Những Chính Sách Góp Phần Đầu Độc Nhân Dân Việt Nam


nên đã tìm cách vu oan cho người kia nấu rượu. Việc vu oan lúc bấy giờ diễn ra rất dễ dàng. Họ chỉ việc vất một mớ bã rượu trong vườn, thậm chí cả ngoài ruộng của đối thủ là người ấy cũng có thể bị tù tội. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống yên bình và tình làng nghĩa xóm của những người nông dân Việt Nam vốn đã có từ bao đời nay. Và những tên địa chủ cường hào cũng thường dùng chiêu thức này để cướp đoạt ruộng đất của nông dân trong làng.

Lịch sử đã cho thấy, trong suốt thời kỳ Pháp đô hộ, không biết bao nhiêu người đã bị phạt tiền và bị giam cầm vì tội nấu “rượu lậu” hay có “rượu lậu” đem theo người. Chính viên Thống sứ Bắc Kỳ Tholance, năm 1941, đã phải tự thú là quá nửa số tù phạm ở đồng bằng Bắc Bộ là những người can tội về rượu lậu. Và càng vô lý hơn nữa, vì muốn bảo vệ quyền lợi cho bọn tư bản độc quyền mà Chính phủ thực dân hàng năm phải tiêu rất nhiều tiền để duy trì bộ máy nhà đoan cồng kềnh và nhà tù mọc lên đầy rẫy khắp nơi.

Để thu được nhiều lãi, thực dân Pháp không những không cho nấu rượu mà chúng còn bắt nhân dân ta phải uống một số rượu nhất định do chúng quy định hằng năm. Dân một làng ở Bắc Kỳ, buộc phải uống rượu đã kêu với viên quan người Pháp “của họ” rằng: “Ngay đến cái ăn, chúng tôi cũng không có gì cả”. Quan đáp: “Chúng mày quen ngày ba bữa, bây giờ bớt đi một bữa, hay nếu cần thì bớt đi một bữa rưỡi để có thể mua rượu của Nhà nước” [30; tr.44]... luận điệu thật là bỉ ổi. Nguyễn Ái Quốc cho biết: “Lúc ấy, cứ 1.000 làng thì có đến 1.500 đại lý bán lẻ rượu và thuốc phiện…, hàng năm người ta cũng đã tọng từ 23 đến 24 triệu lít rượu cho 12 triệu người bản xứ, kể cả đàn bà và trẻ con” [30; tr.45] (Xem Phụ lục bảng: Số lượng rượu bán được từ năm 1935-1939).

Không dừng ở đó, bọn Pháp còn ra thông tư bắt nhân viên pha thêm nước lã vào rượu đem bán; cứ mỗi hectolit rượu thì pha thêm 8 lít nước lã. Như thế, tính trên toàn cõi Đông Dương mỗi ngày bán 500 hectolit (50.000 lít) rượu thì có 4.000 lít nước lã pha thêm vào; 4.000 lít mỗi lít giá ba hào, thành 1.200 đồng một ngày,

36.000 đồng một tháng. Như thế, chỉ cần mở vòi nước lã không thôi, mỗi năm công ty cũng thu được một món lãi nho nhỏ 432.000$ hay 4 triệu francs [30; tr.45].


Như vậy, với chính sách độc quyền về rượu đã tạo điều kiện cho các công ty cất rượu của Pháp độc quyền đặc biệt là công ty cất rượu Đông Dương (hãng Phông-ten). Điều này đã đem lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho Ngân hàng Đông Dương và một số quan cai trị vì họ là những cổ đông chính. Chúng đã dùng mọi thủ thuật để thu về lợi nhuận cao nhất mặc cho người dân Việt Nam phải sống một cuộc sống bần cùng. Không những thế chính sách độc quyền về rượu đã tạo điều kiện cho các công ty rượu của Pháp phát triển ở Việt Nam không những phá vỡ nếp sống truyền thống văn hóa của người dân Việt Nam mà nó còn làm cho một bộ phận thanh thiếu niên Việt Nam rơi vào con đường rượu chè, làm mất ý chí chiến đấu không còn nghĩ đến việc đánh đuổi chúng ra khỏi Việt Nam và điều này được khắc họa rất rõ nét qua hình ảnh “Chí Phèo” của Nam Cao. Tuy nhiên, đây chỉ là một bộ phận nhỏ trong xã hội còn đại đa số nhân dân Việt Nam đều nhìn thấy rõ bộ mặt thâm độc của thực dân Pháp.

4.2.1.3. Những chính sách góp phần đầu độc nhân dân Việt Nam

Để phục vụ cho chính sách khai thác thuộc địa, thực dân Pháp không bỏ qua bất cứ lĩnh vực nào để bòn rút của cải của các nước thuộc địa làm giàu cho chính quốc. Dưới sự hỗ trợ đắt lực của chính quyền thực dân, Ngân hàng Đông Dương đã triển khai chính sách tiền tệ, tín dụng, đầu tư trên mọi lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thương mại và giao thông vận tải, thu về nguồn lợi nhuận khổng lồ. Mặc dù không trực tiếp nhưng thông qua Ngân hàng Đông Dương, chính quyền thực dân đã thực hiện âm mưu thâm độc của mình trong việc đầu độc cờ bạc, ma túy, rượu chè để người dân mất sức chiến đấu và bọn chúng dễ dàng hái ra tiền từ các sản phẩm gây nghiện đó.

Do vậy chúng ta có thể nói rằng, sự ra đời và hoạt động của Ngân hàng Đông Dương đã có tác động không nhỏ đến xã hội và đời sống của người dân Việt Nam dưới thời Pháp thuộc.

Về độc quyền kinh doanh thuốc phiện, một thứ ma túy độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe và tiền đồ của cả một dân tộc, chúng đã gieo rắt cái chết trắng cho người dân Việt Nam. Nhưng vì nguồn lợi quá lớn được thu từ thuế và khoản siêu


lãi tạo ra từ độc quyền mua bán đã tạo ra “ma lực” hấp dẫn Ngân hàng Đông Dương hăng hái tài trợ cho các nhà kinh doanh thuốc phiện.

Thuốc phiện mà Sài Gòn nhập mỗi năm một tăng. Năm 1875 nhập 549 thùng tương đương 33,5 tấn thì đến năm 1879 đã tăng lên 861 thùng (52 tấn) tức là tăng 63,8% [25; tr.81].

Siêu lợi nhuận nên hai năm sau (1881), thực dân Pháp ban hành Nghị định về độc quyền kinh doanh thuốc phiện. Cơ quan độc quyền này tiếng Pháp gọi là Régie de l’Opium, tạm dịch là “Nha phiến công mại cục” (gọi tắt là Ty thuốc phiện) và đồng thời cho khởi công xây dựng xưởng nấu thuốc phiện.

Xưởng nấu thuốc phiện tọa lạc trên diện tích một mẫu tây ở đầu đường Hai Bà Trưng hiện nay, là “niềm hãnh diện” của chính quyền thuộc địa, là một trong những “kỳ quan” của Sài Gòn. Số thuốc phiện sản xuất ở đây không chỉ được bán ở Việt Nam mà còn bán ở khắp Đông Dương. Ở Việt Nam các đại lý thuốc phiện trải rộng khắp đô thị đến thôn quê, các đại lý sẵn sàng bán lẻ thuốc phiện với những trọng lượng nhỏ nhất và nâng giá tùy tiện. Vì thế, số tiền thu được do việc đầu độc người bản xứ cũng rất lớn. Nếu chỉ tính riêng ở Nam Kỳ thì khoản thu về từ thuốc phiện đã đem lại cho ngân sách Nam Kỳ một khoản thu nhập rất lớn hằng năm thể hiện qua bảng sau:

Bảng 4.7. Thu ngân sách Nam Kỳ từ thuốc phiện giai đoạn 1882-1885

Đơn vị tính: $


Năm

Tổng thu nhập

1882

1883

1884

1885

1.355.657$89

1.627.736$08

1.802.319$45

1.868.222$18

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 231 trang tài liệu này.

Hoạt động của Ngân hàng Đông Dương tại Việt Nam từ năm 1875 đến năm 1945 - 19

Nguồn: Hồ sơ số IA6/217(3), phông Thống đốc Nam Kỳ, TTLTQG II, TPHCM.

Như vậy, nếu lấy năm 1885 so sánh với năm 1882 thì khoản thu nhập về thuốc phiện đem về cho ngân sách Nam Kỳ tăng 37,8%. Có thể nói, đây là một khoản lợi nhuận không nhỏ. Và khoản thu nhập từ việc kinh doanh thuốc phiện không ngừng tăng qua các năm: 6,8 triệu đồng năm 1902, tăng lên 13 triệu đồng


năm 1914 và chiếm từ 25% năm 1902 và chiếm đến 36,9% năm 1914 tổng số thu nhập chính của ngân sách Đông Dương [25; tr.81].

Theo tác giả Nguyễn Khắc Viện, “chính quyền thực dân nắm độc quyền mua bán thuốc phiện và khuyến khích dân nghiện hút. Trong khoảng các năm 1896- 1899, giá 1kg thuốc phiện tăng từ 45$ lên 77$... Nếu tính cả 3 độc quyền (thuốc phiện, rượu và muối) thì năm 1899 thực dân Pháp đã thu được 8.500.000$ (trong tổng ngân sách 20 triệu), và năm 1911 là 12.000.000$ (trong tổng ngân sách 42 triệu)” cho thấy nguồn thu đáng kể biết bao (Xem Phụ lục Bảng 4: Số thuốc phiện bán được từ năm 1936-1939).

Không những thế, chúng còn khuyến khích trồng thuốc phiện ở vùng thượng du Bắc Bộ trong khi đó thì thực phẩm miền Bắc rất thiếu thốn. Một điều khác lạ ở đây là: Nếu như ở bên Pháp Chính phủ Pháp cấm nhân dân không được dùng thuốc phiện, thì ngược lại ở Việt Nam chúng đã cho bán công khai thứ thuốc độc nguy hiểm này, điều này càng góp phần đầu độc giống nòi dân tộc Việt Nam. Sự thật đó đã khiến cho bà Viollis Andrée phải công phẫn nói: “Ở bên Pháp, có một phòng hút thuốc phiện hay vài hạt thuốc phiện sẽ bị cảnh sát khám xét hay bị bắt bỏ tù, vì làm yếu chủng tộc Pháp đi là một tội ác. Nhưng ở đây thuốc phiện được bán công khai đem lại hàng năm 15 triệu đồng cho ty thuốc phiện độc quyền Pháp” [46; tr.60].

Chính sách độc quyền thuốc phiện nói trên đã làm cho người nghiện ở nước ta tăng dần qua các năm và có đầy rẫy ở khắp nơi. Riêng năm 1932 theo sự điều tra của phái đoàn Hội Quốc Liên, ở Đông Dương đã có tới 115.000 người nghiện thuốc phiện. Số đó ngày càng tăng vì số lượng thuốc phiện tiêu thụ vẫn ngày càng nhiều. Điều này tác động trực tiếp vào đời sống xã hội. Làng quê an bình trước đây thì bây giờ trộm cắp, trấn lột ngày càng nhiều, bên cạnh sự gia tăng không ngừng số người cùng khổ trong xã hội Việt Nam lúc bấy giờ.

Như vậy, không chỉ có thuốc phiện mà chính sách bắt buộc nhân dân ta phải uống rượu của Pháp đã khiến cho số người nghiện rượu tăng lên rất nhiều. Điều này cho thấy chính sách thâm độc của thực dân Pháp đối với dân tộc ta. Chính sách


“gây nghiện” đã đầu độc và làm ảnh hưởng đến nòi giống dân tộc Việt Nam, xô đẩy một bộ phận thanh niên Việt Nam sa vào con đường nghiệp ngập, hút chích, đĩ điếm… Làm cho họ không còn đủ ý chí và khả năng xác định được kẻ thù để đấu tranh giành độc lập.

Về việc tổ chức kinh doanh sòng bạc, thực dân Pháp đã dùng thủ đoạn thâm hiểm trá hình dưới tên gọi là “xéc”. Nếu ai phản đối việc chính thức mở sòng bạc để lấy thuế cho ngân quỹ thuộc địa, bọn thực dân sẽ trả lời rằng đó là chúng “tiếp tục truyền thống lâu đời” của triều đình Huế. Nhưng sự thật không phải vậy, chính tên trùm thực dân Pháp là Lanessan đã xác nhận: “Chính phủ An Nam bao giờ cũng nghiêm khắc cấm các nhà đánh bạc và phạt rất nặng những ai chứa sòng bạc” [109; tr.132].

Sau khi chiếm Nam Kỳ, Pháp liền đặt các sòng bạc để lấy tiền Việt Nam nuôi bọn quan quân viễn chinh, mặt khác chúng lôi kéo người Việt Nam vào chỗ sa ngã, rời bỏ con đường đấu tranh cứu quốc, để chúng dễ chiêu mộ lính mã tà hay lính tập. Bị nhân dân phản đối mạnh chính sách này nên Nghị viện Pháp phải cho nhà “xéc” đóng cửa vào năm 1875. Cho đến năm 1883 một cánh thực dân vận động thành lập lại, nhưng bất thành. Nhưng đến năm 1886, không cưỡng được trước nguồn lợi lớn, chính quyền thực dân lén lút ngụy trang các “xéc” cờ bạc dưới cái nhãn “Phòng thương mại Trung Hoa” [9; tr.169], kỳ thật đó là những “tiệm Me” tức sòng bạc lớn. Tỉnh nào, huyện nào, thậm chí làng nào cũng nhan nhản những sòng me. Mỗi sòng bạc có 2, 3 buồng đánh me, đánh ba quan, bài cào, và nhiều buồng nhiều ván, mỗi cái đều có bàn thuốc phiện. Chúng ra sức cổ vũ dân ta hút thuốc phiện từ nguồn thuốc mà chúng độc quyền phân phối. Về lợi nhuận sòng bạc, chỉ riêng Chính phủ Nam Kỳ thu về 2 triệu rưởi một năm và năm sau vượt rất nhiều lần năm trước. Hết tiền trộm cướp, sát nhân, đàng điếm mọc lên như nấm. Bọn quan lại thực dân càng có dịp làm giàu, chính báo cáo của thực dân Pháp đã thừa nhận: “việc xúi giục điếm đàng, tăng thuế nặng nề, xáo trộn sâu sắc những điều kiện kinh tế, đã làm cho người dân Nam Kỳ bị bần cùng hóa đi, sự phát triển của nghề nông bị chặn đứng lại, số vụ trộm cướp và giết người tăng


lên, đã có những vụ cướp bằng vũ trang và nhiều vụ phiến loạn, đó là kết quả khó tránh khỏi, hay chăng cần phải lập lại trật tự các sòng bạc” [9; tr.169].

Có thể nói, dù không trực tiếp nhưng Ngân hàng Đông Dương đứng đàng sau các sòng bạc với vô số thủ đoạn từ cho vay, cầm cố, tịch biên gia sản, đến đấu giá tài sản những người thua cờ bạc,… Rõ ràng Ngân hàng Đông Dương đã trực tiếp hay gián tiếp gây nên không biết bao nhiêu cảnh đau thương, tang tóc cho người dân Việt Nam. Bằng thủ đoạn dụ dỗ ép đánh bạc, hút thuốc phiện, uống rượu, và vay nặng lãi... để cuối cùng đành chịu bị phát mại gia sản ruộng vườn. Từng bước chúng đẩy những người nông dân ra đường. Nguyễn Ái Quốc đã vạch rõ tội ác của chế độ cai trị thực dân ở Đông Dương: “chúng tôi không những bị áp bức và bóc lột thê thảm… bằng thuốc phiện, bằng rượu… chúng tôi phải sống trong cảnh ngu dốt tối tăm vì chúng tôi không có quyền tự do học tập ” [21; tr.22-23].

4.2.2. Tác động tích cực

Với chức năng là Ngân hàng Thương mại thông qua hoạt động tín dụng cho vay đã đem lại nguồn lợi nhuận lớn cho ngân hàng và gián tiếp tước đoạt ruộng đất của người nông dân. Song ở một khía cạnh khác, chúng ta nhận thấy tín dụng đã góp phần nhất định cho quá trình chuyển biến nền kinh tế tiểu nông ở nước ta sang nền kinh tế có những yếu tố tư bản chủ nghĩa. Việc mở rộng hoạt động tín dụng và lưu thông tiền tệ đã thúc đẩy quan hệ hàng - tiền ngày càng phổ biến ở Việt Nam (nơi vốn bảo lưu lâu dài nền kinh tế “tự cung tự cấp”), góp phần tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế hàng hóa.

Được Chính phủ ưu ái các nhà lãnh đạo Ngân hàng Đông Dương đã thể hiện rõ năng lực lãnh đạo của mình và nhờ thế ngân hàng đã quản lý và làm rất tốt các tiệm cầm đồ. Điều này cũng góp phần làm cho nguồn vốn của ngân hàng tăng lên và lợi nhuận đem về từ hoạt động này là không nhỏ. Đây cũng là một vấn đề mà các nhà quản lý ngân hàng Việt Nam cần học tập để có giải pháp quản lý. Lĩnh vực này hiện nay nhà nước đang thả nổi, mặc cho tư nhân và tín dụng đen thao túng.


Ngoài ra, về mặt nghiệp vụ, Ngân hàng Đông Dương đã để lại nhiều bài học bổ ích cho hoạt động ngân hàng trong giai đoạn hiện nay. Cụ thể như: cách thức tổ chức, đối tượng khách hàng, thủ tục thế chấp, quản lý và điều hành… cũng như các kỹ thuật nghiệp vụ đều có thể cho chúng ta nghiên cứu và học tập, nhất là những người công tác trong ngành ngân hàng.

Được Chính phủ Pháp ban cho đặc ân, Ngân hàng Đông Dương không chỉ phát hành tiền và hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng, mà ngân hàng còn sử dụng nguồn vốn huy động đó để trực tiếp hoặc gián tiếp đầu tư kinh doanh ngoài ngành. Chính vì thế, Ngân hàng Đông Dương cũng là một công cụ để Pháp sử dụng trong quá trình Pháp độ hộ Việt Nam. Điều nổi bật ở đây là thông qua chính sách cai trị của Pháp đã làm cho xã hội Việt Nam có nhiều biến chuyển. Quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa được du nhập vào Việt Nam và đưa đến sự xuất hiện 3 giai cấp mới trong xã hội đó là: công nhân, tư sản và tiểu tư sản. Sự ra đời của 3 giai cấp mới đã góp phần hoàn chỉnh một cấu trúc giai cấp hiện đại, quy định tương lai phát triển của xã hội Việt Nam.

Một điều quan trọng nữa là với chính sách thống trị của Pháp thông qua Ngân hàng Đông Dương đã làm xuất hiện và phát triển hệ thống thành thị cũng như chuyển dịch từ kinh tế nông nghiệp thuần túy dần hình thành kinh tế tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp ở Việt Nam. Đây là nhân tố hàng đầu tiếp thu nền văn minh phương Tây.

Tiểu kết chương 4

Về hoạt động phát hành và lưu thông tiền tệ của Ngân hàng Đông Dương nêu trên, đã cho chúng ta thấy rõ, thực dân Pháp, ngoài sự bóc lột về kinh tế, chúng còn áp dụng nhiều hình thức bóc lột phi kinh tế hết sức tàn nhẫn.

Đối với thị trường tiền tệ, chúng cột đồng bạc Đông Dương vào đồng franc Pháp để kiếm lời đã làm thiệt hại và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của đông đảo quần chúng nhân dân Việt Nam. Điều này được cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Trường Chinh phản ánh trong tác phẩm Cách mạng Tháng Tám như sau: “Chiếm độc quyền phát hành giấy bạc, thiết lập một hệ thống ngân hàng đồ sộ cho vay lấy lãi, tư bản tài chính Pháp khác nào một con bạch tuộc già thò vòi sang


Đông Dương hút máu mủ nhân dân Việt Nam, và Việt Nam thật ra là thuộc địa của Ngân hàng Đông Dương” [3; tr.44].

Về hoạt động tín dụng, nhờ sự linh hoạt trong việc cho vay và thanh toán ngoại thương của Ngân hàng Đông Dương mà hoạt động thương mại quốc tế đã có bước tiến triển nhanh chóng hơn bao giờ hết. Thương mại trong nước và quốc tế ngày càng phát triển. Hàng hóa của Việt Nam đã có mặt trên thị trường thế giới, qua tay các nhà buôn Pháp.

Về hoạt động kinh doanh đầu tư ngoài ngành, ngân hàng đã phát huy tối đa ưu quyền có một không hai của mình, đã vươn vòi bạch tuộc không những chi phối hoạt động của các công ty của Pháp mà còn chèn ép tư sản Việt Nam. Với vai trò là ngân hàng độc quyền phát hành tiền tệ và nắm giữ ngân khố Đông Dương, Ngân hàng Đông Dương đã lạm dụng quyền hạn này để đầu tư tạo ra các sản phẩm độc quyền khác (cờ bạc, rượu, thuốc phiện).

Ngoài ra, Ngân hàng Đông Dương còn tham gia vào chính quyền để “bảo vệ” nguồn lợi kếch sù của mình. Ngược lại, chính quyền thực dân cũng góp vốn, có cổ phần trong ngân hàng để cùng hưởng lợi và đặc biệt là để thực hiện mưu đồ kiểm soát, chi phối mọi hoạt động kinh doanh của các nước thuộc địa. Chúng xem Đông Dương là một kho của cải vô tận để chúng tha hồ vơ vét, củng cố địa vị thống trị của mình.

Xem tất cả 231 trang.

Ngày đăng: 12/05/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí