năng và phi chức năng, mà ở giai đoạn đầu của thời trung đại, các thể loại chức năng đóng vai trò trung tâm. Vì thế, những thể loại như luận thuyết tôn giáo, ngữ lục, tụng cổ, niêm tụng kệ… của các tác giả Thiền phái Trúc Lâm được luận án khảo sát để tìm hiểu giá trị nội dung tư tưởng và nghệ thuật của chúng là xuất phát từ quan niệm trên.
4. Phương pháp nghiên cứu
Do đề tài luận án tìm hiểu các tác phẩm của 6 tác giả Thiền phái Trúc Lâm mà những tác phẩm này được viết theo quan niệm văn – sử – triết bất phân, vì vậy, trong quá trình triển khai đề tài, chúng tôi đã sử dụng các phương pháp sau:
4.1. Phương pháp nghiên cứu văn học sử: Đây là phương pháp cơ bản vì đề tài của luận án là đề tài văn học sử. Tất cả được khảo sát dưới góc độ văn học, tôn trọng quy luật khách quan sự phát triển của văn học và lý giải vấn đề theo yêu cầu, tính chất, lý luận của văn học. Cụ thể là dùng phương pháp phân tích, tổng hợp trên cái nhìn lịch đại và đồng đại.
4.2. Phương pháp liên ngành: Đề tài luận án là đề tài nghiên cứu văn học nhưng lại có liên quan đến lịch sử, triết học, Phật học, Thiền học, nên khi giải quyết các yêu cầu của luận án cũng phải sử dụng những thành tựu về phương pháp nghiên cứu của các ngành khoa học triết học, sử học, Phật học v.v…
4.3. Phương pháp loại hình: Mục đích sử dụng phương pháp này để khảo sát loại hình tư tưởng; cấu trúc thể loại, loại hình ngôn ngữ văn tự mà đề tài yêu cầu phải giải quyết cụ thể.
4.4. Phương pháp so sánh: Sử dụng phương pháp này để so sánh, đối chiếu sự kiện lịch sử, văn bản để tìm những nét tương đồng, khu biệt khi trình bày, phân tích chứng minh những đặc trưng của văn học Thiền phái Trúc Lâm khi so sánh tương quan với các tác phẩm khác thuộc bộ phận văn học Phật giáo Lý - Trần.
4.5. Phương pháp thống kê, phương pháp hệ thống: Hai phương pháp này được vận dụng để khảo sát và khái quát các vấn đề luận án đặt ra.
4.6. Vận dụng thành tựu của Thi pháp học để tìm hiểu cách phanû ánh, cách miêu tả,
Có thể bạn quan tâm!
- Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm - 1
- Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm - 2
- Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm - 3
- Những Nhân Vật Đặt Nền Móng Thiền Phái Trúc Lâm
- Sự Ra Đời Và Quá Trình Phát Triển Của Thiền Phái
- Các Ý Kiến Khác Nhau Về Sự Truyền Thừa Thiền Phái
Xem toàn bộ 399 trang tài liệu này.
giọng điệu, ngữ điệu, ngôn ngữ – lời văn nghệ thuật trong văn học Thiền tông, phần nào chỉ ra sắc thái riêng biệt của văn học Thiền phái Trúc Lâm.
Điều muốn lưu ý, tác phẩm Thiền phái Trúc Lâm mà chúng tôi khảo sát là những tác phẩm văn học Phật giáo, thấm đẫm Thiền đạo – Phật học, do vậy muốn giải mã văn bản, có lẽ cần phải dùng trực cảm tâm linh cùng thực nghiệm Thiền môn thì may ra mới có thể lĩnh hội được, chứ không thể đơn thuần sử dụng tư duy lý tính, suy luận mà giải quyết vấn đề. Trong khi triển khai nội dung đề tài, các phương pháp này sẽ được sử dụng đan xen nhằm tìm hiểu lịch sử truyền thừa Thiền phái Trúc Lâm trong bối cảnh lịch sử dân tộc của thời đại Lý - Trần, đồng thời lý giải hành trạng của các tác giả, cùng với sự phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật của các tác phẩm. Khi viết, chúng tôi có chú ý và lấy tư tưởng Phật học – Thiền học làm chuẩn, đồng thời tôn trọng những nguyên tắc thẩm mỹ của văn chương, nhằm cố gắng tối đa làm sáng tỏ các yêu cầu nội tại mà đề tài luận án đặt ra.
5. Đóng góp mới của luận án
5.1. Luận án Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm được khảo sát một cách toàn diện, có hệ thống từ tác giả đến tác phẩm ở góc độ văn học, Thiền học. Để thực hiện được yêu cầu đặt ra như vậy, chúng tôi khảo sát từng vấn đề, chủ đề, thành tố văn học làm nên toàn bộ giá trị nội dung tư tưởng và nghệ thuật văn học Thiền phái Trúc Lâm xuyên qua các tác phẩm của các tác giả. Hẳn nhiên, để có cái nhìn bao quát, tính chặt chẽ của hệ thống, trong phần lịch sử truyền thừa của Thiền phái, chúng tôi đã chứng minh thêm Trần Thánh Tông là nhân vật kết nối mạng mạch đặt nền móng tư tưởng, khởi đầu là Trần Thái Tông đến Tuệ Trung, tiếp tục Trần Thánh Tông; cả ba nhân vật này có ảnh hưởng mạnh mẽ trong việc tác động Trần Nhân Tông thành lập Thiền phái. Và kết quả Thiền phái này vẫn còn tiếp tục truyền thừa cho đến nay kể từ sau khi Huyền Quang viên tịch mà chúng tôi đã cố gắng chứng minh trong luận án.
5.2. Việc tìm hiểu nội dung tư tưởng tác phẩm của Thiền phái đã giúp người đọc thấy được những giá trị tư tưởng yêu nước, nhân văn, tinh thần Thiền tông với quan điểm Phật tại tâm, chủ thuyết Cư trần lạc đạo – hòa quang hồng trần, tinh thần tùy duyên cùng với phương thức hành trì tu chứng. Trên cơ sở nội dung tư tưởng đó, luận án chỉ ra những cảm hứng chính như: Cảm hứng bản thể giải thoát; cảm hứng thiên nhiên Phật nhiệm mầu; cảm hứng nhân văn – thế sự; cảm hứng quê hương đất nước – quê hương Thiền
tông. Tất cả đều được phân tích và chứng minh dưới ánh sáng của tư tưởng Thiền và mỹ học Thiền.
5.3. Luận án còn chỉ ra những phương thức tiếp cận thế giới nghệ thuật thông qua quá trình tiếp biến các thể loại, đặc trưng ngôn ngữ văn học Phật giáo vào trong tác phẩm của Thiền phái, cùng với việc phân tích và chứng minh việc dùng văn tự chữ Hán – chữ Nôm trong việc sáng tác văn học Thiền tông, cũng như cách sử dụng các thủ pháp nghệ thuật như điển cố, thí dụ, ẩn dụ, biểu tượng, ước lệ, nghịch ngữ…. Từ đó sẽ thấy được giá trị nghệ thuật tác phẩm của Thiền phái.
5.4. Về mặt giảng dạy trong các trường Phật học, trước đây, tác phẩm của Thiền phái chỉ được tìm hiểu về nội dung tư tưởng Thiền học, Phật học một cách khái quát theo từng chủ đề, chứ chưa có tính hệ thống toàn diện. Còn về mặt tìm hiểu tác phẩm của Thiền phái trên góc độ văn chương chưa được chú ý đến. Nếu chú trọng khai thác ở hai bình diện tư tưởng và văn chương nghệ thuật thì mới có thể lĩnh hội tác phẩm của Thiền phái trọn vẹn đầy đủ hơn.
6. Cấu trúc của luận án
Ngoài những phần quy định chung, luận án được trình bày thành 3 chương và một phần phụ lục:
MỞ ĐẦU (tr. 1 – tr. 19)
Chương 1: Bối cảnh lịch sử thời đại và lịch sử truyền thừa Thiền phái Trúc Lâm (tr. 20 – tr. 58)
Chương 2: Giá trị nội dung tư tưởng trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm (tr. 59
– tr. 128)
Chương 3: Giá trị nghệ thuật trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm (tr. 129 – tr. 195)
Trên cơ sở phần Mở đầu nêu những vấn đề chung, mang tính trường quy và định hướng đề tài, trọng tâm luận án trình bày thành 3 chương như trên. Chương 1 là chương nền tảng, bằng cách tìm hiểu bối cảnh thời đại và lịch sử truyền thừa của Thiền phái. Sang chương 2, luận án tìm hiểu giá trị nội dung tư tưởng của Thiền phái. Cụ thể là giới thiệu tác phẩm; đi sâu phân tích tư tưởng Thiền học Đại Việt, trình bày quan điểm Phật tại tâm,
hòa quang đồng trần, chủ thuyết Cư trần lạc đạo với tinh thần tuỳ duyên, phương thức hành Thiền tu chứng và cùng nêu những cảm hứng chính trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm. Đến chương 3, luận án phân tích và chứng minh các giá trị nghệ thuật trong tác phẩm của Thiền phái, cụ thể là trình bày có hệ thống về thể loại tác phẩm; ngôn ngữ văn tự được sử dụng với sự tiếp biến từ đặc trưng ngôn ngữ kinh điển Phật giáo đến đặc trưng ngôn ngữ Thiền học trong tác phẩm của Thiền phái. Cuối cùng là các thủ pháp nghệ thuật được sử dụng trong các tác phẩm đó.
KẾT LUẬN (tr. 196 – tr. 202)
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN (tr. 203 – tr. 204)
TÀI LIỆU THAM KHẢO (tr. 205 - 226)
PHỤ LỤC (in riêng một tập khác)
- Phụ lục 1: Các biểu đồ liên quan đến Thiền phái Trúc Lâm (tr. 1 – tr. 9)
- Phụ lục 2: Các bảng thống kê phân loại điển cố được sử dụng trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm (tr. 10 - tr. 107)
- Phụ lục 3: Nguyên tác thơ văn chữ Hán - chữ Nôm được trích dẫn trong luận án (tr. 108 – tr. 130)
- Phụ lục 4: Một số hình ảnh tư liệu về Thiền phái Trúc Lâm (tr. 131 – tr. 150)
CHƯƠNG 1
BỐI CẢNH THỜI ĐẠI VÀ LỊCH SỬ TRUYỀN THỪA THIỀN PHÁI TRÚC LÂM
1.1. BỐI CẢNH THỜI ĐẠI
1.1.1. Thời đại hào hùng của dân tộc Đại Việt với hào khí Đông A
Lịch sử của dân tộc Việt Nam là lịch sử dựng nước và giữ nước. Ngay từ thế kỷ I Công nguyên, dân tộc ta phải đối phó chính sách bành trướng về phương Nam của Hán tộc các triều đại Trung Hoa bấy giờ. Trải qua hơn 10 thế kỷ, chính sách xâm lược của Hán tộc nhằm thôn tính và đồng hóa Đại Việt, cuối cùng cũng không thành hiện thực. Với ý chí ngoan cường, tinh thần độc lập tự chủ mà trước hết là tấm lòng yêu nước nồng nàn, cả dân tộc hễ có cơ hội là đứng lên giành lấy nền độc lập tự chủ.
Các cuộc chiến đấu giành độc lập ấy liên tục và dai đẳng, đến mùa đông năm 938, Ngô Quyền đã đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng để mùa xuân năm sau ông lên ngôi xưng vương, đưa đất nước ta bước sang kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập tự chủ. Từ cái mốc lịch sử này, đất nước ta chuyển sang một thời đại mới: thời đại thống nhất đất nước, thống nhất cộng đồng, phục hưng mọi giá trị văn hoá tinh thần truyền thống của dân tộc sau hơn một nghìn năm bị phương Bắc đô hộ (năm 111 TCN - năm 938) để tạo nên tính chất thời đại khoan giản, an lạc, nhân thứ và rộng mở [165, 61 - 67]. Đáng tiếc là vương triều nhà Ngô chỉ tồn tại gần 30 năm (939 - 967) thì cuối triều Ngô, đất nước ta bị nạn cát cứ bởi Thập nhị sứ quân. Yêu cầu thống nhất đất nước, thống nhất dân tộc một lần nữa lại được đặt ra. Nhiệm vụ cao cả và trọng đại này, lịch sử đã giao phó cho người anh hùng xuất thân từ nông dân Đinh Bộ Lĩnh. Ông đã dẹp tan các sứ quân khác rồi lên ngôi vua, mở ra triều đại nhà Đinh, lấy hiệu là Đinh Tiên Hoàng. Vì thế, sách Lịch sử Việt Nam của Viện Sử học (1971) đã nhận định rằng: “Thắng lợi của Đinh Bộ Lĩnh là thắng lợi của xu hướng thống nhất quốc gia, thắng lợi của tinh thần dân tộc và ý chí độc lập mạnh mẽ của nhân dân ta.” [331, 144]. Tiếc là, nhà Đinh cũng tồn tại ngắn ngủi trong 12 năm (968
- 980). Cuối triều Đinh, giặc Tống phương Bắc mang đại quân sang xâm lấn nước ta. Vua Đinh Tuệ còn quá trẻ. Trước vận mệnh của đất nước có nguy cơ bị mất, Thái hậu Dương Vân Nga đã trao ngai vàng và hoàng bào của con mình cho một vị tướng tài ba và cũng là
người mà bà đem lòng yêu mến: quan Thập đạo tướng quân Lê Hoàn. Lê Hoàn đã chiến thắng giặc Tống xâm lược vào năm 981 rồi lên ngôi vua lấy hiệu là Lê Đại Hành. Nhà Tiền Lê tồn tại chưa đầy 20 năm (981 - 1009) nên cũng chưa có nhiều điều kiện để xây dựng đất nước. Cuối đời nhà Tiền Lê, Lê Long Đĩnh (Lê Ngoạ Triều) tàn ác, bất nhân, hoang dâm vô độ nên quần thần và dân chúng oán giận. Thiền sư Vạn Hạnh cùng tướng Đào Cam Mộc vận động triều đình tôn vinh người con Phật, quan Tả điện tiền Chỉ huy sứ Lý Công Uẩn lên ngôi vua, mở ra vương triều mới: triều Lý. Triều đại này đã tồn tại 215 năm (1010 - 1225) nên có rất nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước cùng phục hưng mọi giá trị truyền thống của dân tộc. Công việc đầu tiên của Lý Công Uẩn (vua Lý Thái Tổ) là dời đô từ vùng núi Hoa Lư (Ninh Bình) ẩm thấp, chật hẹp về Đại La là nơi trung tâm khoáng đạt, rộng rãi rồi đổi tên thành Thăng Long. Điều đó đã chứng tỏ nhà vua có tầm nhìn xa trông rộng. Đây là một sự kiện quan trọng có ý nghĩa lớn với mục đích “đóng đô nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu.” (Chiếu dời đô – Lý Thái Tổ) [332, 229]. Thăng Long là vùng đất hội đủ mọi điều kiện để thoả mãn mục đích trên của nhà vua “ở vào nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi… xem khắp nước Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời.” (Chiếu dời đô
– Lý Thái Tổ) [332, 230]. Nhờ thế mà xã hội đời Lý phát triển về mọi mặt: Nông nghiệp, thuỷ lợi được chú trọng. Ngành nghề thủ công đạt đến trình độ khá cao về kỹ thuật lẫn mỹ thuật. Giao thông thương mại không chỉ phát triển trong nước mà còn mở rộng sang các nước trong khu vực. Quân sự thì hùng mạnh đủ sức đương đầu và làm nên chiến thắng đối với giặc ngoại xâm đến từ phương Nam, phương Bắc, góp phần tô đậm thêm những trang sử vàng sáng chói của dân tộc. Thành tựu những lĩnh vực trên đã tạo điều kiện cho văn hoá phát triển một cách toàn diện. Việc học tập thi cử, đào tạo nhân tài để xây dựng đất nước được các vua nhà Lý chăm lo. Nếu trước đây, triều đình có lệ bảo cử và tiến cử người tài ra làm quan thì từ triều vua Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông về sau, bên cạnh lệ trên còn có tổ chức thi cử để tuyển chọn nhân tài. Việc vua Lý Thánh Tông xây dựng Văn Miếu (1070) rồi Lý Nhân Tông mở khoa thi Tam giáo cắm cái mốc đầu tiên trong lịch sử giáo dục khoa cử nước ta vào năm 1075, để năm sau (1076) thành lập Quốc Tử Giám:
trường đại học đầu tiên của nước Đại Việt, chính là đặt nền tảng vững chắc cho sự nghiệp đại phục hưng dân tộc. Cái hồn của thời đại phục hưng này dường như đã được các nghệ nhân tài hoa thổi vào hình tượng con rồng – một vật linh của người Việt, với dáng vẻ mềm mại uyển chuyển. Điều đó có nghĩa là vương triều nhà Lý đã đặt nền tảng vững chắc cho một thời đại phát triển rực rỡ của nền văn hoá dân tộc mà các sử gia gọi đó là “Văn hoá Thăng Long” để các triều đại sau kế thừa và phát triển.
Kế tục sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước Đại Việt từ nhà Lý, Trần Cảnh lên ngôi vua lấy hiệu là Trần Thái Tông khai sáng triều đại nhà Trần kéo dài 175 năm (1225- 1400) và tạo nên một hào khí mới: hào khí Đông A chói ngời, muôn đời bất diệt. Nhờ vậy mà dân tộc Đại Việt mới có đủ sức mạnh vật chất lẫn tinh thần để ba lần đánh tan đế quốc Nguyên Mông hùng mạnh. Chính các sử gia cũng thừa nhận “Triều Trần là một trong những cường quốc của Đông Nam Á, lừng danh với ba trận đại thắng quân xâm lược Mông Nguyên” [273, 130].
Nhà Trần không chỉ mạnh về quân sự trong việc đối đầu với ngoại xâm mà còn phát triển đất nước về mọi mặt từ nông nghiệp, thương nghiệp cho đến các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, tín ngưỡng tâm linh… Thăng Long – Kinh đô của cả nước trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị, tôn giáo phồn thịnh với 61 phố phường [183, 80]. Cả dân tộc sống trong hào khí Đông A hào hùng với một hệ thống luật pháp mới san định. Vào năm 1230, Trần Thái Tông cho ban hành Quốc triều Thông chế gồm 20 quyển, sau đó, triều đình còn cử Trương Hán Siêu và Nguyễn Trung Ngạn biên soạn bộ Hoàng triều đại điển và khảo đính Hình thư để ban hành. Điều đó chứng tỏ, đất nước đã bước đầu xây dựng và phát triển trong ý nguyện chung của người con dân Đại Việt.
Nhờ thế triều đại đã khơi dậy được tinh thần dân tộc, biết phát huy hơn nữa sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, bởi “vua tôi đồng lòng, anh em hoà thuận, cả nước góp sức.” [59, 94]. Những thành tựu trên đã làm cho đất nước Đại Việt đời Trần trở nên hùng cường không chỉ trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước mà còn xây dựng nên một nền văn hóa - văn học rực rỡ của thời đại. Trong đó, cần phải kể đến ảnh hưởng của giáo lý cùng tư tưởng Phật giáo như là một trong những hệ tư tưởng cốt lõi của công cuộc xây dựng và phục hưng đất nước Đại Việt kể từ sau chiến thắng của Ngô Quyền cho đến
nay. Cụ thể, quá trình hình thành và phát triển Thiền phái Trúc Lâm đời Trần, một Thiền phái mang đậm một bản sắc dân tộc độc lập, tự chủ không hề phụ thuộc hay chịu ảnh hưởng bất cứ Thiền phái nào của Trung Hoa.
1.1.2. Phật giáo Lý - Trần gắn liền với lịch sử xây dựng và phát triển đất nước
Trong hành trình chống lại sự bành trướng, đồng hóa của giặc ngoại xâm Trung Hoa, Phật giáo nghiễm nhiên trở thành một bộ phận, một lực lượng gắn bó khắng khít, không thể tách rời với dân tộc Đại Việt.
Phật giáo du nhập vào nước ta bằng con đường hoà bình nên đã có sự gắn bó và hoà nhập với dân tộc. Nhà nghiên cứu sử học Trần Văn Giàu đã ghi nhận “Bình minh lịch sử dân tộc ta cũng gắn liền với Phật giáo”. Nói theo cách của Mâu Tử được ghi trong Lý Hoặc Luận vào cuối thế kỷ thứ II sau Tây lịch, thực tế đã có một nhà nước độc lập đầu tiên của người Việt ra đời và nó mang các thuộc tính Phật giáo. Cụ thể, Phật giáo được xác định như là con đường “… Cư gia khả dĩ sự thân, tể quốc khả dĩ trị dân, độc lập khả dĩ trị thân.” [225, 485] (H 1) (… Ở nhà có thể dùng thờ cha mẹ, làm chủ nước có thể dùng trị dân, đứng một mình có thể dùng sửa thân.) [255, 511]. Như thế, Phật giáo thuở ban đầu đã nghiễm nhiên trở thành một đạo Phật có nếp sống đạo không chỉ giáo dục đối với từng cá nhân, gia đình, xã hội mà còn có thể xem như là một học thuyết chính trị cùng dân tộc chống lại sự đồng hóa xâm lược phương Bắc. Rõ ràng, người dân Việt theo đạo Phật, đã định hình nên một Phật giáo của cộng đồng với những đặc trưng riêng biệt làm nên bản sắc Phật giáo của người Việt.
- Đặc trưng thứ nhất cần phải được đề cập là Phật giáo của cộng đồng người Việt bao giờ cũng song hành với dân tộc. Điều đó có nghĩa đời sống sinh hoạt Phật giáo người Việt luôn gắn liền với đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của đất nước suốt cả thời Bắc thuộc. Đến khi nước nhà giành được độc lập, ý thức tự chủ của dân tộc càng được phát huy cao độ thì Phật giáo càng có điều kiện phát triển, ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng. Do đó, Phật giáo thời này không chỉ ở trong khuôn viên nhà chùa, lo truyền đạo, chăm sóc phần hồn cho con người mà còn đóng góp nhiều công sức trong công cuộc kiến thiết đất nước.