Hoàn thiện pháp luật phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em ở Việt Nam hiện nay - 2

chuẩn): Buôn bán người là hoạt động tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, che giấu hoặc tiếp nhận người, bằng cách đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, ép buộc bắt cóc, lừa gạt, lừa dối, lạm dụng quyền lực hoặc vị thế không được bảo vệ, hoặc trả tiền, hoặc lợi nhuận cho người có quyền kiểm soát đối với nạn nhân, nhằm mục đích bóc lột, bao gồm bóc lột thông qua hoạt động mại dâm, bóc lột tình dục lao động cưỡng bức, nô lệ hoặc hành vi tương tự như nô lệ và bị lấy đi các cơ quan nội tạng.

Sự đồng ý của nạn nhân không liên quan gì tới các yếu tố cấu thành đối với loại tội phạm này khi phương tiện đạt được là bất hợp pháp, nạn nhân vẫn được luật hình sự bảo vệ (Điều 3b Nghị định thư và Điều 10b Công ước).

Trong pháp luật Việt Nam, khái niệm "buôn bán người" ít được đề cập do trên thực tế chưa thấy có vụ việc nào về buôn bán đàn ông. Pháp luật Việt Nam chỉ quy định hành vi mua bán phụ nữ, trẻ em. Dưới góc độ luật hình sự, chúng ta có thể thấy tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em được quy định tại Điều 119 và Điều 120 Bộ luật hình sự năm 1999, tuy nhiên hai điều luật này không đưa ra định nghĩa về các hành vi này. Cho đến nay, mới có một văn bản đề cập đến định nghĩa về mua bán trẻ em, đó là Nghị quyết số 04/HĐTP ngày 29/11/1986 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần các tội phạm của Bộ luật hình sự năm 1985. Theo Nghị quyết này thì: "Mua bán trẻ em" được hiểu là "việc mua hoặc bán trẻ em vì mục đích tự lợi, dù là mua của kẻ đã bắt trộm hay mua của chính người có con đem bán. Hành vi mua trẻ em khi biết rõ là đứa trẻ bị bắt trộm cũng bị xử lý về tội mua bán trẻ em. Tương tự như vậy khái niệm "mua bán phụ nữ", được hiểu là việc mua hoặc bán phụ nữ vì mục đích tự lợi.

Như vậy, "mua bán phụ nữ, trẻ em" theo pháp luật Việt Nam được hiểu chung là việc chuyển giao phụ nữ, trẻ em từ một người hoặc một nhóm người, sang một người hoặc một nhóm người khác để đổi lấy tiền hoặc lợi ích vật chất khác.

Bên cạnh việc sử dụng thuật ngữ "mua bán phụ nữ, trẻ em", thì thuật ngữ "buôn bán phụ nữ, trẻ em", cũng được một số văn bản qui phạm pháp luật sử dụng, đó là: khoản 2 Điều 103 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 qui định: "Nghiêm cấm lợi dụng việc kết hôn có yếu tố nước ngoài để buôn bán phụ nữ..." [36]; Nghị định số 68/2002/NĐ-CP qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài: "Nghiêm cấm hoạt động kinh doanh dịch vụ

môi giới kết hôn hoặc lợi dụng việc hỗ trợ kết hôn nhằm mua bán phụ nữ..." (Điều 21), "Nghiêm cấm lợi dụng việc nuôi con nuôi nhằm mục đích bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục, mua bán trẻ em..." (Điều 35) [18]; khoản 2 Điều 24 Pháp lệnh phòng chống mại dâm quy định: "Người nào môi giới mại dâm, chứa mại dâm, cưỡng bức mại dâm, tổ chức mại dâm, mua bán phụ nữ, trẻ em để phục vụ hoạt động mại dâm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự" [49].

Như vậy, tổng hợp các quan niệm của pháp luật quốc tế về buôn bán người nói chung, cũng như các qui phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng chống mua bán phụ nữ, trẻ em ở Việt Nam hiện nay, chúng tôi xin nêu khái niệm mua bán phụ nữ, trẻ em như sau: mua bán phụ nữ, trẻ em là hành vi của một người hoặc một nhóm người vì tư lợi, đã lừa dối, ép buộc, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng vũ lực, nhằm tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp và giao nhận phụ nữ, trẻ em cho một người hoặc một nhóm người khác để được nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác.

1.1.1.2. Các đặc điểm của hành vi mua bán phụ nữ, trẻ em


Như chúng ta đã biết, hành vi là những phản ứng, cách ứng xử được biểu hiện ra bên ngoài của con người trong những hoàn cảnh, điều kiện nhất định. Mỗi hành vi đều được hình thành trên cơ sở nhận thức và kiểm soát của chủ thể ý thức được và chủ động thực hiện nó. Những hoạt động của con người trong trạng thái vô thức không thể coi là hành vi. Hành vi phải được biểu đạt ra bên ngoài bằng những phương thức khác nhau (hành động hoặc không hành động), nghĩa là nó phải thể hiện trong thế giới khách quan thông qua những thao tác hành động hoặc không hành động của chủ thể, mà các chủ thể khác có thể nhận biết được điều đó. Do hành vi của các chủ thể được bộc lộ ra thế giới khách quan nên nó mang tính xã hội (có ý nghĩa về mặt xã hội, có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến xã hội). Vì vậy, cần phải có sự giám sát và điều chỉnh từ phía xã hội đối với hành vi của con người. Tùy theo tính chất đặc điểm và những lĩnh vực thể hiện của hành vi con người mà xã hội đặt ra những tiêu chuẩn, những công cụ điều chỉnh chúng khác nhau. Những hành vi nào của con người được pháp luật quy định, điều chỉnh thì được xem là hành vi pháp luật. Hành vi pháp luật nào được thực hiện phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của pháp luật (chủ thể tiến hành những xử sự mà pháp luật yêu cầu như thực hiện quyền, nghĩa vụ pháp lý của mình; không được làm những gì mà pháp luật cấm; hoạt động

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 108 trang tài liệu này.

trong phạm vi pháp luật cho phép) là hành vi hợp pháp. Hành vi được thực hiện trái với những quy định của pháp luật như không làm những việc mà pháp luật yêu cầu, làm những việc mà pháp luật cấm, hoạt động vượt quá phạm vi cho phép của pháp luật là hành vi không hợp pháp (trái pháp luật) [45, tr. 491). Theo phân tích trên, hành vi "mua bán phụ nữ, trẻ em" được hiểu là những phản ứng, cách ứng xử được biểu hiện ra bên ngoài của những người có đủ năng lực (năng lực pháp lý và năng lực hành vi) thực hiện việc "mua bán phụ nữ, trẻ em". Như vậy, hành vi "mua bán phụ nữ, trẻ em" là hành vi bất hợp pháp (vi phạm các điều 119, 120 Bộ luật hình sự năm 1999) và các yếu tố cấu thành hành vi "mua bán phụ nữ, trẻ em" sẽ bao gồm: một là, chủ thể thực hiện hành vi "mua bán phụ nữ, trẻ em" phải là người có đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi; hai là, những biểu hiện trong thế giới khách quan thông qua những thao tác hành động hoặc không hành động của chủ thể thực hiện hành vi "mua bán phụ nữ, trẻ em", mà các chủ thể khác có thể nhận biết được điều đó.

Từ phân tích nêu trên, nếu so sánh các biểu hiện hành vi mua bán phụ nữ, trẻ em (được pháp luật xác định) theo các quy định của pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam cho thấy:

Hoàn thiện pháp luật phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em ở Việt Nam hiện nay - 2

- Với Nghị định thư về buôn bán người thì hoạt động mua bán phụ nữ, trẻ em sẽ bao gồm những hành vi sau: tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, che giấu hoặc tiếp nhận người nhằm mục đích bóc lột.

- Theo những quy định của pháp luật Việt Nam thì hoạt động mua bán phụ nữ, trẻ em chỉ là hành vi chuyển giao phụ nữ, trẻ em từ một người (nhóm người) sang một người (nhóm người) khác để đổi lấy tiền hoặc lợi ích vật chất khác.


1.1.2. Khái niệm, vai trò của pháp luật phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ

em


Học thuyết Mác - Lênin về nhà nước và pháp luật lần đầu tiên trong lịch sử đã lý

giải một cách đúng đắn, khoa học về bản chất của pháp luật và những mối quan hệ của nó với các hiện tượng khác nhau trong xã hội có giai cấp. Pháp luật chỉ phát sinh, tồn tại và phát triển trong xã hội có giai cấp. Pháp luật hoàn toàn không phải là sản phẩm thuần túy của lý tính hay bản tính tự nhiên phi giai cấp của con người như "pháp luật tự nhiên"

quan niệm. Bên cạnh tính giai cấp, pháp luật còn mang tính xã hội. Pháp luật là do nhà nước, đại diện chính thức cho toàn xã hội ban hành. Vì vậy, ở chừng mực nào đó pháp luật còn thể hiện ý chí và lợi ích của các giai cấp và tầng lớp khác nhau trong xã hội. Như vậy, pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự chung (qui phạm pháp luật) do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị, được nhà nước bảo đảm thực hiện, kẻ cả bằng biện pháp cưỡng chế, để điều chỉnh các quan hệ xã hội, duy trì xã hội trong một trật tự có lợi cho giai cấp thống trị [32, tr. 139-141].

Với tư cách là yếu tố điều chỉnh các quan hệ xã hội, pháp luật có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định và phát triển xã hội. Ở Việt Nam, vai trò của pháp luật đã được ghi nhận tại Điều 12 Hiến pháp năm 1992 là: "Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa" [31]. Như vậy, vai trò của pháp luật được thể hiện trên các mặt cơ bản sau:

Một là, pháp luật là cơ sở để thiết lập, củng cố và tăng cường quyền lực nhà nước: một trong những nguyên lý đã được khẳng định là nhà nước không thể tồn tại thiếu pháp luật và pháp luật không thể phát huy hiệu lực của mình nếu không có sức mạnh của bộ máy nhà nước. Thực tiễn cho thấy, khi chưa có một hệ thống quy phạm pháp luật về tổ chức đầy đủ, đồng bộ, phù hợp và chính xác để làm cơ sở cho việc củng cố và hoàn thiện bộ máy nhà nước thì sẽ dẫn đến tình trạng trùng lặp, chồng chéo, thực hiện không đúng chức năng, thẩm quyền của một số cơ quan nhà nước, bộ máy sẽ cồng kềnh và kém hiệu quả. Tương tự như trên, pháp luật có vai trò quan trọng trong việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi loại cán bộ, mỗi cán bộ làm việc trong từng cơ quan cụ thể của bộ máy nhà nước. Nhờ có pháp luật, các hiện tượng lạm quyền, bao biện, vô trách nhiệm... của đội ngũ viên chức nhà nước dễ dàng được phát hiện và loại trừ.

Hai là, pháp luật là phương tiện để nhà nước quản lý kinh tế, xã hội: nhà nước là đại diện chính thức của toàn thể xã hội, vì vậy, nhà nước có chức năng (nhiệm vụ) quản lý toàn xã hội. Để quản lý toàn xã hội, nhà nước dùng nhiều phương tiện, nhiều biện pháp, nhưng pháp luật là phương tiện quan trọng nhất. Pháp luật có khả năng triển khai những chủ trương, chính sách của Nhà nước một cách nhanh nhất, đồng bộ và có hiệu quả nhất trên quy mô rộng lớn nhất. Cũng nhờ có pháp luật, nhà nước có cơ sở để phát huy quyền lực của mình và kiểm tra, kiểm soát các hoạt động của các tổ chức, các cơ

quan, các nhân viên nhà nước và mọi công dân. Trong tổ chức và quản lý kinh tế, pháp luật càng có vai trò lớn. Bởi vì, chức năng tổ chức và quản lý kinh tế của nhà nước có phạm vi rộng và phức tạp, bao gồm nhiều vấn đề, nhiều mối quan hệ mà nhà nước cần xác lập, điều hành và kiểm soát như hoạch định chính sách kinh tế, xác định chỉ tiêu kế hoạch, quy định chế độ tài chính, tiền tệ, giá... toàn bộ quá trình tổ chức và quản lý đều đòi hỏi sự hoạt động tích cực của nhà nước nhằm tạo ra một cơ chế đồng bộ, thúc đẩy quá trình phát triển đúng hướng của nền kinh tế mang lại hiệu quả thiết thực. Quá trình quản lý kinh tế không thể thực hiện được nếu không dựa vào pháp luật.

Ba là, pháp luật góp phần tạo dựng quan hệ mới: bên cạnh chức năng phản ánh, pháp luật còn có tính tiên phong, định hướng cho sự phát triển của các quan hệ xã hội. Trên cơ sở xác định thực trạng xã hội với những tình huống (sự kiện) cụ thể, điển hình, tồn tại và tái diễn thường xuyên ở những thời điểm cụ thể trong xã hội, nhà nước đề ra pháp luật để điều chỉnh kịp thời và phù hợp. Nhưng cuộc sống vốn sống động và thực tiễn thường diễn ra với những thay đổi thường xuyên. Dựa trên cơ sở của những kết quả và dự báo khoa học, người ta có thể dự kiến những thay đổi có thể diễn ra với những tình huống (sự kiện) cụ thể, điển hình cần có sự điều chỉnh của pháp luật. Từ đó pháp luật được đặt ra để định hướng trước, xác lập những quy định và có thể thiết kế những mô hình tổ chức quy định chức năng nhiệm vụ và tổ chức thử nghiệm...

Bốn là, pháp luật tạo ra môi trường ổn định cho việc thiết lập các mối quan hệ bang giao giữa các quốc gia: pháp luật luôn có vai trò giữ gìn sự ổn định và trật tự xã hội cho một quốc gia. sự ổn định của mỗi quốc gia là điều kiện quan trọng để tạo ra niềm tin, là cơ sở để mở rộng quan hệ với các nước khác. Trong thời đại ngày nay, phạm vi của các mối quan hệ quốc tế giữa các nước ngày càng lớn và nội dung tính chất của các quan hệ đó ngày càng đa diện (nhiều mặt) cơ sở cho việc thiết lập và củng cố các quan hệ đó là pháp luật (pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia). Xuất phát từ nhu cầu đó, hệ thống pháp luật của mỗi nước cũng có bước phát triển mới, đó là việc xây dựng các văn bản pháp luật quy định và điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh giữa người (tổ chức) trong nước với người (tổ chức) nước ngoài. Như vậy, muốn thực hiện tốt sự quản lý nhà nước, đẩy nhanh sự phát triển của xã hội, mở rộng quan hệ và hợp tác với các nước thì phải chú trọng phát huy vai trò của pháp luật, phải nhanh chóng xây dựng một hệ thống pháp luật

toàn diện, đầy đủ và đồng bộ, phù hợp với những điều kiện và hoàn cảnh trong nước, đồng thời phù hợp với những xu hướng phát triển chung của tình hình quốc tế và khu vực [45, tr. 78-79].

Với những nhận thức như nêu trên, có thể đưa khái niệm và vai trò của pháp luật phòng chống mua bán phụ nữ, trẻ em ở Việt Nam như sau:

Pháp luật phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em ở Việt Nam là một bộ phận của hệ thống pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Như vậy, pháp luật phòng chống mua bán phụ nữ, trẻ em vừa phản ánh ý nghĩa và vai trò của pháp luật nói chung, vừa phản ánh ý nghĩa và vai trò của lĩnh vực pháp luật cụ thể (phòng chống mua bán phụ nữ, trẻ em). Có thể nói, pháp luật phòng chống mua bán phụ nữ, trẻ em là hệ thống các quy tắc xử sự do Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành hoặc thừa nhận và bảo đảm thực hiện, thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam, thể hiện ý chí của giai cấp công nhân và nhân dân lao động là nhân tố điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến việc phòng chống mua bán phụ nữ, trẻ em ở Việt Nam. Từ đó có thể thấy vai trò của pháp luật phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em ở các khía cạnh sau:

- Là cơ sở để thiết lập, củng cố và tăng cường quyền lực nhà nước trên lĩnh vực phòng chống mua bán phụ nữ, trẻ em;

- Là phương tiện để nhà nước quản lý xã hội, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc phòng chống mua bán phụ nữ, trẻ em;

- Là tạo môi trường ổn định cho việc hợp tác quốc tế về phòng chống mua bán phụ nữ, trẻ em.

Qua phân tích các quy phạm pháp luật của Việt Nam liên quan đến mua bán phụ nữ, trẻ em cho thấy, đây là lĩnh vực pháp luật mới được hình thành, có quá trình phát triển từ chưa hoàn thiện đến từng bước được hoàn thiện. Một đặc điểm đặc trưng nữa là, pháp luật về mua bán phụ nữ, trẻ em gồm nhiều quy phạm thuộc nhiều ngành luật khác nhau như: luật hình sự, luật dân sự, luật hành chính và các ngành luật khác... Các quy phạm này còn tản mạn, thiếu hệ thống. Do đặc thù phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em cần phải có sự hợp tác quốc tế, nên pháp luật về mua bán phụ nữ, trẻ em có một bộ phận

là các quy định có liên quan đến pháp luật nước ngoài, luật quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong phòng chống mua bán phụ nữ, trẻ em. Nhận thức các đặc điểm nêu trên có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định nhu cầu, nội dung, hình thức pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em ở Việt Nam trong thời gian tới.

1.2 KHÁI NIỆM VÀ TIÊU CHÍ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN PHỤ NỮ, TRẺ EM

1.2.1. Khái niệm hoàn thiện pháp luật phòng, chồng mua bán phụ nữ, trẻ em


Trong Từ điển tiếng Việt tính từ hoàn thiện có nghĩa là tốt và đầy đủ đến mức không cần phải làm gì thêm nữa; còn động từ hoàn thiện có nghĩa là làm cho hoàn thiện [46, tr. 450]. Như vậy, hoàn thiện pháp luật phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em được hiểu là công việc loại bỏ, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật, nhằm tạo ra hệ thống các qui phạm pháp luật toàn diện, đầy đủ và đồng bộ, phù hợp với những điều kiện và hoàn cảnh trong nước, đồng thời phù hợp với những xu hướng phát triển chung của tình hình quốc tế và khu vực, để việc phòng chống mua bán phụ nữ, trẻ em đạt hiệu quả tối ưu; theo đó là những nội dung sau:

+ Loại bỏ các văn bản quy phạm pháp luật, những chế định luật, đã lạc hậu, bất cập, không còn phù hợp đối với việc phòng chống mua bán phụ nữ, trẻ em.

+ Sửa đổi, bổ sung những văn bản quy phạm pháp luật, những chế định luật điều luật đã lạc hậu, bất cập cho phù hợp với thực tế.

+ Xây dựng mới các văn bản qui phạm pháp luật: đối với những vấn đề mới phát sinh trong xã hội (quan hệ xã hội mới), nhưng chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh thì cần phải xây dựng ngay những văn bản, chế định, điều luật mới để điều chỉnh.


1.2.2. Tiêu chí hoàn thiện pháp luật phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em


Pháp luật phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em là một bộ phận hợp thành của hệ thống pháp luật Việt Nam. Do vậy, tiêu chí hoàn thiện pháp luật phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em được xây dựng trên cơ sở tiêu chí hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung

và đánh giá khái quát hệ thống pháp luật hiện hành về phòng, chống mua, bán phụ nữ, trẻ em ở Việt Nam.

1.2.2.1. Tiêu chí hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung


Có nhiều tiêu chí để xác định mức độ hoàn thiện của một hệ thống pháp luật trong đó có bốn tiêu chí cơ bản là:

- Tiêu chí về tính toàn diện: tính toàn diện là tiêu chuẩn đầu tiên thể hiện mức độ hoàn thiện của một văn bản qui phạm pháp luật hoặc của cả hệ thống pháp luật. Tiêu chí này có ý nghĩa trong việc "định lượng" một văn bản qui phạm pháp luật cũng như cả hệ thống pháp luật. Do đó, nó có ý nghĩa rất quan trọng, vì chỉ trên cơ sở "định lượng" mới có thể tiếp tục nghiên cứu để "định tính" trong xây dựng pháp luật nói chung.

Tính toàn diện của hệ thống pháp luật được thể hiện ở hai cấp độ:


+ Ở cấp độ chung đối với hệ thống pháp luật, đòi hỏi hệ thống pháp luật phải có đủ các ngành luật theo cơ cấu nội dung lôgíc và thể hiện thống nhất trong hệ thống văn bản qui phạm pháp luật tương ứng.

+ Ở cấp độ cụ thể đối với mỗi ngànhh luật, mỗi văn bản qui phạm pháp luật phải có đủ các chế định pháp luật, các qui phạm pháp luật.

- Tiêu chí về tính đồng bộ: tính đồng bộ thể hiện sự thống nhất của pháp luật. Một hệ thống pháp luật sẽ là chưa hoàn thiện khi các bộ phận của hệ thống đó có sự trùng lặp, chồng chéo hay mâu thuẫn. Tính đồng bộ của hệ thống pháp luật cũng thể hiện ở hai cấp độ:

+ Ở cấp độ chung, đó là sự đồng bộ giữa các ngành luật với nhau. Để đạt tới mục tiêu này, cần giải quyết hai vấn đề lớn: một là, phải xác định rõ ranh giới giữa các ngành luật; hai là, phải tao ra một hệ thống qui phạm pháp luật cơ bản (thể hiện trong các văn bản luật) để tạo cơ sở củng cố tính thống nhất của toàn hệ thống pháp luật.

+ Ở cấp độ cụ thể, tính đồng bộ thể hiện sự thống nhất, không mâu thuẫn, không trùng lặp, chồng chéo trong mỗi ngành luật, mỗi chế định luật và giữa các qui phạm pháp luật với nhau. Để tạo ra tính đồng bộ trong mỗi ngành luật, phải giải quyết triệt để, đúng đắn mối quan hệ giữa ngành luật-chế định pháp luật-qui phạm pháp luật. Điều đó đòi hỏi

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 26/04/2022