Hoàng Hoa Thám, hiện thực lịch sử và những phiên bản văn chương - 2


và kịch hát). Ngoài ra, trong thơ, chỉ trường ca hay diễn ca lịch sử mới ít nhiều có cốt truyện, có chân dung nhân vật, thế nhưng hiện tại sưu tầm của chúng tôi chỉ mới có một đơn vị tác phẩm thuộc thể loại này. Và quan trọng hơn, theo tìm hiểu bước đầu của chúng tôi, tác phẩm này quá ít chất liệu (cả về nội dung và hình thức) đủ để thành một phần tương đương với truyện, tiểu thuyết trong bố cục nghiên cứu. Vì vậy, phần nghiên cứu văn bản văn học viết của đề tài cũng sẽ không bàn riêng về mảng thơ viết về Hoàng Hoa Thám, mà chỉ dùng nó để tham chiếu khi cần. Chúng tôi chọn nghiên cứu những tác phẩm tiêu biểu cho từng giai đoạn, cho từng thể loại và quan điểm viết lịch sử của các nhà văn. Cụ thể xin xem phần mở đầu Chương 3.

Với phiên bản lịch sử, do hạn chế về tiếng Pháp, nên nghiên cứu sinh sẽ sử dụng các bản dịch được tập hợp trong Hoàng Hoa Thám (1836-1913) (của Khổng Đức Thiêm).

3. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu‌

3.1. Từ việc phân tích, đối sánh hai loại dữ liệu là tư liệu lịch sử và sáng tác văn chương, chúng tôi sẽ tìm hiểu và chỉ ra những điểm gặp gỡ và tách biệt giữa sử liệu và văn liệu trong việc phục dựng một nhân vật lịch sử. Cụ thể:

Đối sánh sử liệu và văn liệu để tìm hiểu các sáng tác văn chương đã quan tâm đến nhân vật lịch sử Hoàng Hoa Thám và cuộc khởi nghĩa Yên Thế trên các phương diện: nội dung lịch sử, số phận con người và dân tộc.

Cách thức kết hợp sử liệu và hư cấu văn chương ra sao khi truyền tải những nội dung đó ở từng thể loại (tức phương thức sáng tạo nghệ thuật).

Đồng thời, từ lịch trình văn chương hóa Hoàng Hoa Thám, luận án cũng sẽ chỉ ra những thay đổi trong việc tiếp cận, lý giải, biểu tả và sử dụng sử liệu, tư liệu folklore (về sự kiện, nhân vật) trong các giai đoạn khác nhau của văn chương (chủ yếu là hai dấu mốc 1945 và 1986).

Đây là nhiệm vụ của chương 1 (mục 1.3) và toàn bộ chương 3.

3.2. Trên cơ sở thống kê, phân loại các dữ liệu dân gian do người đi trước sưu tầm, chúng tôi bổ sung thêm các khảo sát thực địa, và điều tra xã hội học (tập trung ở khu vực diễn ra cuộc khởi nghĩa Yên Thế), để tìm hiểu việc lưu truyền những câu

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 185 trang tài liệu này.


chuyện về Hoàng Hoa Thám (giai thoại, sử truyện, sử liệu, tác phẩm văn chương...) trong tâm thức công chúng trước kia và hiện nay. Đây chính là quá trình dân gian hóa sử liệu, là quá trình ký ức cộng đồng tiếp nhận, lưu giữ hình ảnh của nhân vật lịch sử, tức quá trình truyền thuyết, giai thoại, sử liệu, văn liệu... quay trở lại tồn tại trong thực tế. Toàn bộ dữ liệu dân gian, điều tra xã hội học và khảo sát thực địa sẽ được sử dụng để làm rõ thêm sự tác động của lịch sử, văn chương đến thực tại. Mặt khác, đây cũng là căn cứ để khảo sát chiều tác động ngược lại của truyền khẩu dân gian đến cách viết sử, cách sáng tạo văn chương.

Hoàng Hoa Thám, hiện thực lịch sử và những phiên bản văn chương - 2

Các phương diện khảo sát nói trên và mối quan hệ giữa chúng có thể được hình dung theo sơ đồ dưới đây (trong đó mỗi quan hệ đều mang tính hai chiều, và chiều quan hệ với văn học viết là chỗ tập trung của luận án)

Văn học dân gian

Sử liệu


Văn học viết Các phần việc này là nhiệm vụ của hai chương: 2 và 4.

3.3. Tất cả những nhiệm vụ cụ thể nói trên sẽ nhắm đến mục tiêu chung của luận án là chỉ ra những tương đồng, dị biệt trong các phiên bản về nhân vật Hoàng Hoa Thám và thử lý giải chúng với tư cách những liên văn bản, theo quan niệm truyền thống về mối quan hệ giữa lịch sử và các văn bản về lịch sử, cũng như theo những gợi mở của một số lý thuyết hiện đại liên quan đến mối quan hệ này, như một số gợi ý của lý thuyết diễn ngôn và quan niệm mang tính hậu hiện đại.

4. Phương pháp nghiên cứu‌

Đề tài chọn hướng tiếp cận là liên ngành, vì đối tượng và định hướng nghiên cứu liên quan đến lịch sử, văn học, văn học dân gian, và phần nào đến giáo dục học. Việc khảo sát, phân tích sử liệu và folklore học sẽ là những phương pháp dùng phối hợp với phương pháp nghiên cứu văn học trong một số phần của luận án.

Các mục tiêu nghiên cứu sẽ được thực hiện bằng một phương pháp xuyên suốt là nghiên cứu lịch sử, tức là tìm hiểu/nghiên cứu các hiện tượng trong hoàn cảnh và trục diễn tiến thời gian lịch sử của chính nó. Trong đó, phương pháp văn


học sử được sử dụng tập trung ở chương 3 khi chúng tôi chọn tiếp cận từng tác phẩm riêng lẻ, hoặc nhóm tác phẩm lại theo tiêu chí nhất định chứ không nghiên cứu theo vấn đề.

Điền dã kết hợp điều tra xã hội học là hai phương pháp bổ sung, hỗ trợ để tạo những tiếp cận đa hướng đối với vấn đề nghiên cứu.

Các thao tác cụ thể để thực hiện đề tài là: thống kê, phân tích, tổng hợp, so sánh.

5. Đóng góp mới của luận án‌

5.1. Đây là công trình khoa học chuyên biệt đầu tiên nghiên cứu về các phiên bản Hoàng Hoa Thám trong văn chương (từ văn học dân gian đến văn học viết) và trong đời sống cộng đồng (ở lễ hội và giáo dục), đặt trong tương tác với nguồn sử liệu của cả Pháp và Việt Nam.

5.2. Mối quan hệ giữa hư cấu văn chương và sự thật lịch sử là một đề tài bàn luận chưa bao giờ có điểm kết. Từ việc nghiên cứu trường hợp Hoàng Hoa Thám, chúng tôi góp thêm một ý kiến không chỉ làm rõ hơn vấn đề này mà còn đưa ra một đề xuất về cách diễn giải “sự thật lịch sử”.

6. Bố cục của luận án‌

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo Phụ lục, nội dung chính của luận án được chia thành 4 chương:

Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu và các vấn đề liên quan đến đề tài luận án

Chương 2: Hoàng Hoa Thám trong phiên bản folklore

Chương 3: Hoàng Hoa Thám trong phiên bản văn học viết Chương 4 : Hoàng Hoa Thám trong đời sống cộng đồng


NỘI DUNG‌


Chương 1‌

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN‌‌‌

1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu các phiên bản văn chương và folklore về Hoàng Hoa Thám‌

Giai đoạn đầu thế kỉ XX, đặc biệt là quãng 1935, một số nhà văn đã đưa hình tượng Đề Thám vào tác phẩm văn chương, cụ thể là ở thể loại truyện kể lịch sử và tác phẩm báo chí. Có thể kể đến các tác phẩm: Chân tướng quân của Phan Bội Châu, năm 1917; phóng sự dài Bóng người Yên Thế của Việt Sinh đăng trên báo Ngày Nay; truyện Cầu Vồng Yên Thế của Trần Trung Viên, truyện lịch sử Lịch sử quân Đề-Thám Yên-Thế của Ngô Tất Tố và L.T.S, đều được công bố năm 1935; tập tiểu truyện Tôn Thất Thuyết và những văn thân trong phong trào Cần Vương của Cố Nhi Tân biên soạn năm 1943,… Sau năm 1945, Đề Thám đã trở thành nhân vật trong nhiều hình thức văn chương. Ông xuất hiện qua hồi ức của con gái trong Kỷ niệm thời thơ ấu (1975) - tập hồi kí của Hoàng Thị Thế về tuổi thơ ở Yên Thế. Đề Thám cũng là nhân vật chính trong những chuyện kể lịch sử và cả những tiểu thuyết đậm đà chất hư cấu như Hoàng Hoa Thám - một vùng rừng (trường ca, Đỗ Vinh, 1988), Tướng quân Hoàng Hoa Thám (tiểu thuyết lịch sử, Lê Minh Quốc, 1996), Mưa Nhã Nam (truyện ngắn, Nguyễn Huy Thiệp, 2001), Hoàng Hoa Thám (tiểu thuyết, Huy Cờ, 2003), Vợ Ba Đề Thám (Huy Cờ sưu tầm, 2004), Người trăm năm cũ (tiểu thuyết, Hoàng Khởi Phong, 2009), Rừng thiêng Yên Thế (tiểu thuyết, Huy Cờ, 2013)… Đây là những chất liệu cho các nhà nghiên cứu văn chương thực hiện nhiều đánh giá cụ thể.

Tìm hiểu về Đề Thám trong các sáng tác trước năm 1945, có hai nghiên cứu đáng chú ý của các tác giả Cao Thị Hảo và Hoàng Thị Hiên.

Tác giả Cao Thị Hảo trong bài viết Nhân vật người anh hùng trong một số truyện kí của Phan Bội Châu đã phân tích các tác phẩm của Phan Bội Châu, trong


đó có truyện Chân tướng quân để tìm hiểu các phương thức nghệ thuật được nhà văn sử dụng để tạo nên sự đổi mới trong việc khắc họa nhân vật người anh hùng. Tác giả chỉ ra sự đổi mới của Phan Bội Châu khi xây dựng nhân vật Hoàng Hoa Thám lần lượt từ việc miêu tả nguồn gốc xuất thân, hành trạng hoạt động và cái chết của nhân vật. Theo tác giả, "các nhân vật anh hùng truyền thống thường được nhấn mạnh ở nguồn gốc xuất thân thần kì, khắc họa ở chi tiết sinh nở kì lạ thì nhân vật anh hùng của Phan Bội Châu không được chú trọng ở yếu tố này" [27, tr.64]. Đồng thời tác giả cũng khẳng định "Phan Bội Châu đã đưa người anh hùng từ thế giới cao sang trở về đời thường, bình dân và xác định được mẫu người anh hùng tiêu biểu của thời đại mình: người anh hùng lấy lí tưởng cứu nước làm lẽ sống" [27, tr.64].

Trong luận văn Nhân vật lịch sử Hoàng Hoa Thám trong các sáng tác văn học trước 1945, học viên Hoàng Thị Hiên đã tìm hiểu cách thức kết hợp, xử lí tư liệu lịch sử và hư cấu trong các sáng tác văn học cũng như đặc điểm của việc hình dung, phác họa nhân vật lịch sử Hoàng Hoa Thám trong văn chương trước 1945. Đồng thời, tác giả bước đầu chỉ ra được những tương đồng và khác biệt trong cách nhìn của người Pháp và người Việt về Hoàng Hoa Thám cũng như cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Từ đó, tác giả lí giải hiện tượng này với tư cách những biểu đạt tinh thần dân tộc từ một vài gợi ý của các nghiên cứu văn chương thời thực dân [29, tr.64]. Có thể nói, đây là nghiên cứu đầu tiên và rò nét nhất về nhân vật Đề Thám trong sáng tác văn chương trước 1945. Kết quả nghiên cứu của tác giả đã cho chúng tôi có thêm một ý kiến về vấn đề: phương thức ứng xử của các nhà văn trước 1945 đối với nhân vật lịch sử Hoàng Hoa Thám như thế nào.

Về hình tượng Đề Thám trong các tác phẩm văn chương sau 1945, chúng tôi nhận thấy vấn đề này chỉ được nhắc đến ở một số nghiên cứu chung về tiểu sử, sự nghiệp hay phong cách của các nhà văn như Nguyễn Huy Thiệp, Hoàng Khởi Phong,... Tác giả Nguyễn Vy Khanh, trong bài viết Nguyễn Huy Thiệp: những chuyện huyền kì, núi, sông và nước... phần giới thuyết về truyện ngắn Mưa Nhã Nam, có nhận xét: "Hùm thiêng Yên Thế của Nguyễn Huy Thiệp là một anh hùng, cũng là một người nhu nhược, anh hùng cũng có những cái hữu hạn" [63, tr.378]. Còn cuốn tiểu thuyết Người trăm năm cũ của Hoàng Khởi Phong được cho rằng đã:


"bám khá sát tư liệu lịch sử, có ngày có tháng cùng những sự kiện liên quan nhưng không phải cuốn biên niên sử về cụ Hoàng Hoa Thám mà là cuốn tiểu thuyết về cuộc đời như tiểu thuyết của cụ" [108]. Các khảo sát trên chú ý đến Đề Thám trong mối quan hệ rộng lớn với những người anh hùng khác như Bà Ba Cẩn, Cả Trọng, Cai Sơn, Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm,... Đặc biệt, nhân vật Hoàng Hoa Thám được phân tích là "một bi kịch của lịch sử, một phản anh hùng vì hành cử đấu tranh của ông đã cùng lúc chuẩn bị cho cái chết của chính ông và nhóm của ông" [110].

Bên cạnh văn học viết, nhiều tư liệu dân gian về Hoàng Hoa Thám (giai thoại, truyền thuyết, thơ ca,...) cũng được sưu tầm, biên soạn và công bố, như: Tìm hiểu về Hoàng Hoa Thám: qua một số tài liệu và truyền thuyết (Tôn Quang Phiệt sưu tầm, 1984), Kể chuyện Hoàng Hoa Thám (Hải Vy sưu tầm, biên soạn, 2010), Truyện kể dân gian về Hoàng Hoa Thám và các tướng lĩnh nghĩa quân Yên Thế (Trịnh Tiến Lưu, Nguyễn Văn Phong đồng chủ biên, 2011),… Việc nghiên cứu và đánh giá khối tư liệu này, trong khả năng tiếp cận của mình, chúng tôi có một khóa luận tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Văn học dân gian là Hình tượng Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân trong văn học dân gian và lễ hội tưởng niệm ở vùng Yên Thế

- Bắc Giang của sinh viên Nguyễn Thị Tâm. Trong tiểu luận này, tác giả đã khảo sát hình tượng Đề Thám và nghĩa quân Yên Thế tập trung ở hai thể loại (truyền thuyết, vè) và trong lễ hội địa phương Hưng Yên (tập trung vào các trò diễn dân gian). Nghiên cứu vấn đề này, mục đích của tác giả là: làm sáng tỏ truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam, cung cấp thêm cho văn học dân gian một hình tượng mới bắt nguồn từ sự kiện lịch sử, vì vậy, tác giả đã bước đầu đề cập đến những sự kiện lịch sử và xem những sáng tác dân gian này xuất phát từ sự kiện lịch sử. Có thể nói, tác giả đã chạm đến vấn đề mối quan hệ giữa folklore và lịch sử, tuy nhiên, do giới hạn của khóa luận nên cơ sở lí thuyết về vấn đề này cũng như những căn cứ lịch sử hầu như chưa được thiết lập rò ràng và thảo luận kĩ. Điểm dừng của khóa luận sẽ là cơ hội để chúng tôi nghiên cứu rộng và sâu hơn mối quan hệ giữa lịch sử và folklore qua nhân vật Đề Thám. Về tư liệu, khóa luận chủ yếu sử dụng nguồn dã sử, một số sách nghiên cứu về văn hóa dân gian nói chung, các ghi chép về lễ hội Yên Thế của Sở văn hóa Bắc Giang và giới hạn tại


thời điểm trước năm 2004. Còn trong luận án này, chúng tôi đã mở rộng phạm vi khảo sát và nghiên cứu các nguồn tư liệu đến thời điểm năm 2017: sử liệu (Pháp và Việt, thành văn và dã sử), văn liệu (dân gian, hiện đại, đương đại), tư liệu của Sở văn hóa tỉnh, phòng văn hóa huyện, tư liệu điền dã, điều tra của cá nhân,…

Có thể nói, thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám là một nhân vật lịch sử được các nhà văn quan tâm trong non một thế kỉ, dù không liên tục nhưng khối lượng tác phẩm viết về ông tương đối đồ sộ. Theo đó, trong giới nghiên cứu cũng có nhiều công trình, bài viết đánh giá các sáng tác trên. Tuy nhiên, hầu hết những bài viết đều ở dạng đánh giá giá trị biểu dương một nhân vật lịch sử, hoặc nằm trong nghiên cứu chung về sự nghiệp, hoặc nghệ thuật viết của các tác giả. Trong số các nghiên cứu về Hoàng Hoa Thám, có hai luận văn gần gũi nhất với đề tài của chúng tôi, là: Nhân vật lịch sử Hoàng Hoa Thám trong các sáng tác văn học trước 1945 của tác giả Hoàng Thị Hiên và Hình tượng Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân trong văn học dân gian và lễ hội tưởng niệm ở vùng Yên Thế - Bắc Giang của tác giả Nguyễn Thị Tâm. Tuy nhiên, các tác giả chỉ dừng lại khảo sát, nghiên cứu ở phạm vi hẹp (các tác phẩm văn chương về Hoàng Hoa Thám giai đoạn trước 1945) hoặc giới hạn thể loại, loại hình nhất định (truyền thuyết, vè, trò diễn dân gian). Trong khi đó, mảng truyện kể, thơ ca và lễ hội dân gian cũng như những tác phẩm văn chương sau năm 1945 viết về Hoàng Hoa Thám khá phong phú, chưa kể đến lễ hội hiện đại và việc lưu truyền nhân vật này trong giáo dục địa phương cũng còn rất nhiều vấn đề cần bàn tới. Thêm nữa, chúng tôi nhận thấy, cho đến nay chưa có một chuyên luận nào tìm hiểu xâu chuỗi các diễn giải về nhân vật lịch sử Hoàng Hoa Thám: từ góc độ sử liệu (Việt và Pháp), từ văn chương (văn học dân gian, văn học viết), trong lễ hội (từ dân gian đến hiện đại), và trong giáo dục (ở các môn văn - sử và các cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông).

Chính vì những thực tế nghiên cứu nói trên, chúng tôi hy vọng đề tài: "Hoàng Hoa Thám, hiện thực lịch sử và những phiên bản văn chương" sẽ có một giá trị tìm mới nhất định, góp phần mở rộng thêm những vấn đề đã đặt ra, đồng thời mở ra hướng nghiên cứu mới về các nhân vật lịch sử khác được quan tâm trong văn chương nói chung, tiểu thuyết lịch sử nói riêng.


1.2. Cơ sở giải quyết các vấn đề của luận án‌

1.2.1. Cơ sở lý thuyết‌

1.2.1.1. Cơ sở lý thuyết về mối quan hệ giữa sự thật lịch sử và hư cấu nghệ thuật

Về nguyên tắc, mối quan hệ này cần được khảo sát ở cấp độ lý thuyết qua mọi thể loại văn chương. Tuy nhiên, trên thực thế, những luận bàn của các nhà nghiên cứu ở cả phương Tây và phương Đông thường tập trung vào thể loại tiểu thuyết, bởi đây là hình thức tự sự hư cấu xuất hiện thường xuyên hơn, điển hình hơn so với hình thức tự sự trữ tình. Nói khác đi, những thảo luận về quan hệ giữa sự thật lịch sử và hư cấu tập trung ở tiểu thuyết thường được coi là đại diện cho văn chương nói chung. Vì vậy, những luận thuật dưới đây của chúng tôi xin được thu gọn trong phạm vi sự thật lịch sử - hư cấu trong tiểu thuyết.

Ở phương Tây

Nhìn từ cấp độ đơn giản nhất của khái niệm, mục từ "Historical novel" (Tiểu thuyết lịch sử) đã được lý giải như sau:

Tiểu thuyết lịch sử là một tiểu thuyết mà ở đó hành động diễn ra trong một thời kỳ lịch sử nhất định trước khi nó được viết ra (thường là trước đó một hay hai thế hệ, thi thoảng là vài thế kỷ), và cố gắng khắc họa chính xác những tập tục và trạng thái tinh thần của thời kỳ lịch sử đó. Nhân vật chính - thực hoặc tưởng tượng - thường bị giằng xé về lòng trung thành trong một xung đột lịch sử rộng lớn mà độc giả đã biết.1

Hoặc:


Một tiểu thuyết lịch sử là một tiểu thuyết có bối cảnh quen thuộc là một giai đoạn quan trọng của lịch sử, và tìm cách chuyển tải tinh thần, tập tục và điều kiện xã hội của thời quá khứ một cách chi tiết hiện thực và trung thực (trong nhiều trường hợp chỉ có vẻ ngoài trung thực) với thực tế lịch sử. Tác phẩm có thể nói về những nhân vật lịch sử có thực... hay có thể là sự hòa trộn giữa nhân vật hư cấu và lịch sử.2

Cả hai quan niệm đều nhấn mạnh việc khắc họa chính xác những tập tục và

trạng thái tinh thần của thời kỳ lịch sử chuyển tải tinh thần, tập tục và điều kiện


1 Trần Hải Yến dịch theo Từ điển Literary Terms của Oxford.

2 Trần Hải Yến dịch theo Từ điển Encyclopædia Britannica.

Xem tất cả 185 trang.

Ngày đăng: 20/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí