Kiểm Định Các Lý Thuyết Hàm Ý Mối Quan Hệ Giữa Quy Mô Và Hiệu Quả Tài Chính Của Nhtm.


4.2.4. Đối với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước

Công tác điều hành chính sách tiền tệ cần chú trọng tới sự minh bạch trong triển khai. Điều này sẽ được thực hiện hiệu quả nhất nếu chính sách tiền tệ được công khai các mục tiêu, lộ trình triển khai cũng như quy trình điều hành trong từng giai đoạn cụ thể để giúp các nhà quản lý NHTM nói riêng và doanh nghiệp nói chung dễ dàng dự báo được các chỉ tiêu cơ bản như tỷ lệ lạm phát, tốc độ tăng trưởng GDP, tốc độ tăng trưởng cung tiền qua đó nâng cao hiệu quả trong điều hành lãi suất của mình.

Những năm gần đây, đầu mỗi năm, thống đốc Ngân hàng Nhà nước thường ban hành các chỉ thị về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành NHTM trong năm, căn cứ trên các mục tiêu tổng thể về kinh tế vĩ mô trong năm đó, cũng như định kỳ cập nhật các chỉ tiêu thống kê tại website của Ngân hàng Nhà nước. Tuy vậy, công tác điều hành cũng cần bao gồm các giải thích hợp lý đối với biến động đáng lưu ý của số liệu thống kê trên hoặc trong trường hợp có sự khác biệt nhiều giữa mục tiêu và kết quả thực tế với tần suất cao hơn (VD: định kỳ hàng tuần, hàng tháng) để giúp các chủ thể trong nền kinh tế nắm được chủ trương điều hành và gia tăng thêm niềm tin vào năng lực của cơ quan điều hành.

4.3. Đóng góp mới của đề tài

4.3.1. Kiểm định các lý thuyết hàm ý mối quan hệ giữa quy mô và hiệu quả tài chính của NHTM.

Kết quả nghiên cứu cho thấy các NHTM có quy mô rất lớn (tổng tài sản vượt ngưỡng 556.265 tỷ VNĐ) đạt được tính kinh tế nhờ quy mô (economies of scale), theo đó tác động dương của quy mô tới hiệu quả tài chính của chúng cao hơn so với các NHTM quy mô nhỏ hơn còn lại. Bên cạnh đó, chúng sẽ đạt được hiệu quả cao hơn các NHTM khác nếu tăng trưởng thu nhập ngoài lãi, hàm ý có lợi thế đa dạng hóa thu nhập theo lý thuyết trung gian tài chính. Như vậy, luận án đã đóng góp bằng chứng thực nghiệm ủng hộ lý thuyết trung gian tài chính tại các NHTM Việt Nam.

Đối với lý thuyết cấu trúc cạnh tranh, căn cứ tổng hợp kết quả ước lượng của biến mức độ tập trung ngành từ Mô hình 1 và Mô hình 2, luận án bác bỏ giả thuyết SCP đối với trường hợp ROA và ủng hộ giả thuyết này với trường hợp ROE.

Để đánh giá về hàm ý của lý thuyết tạo thanh khoản về mối quan hệ giữa quy mô và hiệu quả tài chính của NHTM, trước hết cần thấy rằng thị trường tài chính Việt Nam nói chung và ngành NHTM Việt Nam nói riêng nhìn chung chưa đạt mức độ phát triển cao như Mỹ hay các nước phát triển, ví dụ chưa có thị trường chứng khoán hóa


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 248 trang tài liệu này.

khoản vay và quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong thị trường chứng khoán. Hoạt động chứng khoán hóa khoản vay giúp các NHTM chuyển nhượng rủi ro cho các nhà đầu tư, ngoài ra thực tế tại Mỹ cho thấy các NHTM mất ít thời gian và chi phí để chứng khoán hóa các khoản vay cầm cố, vì vậy Berger và Bowman (2009) căn cứ trên mức độ dễ dàng, chi phí và thời gian của các hoạt động đã xếp các khoản vay có thể chứng khoán hóa vào loại “bán thanh khoản”. Tại Việt Nam, do chưa có hoạt động này cũng như thị trường mua bán các khoản vay được chứng khoán hóa, do đó với hầu hết các khoản cho vay, mức độ thanh khoản của chúng nhìn chung đều kém hơn so với trường hợp chúng có thể được chứng khoán hóa như tại Mỹ, nói cách khác, chúng đều thuộc loại kém thanh khoản (illiquid assets), dù mức độ kém thanh khoản với từng loại sản phẩm vay hoặc từng kỳ hạn có khác nhau. Vì vậy, việc cho rằng toàn bộ danh mục cho vay của các NHTM Việt Nam có thể xếp vào loại kém thanh khoản có thể chấp nhận được. Bên cạnh đó, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn hạn chế, vì vậy, để tài trợ cho hoạt động tín dụng, các NHTM Việt Nam (đặc biệt là nhóm NHTM quy mô nhỏ) nhìn chung phải dựa vào nguồn tiền gửi khách hàng. Thêm vào đó, Le (2019) cho thấy các hoạt động ngoại bảng đóng vai trò nhỏ trong việc tạo thanh khoản đối với các NHTM Việt Nam, nói cách khác chúng ít tham gia vào các hoạt động này. Do đó, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên tiền gửi khách hàng phản ánh khá sát mức độ rủi ro thanh khoản đối với các NHTM Việt Nam. Kết quả luận án cho thấy, đối với nhóm NHTM có quy mô lớn nhất (tổng tài sản vượt ngưỡng

621.008 tỷ VNĐ) vốn chiếm tỷ trọng tín dụng lớn trong toàn ngành (tức chiếm tỷ trọng lớn về liquidiy creation) có dư địa về thanh khoản lớn hơn và không chịu tác động tiêu cực khi rủi ro thanh khoản tăng lên như nhóm NHTM còn lại cho thấy chúng có nhiều dư địa và động lực để tăng quy mô tín dụng hay quy mô tạo thanh khoản của mình hơn nhóm NHTM còn lại, qua đó tăng lợi nhuận, trong khi việc tăng rủi ro thanh khoản có tác động tiêu cực tới hiệu quả tài chính của nhóm NHTM còn lại. Điều này càng được thể hiện rõ khi các NHTM tăng cường vốn chủ sở hữu. Tác động dương của tỷ lệ vốn chủ sở hữu tới hiệu quả tài chính của nhóm NHTM quy mô lớn nhất này mạnh hơn nhiều lần so với các NHTM còn lại. Điều dễ thấy là việc tăng cường vốn chủ sở hữu một mặt giúp nhóm NHTM này thoát khỏi các ràng buộc về tỷ lệ an toàn vốn và đòn bẩy tài chính, bên cạnh đó cũng giúp chúng tăng cường sức chịu đựng rủi ro với tác động chính từ giả thuyết “Hấp thu rủi ro” như đã trình bày tại Chương 3, qua đó tiếp tục tăng trưởng tín dụng mạnh hơn nữa, nói cách khác vốn chủ sở hữu tác động tới hoạt động tạo thanh khoản của nhóm NHTM này hơn so với các NHTM quy mô nhỏ hơn còn lại. Như vậỵ, các kết quả của luận án mặc dù chỉ tập trung vào rủi ro

Hiệu quả theo quy mô của các ngân hàng thương mại Việt Nam - 21


thanh khoản theo các hoạt động truyền thống, tuy nhiên phù hợp với đặc thù kinh doanh của các NHTM Việt Nam và đưa ra bằng chứng thực nghiệm ủng hộ hàm ý của lý thuyết tạo thanh khoản về mối quan hệ dương quy mô và hiệu quả tài chính của các NHTM Việt Nam trong điều kiện thu nhập từ hoạt động tín dụng là nguồn thu nhập chính của các NHTM Việt Nam.

4.3.2. Đóng góp về kết quả nghiên cứu thực nghiệm

Về phương pháp nghiên cứu thực nghiệm, theo hiểu biết tốt nhất của tác giả, luận án là nghiên cứu đầu tiên theo cách tiếp cận phi cấu trúc (hiệu quả tài chính) thực hiện phân tích khá toàn diện các khía cạnh gồm: (i) Phân tích tác động của các nhân tố nội tại, nhân tố cấu trúc ngành, nhân tố kinh tế vĩ mô đến hiệu quả tài chính của các NHTM Việt Nam theo mô hình dạng động; (ii) So sánh đồng thời trung bình và sự biến động (phương sai/độ lệch chuẩn) trong các chỉ tiêu hoạt động, trong đó có các tiêu chí về hiệu quả tài chính của hai nhóm quy mô NHTM26 dựa trên các kiểm định kết hợp với phương pháp thống kê hiện đại như Bootstrap; (iii) So sánh tác động của các nhân tố tới hiệu quả tài chính của hai nhóm quy mô NHTM; và (iv) Xác định sự thay đổi tác động của các nhân tố tới hiệu quả tài chính theo các ngưỡng quy mô chưa được xác định trước.

Dựa trên phân tích tác động của các nhân tố nội tại, nhân tố cấu trúc ngành, nhân tố kinh tế vĩ mô đến hiệu quả tài chính của các NHTM Việt Nam theo mô hình dạng động, luận án đã phân tích tác động của môi trường cạnh tranh đến mức độ quán tính (persistence) hay nói cách khác là tốc độ thay đổi hiệu quả tài chính của các NHTM, đồng thời phân tích tác động của nhân tố quy mô, nhân tố cấu trúc ngành về tổng tài sản và các nhân tố khác đến hiệu quả tài chính của các NHTM Việt Nam nói chung.

Dựa trên phân tích so sánh đồng thời trung bình và sự biến động (phương sai/độ lệch chuẩn), luận án giải thích sự khác biệt trong các chỉ tiêu hoạt động giữa hai nhóm quy mô NHTM dựa trên các kiểm định (đều được kiểm vững), trong khi điều này thường ít được phân tích bởi các nghiên cứu tương tự đối với các NHTM Việt Nam. Điều này đóng vai trò quan trọng để hiểu về sự khác biệt trong hoạt động của hai nhóm NHTM quy mô lớn và quy mô nhỏ, qua đó hỗ trợ việc phân tích sự khác biệt trong tác động của các nhân tố này tới hiệu quả tài chính của hai nhóm NHTM được hiệu quả hơn.

Luận án cho thấy tồn tại hai ngưỡng tổng tài sản là 556.265 tỷ VNĐ và 621.008 tỷ VNĐ. Các quan sát nằm tại cơ chế thứ hai đều thuộc nhóm bốn NHTM là Agribank,


26 Việc phân loại hai nhóm ngân hàng dựa trên cơ sở về luật định tại Việt Nam.


BIDV, Vietinbank, Vietcombank, đây cũng là bốn NHTM luôn có tổng tài sản lớn nhất mẫu nghiên cứu và trong hệ thống NHTM Việt Nam trong giai đoạn nghiên cứu. NHTM được coi là “Too big to fail” thường được cho rằng chúng sẽ nhận được sự hỗ trợ chính thức hoặc phi chính thức từ phía chính phủ khi cần thiết để ngăn ngừa khả năng đổ vỡ của chúng, đồng thời chúng cũng được cho rằng có chi phí vốn rẻ hơn các NHTM khác dựa trên sự hỗ trợ này. Thực tế tại Việt Nam cho thấy cả bốn NHTM trên đều là bốn NHTM có vốn nhà nước, vì vậy, có cơ sở cho rằng chúng sẽ ít có khả năng bị phá sản hơn các NHTM còn lại nhờ sự bảo trợ thiên lệch của chính phủ về phía chúng. Điều này chưa tính tới vai trò quan trọng bởi quy mô lớn nhất của chúng trong hệ thống NHTM Việt Nam. Ngoài ra, thực tiễn hoạt động cho thấy lãi suất huy động vốn của nhóm NHTM này thường xuyên ở mức thấp của hệ thống NHTM Việt Nam trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, các nguồn vốn bán buôn giá rẻ như tiền gửi không kỳ hạn thuộc các doanh nghiệp quốc doanh, tổ chức, cơ quan nhà nước cũng thường được gửi và quản lý vốn tập trung tại nhóm NHTM có vốn nhà nước này. Do đó, có cơ sở cho rằng chúng có lợi thế về giá vốn huy động so với các

NHTM còn lại. Các ngưỡng tổng tài sản 556.265 tỷ VNĐ và 621.008 tỷ VNĐ thực tế27 là các ngưỡng tổng tài sản lớn, theo đó các biến độc lập được lựa chọn đều tác động tích cực hơn tới ROA của NHTM khi quy mô NHTM vượt ngưỡng, có thể được coi là các ngưỡng đại diện cho trạng thái “Too big to fail” đối với hệ thống NHTM Việt Nam, cả về mặt lý thuyết và trên thực tế. Sự thay đổi tác động của các biến độc lập này cũng được phân tích cụ thể.

4.4. Hạn chế của đề tài và các hướng nghiên cứu tiếp theo

4.4.1. Hạn chế

Như đã trình bày tại Chương 1, quy mô thanh khoản (liquidity creation) là tiêu chí đại diện tốt hơn so với tổng tài sản (total assets), vì nó đo lường cả quy mô các hoạt động ngoại bảng. Theo các phương pháp đo lường sản lượng thanh khoản được Berger và Bowman (2009) đề xuất đã được áp dụng rộng rãi bởi nhiều nghiên cứu thực nghiệm28, bên cạnh phương pháp “Cat fat”, theo đó các hoạt động nội bảng được phân loại theo loại hoạt động (category), còn có các phiên bản tùy biến của nó như “Mat fat”, theo đó các hoạt động nội bảng được phân loại theo Kỳ hạn; “Cat non-fat” và “Mat non-fat” không tính tới các hoạt động ngoại bảng. Tuy nhiên, dữ liệu báo cáo tài chính (hoặc báo cáo thường niên) của các NHTM Việt Nam chưa phân loại các tiêu


27 Như đã chỉ ra trước đó, hai ngưỡng này rất gần nhau khi quy mô được xem xét ở dạng logarit tự nhiên của tổng tài sản, tương ứng là 13,2290 và 13,3391.

28 Tính tới 19/08/2019, đã có 767 lượt trích dẫn nghiên cứu này theo kết quả của Google Scholar


chí loại sản phẩm hoặc Kỳ hạn của các khoản mục đủ chi tiết để thực hiện theo phương pháp “Cat fat” hoặc “Mat fat” theo tinh thần của lý thuyết tạo thanh khoản hiện đại trên cơ sở đề xuất của Berger và Bowman. Vì vậy, việc đánh giá hiệu quả tài chính của các nhóm NHTM theo quy mô tổng thanh khoản mặc dù hứa hẹn cho phép phân tích một cách toàn diện hơn các hoạt động của NHTM chưa thể thực hiện được theo luận án này. Ngoài Berger và Bowman (2009), một cách tiếp cận toàn diện khác về rủi ro thanh khoản là theo các tiêu chuẩn tỷ lệ dự phòng thanh khoản (liquidity coverage ratio - LCR) hoặc tỷ lệ quỹ ổn định ròng (net stable funding ratio – NSFR)

theo Basel III. Tuy nhiên, mức độ chi tiết về dữ liệu cần đáp ứng để thực hiện tính toán các tiêu chuẩn này thâm chí cao hơn phương pháp “Cat fat”29, điều này đã được nhiều nghiên cứu thừa nhận, do đó cũng không thể thực hiện khi sử dụng các báo cáo tài chính (hoặc báo cáo thường niên) của các NHTM Việt Nam.

Luận án sử dụng ROA và ROE là biến phụ thuộc. Như đã trình bày tại Chương 1, một số nghiên cứu sử dụng ROAA và ROAE theo đó giúp giảm sự biến động của dữ liệu trong năm tài chính (có thể phát sinh do tính mùa vụ trong năm tài chính). Tuy nhiên, như đã trình bày tại Chương 2, báo cáo tài chính (hoặc báo cáo thường niên) của nhiều NHTM không trình bày các chỉ tiêu tổng tài sản bình quân hoặc vốn chủ sở hữu bình quân hàng năm hoặc các chỉ tiêu tổng tài sản và vốn chủ sở hữu hàng quý, đặc biệt là các NHTM chưa niêm yết chính thức trên thị trường chứng khoán trong giai đoạn nghiên cứu sẽ khiến mẫu nghiên cứu thiếu nhiều quan sát nếu lựa chọn ROAA và ROAE làm biến phụ thuộc, điều tương tự cũng xảy ra với biến Tổng tài sản.

Về phương pháp ước lượng các mô hình ngưỡng, luận án sử dụng phương pháp Panel Threshold Regression (PTR). Tuy nhiên PTR có nhược điểm là nó làm chuyển dịch một cách đột ngột hệ số góc của biến thay đổi tác động giữa hai cơ chế trước và sau ngưỡng. Trên thực tế, việc mô hình cho phép chuyển tiếp dần dần hệ số góc của biến thay đổi tác động theo ngưỡng (regime-dependent variable) sẽ thuyết phục hơn, tương ứng với đó là Phương pháp hồi quy chuyển tiếp trơn dữ liệu bảng (Panel Smooth Transition Regression - PSTR). Tính đến thời điểm thực hiện luận án, trong

phạm vi hiểu biết của mình, tác giả chỉ tìm thấy package “PSTR” theo phần mềm R30

có thể hỗ trợ ước lượng theo phương pháp này, và chưa có lệnh hỗ trợ thực hiện trên Stata. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện ước lượng các thông số của mô hình dữ liệu bảng chuyển tiếp trơn theo package trên, tác giả phát hiện “Bug” và đã được xác nhận


29 Dữ liệu Berger và Bowman (2009) sử dụng lấy từ Call Report (The consolidated reports of condition and income) cũng không đủ chi tiết để thực hiện tính toán LCR và NSFR.

30 Địa chỉ: “https://cran.r-project.org/web/packages/PSTR/PSTR.pdf”


bởi tác giả package này qua email31. Nói cách khác, package “PSTR” vẫn trong quá trình hoàn thiện tại thời điểm thực hiện luận án, vì vậy tác giả sử dụng phương pháp PTR đã được Stata hỗ trợ chính thức và được công nhận rộng rãi.

4.4.2. Hướng nghiên cứu tiếp theo

Trong điều kiện hạn chế về phương pháp nghiên cứu, dữ liệu và năng lực thực hiện, mặc dù đã rất nỗ lực, luận án chắc chắn vẫn tồn tại nhiều thiếu sót và khuyết điểm. Tuy vậy, các khuyết điểm và hạn chế này sẽ tiếp tục được khắc phục bởi tác giả và các nghiên cứu khác về hiệu quả tài chính của NHTM Việt Nam. Trên cơ sở các hạn chế đã trình bày và các ý tưởng của tác giả rút ra trong quá trình nghiên cứu, luận án trình bày một số hướng nghiên cứu tiếp theo nhằm hoàn thiện hơn phương pháp nghiên cứu đề tài hiệu quả tài chính của theo quy mô của NHTM.

Thứ nhất, đo lường sản lượng thanh khoản được tạo (liquidity creation) bới một hoặc nhiều NHTM Việt Nam. Điều này có thể thực hiện được nếu có được dữ liệu chi tiết về loại sản phẩm hoặc kỳ hạn của các khoản mục nội bảng từ một hoặc một số NHTM. Khi đó, có thể đánh giá hiệu quả tài chính theo thước đo toàn diện hơn tổng tài sản về quy mô đầu ra của NHTM. Theo quan điểm của tác giả, việc đánh giá liquidity creation đối với các NHTM Việt Nam có thể được thực hiện thông qua phân loại kỳ hạn các khoản mục nội bảng mà vẫn đạt được hiệu quả, bởi vì không giống như Mỹ, tại Việt Nam vẫn chưa phát triển nghiệp vụ chứng khoán hóa khoản vay, vì vậy việc phân loại mức độ thanh khoản của khoản vay theo kỳ hạn, tức phương pháp “Mat fat” là hợp lý.

Thứ hai, xây dựng hoặc sử dụng các tiêu chí khác đo lường hiệu quả tài chính của NHTM theo cách tiếp cận phi cấu trúc (hiệu quả tài chính).

Thứ ba, kết hợp các phương pháp theo cách tiếp cận cấu trúc và phi cấu trúc trong việc xác định ngưỡng hiệu quả tài chính theo quy mô của NHTM Việt Nam. Cụ thể: Bước 1: Sử dụng các phương pháp tham số như SFA, DFA, TFA ước lượng hàm sản xuất hiệu quả của các NHTM. Bước 2: Sử dụng phương pháp PTR hoặc PSTR để ước lượng ngưỡng quy mô tại đó xảy ra sự thay đổi cấu trúc hàm sản xuất đã được ước lượng tại Bước 1.

Thứ tư, thực hiện các mô hình nghiên cứu khác theo cách tiếp cận phi cấu trúc với quy mô mẫu lớn hơn và dữ liệu cập nhật hơn nhằm kiểm định sự tồn tại và giá trị các ngưỡng, cũng như tác động của các biến độc lập qua các cơ chế đã tìm thấy trong luận án.


31 Nội dung email được trình bày tại Phụ Lục


KẾT LUẬN


Vận dụng tinh thần các lý thuyết trung gian tài chính, lý thuyết tạo thanh khoản và lý thuyết cấu trúc cạnh tranh, luận án xây dựng và giải quyết các mô hình thực nghiệm trong đó quy mô NHTM giải thích sự khác biệt về ảnh hưởng của một số nhân tố tới hiệu quả tài chính của các nhóm NHTM quy mô lớn so với các nhóm có quy mô nhỏ hơn tại Việt Nam theo hai cách tiếp cận. Cách tiếp cận thứ nhất phân nhóm NHTM theo quy mô căn cứ luật định tại Việt Nam, cụ thể theo thông tư 52/2018/TT-NHNN về việc quy định xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh NHTM nước ngoài. Kết quả nghiên cứu với cách tiếp cận này có thể hữu ích với cơ quan quản lý hệ thống NHTM Việt Nam trong việc đánh giá hiệu quả về mặt tài chính của các nhóm NHTM theo luật định.

Cách tiếp cận thứ hai xây dựng mô hình ngưỡng để khai phá các ngưỡng quy mô chưa được biết trước, tại đó ảnh hưởng của quy mô, rủi ro thanh khoản, vốn chủ sở hữu, thu nhập lãi cận biên và thu nhập ngoài lãi cận biên đến hiệu quả tài chính của NHTM thay đổi. Mỗi quan sát trong mẫu nghiên cứu được luận án sử dụng ở cấp độ NHTM, tuy nhiên mỗi NHTM có thể áp dụng tương tự với cấp độ chi nhánh hoặc đơn vị kinh doanh của mình.

Kết quả nghiên cứu dựa trên các phương pháp định lượng cho thấy:

Thứ nhất, luận án tìm thấy hai giá trị ngưỡng quy mô dao động quanh mức tổng tài sản khoảng 600 nghìn tỷ đồng, đánh dấu sự thay đổi trong ảnh hưởng của quy mô, rủi ro thanh khoản, vốn chủ sở hữu, thu nhập lãi cận biên và thu nhập ngoài lãi cận biên tới ROA của các NHTM thay đổi. Với mục đích tăng trưởng ROA, việc nâng cao tỷ lệ vốn chủ sở hữu hoặc nguồn thu ngoài lãi mang lại hiệu quả cao hơn đáng kể tại nhóm NHTM có tổng tài sản vượt mức trên.

Thứ hai, ảnh hưởng của quy mô đến hiệu quả tài chính của các NHTM tại Việt Nam tùy thuộc vào nhóm NHTM có thể âm hoặc dương, tuy nhiên độ lớn tác động đều nhỏ.

Thứ ba, luận án cho thấy rằng mức độ rủi ro thanh khoản mà các NHTM đang có là đặc trưng quan trọng quyết định tới chiều tác động của rủi ro thanh khoản đến ROA của chúng hơn là việc chúng có thuộc “sở hữu nhà nước” hoặc luôn được coi là “quá lớn để đổ vỡ” hay không.

Thứ tư, nhóm NHTM quy mô lớn (tổng tài sản trên 100 nghìn tỷ) có lợi thế hơn về giá trên cả hai thị trường từ lãi và ngoài lãi theo cách tiếp cận cạnh tranh, trong khi đó xu hướng chuyển đổi sang dựa vào nguồn thu nhập ngoài lãi mang tính chất “bắt buộc” hơn đối với các NHTM quy mô nhỏ (tổng tài sản dưới 100 nghìn tỷ).


Thứ năm, nhóm NHTM quy mô lớn (tổng tài sản trên 100 nghìn tỷ) ít bị ảnh hưởng hơn bởi sự thay đổi của các điều kiện kinh tế vĩ mô tới hiệu quả tài chính của chúng. Tuy nhiên rủi ro tín dụng và chi phí hoạt động tác động tiêu cực hơn đến hiệu quả tài chính của nhóm NHTM này so với nhóm quy mô nhỏ.

Mối quan hệ giữa quy mô và hiệu quả là một trong những mối quan hệ trọng tâm khi nghiên cứu về NHTM thương mại. Dưới góc nhìn của tác giả, quy mô là tiêu chí đại diện về mặt “lượng”, trong khi các tiêu chí hiệu quả của NHTM như hiệu quả tài chính đại diện cho mặt “chất”, việc xây dựng các mô hình phi tuyến (phân nhóm và ngưỡng) trong luận án có thể được nhìn nhận như sự vận dụng tinh thần quy luật chuyển hóa từ lượng sang chất (The law of the transformation of quantity to quality and vice versa) theo Hegel và Engels. Việc vận dụng tinh thần này cũng có thể nhận thấy tại các chủ đề nghiên cứu các mối quan hệ phi tuyến khác lạm phát và tăng trưởng kinh tế hay đi tìm cấu trúc vốn tối ưu cho hiệu quả của doanh nghiệp.

Không dừng lại ở đó, góc nhìn của tác giả cho rằng nền tảng của sự vận dụng trên nằm ở sự khác biệt trong hoạt động của các nhóm NHTM khác biệt về quy mô, vì vậy luận án đã xem xét thêm vai trò điều tiết của quy mô đối với các đặc điểm hoạt động nhằm bóc tách chi tiết hơn tác động hoặc vai trò của các nhân tố đại diện cho chúng tới hiệu quả tài chính của các NHTM.

Dưới góc nhìn thực tiễn, luận án đã cung cấp phương pháp thực hiện, kết quả ước lượng và kiểm định cụ thể, cùng các phân tích với một số minh họa bằng cách dẫn chứng thông tin hoạt động thực tế của NHTM tại Việt Nam để kiểm chứng cho phân tích.

Tuy nhiên, tác giả cho rằng vẫn còn một số cách tiếp cận khác cũng như các chủ đề khác liên quan đến mối quan hệ giữa quy mô và hiệu quả của NHTM thương mại tại Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu để nhìn nhận toàn diện hơn mối quan hệ này tại Việt Nam.

Xem tất cả 248 trang.

Ngày đăng: 11/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí