thức khá sâu sắc về tầm quan trọng của R&D, tuy nhiên so với yêu cầu thực tế và so với các doanh nghiệp lớn, đầu tư cho R&D của SMEs Hàn Quốc vẫn còn rất “khiêm tốn”. Năm 2005, tỷ lệ đầu tư cho R&D của SMEs mới chỉ chiếm 3,53% tổng doanh thu và năm 2006, tỷ lệ này có tăng lên nhưng cũng mới chỉ dừng ở mức 3,58%. Hệ quả là rất nhiều SMEs vẫn phải sản xuất với chi phí đắt đỏ, năng lực cạnh tranh chưa thật cao, sản phẩm làm ra của Hàn Quốc vì thế rơi vào tình trạng “bị kẹp” giữa một bên là hàng Trung Quốc giá rẻ với một bên là hàng Nhật Bản công nghệ cao.
- Năng lực xuất khẩu trực tiếp của SMEs còn thấp. Hoạt động xuất khẩu của các SMEs chủ yếu vẫn diễn ra một cách gián tiếp thông qua hình thức thầu phụ hoặc gia công cho các doanh nghiệp lớn hơn. Nguyên nhân là do năng lực sản xuất của SMEs chưa đủ mạnh. Khối lượng sản phẩm sản xuất ra của mỗi cá nhân doanh nghiệp thường chưa đủ lớn để đáp ứng những đơn đặt hàng từ nước ngoài. Bên cạnh đó, do thiếu chủ động và khả năng tiếp cận các nguồn thông tin thị trường nên việc trực tiếp tìm được các hợp đồng xuất khẩu đối với các SMEs là chưa phổ biến.
- Thêm vào đó, mặc dù nhiều năm trở lại đây, chính sách SMEs của Hàn Quốc đã chuyển từ hình thức bảo hộ là chính sang nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng khả năng sáng tạo cho các SMEs, nhưng thực tế, so với nhiều nền kinh tế phát triển khác như Úc và Canada, Hàn Quốc vẫn duy trì nhiều chính sách nặng về bảo vệ. Chính sách bảo hộ kiểu này có thể có tác động tiêu cực đối với các Hiệp định thương mại tự do và các hiệp định song phương và khiến các SMEs của Hàn Quốc gặp khó khăn trong việc nâng cao năng lực tự bảo vệ mình.
CHƯƠNG III
BÀI HỌC RÚT RA TỪ KINH NGHIỆM PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA CỦA HÀN QUỐC ĐỐI VỚI VIỆT NAM
I. NHỮNG NÉT TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT GIỮA HÀN QUỐC VÀ VIỆT NAM
1. Về điều kiện tự nhiên, dân số
1.1 Điều kiện tự nhiên
Về vị trí địa lý, Việt Nam và Hàn Quốc đều nằm trên hai bán đảo thuộc khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Việt Nam nằm ở phía Đông trên bán đảo Đông Dương thuộc khu vực Đông Nam Á, còn Hàn Quốc nằm trên bán đảo Triều Tiên, một bán đảo trải dài 1.000 km thuộc phần Đông Bắc của lục địa châu Á.
Có thể bạn quan tâm!
- Hoạt Động Đầu Tư Trực Tiếp Ra Nước Ngoài Của Smes
- Kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc và bài học kinh nghiệm với Việt Nam - 8
- Một Vài Đánh Giá Về Quá Trình Phát Triển Smes Của Hàn Quốc
- Thực Trạng Năng Lực Cạnh Tranh Của Các Smes Việt Nam
- Đổi Mới Thể Chế Về Đất Đai Và Hỗ Trợ Mặt Bằng Sản Xuất, Kinh Doanh
- Xây Dựng Và Phát Triển Thương Hiệu Doanh Nghiệp
Xem toàn bộ 124 trang tài liệu này.
Về địa hình, khoảng hai phần ba lãnh thổ Hàn Quốc là đồi núi, diện tích đất canh tác chỉ chiếm khoảng 20%, song nền kinh tế nông nghiệp vẫn đóng vai trò đặc biệt trong đời sống dân cư của Hàn Quốc. Nói cách khác, cũng giống như Việt Nam, Hàn Quốc rất coi trọng sản xuất nông nghiệp. Việc phát minh ra dụng cụ đo lượng mưa từ thế kỷ 19 đã giúp cho sản lượng nông nghiệp Hàn Quốc tăng đáng kể trong thời kỳ này. Ngoài ra, do cũng nằm trong vành đai gió mùa Đông Á, khí hậu Hàn Quốc cũng được phân biệt thành bốn mùa, thời tiết đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trồng trọt và canh tác phát triển. Chính nền văn hóa nông nghiệp dựa trên lao động gia đình đã tạo cơ sở cho việc hình thành những hộ lao động, sản xuất nhỏ sau này.
So với quy mô lãnh thổ, bán đảo Triều Tiên có số lượng sông suối tương đối lớn. Hệ thống đường thủy đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành lối sống của người Hàn và trong cả công cuộc công nghiệp hóa đất nước. Về mặt này, có thể nói Hàn Quốc và Việt Nam có khá nhiều điểm tương đồng. Nếu như ở Hàn Quốc, sông Amnokgang (Yalu, 790km) và Dumangang (Tumen, 521km) đã mang lại cho dân cư nơi đây nhiều giá trị kinh tế và văn hóa thì sông Hồng và sông Cửu Long của Việt Nam cũng đã mang lại cho quốc gia này hai vùng đồng bằng đầy trù phú, phì phiêu.
Về tài nguyên thiên nhiên, trong khi Hàn Quốc được biết đến là một nước nghèo tài nguyên thì Việt Nam lại là một quốc gia “Rừng vàng biển bạc”. Có vẻ như Việt Nam đã được thiên nhiên ưu đãi hơn với một số lượng đáng kể những mỏ khoáng sản trên đất liền, rừng tự nhiên và một số mỏ dầu khí, quặng khoáng sản ngoài khơi. Phát triển loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ giúp Việt Nam khai thác mọi nguồn tài nguyên phong phú, đồng thời cũng giúp Hàn Quốc có thể sử dụng triệt để và hiệu quả nguồn tài nguyên vốn ít ỏi của mình.
1.2 Dân số
Hàn Quốc cũng được xem là một quốc gia đông dân cư, tuy nhiên so với Việt Nam, dân số của Hàn Quốc mới chỉ bằng hơn một nửa. Tính đến hết năm 2005, dân số của Hàn Quốc ước tính khoảng 48.294.000 người, trong khi đó dân số của Việt Nam là hơn 83.535.000 người. Tốc độ tăng dân số của Việt Nam cũng cao hơn so với Hàn Quốc. Năm 2005, tỉ lệ gia tăng dân số của Việt Nam là 1,33%, của Hàn Quốc là 0,44% và ước tính sẽ giảm xuống còn 0,01% vào năm 2020. Điều này dẫn đến một khuynh hướng đáng chú ý trong nhân khẩu học của Hàn Quốc là dân số đang già đi theo từng năm. Con số thống kê vào năm 1999 cho thấy 6,9% dân số của Hàn Quốc ở độ tuổi 65 trở lên nhưng đến năm 2005, con số này đã tăng lên đạt mức 9,1%. Rõ ràng, dân số đông là cơ sở cho nguồn lao động dồi dào, tuy nhiên số lượng người cao tuổi tăng lên cùng với xu hướng kết hôn muộn khiến cho số lượng lao động trẻ cần thiết cho xã hội ít đi đang trở thành một mối lo ngại không nhỏ đối với Hàn Quốc. Còn đối với Việt Nam cơ cấu dân số hiện nay phần lớn là dân số trẻ, do vậy, phát triển kinh tế ở Việt Nam có nhiều thuận lợi vì có một nguồn lao động dồi dào.
Về phân bổ dân cư thì cũng giống như Việt Nam, đại đa số dân cư của Hàn Quốc đều sinh sống ở đồng bằng, đặc biệt tập trung nhiều ở các thành phố. Do vậy cả Việt Nam và Hàn Quốc đều phải lưu ý khi xây dựng các chính sách phát triển SMEs để đảm bảo có sự phát triển cân bằng và hợp lý giữa các vùng trong cả nước.
2. Về chính trị, văn hóa, xã hội
2.1 Chính trị
Cả Hàn Quốc và Việt Nam cùng có lịch sử dựng nước trên 4000 năm, từng bị ngoại bang xâm lấn nhiều lần và chiếm đóng. Xưa kia đều bị đế chế Hán chia cắt
đất nước thành các quận huyện để cai trị. Nhưng, nếu Việt Nam từng có vĩ tuyến 17 ngày và đêm thì Hàn Quốc và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên ngày nay lại vẫn đang bị chia cắt bởi vĩ tuyến 38, sau một cuộc nội chiến giữa miền Bắc theo cộng sản và miền Nam không theo cộng sản. Trong cuộc hội đàm gần đây giữa hai nhà lãnh đạo cao nhất của cơ quan lập pháp hai nước, Chủ tịch quốc hội Hàn Quốc Lim Chae Jung đã chia sẻ: Hàn Quốc mong muốn được học hỏi kinh nghiệm thống nhất đất nước của Việt Nam.
Một điểm đáng lưu ý nữa về chính trị của Hàn Quốc và Việt Nam là: mặc dù Việt Nam theo chế độ xã hội chủ nghĩa còn Hàn Quốc theo chế độ tư bản chủ nghĩa nhưng cũng giống như Hàn Quốc ở những năm đầu của thời kỳ phát triển, đứng đầu Chính phủ Việt Nam hiện nay là những nhà chính trị hiểu rõ những ưu tiên của đất nước. Đồng thời, cũng giống như Hàn Quốc dưới thời Tổng thống Park Chung-hee, Việt Nam là một quốc gia có thể chế chính trị nhất nguyên. Điều này đảm bảo sự ổn định và thống nhất trong đường lối phát triển kinh tế và xã hội.
2.2 Văn hóa
Cũng giống như Việt Nam, Hàn Quốc có một nền văn hóa lâu đời, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc với nhiều lễ hội, trò chơi dân gian, những hình thức nghệ thuật phong phú như nhạc tế lễ Jongmyo, múa mặt nạ Talchum, nghệ thuật thêu Jasu... Nhắc tới Hàn Quốc, người ta cũng không thể không kể đến những nét tinh hoa văn hóa thể hiện qua những món ăn, lễ phục như kim chi, rượu soju và áo Hanbok. Các ngành thủ công truyền thống như sản xuất tơ lụa, gốm sứ cũng hết sức phong phú. Ngay cả trong thời đại công nghệ kỹ thuật phát triển như hiện nay, những nét văn hóa ấy không những không mai một mà còn được bổ sung, đa dạng hóa cùng với nhiều bước tiếp thu văn hóa thế giới, gồm cả văn hóa phương Tây, một nền văn hóa tưởng chừng như đối lập.
Những nét tính cách của người dân Hàn cũng có thể xem là một trong những bản sắc văn hóa độc đáo. Có lẽ do cùng xuất phát từ nền văn hóa nông nghiệp và cùng coi trọng tư tưởng Nho giáo, nên người Hàn Quốc và người Việt Nam đều rất cần cù, chăm chỉ, thông minh sáng tạo, nỗ lực vươn lên và đặc biệt đều rất giàu tinh thần nhân nghĩa. Mối tương đồng về văn hóa, tính cách được thể hiện ngay trong
tâm hồn, tư duy, phong thái sống, mực thước hành động và phương thức ứng xử luôn lịch thiệp, nhã nhặn của người dân.
Cũng giống như Việt Nam, người Hàn Quốc có truyền thống coi trọng giáo dục, coi đây là một phương tiện để hoàn thiện con người và phục vụ cho sự tiến bộ xã hội. Các trường học hiện đại đã được mở cửa vào những năm 1880. Và ngày nay, Hàn Quốc tự hào là một trong những nước có tỷ lệ dân số biết chữ cao nhất thế giới, và một thực tế được thừa nhận là trình độ học vấn cao của người Hàn Quốc chính là yếu tố quan trọng góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế nhanh mà đất nước này đã đạt được trong những thập kỷ qua.
2.3 Xã hội
Cũng giống như tình cảm làng xóm, quê hương thân thiết, gắn bó như ở Việt Nam, một đặc trưng quan trọng trong xã hội Hàn Quốc là tinh thần cộng đồng, cố kết dân tộc và đặc biệt là tình cảm họ hàng, đồng môn, đồng hương... thân thiết. Xã hội luôn biết kính trọng người già, nhân viên luôn biết đề cao, coi trọng cấp trên và đặc biệt mọi cá nhân đều có ý thức lấy sự trung thành với đất nước, với doanh nghiệp làm niềm vinh quang lớn.
Xã hội bao gồm những cộng đồng người tự giác, có ý thức cao về những trách nhiệm phải hoàn thành và kế thừa mà không cần có ai ra lệnh. Họ nhận thức sâu sắc rằng tận tình đóng góp và cống hiến cho tập thể (đây có thể là gia đình, lớp học, trường học, cơ quan...) là tốt đẹp và đúng đắn. Điều đó sẽ không chỉ mang lại sự phồn vinh cho tập thể, mà còn mang lại sự giàu có cho đất nước và tất yếu mang lại lợi ích và vinh quang cho chính bản thân họ.
Tuy nhiên, cũng giống như ở Việt Nam hiện nay, việc mở cửa hợp tác giao lưu thương mại rộng rãi với nước ngoài từ lâu đã giúp kinh tế Hàn Quốc phát triển, song bên cạnh đó, lối kinh doanh, phong cách sống thiên về lợi ích cá nhân của nhiều người nước ngoài, đặc biệt là các nước phương Tây tuy chưa làm mất đi nhưng cũng đang ít nhiều ảnh hưởng tới tinh thần cộng đồng đáng quý của người dân Hàn Quốc. Do vậy, yêu cầu đặt ra là Chính phủ của hai nước Hàn Quốc và Việt Nam cần đặc biệt quan tâm đến việc đưa ra những biện pháp thích hợp nhằm một
mặt tiếp tục phát huy quan hệ hợp tác quốc tế nhưng mặt khác vẫn phải duy trì được những truyền thống tốt đẹp của xã hội.
3. Về kinh tế
Mặc dù sau chiến tranh, cả Việt Nam và Hàn Quốc đều phải gánh chịu những hậu quả, thiệt hại nặng nề về người và của. Thế nhưng, với sự trợ giúp của Mỹ, Hàn Quốc chỉ mất hơn 10 năm để khôi phục kinh tế và chưa đầy 20 năm để làm cho nền kinh tế đó cất cánh, trở thành một nước công nghiệp phát triển mới (NICS). Trong khi đó, kinh tế Việt Nam suốt một thời gian dài lại bị Mỹ cấm vận và cô lập. Kể từ năm 1986, cùng với chính sách đổi mới và mở cửa, Việt Nam mới bắt đầu có điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển kinh tế. Có thể nói, xét về mặt trình độ, kinh tế Việt Nam đã đi sau Hàn Quốc đến gần 30 năm. Hàn Quốc bắt đầu giai đoạn tăng trưởng kinh tế nhanh từ nửa đầu thập kỷ 60, trong khi đó phải đến nửa đầu những năm 1990, kinh tế Việt Nam mới bắt đầu tăng trưởng. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc cao hơn Việt Nam trên 30 lần. Hệ thống cơ sở hạ tầng của Việt Nam còn thiếu thốn, lạc hậu, tác phong quản lý kinh doanh vẫn mang tính quan liêu bao cấp, hệ thống tài chính, luật pháp nói chung chưa hoàn thiện, còn lỏng lẻo, nhiều yếu kém, trong khi đó Hàn Quốc đã phát triển, có nhiều kinh nghiệm quản lý tiên tiến vã kỹ thuật cao.
Về chính sách kinh tế, cũng giống như Hàn Quốc trong những năm đầu thập niên 70, Việt Nam hiện nay đang không ngừng nỗ lực tiến hành công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, trong đó cũng xem phát triển xuất khẩu là mục tiêu quan trọng. Tuy nhiên so với Hàn Quốc thời bấy giờ, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam hiện nay gặp nhiều khó khăn hơn do phải chịu sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong môi trường quốc tế. Lợi thế cạnh tranh của hàng xuất khẩu đã chuyển từ sản phẩm thô, cần nhiều sức lao động sang sản phẩm công nghiệp có chất lượng cao, mẫu mã đẹp và đòi hỏi nhiều vốn đầu tư .
Cũng giống như Hàn Quốc, mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam là kinh tế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước. Ở cả hai nền kinh tế này, trong giai đoạn đầu phát triển, các doanh nghiệp lớn (ở Hàn Quốc là các tập đoàn kinh tế gia đình “Chaebols” và ở Việt Nam là các doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn) đều được coi
là lực lượng phát triển chính, đóng vai trò chi phối trong đời sống kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, ở những giai đoạn sau, nhận thấy tầm quan trọng của các SMEs trong nền kinh tế, cả Hàn Quốc và Việt Nam đều đã nhanh chóng đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đối với khu vực doanh nghiệp này. 17
Như vậy nhìn chung, Hàn Quốc và Việt Nam có khá nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội. Đây chính là cơ sở quan trọng để Việt Nam có thể học tập hỏi những kinh nghiệm phát triển kinh tế nói chung và phát triển SMEs nói riêng của Hàn Quốc. Tuy nhiên, bên cạnh những nét tương đồng đó, phải thấy rằng Hàn Quốc và Việt Nam cũng có những điểm khác biệt nhất định. Yêu cầu đặt ra là, trong quá trình học hỏi kinh nghiệm, Việt Nam cần áp dụng và phát huy những bài học một cách linh hoạt sao cho phù hợp với khả năng và điều kiện thực tế của đất nước mình.
II. THỰC TRẠNG DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA CỦA VIỆT NAM
Việt Nam là một nước đang phát triển, có mật độ dân số cao, lực lượng lao động tăng nhanh, quy mô vốn tích luỹ nhỏ vì vậy phát triển SMEs ở nước ta là một lựa chọn đúng đắn trên con đường CNH-HĐH đất nước. Nhận thức sâu sắc về vấn đề này, trong suốt những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã liên tục ban hành các chính sách khuyến khích và biện pháp hỗ trợ đối với sự phát triển của các SMEs. Nhờ vậy, trong những năm gần đây, SMEs Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh chóng về số lượng và đã có những đóng góp nhất định cho nền kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, quy mô về lao động và vốn của hầu hết các doanh nghiệp này vẫn còn nhỏ bé, trong quá trình hoạt động và phát triển còn gặp nhiều khó khăn. Bởi thế vẫn rất cần có sự quan tâm, ưu đãi, trợ giúp đặc biệt từ phía Nhà nước.
1. Sơ lược về tình hình phát triển của các SMEs Việt Nam
Quá trình phát triển các SMEs ở Việt Nam gắn liền với quá trình đổi mới nền kinh tế. Trong mô hình kinh tế cũ, các SMEs chủ yếu là các xí nghiệp quốc doanh, các hợp tác xã và các cơ sở kinh doanh cá thể. Tuy nhiên, từ năm 1990, việc ban hành Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân (1990) cùng với việc thừa nhận
17 Ban nghiên cứu Hàn Quốc học (2002), Sách dịch Kinh tế Hàn Quốc đang trỗi dậy, Nhà xuất bản Thống kê.
Tư liệu thư viện trung tâm nghiên cứu Hàn Quốc, viện nghiên cứu Đông Bắc Á.
sở hữu tư nhân trong Hiến pháp 1992 và việc ban hành các Luật như: Luật Doanh nghiệp Nhà nước (1995), Luật hợp tác xã (1996) đã tạo điều kiện để các SMEs ngoài quốc doanh phát triển.
Hiện nay, SMEs chiếm một tỷ trọng rất lớn trong tổng số các doanh nghiệp của Việt Nam. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết ngày 31/12/2007, trong tổng số 307.008 doanh nghiệp đăng lý kinh doanh gồm: 7.008 doanh nghiệp Nhà nước, 94.481 doanh nghiệp tư nhân, 152.660 công ty trách nhiệm hữu hạn, 9.880 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, 47.978 công ty cổ phần và 30 công ty hợp danh thì có tới 85,11% là SMEs nếu xét theo tiêu chí về vốn và 96% là SMEs nếu xét theo tiêu chí về số lượng lao động. Riêng trong năm 2007 (từ 1/1/2007 đến hết ngày 31/12/2007), số SMEs đăng ký kinh doanh mới là hơn 51.722 doanh nghiệp, tăng 26% so với năm 2006. (Bảng 3.1, xem phụ lục)18
Một đặc điểm chung hiện nay là hầu hết các SMEs tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là ở hai thành phố Hồ Chí Minh (17.280 doanh nghiệp) và Hà Nội (10.476 doanh nghiệp). Các tỉnh có số lượng đăng ký kinh doanh ít vẫn chủ yếu là các tỉnh thuộc vùng miền núi phía Bắc như Bắc Kạn (68 doanh nghiệp), Điện Biên (81 doanh nghiệp), lai Châu (81 doanh nghiệp), Hà Giang (98 doanh nghiệp)....
Xu hướng quy mô nhỏ ngày càng tăng, các doanh nghiệp mới chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân với quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Doanh nghiệp dưới 10 lao động chiếm trên 46%, từ 10 đến 50 lao động chiếm 35%. Về quy mô vốn, doanh nghiệp dưới 10 tỷ đồng chiếm trên 86%, trong đó hơn một nửa là dưới 1 tỷ đồng.
Về lĩnh vực kinh doanh: 43,67% SMEs hoạt động trong lĩnh vực thương nghiệp, sửa chữa; 26,12% trong lĩnh vực công nghiệp chế biến; 10% trong lĩnh vực xây dựng; 4,8% trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn; 4,5% trong lĩnh vực vận tải kho bãi, thông tin liên lạc; 3,5% trong kinh doanh bất động sản và dịch vụ tư vấn; 2,59% trong lĩnh vực tài chính, tín dụng; 2,24% trong lĩnh vực nông lâm thủy sản và 1,1% trong khai thác mỏ.
18 VCCI (2008), Dự thảo báo cáo Doanh nghiệp Việt Nam 2007