Vị Thế Của Các Thể Truyền Thống Trong “Bảng” Thể Thơ Của Thơ Mới

sáng tạo thành công ở những bài hát theo lối dân tộc, đại chúng. Ông có thơ tứ tuyệt, bát cú, thơ trường thiên, văn tế, ca trù, hành văn, cổ bản, nam ai hay những bài LB biến thể thường kéo dài ngân nga, thêm từ ngữ và những ý tứ rất linh hoạt, biểu hiện sinh động, cụ thể tâm trạng nhân vật trữ tình (Gánh nước đêm, Mong anh Khóa), v.v... Như vậy, so với Phan Bội Châu, Đông Hồ, Tương Phố, Tản Đà đã có những cố gắng vượt bậc làm giàu cho thơ ca dân tộc, chuẩn bị cả về nội dung và nghệ thuật cho Thơ mớira đời. Điều này cho thấy Tản Đà là người có ý thức cách tân thể thơ sâu sắc nhất ở giai đoạn này. Song, Tản Đà cũng như thế hệ tiền lãng mạn, cũng chỉ dừng lại với một “khối mâu thuẫn lớn” giữa hai hệ tư tưởng cũ và mới (phong kiến và tư sản) chưa được giải tỏa. Tản Đà, tuy trong điều kiện cuộc sống tư sản, đã xích lại gần sát các nhà thơ mới, nhưng vẫn không trút bỏ được “lốt y phục, lốt tư tưởng” của mẫu hình nhà nho. Những vần thơ của Tản Đà hay Trần Tuấn Khải chỉ là dấu hiệu của sự đổi thay hơn là bản thân một sự đổi thay. Hoài Thanh rất tinh ý khi đặt Tản Đà vào vị trí người “dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hoà nhạc tân kỳ đương sắp sửa” [175, 12].

Ở một phía khác, lúc bấy giờ, người đọc đã thấy cái lạ về tiết tấu, nhịp điệu, vần ở tập Thơ buông của Lê Khánh Đồng, ở bài thơ của Nguyễn Văn Vĩnh dịch thơ La Fontaine: Con ve và cái kiến mà theo Hoài Thanh là dấu hiệu báo trước “cái thời vận luật Đường đã cực kỳ suy vi” [175, 19]. Thơ dịch phương Tây trong giai đoạn này chủ yếu là thơ Pháp. Thơ Pháp được giới thiệu trên báo chí Việt Nam, sớm nhất là bài Con ve và cái kiến của La Fontaine, năm 1907, in trên Đăng cổ tùng báo. Trần Nho Thìn cho biết: thoạt đầu ông Vĩnh đã chuyển dịch sang thể LB, là lối thơ truyền thống của Việt Nam. Đến năm 1914, ông dịch lại, theo đúng điệu Tây, vần Tây, đăng trên Đông Dương tạp chí. Hẳn là Nguyễn Văn Vĩnh muốn giới thiệu một lối thơ của phương Tây với quốc dân đồng bào. Nhưng một thử nghiệm táo bạo của ông Vĩnh như vậy dường như quá sớm trong khi tất cả đều quen với lối thơ niêm luật chặt chẽ, cách hiệp vần cũ nên không được chú ý, trở thành đơn độc, bị lãng quên để mãi mười bốn năm sau, Trung Bắc tân văn cho in lại, năm 1928, trong một không khí văn hóa dường như chín muồi hơn nên được chú ý hơn. Một lối thơ khác hẳn của một nền văn minh khác hẳn. Âm điệu thơ là lạ, vần chân liền hoặc cách quãng, với số chữ so le. Bản dịch bám rất sát nguyên bản, cả từ và điệu. Triết lí mạnh mẽ của con người cá nhân kiểu phương Tây cũng được kín đáo truyền tải: “Câu chuyện về con ve không chăm lo cho cuộc sống, ca hát suốt mùa hè đến mùa

đông phải đi vay ăn mà không được kiến cho vay không chỉ đơn giản phê phán kẻ lười biếng mà còn bao hàm triết lí sâu xa về sự tự quyết định số phận của bản thân, con người chỉ có thể dựa trước hết vào bản thân mình” [178, 644-645]. Phải chăng, những mầm mống ấy đã âm thầm khơi mạch và mở lối đi cho sự du nhập những kiểu vần chân, vần liền, ôm nhau, gián cách, nhịp điệu tự do, câu “thơ buông”, dài, ngắn với đủ kiểu dáng leo thang, trùng điệp,… sau này sẽ hiện diện trong Thơ mới? Vào những năm 20, thơ dịch có phong phú, đa dạng hơn, bắt đầu giới thiệu nhiều bài thơ có hình tượng con người cá nhân phương Tây rõ nét hơn là thơ ngụ ngôn. Đã thấy xuất hiện những tên tuổi sẽ được các nhà thơ mới sau này tôn sùng như Lamartine, Hugo, Musset, Ronsard, Baudelaire, Verlaine… Dòng thơ dịch, kể từ Nguyễn Văn Vĩnh đã báo hiệu và góp phần chuẩn bị cho một cuộc cách tân thể thơ theo hướng hiện đại hóa, Âu hóa đang trở thành hiện thực. Một thế hệ trí thức trẻ tuổi chịu ảnh hưởng của thi ca Pháp đang chuẩn bị bước vào thi đàn... Theo Phan Cự Đệ, “những tìm tòi nghệ thuật kiểu Tản Đà một phía, kiểu Lê Khánh Đồng ở một phía khác, hướng sự khai thác những thành tựu nghệ thuật của chỉ văn học phương Đông hoặc chỉ văn học phương Tây, đều không mang lại sự đổi mới có tính chất nguyên tắc thơ Việt Nam” [36, 239]. Thực tế này cho thấy, để thực thi cuộc cách tân thơ ca, văn học cần phải có những tiếp bước từ truyền thống (như Tản Đà) đồng thời không thể thiếu những tiếp nhận, học hỏi từ thơ ca hiện đại Âu Tây. Mặt khác, vai trò cách tân không thể đặt lên vai thế hệ nhà nho vẫn chịu sự quy định của hệ tư tưởng cũ, dù là nhà nho cách tân. Trọng trách đó thuộc về thế hệ các trí thức Tây học trẻ tuổi đã thoát khỏi ràng buộc của Nho giáo, mang tư tưởng, tình cảm và quan điểm thẩm mỹ mới. Rõ ràng, thơ ca giai đoạn giao thời mới chỉ là những nỗ lực bước đầu từ hệ thống thể thơ cũ chuyển sang hệ thống thể thơ mới, nó có ý nghĩa thăm dò, mở đường chuẩn bị cho sự ra đời của những hình thức thơ mới mẻ hơn sẽ đến trong cuộc cách tân thể thơ của phong trào Thơ mới ở những năm 30 thế kỷ XX. Toàn bộ thơ ca công khai thời kỳ này đang như chờ đợi sự xuất hiện những cái gì thật mới mẻ.

Nhận thức được điều này, ngày 10 tháng 3 năm 1932, Phan Khôi với bài thơ Tình già đã “trình chánh giữa làng thơ” một lối thơ “mới” với những câu thơ dài ngắn khác nhau, mở đầu cho cuộc cách tân mạnh mẽ về thể thơ của thơ ca Việt Nam. Từ đây, vượt thoát khỏi khuôn vàng thước ngọc, sáo mòn, cứng nhắc của thơ luật Đường, các nhà thơ mới đã tìm tòi cho mình những thể thức sáng tạo riêng

thích hợp diễn tả những điệu hồn phong phú và tinh tế của thời đại mới. Có thể tìm gặp trong Thơ mới khá nhiều thể thơ với những hình thức diễn đạt khác nhau. Đó là những thể thơ có nguồn gốc dân tộc, dân gian và bác học như thể LB, STLB, 8 chữ; hay các thể thơ du nhập đã trở thành truyền thống như thể hành, thất ngôn, ngũ ngôn và tứ tuyệt ĐL,... nhưng dòng thơ, câu thơ đã khác; tức là đã sáng tạo, nâng cao phù hợp với “dòng cảm xúc”. Bên cạnh việc tân tạo những hình thức thơ truyền thống, Thơ mới còn đặc biệt chú ý vận dụng hình thức thơ Pháp - thơ tự do, sản phẩm độc đáo của trường phái thơ tượng trưng, để làm giàu hệ thống thể thơ. Các câu thơ được kéo dãn tới 9 chữ, thậm chí là 12 chữ như dạng thơ của Alexandrin (Viếng mồ lữ khách - Mộng Sơn). Mặc dù chịu ảnh hưởng của thơ ca nước ngoài nhưng Thơ mới đã học tập một cách có sáng tạo để “hồn thơ Pháp hễ chuyển được vào thơ Việt Nam là đã Việt hoá hoàn toàn” [93, 33]. Điều đáng nói là các nhà thơ đã biết sử dụng các yếu tố dân tộc, truyền thống như là chỗ dựa để phát triển, sáng tạo nên những vần thơ có giá trị, tạo nên cuộc cách tân thể thơ lớn nhất trong thơ ca nửa đầu thế kỷ XX. Thơ mới đã thực hiện cuộc cách tân thể thơ ấy trên cả hai hệ thống: hệ thống thể thơ thuần Việt và hệ thống thể thơ du nhập. Hai hệ thống thể thơ này bổ sung cho nhau tạo nên diện mạo đặc sắc cho Thơ mới.

2.1.2.2. Hệ thống thể thơ của Thơ mới 1932 - 1945

Thể loại văn học (genre littéraire) là một trong những phạm trù cơ bản nhất của sáng tác và tiếp nhận (bao hàm cả nghiên cứu, phê bình, giảng dạy) văn học. Lý luận văn học căn cứ vào các yếu tố ổn định của tác phẩm nghệ thuật ngôn từ mà chia tác phẩm thành các loại thể (khái niệm loại rộng hơn thể, thể nằm trong loại). Bất kỳ một sáng tác văn học nào cũng đều thuộc về một loại dưới dạng một thể nhất định nào đó. Thời Hy Lạp cổ đại khái niệm loại văn học đã được phát biểu qua các tác phẩm tiêu biểu của Platon (427 - 347 tr.CN) và đặc biệt của Aristotle (384 - 322 tr.CN). Aristotle chia tác phẩm văn học thành ba loại theo ba phương thức “mô phỏng” (chữ mô phỏng - tiếng Hy Lạp mimesis cần được hiểu với ý nghĩa tích cực, có tính chất sáng tạo). Phương thức một: “Có thể mô phỏng bằng cùng một phương tiện và cùng một đối tượng bằng cách kể về một sự kiện như về một cái gì tách biệt với mình”. Phương thức hai: “Người mô phỏng tự nói về mình mà không thay đổi ngôi xưng”. Phương thức ba: “Trình bày tất cả các nhân vật được mô tả trong hành động”. Ông cũng xác định rõ “bất kỳ sự mô phỏng nào cũng bao gồm trong ba điểm khác biệt đó” [1, 21-25]. Ba loại hay ba phương thức cơ bản của văn

học (tự sự, trữ tình, kịch) được Aristotle phân định cách đây 23 thế kỷ đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa khoa học, trở thành cơ sở cho việc phân loại loại thể tác phẩm văn học. Quan niệm của lý luận truyền thống và lý luận hiện đại về cơ bản là thống nhất trong xác định các phương thức chiếm lĩnh đời sống của văn học xoay quanh các phạm trù loại trữ tình, tự sự, kịch. Mỗi loại trên bao gồm nhiều thể. Tuy nhiên, khái niệm thể lại tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau. Lý luận văn học Trung Quốc quan niệm thể loại (hay thể, thể tài) “trỏ một loại tác phẩm văn học cụ thể biểu đạt một nội dung nhất định nào đó” [56, 49]. Trần Đình Sử trong công trình Lí luận văn học cho biết thêm: “Thể loại tiếng Trung Quốc gọi là thể tài (với ý nghĩa là “lượng thể tài y”, nghĩa là đo thân thể mà cắt vải may áo), chỉ hình thức cụ thể, thông thường được xem là thể hay kiểu, dạng của loại văn học” [156, 245]. Từ điển thuật ngữ văn học [60] cũng xác định rõ: thể loại (hay thể, thể tài) chỉ dạng thức tồn tại chỉnh thể của tác phẩm văn học, đấy là các dạng thức tổ chức ngôn ngữ thành những hình thức nghệ thuật riêng biệt, thể hiện ở sự giống nhau về cách thức tổ chức tác phẩm, về đặc điểm của các loại hiện tượng đời sống được miêu tả và về tính chất của mối quan hệ của nhà văn đối với các hiện tượng đời sống ấy. Trong quá trình sáng tác, “các nhà văn thường sử dụng các phương pháp chiếm lĩnh đời sống khác nhau, thể hiện những quan hệ thẩm mỹ khác nhau đối với hiện thực, có những cách xây dựng hình tượng khác nhau. Các phương thức ấy với những hình thức hoạt động khác nhau của con người - hoặc trầm tư, chiêm nghiệm, hoặc qua biến cố liên tục, hoặc qua xung đột... làm cho tác phẩm văn học bao giờ cũng có sự thống nhất quy định lẫn nhau về các loại đề tài, cảm hứng, hình thức nhân vật, hình thức kết cấu và hình thức lời văn... Đó là cơ sở khách quan của sự tồn tại thể loại văn học và cũng là điểm xuất phát để xây dựng nguyên tắc phân chia thể loại văn học” [58, 203]. Thể loại mang đặc trưng của loại. Các thể không cùng loại dĩ nhiên là khác nhau, nhưng các thể cùng loại vẫn khác nhau sâu sắc, thể hiện trên nhiều phương diện: hình thức lời văn (thơ, văn xuôi), dung lượng ngôn từ (truyện ngắn, truyện dài), nội dung cảm hứng (bi kịch, hài kịch, thơ ca ngợi, thơ trào phúng,...), đề tài, chủ đề (thơ tình, thơ điền viên, thơ vịnh sử, truyện tâm lý xã hội, truyện lịch sử, truyện phong tục,...). Rõ ràng, thể loại văn học mang trong mình nó sự thống nhất giữa một loại nội dung với một dạng hình thức văn bản và phương thức chiếm lĩnh đời sống.

Một số nhà nghiên cứu Việt Nam lại muốn tiến đến một sự phân loại cặn kẽ hơn khi phân biệt các khái niệm thể loại, thể tài thể. Theo đó, thể loại là phạm

trù rộng, trong đó bao hàm các thể (tiểu thể). Ví dụ: thể loại thơ, thể loại văn xuôi, v.v... ; trong các thể loại này lại có các thể nhỏ hơn, như các thể thơ (thể thơ LB, thể thơ STLB, thể thơ ĐL,...), các thể văn xuôi (thể truyện ngắn, thể tiểu thuyết, thể ký,...). Còn thể tài là khái niệm chỉ nhóm các tác phẩm thuộc cùng một loại hình thức ngôn từ gọi tên một đề tài nhất định nào đó. Ví dụ: thể tài truyện trinh thám, thể tài tiểu thuyết lịch sử, v.v... Những nội hàm mới của các khái niệm này, suy cho cùng, là một mong muốn hợp lí của các nhà nghiên cứu khi tìm cách phân loại tường minh các khái niệm cũng như bổ sung thêm những nét nghĩa mới cho chúng. Tuy nhiên, không nên lí giải một chiều để tránh ngộ nhận. Người ta có thể phân loại tác phẩm, nhưng không thể phân chia tác phẩm ra thể vì thể có trước mọi sự phân chia. Mặt khác, cho đến nay cách hiểu này vẫn chưa được minh định rõ ràng và giữa các khuynh hướng nhận diện về khái niệm thể loại, thể tài, thể vẫn chưa có một sự ngã ngũ nào. Hơn nữa, xét tương quan giữa hai khuynh hướng vừa nêu thì khuynh hướng nhận diện khái niệm thể loại của lý luận văn học đã tồn tại và được thừa nhận rộng rãi từ lâu trong giới nghiên cứu, thậm chí đã trở thành một tập quán, một thói quen (Thơ ca Việt Nam, hình thức và thể loại - Bùi Văn Nguyên, Hà Minh Đức [124]; Suy nghĩ về thể loại thơ song thất lục bát - Phan Ngọc [115]; Khảo và luận một số tác gia, tác phẩm văn học trung đại Việt Nam - Bùi Duy Tân [160]; Lục bát và song thất lục bát (lịch sử phát triển, đặc trưng thể loại) - Phan Diễm Phương [139]; Thể loại hát nói trong sự vận động của lịch sử văn học - Nguyễn Đức Mậu [110]; Thơ mới 1932 - 1945 nhìn từ sự vận động thể loại - Hoàng Sĩ Nguyên [121]; v.v…). Vì vậy, ở đây chúng tôi lựa chọn cách hiểu thể loại (hay thể, thể tài) với ý nghĩa là thể của loại. Và trong trường hợp này khái niệm thể loại được hiểu là thể thơ. Tên gọi “hệ thống thể loại truyền thống” ở đây được chấp nhận như một quy ước là “hệ thống thể thơ truyền thống trong Thơ mới”.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 183 trang tài liệu này.

Các thể loại văn học “là những phạm trù lịch sử. Nó chỉ xuất hiện vào một giai đoạn phát triển nhất định của văn học và sau đó biến đổi và được thay thế” (D.Likhachov, dẫn theo [60, 204]). Do đó, thể loại văn học luôn vừa mới, vừa cũ, vừa biến đổi, vừa ổn định. Thể loại văn học mang đặc điểm thời đại, đặc điểm dân tộc. Nó là “siêu cá thể” nhưng vẫn mang đặc điểm cá tính nhà văn, là nơi thể hiện rõ nhất đặc trưng của loại hình văn học. Có thể thấy rõ những điều này ở Thơ mới.

Hệ thống thể thơ của Thơ mới được định lượng cụ thể trong các bảng thống kê ở phần Phụ lục. Việc thống kê thể thơ của Thơ mới trong cùng một phạm vi tư

Hệ thống thể loại truyền thống trong Thơ Mới 1932 - 1945 - 5

liệu nêu ở phần Mở đầu đã có một số công trình nghiên cứu thực hiện. Tuy nhiên, kết quả thống kê giữa các công trình nghiên cứu này có sự chênh lệch nhau, thậm chí có những số liệu không chính xác. Sai khác này có nhiều nguyên nhân mà quan trọng nhất có lẽ là do tiêu chí phân loại thể thơ của người nghiên cứu. Thơ mới có sự tham gia đông đảo nhiều thể thơ, trong đó có những thể xác định được rõ ràng (LB, STLB, ĐL,...), có những thể khó xác định do hiện tượng giao thoa, cộng sinh giữa các thể xảy ra phổ biến. Các nhà thơ mới chịu ảnh hưởng pha trộn từ nhiều nguồn văn hóa Đông Tây, kim cổ và đã thí nghiệm kết hợp các thể thơ trong sự ảnh hưởng đó. Những thí nghiệm táo bạo này làm mờ đường biên ranh giới các thể thơ vốn có và nảy sinh những hiện tượng thể thơ mới. Ví dụ: có tác phẩm phần nhiều mang đặc trưng thể 8 chữ nhưng có sự tham gia một vài câu thuộc thể khác (Vội vàng - Xuân Diệu). Vậy nên gọi là thể 8 chữ hay hợp thể?; một số tác phẩm mang khuôn hình 4 câu 7 chữ (Em lấy chồng, Một nửa trăng - Hàn Mặc Tử), 8 câu 7 chữ (Bữa cơm quê - Đoàn Văn Cừ) nhưng mang thi pháp hoàn toàn hiện đại thì nên xếp vào thể thất ngôn tứ tuyệt / bát cú ĐL hay thể 7 chữ hiện đại?... Với tình hình này, những tiêu chí phân loại khác nhau sẽ cho những kết quả thống kê không giống nhau. Vì vậy, việc phân chia thể thơ ở đây chỉ mang tính tương đối. Xét riêng các thể thơ truyền thống, một số thể đi vào Thơ mới quá ít (HN, từ khúc, phú, văn tế) khiến các tác giả không lưu tâm và bỏ qua, hoặc đặt nó trong những thể khác. Khắc phục những hạn chế trên, lấy đặc trưng thể thơ (chức năng, nội dung, thi pháp) làm tiêu chí khoa học, chúng tôi đưa ra một hệ thống phân loại mới cố gắng với cái nhìn chính xác, khoa học, từng bước rút ngắn những sai số. Trong quá trình phân tích, luận giải, chúng tôi lấy số liệu thống kê từ tuyển tập Thơ mới 1932 - 1945, tác giả và tác phẩm [128] (bảng 1, Phụ lục) làm căn cứ chính, vì đây là công trình tập hợp đầy đủ, nghiêm túc nhất về Thơ mới hiện nay trên cơ sở nhiều văn bản gốc mới, đáng tin cậy. Các tuyển tập Thi nhân Việt Nam [175], 15 tuyển thơ tiêu biểu cho Thơ mới của Nxb Hội Nhà văn [129], tác giả, tác phẩm Thơ mới không phong phú bằng. Cuốn Việt Nam thi nhân tiền chiến [98] phạm vi khá rộng, bao gồm cả những tác giả, tác phẩm không thuộc Thơ mới, hoặc được sáng tác trước hoặc sau Thơ mới. Số liệu từ các công trình này chỉ dùng để tham khảo, đối chiếu.

Nhìn vào bảng thống kê có thể thấy hệ thống thể thơ mà phong trào Thơ mới sử dụng để sáng tác hết sức đa dạng, phong phú; chủ yếu quy tụ vào hai hệ thống lớn là: hệ thống thể thơ thuần Việt hệ thống thể thơ du nhập. Trong đó, phổ biến

nhất là các thể 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ, LB, hợp thể và tự do. Thể 5 chữ được khá nhiều nhà thơ sử dụng (5,6%). Thể 7 chữ phát triển mạnh nhất, đạt đỉnh về số lượng: 340 bài (31,72%). Hai thể thơ 5 chữ và 7 chữ vừa có nét gần gũi với thơ ngũ ngôn và thất ngôn CP, vừa phỏng dáng ngũ ngôn và thất ngôn ĐL, nhưng mềm mại hơn ở thanh điệu, ưa vần bằng hơn vần trắc, nhiều bài kết hợp hình thức chia khổ của thơ phương Tây. Thể 8 chữ đặc trưng bởi nhịp điệu uyển chuyển, số câu không hạn định, cách hiệp vần rộng rãi và khả năng biểu hiện hết sức sinh động. Đây là sáng tạo của các nhà thơ mới trên cơ sở khai thác và kế thừa hình thức HN của thơ ca dân tộc. Thể LB vẫn tiếp tục phát triển, ghi dấu bằng những sáng tác có giá trị, vừa mang dáng dấp ca dao, vừa mang những nhân tố mới của cấu tứ thơ ca thời hiện đại. STLB ít được dùng. Thể 4 chữ, trước thường dùng trong các bài vè, nói lối, nay được sử dụng trong nhiều sáng tác có giá trị nghệ thuật. Các thể thơ cũ du nhập từ Trung Hoa như thể hành, tứ tuyệt (thất ngôn tứ tuyệt và ngũ ngôn tứ tuyệt) và bát cú ĐL (thất ngôn bát cú và ngũ ngôn bát cú) ít được chú ý. “Thơ mới đã triệt hạ vai trò chủ soái của thể thất ngôn bát cú và tấn công vào mọi quy tắc ràng buộc về niêm, luật, kết cấu, đối của thơ cũ” [124, 120]. Các thể Thơ mới không còn bị ràng

bởi thi luật, câu, chữ, vần, điệu; trở nên phóng khoáng, tự do, thanh thoát hơn. Một số bài làm theo thể kịch thơ và số ít bài thơ văn xuôi xuất hiện, gây sự chú ý của người đọc. Các sáng tác kịch thơ tương đối dài. Hình thức phân vai và đối thoại giúp cho ý thơ đi xa hơn, đỡ đơn điệu hơn. Thơ văn xuôi là một thử nghiệm táo bạo của các nhà thơ mới. Một số ý kiến cho rằng bóng dáng của thơ văn xuôi đã có thể tìm thấy từ thơ Đông Hồ, Tương Phố, thậm chí xa hơn trong văn học trung đại ở các thể văn vần như phú, văn tế, các loại biền văn như hịch, cáo. Tuy nhiên, đến Thơ mới, cùng với thơ tự do, thơ văn xuôi mới được xem là một thể có diện mạo hoàn chỉnh, có tên rõ ràng. Đáng chú ý nhất là sự ra đời và phát triển khá mạnh của hình thức hợp thể và tự do. Hình thức hợp thể là sự kết hợp linh hoạt những dòng thơ và khổ thơ thuộc các thể thơ khác nhau trong cùng một bài (Hồ Dzếnh trong bài Phong Châu đã dùng thể 6 chữ, 7 chữ, 8 chữ cho những khổ thơ đầu và thể LB cho những khổ thơ sau). Hình thức hợp thể “chỉ là một dạng thức trên đường đi đến thơ tự do. Bản thân nó không tự xác định đầy đủ tư cách của một thể thơ độc lập và ổn định” [124, 121]. Còn thơ tự do hiểu đúng nghĩa là loại thơ không tuân theo quy tắc nào cả như các thể thơ cách luật. Số câu không hạn định, số chữ nhiều ít không đều, ngắt nhịp linh hoạt, vần có thể gieo vần trắc hoặc vần bằng, có thể gieo vần lưng,

vần chân, vần liền, vần gián cách, vần hỗn hợp hoặc không có vần nào cả. Thực tế, nhiều bài từ khúc của Tản Đà đã có dáng dấp, cách điệu tự do nhưng chưa vươn lên được một hình thức thơ ổn định. Thơ tự do chính thức được khởi phát từ phong trào Thơ mới và phát triển mạnh trong dòng thơ ca cách mạng sau 1945, nhất là những năm đầu kháng chiến. Cùng với thể 8 chữ, thơ tự do là thể thơ của loại hình thơ hiện đại, giàu tính sáng tạo của các nhà thơ mới. Trong Thơ mới có những câu thơ dài ngắn đan xen và không hiệp vần theo quy củ hợp thành bài thơ, có khi là những câu dài câu ngắn khoảng 2, 3, 4 chữ (Thi vị - Bích Khê). Khoảng 8 đến 10, 11, 12 chữ (thơ Nguyễn Vĩ, Mộng Sơn); thậm chí 15, 16 chữ (thơ Nguyễn Thị Manh Manh); có khi là những bài thơ mang hình thức lạ, tạo ấn tượng thị giác mạnh mẽ: hình nón, hình giọt nước, hình cánh chim bay, v.v... Tóm lại, Thơ mới đã kế thừa và phát triển các thể thơ cổ truyền dân tộc, tân tạo các thể thơ du nhập, đồng thời sáng tạo nên những hình thức thể thơ mới thích hợp biểu hiện dòng cảm xúc mới của thời đại.

2.2. Vị thế của các thể truyền thống trong “bảng” thể thơ của Thơ mới

2.2.1. Một vài giới thuyết về thể thơ truyền thống trong Thơ mới

Tên gọi khoa học chính xác, đầy đủ của luận án là: Hệ thống thể loại truyền thống trong Thơ mới 1932 -1945. Từ góc nhìn loại hình - thể loại trong tương quan truyền thống và hiện đại có thể phân xuất thể thơ của Thơ mới thành hai hệ thống lớn: hệ thống thể thơ truyền thống hệ thống thể thơ hiện đại (ở từng hệ thống đều bao hàm cả hai loại du nhập và thuần Việt). Vì vậy, đầu tiên, cần phải xác định và thống nhất nội hàm cho các khái niệm cơ bản liên quan đến đề tài trước khi đi vào vấn đề nghiên cứu, bao gồm: khái niệm “thể thơ truyền thống”, “thể thơ truyền thống du nhập (ngoại nhập) / vay mượn”, “thể thơ truyền thống nội sinh / thuần Việt”; đồng thời lựa chọn định danh (tên gọi) cho từng hệ thống thể thơ.





, vận động, và phát triể .

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 04/10/2023