bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu...; hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng...; Nhà nước và xã hội không thừa nhận sự phân biệt đối xử...; Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ phụ nữ, trẻ em... [36].
Cùng với Bộ luật dân sự, Luật hôn nhân và gia đình, đặc biệt là việc ban hành Nghị định số 68/2002/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, đã quy định cụ thể, chặt chẽ chế định cho và nhận con nuôi. Qua quá trình thực hiện Nghị định số 68/2002/NĐ-CP, việc cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc và tránh được những hiện tượng tiêu cực. Bên cạnh những ưu điểm nói trên, trong thực tế thi hành nghị định nêu trên cũng đã bộc lộ ra những thiếu sót, bất cập, đó là, chưa qui định việc cho phép tổ chức trong nước được hoạt động trong lĩnh vực nuôi con nuôi, việc này đồng nghĩa với sự bất bình đẳng về mặt pháp lý giữa các tổ chức trong nước và các tổ chức nước ngoài. Mặt khác, việc cho phép tổ chức trong nước được hoạt động trong lĩnh vực nuôi con nuôi sẽ hỗ trợ cho các hoạt động nuôi con nuôi tốt hơn, tạo ra cầu nối giữa các tổ chức con nuôi nước ngoài và các cơ sở nuôi dưỡng, các cơ quan trong nước. Tiến tới có thể xã hội hóa một số khâu trong qui trình giải quyết việc nuôi con nuôi, nhằm thu hút sự tham gia của các tổ chức xã hội cho công tác bảo vệ trẻ em. Một vấn đề khác là khi thực hiện nguyên tắc giải quyết nuôi con nuôi theo qui định tại khoản 2 Điều 35 Nghị định số 68/2002/NĐ-CP sẽ bất lợi cho các trẻ em có nhược điểm về thể chất ở các trung tâm cũng như ở gia đình. Đối với các nước chưa ký kết hoặc chưa cùng gia nhập với Việt nam điều ước quốc tế về hợp tác nuôi con nuôi thì điều kiện xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi bị hạn chế, thực tế tại các trung tâm và các gia đình có nhiều trẻ em hoàn cảnh đặc biệt đang rất cần được những tấm lòng từ thiện đón nhận. Phải nói rằng việc cho và nhận con nuôi là một việc làm nhân đạo, phù hợp với đạo lý truyền thống của người Việt Nam, Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi nhưng cũng phải quy định chặt chẽ, bảo đảm cho việc cho và nhận con nuôi đúng mục đích, đúng pháp luật.
Bộ luật lao động ban hành năm 1994 được bổ sung, sửa đổi năm 2002 đã dành hẳn hai chương quy định về lao động nữ và lao động của người chưa thành niên. Quyền được lao động và có việc làm là quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp quy định,
phụ nữ và người chưa thành niên là những đối tượng cần được quan tâm đặc biệt. Do vậy, ngoài những quy định có tính áp dụng chung, Bộ luật lao động đã có những quy định riêng vị thế đặc thù của phụ nữ và người chưa thành niên nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của họ, đồng thời ngăn ngừa những hành vi lạm dụng, bóc lột sức lao động hoặc "biến tướng" buộc họ làm những việc trái với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, một số điều luật của Bộ luật lao động còn quy định chung chung, khó áp dụng... Ví dụ: khoản 2 Điều 118 Bộ luật lao động năm 2002 quy định: " Trong số thanh tra viên lao động phải có tỷ lệ thích đáng nữ thanh tra viên". Các nghị định hướng dẫn thi hành không giải thích tỷ lệ như thế nào được coi là tỷ lệ thích đáng (không có yếu tố định lượng) như vậy, việc vận dụng quy định trên rất dễ dẫn đến tình trạng tùy tiện.
- Khoản 3 Điều 115 Bộ luật lao động năm 2002 quy định: "Người lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút; trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc mà vẫn hưởng đủ lương" [37]. Tại nhiều cơ sở sản xuất người lao động phải làm việc theo dây chuyền, theo ca và như vậy việc áp qui định của khoản 3 Điều 115 Bộ luật lao động năm 2002 là rất khó, cần có một cơ chế để bảo đảm thực hiện.
- Khoản 1 Điều 119 Bộ luật lao động năm 2002 quy định: "Người lao động chưa thành niên là người lao động dưới 18 tuổi. Nơi sử dụng người lao động chưa thành niên phải lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ họ tên, ngày sinh, công việc đang làm, kết quả những lần kiểm tra sức khỏe định kỳ và xuất trình khi Thanh tra viên lao động yêu cầu" [37]. Điều 120 Bộ luật lao động năm 2002 quy định:
Cấm nhận trẻ em chưa đủ 15 tuổi vào làm việc, trừ một số nghề và công việc do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định. Đối với ngành nghề và công việc được nhận trẻ em chưa đủ 15 tuổi vào làm việc, học nghề, tập nghề thì việc nhận và sử dụng những trẻ em này phải có sự đồng ý và theo dõi của cha mẹ hoặc người đỡ đầu [37].
Như vậy, theo Bộ luật lao động năm 2002 thì người chưa thành niên sẽ là người có độ tuổi từ 15 đến dưới 18 tuổi và trẻ em là người dưới 15 tuổi. các quy định này sẽ tạo ra sự không thống nhất trong cùng một hệ thống pháp luật (giữa Bộ luật lao động và Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em).
Học tập là quyền đồng thời là nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được Hiến pháp quy định. Quyền và nghĩa vụ cơ bản đó đã được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật chuyên ngành, đã được pháp điển hóa lần đầu tiên trong Luật giáo dục năm 1998 và được sửa đổi bổ sung năm 2005. Theo luật này, lần đầu tiên hệ thống giáo dục quốc dân từ giáo dục mầm non cho đến giáo dục đại học và sau đại học được xác định một cách rõ ràng, thống nhất trong một đạo luật, trong đó, xác định:
Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội hoặc hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập. Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo điều kiện để ai cũng được học hành. Nhà nước và cộng đồng giúp đỡ để người nghèo được học tập... Nhà nước ưu tiên, tạo điều kiện cho con em dân tộc thiểu số, con em gia đình ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn... và đối tượng hưởng chính sách xã hội khác thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập của mình [41].
Có thể bạn quan tâm!
- Tiêu Chí Hoàn Thiện Pháp Luật Phòng, Chống Mua Bán Phụ Nữ, Trẻ Em
- Tình Hình Mua Bán Phụ Nữ, Trẻ Em Và Hoạt Động Phòng, Chống Mua Bán Phụ Nữ, Trẻ Em
- Kết Quả Phòng Ngừa, Đấu Tranh Trấn Áp Tội Phạm
- Các Qui Định Về Thẩm Quyền Điều Tra Tội Phạm Liên Quan Đến Hoạt Động Mua Bán Phụ Nữ, Trẻ Em
- Những Quy Định Của Pháp Luật Việt Nam Trong Lĩnh Vực Hồi Hương Và Tái Hòa Nhập Cộng Đồng Nạn Nhân Bị Mua Bán
- Dự Báo Tình Hình Mua Bán Phụ Nữ, Trẻ Em Ở Việt Nam Trong Thời Gian Tới
Xem toàn bộ 108 trang tài liệu này.
Việc tạo điều kiện để mọi công dân trong đó có phụ nữ và trẻ em bình đẳng về cơ hội học tập có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc phát triển của mỗi cá nhân và qua đó, họ có điều kiện về tri thức và năng lực để vươn lên tự khẳng định mình và vượt qua được khó khăn của cuộc sống. Tuy nhiên, một số quy định trong Luật giáo dục năm 2005 còn chung chung, khó áp dụng trong thực tiễn.
- Điểm c khoản 1 Điều 84 Luật giáo dục năm 2005 quy định: "Trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non được giảm phí đối với các dịch vụ vui chơi, giải trí công cộng" [41]. Trên thực tế có nhiều dịch vụ vui chơi giải trí công cộng đã tổ chức hoạt động không đúng với tiêu chí công ích, hầu hết các dịch vụ này đã được cho tư nhân đấu thầu để thu lợi nhuận cao và trẻ em đã không được giảm phí đối với các dịch vụ vui chơi nói trên. Do vậy, quyền vui chơi của trẻ em chưa được bảo đảm và như vậy, quy định của điểm c khoản 1 Điều 84 Luật này cần có cơ chế đảm bảo thực hiện.
Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 đã xác định:
Trẻ em, không phân biệt gái, trai, con trong giá thú, con ngoài giá thú, con đẻ, con nuôi, con riêng, con chung; không phân biệt dân tộc, tôn giáo,
thành phần, địa vị xã hội, chính kiến của cha mẹ hoặc của người nuôi dưỡng, đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật [39].
Luật cũng quy định:
Người xâm phạm quyền trẻ em, ngược đãi, làm nhục, hành hạ, ruồng bỏ trẻ em; kích động, lôi kéo, ép buộc trẻ em thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật,... làm hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em... thì tùy mức độ mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự [39].
Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1990. Điều 1 Công ước quốc tế về quyền trẻ em quy định: Trong phạm vi của Công ước này, trẻ em có nghĩa là mọi người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn. Điều 1 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 quy định: "Trẻ em quy định trong Luật này là công dân Việt Nam dưới mười sáu tuổi" [39]. Như vậy, giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế còn có những điểm chưa thống nhất về việc xác định độ tuổi đối với người được coi là trẻ em. Nếu quy định về độ tuổi trẻ em trong Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vẫn giữ nguyên là người dưới 16 tuổi thì nên xem xét, bổ sung vào Bộ luật hình sự tội danh "buôn bán người chưa thành niên" để không bỏ lọt tội phạm.
Khoản 1 Điều 54 Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định: "Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phát hiện, giải quyết kịp thời tình trạng trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại; tạo điều kiện cho trẻ em đi học nghề, làm công việc phù hợp với sức khỏe, lứa tuổi trong phạm vi địa phương" [39]. Việc qui định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (thành phố) và Ủy ban nhân dân cấp huyện (quận, thị xã) đối với trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại và trẻ em làm việc xã gia đình là hết sức cần thiết, bởi vì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện có đủ khả năng và điều kiện để đảm bảo thực hiện qui định này. Tuy nhiên, việc áp qui định này đối với Ủy ban nhân dân cấp xã là chưa thực sự phù hợp, nhất
là đối với những xã ở vùng sâu, vùng xa. bởi vì, ở hầu hết cấp xã, việc huy động "nhân tài, vật lực" cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là rất khó khăn.
Tóm lại, trước những diễn biến hết sức phức tạp, nghiêm trọng và có chiều hướng gia tăng của tệ nạn mua bán phụ nữ, trẻ em thì hệ thống các quy định về bảo vệ quyền của phụ nữ, trẻ em đã bộc lộ một số bất cập, thiếu sót. Dẫn đến một thực trạng là quyền của phụ nữ, trẻ em đã và đang bị xâm hại và một bộ phận phụ nữ, trẻ em đang có nguy cơ trở thành nạn nhân của bọn buôn người.
2.2.2. Thực trạng các qui định của pháp luật về phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em
Nhà nước Việt Nam coi hành vi mua bán người là hành vi phạm pháp luật, vi phạm nhân quyền và chà đạp lên nhân phẩm của con người, gây tác hại nghiêm trọng và lâu dài đến sức khỏe, tâm hồn, thể xác của nạn nhân cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn và an ninh xã hội. Đây là loại tội phạm nguy hiểm, do vậy việc đấu tranh, ngăn chặn tội phạm này cần có những nỗ lực và giải pháp đồng bộ, toàn diện cả về phương diện quốc gia và quốc tế. Bên cạnh việc xây dựng khung pháp luật nhằm bảo vệ quyền con người, trong đó có quyền của phụ nữ và trẻ em, thì Nhà nước ta còn ban hành các văn bản pháp luật nhằm tạo ra cơ sở pháp lý cho việc xử lý mọi hành vi vi phạm quyền của phụ nữ và trẻ em, hình sự hóa hành vi mua bán phụ nữ, trẻ em và đưa người di cư trái phép. Tuy Việt Nam chưa có luật riêng về chống buôn bán phụ nữ và trẻ em và chống đưa lậu người nhập cư nhưng nhiều văn bản đã có các quy định về vấn đề này như Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh phòng chống mại dâm, Pháp lệnh xuất cảnh, nhập cảnh, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật hình sự và các văn bản có liên quan dưới giác độ phòng ngừa, ngăn chặn, trừng trị tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em và về bảo vệ nạn nhân, giúp đỡ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng.
2.2.2.1. Chế tài dân sự liên quan đến hành vi mua bán người và các hành vi khác có liên quan
Pháp luật Việt Nam không có quy định riêng về trách nhiệm bồi thường thiệt hại liên quan đến hành vi mua bán người và các hành vi khác có liên quan như: mại dâm, lao động cưỡng bức, xuất cảnh, nhập cảnh trái phép, tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi
nước ngoài... mà nguyên tắc chung về trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định tại chương XXI của Bộ luật dân sự năm 2005 - trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo đó, người nào có lỗi trong việc xâm phạm đến tính mạng, sức kháe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại, thì phải bồi thường (Điều 604 Bộ luật dân sự năm 2005).
Bộ luật hình sự năm 1999 (Điều 42) cũng quy định người phạm tội phải bồi thường thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần đã được xác định là do hành vi phạm tội gây ra. Để bảo đảm thực hiện quy định này, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 có quy định về việc kê biên tài sản (Điều 146), theo đó việc kê biên tài sản được áp dụng trong trường hợp bị can, bị cáo phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Trên tinh thần đó, bất cứ người nào có hành vi mua bán người hoặc có các hành vi vi phạm khác có liên quan như: mại dâm, cưỡng bức lao động, xuất cảnh, nhập cảnh trái phép, tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài... mà gây thiệt hại cho nạn nhân, thì ngoài việc bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần cho người bị hại.
2.2.2.2. Chế tài hành chính liên quan đến hành vi mua bán người và các hành vi vi phạm khác có liên quan
Chế tài hành chính đối với hành vi buôn bán người và các hành vi vi phạm khác có liên quan được quy định trong các điều khoản về hành vi vi phạm và mức xử phạt cụ thể.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì hành vi mua bán người và các hành vi vi phạm khác có liên quan như: mại dâm, lao động cưỡng bức, xuất cảnh, nhập cảnh trái phép, tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài..., nếu chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử phạt hành chính. Việc quy định hành vi vi phạm hành chính và hình thức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính cụ thể thuộc thẩm quyền của Chính phủ (Điều 2 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002). Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều nghị định quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực cụ thể sau:
Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 của Chính phủ quy định hình phạt tiền được áp dụng đối với người có hành vi mua dâm, bán dâm, lợi dụng uy tín, đe dọa dùng vũ lực, dùng vũ lực, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bảo vệ, duy trì hoạt động mại dâm, môi giới mại dâm nhưng không thường xuyên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Nghị định số 150/2005/NĐ-CP ngày 12/12/2005 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội, có quy định tại Điều 22 về việc xử phạt hành chính (phạt tiền) đối với hành vi vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự như: hành vi giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác trốn đi nước ngoài, ở lại nước ngoài hoặc qua lại biên giới trái phép; giả mạo hồ sơ, giấy tờ để được cấp hộ chiếu hoặc các loại giấy tờ khác có giá trị thay thị thực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, chứng nhận tạm trú, giấy chứng nhận thường trú; làm giả hộ chiếu, thị thực, chứng nhận tạm trú, giấy chứng nhận thường trú, dấu kiểm chứng; sử dụng hộ chiếu, thị thực, chứng nhận tạm trú, chứng nhận thường trú, dấu kiểm chứng hoặc các giấy tờ khác để xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
Nghị định số 113/2004/NĐ-CP ngày 16/4/2004 quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật lao động, trong đó có quy định về việc phạt hành chính (phạt tiền) đối với hành vi vi phạm các quy định về việc sử dụng người lao động chưa thành niên, lao động nữ làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại; hành vi ngược đãi, cưỡng bức lao động; phân biệt đối xử với phụ nữ, xúc phạm danh dự và nhân phẩm lao động nữ (Điều 15); vi phạm các quy định của pháp luật về việc đưa người lao động Việt Nam đi nước ngoài làm việc (Điều 16), nhận người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam (Điều 17)...
Nghị định số 87/2001/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2001 qui định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, trong đó có qui định về việc phạt hành chính (phạt tiền) đối với hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ (Điều 7); vi phạm các qui định về đăng ký kết hôn (Điều 9); hành vi vi phạm các qui định về nuôi con nuôi (Điều 14)
Chế tài hành chính đối với hành vi mua bán người và các hành vi vi phạm khác có liên quan còn được thể hiện ở chính sách xử lý nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm trong những trường hợp có tình tiết tăng nặng. Theo quy định tại Điều 9 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 về các tình tiết tăng nặng, thì những trường hợp vi phạm hành chính nói chung và vi phạm liên quan đến việc mua bán người, cưỡng bức lao động, mại dâm, xuất cảnh, nhập cảnh nói riêng sau đây, được coi là tình tiết tăng nặng: xúi giục, lôi kéo người chưa thành niên vi phạm, ép buộc người bị lệ thuộc vào mình về vật chất, tinh thần vi phạm; vi phạm có tổ chức; vi phạm nhiều lần trong cùng lĩnh vực hoặc tái phạm trong cùng lĩnh vực; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm; tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm hành chính mặc dù người có thẩm quyền đã yêu cầu chấm dứt hành vi đó...
quan
2.2.2.3. Chế tài hình sự đối với tội mua bán người và các tội phạm khác có liên
Bộ luật hình sự năm 1999 có hai điều luật quy định về hai tội phạm trực tiếp liên
quan đến việc mua bán người, đó là: tội mua bán phụ nữ (Điều 119) và tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (Điều 120).
Theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam thì mua bán phụ nữ, trẻ em được xác định là những tội phạm nghiêm trọng xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người. Do vậy, hình phạt đối với các tội phạm này được quy định rất nghiêm khắc (phạt tù đến 7 năm đối với tội mua bán phụ nữ và phạt tù đến 10 năm đối với tội mua bán trẻ em); phạm tội trong các trường hợp có tình tiết tăng nặng như: có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, mua bán phụ nữ, trẻ em vì mục đích mại dâm, để đưa ra nước ngoài hoặc mua bán trẻ em để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo... thì hình phạt có thể lên đến 20 năm tù (đối với tội mua bán phụ nữ) và 20 năm tù hoặc tù chung thân (đối với tội mua bán trẻ em).
Ngoài việc bị phạt tù, người phạm các tội mua bán phụ nữ, mua bán trẻ em còn có thể bị phạt tiền bổ sung từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.