Các Biện Pháp Áp Dụng Đối Với Mậu Dịch Biên Giới Của Thái Lan


Mặc dù phụ thuộc rất nhiều vào những biến đổi trong các quan hệ chính trị và ngoại giao giữa hai nước, các hoạt động giao lưu kinh tế qua biên giới vẫn luôn luôn tồn tại ngay cả khi Thái Lan có những bất đồng chính trị lớn với nước đối tác. Điều khác biệt chỉ là ở chỗ khi các quan hệ chính thức giữa hai bên xấu đi, thì các quan hệ giao lưu kinh tế phi chính thức (trong đó buôn lậu chiếm tỷ lệ lớn) tăng lên, thay vì các trao đổi chính quy.

1.3.2.2. Các biện pháp áp dụng đối với mậu dịch biên giới của Thái Lan

Về quản lý KTCK, Thái Lan không có những quy định cụ thể rõ ràng mà được quản lý khá linh hoạt. Ở đây, chính quyền Trung ương (Bộ Nội vụ) vẫn có sự giám sát nhưng về cơ bản do các chính quyền địa phương tự quản lý trên cơ sở khuôn khổ chung cho phép. Mục tiêu chủ yếu là giúp hoạt động thương mại biên giới sôi động, vừa tạo điều kiện phát triển kinh tế cho cư dân biên giới vừa tạo nguồn hàng cho sản xuất trong nước và xuất khẩu. Hoạt động giao lưu kinh tế của Thái Lan với các nước láng giềng được thực hiện chủ yếu dưới 4 hình thức sau đây:

- Các chợ tạm biên giới: Thống đốc tỉnh biên giới có thể cấp phép cho các chợ tạm hai bên biên giới nhóm họp, (có sự tham kiến Bộ Nội vụ, trước hết thường dựa vào các lý do mang tính nhân đạo), nhằm đẩy mạnh việc trao đổi buôn bán các mặt hàng tiêu dùng và tăng cường mối quan hệ giữa hai địa phương của hai nước. Thống đốc các tỉnh biên giới được ủy quyền đưa ra các quy tắc, quy chế đối với việc sắp đặt địa điểm và vận hành chợ biên giới, cho phép những người buôn bán được vào, ra chợ, quy định các mặt hàng được buôn bán trong chợ, quy định giờ đóng mở cửa chợ.

Thực tiễn cho thấy các hoạt động giao lưu thương mại được thực hiện tại các chợ tạm biên giới và trong các làng bản có đặt trạm kiểm soát; tuy nhiên, không phải tất cả các hoạt động này đều do dân cư ở biên giới thực hiện và cũng không chỉ phục vụ cư dân biên giới. Một số lượng hàng hóa


đáng kể được các thương gia từ các tỉnh nội địa đến mua ở biên giới để chuyển về bán trong nội địa, thậm chí để tái xuất khẩu cho nước khác. Ví dụ có nhiều hàng nhập khẩu từ Thái Lan qua Lào và Campuchia được tái xuất sang Việt Nam. Một số hàng nhập khẩu từ Lào và Campuchia vào Thái Lan qua các chợ biên giới là hàng từ các nước thứ ba như Trung Quốc và Nga.

- Các trạm kiểm soát tạm thời: Bộ Nội vụ có thể ra lệnh thành lập các trạm kiểm soát tạm thời để kiểm soát việc vào ra của một số nhà xuất nhập khẩu trong một khoảng thời gian đã định sẵn. Biện pháp này thường được sử dụng trong các trường hợp có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn, vận chuyển trong một thời gian tương đối dài. Đây là những thương vụ không hoàn toàn chỉ nằm trong phạm vi thương mại biên giới.

Các hoạt động xuất nhập khẩu qua các trạm kiểm soát tạm thời thường không liên tục. Thông thường đó là những thương vụ cụ thể với số lượng hàng hóa lớn vận chuyển qua biên giới trong một khoảng thời gian đã được xác định trước do một số nhà xuất nhập khẩu cụ thể thực hiện. Các nhà xuất nhập khẩu này đề nghị các cơ quan chính quyền có thẩm quyền mở ra các trạm kiểm soát tạm thời nhằm thực hiện mục tiêu xuất nhập khẩu đó của họ. Các hàng hóa được vận chuyển qua các trạm kiểm soát biên giới tạm thời này không nhằm phục vụ mậu dịch biên giới, mà thường là nhằm vào các mục đích buôn bán tại các tỉnh trong nội địa và đó thường là các hàng hóa phục vụ sản xuất chứ không phải hàng tiêu dùng.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 209 trang tài liệu này.

Đối với các hàng nhập khẩu, khi hàng đã mang đến khu vực đặt trạm kiểm soát biên giới, cán bộ Hải quan có thể yêu cầu vận chuyển số hàng đó đến trạm hải quan địa phương. Tại đó chủ hàng phải trình danh sách đơn mua hàng, danh sách các kiện hàng và các giấy tờ liên quan khác và nộp thuế nhập khẩu. Sau đó, hàng hóa sẽ được kiểm duyệt và cho phép nhập khẩu.


Dịch vụ phát triển kinh doanh cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam - NCS. Đặc Xuân Phong - 10

- Các trạm kiểm soát chính thức (hay các cửa khẩu chính thức): được Chính phủ của cả hai bên đồng ý, phục vụ mục đích thương mại, thăm thân nhân và phát triển quan hệ hữu hảo giữa nhân dân hai nước. Thông thường ngay tại (hoặc gần) các cửa khẩu (trạm kiểm soát) này, ở cả 2 bên biên giới thường có một thị trấn nhỏ hoặc một làng, bản có dân cư trú ngụ và những người dân này tạo nên những chợ biên mậu.

- Các điểm buôn bán ở biên giới (các cửa khẩu phi chính thức): có điều kiện địa lý thuận lợi cho nhân dân sinh sống hai bên biên giới qua lại làm ăn buôn bán, mặc dù đó không phải là những cửa khẩu được phê chuẩn một cách chính thức. Các hoạt động mậu dịch phi chính thức và buôn lậu thường được thực hiện qua các điểm này.

Các hàng hóa được vận chuyển qua các cửa khẩu phi chính thức thường là hàng không hợp pháp và không được ghi vào giấy tờ sổ sách theo dõi như các hoạt động buôn bán chính thức. Các hàng hóa được mua bán tại các chợ tạm biên giới và tại các điểm có đặt trạm kiểm soát phải qua các thủ tục hải quan và phải chịu thuế nhập khẩu. Các hàng hóa được khách du lịch đưa vào Thái Lan với số lượng ít và không nhằm mục tiêu buôn bán thì được miễn khai báo, miễn nộp thuế nhập khẩu và miễn các thủ tục hải quan. Trên thực tế, các cửa hàng miễn thuế là yếu tố quyến rũ nhất đối với khách du lịch tại các địa điểm biên giới có trạm kiểm soát, hoặc các chợ tạm biên giới nói trên.

Các thủ tục hải quan tại biên giới Thái Lan cũng rất đơn giản. Một nhà xuất khẩu chỉ cần trình danh sách đơn hàng gửi, danh sách các kiện hàng và các giấy tờ liên quan khác tại trạm hải quan địa phương, sau khi kiểm tra các giấy tờ này, hải quan có thể cử cán bộ của mình đến kiểm tra số hàng được khai báo và theo dõi việc vận chuyển số hàng đó qua cửa khẩu biên giới.

Các chính sách ưu đãi cụ thể dành cho thương mại biên giới được cụ thể như sau: Đối với hàng hóa trao đổi thương mại qua biên giới giữa Thái


Lan và nước láng giềng, về cơ bản được hưởng mức thuế suất thuế xuất nhập khẩu ưu đãi hơn so với thông thường. Về phát triển cơ sở hạ tầng, đối với các cửa khẩu chính thức, Nhà nước trung ương đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, còn đối với các điểm KTCK biên giới khác phát sinh từ nhu cầu giao thương thực tế sẽ do chính quyền địa phương tự đầu tư từ ngân sách của mình.

1.3.3. Kinh nghiệm của Lào

Theo quan niệm của Lào, kinh doanh xuất khẩu tiểu ngạch biên giới (gọi tắt là xuất khẩu tiểu ngạch) là việc kinh doanh sản xuất và thu mua hàng hóa để xuất khẩu quy mô nhỏ ở biên giới của cư dân địa phương, hộ gia đình và kinh doanh hợp tác sản xuất hàng hóa biên giới. Kinh doanh hợp tác sản xuất hàng hóa biên giới là việc sản xuất với quy mô nhỏ ở biên giới phía Lào (với tư cách là người xuất khẩu). Còn việc hợp tác với cư dân hoặc đơn vị kinh doanh của các nước láng giềng (với tư cách là người cung ứng giống vật nuôi và cây trồng, nguyên liệu thô, đồng thời họ cũng là người nhập khẩu những sản phẩm hàng hoá từ việc liên doanh sản xuất nói trên).

Quy chế xuất nhập khẩu hàng hoá biên giới được quy định như sau: Sản phẩm, hàng hoá xuất khẩu và nhập khẩu phải qua điểm biên giới được phép của chính quyền địa phương tỉnh, thành phố, khu kinh tế đặc biệt và phải nộp thuế, lệ phí theo quy định của ngành tài chính, được miễn nộp từ điểm biên giới được quy định đến một vùng nào đó như chợ biên giới, có quy chế riêng ban hành.

Việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá biên mậu qua cửa khẩu quốc gia bị nghiêm cấm, trong trường hợp là đồ đạc tư trang theo người thì thực hiện theo quy định của luật thuế.


Các loại sản phẩm hàng hoá biên mậu được nhập khẩu về nhằm phục vụ sản xuất trong nước và nhu cầu đời sống thiết yếu, được Bộ Thương mại quy định theo danh mục hàng hoá.

Việc xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá biên mậu được thực hiện trên cơ sở các nguyên tắc đã đề ra một cách nhanh chóng và đơn giản, trong đó: đối với việc xuất khẩu là đưa hàng hoá xuất đi cùng tờ khai trực tiếp với nhà chức trách ở điểm biên giới về số lượng, chủng loại và trị giá của lô hàng để vào số liệu thống kê và kiểm tra độ xác thực của hàng hoá xuất khẩu. Đối với hàng hoá nhập khẩu, trước khi nhập khẩu phải chuẩn bị hồ sơ nhập khẩu, được gọi là “văn bản đính kèm hàng hoá nhập khẩu biên giới” sau đó khai trực tiếp với nhà chức trách hữu quan ở điểm biên giới để vào số liệu thống kê và quản lý việc nhập khẩu.

Về một số chính sách ưu đãi dành cho thương mại biên giới đối với Việt Nam, đã từ lâu, trong quan hệ thương mại của Lào với Việt Nam, trong quan hệ song phương, Lào đã thực hiện chính sách ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu từ 0% - 5% đối với các mặt hàng có xuất xứ Việt Nam và ngược lại Việt Nam cũng dành cho Lào được hưởng chính sách ưu đãi này, việc thực hiện được Bộ Thương mại hai nước trước đây, nay là Bộ Công Thương, thay mặt hai Chính phủ ký Bản thoả thuận cho phép thực hiện từng năm, kể từ 2005 đến nay.

Hai nước đã ký Bản thoả thuận về các mặt hàng được ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu Việt Nam - Lào thực hiện cho năm 2009 và các năm tiếp theo. Lào sẽ dành cho Việt Nam 87 mặt hàng xuất khẩu được hưởng thuế suất 0%, và Việt Nam dành cho Lào thêm 16 dòng thuế được hưởng thuế suất 0%.

Bên cạnh ưu đãi về thuế, phía Lào cũng thực hiện một số chính sách khác nhằm phát triển thương mại biên giới với Việt Nam như: nâng


cấp hệ thống các cặp cửa khẩu biên giới phù hợp với tình hình phát triển trong nước và các nước có đường biên giới liền kề; xây dựng kết cấu hạ tầng, quan tâm thích đáng việc đầu tư hệ thống giao thông qua lại giữa các khu vực biên giới để tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư; khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư cơ sở hạ tầng và sản xuất các mặt hàng có nhu cầu tại các KKTCK dọc biên giới. Dành ưu tiên cho các nước có đường biên giới liền kề sản xuất các mặt hàng được hưởng quy chế ưu đãi để cùng xuất sang nước thứ ba; đẩy mạnh việc kiểm tra hàng hóa và phương tiện vận tải hàng hóa theo hình thức “một lần” tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Đenxavẳn để phù hợp với quy định của khuôn khổ hợp tác GMS; tiếp tục hợp tác xây dựng mô hình “Khu kinh tế thương mại Lao Bảo - Đenxavẳn”. Trên cơ sở đó, mở rộng hợp tác xây dựng cho các KKTCK khác, trước hết là Bờ Y -Phu Cưa và Tây Trang - Sốp Hùn; cho phép các sản phẩm do các dự án đầu tư của Việt Nam sản xuất tại Lào và của Lào sản xuất tại Việt Nam được vận chuyển qua biên giới hai nước với thủ tục đơn giản nhất; phương tiện được tạm nhập, tái xuất vào Việt Nam trong thời hạn 30 ngày và được tạm nhập tại cửa khẩu này và tái xuất tại cửa khẩu khác. Các phương tiện tạm nhập, tái xuất vào mỗi nước được phép chở hàng hai chiều mà không cần xin phép tại địa phương nơi tái xuất; ngăn chặn xuất nhập cảnh bất hợp pháp và di dân tự do của nhân dân các dân tộc dọc biên giới, bảo vệ đường biên giới hai nước trở thành đường biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển lâu dài; tăng cường hợp tác tổ chức, quản lý chợ biên giới và phối hợp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, trốn, lậu thuế, buôn bán trái phép; tăng cường kiểm tra thường xuyên việc chống buôn lậu và ma túy; thường xuyên thông báo cho nhau những


thông tin; phát hiện, phối hợp ngăn chặn kịp thời các hiện tượng, các tổ chức đường dây buôn lậu và buôn bán ma túy qua biên giới.

1.3.4. Bài học kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam

Nghiên cứu lý luận và thực tiễn quản lý các hoạt động giao lưu kinh tế qua biên giới của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc và Thái Lan đã cho phép rút ra những bài học bổ ích. Trong đó phải kể đến là:

Thứ nhất, KKTCK biên giới cần được phát triển theo hướng các đô thị biên giới vừa bảo vệ biên cương của đất nước, vừa cải thiện đời sống kinh tế - xã hội ở các khu vực biên giới đất liền xa xôi hẻo lánh, vốn là các vùng chậm phát triển so với cả nước.

Lấy trường hợp của Trung Quốc làm ví dụ, bộ mặt các thành phố, khu mậu dịch biên giới ở các tỉnh, khu tự trị biên giới Trung Quốc đã có sự đổi mới đáng kể. Sau khi thực hiện cải cách nhờ có sự phát triển nhanh chóng hoạt động thương mại biên giới, cơ cấu ngành nghề bắt đầu thay đổi; hàng loạt xí nghiệp buôn bán biên giới bắt đầu xuất hiện; các ngành dịch vụ thuộc khu vực thứ ba, ngành nông nghiệp theo loại hình hướng ra bên ngoài và ngành công nghiệp gia công đều phát triển. Thực lực kinh tế các vùng này tăng mạnh, thu nhập tài chính cho các địa phương cũng tăng. Nếu như trước đây, tình trạng nhà nước phải cấp thêm tài chính cho các địa phương này là phổ biến thì đến nay nhà nước không phải cấp thêm mà các tỉnh này còn có số dư nộp vào ngân sách nhà nước.

Các hoạt động giao lưu biên giới được mở rộng đã tạo thêm nhiều cơ hội về công ăn việc làm cho người dân địa phương. Hàng năm, nhiều nghìn người được tiếp nhận vào làm việc tại các văn phòng và xí nghiệp biên mậu, đó là chưa kể đến những người tham gia gián tiếp vào các hoạt động này. Ngoài tạo công ăn việc làm, các hoạt động giao lưu kinh tế qua biên giới còn


góp phần vào phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của dân cư các dân tộc thiểu số trong vùng. Khu vực biên giới vốn là nơi có địa hình núi cao, vực sâu, không thuận tiện về giao thông, nên các hoạt động thương mại chính thức thường không với tới. Nay nhờ có những đổi mới trong phát triển thương mại biên giới, đã giúp cho các địa phương này khắc phục đáng kể khó khăn nảy sinh do thiếu vắng các phương tiện giao thông vận tải, liên lạc với thế giới bên ngoài.

Việc mở cửa ở ven biên giới Trung Quốc còn giúp mở rộng tư tưởng, tầm mắt cho các dân tộc biên giới. Người dân vùng biên giới dần dần làm quen với các dạng thức và các quy luật của thị trường, chuyển từ kinh doanh đơn lẻ sang kinh doanh nhiều loại, chuyển từ lối sản xuất tự cung tự cấp trước đây sang sản xuất hàng hóa, nhất là hàng hóa dành cho xuất khẩu. Sau vài năm cải cách, các thành phố mở cửa biên giới đã có nhiều loại hình thu hút, phát triển nhiều ngành nghề, tăng cường buôn bán đối ngoại, đầu tư quốc tế, nhận công trình thầu khoán, khai thác và phát triển hợp tác quốc tế.

Việc phát triển hợp tác giao lưu kinh tế đã làm cho đời sống nhân dân biên giới có sự đổi mới, thúc đẩy sự phát triển đoàn kết dân tộc và quan hệ láng giềng thân thiện, thúc đẩy sự phồn vinh và ổn định của khu vực biên giới Trung Quốc.

Đây là bài học đáng được chú ý đối với Việt Nam trong điều kiện Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang có những nỗ lực vượt bậc nhằm thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa các vùng trong cả nước, trong đó đáng chú ý nhất là các vùng biên giới xa xôi hẻo lánh, hiện đang phải đối mặt với những khó khăn lớn không chỉ về kinh tế mà cả về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Xem tất cả 209 trang.

Ngày đăng: 07/10/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí