Việc Kết Hôn Không Thuộc Một Trong Các Trường Hợp Cấm Kết Hôn

đảm bảo cho họ được tự do thể hiện ý chí và tình cảm khi kết hôn, khẳng định mục đích xây dựng gia đình và chung sống lâu dài của họ. Về nguyên tắc không thể có hôn nhân ngoài ý muốn của người kết hôn. Đây là điều kiện hết sức quan trọng được pháp luật hầu hết các nước trên thế giới ghi nhận để đảm bảo giá trị đích thực của hôn nhân. Cuộc sống gia đình chỉ thực sự có hạnh phúc khi được xây dựng trên cơ sở sự hòa hợp và tự nguyện của hai bên nam nữ.

Pháp luật quy định việc kết hôn phải có sự tự nguyện của hai bên nam, nữ nhằm đảm bảo cho họ được tự do thể hiện ý chí và tình cảm khi kết hôn. Do đó, đối với những người bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình và bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thì pháp luật cấm họ kết hôn. Đối với những trường hợp nam, nữ bị chấn động về thần kinh hoặc đang trong tình trạng say rượu, bia thì tạm thời họ không được đăng ký kết hôn cho đến khi họ khôi phục khả năng nhận biết và hoàn toàn tỉnh táo [61, tr. 97].

Quy định về điều kiện kết hôn tại Khoản 2 Điều 9 Luật HN&GĐ năm 2000 hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Công ước Cedaw "Quyền tự do như nhau được lựa chọn người để kết hôn và chỉ kết hôn khi mình được tự do quyết định và hoàn toàn tự nguyện" và phù hợp với Điều 35 BLDS năm 2005 "nam nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình có quyền tự do kết hôn, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào; không ai được cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép kết hôn" [46]. Sự cưỡng ép, lừa dối từ hai phía đối với nhau, sự cưỡng ép hay cản trở từ phía gia đình, xã hội đều không thể đem lại hạnh phúc trong quan hệ vợ chồng. Pháp luật tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của các bên khi xác lập một quan hệ hôn nhân, vì vậy việc kết hôn có thể bị hủy khi có dấu hiệu cưỡng ép, không tự nguyện.

Bất kỳ trường hợp kết hôn nào mà không có sự tự nguyện của hai bên nam nữ thì đều bị coi là kết hôn trái pháp luật. Những hành vi cưỡng ép, lừa

dối để kết hôn hoặc cản trở việc kết hôn tự nguyện, tiến bộ đều vi phạm sự tự nguyện kết hôn nên bị cấm. Tuy nhiên trong thực tiễn vẫn còn xảy ra một số trường hợp kết hôn do bị cưỡng ép, bị lừa dối, kết hôn giả tạo không nhằm mục đích xác lập quan hệ vợ chồng mà nhằm để đạt được ý muốn xuất cảnh một cách hợp pháp…Những trường hợp này khi có yêu cầu, về nguyên tắc Tòa án nhân dân có quyền xử lý hủy việc kết hôn trái pháp luật.

Như vậy, sự tự nguyện kết hôn là một quy định được Luật HN&GĐ năm 2000 kế thừa và phát triển từ Luật HN&GĐ năm 1959 và 1986. Quy định sự tự nguyện khi kết hôn nhằm xóa bỏ hoàn toàn chế độ hôn nhân phụ thuộc vào cha mẹ trong gia đình phong kiến và xây dựng chế độ HN&GĐ xã hội chủ nghĩa dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng bình đẳng.

2.1.3. Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn

Chỉ khi hai bên nam nữ tuân thủ đầy đủ các điều kiện về độ tuổi kết hôn, về tự do tự nguyện kết hôn và không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn tại Điều 10 thì việc kết hôn đó mới có giá trị pháp lý và được Nhà nước bảo hộ. Luật HN&GĐ năm 1959, 1986 và 2000 đều có điều khoản quy định về các trường hợp cấm kết hôn bởi đây là vấn đề hết sức quan trọng. Trên thực tế, có trường hợp đã có vợ hoặc chồng nhưng vẫn quan hệ chung sống như vợ chồng với người khác; có những người không có năng lực hành vi nhưng bị gia đình lừa dối, ép buộc phải kết hôn; hoặc tồn tại hôn nhân giữa hai bên nam nữ có quan hệ về nuôi dưỡng hoặc có cùng dòng máu về trực hệ. Dù thuộc trường hợp nào kể trên thì đây cũng là một trong những nguyên nhân đem lại sự đau khổ, bất hạnh cho các gia đình và không phù hợp với truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Vì thế, trên cơ sở kế thừa Luật HN&GĐ năm 1959, 1986, Luật HN&GĐ năm 2000 đã quy định rất cụ thể các trường hợp cấm kết hôn và có bổ sung một số trường hợp mới.

* Cấm người đang có vợ hoặc có chồng kết hôn với người khác

Điều 36 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định hôn nhân phải theo nguyên tắc một vợ, một chồng. Theo đó, Điều 38

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 136 trang tài liệu này.

đoạn 1 BLDS năm 2005, Điều 4 và Điều 10 Khoản 1 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định: Cấm người đang có có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác. Theo nguyên tắc đó, chỉ những người chưa kết hôn hoặc những người tuy đã kết hôn nhưng vợ hoặc chồng họ đã chết hoặc vợ chồng đã ly hôn thì mới có quyền kết hôn. Quy định này nhằm xóa bỏ chế độ hôn nhân gia đình phong kiến, xóa bỏ sự đối xử bất bình đẳng đối với người phụ nữ. Chỉ có hôn nhân một vợ một chồng mới bảo đảm bền vững và hạnh phúc gia đình, vợ chồng mới thực sự yêu thương, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau.

Theo mục 1 Điểm c.1 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP thì "người đang có vợ hoặc chồng" được hiểu là:

Hoàn thiện chế định kết hôn trong Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 - 7

- Người đã kết hôn với người khác theo đúng quy định của pháp luật về HN&GĐ nhưng chưa ly hôn;

- Người chung sống với người khác như vợ chồng từ trước ngày 03/01/1987 và đang chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn;

- Người đang sống chung với người khác như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 đến trước ngày 01/01/2001 và đang chung sống với nhau như vợ chồng mà có đủ điều kiện kết hôn nhưng không đăng ký kết hôn (trường hợp này chỉ áp dụng từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực cho đến ngày 01/01/2003).

Việc quy định các trường hợp nam, nữ được xem là người đang có vợ, có chồng và thời hạn luật định có ý nghĩa xác định thời điểm phát sinh và chấm dứt quyền và nghĩa vụ vợ chồng cũng như các vấn đề liên quan khác: quyền và nghĩa vụ đối với con, quyền và nghĩa vụ về tài sản...

Cần lưu ý trường hợp người bị Tòa án tuyên bố là đã chết. Theo Điều 91 BLDS năm 2005, một người nếu sau ba năm kể từ ngày tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật, mất tích trong chiến tranh, bị tai nạn, thiên tai thảm họa, v.v…, mà sau một thời gian luật định vẫn không có tin tức gì để chứng tỏ người đó còn sống thì những người có quyền, lợi ích liên quan có

quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố người đó chết. Sau khi tuyên bố của Tòa án tuyên bố một người đã chết có hiệu lực pháp luật, thì vợ hoặc chồng của người đó có quyền kết hôn với người khác. Nếu người bị tuyên bố là đã chết trở về, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố chết, mà vợ hoặc chồng của người đó đã kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân được xác lập sau vẫn có hiệu lực pháp luật; nếu người vợ hoặc chồng chưa kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân đương nhiên được khôi phục lại.

Hiện nay, ở Việt Nam vẫn tồn tại một số trường hợp một vợ hai chồng hoặc một chồng hai vợ. Đó là trường hợp các cán bộ, bộ đội miền Nam đã có vợ, có chồng ở miền Nam tập kết ra Bắc (1954) lấy vợ hoặc lấy chồng khác. Sau khi thống nhất đất nước, họ trở về đoàn tụ với gia đình, dẫn đến hiện tượng một người có hai vợ hoặc hai chồng. Trường hợp trên không phải ảnh hưởng của chế độ HN&GĐ phong kiến mà do hoàn cảnh lịch sử của đất nước. Do đó, những trường hợp này cần được quan tâm nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của vợ, chồng, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em. Vì vậy, việc kết hôn của họ tuy đã vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng nhưng không bị coi là trái pháp luật mà Nhà nước vẫn thừa nhận quan hệ hôn nhân đó (Thông tư liên tịch số 60/1978/TATC ngày 22/02/1978 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn giải quyết các trường hợp cán bộ, bộ đội trong Nam tập kết ra Bắc mà lấy vợ, lấy chồng khác).

Luật HN&GĐ năm 2000 quy định cấm người đang có vợ có chồng kết hôn với người khác hoặc chung sống như vợ chồng với người khác nhằm mục đích xóa bỏ tận gốc chế độ đa thê, bảo đảm hạnh phúc và sự bền vững của gia đình, phù hợp với thực tiễn xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích của người vợ, người chồng. Nguyên tắc một vợ một chồng đảm bảo sự bình đẳng thực chất đối với người phụ nữ.

* Cấm người mất năng lực hành vi dân sự kết hôn

Khi tham gia vào các giao dịch dân sự nói chung và quan hệ HN&GĐ nói riêng, chủ thể phải có đủ năng lực hành vi theo quy định của pháp luật.

Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Người bị mất năng lực hành vi dân sự là người do bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình nên Tòa án ra quyết định tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự khi có yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan và trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định có thẩm quyền (Điều 22 BLDS năm 2005).

Trước đây, Luật HN&GĐ năm 1959 quy định: "Những người sau đây không được kết hôn: bất lực hoàn toàn về sinh lý; mắc một trong các bệnh hủi, hoa liễu, loạn óc mà chưa chữa khỏi" [39, Điều 10] và Luật HN&GĐ năm 1986 quy định cấm kết hôn trong trường hợp "…đang mắc bệnh tâm thần không có khả năng nhận thức được hành vi của mình, đang mắc bệnh hoa liễu…" [40, Điều 7 Khoản b]. Luật HN&GĐ năm 2000 đã có sự thay đổi về thuật ngữ, thể hiện tính khái quát, bao hàm hơn và phù hợp với quy định của BLDS năm 2005 về năng lực hành vi dân sự của cá nhân. Đồng thời Luật HN&GĐ năm 2000 cũng không cấm kết hôn đối với những người bị bất lực hoàn toàn về sinh lý hoặc đang mắc bệnh hủi, hoa liễu hay loạn óc. Quy định này hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay vì khoa học ngày càng phát triển, các bệnh trên có thể chữa khỏi mà không để lại di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc của gia đình.

Có thể thấy, quy định cấm người mất năng lực hành vi dân sự kết hôn là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết. Bởi vì, những người không nhận thức được hành vi thì không thể có khả năng thể hiện một cách đúng đắn ý chí của mình trong kết hôn, cũng không thể nhận thức và thực hiện trách nhiệm làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ trong gia đình. Khi bị mất năng lực hành vi dân sự, việc họ thể hiện ý chí tự nguyện - một nguyên tắc quan trọng của Luật HN&GĐ năm 2000 cũng không thể xác định được bởi lẽ họ không có khả năng thể hiện ý chí của mình. Những người bị mất năng lực hành vi dân sự

không những không có khả năng lao động, không có khả năng lo cho cuộc sống của bản thân mà còn ảnh hưởng tới cuộc sống, quyền lợi và sức khỏe của vợ, chồng, con cái họ. Trong nhiều trường hợp người bị bệnh tâm thần có thể gây nguy hiểm về, tính mạng, sức khỏe cho người vợ hoặc người chồng. Điều 22 BLDS năm 2005 quy định: "giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải có người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện" [46]. Tuy nhiên, quyền tự do kết hôn là một quyền nhân thân, gắn liền với nhân thân của chủ thể, không thể do người khác thực hiện thay. Hơn nữa, bệnh tâm thần không có khả năng nhận thức, điều khiển hành vi và khoa học cũng đã chứng minh, có những bệnh về tâm thần có thể có khả năng di truyền nên càng cần cấm những người bị bệnh này kết hôn nhằm đảm bảo cho thế hệ tương lai sinh ra được mạnh khỏe, đảm bảo hạnh phúc gia đình được bền vững, đảm bảo sự an toàn về tính mạng, sức khỏe của người khác trong gia đình.

Hiện nay, Luật HN&GĐ năm 2000 chỉ cấm người bị mất năng lực hành vi dân sự kết hôn, còn người bị mắc bệnh tâm thần nhưng chưa bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thì vẫn được phép kết hôn. Tuy nhiên, trong thực tế đã có không ít những trường hợp một bên bị mắc bệnh tâm thần đã gây ra những cái chết thương tâm hoặc gây thương tích cho vợ con, người thân, cho gia đình khi bệnh tâm thần tái phát. Ví dụ trường hợp chị Nguyễn Thu H được gia đình anh Phạm Thế P - một gia đình giàu có nhất làng xin cưới về làm dâu. Chuyện anh P bị tâm thần chỉ có người nhà biết (vì những biểu hiện của anh không rõ ràng, chỉ là việc ít nói, không thích giao tiếp với mọi người). Niềm vui lấy được chồng giàu có chưa bao lâu thì chị phát hiện anh bị tâm thần, tuy không đánh đập chị H, nhưng anh P thường xuyên bắt vợ quan hệ tình dục một cách bệnh hoạn, nếu chị không đồng ý anh lại chạy ra đường la hét. Dần dần, anh mắc chứng hoang tưởng, luôn cho rằng có ai đó luôn giết mình nên đã treo cổ tự vẫn ở ngoài vườn. Khi chồng chết, cả nhà đuổi chị đi, không cho mang theo đồ đạc gì bất chấp chị đang bụng

mang dạ chửa. Chị H đến vùng biên giới sinh sống, định lấy đứa con làm nguồn an ủi song hạnh phúc nhỏ nhoi ấy đã không đến với chị. Đứa con gái chị sinh ra cũng mắc bệnh tâm thần thể nhẹ. Ngày ngày, chị chạy vạy khắp nơi lo chữa bệnh cho con. Dù nhiều cơ sở y tế đã khuyên chị nên chấp nhận sự thật là bệnh con chị không chữa được vì là di truyền…

Từ ví dụ trên, đặt ra yêu cầu pháp luật cần có quy định điều kiện kết hôn như thế nào để hạn chế những rủi ro này trong thực tế?

* Cấm kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời

Khoản 3 Điều 10 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định cấm kết hôn "giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời" [42]. Những người có cùng dòng máu về trực hệ là cha mẹ đối với con; ông bà đối với cháu nội và cháu ngoại (Khoản 12 Điều 8 Luật HN&GĐ năm 2000). Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra: cha mẹ là đời thứ nhất; anh chị em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh chị em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba (Khoản 13 Điều 8 Luật HN&GĐ năm 2000). Những người có họ trong phạm vi ba đời bị cấm kết hôn với nhau cụ thể: cấm kết hôn giữa anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với nhau; cấm bác ruột, chú ruột, cậu ruột kết hôn với cháu gái; cấm cô ruột, dì ruột kết hôn với cháu trai; cấm anh chị em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì kết hôn với nhau. Quy định này là phù hợp với khoa học và phong tục tập quán của nước ta.

Xét về mặt khoa học, việc cấm kết hôn giữa những người có quan hệ gần gũi nhau về huyết thống là nhằm đảm bảo sức khỏe và sự lành mạnh của nòi giống của thế hệ con cái. Phạm vi cấm kết hôn rộng sẽ tạo ra những điều kiện tốt hơn cho việc tổ hợp gen tạo nên những cơ thể mới với những đặc điểm sinh học trội hơn, đảm bảo sự phát triển về thể chất, trí tuệ của thế hệ

mới. Các nhà khoa học thông qua nghiên cứu khảo sát, điều tra trên thực tế để đi đến kết luận rằng những trường hợp kết hôn có quan hệ huyết thống gần với nhau, con cái của họ ra đời dễ mắc bệnh tật, dễ bị dị dạng thậm chí là có thể tử vong ngay sau khi sinh…

Về mặt xã hội và truyền thống, phong tục dân tộc thì trước kia cha ông ta đã có quy định cấm kết hôn giữa những người cùng huyết thống dù xa hay gần, thậm chí là cấm kết hôn đến cả những người có cùng một họ. Bởi theo phong tục, tập quán, việc kết hôn giữa những người có quan hệ huyết thống gần gũi sẽ phá vỡ tôn ti trật tự trong họ hàng, cách xưng hô; những chuẩn mực đạo đức bị xâm phạm, suy đồi, làm ảnh hưởng và phá vỡ sự lành mạnh trong quan hệ giữa các thế hệ của gia đình Việt Nam.

Hầu hết các nước trên thế giới đều có quy định cấm kết hôn giữa những người có dòng máu trực hệ hoặc có họ trong phạm vi nào đó. Ví dụ: Bungari quy định cấm kết hôn giữa những người trực hệ và những người thân thuộc bàng hệ trong bốn đời; Pháp nghiêm cấm kết hôn giữa những người cùng một dòng họ trong quan hệ trực hệ; cấm việc kết hôn giữa anh em, chị em chính thức hoặc ngoài giá thú trong bàng hệ, đồng thời, cấm kết hôn giữa chú, bác và cháu gái, cô và cháu trai, dù quan hệ họ hàng là chính thức hay ngoài giá thú.

Trước đây, Luật HN&GĐ năm 1959 không quy định cụ thể cấm kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi mấy đời mà chỉ quy định: "…Cấm kết hôn giữa anh chị em ruột, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha. Đối với những người khác có họ trong phạm vi năm đời hoặc có quan hệ thích thuộc về trực hệ, thì việc kết hôn sẽ giải quyết theo phong tục tập quán" [39, Điều 9].

Quan hệ thích thuộc về trực hệ là mối quan hệ giữa bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể. Luật quy định như vậy vì còn chịu ảnh hưởng sâu sắc của những tập tục cũ. Luật HN&GĐ năm 1986 và năm 2000 đã thu hẹp phạm

Xem tất cả 136 trang.

Ngày đăng: 27/03/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí