Quá Trình Hình Thành Và Phát Triển Của Pháp Luật Việt Nam Về Bảo Hiểm Tiền Gửi

hiểm tiền gửi trong việc tham gia vào quá trình quản lý và thanh lý tài sản đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi bị phá sản...

TIỂU KẾT


Bảo hiểm tiền gửi được hình thành và phát triển từ lâu trên thế giới, xuất phát từ đòi hỏi khách quan trong quá trình hoạt động thực tế của hệ thống ngân hàng và điều đó đã trở thành hoạt động không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế của các quốc gia. Ở Việt Nam, cùng với sự phát triển của nền kinh tế nói chung thì bảo hiểm tiền gửi đã hình thành và phát triển kể từ năm 1999 và đó được coi như một chỗ dựa vững chắc trong việc tạo niềm tin cho người gửi tiền- một cơ sở quan trong để tạo ra sự phát triển an toàn trong hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Về bản chất, bảo hiểm tiền gửi là một loại hình dịch vụ mà tiện ích của nó có thể ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến hầu hết mọi tầng lớp dân cư trong xã hội. Sự xuất hiện của bảo hiểm tiền gửi sẽ có ý nghĩa rất lớn và nhằm thực hiện nhiều mục đích khác nhau trong việc phát triển nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, mục đích cao nhất của hoạt động bảo hiểm tiền gửi là góp phần bảo đảm sự an toàn và phát triển bền vững của các ngân hàng và hệ thống tài chính quốc gia thông qua việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Hoạt động bảo hiểm tiền gửi sẽ được thực hiện bởi một tổ chức và tất cả các hoạt động có liên quan đến vấn đề này sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật thông qua hệ thống các văn bản pháp luật về bảo hiểm tiền gửi.

CHƯƠNG 2


PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ BẢO HIỂM TIỀN GỬI


2.1 Quá trình hình thành và phát triển của pháp luật Việt Nam về bảo hiểm tiền gửi

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 120 trang tài liệu này.

Ở Việt Nam, vào những năm cuối của thập niên 80 thế kỷ 20, hàng loạt hợp tác xã tín dụng nông thôn và quỹ tín dụng bị đổ vỡ dây chuyền đã có tác động xấu đến nền kinh tế, lạm phát tăng nhanh và điều đáng lo ngại hơn đó là lòng tin của dân chúng đối với hệ thống ngân hàng bị giảm sút nghiêm trọng. Xuất phát từ thực tế đó mà một trong những nhiệm vụ đặc biệt trong thời kỳ này của Nhà nước nói chung và ngành ngân hàng nói riêng là phải tìm cách khắc phục hậu quả, kiềm chế lạm phát, lấy lại niềm tin của nhân dân đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam. Nhận thức được tính cấp bách và tầm quan của nhiệm vụ đặt ra đó, ngày 23 tháng 05 năm 1990, Hội đồng Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính. Có thể khẳng định rằng, sự ra đời của văn bản này đã tạo ra một hành lang pháp lý thuận lợi cho việc thành lập, tổ chức hoạt động và phát triển của hệ thống ngân hàng nói chung và tổ chức tín dụng nói riêng ở Việt Nam. Trên cơ sở hành lang pháp lý này, Thủ tướng Chính phủ đã cho triển khai thí điểm mô hình tổ chức và hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân. Cơ sở pháp lý của việc triển khai thí điểm này đó là Quyết định số 390/1993/QĐ- TTg ngày 27 tháng 07 năm 1993. Theo quyết định trên thì quỹ tín dụng nhân dân được thừa nhận là một tổ chức thuộc sở hữu tập thể, tồn tại dưới hình thức hợp tác xã. Điều đáng chú ý là, đối với loại hình quỹ tín dụng nhân dân này thì bên cạnh việc áp dụng các biện pháp nhằm tạo ra sự an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng thì bảo đảm an toàn cho khoản tiền của khách hàng gửi tại các quỹ tín dụng đã được tính đến như là một yếu tố không thể thiếu. Điều đó được biểu hiện bởi quyết định số 101/1994/TCQĐ- BH ngày 01

tháng 02 năm 1994 của Bộ trưởng Bộ tài chính về việc ban hành quy tắc bảo hiểm trách nhiệm của quỹ tín dụng nhân dân đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn. Có thể nói, việc ban hành quyết định này là một động thái quan trọng tỏ rõ ý muốn của Nhà nước trong việc thiết lập sự an toàn trong hoạt động của các quỹ tín dụng, đồng thời bảo vệ khoản tiền gửi có kỳ hạn của dân chúng tại các quỹ tín dụng nhân dân, từ đó có thể phục hồi kinh tế đất nước đồng thời lấy lại niềm tin của nhân dân đối với hệ thống ngân hàng. Cũng theo quyết định này thì việc bảo vệ khoản tiền gửi có kỳ hạn của dân chúng tại các quỹ tín dụng được giao cho Bảo Việt đảm nhiệm thực hiện. Đây chính là văn bản pháp luật đầu tiên của Việt Nam điều chỉnh việc bảo hiểm tiền gửi và cũng là văn bản đánh dấu sự khởi đầu cho hoạt động bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam.

Hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm tiền gửi của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay - 5

Như đã đề cập, theo quyết định 101/TCQĐ- BH thì việc bảo hiểm tiền gửi do Bảo Việt thực hiện và bảo hiểm tiền gửi trong giai đoạn này chỉ là một hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Bảo Việt- một doanh nghiệp chuyên kinh doanh các loại bảo hiểm mang tính thương mại. Như vậy, hoạt động bảo hiểm tiền gửi của Bảo Việt trong giai đoạn này là nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận, lợi ích duy nhất của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi là được Bảo Việt chi trả tiền cho người gửi tiền khi tổ chức tham gia bảo hiểm đó mất khả năng thanh toán. Bản chất của hoạt động này là các tổ chức tham gia bảo hiểm đóng một khoản tiền nào đó cho Bảo Việt để rồi khi xảy ra tình trạng mất khả năng chi trả thì sẽ được Bảo Việt đứng ra thanh toán thay. Có thể nhận thấy rất rõ, trong trường hợp này, khi tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia được hưởng một lợi ích duy nhất đó là được trả nợ thay cho người gửi tiền khi mà tổ chức tham gia bảo hiểm mất khả năng thanh toán. Cũng theo các quy định trong quyết định này thì việc tham gia bảo hiểm tiền gửi của các quỹ tín dụng là hoàn toàn tự nguyện, đối tượng tham gia hẹp (chỉ là quỹ tín dụng nhân dân); việc bảo hiểm tiền gửi chỉ được áp dụng đối với những khoản tiền gửi bằng đồng Việt Nam, có kỳ hạn xác

định. Như vậy, có thể nhận thấy pháp luật về bảo hiểm tiền gửi đã có một số hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng trong việc tạo ra sự bình ổn của các tổ chức hoạt động kinh doanh tiền tệ và tạo ra sự an toàn đối với dân chúng khi đưa tiền của mình gửi vào các quỹ tín dụng và như vậy, có thể nói hoạt động bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam trong giai đoạn này chưa thành công.

Song song với quá trình đổi mới, cùng với sự phát triển chung của xã hội, của xu thế hội nhập quốc tế thì hoạt động ngân hàng ngày càng trở nên đa dạng hơn, phức tạp hơn và tất nhiên, yếu tố rủi ro trong lĩnh vực kinh doanh này càng dễ nhận thấy khi trong nền kinh tế có sự tăng đột biến về số lượng chủ thể tham gia và số lượng dịch vụ cung cấp. Từ đó, việc phòng ngừa, quản trị và xử lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng càng phải được chú trọng và bảo hiểm tiền gửi được xem như một trong những cơ chế phòng ngừa rủi ro không thể thiếu. Luật các tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua ngày 12 tháng 12 năm 1997 thay thế cho Pháp lệnh ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính ngày 23 tháng 05 năm 1990 trong đó xác định rõ tổ chức tín dụng có trách nhiệm tham gia tổ chức bảo toàn hoặc bảo hiểm tiền gửi(trích Điều 17 khoản 1- Luật các tổ chức tín dụng) để bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng thể hiện thái độ của Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng có nhận tiền gửi của dân chúng nhằm xác định trách nhiệm của các tổ chức này trong việc bảo vệ sự an toàn cho tiền gửi của người gửi. Mặc dù quy định trên là căn cứ pháp lý quan trọng để thiết lập hoạt động bảo hiểm tiền gửi theo đúng nghĩa ở Việt Nam nhưng mô hình tổ chức, cách thức tiến hành... của hoạt động bảo hiểm tiền gửi như thế nào cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế là chưa có. Vì vậy, cần phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng trên cơ sở tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện việc bảo hiểm tiền gửi của Bảo Việt, trên cơ sở học tập và rút kinh nghiệm từ hoạt động bảo hiểm tiền gửi của một số nước. Sau thời gian nghiên cứu, thử nghiệm, hoạt động bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam đã chính thức

được thừa nhận theo Nghị định số 89/1999/NĐ- CP ngày 01 tháng 09 năm 1999 và ngày 09 tháng 11 năm 1999 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 218/1999/QĐ-TTg về việc thành lập tổ chức bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Sau đó, để tổ chức thực hiện tốt các văn bản trên, một loạt các văn bản hướng dẫn thi hành ra đời tạo thành hành lang pháp lý cho việc tổ chức và hoạt động của bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đó là: Thông tư số 03/2000/TT- NHNN ngày 16 tháng 03 năm 2000 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thi hành Nghị định số 89/1999/NĐ- CP ngày 01 tháng 09 năm 1999 về bảo hiểm tiền gửi; Quyết định số 75/2000/QĐ- TTg ngày 28 tháng 06 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành điều lệ tổ chức và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; Thông tư số 12/TT-NHNN ngày 23 tháng 12 năm 2003 về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Thông tư số 03/2000/TT- NHNN ngày 16 tháng 03 năm 2000 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 89/1999/NĐ- CP ngày 01 tháng 09 năm 1999 về bảo hiểm tiền gửi... Sau một thời gian áp dụng, Nghị định số 89/1999/NĐ- CP đã bộc lộ một số điểm không còn phù hợp với yêu cầu của sự phát triển, ngày 24 tháng 08 năm 2005 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2005/NĐ- CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/1999/NĐ- CP ngày 01 tháng 09 năm 1999 về bảo hiểm tiền gửi. Để hướng dẫn cho Nghị định 109/2005/NĐ- CP, ngày 25 tháng 04 năm 2006 Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 03/2006/TT- NHNN thay thế cho Thông tư số 03/2000/TT- NHNN. Mặc dù pháp luật về bảo hiểm tiền gửi của Việt Nam còn khá mới mẻ, vừa ban hành, vừa áp dụng, vừa học hỏi nhưng trong quá trình áp dụng, chúng ta đã phát hiện những hạn chế và đã sửa đổi, bổ sung một cách kịp thời. Tuy nhiên, tất cả các văn bản pháp luật hiện hành về bảo hiểm tiền gửi còn tồn tại dưới dạng văn bản dưới luật, chưa phản ánh đúng vị thế và tầm quan trọng của bảo hiểm tiền gửi trong xã hội.

Như vậy, các văn bản pháp luật về bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã định rõ được một số vấn đề về bảo hiểm tiền gửi như: bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là loại bảo hiểm bắt buộc, được áp dụng đối với các tổ chức tín dụng và các tổ chức khác có hoạt động ngân hàng có nhận tiền gửi của các cá nhân bằng đồng Việt Nam; tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hoạt động không vì mục đích thương mại; xác định cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; quyền và nghĩa vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; mức phí bảo hiểm tiền gửi mà các tổ chức tham gia phải đóng góp; hạn mức bảo hiểm tiền gửi; trình tự và thủ tục chi trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng khi xảy ra sự kiện bảo hiểm tiền gửi.

2.2 Các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về bảo hiểm tiền gửi


2.2.1 Các quy định về chủ thể trong quan hệ bảo hiểm tiền gửi


2.2.1.1 Tổ chức bảo hiểm


a. Vị trí pháp lý của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam


Hoạt động bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam chính thức được thừa nhận thông qua việc Chính phủ ban hành Nghị định số 89/1999/NĐ- CP ngày 01 tháng 09 năm 1999 về bảo hiểm tiền gửi (sau đây gọi tắt là Nghị định số 89/1999/NĐ- CP). Trên cơ sở đó, ngày 09 tháng 11 năm 1999 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg về việc thành lập Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (sau đây gọi tắt là Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg). Theo đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có tên giao dịch quốc tế là Deposit Insurance of Vietnam- viết tắt là DIV, là tổ chức tài chính Nhà nước, có tư cách pháp nhân với mức vốn điều lệ được Nhà nước cấp là 1.000 tỷ VNĐ và nguồn vốn này có thể được bổ sung từ nguồn thu phí bảo hiểm tiền gửi hàng năm. Với quy định này, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là một tổ chức tài chính độc lập do Nhà nước thành lập và trong quá trình hoạt động của mình, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải bảo đảm an toàn vốn và tự bù đắp chi phí. Để tạo sự chủ động và độc lập trong quá trình

hoạt động, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được quyền mở tài khoản tại các ngân hàng trong và ngoài nước, có quyền thành lập các chi nhánh hoặc văn phòng đại diện khi thấy cần thiết.

Cũng theo quy định của các văn bản này, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được thành lập và hoạt động không nhằm mục đích kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận mà nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, duy trì sự ổn định của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi và sự phát triển an toàn của hoạt động ngân hàng. Vì lẽ đó, trong quá trình hoạt động của mình, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được miễn nộp tất cả các loại thuế theo quy định của pháp luật (Điều 1, Điều 2, Điều 3 và Điều 4- Quyết định 218/1999/QĐ- TTg).

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là một tổ chức tài chính Nhà nước. Vì vậy, trong quá trình tồn tại và hoạt động của mình, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam luôn chịu sự quản lý, kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước nói chung và các cơ quan quản lý Nhà nước về tài chính- ngân hàng nói riêng. Đặc biệt là đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tại Điều 7- Quyết định số 218/1999/QĐ- TTg thì Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền cho việc giám sát hoạt động của Hội đồng quản trị của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và có quyền:

+ Tham gia họp Hội đồng quản trị khi cần thiết;


+ Nhận các báo cáo định kỳ và đột xuất bao gồm báo cáo kiểm soát của Ban kiểm soát, Nghị quyết của Hội đồng quản trị, trong trường hợp phát hiện những sai phạm trong các báo cáo, không đồng ý với nội dung của Nghị quyết của Hội đồng quản trị thì trực tiếp làm việc với Hội đồng quản trị xem xét để thống nhất xử lý hoặc điều chỉnh lại nội dung của Nghị quyết, trường hợp các sai phạm trong hoạt động và nội dung của Nghị quyết của Hội đồng quản trị trái với Nghị

định của Chính phủ về bảo hiểm tiền gửi và các văn bản pháp luật khác thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Ngoài ra, mối quan hệ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam còn được thể hiện trong bản Điều lệ hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kèm theo Quyết định số 75/2000/QĐ-TTg ngày 28 tháng 06 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Điều lệ hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Theo đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong các lĩnh vực chấp hành các quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi và thực hiện các nội dung liên quan khác do Thống đốc quy định; chấp hành chế độ báo cáo về những vấn đề liên quan trong hoạt động, phối hợp kiểm tra giám sát các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi... (Điều 26- Điều lệ tổ chức và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam).

Đối với Bộ Tài chính, trong quyết định số 218/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam không có quy định nào đề cập đến vai trò của Bộ tài chính trong mối quan hệ với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Tuy nhiên, theo bản Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chịu sự quản lý của Bộ tài chính về việc tuân thủ các chế độ tài chính, kế toán, tổ chức bộ máy hạch toán, kế toán trong quá trình hoạt động. Bên cạnh đó, Bộ tài chính còn được Chính phủ giao cho quản lý Bảo hiểm tiền gửi trong việc thực hiện một số lĩnh vực như xác định vốn và các nguồn lực khác mà Nhà nước giao cho Bảo hiểm tiền gửi quản lý- sử dụng; thanh tra, kiểm tra nội dung báo cáo kết quả hoạt động tài chính và quyết toán hàng năm... (Điều 25- Điều lệ tổ chức và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam).

Xem tất cả 120 trang.

Ngày đăng: 16/12/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí