Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng là cần thiết, tuy nhiên để thực hiện được giải pháp này cần phải có một số điều kiện và thời gian nhất định, cụ thể là:
- Hệ thống dịch vụ ngân hàng phải được cải tiến nâng cao chất lượng phục vụ để cho nhân dân và các pháp nhân có thể sử dụng thật thuận tiện và lợi ích mà họ được hưởng cao hơn hình thức thanh toán bằng tiền mặt.
- Cần có những quy định rõ ràng đối với các pháp nhân phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng, tránh tình trạng các pháp nhân cố tình thực hiện thanh toán tiền mặt để có điều kiện thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi gian lận thuế.
- Hiện nay, một bộ phận khá đông người dân đã có tài khoản ngân hàng tuy nhiên vẫn cần triển khai công tác tuyên truyền lợi ích của hình thức thanh toán qua ngân hàng và để nâng cao chất lượng phục vụ của hệ thống thanh toán, tạo thành thói quen của người dân và các tổ chức kinh tế. Về phía các ngân hàng và các cơ quan chức năng cũng cần có những biện pháp bảo đảm an toàn cho các tài khoản của người gửi, tạo tâm lý an tâm cho người sử dụng
3.2.2. Kiến nghị
3.2.2.1. Đối với Quốc hội và Chính phủ
Để chính sách cũng như những quy trình nghiệp vụ thuế được áp dụng có hiệu quả thì cần tới sự đồng bộ của rất nhiều các loại hình văn bản khác và sự phối kết hợp trong xây dựng chính sách của các Ban ngành như văn bản Luật của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư,… Như vậy, trong thời gian tới Quốc hội với sự tham mưu của các Bộ, các ngành cần có sự nghiên cứu đồng bộ và có hướng nghiên cứu lâu dài và sát với thực tiễn tình hình phát triển kinh tế xã hội của nước ta khi ban hành các quy định trong các bộ luật.
Còn về thuế TNDN nói riêng, tuy Luật thuế TNDN sửa đổi, bổ sung 2008 đã khắc phục được nhiều điểm yếu của Luật Thuế TNDN 2003, song việc hoàn thiện vẫn cần phải được tiến hành sát sao, liên tục với các mục tiêu sau đây:
Thứ nhất, phải khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Có thể bạn quan tâm!
- Xu Thế Cải Cách Chính Sách Thuế Nói Chung Và Quản Lý Thuế Thu Nhập Doanh Nghiệp Nói Riêng Trên Thế Giới
- Xu Thế Cải Cách Chính Sách Thuế Nói Chung Và Thuế Tndn Nói Riêng Trên Thế Giới
- Nhóm Giải Pháp Về Thực Hiện Cơ Chế Quản Lý Theo Chức Năng
- Hoạt động quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn Hà nội - thực trạng và giải pháp - 13
Xem toàn bộ 112 trang tài liệu này.
Thứ hai, phải bao quát, điều tiết được hết các khoản thu nhập trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Trên cơ sở đó đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Thứ ba, cần đảm bảo tính đơn giản, dễ hiểu, giúp cho đối tượng nộp thuế và người thu thuế thực hiện đúng luật. Tạo điều kiện cho việc cải cách thủ tục hành chính thuế và hiện đại hóa công tác quản lý thuế. Làm cho luật thuế TNDN từng bước phù hợp với thông lệ quốc tế và quá trình hội nhập với các nước trong khu vực, đồng thời góp phần thu hút đầu tư nước ngoài.
Thứ tư, từng bước đảm bảo tính trung lập, bình đẳng của chính sách thuế thông qua việc: giảm bớt các chính sách xã hội trong luật thuế, đảm bảo sự bình đẳng về nghĩa vụ nộp thuế giữa các thành phần kinh tế. Tăng tính thống nhất cho hệ thống chính sách thuế thông qua việc tiếp tục hệ thống hóa lại các văn bản chính sách có liên quan.
Với các mục tiêu nêu trên, xin được đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện Luật Thuế TNDN như sau:
- Áp dụng các chính sách miễn giảm thuế cho các thành phần kinh tế, tập trung vào thu hút các dự án dài hạn, khắc phục tình trạng lỗ giả của các dự án được khuyến khích.
- Tăng cường khảo sát và thỏa thuận với các doanh nghiệp để định giá chuyển nhượng hợp lý, ngăn chặn hiệu quả tình trạng “chuyển giá”.
- Bổ sung các quy định nhằm quản lý chặt chẽ hơn chi phí của các doanh nghiệp chi phí tiền lương, định mức phí tiêu hao vật tư,…
- Rút ngắn thời gian cho phép chuyển lỗ từ 5 năm xuống còn 2-3 năm để buộc các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ phải nỗ lực hơn và đồng thời giảm bớt áp lực cho công tác quản lý của cơ quan thuế.
3.2.2.2. Đối với Cơ quan quản lý thuế
Về cơ cấu tổ chức bộ máy theo chức năng:
Để có một cơ cấu tổ chức hiện đại, hiệu quả, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế nước ta trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc kiện toàn bộ máy ngành thuế theo hướng hoạt động theo chức năng, tăng cường trách nhiệm và
quyền hạn của các cấp, các bộ phận trong ngành thuế là mục tiêu quan trọng của ngành thuế.
Muốn vậy phải xoá bỏ dần và đến toàn bộ việc đan xen, kết hợp các mô hình quản lý: theo chức năng, theo đối tượng có kết hợp với quản lý theo sắc thuế. Điều đó có nghĩa là ngành thuế phải xoá bỏ bộ phận kiểm tra theo đối tượng ở cấp Cục. Cơ cấu bộ máy phải theo hướng tăng nguồn nhân lực cho các bộ phận chức năng là tuyên truyền hỗ trợ (nhất là bộ phận thanh tra), giảm nhân lực tại các bộ phận phục vụ.
Để đảm bảo việc cải cách không làm ảnh hưởng tới nguồn thu cho NSNN, và không có tác động lớn đến doanh nghiệp cũng như tư tưởng của cán bộ công chức thuế, ngành thuế cần phải có một lộ trình thích hợp và có sự quán triệt sâu sắc về chủ trương cải cách trong đội ngũ lãnh đạo chủ chốt, cùng toàn thể công chức của ngành.
Về chính sách cán bộ:
- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thuế. Đây là điều kiện quyết định để công tác quản lý thu thuế ngày càng được hoàn thiện hơn, đòi hỏi ngành thuế nói chung và ngành thuế Hà Nội nói riêng trong thời gian tới cần chú trọng hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cả về chuyên môn và nghiệp vụ nhất là lực lượng cán bộ trẻ. Không chỉ chú trọng đến số lượng mà phải đi sâu đào tạo về chất lượng chuyên môn và phẩm chất đạo đức.
Cục thuế Hà nội cần phải thường xuyên tổ chức cho các cán bộ tập huấn, trao đổi, đánh giá rút ra kinh nghiệm với các Cục thuế lớn như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai,… là những đơn vị trực tiếp quản lý các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có số thu lớn, đối tượng thu đa dạng và có số lượng lớn, và cơ quan cấp trên là Tổng Cục Thuế để rút ra những biện pháp và cách xử lý thích hợp khi thực hiện cơ chế quản lý mới.
Ngoài ra, cần chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học để bắt kịp với xu thế hội nhập của thế giới. Để có thể tăng cường quản lý với đối tượng là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì lực lượng cán bộ quản lý thuế càng cần đáp ứng trình độ ngoại ngữ và tin học nhất định, đặc biệt trong quá trình ứng dụng công nghệ đang được tăng cường trong việc quản lý số liệu, đối tượng nộp thuế,…
Thêm vào đó, để có thể sớm phát hiện những trường hợp có hành vi gian lận và trốn thuế của các doanh nghiệp có vốn ĐTNN thì đào tạo nâng cao trình độ kế toán quốc tế cũng là một đòi hỏi bức thiết. Vì như chúng ta đã để cập ở những phần trước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vừa phải chịu sự quản lý của pháp luật nước cư trú, vừa phải tuân thủ luật pháp nước đầu tư. Để khắc phục tình trạng lợi dụng kẽ hở của Luật pháp, cán bộ quản lý thuế đối với doanh nghiệp có vốn ĐTNN phải có những hiểu biết sâu sắc về chế độ kế toán của Việt Nam cũng như của quốc tế. Điều này cũng tránh gây sự xung đột trong quản lý thuế thông qua kiểm soát kế toán giữa Việt Nam và quốc tế, tránh gây thiệt thòi cho các doanh nghiệp có vốn ĐTNN và hơn hết là nhằm thực thi có hiệu quả nhất cơ chế quản lý tự khai, tự nộp thuế.
- Đối với công tác luân phiên, luân chuyển cán bộ. Đây là một yêu cầu bắt buộc mà Chính phủ quy định với các cơ quan tài chính để phòng chống tham nhũng, và đào tạo cán bộ nguồn có đủ phẩm chất, năng lực làm việc ở nhiều vị trí. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy cần phải sớm đưa ra các chuẩn về điều động, luân chuyển cán bộ bởi yêu cầu hiệu quả thu thuế ở mỗi khâu, mỗi bộ phận phụ thuộc vào sự ổn định và kinh nghiệm quản lý cũng như năng lực quản lý của cán bộ thuế là không nhỏ (như công tác thanh tra thuế, dự báo thu,…). Và các chuẩn ở đây nên xây theo tiêu chí kinh nghiệm (năm công tác có hiệu quả cao đã được công nhận về thành tích ở một bộ phận chức năng), trình độ (theo cấp chuyên viên, chuyên viên chính, thanh tra viên, thanh tra viên chính,…) đòi hỏi cho công việc được phân công, phẩm chất đạo đức,…
3.2.2.3. Đối với Chính quyền thành phố Hà Nội
Chính quyền thành phố nên tạo điều kiện mở rộng việc nối mạng thông tin, tăng cường phối hợp giữa Cục thuế thành phố Hà Nội với các sở, ban, ngành khác (Kho bạc, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Thương mại,…), giữa các phòng kinh tế quận, huyện với Chi cục thuế nhằm giúp ngành thuế thực hiện có hiệu quả Chiến lược Cải cách thuế đến năm 2010.
Đồng thời, để góp phần đảm bảo ổn định nguồn thu cho NSNN hàng năm, kiến nghị UBND tạo điều kiện để ngành thuế hoàn thành nhiệm vụ thông qua việc giao nhiệm vụ cho các sở, ngành chức năng phối hợp với ngành thuế tăng cường tuyên truyền pháp luật thuế, hướng dẫn, giải quyết thỏa đáng mọi khó khăn vướng mắc về chính sách thuế cho doanh nghiệp.
3.2.2.4. Đối với Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Nâng cao ý thức, trách nhiệm với việc nộp thuế:
Trước tiên, mỗi doanh nghiệp cần phải trang bị cho mình những những kiến thức cơ bản về thuế nói chung và thuế TNDN nói riêng. Trên cơ sở hiểu rõ bản chất, vai trò và các quy định của luật thuế, việc thực thi thuế của các doanh nghiệp sẽ trở nên đơn giản, chính xác, giảm bớt những tốn kém về thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp; đồng thời, cũng giảm bớt gánh nặng cho các cơ quan quản lý, hướng dẫn thi hành luật thuế.
Hoàn thiện hơn nữa công tác quản lý sổ sách và hóa đơn, chứng từ:
Để đảm bảo độ chính xác khi nộp thuế, các doanh nghiệp cần phải tuân thủ theo chế độ kế toán hiện hành và sự chỉ đạo của các cơ quan thực thi pháp luật thuế, quản lý tốt sổ sách, chứng từ kế toán phục vụ việc xác định thuế TNDN. Chỉ khi các chứng từ thực sự chính xác, minh bạch thì mới có thể giúp tránh thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước và đảm bảo công bằng xã hội.
KẾT LUẬN
Qua nghiên cứu, mặc dù doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng tăng về số lượng và quy mô, song công tác quản lý thuế nói chung và thuế thu nhập danh nghiệp nói riêng của Cục thuế Hà Nội đối với các doanh nghiệp này vẫn ngày càng dược triển khai một cách tốt hơn. Vừa đảm bảo chống thất thu ngân sách, vừa tạo môi trường kinh doanh thong thoáng hơn cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn.
Tuy nhiên, đứng trước bước phát triển mới về kinh tế - xã hội giai đoạn hiện nay, thì công tác quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn thể hiện một số thiếu sót, chưa phù hợp với tình hình thực tế và chưa bắt kịp được công tác quản lý thuế tiên tiến trên thế giới. Chính vì thế, việc tiếp tục tăng cường, hoàn thiện hoạt động quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp là cần thiết, không những vì đây là một khoản thu đáng kể cho NSNN, mà còn ảnh hưởng lớn tới việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài và khuyến khích các doanh nghiệp tái đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.
Với mong muốn góp phần đưa ra những luận cứ để xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý thuế, nâng cao hiệu quả của công tác quản lý thu thuế ở Việt Nam, khóa luận đã nêu khái quát các vấn đề về thuế và cơ chế quản lý thuế, về vai trò của công tác quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài. Bên cạnh đó, khóa luận còn nghiên cứu kinh nghiệm trong công tác quản lý thuế của một số quốc gia để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam và chỉ ra xu thế cải cách chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp trên thế giới trong thời gian tới.
Trên cơ sở nghiên cứu lý thuyết và thực tiễn như vậy, khóa luận đánh giá những thành tựu và hạn chế đối với cơ chế quản lý thuế trên địa bàn Hà Nội trong giai đoạn vừa qua, từ đó, đề xuất những giải pháp, kiến nghị đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý thuế nhằm mục tiêu xây dựng cơ chế quản lý thuế hợp lý tạo điều
kiện thuận lợi cho mọi đối tượng nộp thuế, bảo đảm công bằng xã hội và tạo động lực phát triển cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, cơ chế quản lý thuế chỉ là một trong những cơ chế quản lý tài chính của Nhà nước, vì vậy, để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đạt được bước chuyển biến quan trọng về nâng cao hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, cần phải có sự kết hợp đồng bộ giữa cơ chế chính sách trong quản lý thuế với các cơ chế chính sách kinh tế - tài chính và các chính sách xã hội khác.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng khóa luận khó tránh khỏi những khiếm khuyết, rất mong các thầy cô giáo đóng góp ý kiến để khóa luận được hoàn thiện hơn và có thể đóng góp tốt hơn vào lĩnh vực nghiên cứu này./.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. GS.TS. Bùi Xuân Lưu - PGS.TS. Nguyễn Hữu Khải - ThS. Nguyễn Xuân Nữ,
Giáo trình Thuế và Hệ thống thuế, NXB Giáo dục, 2003.
2. Cục thuế Hà Nội, Báo cáo tổng kết công tác thuế các năm từ 2004 - 2008.
3. Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 20 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 1988-2007, http://fia.mpi.gov.vn.
4. Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài tháng 12 và 12 tháng đầu năm 2008, http://fia.mpi.gov.vn.
5. PGS.TS. Vũ Chí Lộc, Giáo trình Đầu tư nước ngoài, NXB Giáo dục, 1997.
6. Luật đầu tư của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam số 59/2005/QH11 ngày 29/11/2005 và các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật đầu tư, Website Ngành Thuế http://www.gdt.gov.vn.
7. Luật thuế thu nhập doanh nghiệp của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam số 09/2003/QH11 ngày 17/6/2003 và các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Website Ngành Thuế http://www.gdt.gov.vn.
8. Luật thuế thu nhập doanh nghiệp của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam số 14/2008/QH12 ngày 03/06/2008 và các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Website Ngành Thuế http://www.gdt.gov.vn.
9. Luật Quản lý Thuế của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006, Website Ngành Thuế http://www.gdt.gov.vn.
10. KPMG (2008), KPMG’s Corporate and Indirect Tax Rate Survey 2008, http://www.kpmg.com
11. OECD (2008), Reforming Corporate Income Tax, http://www.oecd.org/publicaions/Policybriefs.
12. OECD (2007), Revenue Statistics 1965-2006, http://www.oecd.org/publicaions/Policybriefs.