Kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc và bài học kinh nghiệm với Việt Nam - 8

nhà xưởng, cung cấp vốn... mà còn là nơi đào tạo về quản lý, hỗ trợ lập kế hoạch kinh doanh, cung cấp các dịch vụ hành chính, xây dựng mạng lưới kinh doanh, hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn về quyền sở hữu trí tuệ và hỗ trợ tìm nguồn tài chính... Thực tế, ở Hàn Quốc, tính đến hết năm 2006, 268 vườn ươm doanh nghiệp đã hoạt động rất có hiệu quả, hơn 4.200 SMEs đã được “ươm tạo” thành công ở đây.

Ngoài ra, nhằm mục tiêu khơi dậy và nâng cao tinh thần kinh doanh, đặc biệt đối với lớp trẻ, nhiều chương trình đào tạo, câu lạc bộ và nhiều cuộc thi khuyến khích lập nghiệp cũng đã được đưa ra. Mỗi năm, khoảng 100 khóa đào tạo về kỹ năng khởi nghiệp và quản lý kinh doanh được mở ra tại các trường đại học và các viện nghiên cứu. Hoạt động của 518 câu lạc bộ nhà doanh nghiệp tương lai tại 200 trường đại học của Hàn Quốc cũng đã thu hút được sự tham gia đông đảo của hơn

16.000 sinh viên. Tại 80 trường phổ thông trung học, các chương trình đào tạo kinh doanh thí điểm cũng đã được tổ chức. Hiệu quả là, ngay từ cấp phổ thông, những học sinh yêu thích kinh doanh đã có cơ hội được tiếp cận và trực tiếp tham gia vào các hoạt động khởi sự doanh nghiệp.

1.3.2 Chính sách hỗ trợ tài chính

Tài chính luôn là yếu tố đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng đến mọi kế hoạch và hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình hình tài chính của SMEs lại luôn gặp khó khăn bởi nguồn vốn tự có (vốn riêng của chủ doanh nghiệp, vốn góp của các cổ đông, bạn bè, họ hàng) hạn hẹp, thêm vào đó khả năng tiếp cận các nguồn tài chính lớn từ bên ngoài, đặc biệt là các khoản vay từ Ngân hàng cũng không mấy thuận lợi. Nguyên nhân chính là do các ngân hàng thường có điều kiện về tài sản thế chấp chặt chẽ trong khi các SMEs ít khi có đủ tài sản. Bản thân nhiều SMEs cũng chưa đủ sức lập các kế hoạch kinh doanh có hiệu quả, không đưa ra được các chiến lược kinh doanh dài hạn để thuyết phục các ngân hàng thương mại cho vay. 60% SMEs thường không có bảng cân đối ngân sách, cân đối thu nhập và báo cáo tài chính chưa chính xác, rõ ràng, không có đủ độ tin cậy, gây khó khăn trong việc thẩm định tín dụng của ngân hàng. Vì vậy thiếu vốn là một trở ngại lớn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các SMEs Hàn Quốc.

Nhằm giúp SMEs khắc phục những khó khăn trên, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ về mặt tài chính. Có thể kể đến như:

-Chính sách ưu đãi tín dụng

Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính phải dành một tỷ lệ nhất định về tín dụng để cung cấp cho các SMES. Cụ thể, chính phủ quy định tỷ lệ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại quốc gia (nationwide banks) là phải dành 45% tín dụng cho các SMEs vay, còn đối với các ngân hàng thương mại địa phương (provincial banks) thì tỷ lệ tối thiểu phải là 60%. Các chi nhánh của các ngân hàng nước ngoài cũng được yêu cầu phải dành 35% tín dụng cho các SMEs. Ngoài ra, một số tổ chức trung gian tài chính khác như các công ty đầu tư tài chính, công ty bảo hiểm cũng là các đối tượng được Chính phủ giao nhiệm vụ cung cấp tín dụng cho SMEs. Thực tế, quy định về tỷ lệ bắt buộc này của Chính phủ đã hỗ trợ rất nhiều cho các SMEs trong việc vay vốn. Lượng tín dụng mà các ngân hàng dành cho khu vực doanh nghiệp này đã tăng lên đáng kể, từ mức gần 90 nghìn tỷ Won tính đến hết năm 1999 lên mức hơn 22.500 tỷ Won trong năm 2005. Với những khoản tín dụng này các SMEs đã khắc phục được nhiều khó khăn về mặt tài chính đồng thời có điều kiện để mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của mình.

Không chỉ quy định về tỷ lệ tín dụng bắt buộc, Chính phủ Hàn Quốc còn chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho SMEs vay với mức lãi suất ưu đãi. Kết quả là, trong vòng chưa đầy 7 năm từ năm 1999 đến hết tháng 9 năm 2005, mức lãi suất cho vay đối với SMEs đã giảm mạnh từ mức 10,89%/năm trong năm 1999 xuống còn 5,78%/năm (tháng 9 năm 2005) (Bảng 2.11, xem phụ lục). Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi để các SMEs mạnh dạn tiếp cận các nguồn vốn từ phía ngân hàng.

Đặc biệt, nhằm hỗ trợ tối đa về tài chính cho các SMEs, chính phủ Hàn Quốc còn thiết lập các tổ chức tài chính đặc biệt, chuyên đảm nhận việc cung cấp tín dụng ưu đãi cho các SMEs như ngân hàng công nghiệp Hàn Quốc (IBK) và Quỹ chính sách dành cho SMEs.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 124 trang tài liệu này.

Ngân hàng IBK là một cơ quan tài chính chính sách của Nhà nước do Chính phủ Hàn Quốc thành lập năm 1961 nhằm hỗ trợ và xây dựng tài chính cho các SMEs. IBK là một ngân hàng lớn với tổng tài sản lên tới 90 tỷ USD và lợi nhuận ròng 80 triệu USD. Trong suốt 40 năm hoạt động, IBK đã thường xuyên hỗ trợ tài chính cho các SMEs, xếp vị trí thứ nhất về thị phần cho vay đối với SMEs, và được

bầu là ngân hàng mà các SMEs ưa chuộng nhất. Tính đến hết năm 2006, 83% tổng lượng cho vay của ngân hàng IBK là dành cho SMEs, tương đương 30.376,6 tỷ Won, chiếm 16,2% tổng lượng cho vay mà các ngân hàng nội địa dành cho khu vực SMEs. Đặc biệt, IBK chú trọng hỗ trợ các SMEs hoạt động trong lĩnh vực sản xuất. Cụ thể, 66% lượng tín dụng mà IBK cấp cho các SMEs trong năm 2006 là dành cho các doanh nghiệp này.

Kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc và bài học kinh nghiệm với Việt Nam - 8

Ngoài ngân hàng IBK, Hàn Quốc còn có các quỹ chính sách dành cho SMEs. Các quỹ này được hình thành từ nguồn vốn ngân sách của Nhà nước, có chức năng hỗ trợ SMEs trong các hoạt động khởi nghiệp, đầu tư trang thiết bị, cải tổ bộ máy và ứng dụng công nghệ mới thông qua việc cấp vốn cho các SMEs với mức lãi suất thấp. Các SMEs được đánh giá là có tiềm năng tăng trưởng cao hoặc hoạt động trong các ngành công nghiệp được ưu tiên theo quy định của Chính phủ sẽ được quyền vay vốn với mức lãi suất ưu đãi (thấp hơn lãi suất vay ngân hàng từ 2,5- 3%) trong thời hạn 3-8 năm. Riêng trong năm 2006, các quỹ này đã cho SMEs vay tới hơn 3 tỷ USD.

-Bảo lãnh tín dụng:

Khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp, đặc biệt là các SMEs thường gặp phải khi vay vốn ngân hàng là không có tài sản thế chấp hoặc tài sản bị các ngân hàng định giá với giá trị thấp. Đứng trước thực tế này, nhiều tổ chức bảo lãnh tín dụng của Hàn Quốc đã ra đời. Đây sẽ là các tổ chức đóng vai trò là người trung gian đắc lực giữa ngân hàng và SMEs trong việc thẩm định dự án của doanh nghiệp và kiến nghị ngân hàng cho vay. Quan trọng hơn cả là các tổ chức này sẽ đứng ra bảo lãnh cho những khoản vay còn thiếu thế chấp và trả nợ thay cho các doanh nghiệp nếu doanh nghiệp chưa có khả năng trả nợ. Năm 1976, Quỹ bảo lãnh tín dụng- KCGF (Korea Credit Guarantee Fund) được thiết lập. Đây là một tổ chức công có chức năng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ toàn diện cho SMEs. KCGF có 84 chi nhánh văn phòng, hơn 2.200 nhân viên và có số vốn ban đầu là 3 tỷ USD. Khi nhận bảo lãnh, KCGF thường không yêu cầu các SMEs phải có tài sản thế chấp, nếu có cũng chỉ ở mức thế chấp nhỏ. Phí bảo lãnh sẽ thay đổi từ 0,5% đến 2,0% tổng số tiền bảo lãnh tùy theo mức xếp hạng về tín dụng của các SMEs. (Bản 2.12, xem phụ lục)

Theo Luật bảo lãnh tín dụng, mức bảo lãnh tín dụng tối đa mà quỹ này được thực hiện là không vượt quá 20 lần vốn chủ sở hữu của nó. Trong đó mức bảo lãnh “trần” đối

với một doanh nghiệp là 3 tỷ Won. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, khi doanh nghiệp được xác định là có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân thì mức “trần” khi đó có thể lên tới 10 tỷ Won. Thực tế, tính đến hết năm 2004, KCGF đã cấp nhiều thư bảo lãnh tín dụng cho các SMEs với tổng số tiền bảo lãnh là 32,1 tỷ USD.

Ngoài KCGF, năm 1987, Chính phủ còn thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng công nghệ- KOTEC (Korea Technology Credit Guarantee Fund), nhằm mục đích chuyên cung cấp dịch vụ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp muốn vay vốn để cải tổ bộ máy và hiện đại hóa dây chuyền sản xuất. Đây là tổ chức được đánh giá là có mạng lưới hoạt động rộng khắp, đội ngũ nhân viên có năng lực cao và hệ thống hỗ trợ hiệu quả. Tính đến tháng 7 năm 2005, KOTEC đã cấp 84 tỷ USD tiền bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp, trong đó, 67 tỷ USD (tương đương 80% tổng mức bảo lãnh) là dành cho hoạt động ứng dụng công nghệ mới.

Theo giới kinh doanh của Hàn Quốc, KCGF và KOTEC chính là “cứu cánh” giúp các SMEs thoát khỏi tình trạng “khát vốn” hiện nay.

- Những ưu đãi về thuế

Những quy định liên quan đến những ưu đãi về thuế để thúc đẩy SMEs rất đa dạng.

Để hỗ trợ các SMEs mới thành lập, Chính phủ Hàn Quốc quy định SMEs được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 50% đến 100% trong 4 năm đầu hoạt động và miễn giảm 20% đến 30% thuế thu nhập trong hai năm tiếp theo. Đối với các SMEs hoạt động ở vùng nông thôn, Chính phủ có hình thức khuyến khích là miễn toàn bộ thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 3 năm đầu và giảm 50% thuế thu nhập trong 2 năm tiếp theo.

Để khuyến khích đầu tư mới, 15% tài sản (5% nếu là nhập khẩu) sử dụng vì mục đích thay thế hệ thống sản xuất lỗi thời được phép hao tổn trong việc tính toán thu nhập phải đóng thuế.

Đối với hoạt động khai thác thị trường bên ngoài, 2% thu nhập nước ngoài có thể được tính là khoản hao tổn, so với 1% của các doanh nghiệp lớn.

Để khuyến khích SMEs riêng lẻ sáp nhập với nhau, Chính phủ đã miễn nhiều loại thuế khác nhau. Ví dụ, miễn thuế thu nhập do có sự thay đổi này. Thuế doanh thu và thuế đăng ký áp dụng cho các tài sản kinh doanh cũng được miễn do có sự thay đổi này.

Đặc biệt, trong năm 2008, hải quan Hàn Quốc đã đưa ra chương trình hỗ trợ đặc biệt đối với các SMEs. Theo kế hoạch này, Hải quan Hàn Quốc sẽ phối hợp với các cơ quan tài chính khác, như cơ quan thuế nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nợ thuế dưới 100 triệu Won với điều kiện những doanh nghiệp này phải nộp 5% số tiền thuế và đưa ra được kế hoạch nộp thuế của mình. Kể từ tháng 3 năm nay, dự tính đã có

1.072 đối tượng chậm nộp thuế với số tiền 30,8 tỉ Won được hưởng lợi từ chính sách này. Ngoài ra, Hải quan Hàn Quốc còn khởi xướng một chiến dịch hoàn thuế cho các doanh nghiệp trong trường hợp số tiền thuế là quá cao. Các doanh nghiệp được hưởng lợi từ chiến dịch này sẽ là các SMEs sản xuất và các doanh nghiệp mới thành lập, có thành tích trong công tác xuất khẩu và không có tiền sử trốn thuế. Tổng số tiền thuế cao nhất có thể được hoàn lại là 15 tỉ Won. Tuy nhiên chiến dịch này chỉ kéo dài trong 3 tháng và sẽ kết thúc vào tháng 6 năm nay (2008). Cũng nằm trong kế hoạch hỗ trợ này của Hải quan Hàn Quốc, các doanh nghiệp tạm thời gặp trục trặc về tín dụng sẽ được gia hạn nộp thuế và được nộp làm nhiều lần. Năm ngoái tại nước này đã cho phép gia hạn nộp thuế là 6 tháng và nộp làm 3 lần khác nhau, tổng số 160 doanh nghiệp đã được gia hạn thêm với số tiền thuế khoảng 20 tỉ Won.

1.3.3 Chính sách hỗ trợ về marketing

Nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng trở nên đa dạng và có xu hướng thay đổi nhanh chóng. Năng lực về marketing trên thị trường quốc tế cũng như trong thị trường nội địa vì thế đóng vai trò hết sức quan trọng đối với các doanh nghiệp. Chỉ những doanh nghiệp có khả năng tìm kiếm thị trường mới với những chiến lược marketing năng động cho phép nắm bắt nhanh chóng các nhu cầu của thị trường và người tiêu dùng thì mới có thể tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như thế. Tuy nhiên, rõ ràng không phải doanh nghiệp nào cũng có được khả năng đó, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ như các SMEs.

Sớm nhận thức được vấn đề này, ngay từ những năm 1960, Chính phủ Hàn Quốc đã cho thành lập nhiều cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ hỗ trợ cho hoạt động marketing của doanh nghiệp, đặc biệt là các hoạt động marketing xuất khẩu. Trong đó, tổ chức lớn nhất là Cơ quan xúc tiến thương mại Hàn Quốc (KOTRA). Thành lập năm 1962, KOTRA là một tổ chức trực thuộc chính phủ có chức năng cung cấp nhiều loại hình dịch vụ cho các doanh nghiệp trong nước như cung cấp các thông tin về thị

trường nước ngoài, nghiên cứu thị trường, hỗ trợ các hoạt động tham gia hội chợ và marketing của doanh nghiệp ở nước ngoài, đồng thời phối hợp với nhiều tổ chức dịch vụ khác như dịch vụ bảo hiểm xuất khẩu.... nhằm cho phép trợ giúp tối đa cho các doanh nghiệp. Trong thời gian đầu hoạt động, KOTRA chủ yếu hỗ trợ các doanh nghiệp lớn, nhưng do hầu hết các doanh nghiệp này đều có khả năng hoạt động độc lập một cách hiệu quả nên mọi sự hỗ trợ của KOTRA được tập trung giành cho các SMEs. KOTRA hoạt động tại 65 quốc gia, hỗ trợ cho gần 7000 doanh nghiệp Hàn Quốc. Năm 1969, KOTRA đã thành lập công ty thương mại Hàn Quốc (KTC) có chức năng cung cấp các dịch vụ nhận làm đại lý xuất/nhập khẩu cho các SMEs. Tuy nhiên, khác với KOTRA, KTC không hoạt động theo hình thức thu phí đóng góp của các doanh nghiệp thành viên mà hoạt động hoàn toàn trên cơ sở thương mại (tức là các SMEs muốn KTC làm đại lý cho mình thì phải trả “tiền thuê”). Hai thời kỳ hoạt động mạnh nhất của cả KOTRA và KTC là nửa đầu thập niên 70 (sau đó suy giảm trong những năm 1979 và 1982) và giai đoạn từ 1983 đến nay.

Các nguồn hỗ trợ chính đối với hoạt động marketing của doanh nghiệp không chỉ xuất phát từ phía Chính phủ mà còn từ phía khu vực tư nhân. Hiệp hội các nhà kinh doanh Hàn Quốc (KTA) là một ví dụ. Đây là một hiệp hội có quy mô hoạt động lớn đóng vai trò là người đại diện cho quyền lợi của các công ty thương mại thuộc mọi ngành nghề, lĩnh vực trong nền kinh tế Hàn Quốc. KTA chủ yếu tập trung vào các hoạt động mang tính chất quan hệ công chúng và vận động hành lang, đồng thời khuyến khích chia sẻ thông tin giữa các doanh nghiệp. Ngoài KTA, còn có Hiệp hội hợp tác các SMEs, thành lập năm 1962 dưới sự hỗ trợ của chính phủ. Hiệp hội này là một mạng lưới các hiệp hội ngành nghề có chức năng cung cấp các dịch vụ marketing, chia sẻ thông tin, đào tạo và đóng vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp trong nước với khách hàng nước ngoài. Ưu thế của hiệp hội này là cung cấp những dịch vụ có tính chuyên môn cao (do bao gồm nhiều hiệp hội ngành nghề).

Bên cạnh việc thiết lập các trung tâm hỗ trợ, chính phủ còn đưa ra nhiều chương trình và biện pháp nhằm khuyến khích, thúc đẩy hoạt động phát triển thị trường của SMEs. Tiêu biểu là các chương trình:

- Chương trình mua hàng cho các SMEs (bắt đầu thực hiện từ năm 1981). Theo đó, nhằm mục tiêu mở rộng thị trường cho SMEs, Cục quản lý SMEs (SMBA)

đã yêu cầu các tổ chức công hỗ trợ cho SMEs bằng cách ưu tiên mua hàng của các doanh nghiệp này. Nói cách khác, khi có nhu cầu mua sắm hàng hóa, trước hết các tổ chức công phải tìm đến các nhà cung cấp là các SMEs, chỉ khi nào SMEs không có hoặc không đủ khả năng đáp ứng thì các tổ chức này mới được phép mua hàng từ các doanh nghiệp lớn hoặc những mặt hàng nhập khẩu từ nước ngoài. Thực tế, chương trình đã giúp rất nhiều SMEs vừa ổn định được lượng cầu nội địa lại vừa có điều kiện để mở rộng thị trường tiêu thụ của mình.

- Chương trình hỗ trợ các SMEs tham gia hội chợ triển lãm quốc tế ở nước ngoài: Tham gia hội chợ triển lãm được đánh giá là một trong những phương thức nhanh nhất và hiệu quả nhất để các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm của mình đến với khách hàng, đặc biệt là các khách hàng nước ngoài. Tuy nhiên chi phí và công tác chuẩn bị cho việc tham gia hội chợ lại không hề đơn giản. Do vậy, hàng năm, nhằm khuyến khích hoạt động xuất khẩu của các SMEs, thông qua SMBA, chính phủ Hàn Quốc đã cử nhiều phái đoàn thương mại trực tiếp đi tham dự các hội chợ triển lãm, nhằm tìm hiểu thông tin và giúp SMEs tìm kiếm cơ hội thâm nhập vào thị trường các nước.

- Chương trình hỗ trợ, cung cấp thông tin về mạng lưới đấu thầu quốc tế (International Procurement Market): khối lượng giao dịch mỗi năm trên mạng lưới đấu thầu quốc tế là hơn 2 nghìn tỷ Won. Tuy nhiên, thị phần của SMEs trong mạng lưới thị trường rộng lớn này mới chỉ đạt 0,2%, tương đương 4 tỷ USD. Nhằm nỗ lực nâng cao thị phần của SMEs trong mạng lưới đấu thầu quốc tế, thông qua hệ thống sàn giao dịch điện tử B2G- doanh nghiệp với chính phủ (www.b2g.go.kr), Cục quản lý SMEs Hàn Quốc- SMBA đã cung cấp nhiều thông tin cho các SMEs về hoạt động đấu thầu quốc tế, nhà thầu chính và việc giao kết hợp đồng... Ngoài ra SMBA còn đứng ra tổ chức các chương trình đào tạo và hội thảo tập huấn về nghiệp vụ tham gia đấu thầu, tư vấn cho các SMEs từ khâu chuẩn bị dự án gồm có lập, đánh giá báo cáo quy hoạch, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi; đến khâu thực hiện dự án gồm có khảo sát, lập thiết kế, tổng dự toán và dự toán, lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu, giám sát thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị.

- Chương trình hỗ trợ các SMEs đạt được chứng nhận chuẩn quốc tế: đây là chương trình thúc đẩy xuất khẩu thông qua việc hỗ trợ các SMEs nhận được các

nhãn chứng nhận đạt chuẩn chất lượng Quốc tế mà các nước nhập khẩu thường yêu cầu. Từ đó giúp nâng cao uy tín, thương hiệu của các SMEs, cho phép sản phẩm xuất khẩu của các doanh nghiệp này có thể dễ dàng vượt qua những rào cản phi thuế quan tại các thị trường nhập khẩu. Tính đến nay, SMBA đã hỗ trợ các SMEs nhận được 87 nhãn chứng nhận, trong đó có nhãn CE (Conformity European) của Châu Âu và nhãn NRTL (Nationally Recognized Testing Laboratory) của Mỹ/ Canada.

1.3.4 Chính sách hỗ trợ về công nghệ

Trong nền kinh tế tri thức, khả năng cạnh tranh của các SMEs được quyết định bởi tri thức và năng lực đổi mới, đặc biệt là đổi mới về công nghệ. Tuy nhiên, cũng như SMEs của nhiều quốc gia khác trên thế giới, do khả năng tài chính có hạn, SMEs Hàn Quốc thường gặp nhiều khó khăn trong việc hiện đại hóa và nâng cao trình độ công nghệ của mình. Do vậy, nhằm khuyến khích các SMEs không ngừng đổi mới và phát triển, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra nhiều chính sách và biện pháp hỗ trợ khác nhau về công nghệ đối với các SMEs.

* Trước hết, đó là việc mở rộng và thành lập nhiều tổ chức hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ cho các SMEs

Trong những năm 1960, tại Hàn Quốc, một vài trung tâm hỗ trợ về kỹ thuật và công nghệ đã được thành lập, tuy nhiên nguồn hỗ trợ này mới chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn và phải đến nửa cuối của thập niên 70, những tổ chức này mới mở rộng phạm vi hỗ trợ cho cả các doanh nghiệp quy mô nhỏ.

Năm 1973, một mạng lưới các tổ chức hỗ trợ công nghệ đã được thành lập, đứng đầu là Ủy ban tiến bộ công nghiệp (IAA) trực thuộc Bộ Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc (MTI). Mạng lưới này có chức năng liên kết các tổ chức hỗ trợ công nghệ của các doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp nhỏ với nhau.

Nằm dưới sự quản lý của IAA còn có 1 trung tâm kỹ thuật công nghiệp quốc gia (NITI) và 11 trung tâm kỹ thuật công nghiệp địa phương (RITIs) chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật tại chỗ cho các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Theo đó, sau khi nhận được yêu cầu từ phía doanh nghiệp, NITI và RITIs sẽ cử các chuyên gia của mình trực tiếp tới hỗ trợ kỹ thuật cho các SMEs. Thực tế, năm 1982, 158 SMEs đã nhận được sự trợ giúp tiện ích này, đến năm 1992, số lượng các SMEs nhận được hỗ trợ đã tăng lên đạt mức 884 SMEs và trong năm 2004 là 1.307 SMEs.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 05/05/2022