù đó là hành động cụ thể hay hành động trí tuệ.”[13, tr.220]

Theo Từ điển Tâm lý học do tác giả Vũ Dũng (Chủ biên), kỹ năng là “năng lực vận dụng có kết quả những tri thức về phương thức hành động đã được chủ thể lĩnh hội để thực hiện những nhiệm vụ tương ứng. Ở mức độ kỹ năng, công việc

được hoàn thành trong điều kiện hoàn cảnh không thay đổi, chất lượng chưa cao, thao tác chưa thuần thục và còn phải tập trung chú ý căng thẳng, kỹ năng được hình thành qua luyện tập”. [11]

Trong Từ điển Tâm lý học của A. M. Colman, “Kỹ năng là sự thông thạo, hiểu biết chuyên môn sâu, là khả năng đạt được thành tích cao trong một lĩnh vực nhất định; cụ thể là một cách thức thực hiện hành vi có sự phối hợp, có tổ chức, đạt được thông qua sự huấn luyện và thực hành”. [49, tr.681]

Như vậy, có thể thấy khái niệm kỹ năng được nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau. Việc làm rõ những điểm chung và những điểm khác biệt trong từng khái niệm nhằm đi đến một cách hiểu nhất quán về kỹ năng được sử dụng trong đề tài này.

Quan điểm khác về kỹ năng

Quan niệm thứ nhất: xem kỹ năng như là kỹ thuật thao tác

Tác giả Trần Trọng Thủy cho rằng: kỹ năng là mặt kỹ thuật của hành động, con người nắm được cách hành động tức là có kỹ thuật hành động, có kỹ năng. [40, tr.49]

Từ điển Tâm lý học (1983) của Liên Xô (cũ) định nghĩa: “Kỹ năng là giai đoạn giữa của việc nắm vững một phương thức hành động mới – cái dựa trên một quy tắc (tri thức) nào đó và trên quá trình giải quyết một loạt các nhiệm vụ tương ứng với tri thức đó, nhưng còn chưa đạt đến mức độ kỹ xảo”. [25, tr.376].

Các tác giả Nguyễn Hữu Nghĩa, Triệu Xuân Quýnh, Bùi Ngọc Oánh cho rằng: “Kỹ năng là những hành động được hình thành do sự bắt chước trên cơ sở của tri thức mà có, chúng đòi hỏi sự tham gia thường xuyên của ý thức, sự tập trung chú ý, cần tiêu tốn nhiều năng lượng của cơ thể”. Các tác giả cũng cho biết, kỹ năng có những đặc điểm khác nữa là “hành động chưa được khái quát, do thao tác chưa chính xác nên vai trò kiểm soát của thị giác là quan trọng”. [26]

Còn tác giả N.D. Levitovxam xét kỹ năng gắn liền với kết quả hành động. Theo ông, người có kỹ năng hành động là người phải nắm được và vận dụng đúng đắn các cách thức hành động nhằm thực hiện hành động có kết quả. Ông nhấn mạnh, muốn hình thành kỹ năng con người vừa phải nắm vững lý thuyết về hành động, vừa phải vận dụng lý thuyết đó vào thực tế.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 19/05/2024