Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam chưa phản ánh đúng thực lực và thế mạnh của một số ngành công nghiệp mũi nhọn của bạn. Hầu hết các dự án đều có quy mô nhỏ, vốn ít và tập trung vào các lĩnh vực: chế biến thức ăn gia súc, sản xuất linh kiện ô tô, xe máy, khai khác mỏ, điện lực...
Sở dĩ quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước có bước phát triển mạnh mẽ và sâu rộng trong thời gian vừa qua là do mối quan hệ chính trị giữa hai nước đang ngày càng phát triển tốt đẹp. Các chuyến thăm thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai nước đã tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy quan hệ toàn diện giữa hai bên không ngừng nâng cao.
Việc nâng quan hệ hai nước trở thành mối quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện, việc thành lập và đi vào hoạt động của Ban chỉ đạo quan hệ song phương giữa Chính phủ hai nước đã góp phần hết sức quan trọng trong việc giải quyết kịp thời các vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển toàn diện quan hệ song phương, nhất là đưa quan hệ hợp tác kinh tế thương mại lên tầm cao mới.
Trước đây các cửa khẩu chỉ có chức năng chủ yếu về ngoại giao, an ninh, quốc phòng, thăm thân nhân giữa cư dân hai bên biên giới, chưa có chức năng kinh tế. Nhưng trong những năm gần đây, các KKTCK này phát triển nhanh chóng, hiệu quả và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong vùng. Các cửa khẩu quốc tế, các cửa khẩu quốc gia và nhiều cửa khẩu địa phương, nhiều cặp chợ biên giới đã có ảnh hưởng tới thị trường khu vực và tác động mạnh đến thị trường cả nước. KTCK phát triển đã góp phần thúc đẩy một số ngành sản xuất, dịch vụ phát triển, tạo ra nhiều việc làm mới, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương, tăng nguồn vốn đầu tư hạ tầng, thúc đẩy quá trình đô thị hóa vùng biên giới và nâng cao mức sống cho nhân dân.
Nhìn chung, quan hệ hai nước sẽ tiếp tục duy trì và phát triển tốt đẹp trong những năm tới là một nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế tại các KKTCK của Việt Nam tiếp giáp với Trung Quốc.
Với vị thế là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là một trong những nước có dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, một số lĩnh vực của Trung Quốc sản xuất sử dụng nhiều năng lượng, nguyên vật liệu đang bị hạn chế đầu tư. Những yếu tố nói trên sẽ kích thích luồng đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Với vị trí địa lý thuận lợi, giá nhân công rẻ, chi phí vận chuyển thấp, Việt Nam sẽ có lợi thế thu hút FDI từ Trung Quốc và nhận chuyển giao công nghệ từ các nước đang đầu tư tại Trung Quốc.
3.1.1.2. Những khó khăn, thách thức
Tuy nhiên cũng phải thấy, thời gian tới việc phát triển KKTCK cũng đứng trước những khó khăn, thách thức. Cụ thể là:
Có thể bạn quan tâm!
- Năng Lực Quản Lý Nhà Nước Chưa Đáp Ứng Yêu Cầu
- Dịch vụ phát triển kinh doanh cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam - NCS. Đặc Xuân Phong - 18
- Quan Điểm Phát Triển Khu Kinh Tế Cửa Khẩu Biên Giới Phía Bắc Việt Nam
- Phương Hướng Phát Triển Các Khu Kinh Tế Cửa Khẩu Biên Giới Phía Bắc Việt Nam Giai Đoạn 2010 - 2020
- Dự Báo Một Số Chỉ Tiêu Phát Triển Kinh Tế Chủ Yếu Của Các Kktck Biên Giới Việt - Trung Đến Năm 2020
- Tiếp Tục Hoàn Thiện Chính Sách Xuất Nhập Khẩu, Xuất Nhập Cảnh Tại Các Khu Kinh Tế Cửa Khẩu
Xem toàn bộ 209 trang tài liệu này.
Thứ nhất, Trung Quốc đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng, linh hoạt, làm sôi động kinh tế vùng biên (như nới quyền, nhường lợi cho vùng biên; lấy biên mậu thắp sáng vùng biên...) trong khi đó sự thích ứng của Việt Nam còn chậm: Các khu khai phát của Trung Quốc đối diện với các KKTCK của Việt Nam đang có mức phát triển cao hơn cả về mặt thể chế, luật pháp, cơ sở hạ tầng, nề nếp quản lý, kinh nghiệm hợp tác và thương mại. Trong khi Việt Nam chưa sẵn sàng cho thị trường tự do hoàn toàn, thì hàng hóa Trung Quốc giá rẻ đã tràn ngập khiến cho các nhà sản xuất trong nước lo ngại và đe dọa đến việc làm của người lao động trong nhiều khu vực. Xét từ cơ cấu xuất khẩu hàng hóa, những năm gần đây, cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam và Trung Quốc khá giống nhau, do vậy sự cạnh tranh trên thị trường thứ ba ngày càng quyết liệt. Nhìn chung, với thế và lực của Trung Quốc hiện nay, tự do hóa thương mại sẽ gây rất nhiều khó khăn cho sự phát triển kinh tế tại các
KKTCK Việt Nam trước khả năng cạnh tranh cao hơn của hàng hóa và dịch vụ từ Trung Quốc.
Thực tế này cho thấy cần có những cơ chế chính sách của Nhà nước để thúc đẩy quá trình phát triển của đồng bào biên giới nói chung và các khu vực cửa khẩu nói riêng; chủ động hơn trong quan hệ giao lưu biên mậu với Trung Quốc thông qua các KKTCK.
Thứ hai, sự cạnh tranh của các cửa khẩu biên giới khác trong khu vực ASEAN và các nước ASEAN với Trung Quốc: Hiện tại, ASEAN là bạn hàng lớn thứ 5 của Trung Quốc, còn Trung Quốc là bạn hàng lớn thứ 6 của ASEAN. Từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX trở lại đây, lượng giao dịch thương mại hai bên mỗi năm tăng khoảng 20%. Ngoài các cửa khẩu với Việt Nam, Trung Quốc còn có các cửa khẩu với các nước ASEAN khác với quy mô lớn hơn nhiều. Chỉ tính riêng việc xuất khẩu một một số sản phẩm vào thị trường Trung Quốc, vị thế của Việt Nam còn khá khiêm tốn so với nhiều nước ASEAN.
Thứ ba, biên giới Trung Quốc với Việt Nam vẫn còn những khó khăn tồn tại có tính chất lịch sử về biên giới, lãnh thổ: Việc xây dựng các KKTCK muốn được thuận lợi nhất định phải dựa trên tinh thần thực sự cầu thị, đổi mới tư duy, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, nâng cao độ tin cậy, tìm ra những giải pháp hữu hiệu hơn nữa nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực vì lợi ích của mỗi bên và lợi ích chung của cả khu vực.
Thứ tư, bên cạnh việc thúc đẩy kinh tế phát triển, việc xây dựng các KKTCK còn phải tính tới các yếu tố an ninh, chính trị, những vấn đề mang tính xã hội phức tạp như buôn lậu các chất ma túy, di dân bất hợp pháp, buôn bán phụ nữ, trẻ em, tội phạm quốc tế, khủng bố quốc tế…
Thứ năm, để phát triển kinh tế tại các KKTCK, hiện rất cần một số chính sách ưu đãi đặc thù: Tuy nhiên, việc ban hành những quy chế như vậy cần được nghiên cứu kỹ để không trái với những cam kết WTO mà các nước liên quan nay đều đã là thành viên chính thức của tổ chức này. Hiện còn thiếu một cơ chế về phát triển kinh tế tại các KKTCK quốc gia, sự phối hợp chính sách trong lĩnh vực này giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như hệ thống kết cấu hạ tầng gồm giao thông vận tải, thông tin, cung cấp điện, nước, kho bãi... còn rất yếu kém.
Thứ sáu, phát triển KTCK tại các KKTCK đứng trước những vấn đề cần giải quyết như giữa yêu cầu phát triển nhanh với bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh quốc phòng, ổn định biên giới; giữa yêu cầu phát triển nhanh với dân trí thấp; giữa yêu cầu tỉnh nào cũng muốn phát triển nhanh các KKTCK của tỉnh mình và đòi hỏi những cơ chế ưu đãi, nhiều vốn đầu tư từ NSNN song nguồn vốn này luôn hạn hẹp.
3.1.2. Quan điểm phát triển khu kinh tế cửa khẩu biên giới phía Bắc Việt Nam
Xuất phát từ vị trí, vai trò và thực trạng phát triển các KKTCK Việt Nam tiếp giáp với Trung Quốc hiện nay, từ xu hướng vận động và phát triển của hội nhập kinh tế quốc tế, quan điểm chung những năm tới là phát triển các KKTCK biên giới phía Bắc thực sự trở thành địa bàn (vùng lãnh thổ) có sự phối hợp tối ưu nhất các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh, quốc phòng và giao lưu kinh tế giữa Việt Nam (trong đó có các địa phương vùng biên giới) với các nước (không chỉ các nước có chung đường biên giới). Điều này được cụ thể hóa ở những quan điểm sau đây:
Thứ nhất, phát triển KKTCK Việt Nam tiếp giáp với Trung Quốc trong những năm tới theo hướng xây dựng các KKTCK thành các đô thị thương mại du lịch ven biên giới.
Quan điểm này xuất phát từ những lý do sau:
Một là, về mặt lý thuyết, sự phát triển của các trung tâm thương mại bao giờ cũng dẫn đến hình thành các đô thị.
Hai là, kinh nghiệm Trung Quốc cho thấy các cửa khẩu Trung Quốc giáp Việt Nam đều phát triển thành các đô thị.
Ba là, thực tiễn phát triển kinh tế tại các KKTCK Móng Cái, Đồng Đăng, Lào Cai cho thấy, đây đang trở thành các đô thị có tầm vóc của các địa phương. Chẳng hạn với quyết định số 99/2009/ QĐ- TTg ngày 29 tháng 7 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án phát triển Thành phố cửa Khẩu quốc tế Móng cái, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, chúng ta thấy việc phát triển các KKTCK biên giới Việt Nam tiếp giáp với Trung Quốc theo hướng thành các đô thị biên giới là hoàn toàn xác đáng [19].
Vấn đề là ở chỗ sớm quy hoạch xây dựng các đô thị này với quy mô, tầm vóc đô thị phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương, mỗi cửa khẩu. Để thực hiện điều này, cần chú ý đến các vấn đề sau:
- Xây dựng và phát triển các KKTCK trở thành các khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, với các trung tâm thương mại, dịch vụ của tỉnh miền núi phía Bắc với các đầu mối quan trọng của hành lang kinh tế Hà Nội - Lạng Sơn - Nam Ninh, Hà Nội - Lào Cai - Vân Nam và Hà Nội - Móng Cái - Phòng Thành; cầu nối quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Việt Nam với Trung Quốc, các nước ASEAN và với các nước Đông Bắc Á.
- Phát triển các KKTCK gắn với việc hình thành hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn biên giới và gắn với bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư các xã
biên giới Việt - Trung. Sự phát triển kinh tế tại các KKTCK phải tác động tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế hàng hóa và phân bố lại dân cư, lạo động khu vực biên giới, đem lại lợi ích cao, làm cho vùng biên giới trở thành vùng kinh tế năng động, tiến tới từng bước giảm và xóa bỏ sự nghèo đói cho nhân dân vùng biên giới.
- Khai thác có hiệu quả lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý kinh tế và vị thế của từng KKTCK trong phát triển giao thương, dịch vụ quốc tế trong nước, thúc đẩy phát triển kinh tế và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu dân cư của các tỉnh có KKTCK.
- Đẩy mạnh hợp tác phát triển trong quy hoạch phát triển kinh tế Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh và Hải Phòng - Hà Nội - Lạng Sơn - Nam Định, vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ.
Thứ hai, phát triển KKTCK hướng vào đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cấu trúc các ngành nghề, tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Trung Quốc phát triển nhanh, ổn định là một cơ hội lớn đối với Việt Nam. Vì rằng với một thị trường rộng lớn, nhu cầu về nhiều mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế như khoáng sản, nông sản, vị trí địa lý thuận lợi, quan hệ hợp tác hai bên đang ở vào thời kỳ được đẩy mạnh, thị trường Trung Quốc trong tương lai là nơi tập trung của các công ty hàng đầu thế giới... Các yếu tố này sẽ tạo thuận lợi cho Việt Nam với tư cách là nước láng giềng nhỏ hơn và trình độ phát triển thấp hơn. Tuy nhiên, thách thức cạnh tranh cũng sẽ rất lớn. Việt Nam phải thay đổi, phải nhanh chóng lớn mạnh mới tận dụng được cơ hội này.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá cao và ổn định như hiện nay, cùng một thị trường hơn 1,3 tỷ người tiêu dùng đang trong quá trình chuyển
biến mạnh mẽ về cơ cấu tiêu dùng, thị trường Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục là thị trường trọng điểm, có tầm quan trọng to lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam. Với xu hướng tăng trưởng khá nóng như hiện nay, trong vòng 10 năm tới, nhu cầu về năng lượng, về nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, tiêu dùng của Trung Quốc sẽ rất cao. Vì vậy, chúng ta cần phát huy những ưu thế về địa lý, về tính chất bổ sung trong cơ cấu hàng hoá giữa hai nước và các nhân tố có lợi khác để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Thị trường Trung Quốc đang trong giai đoạn thay đổi mạnh về cơ cấu và xu hướng tiêu dùng, song với số lượng dân số khổng lồ, với mức thu nhập ngày càng cao do kinh tế tăng trưởng liên tục, dự đoán nhu cầu của thị trường này đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dầu thô, than đá, thuỷ hải sản, rau quả, đồ gỗ, hạt điều và các loại hàng nông sản, trong giai đoạn 2010-2020 vẫn là rất lớn. Đặc biệt, nhu cầu đối với nhóm hàng năng lượng như dầu thô, than đá, cao su sẽ ngày càng tăng mạnh. Trong tương lai, từ năm 2015 trở đi, ngoài nhu cầu về cao su, Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng nhập khẩu Boxit Alumi, các loại quặng, hàng điện tử và nhiều loại hàng tiêu dùng khác. Đây hầu hết là những nhóm hàng hoá mà Việt Nam rất có tiềm năng. Do đó, chúng ta cần tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng các mặt hàng này để khai thác tối đa lợi thế xuất khẩu.
Tận dụng cơ hội từ sự phát triển của Trung Quốc, Việt Nam phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh để cải thiện cán cân thương mại, duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bền vững. Hiện nay, gần 90% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc là hàng nguyên liệu thô trong đó có những mặt hàng đang hạn chế về số lượng và khả năng khai thác như dầu thô, than đá, khoáng sản, thuỷ sản, cao su... Hàng chế biến của Việt Nam chỉ chiếm một tỷ trọng quá nhỏ bé và đang chịu sức ép cạnh tranh ngày càng lớn từ các
nước ASEAN và ấn Độ. Trong điều kiện gia tăng nhập siêu từ Trung Quốc, nếu không cải thiện sức cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu, Việt Nam sẽ khó khăn trong việc cải thiện cán cân thương mại với Trung Quốc trong thời gian tới. Quan hệ thương mại hai nước muốn phát triển trên cơ sở vững chắc và cùng có lợi thì việc khai thác các lợi thế để phát triển theo chiều sâu luôn luôn mang tính quyết định. Vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung cần phải tái cấu trúc lại hoạt động sản xuất kinh doanh, chú trọng đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu.
Việt Nam cần tận dụng lợi thế về vị trí địa kinh tế để phát triển các loại hình khác như vận tải quá cảnh, du lịch, thu hút FDI. Một thực tế là trong vài ba năm tới, hàng hoá và dịch vụ Việt Nam rất khó thâm nhập vào thị trường khu vực phát triển của Trung Quốc do tính chất tương đồng và hạn chế sức cạnh tranh của hàng hoá nước ta hiện tại. Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc chủ yếu là quan hệ thương mại Việt Nam với các tỉnh Tây Nam Trung Quốc. Đây không phải là thị trường phát triển đòi hỏi hàng hoá chất lượng cao, do đó không phải là hướng để VN đầu tư phát triển xuất khẩu trong tương lai. Trước tình hình đó cần tranh thủ để phát triển các lĩnh vực khác như làm nơi trung chuyển cho hàng hoá của Trung Quốc, phát triển thương mại thông qua phát triển du lịch.
Thứ ba, phát triển KKTCK Việt Nam tiếp giáp với Trung Quốc cần lấy hiệu quả kinh tế, chính trị làm tiêu chí quan trọng, tính toán đầy đủ ảnh hưởng của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, sao cho các bên tham gia đều được hưởng lợi từ phát triển KTCK và KKTCK.
Trong quan hệ với Trung Quốc nói chung, các tỉnh biên giới của Trung Quốc giáp với Việt Nam nói riêng, cần tính đến lợi ích tổng thể để có sự phối hợp hành động. Chạy theo lợi ích ngắn hạn, cục bộ sẽ bị thiệt thòi với Trung Quốc, ở vào thế bị động, đánh mất cơ hội dài hạn.