Việc ký kết hợp đồng có thể được thực hiện bởi chính chủ thể hoặc thông qua người đại diện. Đại diện là một chế định tất yếu không thể thiếu được trong bất kỳ hệ thống pháp luật phát triển nào. Tính tất yếu của chế định đại diện được bắt nguồn từ tính tất yếu của hoạt động đại diện và nó phụ thuộc vào sự phân công lao động đối với sản xuất, phân phối hàng hóa và dịch vụ. Vì rất nhiều lý do khác nhau mà những người có quyền không thể hoặc không muốn trực tiếp thực hiện hành vi với bên thứ ba. Vì vậy, họ sử dụng người "đại diện" để tham gia vào việc ký kết hợp đồng giao dịch. Việc làm của người đại diện thông qua hợp đồng thuê hay nhờ vả hoặc thông qua quy định của pháp luật.
Như vậy, đại diện không chỉ giới hạn ở các trường hợp mà người nhận thay mặt cho một người khác mà còn cả trong các trường hợp mà ở đó người đứng đầu một pháp nhân, một tổ chức phải chịu trách nhiệm về các hành vi vi phạm pháp luật do nhân viên của mình gây ra. Đầu tiên lý thuyết này được quy định trong pháp luật của Cộng hòa Liên bang Đức cuối thế kỷ XIX và sau đó được đưa vào Bộ luật dân sự Cộng hòa liên bang Đức và sau đó được thừa nhận ở luật dân sự hầu hết các nước khác. Nhìn chung, các nhà khoa học pháp lý thường phân ra làm hai loại đó đại diện đương nhiên (đại diện theo pháp luật) và đại diện theo ủy quyền. Đại diện đương nhiên là đại diện do pháp luật quy định hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định. Đối với cá nhân thông thường do Tòa án hoặc cơ quan nhà nước cử hoặc đương nhiên theo quy định của pháp luật.
Ví dụ: cha mẹ đương nhiên là người đại diện cho con trong trường hợp người con đó không đủ năng lực hành vi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp vấn đề đại diện theo luật được thừa nhận ở các nước theo hệ thống dân luật lại không được thừa nhận ở hệ thống thông luật. Chẳng hạn, theo Luật Anh - Mỹ, cha mẹ cũng không là đại diện đương nhiên của người chưa thành niên trong các giao dịch. Bất cứ giao dịch nào có người chưa thành niên tham gia đều không có giá trị pháp lý, trừ những giao dịch phục vụ nhu cầu thiết yếu của chính người đó.
Đại diện theo pháp luật của pháp nhân là người đứng đầu pháp nhân theo quy định của điều lệ pháp nhân, hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối với công ty thì người đại diện được xác định trong điều lệ công ty hoặc theo quyết định thành lập hoặc thông qua các hợp đồng ủy quyền.
Ví dụ: đứng đầu pháp nhân có thể là Giám đốc, Tổng Giám đốc hoặc cũng có thể là Chủ tịch Hội đồng quản trị…
Đại diện theo ủy quyền là đại diện được xác lập theo sự ủy quyền giữa người đại diện và người được đại diện. Phần lớn các nước đều quy định đại diện theo ủy quyền phải thể hiện bằng văn bản, vì nó có ý nghĩa là một chứng cứ khi có tranh chấp và đồng thời tạo ra sự an toàn cho các bên tham gia giao dịch. Người được đại diện phải có đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi, thực hiện quyền, nghĩa vụ trong phạm vi được đại diện. Nếu trong trường hợp đại diện không đúng quy định của pháp luật và trong phạm vi cho phép thì giao dịch của người đại diện với chủ thể khác sẽ vô hiệu và người được đại diện phải chịu những rủi ro xảy ra [37, tr. 56-57].
d. Giao kết hợp đồng thiếu sự tự nguyện của chủ thể giao kết.
Trong giao kết hợp đồng, sự tự nguyện giao kết hợp đồng là yếu tố cơ bản quan trọng nhất. Đó là việc các bên giao kết hợp đồng phải thể hiện đúng ý chí đích thực của mình. Mọi thỏa thuận không phản ánh đúng ý chí của các bên giao kết hoặc của một bên giao kết hợp đồng đều có thể dẫn đến việc hợp đồng không phát sinh hiệu lực pháp luật. Vì vậy, pháp luật thường quy định các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng hoặc các trường hợp hợp đồng vô hiệu hoặc quy định cả hai chế định trên để đảm bảo hành lang pháp lý cho hoạt động giao kết hợp đồng giao dịch. Việc quy định của pháp luật nhằm tránh việc các hợp đồng giao dịch được giao kết không phát sinh hiệu lực do thiếu sự tự nguyện của các chủ thể giao kết.
Việc hợp đồng không phát sinh hiệu lực do vi phạm sự tự nguyện của các chủ thể giao kết hợp đồng thường rơi vào một trong những trường hợp sau:
* Do nhầm lẫn:
Có thể bạn quan tâm!
- Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng dân sự - 2
- Đặc Điểm Của Hợp Đồng Dân Sự Trong Bộ Luật Dân Sự
- Vấn Đề Lý Luận Về Điều Kiện Có Hiệu Lực Của Hợp Đồng Dân Sự
- Hậu Quả Pháp Lý Của Hợp Đồng Dân Sự Vô Hiệu
- Điều Kiện Có Hiệu Lực Của Hợp Đồng Dấn Sự Theo Pháp Luật Việt Nam Hiện Hành
- Mục Đích Và Nội Dung Của Hợp Đồng Dân Sự Không Trái Pháp Luật, Đạo Đức Xã Hội
Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.
Theo cách hiểu thông thường, nhầm lẫn được hiểu là hành vi được thực hiện hoặc nhận thức không đúng với ý định của người thực hiện hành vi hay nhận thức. Ví dụ, nhầm lẫn, cầm nhầm, hiểu nhầm… Trong khoa học pháp lý, nhầm lẫn là sự thể hiện không chính xác ý muốn đích thực của các bên hay nói cách khác đó là sự không thống nhất giữa ý chí và bày tỏ ý chí. Có cách hiểu cho rằng nhầm lẫn là một giả thiết sai lầm liên quan đến sự việc hoặc luật lệ tồn tại vào thời điểm giao kết hợp đồng. Cũng có cách hiểu cho rằng nhầm lẫn là sự không phù hợp giữa niềm tin và thực tế, nói cách khác là cái nghĩ trong đầu khác với cái xảy ra trong thực tế. Dù cách thể hiện bằng ngôn từ có khác nhau, song nội dung của khái niệm nhầm lẫn về cơ bản được hiểu như nhau. Đó là sự không phù hợp giữa sự thể hiện ý chí của chủ thể với thực tế của sự việc.
Nếu lừa dối là hậu quả của việc cố ý đưa thông tin sai, xuyên tạc thông tin của bên kia thì nhầm lẫn là hậu quả nhận thức sai của bản thân người bị nhầm lẫn do thiếu những kiến thức hoặc điều kiện nhất định. Việc xác định liệu có thông tin đưa đến khả năng gây nhầm lẫn hay không còn tùy thuộc nhiều yếu tố? Thông tin gây nhầm lẫn có khi cho một bên song cũng có khi cho cả hai bên. Như vậy, nhầm lẫn có thể xảy ra do lỗi của một bên song cũng có thể là lỗi của cả hai bên. Khi xác định lỗi trong nhầm lẫn, yếu tố gây nhầm lẫn cũng cần phải được phân biệt. Đây cũng là một trong những vấn đề cho tới nay ở nước ta vẫn chưa được làm rõ cả về phương diện lý luận cũng như trong pháp luật thực định.
Bộ luật dân sự Việt Nam tuy không đưa ra khái niệm nhầm lẫn song đã khẳng định nhầm lẫn là yếu tố có thể đưa đến vô hiệu hợp đồng. Điều 131 Bộ luật dân sự 2005 quy định: "Khi một bên có lỗi vô ý làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của giao dịch dân sự và xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu bên kia thay đổi nội dung của giao dịch đó, nếu bên kia
không chấp nhận thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu". Việc quy định của Điều 131, Bộ luật dân sự 2005 là khác so với quy định trước kia tại Điều 141, Bộ luật dân sự 1995: Khi một bên do nhầm lẫn về nội dung chủ yếu của giao dịch mà xác lập giao dịch thì có quyền yêu cầu bên kia thay đổi nội dung của giao dịch đó; nếu bên kia không chấp nhận yêu cầu thay đổi của bên bị nhầm lẫn, thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu".
Như vậy, Bộ luật dân sự 2005 đã dự liệu hai trường hợp nhầm lẫn của một bên: nhầm lẫn do lỗi vô ý và nhầm lẫn do lỗi cố ý. Trong thực tế, có thể xảy ra trường hợp một bên nhầm lẫn mà bên kia hoàn toàn "không có lỗi". Bởi vì, cả hai cùng có nhầm lẫn và không thể suy luận rằng ai trong hai bên có lỗi.
Ví dụ, trong hợp đồng mua bán đồ cổ, bên bán nghĩ tài sản mình bán thuộc thế kỷ XV và người mua cũng nghĩ như vậy. Một thời gian sau, cả hai bên được biết đây là đồ cổ của thế kỷ XII. Như vậy, trong trường hợp này cả hai bên đều có sự nhầm lẫn về niên đại của tài sản mà không có lỗi của bên nào. Nếu căn cứ theo quy định tại Điều 141, Bộ luật dân sự 1995 thì có thể tuyên hợp đồng mua bán tài sản trên vô hiệu, nhưng nếu căn cứ theo quy định tại Điều 131, Bộ luật dân sự 2005 thì lại không thể tuyên hợp đồng trên vô hiệu vì không thể xác định được yếu tố lỗi của bên nào. Theo quan điểm của chúng tôi, quy định như Bộ luật dân sự 1995 là phù hợp hơn.
Ở nhiều nước thuộc hệ thống Common Law và Civil Law đã có sự phân biệt giữa nhầm lẫn do một phía (nhầm lẫn đơn phương) với nhầm lẫn do hai phía (nhầm lẫn chung, nhầm lẫn tương hỗ) và nhầm lẫn về sự việc với nhầm lẫn về luật. Việc phân biệt các trường hợp nhầm lẫn như trên sẽ đưa ra các hậu quả pháp lý khác nhau. Nhầm lẫn do một bên giao kết có thể không dẫn tới hợp đồng vô hiệu. Ngược lại nhầm lẫn do cả hai phía có thể dẫn đến sự vô hiệu của hợp đồng.
Nhầm lẫn đơn phương là nhầm lẫn của một bên. Hầu hết các trường hợp mà trong đó sự nhầm lẫn đơn phương xảy ra khi các bên không thống nhất cách hiểu về một hay nhiều điều khoản của hợp đồng. Một khi cách hiểu của một bên được khẳng định là đúng thì nhầm lẫn đơn phương đã xuất hiện và bên nhầm lẫn là bên kia. Điều này có nghĩa tại thời điểm ký kết hợp đồng, một bên hiểu chính xác nội dung hợp đồng, còn bên kia thì không.
Nhầm lẫn chung (nhầm lẫn từ cả hai phía) là trường hợp các bên cùng nhầm lẫn về một hoặc một số điều khoản cụ thể của hợp đồng. Cả hai bên cùng hiểu sai về cùng một vấn đề. Pháp luật nhiều nước thường coi hợp đồng được giao kết do hai bên cùng nhầm lẫn là vô hiệu.
Nhầm lẫn tương hỗ là nhầm lẫn của hai bên song mỗi bên nhầm lẫn một vấn đề khác nhau. Sự nhầm lẫn của cả hai bên đã dẫn đến việc giao kết hợp đồng của họ. Sự nhầm lẫn của bên này là yếu tố dẫn đến bên kia giao kết hợp đồng và ngược lại. Mỗi bên trong trường hợp này đã thiết lập hợp đồng khác với ý định thực của mình.
Nhầm lẫn về luật là sự nhầm lẫn về nội dung của vụ việc. Các biểu hiện của nhầm lẫn như: một là, sự nhầm lẫn vô ý thức về sự việc mang tính chất quan trọng đối với hợp đồng; hai là, tin vào sự tồn tại của một sự việc là quan trọng đối với hợp đồng nhưng thực tế đã không tồn tại.
Pháp luật hợp đồng của một số quốc gia như Cộng hòa Pháp, Mỹ, hầu như không thừa nhận nhầm lẫn đơn phương là yếu tố dẫn đến hợp đồng vô hiệu hoặc nếu có thừa nhận thì cũng đòi hỏi những điều kiện chặt chẽ. Trái lại, pháp luật Việt Nam, chỉ đề cập sự nhầm lẫn của một bên tham gia hợp đồng là yếu tố vô hiệu hợp đồng mà chưa làm rõ nhầm lẫn do cả hai bên ký kết hợp đồng có được xem là yếu tố dẫn đến sự vô hiệu của hợp đồng không. Chúng ta đều biết bản chất của hợp đồng là sự thể hiện và thống nhất ý chí đích thực của các bên. Không có sự thống nhất ý chí thì không có hợp đồng. Trong trường hợp cả hai bên nhầm lẫn về nội dung chủ yếu của hợp đồng do
ý chí của cả hai bên và những gì họ cam kết trong hợp đồng không phù hợp với nhau. Vì vậy, không thể không coi sự nhầm lẫn đến từ hai phía là yếu tố có thể đưa đến sự vô hiệu của hợp đồng.
Xác định yếu tố nhầm lẫn trong giao kết hợp đồng là một vấn đề rất phức tạp. Các bên hợp đồng thường bị nhiều nhân tố, hoàn cảnh dẫn đến sự nhầm lẫn. Những nhân tố dẫn đến nhầm lẫn phổ biến nhất là do cách diễn đạt khi soạn thảo hợp đồng, do sự khác biệt nhau về ngôn ngữ, sự khác nhau về các tiêu chuẩn kỹ thuật… Thực tế có nhiều hợp đồng mà trong đó một hoặc cả hai bên bị nhầm lẫn ngay từ khi giao kết.
Tuy nhiên, không phải bất cứ nhầm lẫn nào cũng đều dẫn đến khả năng vô hiệu hợp đồng. Bộ luật dân sự năm 2005 của Việt Nam chỉ coi các nhầm lẫn về nội dung của hợp đồng là yếu tố có thể đưa đến sự vô hiệu của hợp đồng. Như vậy, các nhầm lẫn về chủ thể, nhầm lẫn về luật không được thừa nhận là yếu tố đưa đến sự vô hiệu của hợp đồng. Cách tiếp cận của Bộ luật dân sự năm 2005 như trên còn chưa hợp lý, cần sửa đổi theo hướng chấp nhận nhầm lẫn về chủ thể, về pháp luật là căn cứ tuyên hợp đồng vô hiệu.
* Giao kết hợp đồng do bị lừa dối.
Lừa dối là một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong đời sống hàng ngày. Theo cách nói thông thường, lừa dối là bằng thủ đoạn nói dối. Theo ngôn ngữ pháp luật, lừa dối trong giao kết là một xảo thuật dùng để lừa gạt người khác để người ta giao kết hợp đồng mà lẽ ra bình thường họ không làm như vậy. Phần lớn các nước đều coi những lừa dối có tính chất quyết định đến sự giao kết hợp đồng mới là yếu tố có thể đưa đến vô hiệu hợp đồng. Tính chất quyết định thể hiện ở chỗ nếu không dùng các mánh khóe như vậy thì sẽ không có giao kết hợp đồng.
Lừa dối chỉ được coi là yếu tố dẫn đến vô hiệu hợp đồng khi một bên cố ý làm cho bên kia phải giao kết hợp đồng không theo ý muốn thực. Lừa dối có điểm giống nhầm lẫn ở chỗ cả hai đều liên quan đến việc trình bày một
cách trực tiếp hay gián tiếp về những sự việc không đúng sự thật hay không tiết lộ một sự thật. Sự nhầm lẫn khác sự lừa dối ở chỗ, nhầm lẫn vốn do người ký kết hợp đồng tự mình không tìm hiểu hoặc hiểu sai sự vật, còn sự lừa dối lại là sự hiểu sai sự vật do đối phương cố ý đưa thông tin sai, xuyên tạc thông tin. Việc một bên tạo lập cho bên kia một sự nhầm lẫn hoặc lạm dụng sự nhầm lẫn đã tồn tại của bên kia để đưa đến việc giao kết hợp đồng sẽ được coi là lừa dối.
Lừa dối có sự phân biệt với lừa đảo là ở chỗ hành vi lừa đảo trước hết là hành vi gian dối nhưng nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác. Sự phân biệt giữa lừa dối và nhầm lẫn được xác định bởi tính chất và mục đích của việc trình bày gian lận của một bên. Một điểm khác nữa là nếu chứng minh được lừa dối thì không cần phải chứng minh điều kiện nào khác. Nhầm lẫn hay lừa dối đều dẫn đến hậu quả là hợp đồng có thể bị vô hiệu do thỏa thuận không thể hiện đúng ý chí thật của các bên. Về nguyên tắc, hành vi lừa dối phải do chính một bên giao kết hợp đồng thực hiện.
Tuy nhiên, dù một người ký kết hợp đồng không trực tiếp thực hiện hành vi gian trá nhưng đã tham gia hoặc đồng lõa với hành vi gian trá đó thì hành vi đó cũng được coi là sự lừa dối do chính người ký hợp đồng thực hiện. Pháp luật một số nước, mà điển hình là luật dân sự của Cộng hòa Pháp trong một số trường hợp coi sự kiện không nói ra điều mà người ký có trách nhiệm phải nói khi ký hợp đồng cũng được coi là hành vi lừa dối. Đặc biệt là trong hợp đồng bảo hiểm, khi mà người giao kết có nghĩa vụ phải thông tin cho đối phương biết mà không làm gì cũng coi như lừa dối. Thực tế này đã xuất hiện ở Việt Nam và trong thời gian gần đây báo chí đã bàn đến nhiều. Đó chính là sự thiếu hiểu biết của người mua bảo hiểm, trong khi đó hợp đồng bảo hiểm lại rất phức tạp mà người mua bảo hiểm không thể hiểu hết các nội dung của nó nếu như không có thông tin trung thực từ phía các công ty bảo hiểm.
Các nhà lập pháp Việt Nam coi lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính
chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch nên đã xác lập giao dịch đó (Điều 132, Bộ luật dân sự năm 2005). Cách tiếp cận như trên thể hiện quan điểm của pháp luật Việt Nam là chỉ coi những hành vi cố ý của một bên mà không thừa nhận sự im lặng hoặc không thông tin khi có nghĩa vụ thông tin đến người cùng giao kết hợp đồng. Bên cạnh đó pháp luật cũng không thừa nhận sự lừa dối ép buộc thông qua người thứ ba là yếu tố làm cho hợp đồng có thể vô hiệu. Để có thể xem xét một hành vi có là lừa dối hay không trong giao kết hợp đồng, ở nhiều nước thường căn cứ vào các yếu tố sau đây: một là, phải có sự cố ý đưa thông tin sai lệch hoặc bỏ qua sự thật của một bên; hai là, người nghe phải không biết đến sự sai lệch đó; ba là, người nghe đã tin vào sự sai lệch do một bên đưa ra mà ký vào hợp đồng; bốn là, phải có thiệt hại xảy ra.
* Giao kết hợp đồng trong tình trạng bị đe dọa.
Đe dọa trong giao kết hợp đồng là hành vi làm cho một người khiếp sợ và khiến người này phải giao kết hợp đồng ngoài ý muốn của họ. Hợp đồng được giao kết khi có sự đe dọa sẽ vô hiệu.
Khái niệm này bắt nguồn từ Luật La Mã. Để bảo vệ các cá nhân phải giao kết hợp đồng dưới sự ảnh hưởng của sự đe dọa, các quan tòa La Mã đã cho họ quyền yêu cầu vô hiệu hợp đồng.
Đe dọa có thể thể hiện dưới hai hình thức: thứ nhất, đe dọa về thể chất như bắt buộc một người phải ký hợp đồng hoặc cho người này say rượu rồi sai khiến ký hợp đồng; thứ hai, đe dọa về tinh thần như đe dọa sẽ tố cáo về một việc hoặc làm cho người này sợ bị lộ một bí mật nào đó mà phải giao kết hợp đồng. Đây là cách phân chia của dân luật Cộng hòa Pháp.
Đe dọa là yếu tố đưa đến khả năng vô hiệu của hợp đồng cũng có những đòi hỏi nhất định. "Đe dọa trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài