Hoàn thiện chế định kết hôn trong Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 - 2

Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng Luật HN&GĐ năm 2000 đã cho thấy một số quy định về chế định kết hôn đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, không còn phù hợp trong điều kiện hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay. Quy định về độ tuổi kết hôn chưa thống nhất với các văn bản trong hệ thống pháp luật của nhà nước ta. Các quy định về giải quyết hậu quả phát sinh từ việc chung sống như vợ chồng không có đăng ký kết hôn chưa được ghi nhận trong Luật HN&GĐ năm 2000 và chưa đảm bảo tính đồng bộ. Việc công nhận hay không công nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính đang là hiện tượng xã hội nhạy cảm và thời sự cũng cần nghiên cứu nghiêm túc trên nhiều khía cạnh xã hội và pháp lý. Đường lối hủy kết hôn trái pháp luật còn chưa thống nhất khiến Tòa án các cấp khi giải quyết hủy kết hôn trái pháp luật vẫn còn gặp khó khăn.

Yêu cầu tất yếu đặt ra là phải hoàn thiện hơn nữa quy định của pháp luật điều chỉnh chế định kết hôn nhằm bảo vệ quyền lợi của cá nhân; cụ thể hóa Hiến pháp, Chiến lược của Chính phủ về phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 về xây dựng và phát triển gia đình; đảm bảo tính đồng bộ, ổn định trong hệ thống pháp luật, vừa đáp ứng được các yêu cầu khách quan của thực tiễn, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

Xuất phát từ tình hình đó, tác giả chọn đề tài: "Hoàn thiện chế định kết hôn trong Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000" là cần thiết, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn hiện nay.

2. Tình hình nghiên cứu đề tài

Chế định kết hôn là một chế định có vị trí, vai trò quan trọng trong Luật HN&GĐ năm 2000. Vì vậy, từ trước đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về toàn bộ nội dung chế định kết hôn hoặc một nội dung của chế định này. Có thể chia các công trình nghiên cứu về chế định kết hôn trong Luật HN&GĐ năm 2000 thành ba nhóm lớn:

- Nhóm luận văn: Ở nhóm này có thể liệt kê một số công trình nghiên cứu tiêu biểu như: "Chế định kết hôn trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000", Luận văn thạc sĩ Luật học của Khuất Thị Thu Hạnh, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, 2008; "Những khía cạnh pháp lý của chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn ở Việt Nam", Luận văn thạc sĩ Luật học của Hoàng Hạnh Nguyên, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011; Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về kết hôn trái pháp luật trong tình hình xã hội hiện nay, Luận văn thạc sĩ Luật học của Nguyễn Huyền Trang, 2012... Hầu hết các luận văn nghiên cứu một nội dung riêng lẻ nào đó của chế định kết hôn trong Luật HN&GĐ năm 2000. Chỉ có duy nhất một luận văn thạc sĩ nghiên cứu về chế định này, tuy nhiên cũng đã khá lâu và không đặt trong bối cảnh sửa đổi Luật HN&GĐ năm 2000.

- Nhóm giáo trình, sách: Trong nhóm này phải kể đến Giáo trình Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam của Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2009. Về sách, có thể kể tới một số sách chuyên sâu như: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 của hai tác giả Nguyễn Văn Cừ và Ngô Thị Hường, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002; Bình luận khoa học Luật Hôn nhân và gia đình của tác giả Nguyễn Ngọc Điện, tập 1, tập 2, Nxb Trẻ, 2002. Ngoài ra, còn rất nhiều sách nghiên cứu chuyên sâu khác nhưng cũng chưa có công trình nào nghiên cứu riêng, đầy đủ và toàn diện về lý luận cũng như đánh giá những mặt tích cực, hạn chế, những bất cập cần sửa đổi của chế định kết hôn trong Luật HN&GĐ 2000.

- Nhóm các bài báo, tạp chí chuyên ngành Luật: Các bài nghiên cứu thuộc nhóm này được đề cập trên một số tạp chí như Tạp chí Luật học, Tạp chí Tòa án nhân dân, Tạp chí Kiểm sát, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp. Trong đó có thể kể đến bài viết của TS. Nguyễn Văn Cừ: "Hoàn thiện quy định về điều kiện kết hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000", Tạp chí Tòa án nhân dân, số 24/2013; TS. Ngô Thị Hường

"Mấy vấn đề về quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính", Tạp chí Luật học, số 06/2001; ThS. Bùi Thị Mừng "Chế định kết hôn trong pháp Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam qua các thời kì dưới góc nhìn lập pháp", Tạp chí Luật học, số 11/2012… Ngoài ra, còn có nhiều bài viết đăng trên các báo điện tử.

Nhìn chung, mỗi công trình nghiên cứu đã nhìn nhận, giải quyết vấn đề kết hôn ở một nội dung, góc độ khác nhau và cho đến nay vẫn chưa có một công trình nào nghiên cứu chuyên sâu và riêng biệt về việc hoàn thiện chế định kết hôn trong Luật HN&GĐ năm 2000 đặt trong bối cảnh sửa đổi Luật HN&GĐ năm 2000. Nhận diện được vấn đề này, luận văn đề cập đến việc nghiên cứu vấn đề lý luận về kết hôn, điều kiện kết hôn, kết hôn trái pháp luật, cơ sở quy định và ý nghĩa của chế định kết hôn cũng như đánh giá những mặt tích cực, hạn chế, bất cập trong thực tiễn áp dụng chế định kết hôn để từ đó đưa ra các kiến nghị nhằm hoàn thiện chế định này cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, khi có nhiều yếu tố tác động, chi phối đến việc kết hôn của các bên nam - nữ. Do đó, công trình sẽ không phải là sự lặp lại của bất kỳ công trình nào trước đó.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 136 trang tài liệu này.

3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn

3.1. Mục đích nghiên cứu

Hoàn thiện chế định kết hôn trong Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 - 2

Luận văn làm rõ những vấn đề lý luận về chế định kết hôn; nghiên cứu, phân tích nội dung, ý nghĩa chế định kết hôn và đánh giá việc áp dụng chế định kết hôn trong thực tiễn, đồng thời phát hiện những bất cập, hạn chế của chế định kết hôn, trên cơ sở đó đưa ra một số kiến nghị, đề xuất nhằm hoàn thiện chế định này.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Để đạt được mục đích nghiên cứu, luận văn có các nhiệm vụ sau:

- Nghiên cứu làm rõ những vấn đề lý luận về chế định kết hôn, tìm hiểu sự phát triển của chế định kết hôn qua các thời kỳ lịch sử.

- Phân tích các quy định của pháp luật về chế định kết hôn như điều kiện kết hôn, đăng ký kết hôn và hủy kết hôn trái pháp luật.

- Đánh giá việc áp dụng các quy định của pháp luật về chế định kết hôn trong thực tiễn, làm rõ những điểm chưa hợp lý, còn bất cập, chưa có tính khả thi cũng như chỉ ra những điểm chưa tương đồng với các văn bản pháp luật khác có liên quan điều chỉnh về chế định kết hôn (về độ tuổi kết hôn, kết hôn đồng giới, hủy kết hôn trái pháp luật,...).

- Chỉ ra những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung chế định kết hôn trong Luật HN&GĐ từ đó đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật về chế định này.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của đề tài là những vấn đề lý luận chung về chế định kết hôn, các quy định của pháp luật về chế định kết hôn cũng như các văn bản pháp luật khác có liên quan và thực tiễn áp dụng chế định kết hôn qua các vụ, việc cụ thể.

4.2. Phạm vi nghiên cứu

Đề tài nghiên cứu các quy định của pháp luật về chế định kết hôn theo Luật HN&GĐ năm 2000 (từ Điều 9 đến Điều 17) mà không bao gồm vấn đề kết hôn có yếu tố nước ngoài và có liên hệ với Luật HN&GĐ năm 2014. Đồng thời, đề tài nghiên cứu một số vụ việc thực tế trong thực tiễn áp dụng các điều kiện kết hôn và hủy việc kết hôn trái pháp luật khi Luật HN&GĐ năm 2000 có hiệu lực. Trên cơ sở đó, luận văn đánh giá việc áp dụng các quy định của chế định kết hôn trong thực tiễn, phát hiện những bất cập cần sửa đổi.

5. Phương pháp nghiên cứu

Luận văn vận dụng phương pháp luận duy vật biện chứng, duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin, quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về gia đình, về quyền con người trong lĩnh vực HN&GĐ.

Luận văn sử dụng một số phương pháp nghiên cứu cụ thể như: phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh, đối chiếu, hệ thống, diễn giải, quy nạp v.v… để thực hiện những nội dung đã đặt ra.

6. Tính mới và những đóng góp của đề tài

Luận văn là công trình nghiên cứu đi sâu phân tích một cách toàn diện, đầy đủ và có hệ thống về những vấn đề lý luận về chế định kết hôn; những quy định của pháp luật hiện hành và đánh giá việc áp dụng các quy định này trong thực tiễn. Trên cơ sở đó, luận văn chỉ ra những điểm còn hạn chế, bất cập trong quy định của pháp luật điều chỉnh chế định kết hôn. Trong quá trình viết tác giả đã đề xuất một số nội dung nhằm hoàn thiện chế định kết hôn trong Luật HN&GĐ năm 2000, có sự so sánh với các quy định của chế định này theo Luật HN&GĐ sửa đổi năm 2014, do đó đảm bảo tính thời sự, khoa học của vấn đề nghiên cứu.

7. Kết cấu của luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm 3 chương:

Chương 1: Một số vấn đề lý luận chung về chế định kết hôn.

Chương 2: Chế định kết hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.

Chương 3: Thực tiễn thực hiện chế định kết hôn và một số kiến nghị nhằm hoàn thiện chế định kết hôn.

Chương 1

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG VỀ CHẾ ĐỊNH KẾT HÔN


1.1. KHÁI NIỆM CHUNG VỀ CHẾ ĐỊNH KẾT HÔN

1.1.1. Khái niệm kết hôn và điều kiện kết hôn

* Khái niệm kết hôn

Khái niệm kết hôn có thể hiểu dưới hai góc độ:

- Dưới góc độ xã hội, kết hôn là một sự kiện thực tế, là việc nam nữ lấy nhau thành vợ thành chồng theo những nghi thức nhất định, thường bị chi phối bởi phong tục, tập quán, đạo đức, tư tưởng, tôn giáo của xã hội đương thời. Quan hệ hôn nhân gia đình là một hình thức của quan hệ xã hội được xác lập giữa hai chủ thể nam và nữ, quan hệ này tồn tại và phát triển theo quy luật của tự nhiên với mục đích đảm bảo sự sinh tồn, phát triển của xã hội loài người. Ngay cả khi không có bất kỳ một quy tắc, một quy định nào thì quan hệ hôn nhân gia đình từ trước đến nay vẫn được xác lập, con người vẫn chung sống, vẫn sinh con đẻ cái và tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác. Do đó, quyền kết hôn là một quyền tự nhiên, quyền con người. Tuy nhiên, trải qua các giai đoạn lịch sử, với sự xuất hiện của các hình thái kinh tế xã hội khác nhau, những quy tắc xử sự thể hiện ý chí của giai cấp thống trị dần dần xuất hiện nhằm điều chỉnh những quan hệ xã hội. Kết hôn không còn là một quyền tự do, bản năng của con người mà trở thành một quan hệ xã hội bị chi phối bởi lợi ích của giai cấp thống trị. Nhà nước luôn sử dụng pháp luật để điều chỉnh các mặt của quan hệ HN&GĐ. Sự điều chỉnh này ở mỗi Nhà nước, mỗi chế độ là khác nhau. Nó có thể là sự quy định rõ ràng bằng quy phạm pháp luật hoặc thừa nhận bằng tập quán. Nhà nước kiểm soát quyền tự do kết hôn của công dân bằng cách đặt ra các quy định làm cơ sở cho việc xác lập quan hệ vợ chồng được thể hiện qua các quy định về kết hôn và điều kiện kết hôn.

- Dưới góc độ pháp lý, Luật HN&GĐ năm 1986 đưa ra định nghĩa như sau: "Kết hôn là việc nam nữ lấy nhau thành vợ chồng theo quy định của pháp luật. Việc kết hôn phải thuận theo các Điều 5, 6, 7, 8 của Luật Hôn nhân và gia đình" [40]. Luật HN&GĐ năm 2000 định nghĩa: "Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn" [42, Khoản 2, Điều 8]. Vậy có thể hiểu kết hôn là một sự kiện pháp lý, bao gồm các yếu tố sau:

Thứ nhất, sự thể hiện ý chí tự nguyện của các bên nam nữ mong muốn được kết hôn với nhau. Trong giấy khai xin đăng ký kết hôn và trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền về đăng ký kết hôn, hai bên nam nữ thể hiện rằng họ hoàn toàn tự nguyện và mong muốn được kết hôn, sự thể hiện đó phải hoàn toàn phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của hai người. Nam, nữ kết hôn là mong muốn được gắn bó với nhau trong quan hệ vợ chồng và cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững. Vì vậy, ý chí tự nguyện của nam, nữ trong việc kết hôn là điều kiện đảm bảo cho hôn nhân có giá trị pháp lý đồng thời là cơ sở xây dựng gia đình bền vững.

Thứ hai, các bên nam nữ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện kết hôn. Theo Từ điển Luật học thì điều kiện kết hôn là quy định của pháp luật mà khi kết hôn các bên nam, nữ cần phải có hoặc không có điều kiện đó mới có quyền được kết hôn. Khi hai bên nam nữ đáp ứng đủ điều kiện về độ tuổi, về sự tự nguyện và không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn thì có quyền kết hôn với nhau. Việc quy định các điều kiện kết hôn là cần thiết, đảm bảo trật tự trong gia đình, xã hội; giữ gìn thuần phong mỹ tục, đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam; đảm bảo lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ hôn nhân.

Thứ ba, có sự công nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan đăng ký kết hôn xem xét yêu cầu đăng ký kết hôn của nam nữ, nếu các bên có đủ điều kiện kết hôn thì cơ quan đăng ký kết hôn tiến hành đăng ký

việc kết hôn, ghi vào Sổ kết hôn và cấp Giấy chứng nhận kết hôn cho nam, nữ. Thông qua sự kiện đăng ký kết hôn, Nhà nước đã công nhận hôn nhân của đôi nam nữ. Giấy chứng nhận kết hôn là cơ sở pháp lý ghi nhận rằng hai bên nam, nữ đã phát sinh quyền và nghĩa vụ vợ chồng để từ đó Nhà nước có biện pháp bảo hộ quyền lợi cho vợ, chồng, đặc biệt là quyền lợi của phụ nữ và trẻ em. Về mặt quản lý nhà nước thì đăng ký kết hôn là biện pháp để Nhà nước kiểm soát việc tuân theo pháp luật trong việc kết hôn và ngăn chặn các hiện tượng vi phạm các điều kiện kết hôn.

Như vậy, dưới góc độ pháp lý, kết hôn là một sự kiện pháp lý bao gồm các yếu tố cấu thành mà nếu thiếu một trong các yếu tố đó thì việc kết hôn không có hiệu lực, không làm phát sinh quan hệ vợ chồng giữa hai bên nam nữ.

Từ những phân tích nêu trên, có thể đưa ra khái niệm kết hôn như sau: Kết hôn là một sự kiện pháp lý, thể hiện nam nữ lấy nhau thành vợ chồng trên cơ sở các bên đáp ứng đầy đủ điều kiện kết hôn do pháp luật quy định và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận theo trình tự, thủ tục nhất định làm phát sinh quan hệ vợ chồng giữa hai bên nam nữ.

* Khái niệm điều kiện kết hôn

Việc kết hôn luôn gắn liền với các điều kiện kết hôn, "không ai bị buộc phải kết hôn, nhưng ai cũng bị buộc phải tuân theo luật hôn nhân một khi người đó kết hôn...hôn nhân không thể phục tùng sự tùy tiện của người kết hôn mà trái lại sự tùy tiện của người kết hôn phải phục tùng bản chất của hôn nhân" [61, tr. 90].

Điều kiện kết hôn là những yêu cầu, tiêu chuẩn, chuẩn mực đặt ra đối với các bên nam nữ khi xác lập quan hệ hôn nhân. Trong xã hội chưa có giai cấp, các điều kiện kết hôn bị chi phối bởi các quy phạm xã hội như đạo đức, phong tục tập quán, tôn giáo, truyền thống, văn hóa của xã hội đương thời. Khi Nhà nước xuất hiện, Nhà nước sử dụng pháp luật để quy định các điều kiện kết hôn đòi hỏi các bên phải đáp ứng. Những quy định này thể hiện mục đích của giai cấp thống trị nhằm xây dựng mô hình gia đình phù hợp với lợi

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 27/03/2024