Nguồn Tư Liệu Dân Gian Về Hoàng Hoa Thám


Trước khối lượng thông tin đồ sộ như vậy, chúng tôi phân loại sử liệu về thủ lĩnh Đề Thám thành hai nguồn như sau:

Thứ nhất là nguồn thông tin lịch sử từ phía Pháp. Đa số sử liệu Pháp ghi chép về Hoàng Hoa Thám và Yên Thế hiện nay được lưu trữ trong Hồ sơ của chính phủ thuộc địa, hoặc trong các lưu trữ cá nhân. Đây là một nguồn tư liệu quan trọng, có giá trị đối chứng cao, song điều kiện của chúng tôi chỉ tiếp cận thông qua công bố của các nhà nghiên cứu đi trước, đặc biệt là công trình mới nhất và quy mô nhất Hoàng Hoa Thám (1836-1913) của Khổng Đức Thiêm. Theo Khổng Đức Thiêm, cuốn Giặc giã và thổ phỉ ở Bắc Kỳ. Quân đội chúng ta ở Yên Thế (Pirates et rebelles au Tonkin. Nos soldats au Yen The) do đại tá Frey viết, xuất bản tại Paris năm 1892 là tài liệu sớm nhất viết về Hoàng Hoa Thám và khởi nghĩa Yên Thế. Đại tá Frey là người trực tiếp chỉ huy chiến dịch đánh chiếm đồn Hố Chuối từ cuối tháng 12/1890 đến đầu tháng 1/1891 nên đã kể tương đối rò những hoạt động kháng Pháp quyết liệt của nghĩa quân trong giai đoạn này, đồng thời có những mô tả khá kĩ về địa bàn và vị trí chiến lược của vùng Yên Thế như Hố Chuối, Cao Thượng, Phù Khê, nhất là vùng Hữu Thượng với các làng Thuống, làng Mạc, làng Vàng,… mà nghĩa quân Yên Thế đã giành được.

Sau cuốn tài liệu của Frey, vào năm 1896 cũng tại Paris, tác giả Chabrol - một sĩ quan Pháp đã xuất bản cuốn Những cuộc hành quân vào Bắc Kỳ (Opérationns militaires au Tonkin). Cuốn sách ghi lại quá trình xâm lược bình định xứ Bắc Kỳ của người Pháp. Trong phần ghi chép về Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế, Chabrol khẳng định phạm vi hoạt động và vùng ảnh hưởng của thủ lĩnh cũng như nghĩa quân là khá rộng: từ Bắc Giang, Bắc Ninh đến tận Hà Nội, và vai trò thực sự của Đề Thám được khẳng định vào năm 1894, sau khi thủ lĩnh Đề Nắm chết và Bá Phức phản bội. Hoàng Hoa Thám thật sự trở thành mối lo thường xuyên của chính quyền thực dân kể từ sau một loạt sự kiện như trận Hố Chuối (18/5/1895), trận làng Nứa (17/8/1894), trận Cầu Rẽ (22/8/1894), trận Ao Khuya (9/9/1894),… Đề Thám bắt cóc được hai người Âu dẫn đến việc kí kết ngày 23/10/1894 giữa ông và chính quyền bảo hộ [88, tr.34-35].

So với tài liệu của Chabrol, Người đương thời. Đề Thám (L'homme du jour. Le De Tham) do Maliverney, chủ bút báo L'Avenir du Tonkin (Tương lai Bắc Kỳ),


xuất bản tại Hà Nội năm 1909 là tài liệu có khối lượng lớn hơn, sinh động hơn về khởi nghĩa Yên Thế và thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám. Cấu trúc tài liệu được chia thành ba phần: Phần đầu kể về nguồn gốc, tiểu sử Đề Thám và hoạt động của ông trước 1909. Phần hai tập hợp những điện tín, bài tường thuật, bài bình luận ngắn của các phóng viên báo Tương lai xứ Bắc Kỳ. Phần ba tập hợp những bài phóng sự dài của phóng viên Rerverony gửi về từ Yên Thế miêu tả diễn biến chiến sự tại Yên Thế. Điểm nổi bật của cuốn sách này là tính cụ thể về số liệu của quân đội Pháp khi tham chiến tại Yên Thế [88, tr.40], và những bức ảnh chụp phong cảnh Yên Thế, Đề Thám, các thủ lĩnh nghĩa quân và địa thế đồn Phồn Xương.

Năm 1934, sau hai mươi mốt năm khởi nghĩa Yên Thế chấm dứt, Bouchet - nguyên Đại lí Nhã Nam đã cho xuất bản cuốn Ở Bắc Kì. Cuộc đời phiêu lưu của Hoàng Hoa Thám, tướng giặc (Au Tonkin. La vie aventureuse de Hoang Hoa Tham, chef pirate) tại Pháp. Đây được coi là tư liệu khá hoàn chỉnh về cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Tác giả cung cấp nhiều thông tin về nguồn gốc của Đề Thám, nêu những nét cơ bản về lịch sử chính trị của vùng đất Yên Thế trước khi người Pháp có mặt ở đây. Cuốn sách còn tường thuật diễn biến cuộc khởi nghĩa Yên Thế cho đến khi Đề Thám bị sát hại, cung cấp nhiều thư trao đổi giữa Hoàng Hoa Thám và người Pháp trong thời kì hòa hoãn, những văn bản của Thống sứ Bắc Kỳ Morel hoặc công sứ Bắc Giang liên quan tới sự kiện Hoàng Hoa Thám. Vì lẽ đó, cuốn sách này chứa nhiều yếu tố hiện thực hơn so với các cuốn khác mà người Pháp từng viết về Đề Thám trước đó [88, tr.42].

Thủ lĩnh Đề Thám còn được nhắc đến trong cuốn sách Tấn thảm kịch Pháp ở Đông Dương (La tragédie francaise en Indochine) của Barthouet xuất bản tại Pháp năm 1948. Chương viết về Đề Thám là hồi ức cuộc khởi nghĩa Yên Thế khi tác giả còn phục vụ trong quân đội Pháp vào những năm đầu thế kỉ XX và tham gia cuộc hành quân ở Yên Thế.

Năm 2009, tại Pháp, nhà xuất bản L'Harmattan đã ấn hành cuốn Đề Thám - Một chiến sĩ kháng chiến chống lại chế độ thuộc địa Pháp (Le De Tham. Un résistant vietnamien à la colonisation française) của Claude Gendre. Ông là cháu của một người lính trong quân đội viễn chinh Pháp từng tham gia chiến dịch Yên

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 185 trang tài liệu này.


Thế. Hồi ức về cuộc chiến đã được người lính Pháp ghi chép lại, để hơn thế kỉ sau, Claude Gendre - cháu của ông đã tập hợp, sàng lọc, sắp xếp, kết nối lại thành tác phẩm này. Ngoài phần Mở đầu Kết luận, cuốn sách có 13 chương, tái hiện lại toàn bộ tiểu sử Hoàng Hoa Thám cùng những hoạt động của nghĩa quân Yên Thế. Điểm đáng chú ý là tác giả có sự nhìn nhận và đánh giá mới về Hoàng Hoa Thám, ông không gọi một cách miệt thị là tướng cướp [29, tr.22].

Hoàng Hoa Thám, hiện thực lịch sử và những phiên bản văn chương - 4

Thứ hai là nguồn sử liệu thành văn của Việt Nam. Trước năm 1945, tài liệu ghi chép sớm nhất về Hoàng Hoa Thám có thể nói đến là Ngục trung thư của Phan Bội Châu viết năm 1913 tại nhà ngục Quảng Châu, xuất bản năm 1914. Tác giả kể về sự kiện tìm gặp Hoàng Hoa Thám ở Phồn Xương năm 1903. Tại đây, Phan Bội Châu được các bộ tướng của cụ Hoàng như Cả Trọng, Cả Dinh, Cả Huỳnh tiếp đón và hứa sẽ hưởng ứng phong trào của Phan nếu Trung kỳ khởi sự1. Còn lần gặp thứ hai tại Phồn Xương là cuộc gặp trực tiếp giữa hai vị lãnh tụ tiêu biểu của phong trào yêu nước tiêu biểu đầu thế kỉ XX đã đi đến một số giao ước2 [29, tr.23]. Ngoài Ngục trung thư, trong Phan Bội Châu niên biểu (Tự phán) được viết quãng năm 1925 khi Phan tiên sinh bị giảm lỏng ở Huế cũng đã nhắc đến Hoàng Hoa Thám và phong trào Yên Thế.

Công trình Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim viết năm 1919 được xem là cuốn sách lịch sử Việt Nam đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ, hệ thống lại toàn bộ lịch sử nước Việt (cho đến thời Pháp thuộc). Sách này đã có thời kỳ được dùng làm sách giáo khoa tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Sự kiện Đề Thám được nhắc qua ở quyển Cận Kim Thời Đại, chương XV - Việc đánh dẹp ở Trung kỳ và Bắc kỳ như sau: Đề Kiều và Lương Tam Kỳ ra thú được ở yên. Cai Kinh bị bắt, Đốc ngữ ra thú, Hoàng-hoa-Thám ở Yên-thế cũng ra thú, được giữ ở vùng ấy, mãi đến 1909 mới bị đánh đuổi, đến năm 1912 mới bị giết…. ”3.



1 Sự kiện này được đề cập ở một số chương của tác phẩm: Chương IV - Ra thăm Hoàng Hoa Thám rồi vô Nam kỳ [Trong chương này, Phan Bội Châu có nói vì lí do cá nhân nên cụ Hoàng chưa ra gặp mặt. Tuy vậy để đáp lại thịnh ý của Giải San, Hoàng Hoa Thám đã cho bộ tướng của mình tiếp đón. Tại đây, Phan Bội Châu đã quan sát thấy khu căn cứ Phồn Xương được nghĩa quân Yên Thế xây dựng với ý đồ chiến thuật sẵn sàng] và Chương XIII - Gặp mặt Hoàng Hoa Thám.

2 Chân dung Hoàng Hoa Thám còn trở lại một lần nữa trong tác phẩm văn chương Chân tướng quân của Phan Bội Châu. Chúng tôi sẽ đề cập tới sáng tác này ở những chương sau của luận án.

3 Dẫn theo: https://nghiencuulichsu.com/2013/11/24/de-tham-nguoi-anh-hung-hay-thang-giac.


Năm 1935, Trịnh Như Tấu lên Yên Thế khai thác tư liệu và cho ra đời cuốn Bắc Giang địa chí tái hiện địa hình, nhân vật lịch sử và văn vật của xứ Bắc Giang. Phần viết về Đề Thám, ngoài vay mượn những sử liệu và ghi chép của người Pháp xuất hiện thời bấy giờ, tác giả còn lấy từ những câu chuyện dân gian về Hoàng Hoa Thám.

Sau năm 1945, nhất là sau năm 1954 Việt Nam trở thành một nước có chủ quyền, giới sử học dân tộc đã có nhiều ghi chép, biên soạn lại, nghiên cứu và đánh giá mới về thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám.

Chuyên khảo đầu tiên về Hoàng Hoa Thám xuất hiện ở miền Nam Việt Nam là Hoàng Hoa Thám (bài học xương máu của 25 năm đấu tranh) của tác giả Văn Quang (Sống mới xb, 1957). Sau đó là Đề Thám, con hùm Yên Thế của Nguyễn Duy Hinh (Nhà sách Khai trí, 1961). Còn Hoàng Hoa Thám và phong trào nông dân Yên Thế do Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Văn Sự, Trần Hồng Việt biên soạn (1958) là công trình có giá trị về Đề Thám và cuộc khởi nghĩa Yên Thế đầu tiên ở miền Bắc. Với hơn 20 bản ghi chép nguyên văn hồi ức các nhân chứng về khởi nghĩa Yên Thế, kết hợp với hầu hết những tác phẩm do người Pháp biên soạn, các tác giả đã cung cấp một ghi kịp thời những điều mà người làm tài liệu chưa có sự phân tích, đánh giá [45, tr.20]. Chính vì giá trị đặc biệt này, nên dù cho cuốn sách còn có một số giới hạn về cách nhìn nhận sự kiện, hoặc khai thác tư liệu chưa thật triệt để, còn thiếu những tư liệu và căn cứ quan trọng dẫn đến nhiều mốc lớn của phong trào cũng như vai trò của Đề Thám chưa được chỉ ra sáng rò, nó vẫn được coi là một tư liệu đầy chất sống cho những bài viết và giáo trình lịch sử sau này dựa vào. Các giáo trình Lịch sử Việt Nam (Trần Văn Giàu, Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Văn Sự biên soạn, 1957), Lịch sử cận đại Việt Nam (3 tập, Trần Văn Giàu biên soạn, 1960-1963), Đại cương lịch sử Việt Nam (Đinh Xuân Lâm chủ biên, 1998),… là những ví dụ.

Có hai dấu mốc sau đó đã tác động lớn đến việc sưu tầm, biên soạn lịch sử về Hoàng Hoa Thám và khởi nghĩa Yên Thế. Đó là năm 1963 - kỷ niệm 50 năm ngày mất của Hoàng Hoa Thám và năm 1984 - kỷ niệm 100 năm khởi nghĩa Yên Thế. Tại lễ kỷ niệm long trọng năm 1963, trong diễn văn Hoàng-Hoa-Thám, một lãnh tụ của nghĩa quân Yên-thế, một anh hùng dân tộc của nhân dân Việt Nam, Trần Huy


Liệu - Viện trưởng Viện Sử học - đã chính thức định danh Hoàng Hoa Thám là

«lãnh tụ» khởi nghĩa Yên Thế, là «anh hùng dân tộc». Năm 1984, nhân kỷ niệm 100 năm khởi nghĩa Yên Thế, Nhà nước đã ban hành quyết định chính thức coi lễ hội truyền thống tưởng nhớ Hoàng Hoa Thám là «Lễ hội Yên Thế» với những quy định chi tiết về các nghi tiết dành cho cả hai cấp quản lý là trung ương và địa phương trong việc tổ chức lễ hội. Tiếng nói quan phương xuất hiện trong hoàn cảnh đất nước đang đối mặt với giặc ngoại xâm mới (1963) hoặc kiến quốc trong hoàn cảnh thống nhất (1984) đã trở thành những định hướng mạnh mẽ cho toàn bộ đời sống văn hóa đương thời. Làn sóng nghiên cứu lịch sử (và sưu tầm văn hoá dân gian, và sáng tác văn chương nghệ thuật) về Hoàng Hoa Thám những năm tiếp đó chính là hệ quả trực tiếp của sự kiện này1.

Ngoài ra, suốt từ những năm 1954 đến trước 1986, hàng loạt bài viết, công trình nghiên cứu chuyên sâu công bố trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử của các nhà sử học, nhà nghiên cứu như Đặng Huy Vận, Minh Thành, Ngô Minh Quốc, Chương Thâu, Nguyễn Đình Bưu, Trần Huy Liệu, Trần Văn Giàu, Văn Quang, Văn Tạo,… đã bổ sung thông tin về Hoàng Hoa Thám ở những khía cạnh khác nhau như: vai trò của Đề Thám trong các cuộc khởi nghĩa, Đề Thám qua sách báo thời Pháp thuộc, Đề Thám trong các câu chuyện dân gian,…

Có thể nói, sau năm 1945, dưới quan điểm nghiên cứu Marxist trong khoa học xã hội, các nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam đã chú trọng đến xuất thân nông dân của Hoàng Hoa Thám, đến tính chất nông dân của cuộc khởi nghĩa Yên Thế, và


1 Chẳng hạn, sự ra đời của các công trình:

1. Tôn Quang Phiệt (1984), Tìm hiểu Hoàng Hoa Thám: qua một số tài liệu và truyền thuyết, Sở Văn hoá Thông tin Hà Bắc xb.

2. Anh Vũ, Nguyễn Xuân Cần (1993), Một vùng Yên Thế, Sở Văn hoá Thể thao Hà Bắc xb.

3. Nguyễn Phan Quang (1995), Việt Nam cận đại - những sử liệu (tập 1), Nxb Tp. Hồ Chí Minh

4. Khổng Đức Thiêm và cộng sự (1997), Khởi nghĩa Yên Thế, Hội khoa học lịch sử Việt Nam Sở Văn hoá Thông tin Bắc Giang xb.

5. Đinh Xuân Lâm (chủ biên, 1998), Đại cương lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

6. Nguyễn Văn Kiệm (1985), Phong trào nông dân Yên Thế chống thực dân Pháp xâm lược, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

7. Nguyễn Văn Kiệm (2001), Phong trào nông dân Yên Thế chống thực dân Pháp xâm lược (1884-1913), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

8. Văn Tạo (2000), “Khởi nghĩa Yên Thế”, Lịch sử quân sự Việt Nam, tập 9, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

….


tính biểu tượng cho chủ nghĩa yêu nước chống ngoại xâm của nhân vật Hoàng Hoa Thám. Sau năm 1986, sử liệu về Đề Thám được bổ sung phong phú, xuất hiện những công trình nghiên cứu riêng về Hoàng Hoa Thám có quy mô ngày càng lớn và chuyên sâu hơn những ấn phẩm trước đó. Và gần như tất cả những thành tựu nghiên cứu về Hoàng Hoa Thám nói trên đều được Khổng Đức Thiêm tập hợp lại trong công trình biên soạn xuất bản năm 2013 Hoàng Hoa Thám (1836-1913). Cuốn sách được Phan Huy Lê đánh giá là "tập đại thành về người anh hùng Hoàng Hoa Thám, là sự kế thừa và tổng kết toàn bộ thành tựu nghiên cứu của giới nghiên cứu lịch sử từ trước tới nay, trong và ngoài nước" [88, tr.7-9].

Cuốn sách gồm 11 chương, có một phần giới thiệu Các nguồn sử liệu về Hoàng Hoa Thám và cuộc khởi nghĩa Yên Thế, và phần phụ lục giới thiệu những thư từ, văn liệu liên quan đến Hoàng Hoa Thám. Ngoài phần tư liệu đã được công bố trước đây, "tác giả đã phát hiện và cung cấp nhiều hiểu biết mới xoay quanh người anh hùng dân tộc từ lúc sinh thời cho đến khi yên nghỉ, giải đáp được nhiều câu hỏi xoay quanh tầm nhìn chiến lược của người thủ lĩnh trong những năm đầu thế kỷ XX" [88, tr.7-9]. Bên cạnh công lao tập hợp tư liệu và đưa ra những kết quả nghiên cứu mới, Khổng Đức Thiêm còn phân tích kĩ lưỡng để đi đến khẳng định: từ phong trào yêu nước tự phát của nông dân mang tính chất phong kiến, cuộc đấu tranh ở Yên Thế do Đề Thám lãnh đạo đã chuyển sang đấu tranh vũ trang mang phạm trù tư sản có tính chất giải phóng dân tộc. Hoàng Hoa Thám chính là linh hồn của phong trào Yên Thế, tinh thần bất khuất và ngọn cờ yêu nước của ông cùng các phong trào yêu nước của sĩ phu, binh lính, nông dân,… khác cùng thời đã đẩy phong trào yêu nước trong cả nước lên cao. Như vậy, cho đến nay Hoàng Hoa Thám (1836-1913) là sưu tập tư liệu lịch sử đầy đủ nhất về vấn đề mà luận án này đang tìm hiểu.

1.2.2.2. Nguồn tư liệu dân gian về Hoàng Hoa Thám

Mảng văn học dân gian về khởi nghĩa Yên Thế và Hoàng Hoa Thám khá dày dặn, hầu hết được sưu tầm, biên soạn tập hợp thành ấn phẩm. Có thể kể đến cuốn Tìm hiểu về Hoàng Hoa Thám: qua một số tài liệu và truyền thuyết của tác giả Tôn Quang Phiệt, Kể chuyện Hoàng Hoa Thám của Hải Vy, Truyện kể dân gian về Hoàng Hoa Thám và các tướng lĩnh nghĩa quân Yên Thế của nhóm tác giả Trịnh


Tiến Lưu, Nguyễn Văn Phong,... Mỗi cuốn sách như một ngăn lưu trữ những câu chuyện thú vị lưu truyền trong dân gian về vị thủ lĩnh này: từ lai lịch hành trạng, thời niên thiếu, quá trình tham gia phong trào Yên Thế, đến cái chết của Đề Thám. Không chỉ có truyện kể, cuốn Phong trào nông dân Yên Thế chống thực dân Pháp xâm lược của Nguyễn Văn Kiệm, Hoàng Hoa Thám (1836-1913) của Khổng Đức Thiêm đã cung cấp Bài vè về Đề Thám và một số dị bản. Bên cạnh đó, có một số thơ ca, giai thoại, mẩu chuyện về Đề Thám, về bà vợ ba và các con của ông, ví dụ: Vợ ba Đề Thám, Cả Trọng, Vì sao đạn Pháp không bắn chết được Đề Thám, Đi tìm mộ Đề Thám… được trích đăng lẻ trong các bài viết, những cuốn sách, các trang báo in, báo điện tử địa phương và trung ương cũng góp phần làm sáng rò tình cảm của nhân dân dành cho cuộc khởi nghĩa Yên Thế và Hoàng Hoa Thám.

Qua các sáng tác dân gian trên, chúng tôi có thêm căn cứ để khẳng định mối quan hệ khăng khít giữa văn học dân gian và lịch sử, hiểu thêm cách dân gian phản ảnh sự kiện và nhân vật lịch sử như thế nào (chúng tôi sẽ trình bày ở Chương 2. Hoàng Hoa Thám trong phiên bản folklore).

1.2.2.3. Tác phẩm văn học viết về Hoàng Hoa Thám

Hoàng Hoa Thám qua đời không bao lâu, danh tiếng vàc cuộc đời ông đã đi vào văn chương. Đó là truyện Chân tướng quân của Phan Bội Châu (đăng trên tờ Binh sự tạp chí tại Hàng Châu, Trung Quốc) năm 1917. Cho đến nay, đây vẫn được coi là tác phẩm văn chương đầu tiên về Đề Thám. Im lặng một thời gian khá dài, đến năm 1935, một loạt tác phẩm văn chương về vị danh tướng này bỗng liên tiếp ra đời: loạt phóng sự dài Bóng người Yên Thế của Việt Sinh được đăng tải trên báo Ngày Nay, truyện Cầu Vồng Yên Thế của Trần Trung Viên đăng trên Phụ trương Ngọ báo và truyện Lịch sử quân Đề-Thám Yên-Thế của Ngô Tất Tố và

L.T.S do Nhật Nam xuất bản. Năm 1943, Cố Nhi Tân biên soạn tiểu truyện Tôn Thất Thuyết và những văn thân trong phong trào Cần Vương, trong đó có truyện kể về Hoàng Hoa Thám.

Sau năm 1945, đặc biệt là sau 1954, cuộc khởi nghĩa của các nghĩa quân Yên Thế và Đề Thám tiếp tục là một đề tài được các nhà văn hiện đại khai thác. Được tôn vinh là bậc anh hùng chống ngoại xâm, Hoàng Hoa Thám thành nhân vật trong hầu như tất cả các hình thức văn chương, như diễn ca, trường ca, hồi kí, truyện ký


lịch sử, tiểu thuyết lịch sử và truyện ngắn…1. Tuy nhiên, người viết chủ yếu là các nhà văn thuộc nửa nước phía Bắc, trong đó, có những tác giả gần như chuyên viết về Hoàng Hoa Thám (Huy Cờ, Lê Minh Quốc) hoặc ấp ủ viết về ông nhiều chục năm (Nguyên Hồng). Và Hoàng Hoa Thám không chỉ là nguồn đọc của các độc giả lớn tuổi mà còn là nguồn sáng tác nhiệt hứng của các tác giả viết cho thiếu nhi (Mai Hanh, Lê Minh Quốc,… Có thể nói, Hoàng Hoa Thám, lịch sử về ông và tinh thần của khởi nghĩa Yên Thế có hấp lực mạnh mẽ đối với các nhà văn Việt Nam trong một thời gian dài, tuy không liên tục nhưng số lượng và chất lượng tác phẩm đủ lớn để làm cơ sở cho việc khảo sát cách văn chương kiến tạo hình ảnh Hoàng Hoa Thám cũng như mối quan hệ đa chiều của văn chương với các phiên bản khác về nhân vật này.

Đối lập với nguồn văn liệu Việt về Hoàng Hoa Thám, trong kho tư liệu của người Pháp, tác phẩm mang tính văn chương đậm nhất có lẽ chỉ có De Thám, pirate2 (Đề Thám, kẻ cướp) của Paul Chack xuất bản năm 1933, tại Paris. De Thám, pirate có sáu phần và 44 chương. Đề Thám xuất hiện ngay từ phần đầu tiên của tác phẩm, tiếp đó là chương thứ ba Đề đốc Thám và một vài tên giặc khác, ngoài ra ông còn xuất hiện trong phần hai, chương thứ nhất Thám còn sống, phần ba, chương thứ nhất Đề Thám đã quy phục, toàn bộ phần thứ năm Đề Thám bị truy nã và phần sáu Cái chết của Đề Thám [88, tr.42-43). Ngay từ tiêu đề các chương đã có thể thấy, Paul Chack mang một quan niệm thực dân cực kỳ rõ ràng và mạnh mẽ.

1 Dưới đây là danh mục ấn phẩm văn chương chính về Hoàng Hoa Thám (thống kê theo biên mục của Thư viện Quốc gia, và xếp theo năm xuất bản):

1. Trần Hồ (1959), Truyện Đề Thám (diễn ca), Nxb Phổ thông, Bộ Văn hóa, Hà Nội.

2. Mai Hanh (1968), Mưu trí Đề Thám, Nxb Kim Đồng, Hà Nội.

3. Hoàng Thị Thế (1975), Kỷ niệm thời thơ ấu (hồi kí), Ty Văn hóa Hà Bắc.

4. Nguyên Hồng (1981, 1993), Núi rừng Yên Thế (tiểu thuyết lịch sử), Hội Văn nghệ Hà Bắc.

5. Hoàng Hoa Thám vẫn sống (1984) (truyện tranh bằng thơ), Sở Văn hoá Thông tin Hà Bắc.

6. Đỗ Vinh (1986), Hoàng Hoa Thám - một vùng rừng (trường ca), Hội Văn nghệ Hà Bắc.

7. Khúc Nhã Vọng, Nguyễn Bích Ngọc (1988), Hùm Xám Yên Thế, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

8. Huy Cờ (1990), Vợ ba Đề Thám (truyện lịch sử), Nxb Thanh niên, Hà Nội.

9. Lê Minh Quốc (1996), Tướng quân Hoàng Hoa Thám (tiểu thuyết lịch sử), Nxb Văn học, Hà Nội.

10. Nguyễn Huy Thiệp (2001), Mưa Nhã Nam (truyện ngắn), Nxb Văn học, Hà Nội.

11. Lê Minh Quốc (2002), Tướng quốc Hoàng Hoa Thám (truyện lịch sử), Nxb Kim Đồng, Hà Nội.

12. Huy Cờ (2003), Hoàng Hoa Thám (tiểu thuyết), Nxb Lao Động, Hà Nội.

13. Hoàng Khởi Phong (2009), Người trăm năm cũ (tiểu thuyết), Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.

14. Hoàng Hoa Thám - hùm Yên Thế (2009) (truyện tranh), Nxb Giáo dục, Hà Nội.

15. Hải Vy sưu tầm biên soạn (2010), Kể chuyện Hoàng Hoa Thám (thơ), Nxb Lao động, Hà Nội.

16. Chu Ngọc Phan (2013), Kể chuyện Hoàng Hoa Thám (truyện thơ), Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội

17. Phù Sa (2015), Hoàng Hoa Thám (truyện tranh lịch sử), Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh.

2 Tác phẩm còn có tên Hoang Tham pirate [88, tr.27].

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 20/07/2022