Vai Trò Của Dược Sĩ Trong Tư Vấn Bệnh Nhân


1.3.1 Tuân thủ (Compliance)

Khái niệm chung về tuân thủ

Haynes và cộng sự năm 1979 đã đưa ra định nghĩa tuân thủ là “mức độ một bệnh nhân tuân theo chế độ ăn, thực hiện thay đổi lối sống theo các lời khuyên về thuốc và sức khỏe” [10]. Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), tuân thủ là “mức độ bệnh nhân tuân theo lời hướng dẫn của bác sĩ” [31]. Năm 1999, Blenkinsopp cho rằng tuân thủ thuốc đề cập đến hành vi của bệnh nhân liên quan đến các loại thuốc của họ [10].

Trong tư vấn bệnh nhân, cách tiếp cận tuân thủ không công nhận bệnh nhân là người có thể chủ động kiểm soát việc điều trị của họ. Thay vào đó, cách tiếp cận này xem các chuyên gia chăm sóc sức khỏe là người đưa ra quyết định cho bệnh nhân. Vì vậy, quá trình tư vấn coi như một quá trình truyền thông tin từ nhân viên y tế tới bệnh nhân một cách thụ động [10, 32].

Cách tiếp cận tuân thủ tương ứng với mô hình tư vấn một chiều và giai đoạn tư vấn độc thoại của dược sĩ. Bản chất của mô hình này chưa nhìn nhận đúng khả năng và cách giải quyết vấn đề của bệnh nhân, chưa chú ý đến thái độ và niềm tin của bệnh nhân, vì vậy tạo cho bệnh nhân cách tiếp cận vấn đề một cách thụ động, chỉ tuân thủ mà không xem xét sự phù hợp với bản thân mình. Với cách tiếp cận này bệnh nhân không có cơ hội thảo luận với dược sĩ những khó khăn họ gặp phải trong quá trình dùng thuốc để tìm cách giải quyết. Và chính những vấn đề này ảnh hưởng và là rào cản tới sự tuân thủ thuốc của bệnh nhân.

Các yếu tố ảnh hưởng đến sự tuân thủ thuốc của bệnh nhân

Tuân thủ là một hiện tượng đa chiều được xác định bởi sự tương tác qua lại của nhóm 5 yếu tố: yếu tố kinh tế - xã hội, yếu tố liên quan đến hệ thống chăm sóc sức khỏe, yếu tố liên quan đến bệnh, yếu tố liên quan đến phác đồ điều trị, yếu tố liên quan đến bệnh nhân, trong đó bệnh nhân chỉ là một yếu tố quyết định [31].

Yếu tố kinh tế - xã hội

Một vài yếu tố được cho là có ảnh hưởng đáng kể đến sự tuân thủ như: tình trạng kinh tế xã hội kém phát triển, nghèo đói, mù chữ, trình độ học vấn thấp, thất

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 88 trang tài liệu này.


nghiệp, điều kiện sống không ổn định, xa trung tâm điều trị, chi phí đi lại cao, chi phí cho thuốc điều trị cao, thay đổi môi trường, thái độ và niềm tin về bệnh, về phương pháp điều trị (Albaz RS 1997, trích dẫn trong [31]).

Khảo sát nhu cầu tư vấn của bệnh nhân và thực trạng tư vấn sử dụng thuốc tại phòng cấp phát thuốc Bảo hiểm y tế bệnh viện Bạch Mai - 3

Yếu tố liên quan đến hệ thống chăm sóc sức khỏe

Những yếu tố liên quan đến hệ thống chăm sóc sức khỏe ảnh hưởng đến sự tuân thủ của bệnh nhân bao gồm dịch vụ y tế và hệ thống phân phối thuốc kém phát triển, đội ngũ nhân viên chăm sóc sức khỏe thiếu kiến thức trong việc quản lí bệnh mãn tính, năng lực của hệ thống giáo dục bệnh nhân còn yếu, thiếu kiến thức về tuân thủ và những can thiệp có hiệu quả để cải thiện sự tuân thủ của bệnh nhân [31].

Yếu tố liên quan đến bệnh

Các yếu tố này tiêu biểu cho những yêu cầu đặc biệt liên quan đến bệnh mà bệnh nhân phải vượt qua. Một số yếu tố quan trọng quyết định sự tuân thủ liên quan đến mức độ nặng của triệu chứng bệnh, mức độ khuyết tật (thể chất, tâm lí, xã hội), mức độ tiến triển của bệnh, sự sẵn có của các phác đồ điều trị có hiệu quả. Tác động của những yếu tố này phụ thuộc vào việc nó ảnh hưởng đến nhận thức về nguy cơ của bệnh nhân, đến tầm quan trọng của việc tuân thủ phác đồ điều trị, đến sự ưu tiên việc tuân thủ như thế nào [31]. Loại bệnh cũng là một yếu tố ảnh hưởng, ví dụ bệnh nhân bệnh tim thường tuân thủ tốt, trong khi bệnh nhân bệnh hen thường không tuân thủ [24].

Yếu tố liên quan đến phác đồ điều trị

Có nhiều yếu tố của phác đồ điều trị ảnh hưởng tới sự tuân thủ. Đáng chú ý nhất là những yếu tố liên quan sự phức tạp của chế độ điều trị, thời gian điều trị, thất bại của phác đồ điều trị trước đó, sự thay đổi thường xuyên phác đồ điều trị, hiệu quả tức thì của phác đồ, tác dụng không mong muốn, và các biện pháp y tế sẵn có để giải quyết những vấn đề này [31].

Yếu tố thuộc về bệnh nhân

Các yếu tố liên quan đến bệnh nhân có ảnh hưởng đến sự tuân thủ tiêu biểu là kiến thức, thái độ, niềm tin, nhận thức và nguồn lực của bệnh nhân (resources). Các yếu tố này bao gồm: tính hay quên, tâm lí căng thẳng, thiếu kiến thức và kĩ


năng kiểm soát triệu chứng và phương pháp điều trị, thiếu nhu cầu tự nhận thức về phương pháp điều trị, thiếu nhận thức về hiệu quả của phương pháp điều trị, thiếu hiểu biết về bệnh, không tin tưởng vào chẩn đoán, hiểu sai về hướng dẫn điều trị, thiếu sự kiểm soát và theo dõi, bi quan, thất vọng, lo lắng về tác dụng không mong muốn của thuốc, cảm giác bị kì thị vì mắc bệnh [31].

Rào cản tới sự tuân thủ thuốc

Năm 1984, Becker cho rằng rào cản thứ nhất của sự tuân thủ thuốc là sự phức tạp của phác đồ điều trị và sự khó khăn trong việc tuân thủ phương pháp điều trị đã đưa ra. Phác đồ điều trị càng phức tạp thì bệnh nhân càng ít tuân thủ thuốc. Khó khăn trong việc nhớ uống thuốc vài lần mỗi ngày hoặc trong việc điều chỉnh dùng thuốc cho phù hợp với thói quen hàng ngày của bệnh nhân cũng được xem như lý do để bệnh nhân ít tuân thủ thuốc hơn [7].

Thời gian điều trị dài cũng làm cho bệnh nhân ít tuân thủ hơn. Nguyên nhân của việc này là do bệnh nhân gặp khó khăn trong việc nhớ và sắp xếp lịch uống thuốc [24]. Việc giảm tuân thủ theo thời gian sẽ làm bệnh nhân ít quan tâm đến bệnh hơn hoặc ít có nhu cầu tiếp tục dùng thuốc [8].

Tác dụng không mong muốn của thuốc khi xảy ra cũng làm giảm sự tuân thủ thuốc, do bệnh nhân thấy khó chịu, lo lắng tác dụng này sẽ nặng thêm. Đặc biệt khi bệnh nhân không được cảnh báo trước về khả năng xảy ra tác dụng không mong muốn hoặc không được hướng dẫn các biện pháp để làm giảm những tác dụng không mong muốn này [24].

Rào cản về nhận thức, ngôn ngữ, khả năng đọc viết làm bệnh nhân không hiểu được lí do phải dùng thuốc, hướng dẫn sử dụng thuốc. Vì vậy bệnh nhân sẽ không thể tuân thủ đúng cách dùng thuốc [24].

Các yếu tố ảnh hưởng và rào cản làm giảm sự tuân thủ thuốc của bệnh nhân cần được thảo luận với dược sĩ trong tư vấn để cùng nhau tìm ra cách giải quyết các vấn đề bệnh nhân gặp phải. Khi bệnh nhân thảo luận những vấn đề này với dược sĩ tức là họ đã chuyển sang một cách tiếp cận mới, từ tuân thủ một cách thụ động đến đồng thuận trong quá trình tư vấn.


1.3.2 Đồng thuận (Concordance)

Năm 1997, Marinker cho rằng đồng thuận là cách tiếp cận dựa trên quan điểm dược sĩ và bệnh nhân tương tác ngang bằng, do đó giữa họ sẽ hình thành sự liên hệ về điều trị. Bàn về vấn đề Blenkinsopp năm 1999 cũng khẳng định đồng thuận không đồng nghĩa với tuân thủ, trong đồng thuận bệnh nhân có quyền đưa ra quyết định việc chăm sóc sức khỏe của mình [10].

Đồng thuận dựa trên quan niệm mới về việc trao đổi thông tin giữa dược sĩ và bệnh nhân. Trong phương pháp đồng thuận, vai trò của dược sĩ là để hỗ trợ bệnh nhân hình thành kiến thức và thái độ trong việc sử dụng thuốc. Bệnh nhân được xem như chuyên gia về bệnh và việc sử dụng thuốc của mình [25]. Điều này không làm giảm vai trò chuyên gia thuốc của dược sĩ, mà thay vào đó một cuộc trao đổi, thảo luận giữa dược sĩ và bệnh nhân là cần thiết để thúc đẩy và hỗ trợ bệnh nhân theo dõi bệnh của mình [10].

Như vậy, cách tiếp cận đồng thuận tương ứng với mô hình tư vấn khuyến khích hay giai đoạn đàm luận, thảo luận trong tư vấn bệnh nhân. Mô hình và giai đoạn này đã chú ý hướng tới bệnh nhân, đề cập đến khả năng, thái độ, suy nghĩ và cách giải quyết vấn đề của bệnh nhân, bởi vậy tạo cơ hội cho bệnh nhân trao đổi với dược sĩ và tự đưa ra quyết định phù hợp nhất với hoàn cảnh của mình.

Cách tiếp cận đồng thuận buộc dược sĩ định hình lại về thái độ của mình đối với việc tư vấn bệnh nhân. Dược sĩ với vai trò là chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thể giúp mọi người duy trì sức khỏe tốt nhất và nâng cao lợi ích của việc dùng thuốc [9]. Để đảm nhận vai trò này dược sĩ đòi hỏi phải có năng lực chuyên môn mới và khi tư vấn phải lấy bệnh nhân làm trung tâm [10, 32]. Dược sĩ nên chuyển từ cách tư vấn chỉ tập trung vào thuốc, tư vấn một chiều sang tư vấn tập trung vào bệnh nhân và đưa thông tin phù hợp với nhu cầu từng bệnh nhân để đạt được hiệu quả điều trị tốt hơn [33]. Thực hiện được những điều này thì quá trình tư vấn bệnh nhân sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho bệnh nhân mà còn mang lại lợi ích cho dược sĩ.


1.4 Lợi ích của việc tư vấn bệnh nhân

1.4.1 Lợi ích đối với bệnh nhân

Lợi ích quan trọng nhất của tư vấn bệnh nhân là cải thiện chất lượng cuộc sống và chất lượng việc chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân. Những biến cố xảy ra được gọi là những rủi ro khi dùng thuốc (như tác dụng không mong muốn của thuốc, tương tác thuốc và những sai sót khác khi dùng thuốc) và việc không tuân thủ điều trị đã làm giảm chất lượng của cuộc sống và gây trở ngại tới chất lượng chăm sóc sức khỏe của bệnh nhân [24].

Dược sĩ có tác động lớn tới những vấn đề này thông qua tư vấn bệnh nhân. Theo ủy ban chăm sóc sức khỏe Mỹ (Department of Health Human Services) thì việc thiếu thông tin về thuốc là một trong bốn lí do khiến người cao tuổi thất bại trong việc tuân thủ phác đồ điều trị. Một nghiên cứu trên 306 nhà thuốc tại Memphis, Tenessee cho thấy 84,7% bệnh nhân được nhận đầy đủ thông tin đã tuân thủ điều trị, trong khi con số này ở nhóm bệnh nhân biết ít thông tin chỉ là 63,0% [11]. Như vậy tư vấn bệnh nhân có thể giảm thiểu những sai sót và sự không tuân thủ trong việc dùng thuốc của bệnh nhân [24].

Thêm vào vấn đề không tuân thủ, bệnh nhân có thể chịu một số phản ứng có hại của thuốc. Nếu bệnh nhân được tư vấn các dấu hiệu sớm để thông báo cho dược sĩ hoặc nếu dược sĩ hỏi bệnh nhân về phác đồ đang điều trị thì có thể phát hiện và phòng ngừa sớm hơn. Như vậy tư vấn bệnh nhân sẽ hạn chế phản ứng có hại của thuốc [24]

Ngoài ra, tư vấn bệnh nhân còn mang lại lợi ích cho bệnh nhân theo một số cách khác liên quan đến việc cải thiện hiệu quả điều trị và sự hài lòng với việc chăm sóc sức khỏe. Bệnh nhân thường muốn đảm bảo chắc chắn thêm một lần nữa là thuốc của họ an toàn và hiệu quả [24]. Họ có thể cần sự giải thích thêm do bác sĩ của họ quá bận hoặc không thoải mái để hỏi. Nhiều nghiên cứu cho rằng một tương tác hiệu quả giữa nhân viên y tế và bệnh nhân có thể cải thiện hiệu quả điều trị của bệnh nhân [29].


1.4.2 Lợi ích của đối với dược sĩ

Nhìn chung, các dược sĩ cho rằng việc tư vấn và giáo dục bệnh nhân khiến họ cảm thấy hài lòng về công việc của mình và muốn dành thời gian nhiều hơn cho việc tư vấn (Chi J 1992, trích dẫn trong [24]). Portner T và cộng sự năm 1993 lại khẳng định tư vấn bệnh nhân tạo cơ hội cho dược sĩ thể hiện năng lực chuyên môn và sử dụng những kiến thức họ tích lũy sau nhiều năm. Đây chính là sự hài lòng của mỗi cá nhân khi giúp đỡ người khác, đặc biệt trong việc giúp bệnh nhân duy trì và cải thiện sức khỏe [24].

Năm 1989, Rybka – Miki, trong một nghiên cứu của mình, cho rằng tư vấn bệnh nhân giúp dược sĩ bớt căng thẳng trong công việc. Công việc của dược sĩ phải thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân nên không tránh khỏi những lúc khó chịu hay căng thẳng. Vì vậy thông qua quá trình tư vấn, dược sĩ sẽ hiểu hoàn cảnh của bệnh nhân hơn, làm cho mối quan hệ trở nên gần gũi hơn. Việc này tạo cảm giác thoải mái và làm giảm bớt căng thẳng cho cả dược sĩ và bệnh nhân [24].

Ngoài ra thông qua tư vấn bệnh nhân, dược sĩ có cơ hội để thảo luận với các chuyên gia y tế khác về các vấn đề liên quan đến thuốc. Ví dụ trong những trường hợp như: giáo dục y tá trong việc chăm sóc tại nhà, trao đổi thảo luận toàn khoa, hoặc dược sĩ có thể liên lạc với bác sĩ hoặc y tá để cùng giải quyết các vấn đề có liên quan đến thuốc [24].

Như vậy tư vấn bệnh nhân mang lại lợi ích cho cả bệnh nhân và dược sĩ theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên một cuộc tư vấn có thể mang lại đầy đủ tất cả lợi ích trên đòi hỏi dược sĩ phải có cái nhìn mới về vai trò và trách nhiệm của mình trong việc tư vấn bệnh nhân.

1.5 Vai trò của dược sĩ trong tư vấn bệnh nhân

1.5.1 Vai trò của dược sĩ

Khi bệnh nhân tiến đến cách tiếp cận đồng thuận trong tư vấn thì đây là một thử thách để dược sĩ nhìn lại vai trò của mình đối với việc tư vấn bệnh nhân. Đảm nhiệm vai trò này đòi hỏi dược sĩ phải có năng lực mới, khi tư vấn phải lấy bệnh


nhân làm trung tâm để đưa thông tin phù hợp với từng đối tượng nhằm đạt được hiệu quả điều trị cao nhất [10].

Thông qua quá trình tư vấn, dược sĩ tìm hiểu nhu cầu hiện tại và tương lai của bệnh nhân. Dược sĩ phải đánh giá được bệnh nhân đã biết những gì, kĩ năng gì họ muốn cải thiện, vấn đề gì họ đang gặp phải và muốn giải quyết. Thêm vào đó dược sĩ phải xác định được những hành vi, thái độ mà bệnh nhân cần phải thay đổi [24].

Dược sĩ cũng cần cung cấp cho bác sĩ thông tin về nhu cầu, sở thích của bệnh nhân để hỗ trợ mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân. Ví dụ bệnh nhân có thể nói với dược sĩ những điều mà họ không muốn thảo luận với bác sĩ hoặc hỏi dược sĩ về việc lựa chọn phương pháp điều trị của bác sĩ. Vì vậy dược sĩ có thể giúp cả hai bên trở nên hiểu nhau hơn bằng cách khuyến khích bệnh nhân thảo luận các vấn đề với tất cả nhân viên y tế và nếu bệnh nhân cho phép có thể thay mặt bệnh nhân thảo luận với nhân viên y tế khác [24].

1.5.2 Thách thức đối với tư vấn bệnh nhân

Dược sĩ thường được coi là có vai trò chính trong tư vấn bệnh nhân và mô hình này có lợi cho cả bệnh nhân và dược sĩ [24]. Mặc dù cả dược sĩ và bệnh nhân đều thấy được những lí do thuyết phục cho sự cần thiết của tư vấn bệnh nhân, nhiều dược sĩ vẫn không thực hiện vai trò này [30].

Một bài tổng quan của Young về thực trạng giao tiếp giữa dược sĩ và bệnh nhân ở Bắc Mỹ đã kết luận rằng chất lượng và số lượng của giao tiếp giữa dược sĩ và bệnh nhân cải thiện rất ít qua hơn 25 năm (1970 – 1996). Mặc dù dược sĩ có cái nhìn tích cực đối với tư vấn bệnh nhân, thực tế họ thảo luận với khoảng một nửa bệnh nhân đơn mới trong vòng khoảng 1 phút hoặc ít hơn [33]. Svarstad và cộng sự cho rằng các chính sách, quy trình, và việc thực hiện một số chương trình thúc đẩy hỗ trợ dược sĩ có ảnh hưởng tới việc thực hành tư vấn bệnh nhân [30].

Như vậy với vai trò mới trong tư vấn bệnh nhân dược sĩ phải đối mặt với thử thách trong công việc mới và những khó khăn sẽ gặp phải trong việc thực hành tư vấn bệnh nhân. Muốn vượt qua những trở ngại trên và làm tốt công tác tư vấn bệnh


nhân dược sĩ phải hoàn thiện các kĩ năng, khi tư vấn phải xác định rõ ràng nội dung cần tư vấn cho bệnh nhân.

1.6 Nội dung của tư vấn bệnh nhân

1.6.1 Hoàn cảnh tư vấn

Số lượng và loại thông tin dược sĩ cung cấp cho bệnh nhân phụ thuộc vào nhu cầu và hoàn cảnh tư vấn. Lý tưởng nhất, dược sĩ nên tư vấn bệnh nhân trên tất cả đơn mới và đơn kê lại. Nếu dược sĩ không thể tư vấn theo phạm vi này thì nên phân loại bệnh nhân và các loại thuốc dược sĩ thường tư vấn. Các bệnh nhân cần tư vấn bao gồm:

Bệnh nhân phải dùng nhiều thuốc

Bệnh nhân có vấn đề nhìn, nghe, đọc

Bệnh nhân nhi

Bệnh nhân dùng nhóm thuốc cần lưu ý đặc biệt như thuốc chống đông

Bệnh nhân có sự thay đổi về thuốc hoặc về liều trong đơn

Bệnh nhân mới hoặc bệnh nhân lần đầu tiên nhận một thuốc mới

Bệnh nhân nhận thuốc có cách bảo quản hoặc cách dùng đặc biệt, hoặc có tác dụng phụ đáng chú ý

Nếu bệnh nhân là trẻ em hoặc cần có người khác chăm sóc, dược sĩ thảo luận việc sử dụng thuốc với cha mẹ hoặc người chăm sóc của bệnh nhân [22].

1.6.2 Các nội dung trong quá trình tư vấn

Năm 1997, hiệp hội dược sĩ Mỹ (ASHP) đưa ra một hướng dẫn về cách tư vấn bệnh nhân cho dược sĩ. Theo đó, quá trình này gồm 4 bước: (1) thiết lập mối quan hệ với bệnh nhân, (2) đánh giá kiến thức và thái độ của bệnh nhân về thuốc và bệnh, khả năng bệnh nhân có thể sử dụng thuốc hợp lí, (3) cung cấp thông tin bằng lời nói và các phương tiện hỗ trợ khác để nâng cao, cải thiện nhận thức và hiểu biết của bệnh nhân, (4) kiểm tra lại nhận thức và hiểu biết của bệnh nhân về cách sử dụng thuốc [21]. Tuy nhiên 4 bước này còn tương đối cô đọng. Năm 2007, Rantuci đã cụ thể hóa quá trình này theo 5 bước sau:

Mở đầu tư vấn

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 29/06/2023