Đặc Điểm Của Quyền Con Người Và Quyền Phụ Nữ

các quyền phụ nữ là điều kiện không thể thiếu đối với việc bảo đảm và thực hiện các quyền của con người và quyền của cộng đồng dân tộc, quốc gia, quốc tế nói chung. Về điều này có thể viện dẫn lời nhận định của một nhà tư tưởng của chủ nghĩa xã hội không tưởng người Pháp là Furier: Trình độ giải phóng phụ nữ là thước đo của sự giải phóng xã hội. Tương tự như vậy có thể nói: trình độ thực hiện các quyền phụ nữ là thước đo của việc thực hiện các quyền con người trong xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã dạy rằng: “Giải phóng phụ nữ, tức là giải phóng phân nửa xã hội” [20, tr.524]. Tương tự như vậy có thể nói: không bảo đảm thực hiện các quyền phụ nữ thì mới thực hiện được một nửa các quyền con người.

Để hiểu rõ thực chất quyền phụ nữ, cần nắm vững bản chất của khái niệm bình đẳng giới. Sự bình đẳng giới thể hiện ở nhiều mặt, ví dụ như sau:

- Nữ và nam có điều kiện ngang nhau để phát huy hết khả năng và thực hiện các mong muốn của mình;

- Nữ và nam có cơ hội ngang nhau để tham gia, đóng góp và thụ hưởng các nguồn lực của xã hội trong quá trình phát triển;

- Nữ và nam có các quyền lợi ngang nhau, tức là nam nữ có quyền ngang nhau trong mọi phương diện của cuộc sống.

1.1.1.2. Đặc điểm của quyền con người và quyền phụ nữ

Quyền con người và quyền phụ nữ có những đặc trưng rõ ràng để nhận biết và phân biệt với các quyền khác. Các nhà làm luật, các nhà hoạch định chính sách đều thống nhất với nhau về một số đặc điểm cơ bản của quyền con người, cụ thể là:

Tính phổ biến. Quyền con người bảo đảm cho tất cả mọi người không phân biệt giới tính, chủng tộc, màu da, ngôn ngữ, tôn giáo, khuynh hướng chính trị, địa vị xã hội các quyền bình đẳng và chân giá trị mà họ được thụ hưởng ở bất cứ đâu và bất kỳ lúc nào.

Tính không thể chuyển nhượng. Quyền con người là những quyền không thể mang ra mua bán, chuyển nhượng, trao đổi, thương thuyết, tức là không thể được ban phát, rút lại hay bị tước đoạt. Quyền con người là sở hữu vốn có của mỗi người bất kể địa vị của họ như thế nào trong xã hội.

Tính không thể chia cắt, tính tương tác và phụ thuộc lẫn nhau. Các quyền con người gồm quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội có quan hệ tương tác, phụ thuộc lẫn nhau tạo thành một chỉnh thể không thể tách rời. Với đặc trưng này, quyền con người mới có thể bảo đảm cho mỗi người được hưởng tự do, an ninh và có một điều kiện sống tốt đẹp với chân giá trị của mình.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 106 trang tài liệu này.

Các quyền phụ nữ cũng có tất cả những đặc trưng của quyền con người, nhưng điều cần nhấn mạnh là quyền phụ nữ có tính phổ biến đối với phụ nữ. Tuy nhiên cần thấy rằng, cả quyền con người và quyền phụ nữ với tất cả các đặc điểm, tính chất và nội dung của chúng đều chưa được nhận thức, chấp nhận và được thiết chế hóa thành các quy định pháp luật cũng như chưa được thực hiện một cách đầy đủ trên thực tế. Có nhiều lý do, nhiều nguyên nhân và nhiều yếu tố ảnh hưởng tới việc thực hiện các quyền phụ nữ, trong đó cần tính đến năng lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở.

1.1.2. Nội dung các loại quyền phụ nữ

Hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền của phụ nữ ở Việt Nam hiện nay - 3

1.1.2.1. Phân loại quyền phụ nữ

Về nguyên tắc, quyền con người có bao nhiêu nội dung thì quyền phụ nữ cũng có bấy nhiêu nội dung. Tuy nhiên do trên thực tế, một mặt, phụ nữ ở đâu cũng chịu sự bất công và bất bình đẳng về quyền lợi nên trong các quyền phụ nữ luôn có quyền bình đẳng về quyền lợi với nam giới. Mặt khác, do trình độ nhận thức, trình độ phát triển kinh tế - xã hội và thói quen trọng nam khinh nữ trong xã hội mà quyền con người thường được hiểu một cách thiên vị cho nam giới. Ví dụ, trong Hiến pháp của Mỹ năm 1776 có câu mở đầu mà

nếu dịch chính xác về mặt chữ nghĩa phải là: “Tất cả nam giới đều sinh ra bình đẳng…”. Chỉ có Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhãn quan của một danh nhân văn hóa luôn quan tâm tới quyền bình đẳng nam nữ và gắn quyền con người với quyền dân tộc mới có thể dịch chữ “All men” thành “Tất cả mọi người” tức là cả nam và nữ chứ không phải “tất cả nam giới” đều sinh ra có quyền bình đẳng. Chỉ bằng một từ chuyển dịch như vậy thôi mà Bác Hồ đã thể hiện được toàn bộ tư tưởng về quyền bình đẳng nam nữ của cả một thời đại đấu tranh vì nam nữ bình quyền ở Việt Nam và trên thế giới.

Trong thời gian qua, một số tác giả đã phân loại các quyền con người nói chung và quyền phụ nữ nói riêng thành các loại như quyền áp đặt đối với người khác, quyền lực cá nhân, quyền lực chung của nhóm, quyền lực tự thân [56, tr.63-64].

Quyền lực áp đặt: quyền cưỡng chế người khác thực thi mục tiêu của mình bất chấp sự chống đối của họ. Quyền lực này chủ yếu được sử dụng để áp đặt, trấn áp những hành vi xấu từ phía các phần tử tiêu cực trong xã hội. Ví dụ, quyền lực trấn áp mọi mưu toan của thế lực phản động hay quyền lực trấn áp các hành vi tội phạm gây mất trật tự, mất an ninh xã hội.

Quyền lực cá nhân: đây là quyền lực của cá nhân trong việc ra quyết định, thực hiện quyết định. Quyền lực này gắn với trách nhiệm của cá nhân và đòi hỏi cá nhân phải tự chủ, độc lập và sáng tạo trong giải quyết các vấn đề đặt ra.

Quyền lực chung: thực chất đây là loại quyền lực của nhóm với tư cách là một tập hợp người có chung mục đích và cùng hoạt động để thực hiện mục đích chung đó.

Quyền lực tự thân: đây là loại quyền lực xuất phát từ khả năng của cá nhân tự nhận biết vấn đề, tự phân tích tình huống vấn đề và tự đưa ra quyết định cần thiết để giải quyết vấn đề. Quyền lực này gắn với sự tự tin, quyết đoán của chủ thể.

Các loại quyền lực này khác nhau và không loại trừ nhau bởi vì chúng không dựa trên cùng một tiêu chí để phân loại. Ví dụ quyền lực áp đặt có thể là quyền lực cá nhân hoặc quyền lực chung hay quyền lực tự thân. Đồng thời, quyền lực tự thân có thể là quyền lực của cá nhân hoặc quyền lực chung. Cách phân biệt các loại quyền lực này có giá trị thực tiễn là chỉ ra được sự cần thiết phải chú ý tới nguồn gốc bên trong và nguồn gốc bên ngoài của quyền lực. Vì vậy, việc nâng cao quyền lực của phụ nữ đòi hỏi phải phát huy nội lực của cá nhân, của nhóm và cộng đồng, trong đó sự tự thân vận động của người phụ nữ rất quan trọng.

Bảng phân loại quyền con người nêu trên có thể áp dụng để tìm hiểu quyền phụ nữ, tuy nhiên, cách phân loại như vậy chỉ có thể mang tính chất tham khảo, cần có những cách phân loại quyền cụ thể hơn, thiết thực hơn cho việc thực hiện quyền phụ nữ. Theo quan niệm về sự phát triển dựa vào quyền con người, Amartya Sen, nhấn mạnh năm loại quyền cơ bản cần để bảo đảm sự phát triển lâu bền [1]. Đó là, quyền tự do sản xuất, kinh doanh những gì mà Nhà nước không cấm; quyền học tập và tiếp cận thông tin; quyền chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và tiếp cận các dịch vụ y tế; quyền tham gia vào quá trình ra quyết định đối với các hoạt động của đời sống cộng đồng; quyền bầu cử và có tiếng nói đối với những vấn đề quản lý xã hội.

Tuy nhiên, đúng như Amartya Sen đã nhận định, để sự phát triển trở thành hiện thực thì việc công nhận các quyền nêu trên là chưa đủ, điều cần thiết là phải tạo năng lực và điều kiện để phụ nữ và nam giới thực hiện được các quyền đó. Do đó, thực chất của vấn đề thực hiện quyền phụ nữ là tạo ra khung khổ pháp lý và đạo lý khẳng định các quyền được đối xử công bằng, bình đẳng xã hội của phụ nữ và tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ có đủ năng lực thực hiện các quyền đó.

Trên cơ sở bảng phân loại quyền trên cùng với quan niệm quyền phụ

nữ là một bộ phận tất yếu của quyền con người, quyền phụ nữ là quyền mà phụ nữ được hưởng theo quy định của pháp luật và đạo lý của cộng đồng xã hội nhất định. Có thể khái quát thành ba loại quyền phụ nữ như sau:

- Những quyền của “tất cả mọi người” không phân biệt nam, nữ đã được xác định trong pháp luật và đạo lý của xã hội;

- Những quyền phụ nữ bình đẳng với nam giới mà phụ nữ được hưởng theo quy định của pháp luật và đạo lý của xã hội cụ thể. Ví dụ, Điều 4 Luật Chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em năm 2004 quy định: Trẻ em, không phân biệt gái, trai ... đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật. Điều 10 Luật Giáo dục năm 2005 quy định: mọi công dân không phân biệt nam nữ đều bình đẳng về cơ hội học tập;

- Những quyền mà chỉ phụ nữ được hưởng theo quy định của pháp luật và đạo lý của một cộng đồng xã hội cụ thể. Ví dụ, quyền được nghỉ sau khi sinh đẻ, nuôi con. Hoặc, theo quy tắc sinh hoạt thường ngày, phụ nữ nhất là phụ nữ mang thai, phụ nữ cao tuổi và trẻ em gái được nhường chỗ ngồi trên các phương tiện giao thông công cộng.

1.1.2.2. Khung phân tích quyền phụ nữ

Có thể dựa vào khung phân tích dưới đây để đánh giá và đề xuất các giải pháp tạo quyền cho phụ nữ. Khung phân tích quyền phụ nữ đòi hỏi phải tìm hiểu các cơ chế và mức độ thực hiện các quyền của phụ nữ trong việc hưởng thụ, tiếp cận, nhận thức, tham gia và kiểm soát các nguồn lực của xã hội, cụ thể là phân tích những nội dung sau đây của quyền phụ nữ:

- Hưởng thụ bình đẳng các quyền cơ bản trong kinh tế, chính trị, xã hội và các lĩnh vực của đời sống sinh hoạt;

- Tiếp cận bình đẳng các nguồn lực trong sản xuất, kinh doanh, y tế, giáo dục, thông tin và các lĩnh vực khác;

- Nhận thức được sự khác biệt giới trong nhu cầu và vai trò của nam, nữ;

- Kiểm soát và điều chỉnh việc thực hiện các quyết định.

Tóm lại, về nguyên tắc, nội dung của quyền con người cũng là nội dung của quyền phụ nữ. Tuy nhiên, trong bối cảnh còn phổ biến tình trạng bất bình đẳng nam nữ thì việc nhấn mạnh quyền bình đẳng của nữ với nam giới sẽ là nội dung chủ yếu của khái niệm quyền phụ nữ.

1.1.2.3. Nội dung của quyền phụ nữ

Căn cứ vào các lĩnh vực cụ thể của đời sống xã hội, có thể phân biệt các nội dung cơ bản của quyền phụ nữ như sau:

- Quyền kinh tế: phụ nữ có những quyền bình đẳng với nam giới trong sản xuất, kinh doanh và sở hữu tài sản. Hiến pháp và các bộ luật đều có những quy định cụ thể về quyền bình đẳng của phụ nữ với nam giới trong việc làm, thu nhập. Ví dụ, nữ và nam, làm việc như nhau thì theo quy định pháp luật sẽ được hưởng lương ngang bằng nhau. Ngoài ra, phụ nữ có những quyền khác với nam giới, ví dụ theo Bộ luật Lao động, nữ lao động 55 tuổi thì được nghỉ hưu trong khi nam giới 60 tuổi mới được nghỉ hưu.

- Quyền chính trị: Pháp luật quốc gia quy định, phụ nữ có quyền bình đẳng với nam giới trong ứng cử và bầu cử cũng như tham gia vào quá trình lãnh đạo, quản lý xã hội. Nhưng trên thực tế, tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý còn rất thấp so với nam giới. Điều đó chứng tỏ là quyền bình đẳng của phụ nữ với nam giới về mặt chính trị còn chưa được thực hiện đầy đủ trên thực tế, mặc dù về mặt hình thức pháp luật là có sự bình đẳng.

- Quyền hôn nhân và gia đình: phụ nữ được hưởng các quyền bình đẳng với nam giới trong đời sống hôn nhân và gia đình theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, có một số quyền liên quan tới sinh đẻ mà chỉ phụ nữ mới được hưởng theo quy định của pháp luật. Trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, mặc dù có pháp luật, nhưng nhiều hành vi của phụ nữ bị các hệ giá trị và chuẩn mực đạo lý, thói quen, nếp nghĩ kiểu

trọng nam khinh nữ điều chỉnh theo hướng gây bất bình đẳng đối với phụ nữ. Ví dụ, phụ nữ ít được hưởng quyền bình đẳng với nam giới trong các công việc gia đình và nghỉ ngơi.

- Quyền giáo dục: tương tự như các lĩnh vực kinh tế và chính trị, phụ nữ có các quyền bình đẳng với nam giới về cơ hội học tập, cơ hội đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn. Mặc dù trên thực tế, phụ nữ không được thực hiện đầy đủ các quyền này mà kết quả là tỷ lệ nữ có trình độ sau đại học luôn thấp hơn so với nam giới; và trong một số lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tỷ lệ nữ cũng ít hơn so với nam giới.

- Quyền bảo vệ và chăm sóc sức khỏe: phụ nữ có tất cả các quyền mà nam giới được hưởng trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Đồng thời, phụ nữ có những quyền riêng được pháp luật quy định liên quan tới chăm sóc sức khỏe sinh sản.

- Quyền phụ nữ trong các lĩnh vực khác: có thể kéo dài danh sách nội dung các quyền phụ nữ bằng cách liệt kê các lĩnh vực của đời sống xã hội, ví dụ quyền tự do tín ngưỡng, quyền thông tin, quyền đi lại, quyền cư trú… Điều quan trọng là, xã hội càng phát triển thì quyền phụ nữ càng được mở rộng bởi vì nhu cầu và phương tiện đáp ứng nhu cầu của con người ngày một tăng lên.

- Những quyền phụ nữ đặc thù: trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội, phụ nữ cũng có những quyền đặc thù do yêu cầu phải thực hiện quyền bình đẳng giới đòi hỏi một cách khách quan mà xã hội có thể nhận thức được. Ngoài những quyền phụ nữ đặc thù trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội, phụ nữ có những quyền đặc thù khác như: quyền bất khả xâm phạm về tình dục, quyền không bị phân biệt đối xử và một số quyền đặc thù khác như quyền được bảo vệ với tư cách là người mẹ mà không bị coi là phân biệt đối xử.

1.1.3. Cơ chế bảo vệ, bảo đảm quyền phụ nữ

Như đã phân tích trên, quyền phụ nữ là một bộ phận của quyền con

người cho nên, về nguyên tắc chung, những cơ chế bảo vệ, bảo đảm quyền phụ nữ cũng không nằm ngoài cơ chế bảo vệ, bảo đảm quyền con người. Bên cạnh đó, do những yếu tố đặc thù của nhóm người dễ bị tổn thương nên bảo vệ phụ nữ cũng có những riêng biệt trong cơ chế, nhất là cơ chế về mặt nhà nước ở mỗi quốc gia.

Để đảm bảo tính tổng thể, Luận văn sẽ tiếp cận các cơ chế bảo vệ, bảo đảm quyền phụ nữ xuất phát từ các cơ chế bảo vệ, bảo đảm quyền con người nói chung.

Theo PGS.TS. Phạm Hữu Nghị: “Cơ chế bảo đảm, bảo vệ quyền con người được hiểu bao gồm cơ chế bảo đảm, bảo vệ quyền con người mang tính nhà nước và cơ chế bảo đảm, bảo vệ quyền con người mang tính xã hội (cơ chế xã hội)” [60, tr.9-11].

Thông thường khi nói về khái niệm cơ chế người ta đề cập hai nội dung: thể chế và thiết chế. Thể chế được hiểu là các quy định pháp luật, các quy tắc được ban hành theo thẩm quyền, trình tự, thủ tục nhất định có tính ràng buộc đối với các chủ thể. Còn thiết chế là các cơ quan, tổ chức được lập ra để thực thi những chức năng, nhiệm vụ nhất định. Bảo đảm, bảo vệ quyền con người có thể được thực hiện ở cấp độ toàn cầu, khu vực và từng quốc gia. Từ đây, cơ chế bảo đảm, bảo vệ quyền con người được hiểu là những thể chế, thiết chế do toàn nhân loại xã hội, do Nhà nước tạo ra nhằm bảo đảm, bảo vệ con người ở cấp độ toàn cầu, khu vực và ở từng quốc gia.

Trong phạm vi luận văn chủ yếu đề cập cơ chế bảo đảm, bảo vệ quyền con người mang tính nhà nước ở cấp độ quốc gia Việt Nam.

- Thể chế bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền phụ nữ:

Đầu tiên phải kể đến là Hiến pháp. Hiến pháp quy định những quyền cơ bản của con người trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó có quyền phụ nữ.

Xem tất cả 106 trang.

Ngày đăng: 12/05/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí