Định kiến giới trên báo mạng điện tử Việt Nam Khảo sát báo mạng điện tử Tuoitre.vn, Vnexpress.net, Giadinh.net.vn từ tháng 01-2014 đến tháng 12-2016 - 2

mòn, thói quen trong nhận thức, thái độ và hành vi ứng xử mà ngay cả người trong cuộc cũng khó nhận ra.

1.2. Chỉ có con đường đấu tranh hòa bình bằng cách đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, bổ sung hoặc thay đổi chính sách của Nhà nước, tích cực truyền thông để thay đổi nhận thức và hành vi của cộng đồng và mỗi cá nhân mới có thể giúp chúng ta tiến dần đến bình đẳng giới. Trên con đường lâu dài đó, không thể thiếu vai trò quan trọng của các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là loại hình báo mạng điện tử. Trong nỗ lực xoá bỏ định kiến giới hướng đến bình đẳng giới, dựa trên thế mạnh thông tin chuyển tải tới số lượng lớn công chúng trong cùng thời điểm, vai trò của truyền thông đại chúng là vô cùng quan trọng, thiết yếu. Vấn đề truyền thông về bình đẳng giới đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức phi chính phủ… Từ năm 1996, Hội nghị Bắc Kinh tiến đến thế kỷ 21 của phụ nữ đã đưa ra thông điệp: “Phương tiện truyền thông in ấn và điện tử ở hầu khắp các quốc gia không cung cấp bức tranh cân bằng về đời sống đa dạng của người phụ nữ và những đóng góp xã hội của họ cho một thế giới biến đổi”, và các phương tiện truyền thông - với tư cách là một công cụ có sức ảnh hưởng mạnh mẽ và đầy quyền lực trong xã hội, phải hoạt động với mục đích làm cho xã hội có cái nhìn đúng hơn, tốt hơn về hình ảnh người phụ nữ, thay đổi thái độ và quan niệm của xã hội về vai trò truyền thống của người phụ nữ [113, 98]. Truyền thông đại chúng trong vai trò cung cấp thông tin, hình thành, thể hiện và định hướng dư luận xã hội sẽ tác động tích cực và thúc đẩy bình đẳng giới nếu các thông điệp có nhạy cảm giới, ngược lại sẽ kìm hãm và khắc sâu thêm sự bất bình đẳng, thậm chí tổn hại đến hình ảnh quốc gia, truyền thống văn hóa, hình ảnh con người Việt Nam nếu các định kiến giới vẫn được tạo ra và duy trì bởi thiết chế này. Do đó, trong các luật và văn bản dưới luật đều đề cập tới vai trò và nhiệm vụ của các cơ quan thông tin đại chúng với những mục tiêu và lộ trình được xác định cụ thể cũng như các cơ chế phối hợp và hành lang pháp lý đảm bảo cho lộ trình được thực hiện. Việc tuyên truyền, vận động, lan tỏa những thông điệp đúng đắn, sâu sắc, toàn diện về bình đẳng giới vừa là vai trò và cũng là thách thức đối với báo chí nói chung. Với báo mạng điện tử - một loại hình báo chí mới đang ngày càng chiếm ưu thế nhờ những tính năng vượt trội - thúc đẩy bình đẳng giới còn trở thành nhiệm vụ và sứ mệnh.

1.3. Trong hai thập niên vừa qua, có rất nhiều đề tài, công trình nghiên cứu, dự án truyền thông trong nước và trên thế giới về vấn đề bình đẳng giới trên truyền thông đã chỉ ra rằng: Tuy có nhiều dấu hiệu tích cực, xong truyền thông hiện nay vẫn thiếu nhạy cảm giới, chưa phản ánh công bằng và cân bằng diện mạo của nam và nữ trong các hoạt động kinh tế - chính trị - xã hội. Tuy nhiên, chưa có công trình nào nghiên cứu một cách hệ thống, trực tiếp, chuyên sâu về vấn đề định kiến giới trên báo mạng điện tử, đặc biệt là dưới góc độ báo chí học và bằng phương pháp phân tích nội dung tin tức. Từ vai trò và thực tiễn phát triển của báo chí nói chung, báo mạng điện tử nói riêng những năm gần đây, hàng loạt vấn đề đặt ra cần phân tích, lí giải: Báo mạng điện tử (BMĐT) Việt Nam đang truyền thông về giới như thế nào? Có tồn tại định kiến giới trong nội dung tin tức trên BMĐT hay không? Định kiến giới (ĐKG) được biểu hiện ra sao trong nội dung tin tức trên BMĐT? Làm thế nào để hạn chế, tiến tới xóa bỏ tình trạng ĐKG trên BMĐT Việt Nam?

Với mục tiêu trả lời cho các câu hỏi nêu trên một cách cặn kẽ và có hệ thống, chúng tôi chọn đề tài Định kiến giới trên báo mạng điện tử Việt Nam (Khảo sát báo điện tử Tuoitre.vn, VnEpress.net, Giadinh.net.vn từ tháng 01/2014 đến tháng 12/2016). Việc nghiên cứu ĐKG trên BMĐT là rất cần thiết trong bối cảnh “Việt Nam đang huy động tối đa mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác bình đẳng giới”, và “chiến lược quốc gia về bình đẳng giới là một bộ phận cấu thành quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là cơ sở nền tảng của chiến lược phát triển con người của Đảng và Nhà nước” (Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020).

2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu

2.1. Mục đích:

Hệ thống hóa cơ sở lý luận về vấn đề định kiến giới để làm căn cứ xác định khung lý thuyết, phương pháp nghiên cứu và lý thuyết tiếp cận của luận án. Trên cơ sở xây dựng nền tảng lý luận và thực tiễn cho việc khảo sát, đánh giá vấn đề ĐKG trên BMĐT Việt Nam, làm rõ thực trạng ĐKG trên BMĐT Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp hạn chế tình trạng ĐKG, nâng cao chất lượng thông tin về giới trên BMĐT Việt Nam.

2.2. Nhiệm vụ:

Để đạt được mục đích trên, luận án đề ra các nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể sau:

+ Tổng quan tình hình nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam theo ba hướng: về báo mạng điện tử, về phân tích nội dung sản phẩm truyền thông; về bình đẳng giới, định kiến giới trên truyền thông đại chúng nói chung và BMĐT nói riêng.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 229 trang tài liệu này.

+ Xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn của vấn đề ĐKG trên BMĐT để làm căn cứ cho việc khảo sát, phân tích thực trạng ĐKG trên BMĐT Việt Nam.

+ Soi chiếu lý luận vào thực tiễn để phân tích, đánh giá các biểu hiện cụ thể của ĐKG trên hai phương diện nội dung và hình thức các tác phẩm BMĐT trong phạm vi khảo sát.

Định kiến giới trên báo mạng điện tử Việt Nam Khảo sát báo mạng điện tử Tuoitre.vn, Vnexpress.net, Giadinh.net.vn từ tháng 01-2014 đến tháng 12-2016 - 2

+ Từ thực trạng, khái quát các vấn đề đặt ra và đề xuất các khuyến nghị cụ thể nhằm khắc phục tình trạng ĐKG trên BMĐT Việt Nam.

3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu

- Đối tượng: Vấn đề ĐKG trên BMĐT Việt Nam

- Phạm vi: BMĐT ở Việt Nam rất phong phú về số lượng nên nghiên cứu chỉ tập trung khảo cứu ba trang BMĐT là vnexpress.net, tuoitre.vn, giadinh.net.vn. Đây là các trang BMĐT đảm bảo được đồng thời các tiêu chí chọn mẫu của luận án: Là những trang báo có uy tín, được phổ biến rộng rãi, được đông đảo bạn đọc biết đến và đón nhận; nội dung tin bài phải đảm bảo độ nhanh nhạy, đa dạng của thông tin, độ phong phú, hấp dẫn của chuyên mục, đề cập đến những vấn đề đời sống xã hội chân thực và sinh động; đáp ứng được tính chất đặc trưng riêng biệt đảm bảo độ phong phú, khách quan và chuyên sâu cho mẫu khảo sát (Có báo chuyên về lĩnh vực hôn nhân gia đình với nhiều tin bài liên quan đến chủ đề giới như giadinh.net.vn, có báo mạnh về mảng giải trí, đời sống xã hội như VnExpress.net, có báo mạnh về mảng chính trị xã hội, văn hóa như tuoitre.vn; có báo là báo mạng điện tử độc lập như VnExpress.net, có báo song song tồn tại cùng phiên bản báo giấy như Tuoitre.vn, Giadinh.net.vn).

Ngoài ra, do đặc trưng về mặt loại hình, lượng tin bài xuất bản của BMĐT rất lớn, vì vậy chúng tôi giới hạn chỉ nghiên cứu các biểu hiện của ĐKG trong nội dung và hình thức của tin bài trong một số chuyên mục phù hợp như: Thời sự, Xã hội, Giải trí, Gia đình, Tâm sự. Điều này cũng được trình bày cụ thể trong phần Phương pháp chọn mẫu ở mục 6 (Phương pháp nghiên cứu). Chúng tôi hy vọng có thể đề cập đến các đối tượng khác của BMĐT như chuyên mục quảng cáo, tin video… trong một nghiên cứu khác.

ĐKG là một vấn đề nghiên cứu rộng với nội hàm tương đối phức tạp. Trong khuôn khổ luận án, chúng tôi chỉ tập trung nghiên cứu các biểu hiện của ĐKG đối với hai

giới là giới nam và giới nữ (trong đó định kiến giới đối với nữ được nghiên cứu sâu hơn do những đặc trưng của nền văn hóa truyền thống “trọng nam, khinh nữ”). Chúng tôi không đề cập đến cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới) trong nghiên cứu này vì tại thời điểm khảo sát, lượng tin bài về đối tượng LGBT không đủ độ lớn, do đó các biểu hiện của ĐKG đối với cộng đồng LGBT thông qua nội dung và hình thức tin bài cũng không đầy đủ và rõ nét.

Thời gian khảo sát: Từ tháng 01/2014 đến hết tháng 12/2016 (được cập nhật và bổ sung thêm trong quá trình nghiên cứu). Năm 2014 là năm Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cho xuất bản và phát hành Bộ chỉ số về giới trong truyền thông. Đây là tài liệu được thực hiện với sự tham gia đóng góp tích cực của nhiều chuyên gia, nhà báo, các tổ chức báo chí, hiệp hội, câu lạc bộ báo chí, các tổ chức truyền thông trên thế giới, Tổ chức Văn hoá, Khoa học, Giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO) và được phổ biến rộng rãi tới tất cả các cơ quan báo chí ở Việt nam, trong đó Đài Tiếng nói Việt Nam là đơn vị được chỉ định áp dụng thí điểm. Trong tài liệu này, các chỉ số để đạt bình đẳng giới trong quản lý truyền thông và nội dung truyền thông được xây dựng một cách công phu, chi tiết và khoa học. Chọn thời gian nghiên cứu từ 2014 đến 2016, chúng tôi kỳ vọng thấy được những tồn tại cũng như những biến chuyển của các yếu tố biểu hiện định kiến giới trong nội dung tin tức trước tác động của Bộ chỉ số về giới trong truyền thông. Bên cạnh đó, thời điểm 2014 - 2016 cũng là những năm bản lề của việc đánh giá kết quả thực giai đoạn thứ nhất của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 2011 - 2020. Chúng tôi tin rằng khảo sát vấn đề ĐKG trên truyền thông trong thời gian này sẽ cho những kết quả khách quan, khoa học và thú vị.

4. Câu hỏi nghiên cứu, giả thuyết nghiên cứu và khung phân tích

4.1. Câu hỏi nghiên cứu:

+ Có hay không sự tồn tại của ĐKG trong nội dung tin tức trên BMĐT?

+ ĐKG biểu hiện như thế nào thông qua nội dung tin bài trên BMĐT?

+ Các yếu tố hình thức của tác phẩm BMĐT có tiềm ẩn ĐKG không?

+ Nguyên nhân và giải pháp để khắc phục tình trạng ĐKG trong nội dung tin tức trên BMĐT?

4.2. Giả thuyết nghiên cứu:

Giả thuyết thứ nhất: ĐKG trên BMĐT là vấn đề cái nhìn, thái độ, cách đánh giá mang tính khuôn mẫu, một chiều, tiêu cực của người viết liên quan đến giới được thể hiện trong nội dung tin tức BMĐT. Những tác phẩm báo chí ẩn chứa

định kiến giới tồn tại trên BMĐT sẽ phổ cập và củng cố thêm khuôn mẫu giới, trở thành rào cản cho việc rút ngắn khoảng cách giới, từ đó khắc sâu thêm định kiến, duy trì sự bất bình đẳng giới.

Giả thuyết thứ hai: Tuy việc tuyên truyền BĐG trên BMĐT đã có những chuyển biến tích cực trong những năm gần đây, xong ĐKG vẫn tồn tại trong các tác phẩm BMĐT trên cả hai phương diện nội dung và hình thức, phổ cập và củng cố thêm khuôn mẫu giới, trở thành rào cản cho việc rút ngắn khoảng cách giới, từ đó khắc sâu thêm định kiến, duy trì sự bất bình đẳng giới.

+ Về mặt nội dung: ĐKG thể hiện ở cách thức miêu tả đặc điểm (ngoại hình/tính cách, phẩm chất), vị trí, vai trò, năng lực của nam giới và nữ giới theo những khuôn mẫu sẵn có mà những khuôn mẫu này hạn chế sự phát triển và thụ hưởng bình đẳng của mỗi giới, lâu dài sẽ càng khắc sâu định kiến, cản trở BĐG.

+ Về mặt hình thức, ĐKG thể hiện ở nhiều khía cạnh: từ tần xuất, mức độ quan tâm khi xuất bản tin bài về giới, thể loại tin bài về giới, cho đến hình ảnh, ngôn ngữ thể hiện tin bài đều hàm chứa những biểu hiện của ĐKG.

Giả thuyết thứ ba: Có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự tồn tại dai dẳng của ĐKG trong nội dung tin tức chính là ĐKG đã và đang tồn tại trong tư duy, nhận thức của chính nhà BMĐT - những người sản xuất tin bài, dẫn đến những sản phẩm ẩn chứa ĐKG được xuất bản trên BMĐT. Các nhà báo càng có ý thức về BĐG thì sản phẩm báo chí của họ càng ít ĐKG.


4.3. Khung phân tích

Định kiến giới trong nội dung tin tức:

- Cách thức phản ánh đặc điểm (ngoại hình, tính cách, phẩm chất) của nam/nữ.

- Cách thức phản ánh vị trí, vai trò, năng lực của nam/nữ trong mối quan hệ gia đình và xã hội.

Định kiến giới trong hình thức thể hiện tin tức:

- Chuyên mục

- Tần suất

- Thể loại

- Ngôn ngữ

- Hình ảnh

Hình 1: Khung phân tích vấn đề định kiến giới trên báo mạng điện tử Việt Nam



- Nhà báo

- Cơ quan báo chí/ Kênh báo mạng điện tử

Định kiến giới trên BMĐT Việt Nam (Báo

mạng điện tử: Tuoitre.vn; Vnexpress.net; Giadinh.net.vn)


Quan điểm, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về vấn đề bình đẳng giới

Môi trường kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội.

Phẩm chất, năng lực nghề nghiệp của nhà báo.

Giải pháp hạn chế ĐKG trên BMĐT


7

5. Cơ sở lí luận và thực tiễn

5.1. Cơ sở lí luận

Luận án sử dụng phương pháp tiếp cận đối tượng nghiên cứu dựa trên các quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới; dựa trên hệ thống lý thuyết bao gồm: lý thuyết về giới, lý thuyết truyền thông đại chúng, lý thuyết xã hội học báo chí để tiếp cận vấn đề.

5.2. Cơ sở thực tiễn

Luận án dựa trên cơ sở thực tiễn của công tác truyền thông về giới của các cơ quan truyền thông, cơ quan báo chí; qua thực tiễn tình hình bình đẳng giới trong đời sống xã hội; qua các công trình nghiên cứu về bình đẳng giới của các nhà khoa học, các báo cáo tổng kết, đánh giá công tác tuyên truyền bình đẳng giới của các cơ quan chức năng; từ kết quả khảo cứu tin bài có yếu tố định kiến giới trên ba tờ BMĐT là tuoitre.vn, vnexpress.net và giadinh.net.vn từ năm 2014 đến năm 2016 (có bổ sung trong quá trình nghiên cứu).

6. Phương pháp nghiên cứu

6.1. Phương pháp phân tích nội dung

Chúng tôi kết hợp cả hai thao tác phân tích nội dung định lượng và phân tích nội dung định tính trong quá trình nghiên cứu.

Việc khảo sát được tiến hành bằng một bộ công cụ mã hóa nội dung thông tin về định kiến giới trên ba tờ BMĐT (vnexpress.net, tuoitre.vn, giadinh.net.vn). Trên cơ sở thống kê số lượng, quy mô, tần suất sử dụng các phạm trù liên quan đến vấn đề giới và bất bình đẳng giới thông qua bảng mã thu thập thông tin gồm 32 câu hỏi, nghiên cứu hướng đến lượng hóa các chỉ báo về nội dung và hình thức thể hiện tin bài, nhận diện tần suất xuất hiện các biến số, khơi lộ ý đồ của nhà truyền thông, từ đó tổng hợp, rút ra nhận xét, đánh giá về nội dung tin tức, về vai trò, mức độ đóng góp của BMĐT trong việc tuyên truyền bình đẳng giới. Số liệu được mã hóa và xử lí là 3039 tin bài trên ba tờ BMĐT từ tháng 01/2014 đến hết tháng 12/2016.

Bên cạnh đó, chúng tôi tiến hành tổng hợp, phân tích, hệ thống hóa và khái quát hóa lý thuyết cũng như kết quả của các công trình đã được đăng tải trên sách báo, tạp chí và các công trình nghiên cứu thực tiễn của các tác giả có liên quan đến vấn đề nghiên cứu; Sử dụng phương pháp phân tích nội dung tài liệu để tìm hiểu nội dung, ý nghĩa, tư tưởng chủ yếu của các tài liệu lý luận, các công trình nghiên cứu đi trước có liên quan đến khái niệm, vai trò, tính chất của vấn đề định kiến giới trên báo mạng điện tử; Các văn bản pháp lý về vấn đề giới và bình đẳng giới; Phân tích

các tác phẩm báo chí để tìm hiểu các biểu hiện của ĐKG thông qua nội dung và hình thức tác phẩm.

6.2. Phương pháp phỏng vấn sâu.

Được thực hiện nhằm có được các thông tin trực tiếp, kiến thức chuyên sâu về vấn đề nghiên cứu từ các chuyên gia, các nhà nghiên cứu về giới, giúp thao tác hóa các khái niệm, có các số liệu, tư liệu về thực trạng định kiến giới trong xã hội; thu thập các đánh giá, nhận định, so sánh kết luận giữa các nghiên cứu đã có và thực tế phản ánh vấn đề BĐG trên BMĐT.

Luận án phỏng vấn sâu các đối tượng sau:

- Nhóm 1: Các nhà báo chuyên nghiệp làm công tác quản lý tại các cơ quan báo chí, đặc biệt là BMĐT (2 người)

- Nhóm 2: Các phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí (9 người)

- Nhóm 3: Cán bộ quản lý tại các cơ quan quản lý báo chí (2 người); chuyên gia nghiên cứu về giới, đặc biệt là giới trên truyền thông. (2 người)

Phiếu phỏng vấn sâu được thiết kế riêng cho các nhóm đối tượng nhằm thu thập các tư liệu về phương thức tổ chức và truyền thông về bình đẳng giới tại các tòa soạn hiện nay; quan điểm của từng đối tượng về các biểu hiện của ĐKG trong nội dung tin tức BMĐT, nguyên nhân cũng như các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng này.

6.3. Phương pháp chọn mẫu nghiên cứu

6.3.1. Tiêu chí chọn trang và chuyên mục báo mạng điện tử

Chúng tôi lựa chọn ba tờ BMĐT tuoitre.vn, VnEpress.net và Giadinh.net.vn dựa trên các tiêu chí sau:

- Thứ nhất, các tờ báo được chọn phải đảm bảo là tờ báo có uy tín, được phổ biến rộng rãi, được đông đảo bạn đọc biết đến và đón nhận.

- Thứ hai, nội dung các tờ báo được chọn phải đảm bảo độ nhanh nhạy, đa dạng của thông tin, độ phong phú, hấp dẫn của chuyên mục, đề cập đến những vấn đề đời sống xã hội chân thực và sinh động.

- Thứ ba, các báo được chọn đáp ứng được tính chất đặc trưng riêng biệt đảm bảo độ phong phú, khách quan và chuyên sâu cho mẫu khảo sát: Có báo chuyên về lĩnh vực hôn nhân gia đình với nhiều chuyên mục, tin bài liên quan đến chủ đề giới (giadinh.net.vn), có báo mạnh về mảng giải trí, đời sống xã hội (VnExpress.net), có báo mạnh về mảng chính trị xã hội, văn hóa (Tuoitre.vn); có báo là báo mạng điện tử độc lập (VnExpress.net), có báo song song tồn tại cùng phiên bản báo giấy (Tuoitre.vn, Giadinh.net.vn).

Xem tất cả 229 trang.

Ngày đăng: 17/09/2024