Kỹ năng mềm - Th.S Phạm Thị Cẩm Lệ Phần 2 - 5

đáng kể cuộc đời của bạn không?”; Trì hoãn: “Vậy nên tôi quan sát hành vi này trong lớp học, và thử đoán xem tôi nhận thấy gì?”

Hai cách đầu, lấy ý kiến và tìm kiếm sự xác nhận là những câu hỏi đóng không có câu trả lời sai. Còn hai cách cuối, khơi gợi suy nghĩ và trì hoãn, lại chủ ý được dùng để kích thích khán giả, áp dụng bài nói chuyện vào cuộc sống của chính họ hoặc khơi gợi trí tưởng tượng của họ.

Đặt ra các câu hỏi thích hợp, liên quan đến nội dung vừa trình bày, bạn sẽ đưa người nghe vào cuộc để họ suy nghĩ và tham gia thảo luận cùng chia sẻ quan điểm riêng.

Một lưu ý cuối cùng là hãy ngừng lại và gật đầu công nhận những suy nghĩ không nói thành lời của khán giả sau khi nhận câu hỏi. Việc này sẽ duy trì cuộc đối thoại hai chiều ngay cả khi khán giả không thể hồi đáp bằng lời.

Chơi trò điền vào chỗ trống. Bạn hãy yêu cầu những người tham dự đoán một con số hay một vài chữ nào đó để điền vào một chỗ trống trong một câu bạn đã soạn sẵn ra và chiếu trên slide. Chắc chắn người tham dự sẽ hào hứng suy nghĩ và thi nhau đoán để điền trúng thứ cần điền vào chỗ trống. Và đó là thông điệp bạn muốn gửi đến khán giả.

Trò chơi nhận thức hay các bài tập. Terry, giám đốc điều hành một công ty trang trí nội thất cho rằng các nhà bán lẻ sản phẩm phải biết đầu tư thời gian, công sức, phải có lòng kiên trì và thái độ sẵn sàng dấn thân thì mới gặt hái được những kết quả lớn lao nhất trong công cuộc kinh doanh. Ông đã trình bày ý tưởng này đến người tham dự qua một hoạt động nho nhỏ sau:

Nói xong vài ba ý căn bản, ông ngưng lại một chút rồi nói: “Lúc này, tôi muốn cho ai đó ít tiền.” Nghe nói, khán giả đều ngồi thẳng lưng lên một chút và hướng người về phía trước. Ông rút trong ví ra tờ năm đô-la. “Ai muốn có năm đô-la này?” Một vài cánh tay đưa lên. Ông bước xuống phía khán giả và trao tờ tiền cho một người đưa tay sớm nhất. “Đấy, dễ thế đấy, phải không các bạn?” Mọi người đều gật

đầu đồng ý. Rồi ông rút ra tờ hai mươi đô-la. “Nếu muốn có tờ này, làm ơn bước lên phía sân khấu.” Một vài người rời chỗ và chạy lên hướng sân khấu. Ông trao tờ 20 đô-la cho người lên đầu tiên. “Bây giờ, tôi sẽ cho đi tờ 100 đô-la này. Ai muốn có nó nào?” Mọi cánh tay trong phòng đều đưa lên. Rồi ông nói: “Được rồi, các bạn sẽ phải làm vài việc để có tờ tiền này. Xin các bạn vui lòng nhìn vào ví tiền của mình. Nếu ai có ba tờ tiền, bất kể mệnh giá nào, có ngày phát hành bằng hoặc trước năm 2006, người đó sẽ nhận được tờ 100 đô-la này.” Một số người tham dự trông có vẻ lúng túng; những người khác thì ngại rút ví mình ra; số khác rút ví, lôi cả xấp tiền ra và bắt đầu xem ngày phát hành, nhưng rồi lắc đầu bỏ tiền lại vào ví. Có một cánh tay đưa cao. Terry nói: “Chúng ta đã có người thắng cuộc rồi!” Anh kia tiến lên sân khấu; Terry cầm lấy ba tờ tiền và kiểm tra ngày, rồi trao cho anh ta tờ 100 đô-la. Sau cùng, Terry bắt đầu giải thích rằng có ba cấp độ thành công đối với những người làm công việc bán lẻ. Đối với những ai ngồi và đợi thành công thì sẽ nhận được tiền lời ở mức tối thiểu. Những người chịu khó đứng lên, cố gắng một chút thì được số lời ở mức trung bình. Nhưng những ai sẵn sàng cam kết dành nhiều nỗ lực hơn sẽ nhận được thành công ở mức cao nhất.

Chuẩn bị một phần thảo luận. Hãy khuyến khích các cuộc đối thoại. Hãy đề nghị người nghe chia thành cặp hoặc nhóm để thảo luận với nhau về các vấn đề hay ý tưởng nào đó. Hoạt động này đóng vai trò khá quan trọng. Người nghe bao giờ cũng sẽ dễ nhớ lại những gì chính họ nói và làm. Bằng cách đưa người nghe vào các cuộc thảo luận như thế và để họ thoải mái nói lên ý kiến của mình, bạn sẽ làm gia tăng đáng kể sức tác động của thông điệp bạn muốn trình bày.

Yêu cầu người tình nguyện. Khán giả thường vui lòng tiến lên sân khấu để viết thứ gì đó vào bảng, hoặc canh giúp đồng hồ, hoặc phân phát tài liệu tham khảo nào đó,... nếu được bạn yêu cầu. Nghĩa là hầu như ai tham dự cũng sẵn lòng hỗ trợ bạn điều gì đó nếu bạn đề nghị. Bạn cần tận dụng điều này để lôi kéo họ nhiệt tình tham gia vào buổi thuyết trình của bạn.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 68 trang tài liệu này.

Mời gọi khán giả “tưởng tượng”. Một trong những cách truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất đến khán giả là gợi cho họ tự xét mình thật sâu sắc. Khán giả càng hình dung chính họ tham gia vào câu chuyện hay ý tưởng của bạn cụ thể bao nhiêu, họ càng có khả năng thực hiện hành động thay đổi thế giới bấy nhiêu. Và may thay, có một từ kỳ diệu sẽ kích hoạt được não bộ mường tượng bất kỳ điều gì ngay lập tức: tưởng tượng.

Trong bài diễn thuyết của mình tại diễn đàn TED Ấn Độ năm 2009, Jane Chen đã chia sẻ ý tưởng về một lồng ấp chi phí thấp có khả năng cứu sống hàng triệu trẻ em sinh non ở các nước đang phát triển. Cô bắt đầu bài phát biểu của mình như sau: Xin mời các bạn hãy nhắm mắt và mở bàn tay ra. Bây giờ, hãy tưởng tượng những thứ bạn có thể nắm giữ trong bàn tay mình: một quả táo, hay có thể là chiếc ví. Giờ bạn hãy mở mắt ra. Nếu đó là một sinh linh thì sao? Khi hỏi, “Nếu đó là một sinh linh thì sao?”, Chen đã trình chiếu bức ảnh của Anne Geddes, chụp một hài nhi bé bỏng đang ngủ trong đôi bàn tay già nua.

Kỹ năng mềm - Th.S Phạm Thị Cẩm Lệ Phần 2 - 5

Trong ví dụ này, câu hỏi có đủ tính trừu tượng để hình ảnh bổ sung được nét đặc trưng và cường độ cảm xúc. Để mọi người tự do tưởng tượng đa phần là cách hay nhất. Trí tưởng tượng bay bổng cũng lý giải vì sao sách luôn hay hơn phim ảnh.

Sau khi đề nghị khán giả tưởng tượng, bạn phải cho họ một khoảng lặng vừa đủ để họ xây dựng một hình ảnh sống động hoặc soát lại trong trí nhớ một ký ức phù hợp. Điều này đòi hỏi một khoảng lặng lâu hơn nhiều so với khoảng thời gian mà nhiều diễn giả vốn cảm thấy thoải mái – tức tối thiểu từ 3 đến 5 giây. Khi các diễn giả chuyên nghiệp yêu cầu khán giả tưởng tượng, họ sẽ cố gắng kết hợp cả năm giác quan – thị giác, khứu giác, xúc giác, vị giác và thính giác.

Nên dùng các hình ảnh so sánh, đối chiếu, ẩn dụ, nhân cách hóa, nhằm gợi sự liên tưởng, làm nội dung thêm sống động hơn. Chẳng hạn, “Quý vị hãy tưởng tượng rằng hành trình một tinh trùng gặp được trứng cũng giống như cuộc đua của hàng triệu người bơi qua một dòng sông đầy acid, dài khoảng 1.800 cây số, bằng từ TP.

Hồ Chí Minh ra Hà Nội, trong thời gian 72 giờ đồng hồ với bao sóng to, gió lớn và hiểm nguy. Và chỉ có một tinh trùng đủ sức tồn tại và gặp được trứng, rồi từ đó bạn ra đời. Tất cả đã hy sinh để bạn được sống...”

Giao lưu với khán giả. Hãy đặt thật nhiều câu hỏi mở để khán giả tự nói chuyện với bạn và cuối cùng bạn là người chốt lại vấn đề. Hãy cho khán giả thấy bạn có vẻ dễ thương hơn và gần gũi hơn. Thuyết trình không phải là một mình bạn nói, hãy hỏi khán giả để cùng thảo luận và tìm ra câu trả lời, khán giả được tương tác sẽ hào hứng và bị hút vào bài nói chuyện của bạn.

Đưa khán giả đi qua nhiều cung bậc cảm xúc nhất có thể. Những diễn giả được nhớ đến nhiều nhất luôn đưa khán giả của họ qua nhiều cung bậc cảm xúc nhất có thể. Thông qua nghiên cứu những biểu hiện cực nhỏ từ nhiều nền văn hóa, Ekman đã xác định được sáu kiểu cảm xúc cơ bản, đó là: giận dữ, căm ghét, sợ hãi, hạnh phúc, buồn bã và ngạc nhiên. Trong thuyết Vòng tròn cảm xúc dễ nhớ và trực quan của ông, Plutchik cũng phân cảm xúc thành bốn cặp: vui-buồn, tin tưởng-chán ghét, sợ hãi giận dữ và ngạc nhiên-đề phòng.

Để thuyết phục, diễn giả phải khơi gợi được những cảm xúc tích cực của người nghe (chẳng hạn yêu thương, thèm khát, hy vọng, hay xúc động) cũng như những cảm xúc tiêu cực của họ (như oán giận, bực tức). Bạn có thể làm điều đó bằng cách dùng các hình ảnh so sánh, ẩn dụ. Càng khơi gợi cảm xúc của thính giả, diễn giả càng có nhiều cơ hội để thuyết phục họ. Con người thường dễ bị thu hút vào những người tỏ ra đầy cảm xúc và nhiệt tình về những điều họ đang nói.

Với năng lượng tích cực được chuẩn bị, bạn sẽ tự tin và dễ dàng làm chủ bản thân để có thể thể hiện các trạng thái tình cảm khác nhau, hay các cung bậc cảm xúc khác nhau phù hợp với từng nội dung của bài thuyết trình:

- Một nội dung gây hứng thú: Hãy thể hiện sự nhiệt tình, hào hứng.

- Một tin buồn: Hãy thể hiện sự nghiêm trang, nghiêm túc, sự cảm thông.

- Một nội dung tạo tình cảm: Hãy thể hiện lòng yêu thương

- Một nội dung cần sự chia sẻ: Hãy thể hiện sự quan tâm.

- Một đoạn đối thoại: Hãy nhập vai, đóng giả giọng điệu và cảm xúc của từng nhân vật trong đoạn đối thoại.

Cảm xúc chuyên chở lời nói, làm cho lời nói ý nghĩa. Nếu cảm xúc thể hiện ra không phù hợp với thông điệp, người nghe sẽ không tin vào thông điệp.

3.3 Cách kết thúc ấn tượng


Thời gian kết thúc bài thuyết trình là thời điểm thu hút sự tập trung chý ý của người nghe. Phần kết chính là cơ hội cuối cùng để bạn tạo ấn tượng lâu dài đọng lại trong lòng người nghe. Hãy tạo ra phần kết rõ ràng và dứt khoát để người nghe khỏi phải ngơ ngẩn, bất ngờ theo kiểu “Sao, đã xong rồi sao? Chỉ có thế thôi sao?”. Trong phần kết, bạn phải dõng dạc nhấn mạnh lại những thông điệp quan trọng đã trình bày để người nghe có thể ghi nhớ. Tùy theo nội dung bài thuyết trình, bạn xây dựng những cách kết khác nhau như:

Tóm tắt những điểm chính. Mặc dù trong khi trình bày diễn giả cũng thường có xu hướng tóm lại một số ý chính nhưng vấn đề là người nghe có khi cũng không thật sự ghi nhớ. Người nghe thường có xu hướng “không phân biệt được thứ gì với thứ gì”. Một chính trị gia người Ailen đã từng khuyên những người làm công tác thuyết trình như sau: “Trước tiên hãy nói cho người nghe biết bạn sẽ trình bày cho họ nghe điều gì. Sau đó hãy nói cho họ biết bạn vừa trình bày điều gì xong”. Trên thực tế thì mọi người cũng nên theo lời khuyên này. Đây là một cách rất hay để củng cố thêm sức mạnh thông điệp bạn đã trình bày, bởi vì hầu hết khán giả đều cần được nhắc đi nhắc lại về một điểm nào đó thì họ mới có thể ghi nhớ lâu được.

Đưa ra kêu gọi hành động. Nếu bạn đang tiến hành chiến dịch vận động tranh cử, bạn có thể kêu gọi “Hãy bỏ phiếu cho tôi!” hoặc bạn có thể kêu gọi người nghe tiến hành một cuộc nghiên cứu, xem lại một đề xuất, hay chấp nhận một chức vụ công việc.

Đưa ra lời khen ngợi ngắn gọn, chân thật. Pennsylvania sẽ là hòn đá tảng trong sản xuất kinh doanh. Chưa bao giờ tương lai tươi sáng lại mở ra đối với Pennsylvania như lúc này, và cũng chưa bao giờ cơ hội để trở thành bang dẫn đầu cũng sáng lạng như vậy. Chỉ với những câu đó, Charles Schwab kết bài trình bày của mình trong hội nghị Xã hội Pennsylvania của New York. Ông đã làm cho khán giả hài lòng, tin tưởng vào tương lai của Pennsylvania.

Phần kết hài hước. George Coban đã từng nói: “Luôn luôn để lại tiếng cười cho mọi người khi bạn nói lời tạm biệt”. Nếu bạn có khả năng làm được như thế thì rất tốt. Nhưng một câu hỏi đặt ra là nên thực hiện như thế nào bây giờ nhỉ? Mỗi người phải thực hiện theo những cách riêng của mình vì nó còn phụ thuộc vào khả năng của từng người.

Kết thúc với một câu trích dẫn hoặc dùng một đoạn thơ. Các châm ngôn hoặc những đoạn thơ hay có thể góp phần tạo ra một phần kết thúc cao trào. Bạn nên tập thói quen sưu tầm các châm ngôn, danh ngôn, trích dẫn, cùng các đoạn thơ ngắn nhưng hấp dẫn. Tập hợp chúng lại trong cuốn sổ ghi chép hay trong tập tin văn bản máy tính, để có thể dùng khi cần thiết. Tuy có vẻ đơn giản, nhưng việc lồng ghép vào phần kết các câu danh ngôn hoặc các đoạn thơ phù hợp với đề tài, sẽ tạo ra ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Nếu bạn có thể tự sáng tác ra những câu thơ để kết cho bài của mình thì thật tuyệt vời. Như vậy bài nói sẽ mang dấu ấn cá nhân bạn rất nhiều, mọi người chắc chắn sẽ cảm phục tài thơ của bạn.

Kết thúc bằng một câu chuyện. Khán giả bao giờ cũng thích nghe những câu chuyện hay, bất kể bạn kể ra lúc nào, họ cũng sẵn sàng đón nghe và hưởng ứng. Tận dụng điều này, trong phần kết thúc, bạn có thể dùng phần kết để kể nốt câu chuyện bạn đã mở màn trong phần đầu hay giữa buổi thuyết trình. Bạn có thể kể những mẩu chuyện có tính khơi dậy óc tò mò rất cao, nhưng không vội để cho khán giả biết ngay phần kết câu chuyện, mà đợi đến lúc kết thúc chương trình mới nói ra; và như

thế, phần kết thúc sẽ luôn thỏa mãn được khán giả. Bạn cũng phải kể thật ngắn gọn (đừng quá hai phút và lý tưởng thì ít hơn hai phút).

3.4 Một số thủ thuật khi thuyết trình


Đối phó với với sự lo lắng. Hầu hết mọi người đều cảm thấy lo âu đôi chút trước khi phải diễn thuyết trước mặt mọi người dù rằng họ đã chuẩn bị kỹ và biết rõ cách để thể hiện nó. Có thể nhận thấy ngay nỗi lo lắng, run sợ của nhiều diễn giả qua ngôn ngữ cơ thể của họ trên sân khấu. Không có khán giả nào nghĩ bạn tự tin khi nhìn thấy cơ thể bạn căng cứng với cử chỉ, động tác hệt như một chú robot. Một vài phương pháp sau giúp sự bồn chồn của bạn trở nên dễ quản lý hơn.

Đi tản bộ: Hãy giảm thiểu căng thẳng bằng cách đi dạo bộ một chút. Hoạt động này vừa giúp làm nóng các cơ, vừa để bạn ôn lại một lượt những chủ điểm sắp trình bày.

Duỗi cơ: Trước giờ nói chuyện, hãy tìm một chỗ vắng vẻ để làm giãn cơ thể. Để các nhóm cơ bớt căng, bạn hãy nhẹ nhàng liên tục xoay đầu và vai theo chiều kim đồng hồ và ngược lại; rồi duỗi cơ mặt bằng cách há miệng càng to càng tốt và xoay tròn hàm dưới.

Thả lỏng cơ thể và hít thở sâu: Để giải tỏa năng lượng lo lắng ngay trước khi bước lên sân khấu, bạn nên thả lỏng hoàn toàn mọi cơ bắp trên người bạn trừ những phần giúp bạn đứng thẳng. Bạn nắm chặt rồi thả lỏng bàn tay một vài lần để đối phó với phản ứng của hệ thần kinh giao cảm (andrenaline rush). Tiếp theo, tập trung vào nhịp thở của bạn. Hãy thở thật chậm và thong thả bằng cơ hoành, kéo đầy hơi xuống bụng. Khi hít vào bụng phồng lên, giữ hơi vài nhịp và thóp bụng lại khi thở ra. Nếu bạn làm đúng, vai của bạn sẽ không lắc lư. Thời gian hít vào phải ngắn hơn thời gian thở ra. Thở ra lâu hơn là cách đưa thông điệp thư giãn tới não bộ.

Thêm nữa, hãy để ghi chú của bạn trong túi áo hoặc túi quần. Có thể bạn không bao giờ cần đến chúng, nhưng nỗi lo sợ vô thức của bạn sẽ lắng dịu khi có chúng ở

đấy. Lưu ý là không để thứ gì khác trong túi áo quần ngoài ghi chú của bạn trước khi bước lên sân khấu.

“Kế hoạch B”. Hãy luôn chuẩn bị một “kế hoạch B”, chẳng hạn như đề cương một trang (nên ưu tiên) hoặc một bản sao in các slide của bạn.

Dùng tự thoại tích cực. Hầu hết các nhà tâm lý đều cho rằng hành động tự thoại tích cực sẽ giúp gia tăng đáng kể sự tự tin của mỗi con người. Bạn phải liên tục tự nhủ rằng bạn sẽ nói chuyện thành công, rằng người nghe sẽ tích cực hưởng ứng bạn. Hãy tự nói với mình rằng: “Tôi là người tự tin, bởi hơn ai hết, tôi hiểu rõ những gì mình sẽ trình bày. Tôi là chuyên gia, và khán giả sẽ chăm chú nuốt lấy từng lời của tôi.”

Khơi dậy cảm xúc tích cực. Khi các diễn viên diễn một vai nào đó và họ muốn truyền tải một trạng thái cảm xúc nhất định của nhân vật, họ cần khơi dậy cảm xúc đó trong chính họ. Họ nhớ đến một tình huống trong cuộc sống khi họ cảm nhận cảm xúc ấy một cách rõ ràng, tái tạo lại cảm xúc ấy trong trí tưởng tượng và sau đó sẽ bắt đầu cảm nhận được cảm xúc ấy một cách nhanh chóng. Kỹ thuật của thế giới diễn xuất này sẽ giúp các bạn. Hãy nhớ đến một lần trong đời bạn cảm thấy thật sự hứng khởi và tái hiện tình huống đó trong tâm trí. Hãy cảm nhận lại sự hứng khởi ấy, liên kết nó với ước muốn chia sẻ cho người nghe điều gì đó – điều mà bạn cảm thấy thực sự có giá trị, xứng đáng với công sức cũng như thì giờ của bạn và của mọi người. Ước muốn hay hứng khởi rất dễ lan truyền. Tập trung vào những vấn đề quan trọng muốn truyền đạt đến người nghe sẽ giúp bạn bớt nghĩ về bản thân, và đây là một cách khá hữu hiệu để đẩy lùi nỗi sợ.

Hãy hồi tưởng lại một tình huống bạn từng trải qua khiến bạn thấy hoàn toàn tin tưởng vào bản thân. Có thể bạn đã nói hoặc làm gì đó bạn chắc chắn 100%. Hãy tái hiện lại tình huống đó rõ ràng hết mức có thể và cảm nhận những gì bạn đã cảm thấy tại thời điểm đó sẽ giúp bạn xây dựng một cảm giác tự tin.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 23/01/2024