Một số điểm lưu ý:
Khi định tội danh đối với tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý cần chú ý một số điểm sau:
Người bị coi là đồng phạm về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy khi thực hiện theo sự chỉ huy, phân công, điều hành một trong các hành vi sau: đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; cung cấp trái phép chất ma túy cho người khác để họ sử dụng trái phép chất ma túy; chuẩn bị chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ, sản xuất…) nhằm đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; chuẩn bị địa điểm (thuê địa điểm, mượn địa điểm, sử dụng địa điểm không thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc đang do mình quản lý để làm nơi đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác); chuẩn bị dụng cụ, phương tiện dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ…) nhằm sử dụng để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; tìm người sử dụng chất ma túy để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể của họ.
Người nghiện ma túy có chất ma túy (không phân biệt nguồn gốc ma túy do đâu mà có) cho người nghiện ma túy khác chất ma túy để cùng sử dụng trái phép thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, mà tùy từng trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma túy.
Người thực hiện hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, mà còn thực hiện một hay nhiều hành vi phạm tội khác về ma túy quy định tại các điều luật tương ứng của BLHS, thì ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 197 của BLHS, tùy từng trường hợp còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm khác đã thực hiện quy định tại điều luật tương ứng của BLHS.
2.2.7. Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 198)
Cũng như tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, hàng năm tội phạm này xảy ra không nhiều, mỗi năm chỉ khoảng trên 10 vụ/ 10 bị can, ví dụ như năm 2010 là 12 vụ/14 bị can [54, tr.1]. Tội này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ con người và trật tự, an toàn xã hội.
Khách thể của tội phạm: Tội phạm xâm phạm đến quy định của Nhà nước ta về quản lý, sử dụng các chất ma tuý. Tội phạm còn xâm phạm đến trật tự, an toàn xã hội và xâm phạm gián tiếp đến sức khoẻ người khác.
Mặt khách quan của tội phạm: Hành vi khách quan của tội phạm thể hiện trong hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý hoặc có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp sử dụng trái phép chất ma tuý.
“Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” là hành vi của người có địa điểm thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc do mình quản lý biết người khác là đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, nhưng vẫn cho họ mượn hoặc thuê địa điểm đó để họ trực tiếp sử dụng trái phép chất ma túy nhằm thỏa mãn nhu cầu của họ về sử dụng chất ma túy.
Có thể bạn quan tâm!
- Một Số Khái Niệm Liên Quan Đến Các Tội Phạm Về Ma Túy
- Tội Tàng Trữ, Vận Chuyển, Mua Bán Trái Phép Hoặc Chiếm Đoạt Chất Ma Túy (Điều 194)
- Tội Sản Xuất, Tàng Trữ, Vận Chuyển, Mua Bán Các Phương Tiện, Dụng Cụ Dùng Vào Việc Sản Xuất Hoặc Sử Dụng Trái Phép Chất Ma Túy (Điều 196)
- Số Liệu Thống Kê Về Tình Hình Phạm Tội Về Ma Túy Trên Địa Bàn Cả Nước.
- Một Số Tồn Tại, Hạn Chế Của Việc Định Tội Danh Đối Với Các Tội Phạm Về Ma Túy
- Tăng Cường Công Tác Hướng Dẫn Áp Dụng Pháp Luật
Xem toàn bộ 109 trang tài liệu này.
“Có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” là trường hợp người có địa điểm thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc do mình quản lý, biết người khác (không phải là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của mình) là đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, tuy không cho họ thuê, mượn địa điểm, nhưng lại để mặc cho họ hai lần sử dụng trái phép chất ma túy trở lên hoặc để mặc cho nhiều người sử dụng trái phép chất ma túy.
Mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp.
Chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội phạm này là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi nhất định (theo khoản 1 Điều 198 chủ thể
của tội phạm là từ đủ 16 tuổi trở lên; theo khoản 2, 3 và 4 thì chủ thể của tội phạm là từ đủ 14 tuổi trở lên).
Một số điểm lưu ý:
Khi định tội danh đối với tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy cần phân biệt:
Người có địa điểm cho người khác mượn hoặc thuê địa điểm mà biết là họ dùng địa điểm đó không phải để họ sử dụng chất ma túy nhằm thỏa mãn nhu cầu của họ về sử dụng chất ma túy, mà dùng địa điểm đó để đưa chất ma túy trái phép vào cơ thể người khác, thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” quy định tại Điều 197 của BLHS.
Người nghiện ma túy cho người nghiện ma túy khác cùng sử dụng trái phép chất ma túy tại địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy.
2.2.8. Tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 200)
Theo thống kê kiểm sát điều tra án hình sự của Cục Thống kê Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì hàng năm, tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý xảy ra trên toàn quốc là rất ít. Mỗi năm chỉ có một vài vụ, cũng như một vài đối tượng phạm tội này. Nhưng trên thực tế, tội phạm này cũng rất nguy hiểm cho xã hội. Người phạm tội đã trực tiếp xâm phạm đến quyền tự do và sức khoẻ của con người, đến chế độ quản lí của Nhà nước và đến trật tự công cộng và làm gia tăng tệ nạn nghiện hút trong cộng đồng.
Điều 200 BLHS quy định hai tội phạm cụ thể:
Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma tuý;
Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý.
Khách thể của tội phạm: Tội phạm xâm phạm quy định của Nhà nước về quản lí chất ma tuý, xâm phạm quyền tự do và sức khoẻ của con người, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội.
Mặt khách quan của tội phạm: được thể hiện ở hành vi cưỡng bức hoặc hành vi lôi kéo người khác sử dụng ma tuý.
“Cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy” là hành vi dùng vũ lực (dùng sức mạnh vật chất để tấn công người khác) hoặc đe dọa dùng vũ lực (đe dọa bằng sức mạnh vật chất) hoặc các thủ đoạn khác (đe dọa đốt nhà, làm mất danh dự, nhân phẩm của người bị hại) uy hiếp tinh thần của người khác để buộc họ phải sử dụng trái phép chất ma túy trái với ý muốn của họ. Kết quả của hành vi cưỡng bức là việc người khác đã sử dụng chất ma tuý trái với ý muốn của mình.
“Lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy” là hành vi rủ rê, dụ dỗ, xúi giục (thường là đối tượng tuổi còn trẻ hoặc người chưa thành niên) hoặc bằng các thủ đoạn khác (như sử dụng thử cho họ thấy, cung cấp thông tin cho họ biết…) nhằm khêu gợi sự ham muốn của người khác để họ sử dụng trái phép chất ma túy. Kết quả của hành vi lôi kéo là do bị tác động, lôi kéo, từ chỗ ban đầu không có ý muốn sử dụng chất ma tuý người bị lôi kéo đã đi đến tự nguyện sử dụng trái phép chất ma tuý.
Mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức được hành vi lôi kéo, cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma tuý là hành vi nguy hiểm cho xã hội mà vẫn mong muốn thực hiện.
Chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội phạm này là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi nhất định (theo khoản 1 Điều 198 chủ thể
của tội phạm là từ đủ 16 tuổi trở lên; theo khoản 2, 3 và 4 thì chủ thể của tội phạm là từ đủ 14 tuổi trở lên).
Một số điểm lưu ý:
Khi định tội danh về tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý cần chú ý một số điểm sau:
Trong trường hợp, người nghiện ma túy rủ người nghiện ma túy khác cùng sử dụng trái phép chất ma túy hoặc cùng đi mua chất ma túy để cùng sử dụng thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy. Tùy từng trường hợp mà họ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép chất ma túy.
Trường hợp người cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy biết bản thân họ hoặc người khác đã nhiễm HIV mà cố ý lây truyền HIV cho người sử dụng chất ma túy thì cùng với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy mà người này còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lây truyền HIV cho người khác theo quy định tại Điều 117 của BLHS hoặc tội cố ý truyền HIV cho người khác theo quy định tại Điều 118 của BLHS.
2.2.9. Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác (Điều 201)
Qua điều tra cơ bản đã xác định toàn quốc có 10.000 công ty, xí nghiệp, cơ quan đơn vị có chức năng quản lý, sử dụng tiền chất, từ 2001- 2005 có 693.610 tấn và 696.710 lít tiền chất được nhập khẩu vào Việt Nam. Hàng trăm công ty sản xuất, nhập khẩu và quản lý, phân phối thuốc tân dược gây nghiện và thuốc hướng thần.
Khách thể của tội phạm: Tội phạm xâm phạm đến quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng chất gây nghiện và các chất ma tuý khác. Tội phạm này còn xâm phạm trật tự, an toàn xã hội.
Đối tượng tác động của tội phạm: là các thuốc tân dược có chứa chất ma tuý hoặc chất hướng thần được gọi chung là thuốc gây nghiện hoặc các chất ma tuý khác. Ví dụ: codein, pethidin, dolosan, seduxen...
Mặt khách quan của tội phạm: Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma tuý khác. Hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác được hiểu là hành vi của người có trách nhiệm trong việc nghiên cứu, giám định, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, mua bán, vận chuyển, bảo quản, tàng trữ, phân phối, cấp phát, sử dụng, xử lý, trao đổi thuốc gây nghiện và các chất ma túy khác đã không làm đúng quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng các chất đó.
Người phạm tội có thể thực hiện hành vi phạm tội dưới dạng hành động như không thực hiện đúng với giấy phép quy định về số lượng, chất lượng, chủng loại, sai với các quy trình hoạt động hoặc phân phối hoặc cấp phát không đúng đối tượng. Ví dụ: bán thuốc gây nghiện cho người khác mà không có đơn của thầy thuốc có thẩm quyền...
Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể thực hiện hành vi phạm tội dưới dạng không hành động như thiếu trách nhiệm trong các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán, vận chuyển, bảo quản, phân phối, cấp phát, sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác, để xảy ra mất mát, hư hỏng, sai số lượng, chất lượng, chủng loại...
Mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý, một số trường hợp do lỗi vô ý.
Chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội phạm này phải là người có trách nhiệm trong việc nghiên cứu, giám định, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, mua bán, vận chuyển, bảo quản, tàng trữ, phân phối, cấp phát, sử dụng, xử lý, trao đổi thuốc gây nghiện và các chất ma túy khác. Trách nhiệm trong
các lĩnh vực trên có được có thể do được giao nhiệm vụ trực tiếp hoặc do chức vụ quản lí trong các lĩnh vực đó.
Tóm lại, qua việc phân tích dấu hiệu pháp lí của các tội danh về ma tuý, chúng ta có thể nhận thấy: tội phạm về ma tuý có thể được hiểu là những hành vi nguy hiểm cho xã hội; hành vi này xâm phạm trực tiếp đến quy định của Nhà nước về quản lí các chất ma tuý; do người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 14 tuổi trở lên (hoặc từ đủ 16 tuổi trở lên được quy định ở Điều 192) với lỗi cố ý trực tiếp (hoặc với lỗi vô ý đối với một số trường hợp ở Điều 201).
2.3. Tình hình các tội phạm về ma tuý và đấu tranh chống các tội phạm về ma tuý trong những năm 2006 đến 2010
Trong những năm qua, tình hình tội phạm ma túy diễn ra hết sức phức tạp cả về số lượng và tính chất nguy hiểm của tội phạm. Trong thời gian gần đây xuất hiện nhiều băng nhóm và tổ chức tội phạm ma túy xuyên quốc gia. Nhất là các đối tượng người nước ngoài vào Việt Nam hoạt động tội phạm về ma túy, chúng lôi kéo, lợi dụng những người phụ nữ Việt Nam vừa bằng tiền, vừa bằng tình để tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma tuý thay cho chúng, nhất là các đối tượng người Nigêria. Chúng cấu kết với các tổ chức tội phạm ở Việt Nam lập thành nhiều băng nhóm và tổ chức vận chuyển, buôn bán ma tuý trái phép với nhiều thủ đoạn tinh vi và che giấu hành vi phạm tội khiến cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy hết sức khó khăn, cam go.
Trên địa bàn toàn quốc, tình hình vi phạm và tội phạm về ma túy diễn biến hết sức phức tạp, tại các tỉnh khu vực Tây Bắc, Nghệ An, Tây Nam Bộ đã xuất hiện nhiều vụ phạm tội về ma tuý có tổ chức, đã cấu kết với các đối tượng người nước ngoài tạo thành đường dây mua bán ma tuý lớn xuyên quốc gia, khi bị phát hiện chúng chống trả quyết liệt, điển hình như vụ Dư Kim
Dũng ở Hải Phòng đã thu giữ 51.000 viên ma tuý tổng hợp (tương đương 14,3kg hêroin), 2 khẩu súng ngắn và súng hơi cay hoặc Vụ Lu Ming Cheng (Lữ Minh Trình) cùng đồng bọn quốc tịch Trung Quốc lợi dụng chính sách nhập khẩu đã vận chuyển 2 contener quần bò trong đó có chứa 8,16 tấn nhựa cần sa từ Pakistan về Việt Nam để vận chuyển đi Canada tiêu thụ.
Trên tuyến đường bộ có nhiều vụ án phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng, điển hình như vụ Vàng A Giơ ở tại Hàng Kia, Mai Châu, Sơn La bị Công an huyện Mộc Châu bắt quả tang và thu giữ 30 bánh hêroin (10.361,12gam), 1 khẩu súng K59, 8 viên đạn và 1 xe ôtô. Vụ Lưu Văn Tường ở Bình Phước bị Công an tỉnh Tây Ninh bắt quả tang khi đang trên đường vận chuyển 10 bánh hêrôin từ Campuchia về Việt Nam; Vụ bắt giữ Lâm Ngọc Liêm ở thành phố Hồ Chí Minh vận chuyển 3 bịch methamphetamine, trọng lượng 582,229gam từ Camphuchia về Việt Nam tiêu thụ.
Tuyến đường hàng không diễn biến ngày càng phức tạp hơn; tập trung trên các tuyến thành phố Hồ Chí Minh đi Úc; thành phố Hồ Chí Minh đi Đài Loan, Trung Quốc. Điển hình là vụ các đối tượng người Châu Phi nhập cảnh, cư trú trái phép ở thành phố Hồ Chí Minh rồi thuê hoặc lừa phụ nữ Việt Nam sau đó đưa sangTrung Quốc, Úc… Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ công an triệt phá 06 chuyên án, bắt giữ 51 đối tượng, trong đó có 42 đối tượng là người nước ngoài, chủ yếu mang quốc tịch Nigêria, Philippin. Thủ đoạn phạm tội của các đối tượng là thông qua vợ hoặc bạn gái là người Việt Nam để lôi kéo phụ nữ nghèo tại TP Hồ Chí Minh tham gia vận chuyển ma túy dưới hình thức vận chuyển hàng mẫu từ Ấn Độ, Pakistan, Malaisia về Việt Nam; sau đó vận chuyển đi Trung Quốc bằng đường hàng không, đường bộ hoặc cất giấu ma túy vào đế giầy, dép, nuốt vào bụng, giấu vào bức tranh, cúc áo… Điển hình như: Vụ Đoàn Nguyễn Minh Châu giấu 100 gam hêrôin trong đế dép đang sử dụng để xuất cảnh sang Trung Quốc; vụ Nguyễn Thị