Sự Ra Đời Và Quá Trình Phát Triển Của Thiền Phái


nhận thức. Theo Thượng sĩ, kinh điển, giới luật, tọa Thiền, niệm Phật chỉ nhằm giới thiệu con đường, phương thức sống. Con người cần phải sống và thực hành mới có cơ duyên tiếp cận và chứng đạt chân lý.

Như vậy, các vấn đề nan giải như sinh tử và Niết bàn, phiền não và Bồ đề, sắc và không, hữu và vô, thị và phi, nhất và dị… đến giai đoạn này đã được Tuệ Trung kiến giải một cách triệt để. Các quan điểm, tư tưởng đối với các vấn đề này trước đó cũng được các thiền sư, Phật tử nổi tiếng như Diệu Nhân, Ỷ Lan… phát biểu nhiều lần trước đó, nhưng biện pháp giải quyết chúng thì chưa thấu đáo và khó trở thành hệ thống luận lý. Đến đây,

những chủ đề lớn của tư tưởng Phật giáo ở giai đoanï này đã được Tuệ Trung đúc kết và

tính tích cực nhập thế của Thiền tông đã được ông đẩy lên cao mang một diện mạo và đặc trưng mới. Nếp sống Thiền không còn giới hạn trong khuôn viên nhà chùa với việc tu trì hay chấp tác bình thường mà còn ra vào tự tại mọi nơi, thậm chí tham gia chiến trường bảo vệ non sông Tổ quốc.

Đến khi Trần Nhân Tông trở thành Sơ Tổ của Thiền phái thì quan điểm này nâng lên thành chủ thuyết Cư trần lạc đạo qua lối sống Thiền phổ biến khắp đất nước. Nói như thế, đời sống Thiền mà Tuệ Trung đề ra, góp phần tích cực cho một giai đoạn Phật giáo mới định hình phát triển. Và Trần Nhân Tông đã đứng ra gánh vác trách nhiệm lập Thiền phái trên cơ sở lý luận mà Tuệ Trung đã đúc kết những tinh hoa tư tưởng Phật giáo kể từ thời vua Lý Thánh Tông với dòng Thiền Thảo Đường. Giai đoạn Phật giáo mới này sẽ giải quyết hàng loạt vấn đề đặt ra của đất nước, trong đó Phật giáo là một trong những nhân tố chủ lực quyết định sự tồn vong và phát triển đất nước. Để đạt được mục đích này, một nhân vật quan trọng được đề cập nữa là vua Trần Thánh Tông. Với uy tín và trong vai trò là nhà lãnh đạo tối cao nhà Trần, Phật tử Thiền phái, ông đã tiếp thu lối sống Thiền của Tuệ Trung và góp phần tích cực cho Thiền phái Trúc Lâm ra đời mà các công trình nghiên cứu về Thiền phái này trước đây chưa đề cập.

1.2.3. Trần Thánh Tông

Ông là người cùng thời với Tuệ Trung, Đại Việt sử ký toàn thư ghi “Tên húy là Hoảng, con trưởng dòng đích của Thái Tông. Mẹ là Hiển Từ Thuận Thiên Hoàng Thái hậu Lý thị, nhân Thái Tông chiêm bao thấy thượng đế trao cho gươm báu, hậu có mang. Năm


Canh Tý, Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 9 (1240) tháng 9, ngày 25, giờ ngọ sinh, sau đó lập Hoàng Thái tử. Thái Tông băng, liền lên ngôi báu, ở ngôi 21 năm, nhường ngôi 13 năm, thọ 51 tuổi, băng ở cung Nhân Thọ, táng ở Dụ Lăng. Vua trung hiếu nhân thứ, tôn hiền trọng đạo, cha khai sáng trước, con kế thừa sau, cơ nghiệp nhà Trần được bền vững! Nhưng ưu du cõi tam muội, tìm dấu đạo nhất thừa thì không phải là phép trị nước hay của đế vương.” [150, 30].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 399 trang tài liệu này.

Lời ghi trên cho thấy, nhà sử học Ngô Sĩ Liên đã đứng trên lập trường của Nho gia nên có phần chê trích vua Trần Thánh Tông chỉ quan tâm hành trì nếp sống Phật giáo Thiền mà phép trị nước dường như không được giỏi cho lắm. Thực tế, trong những năm ông trị vì đất nước, ông đã cùng con mình là Trần Nhân Tông lãnh đạo thành công hai cuộc chiến tranh vệ quốc xảy ra năm 1285 và 1287, xứng đáng được tôn vinh là vị anh hùng của dân tộc. Ông cũng là vị vua có tầm nhìn xa trông rộng trong việc thực thi các chính sách để xây dựng và bảo vệ đất nước trên mọi lĩnh vực. Cơ sở để thành công mục tiêu đó là thực thi chính sách đoàn kết toàn dân. Ông là người có sáng kiến triệu tập hội nghị Bình Than để bàn kế chống giặc, rồi hội nghị Diên Hồng, phát động tinh thần yêu nước “sát Thát” của toàn dân. Nhờ thực hiện đúng sách lược như thế, khi giặc Nguyên tràn sang nước ta, vua đã bảo vệ thành công biên cương lãnh thổ, cũng có nghĩa bảo vệ nền văn hóa dân tộc mà hệ tư tưởng Phật giáo Thiền tông đang là tư tưởng chủ đạo. Thế thì vua là người giỏi trị nước chứ không như lời của sử gia Ngô Sĩ Liên nói. Tuy nhiên, sử viết ông là người “ưu du cõi tam muội, tìm dấu đạo nhất thừa” là thật chính xác. Trần Thánh Tông chịu sự tác động của cha mình là Trần Thái Tông, người chủ trương sáp nhập ba Thiền phái hiện có để đi đến Phật giáo Nhất tông như đã nói. Huống chi, ông còn tiếp thu và triển khai đạo Thiền theo xu hướng chung của Phật giáo thời đại mình đang sống mà Tuệ Trung đã đề xướng. Do đó, ngoài việc lãnh đạo đất nước, Trần Thánh Tông còn nỗ lực thực tập đời sống Thiền và sáng tác thơ văn mang nội dung Thiền học.

Căn cứ vào Thánh đăng ngữ lục thì vua đã để lại cho chúng ta những tác phẩmVăn tập, Thiền tông liễu ngộ ca, Chỉ giá minh, Phóng ngưu, Cơ cừu tập [318, 40]. Đáng tiếc, nay chỉ còn 13 bài thơ hoàn chỉnh cùng mấy câu thơ đoạn phiến và ba bức thư ngoại giao. Khảo cứu các tác phẩm này, chúng ta cũng thấy được quan điểm của Trần Thánh Tông

Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm - 6


trong việc tiếp nhận tư tưởng Phật giáo nhập thế do Trần Thái Tông, Tuệ Trung chủ trương đặt nền móng tư tưởng Thiền phái. Bằng chứng là Trần Nhân Tông đã nói rằng vua Trần Thánh Tông tôn Tuệ Trung làm sư huynh được ghi nhận trong Thượng sĩ hành trạng. Và Trần Nhân Tông sau khi thành Sơ Tổ, mỗi lần đăng đàn thuyết pháp đều khấn nguyện đến người khai mở chân tâm của mình. Chẳng hạn, vào ngày 9 tháng giêng năm 1306, tại chùa Kỳ Viên trong lúc khấn niệm ngũ phần giới hương, ngũ phần pháp thân biến khắp pháp giới, Trần Nhân Tông cũng không quên khấn nguyện “Một nén hương này, nướng cũng không cháy, gõ vào không mở, kéo lại không đến, ngó trộm thì con người khô kiệt, ngửi thử thì cửa nẻo téc đôi. Sức nóng lò hương dâng lên Vô Nhị Thượng nhân Tuệ Trung đại sĩ, mưa pháp ơn nhuần, cháu con đều gội.” [294, 433].

Vô Nhị Thượng nhân là danh từ dùng để tôn vinh Tuệ Trung được ghi trong trong Thánh đăng ngữ lục. Sự kiện này cho thấy đạo phong của Tuệ Trung được xác chứng khá đặc biệt trong việc hình thành và truyền thừa Thiền phái. Cụ thể, Thượng sĩ trở thành nhân vật thạch trụ kết nối tư tưởng Thiền phái này được khởi đầu là Trần Thái Tông, đến Tuệ Trung, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông sau này thành một mạng mạch của suối nguồn Trúc Lâm.

Các chủ đề Thiền học qua các tác phẩm Thánh Tông sáng tác cũng xoay xung quanh các chủ đề tư tưởng mà Tuệ Trung và Nhân Tông đề cập. Quan điểm của Thánh Tông là vạn pháp giai không, Phật Thánh và chúng sinh đều không có sự phân biệt. Nói như Trần Thái Tông là “Thân ta tức là thân Phật, không có hai tướng.”, Tuệ Trung cho rằng “Khi mê không biết ta là Phật.”, Trần Nhân Tông thì phát biểu “Bụt ở trong nhà.”, còn Trần Thánh Tông thì nói “Phật cũng không, chừ người cũng không.”. Đối với vấn đề sinh tử, vua cũng phát biểu dứt khoát. Con người được sinh ra mang một sắc thân giống như mặc chiếc áo, khi chết đi chẳng khác gì cởi chiếc áo ra. Một quan điểm như thế sẽ tạo ra nhiều nhân tố tích cực khiến con người sẵn sàng xả thân để phụng sự cho đất nước “Sinh như trước sam, Tử như thoát khố. Tự cổ cập kim, Cánh vô dị lộ.” [333, 415] (H 4) (Sống như mặc áo, Chết tựa trút ra. Xưa nay chẳng qua, Một con đường ấy.) [333, 416].

Lối sống Thiền mà Trần Thánh Tông hướng nguyện đều có thể áp dụng đối với bất cứ người nào trong xã hội Đại Việt. Nó có ý nghĩa hết sức to lớn khi Phật giáo kêu gọi mọi


người tùy theo khả năng và hoàn cảnh mà góp phần kiến tạo một thế giới hạnh phúc. Không ai khác, vua Trần Thánh Tông đã chung lòng Tuệ Trung chuẩn bị tất cả các tiền đề lý luận để cho một nền Phật giáo mới ra đời trên nền tảng Thiền phái Trúc Lâm hình thành và đi vào họat động dưới sự lãnh đạo của Trần Nhân Tông. Mục đích của Thiền phái này là nhằm đáp ứng nhu cầu lịch sử đất nước và Phật giáo Đại Việt giao phó.

1.3. LỊCH SỬ TRUYỀN THỪA THIỀN PHÁI TRÚC LÂM

1.3.1. Sự ra đời và quá trình phát triển của Thiền phái

Thiền phái Trúc Lâm ra đời dựa trên hai tiền đề xã hội và tôn giáo được hình thành trong quá trình vận động lịch sử nước nhà. Nhà Trần trong buổi đầu mới thành lập, công việc cấp bách và thiết thực nhất cho các nhà lãnh đạo tối cao là xây dựng một ý thức hệ độc lập thống nhất hoàn toàn khác với phương Bắc. Họ Trần dựa vào Thiền tông làm ý thức hệ tiêu biểu, nhưng cũng phải thay đổi một vài nội dung cho phù hợp với thời đại, nhất là trong bối cảnh xã hội Đại Việt bấy giờ. Thiền phái mới được thiết lập trên cơ sở hợp nhất ba Thiền phái: Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường. Theo Nguyễn Duy Hinh, Thiền phái ra đời dựa trên tiền đề xã hội và tôn giáo hình thành trong quá trình vận độâng lịch sử với bốn mục đích chính: 1. Biểu lộ tính độc lập dân tộc. 2. Thay đổi phần nội dung tiêu cực và thân ngoại. 3. Mục đích thống nhất ý thức hệ để tạo nên Phật giáo Nhất tông. 4. Khoác cho mình chiếc áo của một tôn giáo mới [193, 649-650]. Như vậy, vấn đề lịch sử truyền thừa Thiền phái Trúc Lâm được lý giải như thế nào?

Căn cứ vào tài liệu Tam Tổ thực lục, Tam Tổ hành trạng, Thiền Tông bản hạnh, Thánh đăng lục, ta thấy quá trình hình thành và phát triển Thiền phái Trúc Lâm có một bề dày lịch sử. Trong bối cảnh lịch sử truyền thừa của Thiền phái, Trần Thái Tông, Tuệ Trung, Trần Thánh Tông được khẳng định là những gương mặt thiền gia đắc pháp đặt nền móng tư tưởng và kết nối cho Thiền phái này ra đời. Trần Nhân Tông là người có công làm cho Thiền phái Trúc Lâm đi vào đời sống sinh hoạt Phật giáo Thiền từ mô hình hoạt động, cơ cấu tổ chức cho đến nội dung tu tập và phương thức hành trì. Ông trở thành Sơ Tổ của Thiền phái, sau đó Pháp Loa được Trần Nhân Tông truyền y bát làm Tổ thứ hai. Và Tổ thứ ba được truyền thừa chính là Huyền Quang. Cả ba vị này được tôn vinh là Trúc Lâm Tam Tổ.


Điều đáng nói là xưa nay, các tài liệu chỉ tập trung giải trình sự truyền thừa Thiền phái chỉ đến ba đời, sau này mới có thêm một đời nữa là Hải Lượng Ngô Thì Nhậm. Cụ thể là đến thế kỷ XVIII, khi Tính Quảng và Ngô Thì Nhậm tập hợp tư liệu cho ra đời tác phẩm Tam Tổ thực lục thì người ta chỉ biết Thiền phái chỉ truyền thừa đến ba đời rồi bị gián đoạn. Sau đó, Hải Lượng Ngô Thì Nhậm được các đệ tử của mình tôn là Tổ thứ tư của Thiền phái trong bài tựa “Trúc Lâm Đại Chân Viên Giác Thanh” của tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh và cũng có lời nhận định “Sau Trúc Lâm Tam Tổ thì phong khí nhà Thiền rất là vắng lặng. Cái tuệ giác ở năm trăm về trước, có tân thanh này lại phát huy. Vì vậy, các đệ tử tôn ông làm tứ Tổ, điều đó không có gì quá đáng.” [189, 142]. Sự thật không phải thế, sau khi Huyền Quang viên tịch, Thiền phái Trúc Lâm vẫn tiếp tục truyền thừa với những gương mặt tiêu biểu khác.

1.3.1.1. Các thành tố hình thành và truyền thừa Thiền phái

Theo các nhà nghiên cứu một tôn giáo, đạo giáo hình thành phải đầy đủ các thành tố: Giáo chủ, tôn chỉ, hệ thống giáo lý, tín đồ - hình thức nghi lễ [30, 33]. Thiền phái Trúc Lâm ra đời được thiết kế theo mô hình chung như thế. Vấn đề là các thành tố đó vận hành như thế nào để có một lịch sử kế thừa lâu dài.

- Vị Giáo chủ:

Tam Tổ thực lục ghi Trần Nhân Tông ra đời như là một vị Phật gắn liền huyền sử, Thánh Tông đặt tên là Kim Phật. Vai phải vua có nốt ruồi đen như hạt đậu lớn, người biết xem tướng nói đứa bé này ngày sau có thể gánh vác việc lớn [232, 33]. Đại Việt sử ký toàn thư cũng ghi nhận tương tự. Các dữ kiện đó nhằm chứng minh Trần Nhân Tông là một vị Phật Đại Việt. Và Trần Nhân Tông hoằng hóa chẳng khác gì Phật Thích Ca. Điều đáng nói Trúc Lâm đệ nhất Tổ là “hiện thân của Phật Đại Việt với nhiều đường nét riêng biệt, phong cách riêng biệt, khác với tông phái Thiền tông khác. Nó không phải là chi nhánh Phật giáo từ bên ngoài vào, nó bắt nguồn tại chỗ, tức từ một vị Phật đầu thai, thuyết pháp, giáo hóa cứu vớt chúng sinh.” [193, 655].

- Tôn chỉ Thiền phái

Tôn chỉ của Thiền phái Trúc Lâm hẳn nhiên là kiến tính thành Phật như các Thiền phái khác. Điểm khác biệt là Thiền phái xuất phát từ nhận thức Phật tại tâm, do đó ai


cũng có thể thành Phật ngay giữa cõi đời. Một chủ trương như thế, bất cứ ai cũng trở thành thành viên của Thiền phái để chuyển hóa thân tâm và đóng góp tích cực cho đời: “Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tấc; Sơn lâm chẳng cốc, họa kia cả đồ công” [333, 506] (N 5). Trúc Lâm khuyến cáo mọi người sống giữa đời thế tục mà tạo phúc đức để độ mình và độ người mới đáng trân trọng. Còn ở ẩn giữa rừng núi mà không giác ngộ, không giúp đời thì thật đáng trách. Chính tư tưởng này làm cho lịch sử truyền thừa Thiền phái Trúc Lâm có dấu ấn lớn với những đại biểu xuất sắc kế thừa, bao gồm tại gia và xuất gia sau này. Bản thân Trần Nhân Tông sau khi xuất gia và hóa đạo mà vẫn lo việc nước, việc dân trong giai đoạn vua Trần Anh Tông trị vì. Bằng chứng sự kiện gả Công chúa Huyền Trân và sáp nhập hai châu Ô Mã và Việt Lý vào cương thổ Đại Việt đều có sự chỉ đạo của Sơ Tổ Trúc Lâm!

Có điều khi Diệu Trạm viết lời tựa Tam Tổ thực lục, ông muốn đề cao việc xuất gia của Trần Nhân Tông đã viết: “Một vị là bậc Pháp vương trị vì xã tắc, bỏ ngôi báu, vào cửa Thiền, quên mình vì Đạo, vừa mong đem Thiền cơ thù ứng, hiển nhiên gương sáng không mờ.” [232, 12]. Lời nhận định trên khiến sau này có ý kiến cho rằng Trần Nhân Tông khi xuất gia không còn tham gia việc thế tục: “…Nhưng thắng giặc không bao lâu, Trần Nhân Tông nhường ngôi cho Trần Anh Tông để đi tìm một cuộc sống tĩnh tại trong cảnh tu hành, trở thành ông Tổ thứ nhất của phái Trúc Lâm và gửi hơi thở cuối cùng ở am Ngọa Vân trên núi Yên Tử tĩnh mịch” và tác giả còn khẳng định “Ông muốn dứt bỏ những bận rộn thường

tình của xã hội để tìm lẽ huyền vi chi phối cuocä sống con người.” [196, 231 - 232]. Những

nhận định vừa nêu còn có chỗ phải bàn thêm. Thực tế, nhân tố quyết định tính truyền thừa Thiền phái Trúc Lâm là tuỳ duyên nhập thế trong tinh thần Cư trần lạc đạo.

- Hệ thống giáo lý

Tinh thần tùy duyên nhập thế được vận dụng tích cực khi Trần Nhân Tông lại chủ trương xây dựng hệ thống Thiền - Giáo song hành. Trong buổi lễ truyền trao y bát và ấn chứng cho Pháp Loa làm đệ nhị Tổ, Nhân Tông đã trao 20 hộp nhỏ Kinh điển Phật giáo, cùng 100 hộp Kinh điển ngoại thư và dặn dò phải mở rộng việc học nội điển như ngoại điển, đúng như Tam Tổ thực lục ghi “Ngày mồng một tháng giêng năm Mậu Thân, niên hiệu Hưng Long thứ 16 (1308), Sư phụng mệnh nối dòng pháp, trú trì Cam Lộ Đường chùa


Siêu Loại. Mở đầu buổi truyền thừa Tổ vị, Điều Ngự cho tấu đại nhạc, đốt danh hương, dẫn Sư lễ Tổ đường, rồi ra điểm tâm. Sau khi điểm tâm, Điều Ngự lại sai tấu nhạc, đánh trống pháp, tập họp đại chúng tại pháp đường. Lúc bấy giờ vua Anh Tông ngự giá đến chùa, vì vua là đại thí chủ của Phật pháp nên khi phân ngôi chủ khách, vua đứng vào vị trí khách tại pháp đường, còn Thượng tể thì hướng dẫn các quan đứng dưới sân. Điều Ngự lên tòa thuyết pháp, giảng xong buớc xuống đỡ Sư lên tòa, Điều Ngự đứng đối diện chắp tay thăm hỏi. Sư đáp lễ xong, liền nhận pháp y mặc vào. Điều Ngự liền bước sang một bên, ngồi trên giường khúc lục, nghe Sư thuyết pháp. Rồi đem chùa Siêu Loại của Sơn môn Yên Tử giao cho Sư, bảo phải kế vị trú trì, làm Tổ thứ hai Thiền phái Trúc Lâm. Lại đem trăm hộp kinh sử ngoại điển và hai mươi hộp Đại tạng cỡ nhỏ viết bằng máu trao cho Sư để mở mang sự học nội và ngoại.” [232, 40 - 41].

Chủ trương của Thiền phái là đào tạo ra những mẫu người dân Phật tử kế thừa tông phong được giáo dục toàn diện mới đáp ứng nhu cầu lịch sử. Truyền thống giáo dục Phật giáo là văn tư tu theo tinh thần “Phật Pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác” (H 6), xem mọi kiến thức ở đời đều là Phật pháp. Khi đất nước chưa có hệ thống giáo dục đào tạo theo trường lớp, thì nhà chùa trở thành nhà trường, nơi đó dạy đủ các môn học mà con người cần học. Chúng ta chẳng ngạc nhiên gì khi nước nhà độc lập, một ông vua Phật tử Lý Thánh Tông lập Văn Miếu 1070, rồi con ông là Lý Nhân Tông lập Quốc Tử Giám - trường Đại học đầu tiên của nước ta vào năm 1076 để đào tạo con người phục vụ đất nước và đạo pháp. Về sau, Trần Thái Tông đã phát biểu trong Thiền tông chỉ nam tự , sự đào tạo và giảng dạy đó thực chất là “Dụ quần mê chi phương tiện, minh sinh tử chi tiệp kính giả, ngã Phật chi đại giáo dã; nhậm thuỳ thế chi quyền hoành, tác tương lai chi quỹ phạm giả, tiên thánh chi trọng trách dã.” [333, 26] (H 7) (Phương tiện dẫn dụ đám người mê muội, con đường tắt sáng tỏ lẽ tử sinh, ấy là đại giáo của đức Phật. Đặt mực thước cho hậu thế; làm khuôn mẫu cho tương lai, ấy là trách nhiệm của tiên thánh.” [333, 27].

Một người Phật tử không chỉ thông thạo kinh điển nhà Phật mà còn phải học những môn khác nữa mới đủ tri thức vận dụng thực tiễn các nhu cầu con người đặt ra. Cũng trong Thiền tông chỉ nam tự, Trần Thái Tông còn nói rõ “tắc tri ngã Phật chi giáo hựu giả tiên thánh nhân dĩ truyền ư thế dã” [333, 26] (H 8) (như thế đủ biết đại giáo của đức Phật ta phải nhờ tiên thánh mà truyền lại cho đời.) [333, 27 - 28]. Điều đó phản ánh chính sách về


văn hóa giáo dục của Đại Việt luôn ý thức sử dụng Nho giáo như là một công cụ phục vụ lợi ích quốc gia và Phật giáo.

Việc Trần Nhân Nhân Tông trao cho đệ nhị Tổ 100 hộp kinh sử ngoại điển cùng với 20 hộp nhỏ Đại tạng kinh và dặn dò mở rộng việc học là nhằm thực hiện việc nâng cao trình độ dân trí sau này. Nếu không như thế, Phật giáo chỉ biết đào tạo cho xã hội những con người chuyên tu hành mà không tham gia hoạt động gì cả. Vì vậy, trong thời gian Pháp Loa làm đệ nhị Tổ, học thuật Phật giáo được chú trọng. Chú ý nhất là tháng 12, năm 1038, Pháp Loa kêu gọi tăng chúng và cư sĩ chích máu in Đại tạng kinh hơn 5000 bản. Riêng bản thân Pháp Loa cũng sáng tác nhiều bản kinh Đại thừa: Tham Thiền kỷ yếu, Kim Cương trùng đà la ni kinh khoa chú, Niết Bàn đại kinh khoa sớ, Pháp Hoa kinh khoa sớ, Lăng Già tứ quyển khoa sớ, Bát Nhã tâm kinh khoa sớ, Hưng vương hộ quốc nghi quỷ, Pháp sự khoa văn và Độ môn trợ thành tập. Hẳn nhiên, Pháp Loa cũng là nhân vật được giới Phật giáo và các thành phần khác trong xã hội mời thuyết giảng kinh Hoa Nghiêm. Đây chính là một trong những điểm mạnh của Thiền phái, sau này Thích Thanh Từ trong một bài viết về “Nhận định những ưu khuyết của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử” đã có ý kiến đánh giá rất cao về vấn này như sau: “Thiền phái Trúc Lâm không cực đoan như một số Thiền phái Trung Hoa. Những Thiền phái cực đoan cho rằng người tu Thiền không được giảng học kinh điển vì lẽ làm tăng kiến giải, trở ngại ngộ đạo. Trái lại Thiền phái Trúc Lâm vừa tu Thiền vừa học kinh điển.” [192, 212]. Như vậy, việc diễn giảng, học tập kinh điển đã được nâng lên thành một hệ thống giáo lý của Thiền phái. Trong đó kinh Hoa Nghiêm được các nhà khai sáng Thiền phái chú trọng, cụ thể Trần Nhân Tông đã có bài kệ đọc cho Bảo Phác trước lúc viên tịch mang nội dung tư tưởng kinh Hoa Nghiêm: “Nhất thiết pháp bất sinh, Nhất thiết pháp bất diệt. Nhược năng như thị giải, Chư Phật thường hiện tiền.” [232, 33] (H 9) (Tất cả các pháp không sinh, Tất cả các pháp không diệt. Nếu hiểu được như vậy, Chư Phật thường hiện tiền.) [232, 33].

Hoa Nghiêm là bản kinh Đại thừa, được Phật thuyết giảng sau khi mới Thành đạo trong thời gian 21 ngày đêm “Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhật” (H 10), xuất phát từ Ấn Độ và có ảnh hưởng lớn ở Việt Nam từ thời Lý - Trần trở về sau. Nó trình bày về thế giới duyên khởi của vạn pháp. Nghĩa là, mọi sự vật vũ trụ đều do nhân duyên hòa hợp mà

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 02/02/2023