Cơ Sở Phát Triển Kinh Tế Du Lịch Tỉnh Vĩnh Phúc

Làng rắn Vĩnh Sơn (Thị trấn Vĩnh Tường, huyện Vĩnh Tường). Trong các thư tịch cổ đã nhắc tới Vĩnh Sơn là một làng săn bắt rắn lớn nhất Bắc Bộ. Ngày xưa từ việc săn bắt rắn, người dân Vĩnh Sơn đã biết chăn nuôi thuần dưỡng các loại rắn độc và chế biến các sản phẩm từ rắn như: nuôi rắn để làm thịt, chế biến rượu rắn, cao rắn, kinh nghiệm đó được duy trì và truyền lại cho đến ngày nay. Đối với người dân Vĩnh Sơn có thể nói, con rắn ngoài giá trị làm vị thuốc chữa bệnh và bồi bổ sức khoẻ còn có giá trị về kinh tế đem lại nguồn thu cao, tạo công ăn việc làm và phát triển du lịch, dịch vụ.

Làng gốm Hương Canh (xã Hương Canh, huyện Bình Xuyên). Nghề gốm ở đây có từ lâu đời. Tương truyền, sau khi đánh bại Quận Hẻo Nguyễn Danh Phương, triều đình Lê - Trịnh đã phái quan Nội Hầu Trịnh Xuân Biền về phủ dụ dân chúng. Thấy xóm làng xơ xác tiêu điều, dân chúng phiêu bạt, những người hồi cư không kế sinh nhai, ông Trịnh Xuân Biền đã giúp dân phục hồi sản xuất nông nghiệp và đem người đến dạy dân làm nghề. Khi ông qua đời, dân làng thương tiếc, lập miếu thờ, tôn ông làm sư tổ nghề gốm.

Làng gốm Hương Canh chuyên làm vại, chĩnh, chậu, lọ, tiểu sành. Gốm Hương canh xưa nay rất được ưa chuộng, chống được nước thẩm thấu, ngăn được ánh sáng, giữ được bền hương vị nguyên chất của những thứ đựng bên trong.

Làng nghề mây tre đan Triệu Xá (xã Triệu Đề, huyện Lập Thạch). Làng nghề nổi tiếng với các mặt hàng chủ yếu là những vật dụng trong gia đình như: thúng, mủng, nia, rổ, rá và các công cụ lao động nông nghiệp ở ngoài đồng ruộng trước kia như gầu dai, gầu sòng. Sản phẩm Triệu Xá có mặt ở thị trường khắp các tỉnh Bắc Bộ.

Ngoài các giá trị văn hóa nêu trên, Vĩnh Phúc còn có thể khai thác các nguồn tài nguyên nhân văn khác phục vụ du lịch như ca múa nhạc dân tộc, các món ăn từ lâm thổ sản phong phú của địa phương mình.

Vĩnh Phúc vốn là miền đất văn hiến giàu chất dân gian, là xứ sở của những làn điệu dân ca đặc sắc như hát trống quân, hát ghẹo, hát ví giao duyên,

hát Soọng Cô, hát Sình Ca... Các trò chơi dân gian của Vĩnh Phúc cũng rất độc đáo như trò tung còn của dân tộc Cao Lan, chọi trâu, đu bay, leo cầu ùm, bắt chạch cầu đinh, bắt vịt trong ao, đánh đáo đá, trò tả cáy, tục đả cầu cướp phết, bơi chải...

Về ẩm thực, Vĩnh Phúc có nhiều đặc sản hiếm có như cá anh vũ, xôi trứng kiến, cùng với nhiều món ăn đặc trưng của các dân tộc Sán Dìu, Cao Lan và các món dân dã như vó cần, cá thính, nem chua, bánh hòn Hội Hợp, các đặc sản vùng miền như rau Su Su Tam Đảo, tép dầu Đầm Vạc… Đây là các thành tố văn hóa có giá trị phục vụ cho phát triển du lịch Vĩnh Phúc.

Tiểu kết chương 1


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 121 trang tài liệu này.

Bên cạnh những thuận lợi về vị trí địa lí, hạ tầng giao thông, Vĩnh Phúc còn là địa phương giàu tiềm năng du lịch với hệ thống tài nguyên du lịch tự nhiên, du lịch sinh thái (rừng, núi, hồ, đầm…) và du lịch nhân văn phong phú, hấp dẫn, có giá trị. Các giá trị văn hóa lịch sử cũng là một trong những dạng tài nguyên du lịch quan trọng. Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 967 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 228 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 60 di tích cấp quốc gia có giá trị cao đối với phát triển du lịch.

Đó là những lợi thế to lớn, là tiền đề quan trọng cho sự phát triển nhanh và bền vững của ngành Du lịch, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu GDP và cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống người dân.

Kinh tế du lịch tỉnh Vĩnh Phúc từ năm 1997 đến năm 2016 - 5

Chương 2

HOẠT ĐỘNG KINH TẾ DU LỊCH VĨNH PHÚC TỪ NĂM 1997 ĐẾN NĂM 2016‌

2.1. Cơ sở phát triển kinh tế du lịch tỉnh Vĩnh Phúc

2.1.1. Chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và tỉnh Vĩnh Phúc về Du lịch

Du lịch được Đảng ta xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn nhằm tạo đà, động lực thúc đẩy những điều kiện để hội nhập kinh tế trong xu thế toàn cầu hoá nền kinh tế hiện nay. Đồng thời với tính chất mũi nhọn của mình kinh tế du lịch còn tạo ra những động lực mạnh mẽ để khai thác một cách có hiệu quả những tiềm năng điều kiện thuận lợi trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội nước ta. Những đặc điểm của nước ta về lịch sử, nhân văn phong phú và một nền kinh tế non trẻ còn nhiều tiềm năng, hứa hẹn nhiều cho phát triển kinh tế du lịch. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI (12-1986) Đảng ta đã xác định: phải nhanh chóng khai thác các điều kiện thuận lợi của đất nước để mở mang Du lịch bằng vốn trong nước và hợp tác với nước ngoài [44].

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VII của (1991) khi nói về phát triển kinh tế du lịch một lần nữa Đảng ta chỉ rõ phải phát triển du lịch, vận tải hàng không, thông tin bưu điện quốc tế và các hoạt động khác.

Từ năm 1991, khi điều kiện quốc tế thay đổi, sự vận động của kinh tế quốc tế tác động mạnh đến kinh tế nước ta việc phát triển kinh tế du lịch được Đảng ta xác định là một ngành mũi nhọn cho sự phát triển và hội nhập đất nước. Đặc biệt là khi quan hệ đối ngoại của nước ta được rộng mở việc Mĩ bỏ lệnh cấm vận Việt Nam và việc Việt Nam tham gia vào các tổ chức quốc tế và khu vực càng thúc đẩy nhanh chóng sự phát triển của kinh tế du lịch. Đây là cơ hội để Du lịch phát triển với đúng tư cách là một ngành kinh tế.

Nghị quyết số 92/NQ-CP về “Một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kì mới” ngày 08/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định: Các cấp, các ngành cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, đem lại hiệu quả tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nhiều việc làm, xóa đói giảm nghèo; tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm môi trường cho phát triển du lịch. Tăng cường hỗ trợ của nhà nước, bảo đảm an ninh, an toàn để thu hút khách và phát triển du lịch, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chủ trương xây dựng Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020 [27]. Từ đó đến nay, kinh tế du lịch Việt Nam có sự phát triển vượt bậc.

Sau khi tái lập tỉnh (1997), ngành Du lịch, khách sạn, nhà hàng, phục vụ cá nhân và cộng đồng được tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá là “ngành công nghiệp không khói”, nhiều tiềm năng và có thể đem lại hiệu quả cao nên đã được tỉnh chú trọng hơn.

Tháng 6 năm 1998, Ủy ban nhân dân Tỉnh Vĩnh Phúc thông qua báo cáo tóm tắt “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế du lịch tỉnh Vĩnh Phúc thời kì 1998- 2010”. Báo cáo đã đánh giá được tiềm năng và hiện trạng phát triển kinh tế du lịch Vĩnh Phúc, vị trí của du lịch Vĩnh Phúc trong chiến lược phát triển du lịch của cả nước và chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đồng thời báo cáo nêu ra những quan điểm, mục tiêu, chiến lược phát triển du lịch Vĩnh Phúc trong thời kì 1998- 2010.

Ngày 06 tháng 6 năm 2011, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ra Quyết định số 1335/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn 2030”. Theo đó, đến năm 2015, Du lịch Vĩnh Phúc xác định rõ hướng phát triển, tạo được hình ảnh đặc trưng riêng phù hợp với tiềm năng du lịch của Tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020, Du lịch trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế, Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung

tâm dịch vụ, du lịch của vùng và của cả nước. Phát triển đa dạng các loại hình du lịch: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với vui chơi, giải trí đáp ứng nhu cầu khách du lịch các mùa trong năm và du lịch cuối tuần; quan tâm phát triển và khai thác tiềm năng du lịch văn hoá, tâm linh; mở rộng thêm các lĩnh vực du lịch, dịch vụ phục vụ hội thảo, phát triển mô hình du lịch kết hợp với thăm quan, học tập kinh nghiệm; tạo ra những sản phẩm du lịch có thương hiệu, mang nét đặc trưng riêng của Vĩnh Phúc. Cho đến nay, du lịch Vĩnh Phúc đã phần nào khẳng định được thế mạnh là du lịch nghỉ dưỡng và du lịch tâm linh. Theo Quyết định phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, Vĩnh Phúc nằm trong vùng du lịch Đồng bằng Sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, thuộc tiểu vùng Thủ đô, riêng khu Du lịch Tam Đảo là một trong 46 khu du lịch quốc gia được ưu tiên đầu tư 250 triệu USD trong giai đoạn 2011 - 2030 [5].

Quan điểm của Tỉnh là tạo bước phát triển mạnh mẽ và bền vững cho Du lịch Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển trước mắt và lâu dài. Phát triển du lịch gắn với chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của Tỉnh, chiến lược phát triển vùng Thủ đô Hà Nộivà vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, gắn với mục tiêu vì con người, nâng cao chất lượng cuộc sống. Phát huy nội lực, đồng thời huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển Du lịch. Khai thác có hiệu quả tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên và nguồn tài nguyên nhân văn. Xây dựng các khu du lịch chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế. Phát triển du lịch phải đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, bản sắc văn hoá của dân tộc; bảo vệ môi trường, giữ gìn nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc đã quy hoạch và triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch bằng nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý, tập trung chủ yếu vào các hạng mục công trình như đường giao thông, điện chiếu sáng, cấp, thoát nước. Vĩnh Phúc cũng đã thuê các đơn

vị tư vấn lập quy hoạch chi tiết các khu Tam Đảo I, Đại Lải và Tây Thiên. Ngành Du lịch xác định trước mắt cần tập trung vào những khu du lịch trọng điểm của tỉnh như Khu Du lịch Tam Đảo - khu Tam Đảo I, Tam Đảo II, Khu Di tích Danh thắng Tây Thiên (tiếp tục triển khai để hoàn thành Dự án Khu Trung tâm lễ hội Tây Thiên, trước đó Dự án xây dựng hệ thống cáp treo dài 2,5 km tại Trung tâm văn hóa lễ hội Tây Thiên do Công ty Cổ phần Đầu tư Lạc Hồng làm chủ đầu tư đã khánh thành ngày 7/3/2012 góp phần làm tăng lượng khách đến với danh thắng này); Đại Lải (hiện Flamingo Đại Lải Resort vẫn tiếp tục phát triển thêm các hạng mục, Dự án Paradise Đại Lải Resort đang được triển khai, nghiên cứu triển khai Dự án Trường đua ngựa Đại Lải); Đầm Vạc (Dự án Khu đô thị sinh thái Nam Đầm Vạc),…

Vĩnh Phúc đang tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư. Tỉnh huy động mọi nguồn lực để cải thiện môi trường đầu tư; chủ động dành quỹ đất cho các dự án đầu tư du lịch. Từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực du lịch, tổ chức các hoạt động dịch vụ du lịch bài bản, chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách. Khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, cảnh quan thiên nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn, trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử văn hoá gắn với bảo vệ môi trường - tài nguyên. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh bạn, đặc biệt là các địa phương có ngành Du lịch phát triển. Tạo bước phát triển mạnh mẽ và bền vững, khẳng định vai trò của du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn và phấn đấu đưa Du lịch Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn mang tầm cỡ Quốc gia.

Ngoài ra, Vĩnh Phúc có được sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ trong việc nâng cấp hạ tầng du lịch. Là địa phương đang đẩy nhanh sự phát triển công nghiệp, dịch vụ, vì vậy Vĩnh Phúc đã và đang đứng trước cơ hội với sự hỗ trợ lớn từ phía nhà nước trong việc nâng cấp và phát triển hạ tầng nói chung, hạ tầng du lịch nói riêng. Đây được xem là một trong những yếu tố quan trọng

hàng đầu để phát triển du lịch. Thực tế trong những năm qua cho thấy mức hỗ trợ đối với du lịch Vĩnh Phúc là hàng trăm tỷ đồng. Đường lên Tam Đảo, đến Đại Lải, Tây Thiên... nhận được sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Cùng với sự phát triển kinh tế địa phương, hệ thống các cơ sở dịch vụ, du lịch của Vĩnh Phúc cũng được đầu tư nhiều cả về số lượng và chất lượng, từ hệ thống ngân hàng, bưu chính - viễn thông đến nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí…

2.1.2. Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ du lịch

2.1.2.1. Cơ sở hạ tầng

Vĩnh Phúc có mạng lưới giao thông phát triển với 3 loại hình giao thông chính là đường bộ, đường sắt và đường sông. Hệ thống giao thông phân bố khá hợp lý, mật độ đường giao thông cao, đảm bảo thông thương và giao lưu kinh tế, phát triển du lịch giữa các địa phương trong và ngoài Tỉnh.

Tổng chiều dài đường bộ qua địa phận tỉnh Vĩnh Phúc là 4.058,4 km, với các tuyến QL 2, 2B, 2C và 23 đi qua. Trong đó tuyến QL 2 là tuyến QL đối ngoại với các tỉnh vùng đông bắc Bắc Bộ xuyên suốt từ các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang chạy dọc theo chiều dài của tỉnh Vĩnh Phúc về Hà Nội và nối liền đến các tỉnh phía nam. Phía nam QL 2 được nối thông với QL 18 nối từ sân bay quốc tế Nội Bài đi cảng nước sâu Cái Lân (Quảng Ninh) rất quan trọng cho việc chuyên chở hàng hóa và vận tải hành khách của Vĩnh Phúc. Phía Bắc QL 2 qua cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang) sang đất Trung Quốc rất thuận lợi cho việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, giao lưu văn hóa và phát triển du lịch quốc tế. Đối với các tỉnh vùng tây bắc Bắc Bộ, qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai với chiều dài 245 km đi qua 5 tỉnh, thành (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai) và tiếp giáp với Trung Quốc. Trục giao thông mở ra cơ hội phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch Vĩnh Phúc với các tỉnh của khu vực tây bắc Bắc Bộ, với Thủ đô Hà Nội và với các tỉnh đồng bằng sông Hồng.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 06/06/2023