Đặc Điểm Phát Triển Kỹ Năng Sống Của Trẻ 5 – 6 Tuổi

Tuổi mẫu giáo là giai đoạn phát cảm về sự phát triển tưởng tượng. Trẻ rất hay tưởng tượng. Hình ảnh tưởng tượng của trẻ bay bổng, rực rỡ, giàu màu sắc xúc cảm và hay vi phạm hiện thực.

- Cơ chế nhập tâm của sự hình thành và phát triển trí tưởng tượng của trẻ mẫu giáo như sau.

Trí tượng nảy sinh khi trẻ ấu nhi biết dùng vật thay thế trong trò chơi tượng trưng, nhưng vẫn gắn với hành động và tri giác đối tượng trong trò chơi.

Bước phát triển cao hơn là trí tượng dựa vào các ký hiệu có tính võ đoán để làm vật thay thế.

Về sau trẻ không cần đến những chỗ dựa bên ngoài nữa mà chuyển vào trí tưởng tượng ngầm trong óc. Ở mức độ này, tưởng tượng đã hoàn toàn diễn ra bên trong. Đây là kiểu tưởng tượng thường có ở người lớn.

- Trí tưởng tượng của trẻ mẫu giáo phát triển từ tái tạo đến sáng tạo.

- Trí tưởng tượng của trẻ mẫu giáo phát triển từ không chủ định đến có chủ định chiếm ưu thế.

g. Sự phát triển các hoạt động

Vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ mẫu giáo. Các đặc điểm của trò chơi (chủ yếu là trò chơi sắm vai có chủ đề) mang tính ký hiệu – tượng trưng, phải có sự tham gia bắt buộc của tưởng tượng, giàu tính cảm xúc, mang tính tự nguyện, mang tính tự lập.

Theo Đ.B. Elconhin, trong trò chơi sắm vai, trẻ nhận một vai là người nào đó, tái tạo lại cuộc sống, hoạt động và các mối quan hệ của người đó với mọi người. Thông qua nội dung của trò chơi, trẻ được tiếp cận với cuộc sống của người lớn. Hoạt động chơi đích thực chỉ có khi trẻ ngụ ý (thay thế) hành động này bằng hành động khác, đối tượng này bằng đối tượng khác. Khi chơi trò chơi, trẻ dùng các đồ chơi để thay thế các đồ vật thật cần cho hoạt động của người lớn.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 154 trang tài liệu này.

Ở trẻ mẫu giáo lớn, chủ đề chơi của trẻ đa dạng hơn, phản ánh cuộc sống hiện thực xa hơn như “cửa hàng ăn”, “tiệm cắt tóc”, “bệnh viện”, “trường mẫu giáo”, “xây dựng nhà”,… Thời gian chơi của trẻ kéo dài đến hàng giờ và có thể duy trì trong vài

ngày. Khi thực hiện các hành động chơi, trẻ ưu tiên cho việc sử dụng kết quả của các hành động đó cho thành viên khác của trò chơi. Các hành động chơi của trẻ được rút gọn, được khái quát hóa và mang tính ước lệ. Nội dung chơi cơ bản của trẻ là tuân thủ các quy tắc hành vi xã hội và các mối quan hệ xã hội phù hợp với vai chơi.

Kỹ năng sống của trẻ 5-6 tuổi ở một số trường mầm non tại thành phố Hồ Chí Minh - 6

Đồng thời với hoạt động vui chơi của trẻ ở tuổi mẫu giáo còn có sự xuất hiện hứng thú học tập ở trẻ. Khi nghe người lớn kể và được tự nhìn thấy, dần nảy sinh ở trẻ tính ham hiểu biết, được biểu hiện là trẻ hứng thú với mọi thứ mới lạ. Tính ham hiểu biết của trẻ được thể hiện là trẻ hay đặt câu hỏi. Ở trẻ 3 – 4 tuổi, số lượng câu hỏi không nhiều lắm, thường nhằm tới để mở rộng kiến thức. Đến 5 – 6 tuổi, số lượng câu hỏi của trẻ tăng lên đáng kể và chiếm ưu thế. Trẻ còn quan tâm tìm hiểu sâu hơn về các sự vật hiện tượng, tìm hiểu về nguyên nhân, mối liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng, trẻ hay đặt câu hỏi “tại sao”.

Bên cạnh đó, ở trẻ mẫu giáo nói chung đã nắm được những hình thức sơ đẳng của hoạt động lao động. Ở tuổi này, trẻ có thể thực hiện các nhiệm vụ lao động như:

Tự phục vụ: Trẻ lĩnh hội loại lao động này từ tuổi ấu nhi. Việc thực hiện loại lao động này nhằm hướng tới bản thân như tự chải đầu, tự rửa tay, tự xếp dọn đồ dùng,…

Trực nhật: Trẻ giúp giáo viên phân chia, sắp xếp đồ dùng học tập, chén bát đĩa cho các bạn; dọn dẹp bàn ghế, lau dọn phòng,…

Chăm sóc cây và các con vật như tưới cây, cho con vật uống nước,… khi hoàn thành các nhiệm vụ này ở trẻ hình thành tinh thần trách nhiệm và các cảm xúc dương tính hướng tới các cây và các con vật.

Chế tạo các đồ vật đơn giản bằng giấy, bìa, gỗ, vải, các vật liệu từ thiên nhiên,… Trẻ có thể lĩnh hội loại lao động này vào khoảng lên 5 tuổi. Đặc trưng của loại lao động này là có tạo ra sản phẩm.

Tuổi mẫu giáo là giai đoạn trẻ mong muốn được lao động và vui vẻ tham gia lao động với người lớn. Đây là giai đoạn tốt nhất để thu hút trẻ vào công việc lao động. Vì thế, khi người lớn tổ chức hoạt động lao động, mời gọi và khuyến khích cho trẻ được tham gia vào hoạt động với người lớn, trẻ sẽ cảm thấy vui sướng, và tạo điều kiện cho trẻ thể hiện tính độc lập của mình.

h. Đặc điểm phát triển ngôn ngữ

Lứa tuổi mẫu giáo là thời kỳ bộc lộ tính nhạy cảm cao đối với hiện tượng ngôn ngữ, khiến cho sự phát triển ngôn ngữ của trẻ đạt tốc độ nhanh và đến cuối tuổi mẫu giáo thì hầu hết các trẻ đều biết sử dụng tiếng mẹ đẻ một cách thành thạo trong sinh hoạt hằng ngày. Điều này được thể hiện qua các phương diện sau:

- Nắm vững ngữ âm và ngữ diệu trong việc sử dụng tiếng mẹ đẻ.

- Phát triển ngữ pháp.

- Phát triển ngôn ngữ mạch lạc, được thể hiện ở ba phương diện:

Thứ nhất: Vốn từ cơ bản phong phú.

Thứ hai: Nắm được cơ bản ngữ pháp.

Thứ ba: Biết sử dụng các kiểu ngôn ngữ.


i. Đặc điểm giao tiếp

Ở trẻ mầm non có bốn hình thức giao tiếp được thay thế nhau: giao tiếp nhân cách tình huống, giao tiếp công việc tình huống, giao tiếp nhận thức ngoài tình huống và giao tiếp nhân cách ngoài tình huống. Trẻ em đến cuối tuổi mẫu giáo, xuất hiện hình thức giao tiếp nhân cách ngoài tình huống với người lớn. Trẻ tập trung vào “thế giới con người” chứ không phải thế giới đồ vật. “Trong các cuộc trò chuyện của trẻ, các chủ đề về cuộc sống, về công việc của người lớn và các mối quan hệ qua lại của họ chiếm ưu thế chứ không phải là các đồ vật hay các động vật và thiên nhiên”[22]. Nhờ sự hướng dẫn của người lớn, trẻ nắm được những chuẩn mực đạo đức, đánh giá những hành vi của mình và hành vi của mọi người xung quanh. Xuất hiện ở trẻ nhu cầu được hiểu biết và thông cảm lẫn nhau.

Từ 4 – 6 tuổi, trẻ mẫu giáo có giao tiếp công việc tình huống với bạn cùng tuổi. Nhu cầu giao tiếp cơ bản của trẻ mẫu giáo là cải thiện sự hợp tác trong công việc và phối hợp các hành động của mình với bạn để đạt mục đích. Được 5 tuổi, trẻ thường hỏi về các thành tích của bạn, đòi hỏi mọi người công nhận các thành tích của bản thân, vạch ra sự thất bại của trẻ khác và thử giấu đi những thất bại của bản thân.

Ở trẻ mẫu giáo lớn, hình thức giao tiếp công việc ngoài tính huống được phát triển. Hoạt động chơi của trẻ đòi hỏi trẻ phải thống nhất với bạn và vạch ra từ trước kế

họach của bản thân. Nhu cầu cơ bản trong giao tiếp của trẻ là hợp tác với các bạn, bởi vậy giao tiếp mang tính ngoài tình huống.

Các đặc điểm giao tiếp với các bạn được thể hiện rõ ràng trong các chủ đề trò chuyện của trẻ. Trẻ mẫu giáo bé thường nói về những gì trẻ nhìn thấy, hay là về cái mà trẻ có. Các chủ đề này được duy trì trong suốt tuổi mẫu giáo. Trẻ mẫu giáo nhỡ thường cho bạn thấy là mình biết làm cái gì và làm được việc đó như thế nào. Còn trẻ mẫu giáo lớn thường hay kể về bản thân, về cái gì trẻ thích và không thích. [22]

1.2.2.2. Đặc điểm phát triển kỹ năng sống của trẻ 5 – 6 tuổi

Trẻ em 5 – 6 tuổi đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, và trong giai đoạn quan trọng chuẩn bị cho trẻ em vào lớp Một. Vì vậy, những kỹ năng sống của trẻ ở giai đoạn này cần có những đặc trưng như sau.

Kỹ năng sống phải phù hợp với lứa tuổi, hình thành và phát triển cho trẻ em những chức năng tâm sinh lý, năng lực và phẩm chất mang tính nền tảng; khơi dậy và phát triển tối đa những khả năng tiềm ẩn, đặt nền tảng cho việc học ở các cấp học tiếp theo và cho việc học tập suốt đời của trẻ.

Do đặc thù của trẻ em lứa tuổi mầm non là đang làm quen với xã hội và thế giới xung quanh, nên những kỹ năng sống thường gần gũi với cuộc sống của trẻ và được mở rộng dần trong mối quan hệ qua lại giữa trẻ với gia đình, với trường mầm non, với cộng đồng xã hội và môi trường tự nhiên. Nội dung kỹ năng sống của trẻ 5

– 6 tuổi phong phú và toàn diện để giúp các em thích ứng với cuộc sống. Do vậy, đặc điểm kỹ năng sống của trẻ 5 – 6 tuổi cũng phù hợp với yêu cầu về nội dung giáo dục mầm non như sau:

- Đảm bảo tính khoa học, tính vừa sức và nguyên tắc đồng tâm phát triển từ dễ đến khó; đảm bảo tính liên thông giữa các độ tuổi, giữa nhà trẻ, mẫu giáo và cấp tiểu học; thống nhất giữa nội dung giáo dục với cuộc sống hiện thực, gắn với cuộc sống và kinh nghiệm của trẻ, chuẩn bị cho trẻ từng bước hoà nhập vào cuộc sống.

- Phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em, hài hoà giữa nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục; giúp trẻ em phát triển cơ thể cân đối, khoẻ mạnh, nhanh nhẹn; cung cấp kỹ năng sống phù hợp với lứa tuổi; giúp trẻ em biết kính trọng, yêu

mến, lễ phép với ông bà, cha mẹ, thầy giáo, cô giáo; yêu quý anh, chị, em, bạn bè; thật thà, mạnh dạn, tự tin và hồn nhiên, yêu thích cái đẹp; ham hiểu biết, thích đi học.

1.2.2.3. Nội dung – yêu cầu kỹ năng sống của trẻ 5 – 6 tuổi

Ở lứa tuổi mầm non, những kỹ năng sống cần thiết của trẻ em được phân tích dựa vào những đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi. Trẻ em 5 – 6 tuổi đang phát triển mạnh mẽ về thể chất, tình cảm, ngôn ngữ; giai đoạn chuẩn bị vào lớp một, bước đầu trẻ gia nhập vào xã hội rộng lớn, trẻ cần có khả năng tự phục vụ, chăm sóc bản thân, nhận thức về bản thân, nên trẻ 5 – 6 tuổi rất cần được trang bị một cách toàn diện về kỹ năng sống.

Dựa trên cơ sở phân tích kinh nghiệm quốc tế và thực trạng kỹ năng sống ở Việt Nam những năm qua, kết quả khảo sát ý kiến của giáo viên mầm non về những kỹ năng cần phải rèn luyện cho trẻ 5 – 6 tuổi, căn cứ trên nội dung Chương trình giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 25-7-2009, và Tài liệu hướng dẫn sử dụng Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi của Bộ Giáo dục và Đào tạo liên kết với UNICEF, có thể đề xuất nội dung kỹ năng sống của trẻ 5 – 6 tuổi trong trường mầm non bao gồm các kỹ năng sống cơ bản sau. [7, 8]

1- Kỹ năng hiểu biết và chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng

Với kỹ năng sống hiểu biết và chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, trẻ cần có những kỹ năng:

- Biết một số hoạt động trong sinh hoạt hằng ngày có lợi cho sức khỏe, sự lớn lên và phát triển của cơ thể;

- Biết một số món ăn, thực phẩm thông thường và ích lợi của chúng đối với sức khỏe. Trẻ có thể lựa chọn được một số thực phẩm khi được gọi tên nhóm: Thực phẩm giàu chất đạm, như thịt, cá,…; Thực phẩm giàu vitamin và muối khoáng như rau, quả… Bên cạnh đó, trẻ kể được tên một số món ăn hằng ngày và dạng chế biến đơn giản: rau có thể luộc, nấu canh; thịt có thể luộc, chiên (rán), kho; gạo nấu cơm, nấu cháo;…

- Biết được: ăn nhiều loại thức ăn, ăn chín, uống nước nấu (đun) sôi để khỏe mạnh; uống nhiều nước ngọt, nước có gas, ăn nhiều đồ ngọt dễ béo phì không có lợi cho sức khỏe;…

- Biết thuốc lá có hại cho sức khỏe và thể hiện thái độ không đồng tình với người hút thuốc, hoặc tránh xa nơi có khói thuốc lá.

2 - Kỹ năng chăm sóc vệ sinh cá nhân

Trẻ thực hiện được một số việc tự phục vụ trong sinh hoạt.

- Trẻ biết tự rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và khi tay

bẩn;


- Biết đi vệ sinh đúng nơi quy định, biết đi xong dội hoặc giật nước cho sạch.

- Hằng ngày, trẻ biết rửa mặt, đánh răng; biết tự thay quần áo khi đã dơ bẩn,

bị ướt và để vào nơi quy định.

- Biết chọn quần áo phù hợp với thời tiết, giới tính;

- Biết che miệng khi ho, hắt hơi, ngáp;

- Biết giữ và làm cho đầu tóc được gọn gàng, quần áo sạch sẽ. 3 - Kỹ năng giữ an toàn cá nhân

Trẻ biết được một số nguy cơ không an toàn và cần phòng tránh.

- Biết bàn ủi, bếp điện, bếp lò đang đun, bình nước nóng,... là những vật dụng nguy hiểm và nói được mối nguy hiểm khi đến gần; không nghịch các vật sắc, nhọn.

- Biết những nơi như: hồ, ao, bể chứa nước, giếng, bụi rậm,... là nguy hiểm và nói được mối nguy hiểm khi đến gần;

- Biết được nguy cơ không an toàn khi ăn và phòng tránh:

Biết tránh cười đùa trong khi ăn, uống hoặc khi ăn các loại quả có hạt dễ bị hóc sặc,...

Biết không tự ý uống thuốc;

Biết thức ăn có mùi ôi thiu, lá quả lạ, ăn vào có thể bị ngộ độc; uống rượu bia, cà phê, hút thuốc là không tốt cho sức khỏe.

- Nhận biết được một số trường hợp không an toàn và gọi người giúp đỡ.

Biết gọi người lớn khi gặp trường hợp khẩn cấp: cháy, có bạn/ người rơi xuống nước, ngã chảy máu,...

Biết tránh những trường hợp không an toàn như: Khi người lạ bế ẵm, cho kẹo bánh, uống nước ngọt, rủ đi chơi; ra khỏi nhà, khu vực trường, lớp khi không được phép của người lớn, cô giáo.

- Biết thực hiện những quy định ở trường, nơi công cộng về an toàn, như: Sau giờ học về nhà ngay, không tự ý đi chơi; đi bộ trên hè, đi ngang đường phải có người lớn dắt; không leo trèo cây, ban công, tường rào,...

- Biết ý nghĩa và có ý thức thực hiện theo quy định của một số biển báo giao thông, biển báo nơi nguy hiểm.

4 - Kỹ năng nhận thức về bản thân

- Trẻ biết và nói được những thông tin cơ bản về cá nhân và gia đình: Nói được họ và tên của bản thân, tên ba, mẹ và các thành viên trong gia đình của mình; địa chỉ và số điện thoại nhà mình, hoặc số điện thoại của ba mẹ;

- Biết mình là trai hay gái và có ứng xử phù hợp với giới tính của bản thân;

- Nói được khả năng và sở thích của bản thân.

- Biết đề xuất những trò chơi và hoạt động thể hiện sở thích của bản thân. 5 - Kỹ năng tự tin và tự trọng

- Trẻ biết chấp nhận và cố gắng thực hiện công việc được giao;

- Trẻ biết hài lòng khi hoàn thành công việc;

- Chủ động và độc lập trong một số hoạt động đơn giản hằng ngày;

- Mạnh dạn bày tỏ ý kiến của bản thân: phát biểu ý kiến hoặc trả lời các câu hỏi của người khác một cách tự tin, rõ ràng, tự nhiên, lưu loát, không sợ sệt, e ngại.

6 - Kỹ năng cảm nhận và thể hiện cảm xúc

- Trẻ có khả năng nhận biết trạng thái cảm xúc vui, buồn, tức giận, sợ hãi, ngạc nhiên, xấu hổ,… qua tranh, qua nét mặt, cử chỉ, giọng nói của người khác;

- Biết bộc lộ cảm xúc vui, buồn, tức giận, sợ hãi, ngạc nhiên, xấu hổ,…

- Biết an ủi hoặc chia vui với người thân và bạn bè;

- Quan tâm, thích thú đối với các hiện tượng trong thiên nhiên;

- Thích chăm sóc cây cối, con vật thân thuộc;

- Thay đổi hành vi và thể hiện cảm xúc phù hợp với hoàn cảnh;

- Cố gắng kiềm chế những cảm xúc tiêu cực. 7- Kỹ năng hợp tác với người khác

- Trẻ biết lắng nghe ý kiến của bạn, người khác;

- Biết trao đổi ý kiến của mình với các bạn;

- Biết tìm cách để giải quyết mâu thuẫn;

- Chấp nhận sự phân công của nhóm bạn và người lớn, thể hiện ở việc: Nhận và thực hiện vai của mình trong trò chơi của nhóm; tham gia vào việc tổ chức các sự kiện của nhóm;

- Sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ đơn giản cùng người khác. 8 - Kỹ năng thích ứng trong quan hệ xã hội

- Trẻ biết được hành động hoặc việc làm của mình ảnh hưởng đến người khác như thế nào;

- Biết chào hỏi, xưng hô lễ phép với người lớn, cảm ơn, xin lỗi,...

- Biết đề nghị sự giúp đỡ của người khác khi cần thiết;

- Biết lắng nghe ý kiến, trao đổi, thỏa thuận, chia sẻ kinh nghiệm với bạn;

- Biết tìm cách giải quyết mâu thuẫn: dùng lời, nhờ sự can thiệp của người khác, chấp nhận nhường nhịn,…

- Biết được một số hành vi đúng hoặc sai của con người đối với môi trường;

- Có hành vi bảo vệ môi trường trong sinh hoạt hằng ngày. 9 - Kỹ năng tôn trọng người khác

- Trẻ nói được khả năng và sở thích của bạn bè và người thân;

- Chấp nhận sự khác biệt giữa người khác với mình;

- Nhận ra sự không công bằng trong nhóm bạn và biết cách tạo lại sự công bằng.

10 - Kỹ năng sử dụng lời nói

Trẻ thể hiện khả năng sử dụng lời nói trong cuộc sống hằng ngày:

Xem tất cả 154 trang.

Ngày đăng: 19/05/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí