Đặc Trưng Về Việc Xác Định, Xác Minh Các Tài Liệu, Chứng Cứ Để Giải Quyết Tranh Chấp Thừa Kế Quyền Sử Dụng Đất

chấp lại là quyền sử dụng đất. Do đó, để giải quyết loại tranh chấp này cần áp dụng nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Luật Đất đai, Bộ luật Dân sự; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Nuôi con nuôi; Bộ luật Tố tụng dân sự... Chẳng hạn, để xác định chính xác những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người để lại di sản thì cần tham chiếu quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Nuôi con nuôi để xác định quan hệ hôn nhân, quan hệ cha, mẹ và con, quan hệ nuôi dưỡng đúng theo quy định của pháp luật. Mặt khác, để xác định di sản là quyền sử dụng đất do người chết để lại có hợp pháp hay không? Nguồn gốc diễn biến quá trình sử dụng đất ra sao cần căn cứ vào những quy định của Bộ luật dân sự, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành. Do đó, nghiên cứu một cách toàn diện, đầy đủ và thống nhất các văn bản pháp luật có liên quan khi giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất là rất quan trọng, có vai trò quyết định trong việc giải quyết vụ án đúng và hiệu quả. Tuy nhiên, hệ thống các văn bản pháp luật áp dụng trong việc giải quyết các tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất thường có nhiều biến động qua các thời kỳ, nhiều văn bản còn mâu thuẫn, không thống nhất cũng gây khó khăn cho việc giải quyết tranh chấp.

1.2.4. Đặc trưng về việc xác định, xác minh các tài liệu, chứng cứ để giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất

Xác định tài liệu, chứng cứ luôn là một vấn đề quan trọng bậc nhất để giải quyết các vụ án dân sự. Trong vụ án tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất thì việc xác định, xác minh tài liệu, chứng cứ là rất khó khăn và phức tạp. Khi giải quyết loại tranh chấp này, Tòa án cần xác định đầy đủ đương sự tham gia tố tụng, xác định di sản thừa kế và định giá di sản chính xác, xác minh được nguồn gốc, diễn biến quá trình sử dụng đất – là di sản thừa kế đang có tranh chấp. Muốn lập hồ sơ vụ án với đầy đủ chứng cứ để giải quyết vụ án khách quan đúng theo quy định pháp luật thì Tòa án cần thu thập chứng cứ từ nhiều

nguồn khác nhau. Chứng cứ của vụ án có thể là những tài liệu do nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cung cấp. Chứng cứ có thể do Luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho đương sự cung cấp cho Tòa. Đồng thời, Tòa án cũng cần phải tự mình tiến hành xác minh từ những cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được chính xác nội dung vụ việc hoặc họ có lưu giữ những tài liệu có thể được sử dụng làm chứng cứ để giải quyết vụ án. Tuy nhiên, vì đa phần các tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất đều diễn ra trong khoảng thời gian rất lâu, do vậy việc xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án sẽ gặp không ít khó khăn. Trong thực tế, Tòa án thường xác minh, thu thập chứng cứ từ chính quyền địa phương, nhưng do thời gian quá lâu nên những người cán bộ địa phương có thể đã chết hoặc không còn công tác, thậm chí tài liệu chứng cứ cũng không được lưu trữ tại địa phương hoặc có lưu trữ nhưng cũng bị thất lạc, gây khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án.

Trong các chứng cứ để giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất thì việc xác định nguồn nguồn gốc, diễn biến quá trình sử dụng đất là một trong các chứng cứ quan trọng nhất. Cũng cần lưu ý xác định như di sản đó thuộc tài sản chung hay tài sản riêng của người để lại di sản? đất có bị tranh chấp hay không, được xác lập từ khi nào?..vv Tất cả những vấn đề này đều phải được Tòa án xem xét một cách kỹ lưỡng và toàn diện đồng thời tham chiếu các quy định pháp luật có liên qua khi giải quyết vụ án. Ngoài ra, khi tiến hành giải quyết tranh chấp trên cơ sở xác minh giấy tờ, tài liệu về nguồn gốc đất thì Tòa án cần phải có sơ đồ chi tiết diện tích đất, nhất là trường hợp các đồng thừa kế cùng ở trên một thửa đất. Việc phân chia phải có sơ đồ kèm theo phần quyết định của bản án. Mốc giới phân chia, lối đi, việc xây tường ngăn… cũng cần phải tuyên cụ thể và chính xác tránh việc nhầm lẫn. Trong thực tế, một số bản án quyết định phân chia quyền sử dụng đất cho các đương sự rất chung chung, mốc giới không rõ ràng, vẽ sơ đồ cẩu thả, tẩy xoá… dẫn

đến việc khó có thể thi hành án hoặc không thi hành án được. Bên cạnh đó, vấn đề đo đạc, định giá, thẩm định tại chỗ để làm cơ sở cho việc giải quyết các tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất cũng gặp nhiều khó khăn do đương sự không hợp tác, có hành vi chống đối gay gắt làm cho hoạt động đo đạc không thể thực hiện được.

1.2.5. Đặc trưng về trình tự, thủ tục giải quyết các tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất

Tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất được Tòa án giải quyết theo một trình tự, thủ tục nhất định trên cơ sở quy định của BLTTDS. Quy định này thể hiện sự chặt chẽ của pháp luật nhằm đảm bảo việc giải quyết các tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất được chính xác, khách quan, công bằng và hiệu quả. Trình tự, thủ tục giải quyết các tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất cũng giống như trình tự thủ tục giải quyết vụ án dân sự nói chung song nó có những đặc thù riêng. Khi tiến hành thụ lý giải quyết vụ tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất theo thủ tục tố tụng dân sự, Tòa án cũng cần phải xem xét các điều kiện thụ lý vụ án như: điều kiện về chủ thể khởi kiện, điều kiện về thẩm quyền giải quyết, điều kiện về hình thức và nội dung đơn khởi kiện, điều kiện về các tài liệu chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện, điều kiện tạm ứng án phí. Việc xác định thẩm quyền của Tòa án giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất cũng là một đặc trưng của loại tranh chấp này. Thông thường, đối với những vụ án tranh chấp dân sự liên quan đến bất động sản thì Tòa án nơi có bất động sản sẽ là Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành, đối với những vụ án tranh chấp thừa kế mà di sản thừa kế là quyền sử dụng đất thì thẩm quyền giải quyết vẫn thuộc về Tòa án nơi bị đơn cư trú hoặc theo thỏa thuận của đương sự. Một đặc trưng khác khi tiến hành thụ lý vụ án tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất là việc xác định các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện. Tài liệu, chứng

cứ gửi kèm theo đơn khởi kiện thường là di chúc, giấy khai sinh, giấy chứng tử, giấy đăng ký kết hôn, văn bản xác nhận quan hệ nuôi con nuôi, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các văn bản khác chứng minh quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân, quan hệ nuôi dưỡng, nguồn gốc đất…vv. Tiếp theo, Tòa án sẽ tiến hành thủ tục chuẩn bị xét xử để giải quyết vụ án bằng việc ra thông báo thụ lý vụ án, lập sơ đồ huyết thống, xác minh, thu thập chứng cứ.

Một đặc trưng nữa về trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất đó là về thủ tục tiền tố tụng. Theo đó, việc hòa giải tiền tố tụng tại cấp xã, phường, thị trấn không phải là điều kiện bắt buộc để Tòa án thụ lý đối với tranh chấp này. Tòa án chỉ tiến hành hòa giải tại tòa để khuyến khích các đương sự tự thỏa thuận với nhau trong việc giải quyết vụ án. Đây là điểm khác biệt so với các vụ án tranh chấp về đất đai khác như tranh chấp lối đi, ranh giới, tranh chấp chia tài sản chung là quyền sử dụng đất hay tranh chấp hợp đồng liên quan đến quyền sử dụng đất.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 88 trang tài liệu này.

Tại cấp sơ thẩm, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất được tiến hành từ khâu nhận đơn khởi kiện; thụ lý vụ án; chuẩn bị xét xử; phiên tòa sơ thẩm. Tại cấp phúc thẩm Tòa án sẽ tiến hành kiểm tra tính hợp lệ của kháng cáo, kháng nghị chuẩn bị xét xử phúc thẩm; xem xét việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị, triệu tập những người tham gia tố tụng, mở phiên tòa phúc thẩm …vv. Trong vụ án tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất lý do kháng cáo, kháng nghị thường là những vi phạm tố tụng của Tòa án cấp sơ thẩm như bỏ sót đương sự, xác định sai di sản, sai sót về định giá…vv. Cũng như các vụ án tranh chấp dân sự khác, các bản án phúc thẩm của Tòa án khi giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất cũng có thể bị kháng nghị để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm nếu có các căn cứ pháp lý theo quy định của BLTTDS. Chẳng hạn, khi có căn cứ chứng minh Tòa án cấp phúc thẩm đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng thì đương sự có

quyền làm đơn gửi đến Chánh án TANDTC hoặc Viện trưởng VKSNDTC đề nghị ra kháng nghị để xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.

Giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất theo thủ tục tố tụng dân sự - 3

1.3. Sơ lược lịch sử hình thành và phát triển của pháp luật về giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất theo thủ tục tố tụng dân sự

Tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất về bản chất là một tranh chấp thừa kế nhưng lại có sự đan xen với quan hệ pháp luật đất đai bởi vì di sản thừa kế - đối tượng tài sản có tranh chấp là quyền sử dụng đất. Do đó, có rất nhiều văn bản pháp luật cùng tham gia điều chỉnh quan hệ tranh chấp này như: Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình, Bộ luật Tố tụng dân sự... Vì vậy, khi nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển của pháp luật giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất cần phải xem xét một cách toàn diện tất cả các văn bản pháp luật có liên quan điều chỉnh quan hệ pháp luật này. Theo đó, lịch sử hình thành phát triển của pháp luật về giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất theo thủ tục tố tụng dân sự trải qua các giai đoạn chính sau đây.

1.3.1. Giai đoạn 1945 - 1989

Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công đã đánh dấu một bước ngoặt mới trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời. Từ những ngày đầu thành lập, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật mới trong đó có nhiều quy phạm về tố tụng dân sự dưới hình thức các sắc lệnh. Tuy nhiên các quy phạm pháp luật tố tụng này không được quy định trong cùng một văn bản mà mỗi một vấn đề tố tụng được quy định bởi một sắc lệnh riêng, chẳng hạn: Sắc lệnh số 51 ngày 17/4/1946 ấn định thẩm quyền các Tòa án; Sắc lệnh số 144/SL ngày 22/12/1949 mở rộng quyền bào chữa cho các đương sự….

Sau cách mạng tháng 8/1945, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã ban hành Sắc lệnh số 47 ngày 10/10/1945 cho giữ tạm thời các luật lệ hiện

hành của chế độ cũ, nếu nó không trái với nguyên tắc “ Độc lập của nước Việt Nam và chủ thể dân chủ cộng hòa”. Giải quyết các tranh chấp về thừa kế trong thời kỳ này chủ yếu vẫn áp dụng những bộ luật dân sự của từng miền. Ở miền nam là Bộ luật dân sự Nam Kỳ giản yếu ( ra đời năm 1883), ở miền Bắc là bộ dân luật Bắc Kỳ (ra đời năm 1931) và tại Trung Kỳ là bộ dân luật Trung Kỳ (Hoàng Việt Trung Kỳ hộ luật ra đời năm 1936). Đến cuối năm 1953, Quốc hội thông qua luật cải cách ruộng đất và từng bước triển khai cuộc cải cách ruộng đất miền Bắc. Đến tháng 7/1956, công cuộc cải cách ruộng đất cơ bản hoàn thành. Kết quả là quyền sở hữu ruộng đất của địa chủ, phong kiến bị thủ tiêu, quyền sở hữu ruộng đất đã chuyển sang cho nông dân, cá thể, chủ yếu là tầng lớp trung, bần nông. Song sở hữu tư nhân về ruộng đất chỉ tồn tại và chiếm ưu thế trong một thời gian rất ngắn. Từ năm 1958, Đảng chủ trương tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh hợp tác hóa nông nghiệp. Quyền sở hữu ruộng đất trên danh nghĩa là sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể do hợp tác xã quản lý, xã viên chỉ là người làm thuê cho hợp tác xã. Do đó, trong thời kỳ này chưa có khái niệm về quyền sử dụng đất và cho đến trước khi Luật Đất đai 1988 ra đời thì những tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất không xảy ra.

Sau năm 1954, đất nước bị chia cắt thành hai miền Nam, Bắc. Ở miền Nam, nhà lập pháp của chế độ Sài Gòn đã pháp điển hoá các quy định về tố tụng dân sự và xây dựng Bộ luật dân sự thương sự tố tụng năm 1972. Tuy nhiên, năm 1975 đất nước thống nhất, do vậy các quy định của Bộ luật này cũng không được áp dụng nữa. Ở miền Bắc, do hoàn cảnh lịch sử để lại, cho nên trong một thời gian tương đối dài (1954 – 1989) chúng ta chưa có một văn bản chính thức về tố tụng dân sự, các vấn đề liên quan đến thủ tục kiện tụng về dân sự chỉ được quy định tản mạn trong các văn bản hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao.

Để hình thành những quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp

thừa kế quyền sử dụng đất hiện nay, trong giai đoạn này đánh dấu sự ra đời của các văn bản pháp luật mang tính chất quan trọng. Theo đó, sự đổi mới cơ chế và mở cửa đất nước đã thúc đẩy sự ra đời của văn bản về thủ tục tố tụng trong lĩnh vực tư pháp dân sự: Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989. Cùng với đó, là sự ra đời của thông tư số 81-TAND ngày 24/7/1981 của TANDTC hướng dẫn các Tòa án địa phương giải quyết các tranh chấp về thừa kế. Đến tháng 1/1988, Luật Đất đai đầu tiên được ban hành, tạo nên hình hài của chế độ sở hữu đất đai mới ở Việt Nam, với 3 loại quyền cơ bản về đất đai: quyền sở hữu, quyền quản lý và quyền sử dụng. Lần đầu tiên, kể từ sau tập thể hóa nông nghiệp miền Bắc trong những năm 1958 – 1960, khẩu hiệu “ Người cày có ruộng” lại có được một ý nghĩa thiết thực đối với người nông dân: Ruộng đất tuy vẫn thuộc sở hữu Nhà nước, song gia đình nông dân được giao ruộng đất sử dụng ổn định lâu dài, được quyền cho thuê, thế chấp, chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế theo những điều kiện do pháp luật quy định.

Như vậy, trong giai đoạn 1945 – 1989, những văn bản pháp luật về giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất còn khá tản mạn, không có văn bản hệ thống điều chỉnh. Trong giai đoạn đầu, các tranh chấp dân sự vẫn được giải quyết trên cơ sở quy định của Bộ dân luật Bắc kỳ, Bộ dân luật Trung kỳ và Bộ luật dân sự Nam kỳ giản yếu. Trong giai đoạn này, Luật Đất đai năm 1988 và Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989 ra đời đã ghi dấu ấn và đặt nền móng cho việc giải quyết các tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất. Đây thực sự là những văn bản đặt nền tảng cơ bản cho việc phát triển các quy định pháp luật về giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất.

1.3.2. Giai đoạn 1989 - 2004

Năm 1989 đã đánh dấu bước ngoặt lớn trong sự phát triển của pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam bằng sự ra đời của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các

vụ án dân sự. Đây là văn bản pháp luật quy định một cách có hệ thống về thủ tục giải quyết các vụ việc dân sự và có hiệu lực pháp lý cao. Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự gồm có 15 chương, 88 điều quy định về thủ tục khởi kiện, điều tra, hòa giải các vụ án dân sự. Cùng với việc ban hành Pháp lệnh thủ tục giải quyết vụ án dân sự thì ngay sau đó là sự ra đời của Pháp lệnh thi hành án dân sự (năm 1993); Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế (năm 1994); Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động (năm 1996)… Các pháp lệnh này được ban hành nhằm thể chế hóa thủ tục giải quyết các tranh chấp trong từng lĩnh vực riêng nên đã làm hệ thống pháp luật tố tụng dân sự của Việt Nam giai đoạn này thiếu tập trung, không đồng bộ và còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như các đương sự khi tham gia giải quyết các tranh chấp.

Ngày 30/8/1990, Pháp lệnh thừa kế được ban hành với 5 chương và 38 điều, đây là văn bản pháp luật có tính hệ thống đầu tiên quy định về trình tự thủ tục giải quyết các tranh chấp thừa kế. Đồng thời, với sự ra đời đặc biệt quan trọng của Luật Đất đai 1993 và sau đó là Luật Đất đai 2003, đây là sự tiếp tục hoàn thiện chế độ sở hữu toàn dân về đất đai đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980 và Luật Đất đai năm 1988. Sau nhiều lần sửa đổi, ban hành, hệ thống pháp luật về đất đai ở Việt Nam vẫn nhất quán khẳng định chế độ toàn dân về đất đai với 3 quyền cơ bản.

1.3.3. Giai đoạn 2004 đến nay

Sự ra đời của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, sau đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS năm 2011 có hiệu lực thay thế tất cả các pháp lệnh về thủ tục giải quyết các vụ án dân sự 1989; pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế 1994; pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động 1996. Bộ luật tố tụng dân sự 2004 bao gồm 36 chương, 418 điều đã quy định khá chi tiết và cụ thể về trình tự, thủ tục giải quyết các loại tranh chấp

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 25/11/2023