2. Tình hình nghiên cứu và tính mới của đề tài
Pháp luật về thừa kế nói chung ở Việt Nam đã có nhiều công trình nghiên cứu dưới dạng cử nhân luật, tiến sỹ luật học, thạc sỹ luật học. Những công trình đó thường tập trung nghiên cứu một vấn đề chung như thừa kế theo di chúc, thừa kế theo pháp luật, thừa kế thế vị, di sản thừa kế…, đó là các công trình nghiên cứu của tiến sỹ Phùng Trung Tập về thừa kế theo pháp luật của công dân Việt Nam từ năm 1945 đến nay; Công trình nghiên cứu của tiến sỹ Phạm Văn Tiếp về thừa kế theo di chúc và thực tiễn áp dụng; Công trình nghiên cứu của tiến sỹ Nguyễn Minh Tuấn về nguyên tắc chung của pháp luật thừa kế; luận văn tiến sỹ luật học của Trần Thị Huệ về di sản thừa kế…vv.
Những công trình đó nghiên cứu ở diện rộng và chung nhất về thừa kế theo pháp luật và thừa kế theo di chúc, học viên chọn đề tài “Giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất theo thủ tục tố tụng dân sự” là một đề tài hoàn toàn mới chỉ nghiên cứu về tố tụng, qua đó thấy được tiến trình giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất theo thủ tục tố tụng dân sự.
Luận văn là công trình đầu tiên nghiên cứu có tính chất chuyên sâu và có hệ thống về thủ tục tố tụng giải quyết tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất chưa được nghiên cứu ở cấp độ thạc sỹ hay tiến sỹ.
3. Mục đích nghiên cứu và nhiệm vụ của luận văn
Mục đích của luận văn là tập trung nghiên cứu pháp luật tố tụng dân sự về giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất. Trên cơ sở đó, phân tích, đánh giá thực trạng áp dụng pháp luật, thực tiễn giải quyết giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất tại Tòa án các cấp. Đồng thời, đề xuất một số ý kiến, giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật trong quá trình giải quyết các tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất tại Việt Nam hiện nay.
Để thực hiện mục đích trên, luận văn có những nhiệm vụ sau:
- Nghiên cứu pháp luật giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất theo thủ tục tố tụng dân sự;
- Nghiên cứu, đánh giá thực trạng giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất và thực tiễn giải quyết tranh chấp tại Tòa án các cấp;
- Đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất và thực tiễn giải quyết tranh chấp tại Tòa án các cấp.
Có thể bạn quan tâm!
- Giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất theo thủ tục tố tụng dân sự - 1
- Đặc Trưng Về Việc Xác Định, Xác Minh Các Tài Liệu, Chứng Cứ Để Giải Quyết Tranh Chấp Thừa Kế Quyền Sử Dụng Đất
- Cơ Sở Khoa Học Của Việc Xây Dựng Các Quy Định Pháp Luật Về Giải Quyết Tranh Chấp Thừa Kế Quyền Sử Dụng Đất
- Khởi Kiện Và Thụ Lý Giải Quyết Tranh Chấp Thừa Kế Quyền Sử Dụng Đất
Xem toàn bộ 88 trang tài liệu này.
4. Phạm vi nghiên cứu
Luận văn không đề cập sâu đến quy định pháp luật nội dung về thừa kế quyền sử dụng đất mà chỉ tập trung nghiên cứu các quy định pháp luật tố tụng dân sự về giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất và các quy định của pháp luật nội dung liên quan đến các vấn đề về tố tụng.
Luận văn không nghiên cứu về các nhóm đất nói chung mà chỉ giới hạn nghiên cứu nhóm đất ở - là di sản thừa kế, đối tượng tài sản được giải quyết trong tranh chấp thừa kế. Do vậy, thuật ngữ “quyền sử dụng đất” sử dụng trong phạm vi luận văn này được hiểu là quyền sử dụng đất ở.
Luận văn chỉ tập trung nghiên cứu trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất tại Tòa án cấp xét xử sơ thẩm. Trong phạm vi nghiên cứu, luận văn không đề cập đến việc giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất tại Tòa án cấp phúc thẩm cũng như thủ tục giám đốc thẩm và thủ tục tái thẩm.
5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
Luận văn dựa trên phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp luật, các quan điểm của Đảng, Nhà nước về bảo vệ pháp luật thừa kế nói chung và pháp luật thừa kế quyền sử dụng đất nói riêng.
Luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, như: phương pháp kết hợp lý luận với thực tiễn, phương pháp phân tích và tổng hợp, phương pháp so sánh, thống kê, hệ thống hóa...
6. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Mục lục và Danh mục tài liệu tham khảo, luận văn kết cấu gồm 3 chương.
Chương 1: Khái quát chung về giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất theo thủ tục tố tụng dân sự
Chương 2: Pháp luật về giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất theo thủ tục tố tụng dân sự
Chương 3: Thực tiễn giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất và một số kiến nghị
Chương 1
KHÁI QUÁT CHUNG VỀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP THỪA KẾ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT THEO THỦ TỤC TỐ TỤNG DÂN SỰ
1.1. Khái niệm giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất theo thủ tục tố tụng dân sự
Tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất đang là tranh chấp ngày càng phổ biến hiện nay. Để hiểu một cách toàn diện và đúng khái niệm giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất theo thủ tục tố tụng dân sự thì cần phải nhìn nhận khái niệm này dưới nhiều góc độ khác nhau.
Trong phạm vi luận văn, tác giả nghiên cứu về giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất theo thủ tục tố tụng dân sự, do vậy trước hết phải hiểu khái niệm tố tụng dân sự là gì? Theo từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh: "tố tụng là việc thưa kiện (procès)", "tố tụng pháp lý là việc pháp luật quy định những thủ tục về cách tố tụng (code deprocédure)" [1, tr.302]. Sách Tiếng nói nôm na của Lê Gia [2, tr.1027-1028], dẫn giải 30.000 từ tiếng Việt thường dùng có liên quan đến từ Hán Việt giải thích chi tiết hơn: "Tố tụng" là vạch tội và đưa ra cửa công để phân giải phải trái. Hiểu một cách đơn giản: "Tố tụng" là việc thưa kiện ở Tòa án. Từ sự phân tích này, cùng với sự nhìn nhận khái quát về các tranh chấp dân sự hiện nay, có thể hiểu tố tụng dân sự là trình tự, thủ tục giải quyết các vụ việc dân sự tại Tòa án. Hiện nay, có quan điểm cho rằng tố tụng dân sự là trình tự, thủ tục giải quyết các vụ việc dân sự tại Tòa án; trình tự, thủ tục thi hành án dân sự, tác giả đồng tình với quan điểm này, song trong phạm vi luận văn này tác giả chỉ nghiên cứu trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất theo thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án.
Hoạt động tố tụng dân sự được thực hiện bởi hai loại chủ thể khác
nhau, đó là người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng. Nếu thiếu một trong hai loại chủ thể nêu trên thì sẽ không hình thành quan hệ tố tụng.
Về khái niệm tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất. Thừa kế quyền sử dụng đất được hiểu là việc dịch chuyển quyền sử dụng đất của người chết cho người khác theo di chúc hoặc theo pháp luật. Người thừa kế sẽ trở thành chủ sở hữu hợp pháp đối với quyền sử dụng đất do người chết để lại và được pháp luật bảo hộ. Còn tranh chấp được hiểu là sự xung đột các quyền và lợi ích của các chủ thể trong xã hội. Như vậy, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất là những mâu thuẫn, xung đột về quyền và lợi ích của những đối tượng được nhận thừa kế liên quan đến di sản là quyền sử dụng đất.
Tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất có hai loại: Tranh chấp về quyền thừa kế quyền sử dụng đất và tranh chấp về thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại. Tranh chấp về quyền thừa kế bao gồm: Yêu cầu chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất, quyền yêu cầu xác nhận quyền thừa kế quyền sử dụng đất của mình hoặc quyền yêu cầu bác bỏ quyền thừa kế quyền sử dụng đất của người khác. Trong đó, tranh chấp về chia thừa kế quyền sử dụng đất là mâu thuẫn, bất đồng ý kiến về quyền hưởng di sản thừa kế quyền sử dụng đất theo di chúc hoặc pháp luật giữa những người thừa kế tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất. Theo đó, chủ thể có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất theo thủ tục tố tụng dân sự là Tòa án.
Như vậy, giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất theo thủ tục tố tụng dân sự là việc Tòa án có thẩm quyền áp dụng các quy định của pháp luật dân sự, pháp luật đất đai để giải quyết mâu thuẫn về quyền thừa kế hoặc thực hiện vụ về tài sản do người chết để lại theo trình tự, thủ tục do pháp luật tố tụng dân sự quy định.
Trường hợp yêu cầu công nhận thỏa thuận phân chia thừa kế quyền sử dụng đất thì thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND hoặc văn phòng công
chứng. Về mặt nội dung, giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất theo thủ tục tố tụng dân sự là giải quyết những mẫu thuẫn về quyền thừa kế hay mâu thuẫn khi thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại. Tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất được giải quyết theo một trình tự, thủ tục quy định tại BLTTDS 2004, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS năm 2011 (sau đây gọi chung là BLTTDS).
1.2. Đặc trưng của giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất theo thủ tục tố tụng dân sự
Giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất theo thủ tục tố tụng dân sự, bao gồm những đặc trưng sau đây:
1.2.1. Đặc trưng về thẩm quyền giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất
Tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất là một loại tranh chấp dân sự đặc thù bởi nó vừa chịu sự điều chỉnh của quan hệ pháp luật thừa kế nhưng đồng thời cũng chịu sự điều chỉnh của quan hệ pháp luật đất đai. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật hiện hành, việc xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất căn cứ theo quy định của BLTTDS. Theo đó, Tòa án là cơ quan duy nhất có thẩm quyền giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất theo thủ tục tố tụng dân sự. Di sản thừa kế - tài sản trong tranh chấp này cũng là quyền sử dụng đất nhưng việc xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp căn cứ theo quy định của BLTTDS. Mặt khác, UBND cũng không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất, đây là điểm khác biệt về thẩm quyền giải quyết so với các loại tranh chấp khác có liên quan đất đai. UBND hoặc Văn phòng công chứng chỉ có thẩm quyền công nhận, công chứng thỏa thuận phân chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất. Đây không phải là việc giải quyết tranh chấp mà chỉ là một hành vi pháp lý công nhận hoặc công chứng một sự kiện pháp lý trên cơ sở sự thống nhất và thỏa thuận của bên trong quan hệ pháp luật thừa kế.
1.2.2. Đặc trưng về đương sự trong giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất
Theo quy định tại khoản 1, Điều 56 BLTTDS: “Đương sự trong vụ án dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” [6]. Như vậy, đương sự trong vụ án dân sự nói chung gồm 3 đối tượng. Nguyên đơn là người khởi kiện hoặc được cá nhân, cơ quan, tổ chức khác do BLTTDS quy định khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự. Bị đơn là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác do BLTTDS quy định khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Toà án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng.
Cũng như các vụ án tranh chấp dân sự khác, đương sự trong vụ án tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất tất nhiên cũng gồm nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, đương sự trong vụ án tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất có những đặc thù riêng, họ thường là những người thân trong một gia đình hoặc dòng tộc, họ có quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân hoặc quan hệ nuôi dưỡng. Đương sự trong vụ án tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất thường là những người anh, em hoặc cha, mẹ với các con trong một gia đình, khi không thể tự thỏa thuận phân chia quyền sử dụng đất hoặc việc thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại họ khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết. Cũng chính vì đặc thù trên, nên các vụ án tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất thường có nhiều đương sự, họ có thể ủy quyền cho một trong số các đồng nguyên đơn tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện theo ủy quyền. Tuy nhiên, việc ủy quyền này chỉ được Tòa án chấp nhận sau khi Tòa án đã thụ lý vụ án và được thực hiện theo đúng trình tự thủ tục do pháp luật quy định.
Như đã phân tích ở trên, đương sự trong vụ án tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất là những người cùng trong diện, hàng thừa kế, họ có quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân hoặc quan hệ nuôi dưỡng và những mối quan hệ này thường đa dạng, phức tạp và trải qua một khoảng thời gian rất dài, do vậy, việc xác định đương sự tham gia tố tụng là rất khó khăn. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào loại tranh chấp thừa kế theo di chúc hay thừa kế theo pháp luật mà việc xác định đương sự trong vụ án cũng khác nhau. Đó là chưa kể đến trường hợp những vụ án đặc biệt phức tạp, chẳng hạn người chết có để lại di chúc nhưng di chúc đó chỉ có hiệu lực một phần, khi đó Tòa án sẽ phải xác định rõ những đối tượng được hưởng di sản theo di chúc và những đối tượng được hưởng di sản theo pháp luật, do đó, đương sự trong vụ án cũng sẽ đa dạng và phức tạp hơn. Như vậy, xác định đương sự trong vụ án tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất là rất quan trọng đối với việc giải quyết vụ án đúng và hiệu quả. Tòa án xác định sai dẫn đến việc triệu tập đương sự tham gia vụ án không đầy đủ sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả giải quyết vụ án mà cụ thể là bản án sẽ tuyên tại tòa. Xác định sai đương sự tham gia vụ án là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng có thể dẫn việc bản án đã tuyên của Tòa án bị hủy. Chính vì vậy, việc lập sơ đồ, thống kê một cách đầy đủ và chính xác hàng thừa kế là rất quan trọng. Để thực hiện được vấn đề này, cần phải xem xét nhiều văn bản, tài liệu khác nhau như giấy khai sinh, giấy tờ liên quan đến nhận nuôi con nuôi, giấy đăng ký kết hôn… Việc kiểm tra, xác minh các giấy tờ này càng trở nên khó khăn, mất nhiều thời gian, chi phí hơn khi đối tượng thừa kế thuộc diện, hàng thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
1.2.3. Đặc trưng về áp dụng pháp luật trong giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất
Như đã nói, tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất là một loại tranh chấp dân sự đặc thù, về bản chất là tranh chấp thừa kế nhưng tài sản tranh