Hiệu Quả Hoạt Động Của Doanh Nghiệp


trò là cố vấn phục vụ cho việc ra quyết định và giải quyết các vấn đề trong điều hành hoạt động kinh doanh (Hilton W., Platt E., 2014)

Gần đây nhất, Trần Thị Hồng Mai và cộng sự (2020) phát biểu rằng: “KTQT là khoa học thu nhận, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin tài chính và phi tài chính về hoạt động sản xuất kinh doanh một cách cụ thể phục vụ cho các nhà quản trị trong việc lập kế hoạch, điều hành, tổ chức thực hiện kế hoạch và ra quyết định quản lý trong nội bộ tổ chức nhằm tối ưu hóa các mục tiêu”. Khái niệm này đã khẳng định KTQT là một khoa học trong hệ thống các khoa học kinh tế, thực hiện công việc thu nhận, xử lý, phân tích, cung cấp thông tin tài chính và phi tài chính phục vụ cho quản trị DN.

Thứ hai: Dưới góc độ hành nghề kế toán

Các tổ chức kế toán lớn trên thế giới như: Hiệp hội KTQT Hoa kỳ (Institute of Management Accountant - IMA), Hiệp hội KTQT công chứng Anh Quốc (Chartered Institute of Management Accountants - CIMA), Liên đoàn Kế toán quốc tế (The International Federation of Accountants - IFAC), Hiệp hội KTQT toàn cầu (Chartered Global Management Accountant - CGMA) đều đã đưa ra các khái niệm về KTQT như sau:

Theo Hiệp hội KTQT công chứng Anh quốc (CIMA): “KTQT là việc ứng dụng các nguyên tắc kế toán và quản trị tài chính để tạo ra, bảo vệ, duy trì và tăng giá trị cho các bên liên quan của các tổ chức hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận và phi lợi nhuận trong khu vực công và tư nhân” (CIMA, 2005). CIMA đã nhấn mạnh KTQT đóng vai trò rất quan trọng, là một phần không thể tách rời của quản lý; Nó phải xác định, tạo ra, trình bày, giải thích các thông tin có liên quan (như Lập kế hoạch chiến lược kinh doanh; Lập kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; Xác định cơ cấu vốn và quỹ; Xây dựng chính sách thưởng cho người điều hành và cổ đông; Kiểm soát và đảm bảo việc sử dụng nguồn lực hiệu quả; Đo lường, cung cấp thông tin về hiệu quả tài chính và phi tài chính cho nhà quản trị và các đối tượng có liên quan). Khái niệm này cho thấy KTQT đã tiến gần hơn đến công việc quản lý cấp cao với trọng tâm là hiệu quả, lập kế hoạch chiến lược và tạo ra giá trị cho tổ chức.

Theo Hiệp hội KTQT Hoa kỳ (IMA): “KTQT là một công việc chuyên nghiệp, có liên quan đến việc tham gia vào quá trình ra quyết định, đề ra kế hoạch và hệ thống thực hiện, đồng thời cung cấp những báo cáo tài chính chuyên nghiệp, giúp các nhà quản trị kiểm soát trong việc tạo lập và thực hiện chiến lược của tổ chức” (IMA, 2008). Khái niệm này cho thấy xu hướng thay đổi công việc của KTQT, tăng


tính tư vấn, hỗ trợ cho chiến lược kinh doanh, xây dựng kế hoạch, quy trình quản trị DN, giúp nhà quản lý điều hành các hoạt động của DN hiệu quả hơn.

Theo Hiệp hội KTQT toàn cầu (CGMA): KTQT là việc tìm kiếm, phân tích, truyền đạt thông tin tài chính và phi tài chính phục vụ cho việc ra quyết định để tạo ra và duy trì giá trị cho các tổ chức”. Khái niệm này chỉ rõ công việc của KTQT là tìm kiếm, phân tích và truyền đạt thông tin (bao gồm cả thông tin tài chính và phi tài chính), nhằm mục đích phục vụ cho việc ra quyết định cũng như duy trì giá trị của tổ chức.

Theo Liên đoàn kế toán quốc tế (IFAC): “KTQT là một hoạt động đan xen trong quá trình quản lý của tất cả các tổ chức; KTQT đề cập đến một phần của quy trình quản lý, tập trung vào việc tăng thêm giá trị cho các tổ chức bằng cách sử dụng hiệu quả các nguồn lực” (IFAC, 1998). Khái niệm này không đề cập đến công việc của KTQT mà xác định vai trò quan trọng của KTQT trong DN, được xem là một phần của quy trình quản lý DN.

Thứ ba: Dưới góc độ quản lý

Khái niệm “Kế toán quản trị” được đưa vào Luật kế toán 2003 và Luật kế toán 2015 như sau: “KTQT là việc thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính theo yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính trong nội bộ đơn vị kế toán (Luật kế toán, 2003; Luật kế toán, 2015). Khái niệm này thể hiện được công việc của KTQT là thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin hữu ích cho nhà quản lý DN, tuy nhiên, chưa thể hiện được chức năng, vai trò của KTQT thay đổi theo thời gian và bối cảnh kinh doanh hiện nay, KTQT vẫn chỉ là cung cấp thông tin tài chính trong nội bộ DN.

Như vậy, mặc dù khái niệm về KTQT có thể được phát biểu khác nhau dưới các góc độ khác nhau, nhưng đều cho thấy sự thay đổi vai trò của KTQT, chuyển từ quan điểm KTQT truyền thống đến KTQT hiện đại bằng cách tạo ra giá trị cho tổ chức thông qua việc cung cấp các thông tin tài chính, phi tài chính cho nhà quản lý các cấp và là một bộ phận không thể thiếu trong hoạt động quản lý DN. Kế thừa những khái niệm nêu trên, theo góc nhìn của NCS thì KTQT là một hoạt động đan xen trong quá trình quản lý, điều hành DN, thực hiện thu thập, xử lý, phân tích, cung cấp thông tin tài chính và phi tài chính phục vụ cho việc ra quyết định của nhà quản lý DN và các bên liên quan. Khái niệm này sẽ được sử dụng xuyên suốt trong các nội dung tiếp theo của luận án.


1.1.3. Nội dung của kế toán quản trị

Hiện nay có một số cách tiếp cận khác nhau về nội dung của KTQT trong doanh nghiệp, đó là:

* Theo nội dung thông tin KTQT cung cấp (Ahmad, 2012; Phạm Ngọc Toàn, 2010), KTQT bao gồm:

- Hệ thống kế toán chi phí và quản trị chi phí trong DN: KTQT chi phí là kỹ thuật được sử dụng ngay từ giai đoạn đầu tiên trong quá trình hình thành và phát triển của KTQT. Thông qua việc sử dụng các kỹ thuật như phân loại chi phí, tập hợp chi phí theo quá trình sản xuất hoặc theo công việc, KTQT chi phí sẽ cung cấp thông tin về chi phí phát sinh trong từng giai đoạn/phân xưởng sản xuất hoặc chi phí để thực hiện một công việc/đơn hàng cụ thể, làm cơ sở cho việc kiểm soát chi phí. Sau này, để xác định chi phí chính xác hơn và kiểm soát chi phí tốt hơn, các kỹ thuật KTQT chi phí hiện đại như chi phí dựa trên hoạt động (ABC), chi phí mục tiêu (Target costing), chi phí theo Kaizen đã được áp dụng phổ biến trong các DN sản xuất ở nhiều quốc gia khác nhau.

- Dự toán ngân sách của DN: Xây dựng dự toán sản xuất kinh doanh được coi là một hệ thống kiểm soát quan trọng trong hầu hết các tổ chức (Ahmad, 2012). Thật vậy, nó là một trong số các kỹ thuật được sử dụng ngay từ giai đoạn đầu tiên của KTQT, được sử dụng đồng thời với các kỹ thuật KTQT chi phí nhằm giúp DN đạt được mục tiêu kiểm soát chi phí. Theo Garrision và cộng sự (2017), dự toán là bản kế hoạch chi tiết cho tương lai và thường được thể hiện dưới dạng định lượng. KTQT thực hiện lập dự toán sản xuất kinh doanh nhằm mục đích phục vụ cho chức năng lập kế hoạch hoạt động trong tương lai và kiểm soát hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Thông qua các loại dự toán sản xuất kinh doanh, KTQT sẽ cung cấp các thông tin về doanh thu dự kiến thu được, các khoản chi phí dự kiến phát sinh, dòng tiền và kết quả kinh doanh dự kiến đạt được trong tương lai; Các dự toán này cũng chính là cơ sở để nhà quản lý DN có thể kiểm soát hoạt động, đánh giá kết quả thực hiện so với kế hoạch đặt ra.

- Đánh giá hiệu quả hoạt động: Đánh giá HQHĐ là một chức năng quan trọng của KTQT, nó cung cấp thông tin cho các nhà quản lý để hỗ trợ việc đạt được các mục tiêu chiến lược của tổ chức (Jusoh và Parnell, 2008). Theo truyền thống, để đánh giá HQHĐ của DN, KTQT thường dựa trên dự toán sản xuất kinh doanh, làm cơ sở để đối chiếu với kết quả thực tế đạt được. Tuy nhiên, theo cách này, KTQT chỉ có thể cung cấp thông tin về HQHĐ của DN theo các thông tin tài chính như chênh lệch


doanh thu, chi phí, lợi nhuận. Do đó, để đánh giá HQHĐ một cách toàn diện, KTQT còn có thể sử dụng các kỹ thuật khác như sử dụng các chỉ số tài chính và phi tài chính để phục vụ đánh giá HQHĐ tổng thể của DN. Theo phương diện này, mô hình Thẻ điểm cân bằng (BSC), điểm chuẩn được xem là các kỹ thuật KTQT hiện đại để đánh giá HQHĐ . Như vậy, thông qua việc sử dụng kỹ thuật lập dự toán, và phân tích biến động, KTQT có thể cung cấp thông tin về chênh lệch doanh thu, chi phí, lợi nhuận giữa thực tế so với kế hoạch; Và việc sử dụng các chỉ số tài chính và phi tài chính, KTQT có thể cung cấp thông tin về HQHĐ tổng thể toàn DN.

- Thiết lập thông tin phục vụ cho việc ra quyết định ngắn hạn và dài hạn: Trong quá trình điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, nhà quản lý thường xuyên phải ra các quyết định ngắn hạn liên quan đến việc tiếp tục duy trì hay ngừng kinh doanh một bộ phận đang bị thua lỗ, tự sản xuất hay mua ngoài linh kiện, bán nửa thành phẩm hay sản xuất thành sản phẩm cuối cùng mới bán, quyết định sản xuất trong điều kiện năng lực kinh doanh có giới hạn, KTQT sẽ sử dụng kỹ thuật phân tích thông tin thích hợp để hỗ trợ cho việc ra các quyết định này. Bên cạnh đó, nhà quản lý DN cũng cần thông tin để ra các quyết định dài hạn như đầu tư mua sắm hệ thống máy móc thiết bị, xây dựng nhà xưởng, …Để đáp ứng được những thông tin này, KTQT sẽ phải sử dụng các kỹ thuật như xác định giá trị hiện tại thuần, tỷ suất sinh lời nội bộ và kỳ hoàn vốn.

* Theo mục tiêu của kế toán quản trị (Chenhall và Langfield-Smith, 1998; Abdel và Luther, 2006); Trần Thị Hồng Mai và cộng sự, 2020), KTQT bao gồm:

- KTQT phục vụ cho việc lập kế hoạch với các nội dung như phân loại chi phí, lập dự toán sản xuất kinh doanh. Trong đó, phân loại chi phí được thực hiện theo nhiều tiêu thức khác nhau, phụ thuộc vào yêu cầu quản lý và nhu cầu thông tin của nhà quản lý DN. Chẳng hạn phân loại chi phí theo cách ứng xử của chi phí (biến phí, định phí và chi phí hỗn hợp) để phục vụ phân tích mối quan hệ chi phí – khối lượng

– lợi nhuận (CVP), tính giá thành sản phẩm theo phương pháp chi phí toàn bộ hoặc theo biến phí, lập các loại dự toán chi phí sản xuất kinh doanh, …Bên cạnh việc lập các dự toán chi phí sản xuất kinh doanh, KTQT còn thực hiện lập các dự toán khác như dự toán doanh thu, dự toán chi phí giá vốn hàng bán, dự toán tiền, dự toán kết quả kinh doanh, để làm căn cứ/cơ sở cho việc đánh giá HQHĐ vào cuối kỳ.

- KTQT phục vụ cho chức năng tổ chức thực hiện thông qua việc cung cấp những thông tin chi tiết hàng ngày về diễn biến của tình hình thực hiện kế hoạch, nhằm giúp nhà quản lý DN kịp thời điều chỉnh và điều hành hoạt động của DN theo mục tiêu đã xác định.


- KTQT phục vụ cho việc kiểm soát và đánh giá hoạt động gồm thực hiện kế toán các hoạt động liên quan đến tài sản, doanh thu, chi phí trong đó tập trung nhiều hơn cho chi phí do tính chất phức tạp của nội dung này. Mục đích là thu thập thông tin chi phí, doanh thu, phân bổ chi phí chung cho các đối tượng có liên quan. Trên cơ sở thông tin đã có, KTQT thực hiện phân tích biến động giữa thực tế so với kế hoạch, đánh giá HQHĐ theo các trung tâm trách nhiệm, theo hoạt động.

- KTQT phục vụ cho việc ra quyết định thông qua phân tích thông tin thích hợp phục vụ cho việc ra quyết định ngắn hạn, phân tích mối quan hệ CVP, phân tích thông tin thích hợp phục vụ cho việc ra quyết định dài hạn thông qua kỹ thuật xác định giá trị hiện tại thuần của dự án (NPV), xác định tỷ suất sinh lời nội bộ của dự án (IRR) và tính kỳ hoàn vốn của dự án (K) để có cơ sở tư vấn cho nhà quản trị ra quyết định đúng đắn.

Trong đó, Chenhall và Langfield-Smith (1998) phân loại các kỹ thuật KTQT bao gồm các kỹ thuật truyền thống như lập dự toán cho kế hoạch và kiểm soát, đánh giá HQHĐ của các trung tâm trách nhiệm, báo cáo lợi nhuận cho bộ phận kinh doanh và phân tích CVP cho quá trình ra quyết định; Các kỹ thuật KTQT hiện đại như chi phí dựa trên hoạt động (ABC), Thẻ điểm cân bằng (BSC) và các kỹ thuật lập kế hoạch chiến lược.

Như vậy, theo các cách tiếp cận khác nhau thì nội dung KTQT có thể bao gồm các khía cạnh khác nhau, tuy nhiên, có thể tổng kết lại nội dung cơ bản của KTQT bao gồm: (1) Xây dựng dự toán sản xuất kinh doanh; (2) Phân loại chi phí, thực hiện KTQT chi phí theo phương pháp phù hợp, làm cơ sở tính giá thành sản phẩm và phân tích biến động chi phí; (3) Phân tích mối quan hệ chi phí – khối lượng – lợi nhuận (CVP); (4) Đánh giá HQHĐ; (5) Phân tích thông tin phục vụ cho việc ra quyết định. Trong đó, “Đánh giá HQHĐ” được xem là một nội dung quan trọng, cốt yếu của KTQT nhằm đánh giá HQHĐ tổng thể toàn DN thông qua các chỉ số đánh giá.

Mục 1.2. dưới đây sẽ trình bày các vấn đề liên quan đến HQHĐ và các chỉ số đánh giá HQHĐ.

1.2. Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

1.2.1. Các khái niệm cơ bản

Cho đến nay, đã có rất nhiều khái niệm khác nhau về “Hiệu quả hoạt động”. Ban đầu, các phát biểu thường gắn với “Hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh” (còn gọi tắt là Hiệu quả kinh doanh): “HQHĐ sản xuất kinh doanh là kết quả đạt được trong hoạt động kinh tế, là doanh thu tiêu thụ hàng hóa” (Smith, 1997). Khái niệm này cho thấy “hiệu quả” đồng nghĩa với “kết quả”. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã nhận ra rằng nếu cùng một kết quả đạt được (doanh thu thu được) nhưng chi phí bỏ ra khác nhau thì không


thể coi là có cùng hiệu quả. Do đó, Marshall (1920) đã phát biểu rằng “Hiệu quả hoạt động kinh doanh là quan hệ tỷ lệ giữa phần tăng thêm của kết quả và phần tăng thêm của chi phí” (Diệp Tố Uyên, 2009). Phát biểu này cho thấy hiệu quả được xem xét trong quan hệ so sánh tương đối giữa kết quả tăng thêm và chi phí tăng thêm.

Phát triển theo quan điểm này, Nguyễn Thành Độ (2008), Nguyễn Văn Công (2009), Nguyễn Ngọc Quang (2011) đều cho rằng “Thực chất của HQKD là sự so sánh giữa các kết quả đầu ra với các yếu tố đầu vào của một tổ chức kinh tế được xét trong một kỳ nhất định, tùy theo yêu cầu của các nhà quản trị kinh doanh”. Theo đó, HQKD được xác định theo công thức:

Hiệu quả kinh doanh

=

Kết quả đầu ra

Yếu tố đầu vào

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 193 trang tài liệu này.

Kế toán quản trị với việc đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam - 5

Trong đó, các chỉ tiêu kết quả đầu ra bao gồm: Tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ, Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế, LNST; Các chỉ tiêu yếu tố đầu vào như Tổng tài sản bình quân, Tổng tài sản dài hạn bình quân, Tổng tài sản ngắn hạn bình quân và Tổng nguồn vốn chủ sở hữu. Kết quả của chỉ tiêu HQKD theo công thức trên cho biết cứ một đồng chi phí đầu vào thì tạo ra bao nhiêu đồng kết quả đầu ra trong một kỳ kinh doanh, do đó, kết quả của chỉ tiêu này càng lớn thì càng chứng tỏ HQKD càng cao. Như vậy, theo cách tiếp cận này, nhà quản lý DN chỉ biết được hiệu quả sử dụng tài sản, nguồn vốn, chi phí sau một kỳ kinh doanh nhất định, mà không đánh giá được hiệu quả của tất cả các hoạt động DN đã thực hiện trong kỳ. Nói cách khác, HQKD chỉ phản ánh được hiệu quả tài chính của DN, chưa phản ánh được hiệu quả phi tài chính.

Nhằm phản ánh được HQHĐ tổng thể toàn DN, các nhà khoa học đã tiếp tục nghiên cứu và đưa ra các quan điểm khác nhau về “Hiệu quả hoạt động”:

Năm 2009, Diệp Tố Uyên đã phát biểu rằng: “HQHĐ của DN là một phạm trù kinh tế, phản ánh khả năng tiến tới mục tiêu chung là kết quả cao nhất với chi phí thấp nhất, thông qua việc sử dụng nguồn lực thực tế và khai thác tối đa lợi ích các nguồn lực tiềm năng. HQHĐ của DN là một quá trình kết nối nhân quả, hiệu quả tổng thể được tạo ra từ HQHĐ của các bộ phận gắn với quá trình SXKD của DN” (Diệp Tố Uyên, 2009). Theo quan điểm này, tác giả tổng hợp, xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá HQHĐ bao gồm nhóm chỉ tiêu phân tích HQHĐ cung cấp đầu vào (hiệu quả cung cấp NVL về chất lượng, hiệu quả cung cấp về chủng loại NVL,..), nhóm chỉ tiêu phân tích HQHĐ SXKD (hiệu quả sử dụng NVL, lao động và tư liệu lao động trong hoạt động sản xuất), nhóm chỉ tiêu phân tích HQHĐ tiêu thụ (tỷ suất doanh thu


thuần so với chi phí, tỷ suất hiệu quả của giá vốn hàng bán, tỷ suất hiệu quả của chi phí bán hàng,…) và nhóm chỉ tiêu phân tích HQHĐ tổng thể (khả năng sinh lời, hiệu suất sử dụng, hiệu năng hoạt động, giá trị gia tăng của DN, đóng góp của DN với Nhà nước thông qua các loại thuế phải nộp). Như vậy, cách tiếp cận này của tác giả mới chỉ phản ánh được bản chất HQHĐ tài chính của DN sau một kỳ kinh doanh, chưa đề cập đến những HQHĐ phi tài chính.

Cũng trong năm 2009, Vũ Thùy Dương đã phát biểu rằng: “HQHĐ là giá trị tạo ra, bao gồm cả giá trị tài chính và giá trị phi tài chính” (Vũ Thùy Dương, 2009). Do đó, để đánh giá HQHĐ một cách chính xác và toàn diện thì đòi hỏi DN phải có một hệ thống chỉ tiêu tài chính và phi tài chính. Quan điểm này không đề cập đến sự so sánh kết quả đầu ra với yếu tố đầu vào mà quan tâm đến “giá trị tạo ra” của DN, bao gồm cả giá trị tài chính và giá trị phi tài chính.

Tiếp sau đó, năm 2015, trong nghiên cứu về hệ thống chỉ tiêu đánh giá HQHĐ tại các DN kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Bình định, Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng: “HQHĐ là một phạm trù phản ánh trình độ sử dụng các nguồn lực của DN vào hoạt động kinh doanh sao cho hao phí nguồn lực, tài lực là thấp nhất với lợi ích mang lại là cao nhất; lợi ích mang lại bao gồm lợi ích cho bản thân DN và lợi ích cho cả xã hội” (Nguyễn Ngọc Tiến, 2015). Theo quan điểm này, HQHĐ biểu hiện thông qua việc so sánh giữa nguồn lực, tài lực bỏ ra với lợi ích thu được (thông qua hệ thống chỉ tiêu phản ánh hiệu suất và hiệu năng sử dụng nguồn lực phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và các chỉ tiêu phản ánh khả năng sinh lời của các nguồn lực đó). Bên cạnh HQHĐ tài chính, quan điểm này đã đề cập đến HQHĐ khía cạnh phi tài chính (hiệu quả xã hội).

Như vậy, có rất nhiều khái niệm khác nhau về HQKD và HQHĐ, nhưng chưa có khái niệm nào đề cập đến việc xác định “tính hiệu quả” của các hoạt động mà DN đã thực hiện và đạt được trong kỳ. Theo Nguyễn Văn Tạo (2004): “HQHĐ không chỉ là sự so sánh giữa chi phí đầu vào và kết quả đầu ra, HQHĐ còn được hiểu là việc hoàn thành mục tiêu, nếu không đạt được mục tiêu thì không thể có hiệu quả và để hoàn thành mục tiêu, DN cần phải sử dụng nguồn lực như thế nào”. Do đó, theo quan điểm của NCS:

HQKD là phạm trù phản ánh hiệu quả của hoạt động kinh doanh của DN sau một kỳ kinh doanh nhất định, nó được đo lường bởi các chỉ số tài chính phản ánh mối quan hệ giữa các yếu tố đầu vào với kết quả đầu ra;

HQHĐ là một phạm trù phản ánh mức độ hoàn thành mục tiêu của nhà quản lý ở tất cả các hoạt động mà DN đã thực hiện trong kỳ; Nó được đánh giá


thông qua việc so sánh kết quả của các chỉ số tài chính và phi tài chính với mục tiêu đặt ra. Trong đó: Mục tiêu mà nhà quản lý DN đặt ra có thể là một con số cụ thể gắn với từng chỉ số đánh giá (ví dụ: Hệ số sức sản xuất kinh doanh của một loại sản phẩm/dịch vụ phải là 1,5 hoặc Mức độ hài lòng của khách hàng phải đạt ở mức 4/5), hoặc tăng bao nhiêu % so với cùng kỳ năm trước (ví dụ: Tỷ lệ doanh thu sản phẩm A/Tổng doanh thu kỳ này phải tăng 10% so với kỳ trước), hoặc đạt tối thiểu 80% so với DN hoạt động tốt nhất trong ngành, hoặc mục tiêu hoạt động cụ thể khác.

Xuất phát từ khái niệm “HQHĐ” nêu trên, có thể rút ra được nội dung đánh giá HQHĐ của DN bao gồm: Xác lập hệ thống chỉ số đánh giá; Xác định sở dữ liệu cần thu thập để tính toán các chỉ số; Phương pháp đánh giá HQHĐ; Và cung cấp thông tin về HQHĐ. Đánh giá HQHĐ cũng là một nội dung của KTQT, do đó, trong các mục tiếp theo của luận án sẽ trình bày các nội dung về “các chỉ số đánh giá” và “KTQT với việc đánh giá HQHĐ của DN”.

1.2.2. Các chỉ số đánh giá

Các chỉ số đánh giá bao gồm chỉ số tài chính và chỉ số phi tài chính.

* Các chỉ số tài chính

Chỉ số tài chính là những chỉ số phản ánh HQHĐ của DN trên khía cạnh tài chính. Các chỉ số tài chính được xem là công cụ để quản lý tài chính, báo cáo cho các bên liên quan bên ngoài (cổ đông, nhà cung cấp và chủ nợ) và để thúc đẩy, kiểm soát hoạt động của các nhà quản lý và nhân viên (Otley, 2007). Do đó, chúng được các nhà nghiên cứu thuộc lĩnh vực kế toán chú trọng nhiều hơn khi đánh giá HQHĐ của DN trên khía cạnh tài chính (Kaplan & Norton, 1992; Atkinson và cộng sự 1997; Henri, 2004; Halabi và cộng sự, 2010; Blackburn và cộng sự, 2013; Gerba & Viswanadham, 2016; Maduekwe & Kamala, 2016).

Một trong những chỉ số tài chính truyền thống là Khả năng sinh lời. Người ta có thể đo lường khả năng sinh lời trên chi phí đầu tư (Tỷ suất sinh lời trên vốn đầu tư - ROI), trên tài sản (Tỷ suất sinh lời trên tài sản - ROA) hoặc vốn chủ sở hữu (Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu). Trong đó, khả năng sinh lời có thể được đo lường bằng thu nhập trước lãi vay và thuế; lợi nhuận sau lãi nhưng trước thuế hoặc lợi nhuận sau thuế (Otley, 2007; Hegazy M. & Hegazy S., 2012; Williams & O'Donovan, 2015). Khả năng sinh lời có thể được biểu thị bằng tỷ số giữa lợi nhuận trên vốn sử dụng, trong đó vốn sử dụng có thể chỉ là vốn chủ sở hữu của cổ đông hoặc tổng vốn được sử dụng trong doanh nghiệp (bao gồm cả vốn chủ sở hữu và nợ phải trả) (Otley, 2007; Wu, 2009). Lợi nhuận trước lãi vay và thuế chia cho tổng vốn sử dụng nếu mục tiêu là đánh giá tình hình sử dụng

Xem tất cả 193 trang.

Ngày đăng: 15/02/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí