DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT
Tiếng Việt
1. CNTT Công nghệ thông tin
2. CSDL Cơ sở dữ liệu
3. NNT Người nộp thuế
4. GTGT Giá trị gia tăng
5. KBNN Kho bạc nhà nước
6. NSNN Ngân sách nhà nước
Có thể bạn quan tâm!
- Giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành thuế ở Việt Nam - 1
- Đối Tượng Và Phạm Vi Nghiên Cứu Của Luận Án
- Tổng Quan Về Công Nghệ Thông Tin Và Vai Trò Của Công Nghệ Thông Tin Trong Ngành Thuế
- Thống Kê Dân Số Và Sử Dụng Internet Ở Một Số Quốc Gia Châu Á – Năm 2006
Xem toàn bộ 250 trang tài liệu này.
7. TNCN Thu nhập cá nhân
8. TNDN Thu nhập doanh nghiệp
9. TTĐB Tiêu thụ đặc biệt
10. XNK Xuất nhập khẩu
Tiếng Anh
11. ASEAN Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Association of Southeast Asia Nations)
12. APEC Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (Asia-Pacific Economic Cooperation)
13. B2B Doanh nghiệp tới Doanh nghiệp (Business to Business)
14. B2C Doanh nghiệp tới Khách hàng (Business to Customer)
15. G2G Chính phủ với Chính phủ (Government to Government)
16. GDP Gross Domestic Product (Tổng sản phẩm quốc nội)
17. IMF Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monetary Fund)
18. ITAIS Hệ thống thông tin quản lý thuế tích hợp (Integrated Tax Administration Information System)
19. OECD Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development)
20. WB Ngân hàng Thế giới (World Bank)
21. WTO Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization)
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài luận án
Trong lịch sử xã hội loài người, thuế gắn liền với sự ra đời, tồn tại và phát triển của Nhà nước. Thuế là nguồn thu chủ yếu của Ngân sách Nhà nước. Thuế là một trong những công cụ quản lý kinh tế có tính hiệu quả cao của Nhà nước và thường được sử dụng để điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Trong tiến trình đổi mới nền kinh tế Việt Nam, nguồn thu từ thuế (bao gồm cả phí và lệ phí) ngày càng tăng, hình thành nên nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước, tạo điều kiện tăng tích lũy cho yêu cầu đầu tư phát triển của đất nước.
Hiện nay, có nhiều vấn đề đặt ra đối với ngành thuế Việt Nam, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến cơ chế quản lý, hiệu lực và hiệu quả hoạt động, nguồn nhân lực ngành thuế, yêu cầu công bằng, dân chủ, văn minh của xã hội đặt ra với ngành thuế,.... Những vấn đề đó chỉ có thể được giải quyết một cách khoa học và chất lượng cao nếu như ngành thuế có được một hệ thống thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời. Yêu cầu đó cũng chính là bài toán đặt ra khi xem xét chiến lược ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ngành thuế Việt Nam. Những nghiên cứu về nhu cầu, lộ trình cải cách thuế, yêu cầu ứng dụng CNTT và khả năng tác động tích cực của nó đối với yêu cầu nghiệp vụ thuế là những nội dung quan trọng mà ngành thuế cần có sự phân tích đầy đủ và kỹ lưỡng vì những tác động trực tiếp và gián tiếp đối với lợi ích cơ bản của ngành thuế và nền kinh tế. Nhu cầu đổi mới phương thức quản lý, cải cách, hiện đại hóa đặt ra nội dung nghiên cứu khả năng thúc đẩy ứng dụng CNTT nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của ngành thuế. Trong giai đoạn hiện nay, cùng với xu thế hình thành nền kinh tế tri thức, thông tin có vai trò ngày càng to lớn trong các hoạt động giao dịch của nền kinh tế. Đặc biệt, thông tin trong lĩnh vực thuế đã và sẽ được xã hội đánh giá cao, có tác động tới nền
kinh tế dưới nhiều góc độ và trong những trường hợp cụ thể chúng ta có thể lượng hoá bằng những con số thuyết phục.
Trong quá trình phát triển, ngành thuế Việt Nam đã đang và sẽ thực hiện cải cách - hiện đại hoá theo hướng nâng cao hiệu lực quản lý và hiệu quả hoạt động và điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, góp phần đảm bảo bình đẳng, công bằng xã hội, phù hợp với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Trong bối cảnh đó, ứng dụng CNTT là một điều kiện hết sức quan trọng nhằm đáp ứng được yêu cầu đổi mới trong hoạt động của ngành thuế Việt Nam. Để nghiên cứu các điều kiện, nguyên tắc ứng dụng CNTT và từ đó đề xuất phương hướng, giải pháp thực hiện, nghiên cứu sinh đã lựa chọn đề tài “Giải pháp đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong ngành thuế ở Việt Nam”.
Đề tài “Giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành thuế ở Việt Nam” là một hướng nghiên cứu khoa học có tính lý luận và thực tiễn nhằm góp phần đẩy mạnh thực hiện công khai hoá, dân chủ hoá hoạt động của ngành thuế, khắc phục các hiện tượng tiêu cực, yếu kém, kiện toàn bộ máy quản lý và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành thuế Việt Nam. Đề tài luận án hướng vào việc nghiên cứu ảnh hưởng của CNTT đến hệ thống quản lý thuế, trên cơ sở đó xác định khả năng, mức độ, bước đi trong việc ứng dụng CNTT vào lĩnh vực quản lý thuế của Việt Nam. Hiện nay, ngành thuế xác định mục tiêu cải cách, hiện đại hoá nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động và tăng cường năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực thuế, đồng thời tạo điều kiện tốt cho người nộp thuế và qua đó hướng tới việc đạt hiệu quả cao hơn trong nhiệm vụ thu cho ngân sách nhà nước. Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, ngành thuế hiện đã triển khai cơ chế tự kê
khai - tự nộp thuế, quản lý theo phương pháp phân tích rủi ro, thực hiện đổi mới quy trình quản lý nợ thuế, quy trình thanh tra kiểm tra,... và yêu cầu đầu tiên là phải có được hệ thống thông tin về thuế đầy đủ, kịp thời và chính xác. Những yêu cầu cải cách, đổi mới về nghiệp vụ quản lý đã đặt ra một thực tế khách quan đối với ngành thuế, đó là nhu cầu cần thiết phải xây dựng một hệ thống thông tin về thuế toàn diện, đầy đủ và có giá trị sử dụng cao. Những phân tích ban đầu cho thấy việc đưa CNTT vào trong các hoạt động là một yêu cầu thực tế khách quan và là yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển của ngành thuế. Bên cạnh đó, dưới tác động của ứng dụng CNTT, ngành thuế Việt Nam có điều kiện đẩy mạnh thực hiện công khai, dân chủ về thuế, đồng thời góp phần xây dựng những biện pháp khắc phục các hiện tượng tiêu cực, yếu kém trong hệ thống, từ đó góp phần kiện toàn bộ máy quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành thuế Việt Nam. Ngoài ra, những kết quả thu được từ việc ứng dụng CNTT cũng sẽ góp phần để ngành thuế Việt Nam phối hợp triển khai các hoạt động hợp tác, hội nhập khu vực và quốc tế, đặc biệt là khả năng hợp tác trong lĩnh vực trao đổi thông tin phòng chống các gian lận về thuế đang có chiều hướng vượt ra khỏi biên giới của một quốc gia.
Trong thời gian tới, việc nghiên cứu hoàn thiện chiến lược phát triển ngành thuế Việt Nam cần được gắn kết với lộ trình thực hiện cải cách, hiện đại hoá về nghiệp vụ quản lý thuế và ứng dụng CNTT; đồng thời bổ sung hoàn thiện các yêu cầu quản lý hiện đại vào các Luật thuế, Luật giao dịch điện tử, Luật quản lý thuế và các nghị định, thông tư hướng dẫn. Một vấn đề quan trọng nữa là xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông đủ mạnh để sẵn sàng phục vụ nhu cầu trao đổi dữ liệu trong nước và quốc tế. Trong bối cảnh hiện nay, ngành thuế các nước trên thế giới đã và đang xây dựng, phát triển mở rộng các dịch vụ giao dịch điện tử để tiết kiệm thời gian, giảm chi phí và nâng
cao chất lượng phục vụ. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu sẽ phát hiện những vấn đề tồn tại của ngành thuế mà việc giải quyết cần được xem xét để có được những quyết sách đúng đắn, khoa học, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và thông lệ quốc tế. Việc đưa CNTT vào hoạt động quản lý nhà nước nói chung và quản lý thuế nói riêng sẽ góp phần đưa nước ta tiến bước tới nền kinh tế tri thức trong thời gian tới.
Với những lý do trên đây, việc nghiên cứu Giải pháp đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong ngành thuế ở Việt Nam là rất cần thiết và cấp bách góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển ngành thuế giai đoạn 2011 - 2020.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Trong thời gian qua, quá trình cải cách, đổi mới công tác quản lý nhà nước về thuế và khả năng ứng dụng CNTT nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động là một trong những đề tài được các nhà nghiên cứu về thuế, tài chính quan tâm. Trong số các nghiên cứu trong nước về đề tài liên quan tiêu biểu có các dự án thí điểm cơ chế quản lý tự kê khai - tự nộp thuế; dự án hỗ trợ khai thuế sử dụng công nghệ mã vạch hai chiều; dự án hỗ trợ khai thuế qua mạng; kế hoạch ứng dụng CNTT ngành thuế từng năm. Nội dung nghiên cứu ở các dự án nêu trên mới chỉ từng bước đưa ra những kế hoạch tin học hóa công tác quản lý thuế dựa trên nhu cầu thực tế từng năm và chưa xác định được chiến lược ứng dụng CNTT, tuy nhiên các kết quả của những dự án cũng đã bước đầu đem lại một môi trường ứng dụng CNTT rộng khắp trong ngành thuế và giải quyết những công việc có khối lượng lớn mà sức người làm thủ công không thể đáp ứng được.
Nhận thức tầm quan trọng của CNTT trong phát triển kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành các chỉ thị, chính sách về CNTT, thành lập
các đơn vị có chức năng chỉ đạo phát triển CNTT của Đảng, Chính phủ. Chỉ thị số 58/CT/TƯ ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị - Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã định hướng, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quyết định số 272/2003/QĐ-TTg ngày 31/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam đến năm 2010 xác định những điều kiện khách quan và chủ quan để thúc đẩy CNTT ở Việt Nam phát triển. Trong lĩnh vực quản lý nhà nước về thuế, bài viết “Điều kiện để cải cách cơ chế quản lý thuế thành công” của tác giả Lý Phương Duyên đã đề cập đến việc cần thiết áp dụng công nghệ quản lý thuế hiện đại để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới [7]. Một công trình đáng chú ý với những nghiên cứu về nâng cao hiệu quả quản lý thu thuế và gắn với yêu cầu tất yếu của việc triển khai hệ thống ứng dụng CNTT trong luận văn thạc sĩ kinh tế “Nâng cao hiệu quả quản lý thu thuế ở Việt Nam trong quá trình đổi mới” của tác giả Trịnh Hoàng Cơ đã nghiên cứu, đánh giá về tác động của một số phần mềm ứng dụng tin học phục vụ cơ quan thuế xử lý số liệu thu nộp thuế và xác định vai trò cần thiết của việc gắn ứng dụng CNTT với quản lý thuế ở Việt Nam, tuy nhiên nội dung đề cập đến CNTT chỉ mang tính chất liệt kê các phần mềm ứng dụng tin học cụ thể và tập trung trong giai đoạn 1998 - 2004 [6, tr.38-41].
Năm 2005 Tổng cục Thuế nghiên cứu xây dựng “Kế hoạch thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2010” với 10 chương trình hoạt động nhằm triển khai cơ chế quản lý thuế tự khai - tự nộp, trong đó có một chương trình riêng về ứng dụng CNTT để đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ thuế [1, tr.139-148]. Các chương trình nói trên đều hướng đến nhu cầu gắn nghiệp vụ quản lý thuế với hệ thống ứng dụng CNTT. Kế hoạch nói trên chủ yếu tổng hợp nhu cầu công việc của các đơn vị thuộc Tổng cục Thuế được xác
định theo từng năm và giới hạn đến năm 2010, trong các chương trình đều đề cập đến nhu cầu tin học hóa một số nghiệp vụ cơ bản. Tuy nhiên, nội dung chi tiết của kế hoạch thiếu sự phân tích cụ thể, chưa có các mối liên kết logic giữa các chương trình và do đó khó thực hiện đầy đủ trong thực tế vì những lý do hạn chế về nguồn nhân lực, tài chính.
Những nghiên cứu của các chuyên gia Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bao gồm John Brondolo, Patricio Castro, Stuart Allan, Frank Bosch, Khee Kuan Goh công bố vào tháng 6/2006 đã đi vào phân tích chất lượng hoạt động cải cách thuế, vai trò của các cán bộ thuế trong bộ phận quản lý doanh nghiệp, trách nhiệm của các bộ phận trong cơ quan thuế được tổ chức theo chức năng quản lý thuế, đánh giá chất lượng và tư vấn những vấn đề trong quản lý thuế ở Việt Nam [5, tr.12]. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng một hệ thống CNTT đồng bộ sẽ hỗ trợ công việc quản lý thuế theo từng chức năng là đặc điểm quan trọng của tất cả các hệ thống thuế hiện đại và cho rằng ngành thuế Việt Nam đã nhận thức được lợi ích tiềm năng của hệ thống CNTT đối với công tác hiện đại hoá. Các nghiên cứu đã chỉ ra một hệ thống CNTT quản lý thuế có hầu hết các chức năng chính phù hợp với cơ chế quản lý tự khai - tự nộp và xác định vai trò của CNTT đã góp phần nâng cao dần năng lực quản lý của cơ quan thuế [5, tr.15-19]. Tuy nhiên những kết quả nghiên cứu dựa trên các dữ liệu trong giai đoạn 2002 - 2006 (đến nay đã có nhiều thay đổi cải tiến về mô hình quản lý thuế dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro, quản lý có phân loại đối tượng,…) và những đề xuất mang tính chất định hướng chung, chưa đủ chi tiết để thực hiện một chiến lược phát triển ngành thuế nói chung và hệ thống CNTT ngành thuế nói riêng. Ngoài ra, có một số bài viết, tham luận về biện pháp đổi mới công tác quản lý thuế, kinh nghiệm và bài học của ngành thuế các nước tham gia Diễn đàn nghiên cứu quản lý thuế châu Á - SGATAR (Study Group in Asia on Tax Administration Research) trong việc xây dựng
hệ thống ứng dụng CNTT trong công tác quản lý thuế (kê khai, nộp thuế) phục vụ yêu cầu cải cách quản lý thuế [43], nâng cao chất lượng công tác an toàn, bảo mật hệ thống dữ liệu thuế [44].
Tóm lại, cho đến nay chưa có một công trình nào nghiên cứu một cách đầy đủ về khả năng đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong lĩnh vực quản lý nhà nước nhằm tạo môi trường thực hiện yêu cầu cải cách nghiệp vụ thuế, tăng cường khả năng hỗ trợ người nộp thuế (NNT), qua đó tạo điều kiện thực hiện công khai, minh bạch và bình đẳng về thuế ở Việt Nam. Vì vậy, có thể nói đề tài được lựa chọn nghiên cứu trong luận án này là không trùng lắp với các công trình đã nghiên cứu ở trong nước và trên thế giới.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án là nghiên cứu khả năng ứng dụng CNTT, sử dụng những tiến bộ CNTT và truyền thông để xây dựng chiến lược, kế hoạch dưới nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong ngành thuế ở Việt Nam. Luận án phân tích, xác định phương hướng ứng dụng CNTT trong hoạt động của ngành thuế, khả năng và điều kiện ứng dụng CNTT trong ngành thuế Việt Nam theo hướng hiện đại hóa và tăng cường hội nhập quốc tế.
Luận án tổng hợp thông tin và đánh giá thực trạng ứng dụng CNTT, chỉ rõ những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, cơ hội và thách thức trong việc ứng dụng CNTT vào ngành thuế Việt Nam.
Các nghiên cứu trong luận án đã đưa ra những đề xuất phương hướng ứng dụng, các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong ngành thuế Việt Nam, lộ trình và các điều kiện cần thiết đảm bảo thực hiện lộ trình ứng dụng CNTT trong thời gian tới.