bàn tương đối nhiều, thông thường tài sản tranh chấp là nhà, đất và các tài sản gắn liền với đất. Các tài sản này thường có giá trị lớn, phục vụ nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của mỗi người nên tranh chấp xảy ra thường quyết liệt, gay gắt, trong khi pháp luật quy định về đăng ký sở hữu và giải quyết tranh chấp được ở nhiều văn bản khác nhau nên việc giải quyết tranh chấp gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Hơn nữa, Điện Bàn là địa phương còn nghèo, lao động chủ yếu bằng nghề nông nên đất đai còn là phương tiện để sản xuất, lao động của người dân, trong khi mô hình gia đình ở đây thường sống theo kiểu gia đình nhiều thế hệ. Việc quản lý, sử dụng tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng với gia đình chồng (vợ) rất khó phân biệt nên quá trình giải quyết tranh chấp gặp nhiều khó khăn.
Trường hợp yêu cầu chia tài sản khi ly hôn giữa bà Hoàng Thị Phượng và ông Nguyễn Đức Kính là một ví dụ.
Bà Phượng và ông Kính cưới nhau vào năm 1975 dưới sự chứng kiến của hai bên gia đình. Sau khi cưới, vợ chồng bà sinh sống tại Tp. Đà Nẵng đến năm 1976 thì về quê ông Kính tại thôn Bồ Mưng 3, xã Điện Thắng Bắc, huyện Điện Bàn sinh sống cùng gia đình ông Kính và đã có 4 con chung, hiện tại còn 1 cháu chưa đủ 18 tuổi.
Đến năm 2009, vợ chồng phát sinh mâu thuẫn nên bà Phượng bỏ đi Tp. Hồ Chí Minh sống với con thứ hai. Năm 2010, bà Phượng làm đơn xin ly hôn ông Kính. Bà Phượng cho rằng tài sản chung của vợ chồng có 01 ngôi nhà xây trên diện tích đất còn lại 907m2 (vợ chồng đã chuyển nhượng một phần cho người khác); phần đất này cha mẹ ông Kính đã cho vợ chồng bà và đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên hộ Nguyễn Đức Kính. Ngoài ra, còn có tiền mặt gởi Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu
– Chi nhánh Đà Nẵng 110 triệu đồng; 01 chiếc xe máy và một số thửa đất lúa. Bà Phượng yêu cầu được chia đôi số tài sản trên và có nguyện vọng nhận ngôi nhà để ổn định chỗ ở và nuôi con.
Ông Kính khai rằng tài sản chung của vợ chồng chỉ có một số thửa đất nông nghiệp, ngoài ra không có gì nữa. Mảnh đất mà bà Phượng tranh chấp là tài sản của cha mẹ ông, ông chỉ đứng ra kê khai đăng ký vì thời điểm đó cha ông đã mất, mẹ ông già yếu nên được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chứ thực chất cha mẹ chưa cho vợ chồng ông mảnh đất này. Riêng ngôi nhà được xây trên đất của cha mẹ ông, trong đó có sử dụng một số gỗ và gạch cũ của cha mẹ để làm nhà mới có giá trị 22 triệu đồng, tiền lót gạch men 20 triệu đồng là tiền bán đất của cha mẹ, tiền làm nhà là của ông dành dụm có được chứ không có sự đóng góp công sức của bà Phượng. Đối với số tiền gửi tiết kiệm và chiếc xe máy là tài sản có được do ông bán đất của cha mẹ, sau khi cho con ông 100 triệu đồng để làm đám cưới, làm mồ mả cho ông bà hết 80 triệu và mua chiếc xe để đi lại, số tiền còn lại 110 triệu đồng ông gửi Ngân hàng để lo giỗ, chạp cho ông bà. Số tiền này không phải là tài sản của vợ chồng.
Người có quyền lợi liên quan, bà Nguyễn Thị Mười (em ruột ông Kính) cho rằng toàn bộ diện tích đất còn lại 907m2 là của cha mẹ bà để lại, trong đó mẹ bà có cho bà một phần đất diện tích 90m2 để bà sử dụng (có viết giấy tay) nên bà yêu cầu không chấp nhận đây là tài sản chung của vợ chồng ông Kính và yêu cầu Tòa án giải quyết đối với phần đất đã cho bà.
Bản án sơ thẩm số 112/2010/HNGĐ-ST ngày 15/7/2010, TAND huyện Điện Bàn xác định ngôi nhà, số tiền tiết kiệm 110 triệu đồng và chiếc xe máy là tài sản chung của vợ chồng và chia đôi. Đối với phần đất thổ cư còn lại 907m2 là tài sản chung của hộ ông Nguyễn Đức Kính (gồm bà Trương Thị Hữu – mẹ ông Kính, ông Nguyễn Đức Kính, bà Hoàng Thị Phượng và bà Nguyễn Thị Hoàng Trâm – con gái ông Kính bà Phượng) vì đất được ông Nguyễn Đức Kính thay mặt hộ gia đình đăng ký sử dụng năm 1995. Vì vậy, mảnh đất nói trên được chia theo phần, mỗi người được sở hữu 226m2 đất ở
và không chấp nhận yêu cầu của bà Mười trong vụ án này. Nếu bà Mười có yêu cầu chia thừa kế thì tách ra giải quyết bằng một vụ án khác.
Riêng các thửa đất nông nghiệp, ông Kính và bà Phượng thoả thuận mỗi người nhận 1 thửa đất màu và 1 thửa đất lúa để sản xuất nên HĐXX công nhận sự thoả thuận này.
Có thể bạn quan tâm!
- Tranh Chấp Giữa Vợ Chồng Về Các Nghĩa Vụ Tài Sản Phát Sinh Trong Thời Kỳ Hôn Nhân
- Phương Thức Giải Quyết Đối Với Tài Sản Đang Tranh Chấp
- Giải Quyết Tranh Chấp Về Bất Động Sản Giữa Vợ Và Chồng
- Những Vấn Đề Phát Sinh Từ Thực Tiễn Xét Xử Các Tranh Chấp Tài Sản Của Vợ Chồng Khi Ly Hôn
- Xác Định Những Người Có Quyền Lợi Liên Quan Đến Tài Sản Đang Tranh Chấp
- Xác Định Nghĩa Vụ Chung, Nghĩa Vụ Riêng Của Vợ, Chồng Trong Thời Kỳ Hôn Nhân
Xem toàn bộ 132 trang tài liệu này.
Vì vậy, TAND huyện Điện Bàn chia phần tài sản tranh chấp cho ông Nguyễn Đức Kính được nhận ngôi nhà và toàn bộ tài sản nằm trên thửa đất diện tích 243m2 (giáp với đường QL1A) và 01 chiếc xe máy. Bà Hoàng Thị Phượng được nhận quyền sử dụng đất diện tích 335m2 (giáp đường bêtông) và số tiền gửi tiết kiệm 110 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Hoàng Trâm được nhận quyền sử dụng đất 103m2 (giáp đường bêtông) và được thanh toán giá trị quyền sử dụng đất còn thiếu. Bà Trương Thị Hữu được nhận quyền sử dụng đất 226m2 (giáp đường bêtông).
Bản án phúc thẩm số 12/2010/HNGĐ-PT ngày 16/9/2010 của TAND tỉnh Quảng Nam đã huỷ bản án số 112 của TAND huyện Điện Bàn về phần chia tài sản, chuyển hồ sơ cho TAND huyện Điện Bàn đã giải quyết lại theo thủ tục chung với lý do: cấp sơ thẩm chưa điều tra đối chất làm rõ để đánh giá chứng cứ một cách toàn diện những vấn đề liên quan trong vụ án.
Theo chúng tôi, cấp sơ thẩm giải quyết tranh chấp về tài sản của vợ chồng ông Kính bà Phượng có nhiều điểm chưa hợp lý dẫn đến vụ án bị cấp phúc thẩm hủy phần chia tài sản là đúng.
Đối với ngôi nhà, bà Phượng cho rằng ngôi nhà được xây dựng bằng tiền dành dụm của vợ chồng trong nhiều năm, khi tháo dỡ ngôi nhà cũ đã mục nát nên không tận dụng được gì. Mặc dù tại phiên tòa ông Kính không thừa nhận ngôi nhà là tài sản chung mà cho rằng phần lớn số tiền là của ông, bà Phượng không đóng góp gì, đồng thời, tận dụng một số gỗ và gạch ở ngôi nhà cũ trị giá 22 triệu đồng và sử dụng 20 triệu đồng tiền bán đất để lót gạch men,
song tại các lần tự khai trước đó, ông Kính thừa nhận ngôi nhà là tài sản chung của vợ chồng. Vì vậy, cấp sơ thẩm nhận định ngôi nhà là tài sản chung của vợ chồng là có cơ sở.
Đối với phần đất thổ cư, diện tích còn lại 907m2, cấp sơ thẩm cho rằng
đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý, người sử dụng đất phải kê khai đăng ký quyền sử dụng đất vào hồ sơ địa chính theo đúng quy định của pháp luật thì mới được công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp của mình. Vì vậy, căn cứ vào việc ông Kính là người trực tiếp kê khai đăng ký diện tích 1645m2 đất (hiện đã bán cho bà Mỹ, diện tích còn lại 907m2) theo Chỉ thị 299 và Nghị định 64 của Chính phủ (đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ Nguyễn Đức Kính vào năm 1997), TAND huyện Điện Bàn đã xác nhận phần đất nói trên là tài sản chung của những người có tên trong sổ hộ khẩu gia đình vào thời điểm được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là không đúng. Thực tế, diện tích đất nói trên là của cha mẹ ông Kính tạo lập từ trước giải phóng, đến năm 1982, ông Kính là người đăng ký theo Chỉ thị 299 và đến ngày 29/5/1995, ông Kính lại là người đăng ký theo Nghị định 64. Tuy nhiên, đến ngày 09/01/1996, bà Phượng và bà Trâm mới chuyển hộ khẩu từ Tp. Đà Nẵng về địa phương và đến năm 1997, hộ Nguyễn Đức Kính được cấp Giấy chứng nhận QSD đất. Vì vậy, TAND huyện Điện Bàn cho rằng tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận QSD đất thì hộ Nguyễn Đức Kính có bà Phượng và bà Trâm. Tuy nhiên, tại thời điểm đăng ký quyền sử dụng đất thì bà Phượng và bà Trâm chưa chuyển về. Như vậy, những người trên 18 tuổi vào thời điểm này của hộ ông Kính chỉ có bà Trương Thị Hữu (mẹ ông Kính) và
ông Nguyễn Đức Kính. Hơn nữa, bà Phượng cho rằng toàn bộ diện tích đất là của vợ chồng song vào năm 2008, lúc đó có bà Phượng ở nhà mà anh chị em ông Kính họp bàn chuyển nhượng một phần diện tích cho bà Mỹ, có xác nhận của chính quyền địa phương vào ngày 03/5/2008 mà bà Phượng không có ý
kiến gì. Như vậy, TAND huyện Điện Bàn chưa điều tra làm rõ căn cứ để xác định tài sản chung của hộ gia đình mà phân chia quyền sử dụng đất cho bà Hữu, ông Kính, bà Phượng và bà Trâm là chưa phù hợp. Đồng thời, nếu phân chia đều cho 4 người trong hộ thì phải căn cứ vào diện tích và giá trị để phân chia chứ chỉ căn cứ vào diện tích mà chia cho mỗi người được nhận 226m2 đất thì không đảm bảo quyền lợi của các đương sự. TAND huyện Điện Bàn nhận định đất là khối tài sản chung của hộ gia đình nhưng chia cho ông Kính được nhận phần đất giáp với mặt tiền Quốc lộ 1A là phần có giá trị cao hơn, còn bà Hữu, mẹ ông Kính là người tạo lập, duy trì khối tài sản này từ rất lâu thì lại chỉ nhận được 226m2 mặt tiền hẻm, giáp với đường bêtông mà lại không được thanh toán thêm giá trị chênh lệch là không hợp lý.
Trong trường hợp này, diện tích đất 907m2 là đối tượng tranh chấp
nhưng không phải là tài sản chung của vợ chồng mà là tài sản chung của hộ, bởi lẽ toàn bộ phần đất này được cấp cho hộ ông Nguyễn Đức Kính. Qua xác minh, những người có tên trong sổ hộ khẩu gia đình đủ 18 tuổi vào thời điểm đăng ký quyền sử dụng đất gồm bà Hữu và ông Kính. Như vậy, trong phần diện tích đất được Nhà nước cấp chỉ có phần của bà Hữu và ông Kính, không có phần của bà Phượng. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 27 Luật HN&GĐ thì “Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng”. Như vậy, mặc dù trong sổ hộ khẩu và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không có tên của bà Phượng nhưng phần đất mà ông Kính được hưởng từ khối tài sản chung của hộ là tài sản chung của vợ chồng. Vì vậy, Tòa án cần thu thập chứng cứ để xác định phần đất mà ông Kính được cấp trong phần đất tranh chấp là bao nhiêu để làm căn cứ phân chia tài sản chung trong vụ án này.
Đối với số tiền 110 triệu đồng gởi tiết kiệm: bà Phượng cho rằng đây là tài sản của vợ chồng dành dụm được và giao cho ông Kính gởi tiết kiệm. Lúc
đầu gởi 150 triệu, sau đó ông Kính rút dần và số tiền còn lại là 110 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Kính cho rằng đây là số tiền bán đất sau khi cho con ông đám cưới 100 triệu, làm mồ mả cho ông bà hết 80 triệu, còn lại ông mua xe và đứng tên gởi tiết kiệm để hàng năm rút về lo giỗ chạp cho ông bà. Đồng thời, tại Công văn của Ngân hàng Á Châu thì thời gian, số tiền gửi phù hợp với lời khai của bà Phượng nên TAND huyện Điện Bàn chấp nhận số tiền này là tài sản chung của vợ chồng và chia đôi theo giá trị. Tuy nhiên, tại cấp phúc thẩm, bà Phượng không chứng minh số tiền này là của vợ chồng dành dụm được. Bà cho rằng số tiền gửi ban đầu là 150 triệu vào ngày 26/4/2008 là do vợ chồng bán 06 cây vàng để gửi tiết kiệm lấy lãi chi tiêu, giá vàng tại thời điểm bán vàng là 1,8 triệu đồng/chỉ, bán tại hiệu vàng Phi Vân gần chợ Cồn, Tp. Đà Nẵng. Tuy nhiên, tổng số tiền bán vàng được theo lời khai của bà Phượng không đủ số tiền gởi tiết kiệm tại Ngân hàng là không phù hợp. Trong vụ án này, TAND huyện Điện Bàn chưa làm rõ nguồn gốc số tiền gởi tiết kiệm dẫn đến có phán quyết không chính xác.
Trường hợp này, lẽ ra TAND huyện Điện Bàn phải xác minh, thu thập chứng cứ về số tiền gửi tiết kiệm để xác định lời khai của ai là hợp lý. Trong khi ông Kính nêu rõ nguồn gốc số tiền và thời gian gửi, còn bà Phượng chưa đưa ra chứng cứ thể hiện rõ nguồn gốc số tiền gửi, TAND huyện Điện Bàn chỉ căn cứ vào công văn của Ngân hàng Á Châu phù hợp với lời khai của bà Phượng về thời gian, số tiền gửi tiết kiệm mà xác định đó là tài sản chung của vợ chồng là không đúng. Căn cứ vào lời khai của ông Kính và qua xác minh đủ cơ sở để xác định số tiền gửi tiết kiệm là của chung hộ ông Kính (vì đây là số tiền có được do ông Kính bán đất). Vì vậy, một nửa số tiền tiết kiệm là tài sản chung của vợ chồng. Tuy nhiên, bà Phượng chỉ tranh chấp phần diện tích 907m2 còn lại trong Giấy chứng nhận của hộ ông Kính, còn phần diện tích đã chuyển nhượng cho người khác trước đó bà không có yêu cầu. Đồng thời, tại
buổi hợp gia đình ngày 03/5/2008, bà Phượng không có ý kiến gì về việc bán và sử dụng số tiền bán được nên mặc nhiên bà Phượng chấp nhận cách giải quyết của anh em ông Kính. Hơn nữa, trong số tiền bán đất, vợ chồng ông Kính đã được chia một phần là 100 triệu để lo đám cưới cho con nên số tiền còn lại là 180 triệu gửi tiết kiệm để lo giỗ, chạp cho ông bà. Ông Kính tự ý rút tiền về chi tiêu cho bản thân nên ông phải có trách nhiệm trả lại số tiền đó nếu anh chị em của ông có yêu cầu, số tiền còn lại 110 triệu đồng không phải là tài sản chung của vợ chồng nên không được chia.
Đối với chiếc xe máy, ông Kính mua vào năm 2010, lúc bà Phượng đã bỏ nhà đi song bà Phượng cho rằng ông Kính mua bằng tiền của vợ chồng gởi tiết kiệm nên yêu cầu được chia. Ông Kính cho rằng đây là tài sản ông có được bằng tiền bán đất của cha mẹ ông nên không đồng ý là tài sản chung. Bà Phượng thì cho rằng đây là tài sản mua được bằng tiền tiết kiệm gửi Ngân hàng 150 triệu, ông Kính tự ý rút về mua xe nên đây là tài sản chung của vợ chồng. TAND huyện Điện Bàn xác định số tiền gởi tiết kiệm là của vợ chồng nên xác định chiếc xe này cũng là tài sản chung của vợ chồng là không đúng vì cơ sở để xác định số tiền tiết kiệm là tài sản chung của vợ chồng không vững chắc. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, ông Kính và bà Phượng không yêu cầu xem xét về chiếc xe này.
Theo quan điểm của chúng tôi, chiếc xe máy được mua vào năm 2010, lúc đó bà Phượng đã bỏ nhà đi, hơn nữa, cả ông Kính và bà Phượng đều thừa nhận chiếc xe được mua bằng tiền gửi tiết kiệm mà số tiền này không phải là tài sản chung của vợ chồng nên chiếc xe cũng không phải là tài sản chung của vợ chồng.
Đối với yêu cầu của bà Mười: Bà Mười cho rằng toàn bộ diện tích đất còn lại 907m2 là của cha mẹ bà, trong đó mẹ bà có viết giấy cho bà 90m2 (ghi rõ tứ cận) nên bà yêu cầu giải quyết phần đất mà mẹ bà đã cho trong vụ
án này. Bà Phượng không thừa nhận việc này nên TAND huyện Điện Bàn không xem xét giải quyết trong cùng vụ án mà tách ra để giải quyết trong vụ án khác là không đúng. Trong vụ án này, bà Mười là người có yêu cầu độc lập và có chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình nên Tòa án phải xem xét giải quyết. Hơn nữa, các anh chị em của bà Mười thừa nhận việc bà Hữu cho đất bà Mười và yêu cầu chia cho bà Mười. Đồng thời, tại phiên tòa phúc thẩm, bà Phượng khai khi còn sống, bà Hữu có cho một phần đất bà Mười nhưng cho bao nhiêu thì bà không biết. Như vậy, TAND huyện Điện Bàn đã không xác minh làm rõ và giải quyết triệt để yêu cầu của những người có liên quan trong vụ án này.
Với tất cả những phân tích trên, TAND tỉnh Quảng Nam đã hủy bản án sơ thẩm số 112 của TAND huyện Điện Bàn về phần tài sản là có cơ sở.
Sau khi chuyển hồ sơ về TAND huyện Điện Bàn để giải quyết lại theo trình tự sơ thẩm, bà Phượng và ông Kính không yêu cầu giải quyết về việc chia tài sản nữa và rút đơn khởi kiện nên Tòa án đã đình chỉ vụ án.
Những vụ án có tranh chấp về bất động sản khi ly hôn tại Tòa án tương đối nhiều và phức tạp. Một số trường hợp có tranh chấp diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao có thời hạn nhằm phục vụ cho việc làm ổn định đời sống sau khi ly hôn, hầu hết các trường hợp đương sự thỏa thuận được nên không yêu cầu Tòa giải quyết. Cũng có trường hợp, vợ chồng chung sống với gia đình nên tài sản chung của vợ chồng có sự trộn lẫn với gia đình làm cho việc xác định tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung gặp nhiều khó khăn. Quá trình giải quyết vụ án vẫn còn để xảy ra sai sót dẫn đến vụ án bị hủy, cải sửa làm mất thời gian, công sức và ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của đương sự. Vì vậy, các Thẩm phán khi giải quyết vụ án cần phải nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật cũng như thu thập chứng cứ đầy đủ để giải quyết cho phù hợp với thực tế, đảm bảo được quyền lợi hợp pháp của những người tham gia tố tụng trong vụ án.