Sự Phát Triển Của Khoa Học Kỹ Thuật - Công Nghệ

kết hôn chưa được coi trọng. Theo số liệu thống kê của tỉnh Sơn La: số lượng các đôi không đăng ký kết hôn ngày càng tăng: năm 2000: 28 trường hợp; năm 2003: 76 trường hợp; năm 2005: 159 trường hợp, năm 2007: 182 trường

hợp [64].

Vấn đề đặt ra là Nhà nước cần có thái độ và định hướng như thế nào để một mặt vừa có thể duy trì, phát huy được những phong tục, tập quán tốt đẹp về HN&GĐ - coi đó là công cụ đắc lực để điều chỉnh quan hệ HN&GĐ, mặt khác, vừa có định hướng xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, nhằm từng bước xây dựng quan hệ HN&GĐ tiến bộ. Ví dụ như tục nối dây (Juê nuê) của một số tộc người bản địa ở Tây Nguyên, chủ yếu là người Ê Đê; trước đây, tục nối dây vốn được cho là cổ hủ, lạc hậu, cần phải loại bỏ. Cùng với sự phát triển của xã hội thì tục nối dây không còn phổ biến và cũng đã có những biến đổi theo hướng tích cực để cộng đồng chấp nhận, duy trì. Theo tập tục Juê nuê, người vợ được phép lấy anh hoặc em trai trong dòng họ của chồng khi chồng chết; hay ngược lại, người chồng được phép lấy chị hoặc em gái trong dòng họ của vợ khi vợ mất đi. Trước đây hôn nhân là ép buộc, dù người em gái rất nhỏ tuổi nhưng vẫn bị ép buộc kết hôn. Ngày nay, tục nối dây không vi phạm quyền tự do hôn nhân mà vẫn đảm bảo được tính dân chủ, tự nguyện, người được họ hàng chọn lựa để kết hôn với anh/em rể hoặc chị/em vợ hoàn toàn có thể từ chối cuộc hôn nhân nếu cảm thấy không phù hợp với mình. Thay vì lấy anh rể, cô gái hoặc gia đình cô sẽ nuôi dưỡng những đứa con của chị gái để anh rể đi tìm hạnh phúc mới. Và trong trường hợp này, người anh rể phải để lại con cái cùng toàn bộ tài sản mà trước đó hai vợ chồng gây dựng được cho gia đình bên vợ để có điều kiện chăm sóc cho bọn trẻ. TS. Tuyết Nhung (Trường Đại học Tây Nguyên) cho rằng: tục nối dây thể hiện rất cao tính nhân văn, bởi đối với con cái chưa trưởng thành của người quá cố thì cuộc hôn nhân mới sẽ đem lại cho những đứa trẻ mất cha, hoặc mất mẹ sự chăm sóc nuôi dưỡng ân cần và chu đáo từ chính người thân thiết trong gia

đình, có chung dòng máu với cha hoặc mẹ chúng. Nhà nước cần nghiên cứu, có những quy định nhằm phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp này [51].

Có thể nói, pháp luật điều chỉnh vấn đề kết hôn có mối liên hệ sâu sắc với văn hóa truyền thống và phong tục tập quán. Các quy định về điều kiện kết hôn trong các văn bản luật HN&GĐ đều được xây dựng dựa trên nền tảng văn hóa, phong tục tập quán, đạo đức của người Việt Nam trong các thời kỳ khác nhau. Điều đó có tác dụng củng cố nét đẹp của bản sắc dân tộc trong các gia đình Việt Nam.

1.2.3. Hội nhập quốc tế

Hội nhập quốc tế là xu thế toàn cầu trong thời đại ngày nay. Hội nhập giúp mở rộng thị trường để thúc đẩy thương mại và các quan hệ kinh tế quốc tế khác, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội; hội nhập giúp tiếp thu công nghệ mới thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài và chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến; giúp bổ sung những giá trị và tiến bộ của văn hóa, văn minh của thế giới, làm giàu văn hóa dân tộc và thúc đẩy tiến bộ xã hội… Chúng ta cũng không thể không kể đến những bất lợi, thách thức mà chính sự hội nhập quốc tế đã đặt ra. Trong đó, một sự tác động khá mạnh mẽ đó là tác động tới văn hóa truyền thống, tới các quan hệ xã hội nói chung và quan hệ hôn nhân gia đình nói riêng. Văn hóa thế giới thâm nhập vào Việt Nam cùng với sự tăng cường giao lưu quốc tế như tham quan, du lịch, sách báo, hoặc sự phát triển các phương tiện thông tin đại chúng đa quốc gia như truyền hình, mạng Internet… Văn hóa Âu Mỹ, văn hóa các nước phát triển, lối sống, nếp sống của họ được du nhập bằng nhiều con đường khác nhau và có ảnh hưởng lớn đến nhân dân ta, tạo ra những xu thế mới trong giới trẻ như: chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, kết hôn đồng giới hay hôn nhân vi phạm chế độ một vợ một chồng...

Bên cạnh đó, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, sự mở rộng quan hệ hợp tác, giao lưu trên mọi lĩnh vực giữa Việt Nam với các nước trên thế

giới là cơ hội để nhiều người nước ngoài đến Việt Nam học tập, công tác cũng như công dân Việt Nam ra nước ngoài gặp gỡ, giao lưu, tìm hiểu nhau... Quan hệ về HN&GĐ có yếu tố nước ngoài nói chung, quan hệ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài nói riêng ngày càng gia tăng về số lượng và có tính chất, nội dung ngày càng phức tạp, đây là xu thế phát triển tất yếu của xã hội, là hệ quả khách quan của quá trình mở rộng hợp tác, giao lưu giữa các quốc gia với nhau. Vì vậy, pháp luật ghi nhận và có cơ chế bảo đảm thực hiện nghiêm minh quan hệ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài là một yêu cầu khách quan trong xu thế hội nhập quốc tế.

1.2.4. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật - công nghệ

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 136 trang tài liệu này.

Khoa học kỹ thuật và công nghệ phát triển trong đó có sự phát triển của y học đã cho phép xác định được một cách khoa học phạm vi những người bị cấm kết hôn trong quan hệ họ hàng huyết thống để việc kết hôn không làm ảnh hưởng đến chất lượng nòi giống, đến các con. Đồng thời, y học phát triển có thể chữa được một số bệnh trước đó coi là bệnh nan y. Nếu như Luật HN&GĐ năm 1959 quy định cấm kết hôn đối với những người bị bất lực hoàn toàn về sinh lý, bệnh hủi, hoa liễu, loạn óc thì đến Luật HN&GĐ năm 1986 chỉ quy định cấm kết hôn đối với người bị bệnh hoa liễu. Năm 2000, khi ban hành Luật HN&GĐ thì bệnh hoa liễu không được coi là bệnh nan y và có thể chữa khỏi, vì vậy người bị bệnh hoa liễu không còn là đối tượng bị cấm kết hôn.

Mặt khác, y học phát triển đã giúp con người xác định lại được giới tính thật của mình. Ở một số quốc gia trên thế giới đã cho phép chuyển đổi giới tính và kết hôn đồng giới như ở Đan Mạch, Anh, Ý… Chính sự phát triển mạnh mẽ của khoa học hiện đại đã tạo điều kiện cho con người có thể thực hiện được những quyền tự do cá nhân một cách tối đa nhất. Tuy nhiên, ở Việt Nam mới chỉ chấp nhận việc xác định lại giới tính mà chưa thừa nhận việc chuyển giới hay kết hôn đồng giới.

Hoàn thiện chế định kết hôn trong Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 - 4

Ngày nay, các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản ra đời, cụ thể là thụ tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm, cho phép lấy tinh trùng và noãn của một cặp vợ chồng ra khỏi cơ thể, cho tinh trùng và noãn thụ tinh để tạo phôi, nuôi cấy phôi và cho đưa phôi vào tử cung một phụ nữ khác để mang thai. Nhờ đó, việc mang thai hộ có thể được thực hiện. Trong điều kiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản ở Việt Nam đã và đang phát triển mạnh, việc pháp luật ghi nhận và điều chỉnh vấn đề mang thai hộ là hết sức cần thiết. Đồng thời, trên cơ sở khoa học, pháp luật quy định mối quan hệ của cha, mẹ, con để từ đó xác định mối quan hệ anh, chị, em và các quan hệ thân thích khác. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới quy định phạm vi cấm kết hôn giữa những người thân thích. Việc sinh con theo phương pháp khoa học đã đặt ra một thực tế là có sự khác biệt giữa người cha, người mẹ về mặt pháp lý và người cha, người mẹ về mặt huyết thống. Do vậy, để phòng ngừa hậu quả của kết hôn cận huyết, pháp luật cần có quy định giám định gen di truyền đối với những người được sinh ra theo phương pháp khoa học trước khi kết hôn. Như vậy, sự phát triển của khoa học kĩ thuật công nghệ là một yếu tố có tác động sâu sắc và là cơ sở để quy định các điều kiện kết hôn.

Các quy định về kết hôn trong pháp luật HN&GĐ Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay được xây dựng dựa trên sự kết hợp hài hòa giữa điều kiện kinh tế - xã hội, cơ sở khoa học và phong tục tập quán, đạo đức, văn hóa truyền thống tạo nên một chế định kết hôn vừa đảm bảo sự phù hợp, tính khoa học nhưng vẫn có sự gắn kết hài hòa với các yếu tố văn hóa truyền thống, góp phần thúc đẩy các quan hệ HN&GĐ phát triển lành mạnh vì lợi ích của gia đình và xã hội.

1.3. Ý NGHĨA CỦA CHẾ ĐỊNH KẾT HÔN

Kết hôn là sự kiện pháp lý qua đó cơ quan nhà nước có thẩm quyền thừa nhận quan hệ vợ chồng giữa hai bên nam nữ, làm phát sinh quyền và nghĩa vụ vợ chồng giữa họ với nhau. Để gia đình thực sự đầm ấm, bền vững và hạnh phúc, Nhà nước quản lý việc kết hôn của cá nhân thông qua quy định

của pháp luật về điều kiện kết hôn, thủ tục kết hôn cùng những quy định giải quyết vi phạm trong lĩnh vực kết hôn. Chỉ có thể nói tới quan hệ giữa vợ và chồng, vấn đề cấp dưỡng, giám hộ, vấn đề ly hôn,… cũng như các quan hệ khác trong cuộc sống gia đình khi có sự kiện kết hôn giữa nam và nữ, khi Nhà nước công nhận việc xác lập quan hệ hôn nhân giữa hai bên khi kết hôn. Kết hôn là tiền đề để xây dựng gia đình, thiết lập các mối quan hệ gia đình, vì vậy chế định kết hôn có ý nghĩa quan trọng trong Luật HN&GĐ.

Chế định kết hôn nhằm xác định mô hình gia đình phù hợp lợi ích của Nhà nước trong sự hài hòa với lợi ích gia đình. Hiện nay, quy định về kết hôn nhằm bảo đảm thực hiện nhiệm vụ xây dựng và củng cố chế độ HN&GĐ xã hội chủ nghĩa, giữ gìn và phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp của dân tộc trong các quan hệ HN&GĐ, chống lại ảnh hưởng tiêu cực của chế độ HN&GĐ tư sản, xóa bỏ những tàn dư lạc hậu của chế độ HN&GĐ phong kiến. Chế định kết hôn ghi nhận và bảo vệ quyền tự do kết hôn cho các bên nam nữ, bảo vệ quyền con người và các giá trị nhân văn trong đời sống HN&GĐ.

Đồng thời, việc ghi nhận và cơ chế để đảm bảo thực hiện nghiêm chỉnh chế định kết hôn sẽ góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ đó và là cơ sở pháp lý vững chắc để giải quyết yêu cầu của các bên đương sự và tranh chấp khi phát sinh liên quan đến lĩnh vực HN&GĐ.

Các quy định trong chế định kết hôn còn là căn cứ để xử lý các trường hợp vi phạm điều kiện kết hôn nhằm đảm bảo trật tự gia đình, xã hội, phù hợp với thuần phong mỹ tục, bảo vệ được pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân song cũng lại rất mềm dẻo, linh hoạt phù hợp với thực tế cuộc sống.

1.4. KHÁI QUÁT CHẾ ĐỊNH KẾT HÔN THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM

1.4.1. Chế định kết hôn trong pháp luật phong kiến Việt Nam

Khi nghiên cứu các quy định pháp luật nói chung cũng như quy định về kết hôn nói riêng không thể không tìm hiểu các quy định mang tính lịch sử

từ thời phong kiến. Bởi nghiên cứu theo chiều dài lịch sử giúp chúng ta có cái nhìn khái quát hơn, sâu sắc hơn. Dưới thời phong kiến có hai bộ luật tiêu biểu đó là Quốc triều hình luật của triều Lê và Hoàng Việt luật lệ của triều Nguyễn.

Theo Viện Sử học Việt Nam, Bộ Quốc triều hình luật hay còn gọi là Bộ luật Hồng Đức được khởi thảo từ thời Lê Thái Tổ, sau đó được bổ sung dưới các thời Lê Thái Tông và Lê Nhân Tông. Đến thời Lê Thánh Tông thì luật hoàn chỉnh. Bộ luật này là tập hợp nhiều quy phạm pháp luật điều chỉnh nhiều lĩnh vực: hình sự, dân sự, tố tụng, HN&GĐ... Quốc triều hình luật có 13 chương gồm 722 Điều (200 Điều phỏng theo Luật nhà Đường, 17 Điều phỏng theo Luật nhà Minh). Trong đó, Chương hộ hôn gồm 58 điều quy định về hộ tịch, hộ khẩu, hôn nhân gia đình và các tội phạm trong lĩnh vực này [66]. Bộ luật Hồng Đức có được sức sống lâu dài, được nhiều nhà khoa học đánh giá cao vì nó chứa đựng nhiều nội dung tiến bộ, nhân văn sâu sắc, kỹ thuật pháp lý hoàn thiện hơn so với các bộ luật cùng thời, có những điểm tiếp cận gần với kỹ thuật pháp lý hiện đại. Bên cạnh những tư tưởng tiến bộ, những nét độc đáo rất riêng của xã hội Việt Nam đặc biệt là sự anh minh, tấm lòng nhân ái của các vua Lê được thể hiện rất rõ ở các quy định đặc sắc trong lĩnh vực HN&GĐ tập trung chủ yếu ở hai chương Hộ hôn và Điền sản.

Hoàng Việt luật lệ, hay còn gọi là Bộ luật Gia Long là bộ luật chính thức của nước ta dưới thời nhà Nguyễn do Tổng trấn Nguyễn Văn Thành soạn thảo và Vua Gia Long ban hành năm 1815. Hoàng Việt luật lệ được sử dụng suốt thời nhà Nguyễn và áp dụng ở Trung Kỳ trong thời kỳ thực dân Pháp chiếm đóng Việt Nam. Theo bản dịch khắc in từ chữ Hán, Hoàng Việt luật lệ gồm 398 điều chia thành 22 cuốn. Các điều luật được phân loại và sắp xếp theo 06 lĩnh vực: quy định về tổ chức nhà nước và hệ thống quan lại (lại luật); quy định về tội danh và hình phạt (hình luật); quy định về quản lý dân cư và đất đai (hộ luật); quy định về ngoại giao và nghi lễ cung đình (lễ luật); quy định về tổ chức quân đội và quốc phòng (binh luật); quy định về xây dựng và

bảo vệ đê điều (công luật). Trong đó, cuốn 6,7 và 8 quy định về hộ hôn gồm 66 điều luật [52].

Cả hai bộ luật trên đều dành những chương lớn quy định về vấn đề HN&GĐ cũng như các tội phạm trong lĩnh vực này. Điều này thể hiện sự quan tâm của giai cấp thống trị trong xã hội nhằm duy trì sự thống trị của vương triều, củng cố trật tự xã hội và chế độ gia đình gia trưởng trong xã hội phong kiến.

Các quy định về kết hôn được hai bộ luật Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ quy định như sau:

* Về điều kiện kết hôn: Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ không có quy định cụ thể độ tuổi kết hôn. Tuy nhiên, trong Thiên Nam dư hạ tập (phần lệ Hồng Đức hôn giá) có viết: "Con trai 18 tuổi, con gái 16 tuổi mới có thể thành hôn" [Dẫn theo 50]. Như vậy, pháp luật thời kỳ này cũng đã có sự phân biệt độ tuổi kết hôn giữa nam, nữ và đưa ra độ tuổi tối thiểu khi kết hôn của con trai và con gái. Bên cạnh đó, cả hai bộ luật đều quy định điều kiện kết hôn chỉ được thực hiện khi có cha mẹ hoặc một người đứng đầu dòng họ làm chủ hôn (Điều 413 Quốc triều hình luật và Điều 94 Hoàng Việt luật lệ). Tuy nhiên, quy định này có ngoại lệ: kết hôn có thể do hai bên nam nữ quyết định khi họ chỉ còn bà con xa hoặc họ ở xa nhà. Pháp luật thời kì này chưa ghi nhận sự tự nguyện kết hôn của hai bên nam nữ.

* Về các trường hợp cấm kết hôn: Việc kết hôn không vi phạm những điều mà pháp luật cấm. Những điều cấm mà hai bộ luật đưa ra khác với những điều cấm của pháp luật Việt Nam hiện hành: Cấm kết hôn khi có tang, cha, mẹ bị giam cầm, tù tội (Điều 317, Điều 318 Quốc triều hình luật, Điều 99 Hoàng Việt luật lệ); cấm kết hôn giữa những người thân thích (Điều 319 Quốc triều hình luật, Điều 100, 101, 102 Hoàng Việt luật lệ). Ngoài ra, tại mỗi bộ luật lại đưa ra một điều cấm riêng. Ví dụ: Điều 324 Quốc triều hình luật cấm anh em lấy vợ góa của nhau, trò lấy vợ góa của thầy... Các điều cấm

của luật này thể hiện tư tưởng phong kiến, nhằm bảo vệ tôn ti trật tự trong xã hội của các triều đình lúc bấy giờ.

* Về thủ tục kết hôn: Cả hai bộ luật đều quy định thủ tục kết hôn bao gồm hình thức đính hôn và nghi lễ kết hôn.

- Hình thức đính hôn: Quốc triều hình luật chỉ coi hôn nhân có giá trị pháp lý khi nhà trai đã nộp đủ sính lễ cho nhà gái, tức là phải có sự hứa hôn của hai họ (gồm vàng, bạc, tiền, lụa, heo, rượu). Việc nạp sính lễ mang tính chất long trọng và phải cáo tổ trước từ đường của hai họ. Khác với Quốc triều hình luật, Hoàng Việt luật lệ quy định hình thức đính hôn là các "hôn thư" hoặc "tư ước". Đó là cam kết của hai người chủ hôn (Điều 94 Hoàng Việt luật lệ).

Như vậy, cả hai bộ luật đã xem hình thức của việc kết hôn là một điều kiện quan trọng để cuộc hôn nhân của hai bên nam nữ có giá trị pháp lý. Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ quy định hình thức đính hôn mang ảnh hưởng của lễ nghi Nho giáo.

- Nghi lễ kết hôn: Hoàng Việt luật lệ không quy định cụ thể các nghi lễ kết hôn như Quốc triều hình luật. Theo Quốc triều hình luật, kết hôn gồm bốn lễ: lễ nghị hôn (nhờ mối lái đi lại bàn bạc), lễ định thân (mang lễ vật vấn danh nhà gái), lễ nạp trưng (mang sính lễ dẫn cưới đến nhà gái), lễ thân nghinh (rước dâu). Những nghi lễ này phản ánh rõ nét phong tục tập quán của người Việt Nam thời kỳ bấy giờ và vẫn còn ảnh hưởng tới ngày nay.

Có thể thấy, cả hai bộ cổ luật đều mang nhiều giá trị đối với pháp luật đương đại. Quốc triều hình luật so với Hoàng Việt luật lệ chưa có tính khái quát và phân ngành rõ ràng. Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ người phụ nữ trong pháp luật nhà Lê được coi trọng hơn so với luật nhà Nguyễn. Giáo sư Vũ Văn Mẫu đã viết: "bao nhiêu sự tân kỳ mới lạ trong bộ luật triều Lê đã không còn lưu lại một chút dấu tích nào trong Luật nhà Nguyễn. Không còn những điều khoản liên quan đến hương hỏa, đến chúc thư, đến các điều kiện về giá thú, đến chế độ tài sản của vợ chồng" [31].

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ
Ngày đăng: 27/03/2024