độ đặc hiệu cao như: test phản xạ sợi trục tiết mồ hôi định lượng (QSART), test đánh giá phân bố giao cảm tim sử dụng kỹ thuật đánh dấu sự hấp thu MIBG tại cơ tim. Mặt khác, các test trong nghiên cứu chủ yếu đánh giá chức năng tự chủ tim mạch và chức năng vận tiết mồ hôi. Trong khi đó, rối loạn thần kinh tự chủ trong bệnh Parkison và teo đa hệ thống không chỉ biểu hiện ở chức năng tim mạch, mà còn ở chức năng tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục.
Năm 2019, khi khảo sát các test thần kinh tự chủ định lượng trên 22 bệnh nhân Parkinson và 11 bệnh nhân MSA, Ji-Yun Park tìm thấy các chỉ số thần kinh tự chủ, cụ thể là chỉ số Valsalva giảm có ý nghĩa khi thang điểm UMSARS tăng (r = -0,455, p = 0,009). Mối tương quan này cũng tìm thấy với mức độ nặng của bệnh theo Hoehn & Yahr (r = -0,357, p = 0,035). Từ đó, tác giả đã đưa ra kết luận, có mối tương quan giữa mức độ rối loạn thần kinh tự chủ và mức độ nặng của bệnh theo thang điểm UMSARS cũng như Hoehn & Yahr [100].
Năm 2017, khi khảo sát rối loạn thần kinh tự chủ bằng các test trên 141 bệnh nhân Parkinson, tác giả Arunraj Ezhumalai ghi nhận có mối tương quan giữa mức độ tổn thương thần kinh tự chủ với tuổi, thời gian mắc bệnh, và mức độ nặng của bệnh theo phân độ Hoehn & Yahr. Bệnh nhân từ giai đoạn 2 trở lên có tỷ lệ và mức độ bất thường thần kinh tự chủ nặng hơn giai đoạn sớm (p
< 0,001), cũng như bệnh nhân với thời gian mắc bệnh trên 5 năm có biểu hiện rối loạn thần kinh tự chủ nặng hơn nhóm bệnh nhân với thời gian mắc bệnh dưới 5 năm (p < 0,001) [52]. Năm 2013, Bostantjopoulou và cộng sự đánh giá sự hiện diện triệu chứng không vận động trong bệnh Parkinson bằng bảng câu hỏi triệu chứng không vận động NMSQuest (Non – Motor Symptoms Questionnaire). Kết quả trong 164 trường hợp, tác giả tìm thấy sự tương quan giữa tổng điểm đánh giá triệu chứng không vận động (NMSQuest) và thời gian mắc bệnh, cũng như giai đoạn bệnh [35]. Ivanov B khảo sát các test đánh giá
chức năng tự chủ tim mạch trên 40 bệnh nhân Parkinson, bao gồm test biến thiên huyết áp và nhịp tim theo tư thế và theo hít thở sâu. Tác giả đã đưa ra kết luận, suy yếu chức năng tự chủ tim mạch có thể biểu hiện ở giai đoạn sớm của bệnh và các rối loạn này sẽ nặng dần theo diễn tiến của bệnh. Phát hiện các rối loạn thần kinh tự chủ trong giai đoạn sớm có thể góp phần trong việc theo dõi và điều trị thích hợp cho người bệnh [68].
Như vậy, qua khảo sát các yếu tố liên quan đến mức độ rối loạn thần kinh tự chủ theo phân tích hồi quy tuyến tính, kết quả của chúng tôi tương đối phù hợp với các nghiên cứu khác trên thế giới, mức độ rối loạn thần kinh tự chủ có liên quan với thời gian mắc bệnh và mức độ nặng của bệnh Parkinon (đánh giá qua thang điểm UPDRS, Hoehn & Yahr), cũng như với mức độ nặng của bệnh teo đa hệ thống (qua thang điểm UMSARS) [35], [71], [97], [100].
Ngoài ra, trong nghiên cứu, chúng tôi còn quan sát thấy có mối liên quan giữa mức độ rối loạn thần kinh tự chủ và tuổi. Kết quả này cũng tương đồng với Ezhumalai A, Korchounov A, và Okubadejo NU, các tác giả này cũng tìm thấy mối tương quan giữa thang điểm đánh giá chức năng thần kinh tự chủ và tuổi, thời gian mắc bệnh, và các phương pháp điều trị [52], [75], [98]. Triệu chứng không vận động, bao gồm rối loạn thần kinh tự chủ, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, làm nặng thêm tình trạng của bệnh Parkinson, làm người bệnh nằm liệt giường hay tàn tật và trở thành gánh nặng không chỉ cho bệnh nhân mà cho cả người chăm sóc. Gánh nặng của triệu chứng không vận động có vẻ còn quan trọng hơn cả triệu chứng vận động trong chất lượng cuộc sống ở tất cả các giai đoạn bệnh Parkinson [12], [89]. Điều này cho thấy các test thần kinh tự chủ có vai trò quan trọng trong đánh giá lâm sàng các bệnh lý do alpha synuclien và cần phải thực hiện các test đánh giá chức năng thần kinh tự chủ trên các bệnh nhân bệnh Parkinson cũng như teo đa hệ thống ở bất kỳ giai đoạn
Có thể bạn quan tâm!
- Triệu Chứng Rối Loạn Thần Kinh Tự Chủ Trên Lâm Sàng
- Các Thông Số Về Các Test Thần Kinh Tự Chủ Của Các Nghiên Cứu
- Độ Nhạy Và Độ Đặc Hiệu Của Bộ Test Ewing Trong Chẩn Đoán Phân Biệt Giữa Bệnh Parkinson Và Teo Đa Hệ Thống
- Đánh giá mức độ rối loạn thần kinh tự chủ trên bệnh Parkinson và teo đa hệ thống - 18
- Đánh giá mức độ rối loạn thần kinh tự chủ trên bệnh Parkinson và teo đa hệ thống - 19
- Các Thông Số Test Đánh Giá Chức Năng Thần Kinh Tự Chủ:
Xem toàn bộ 217 trang tài liệu này.
nào, đặc biệt ở các trường hợp cần chẩn đoán phân biệt giữa bệnh Parkinson và teo đa hệ thống [89], [98].
4.6 HẠN CHẾ CỦA ĐỀ TÀI
Các nghiên cứu gần đây trên thế giới đều là nghiên cứu hồi cứu hoặc có cỡ mẫu nhỏ. Đề tài này là nghiên cứu cắt ngang mô tả trên cỡ mẫu tương đối lớn hơn so với các nghiên cứu trên thế giới (45 bệnh nhân Parkinson và 82 bệnh nhân teo đa hệ thống). Trong nghiên cứu, ngoài thực hiện đầy đủ 5 test đánh giá chức năng thần kinh tự chủ tim mạch trong bộ test Ewing, chúng tôi còn thực hiện thêm test ghi đáp ứng giao cảm da. Tuy nhiên, chúng tôi ghi nhận nghiên cứu còn có các mặt hạn chế sau.
Nghiên cứu của chúng tôi thực hiện từ năm 2017 nên vẫn sử dụng tiêu chuẩn cũ trong chẩn đoán bệnh teo đa hệ thống, theo tiêu chuẩn đồng thuận của Hội Thần Kinh Hoa Kỳ và Hội Thần Kinh Tự Chủ Hoa Kỳ từ năm 2008. Tháng 4 năm 2022, Hội rối loạn vận động thế giới MDS vừa đưa ra tiêu chuẩn mới chẩn đoán MSA, vẫn dựa trên các tiêu chuẩn chính của năm 2008 và có bổ sung thêm các dấu hiệu hỗ trợ, giúp chẩn đoán bệnh MSA giai đoạn sớm [128].
Trong nghiên cứu, chúng tôi chỉ khảo sát các test đánh giá chức năng thần kinh tự chủ cơ bản, bao gồm biến thiên nhịp tim và huyết áp với các kích thích khác nhau, và test ghi đáp ứng giao cảm da. Chúng tôi không có đủ phương tiện để thực hiện các test thần kinh tự chủ chuyên biệt có độ nhạy và độ đặc hiệu cao như: test phản xạ sợi trục tiết mồ hôi định lượng (QSART) và test đánh giá phân bố giao cảm tim sử dụng kỹ thuật hấp thu chất đánh dấu MIBG tại cơ tim. Vì vậy, trong nghiên cứu, chúng tôi cố gắng khắc phục sai số và các yếu tố gây nhiễu bằng cách cho bệnh nhân nghỉ ngơi trước khi thực hiện và giữa mỗi test. Đồng thời, mỗi test sẽ được thực hiện lặp lại 3 lần, và kết quả
cuối cùng là kết quả trung bình từ 3 lần thực hiện hoặc là kết quả cao nhất của 3 lần thực hiện tùy theo test.
Đây là nghiên cứu cắt ngang và không có nhóm chứng. Do đó, trong tương lai cần có các nghiên cứu có nhóm chứng và mù đôi để tăng sức mạnh của kết quả nghiên cứu này.
KẾT LUẬN
Qua thiết kế nghiên cứu cắt ngang mô tả, khảo sát 6 test đánh giá chức năng thần kinh tự chủ trên 82 bệnh nhân Parkinson và 45 bệnh nhân teo đa hệ thống, chúng tôi rút ra kết luận:
1. Trên nhóm Parkinson, 15,9% trường hợp bình thường và 53,7% bất thường ảnh hưởng trên cả hệ giao cảm và đối giao cảm. Trên nhóm teo đa hệ thống, 100% trường hợp đều bất thường ít nhất 1 test và 80% bất thường trên cả hai hệ thần kinh tự chủ giao cảm và đối giao cảm.
Ở nhóm teo đa hệ thống, không có sự khác biệt về tỷ lệ và mức độ rối loạn thần kinh tự chủ giữa 2 phân nhóm MSA-P và MSA-C (p > 0,05).
2. So sánh giữa 2 nhóm Parkinson và teo đa hệ thống:
Về mức độ rối loạn thần kinh tự chủ tính bằng thang điểm Ewing, nhóm teo đa hệ thống có bất thường thần kinh tự chủ nặng hơn nhóm Parkinson (điểm Ewing = 3,22 so với 2,02, p < 0,001).
Về tỷ lệ rối loạn thần kinh tự chủ khảo sát riêng từng test, nhóm teo đa hệ thống có tỷ lệ rối loạn thần kinh tự chủ cao hơn nhóm Parkinson, khác biệt có ý nghĩa khi khảo sát trên các test biến thiên nhịp tim với hít thở sâu, test biến thiên huyết áp theo tư thế, test vận động thể lực đẳng trường và test ghi đáp ứng giao cảm da (p < 0,05).
3. Ở điểm cắt điểm Ewing 2,75, bộ test Ewing có độ nhạy 69% và độ đặc hiệu 76% trong chẩn đoán phân biệt giữa teo đa hệ thống và bệnh Parkinson.
4. Có mối liên quan giữa mức độ rối loạn thần kinh tự chủ với mức độ nặng của bệnh Parkinson (theo phân độ Hoehn & Yahr sửa đổi, UPDRS phần
III) và với mức độ nặng của bệnh teo đa hệ thống (theo thang điểm UMSARS phần II) (p < 0,001). Trong đó có mối liên quan rất cao giữa mức độ rối loạn thần kinh tự chủ và mức độ nặng của bệnh Parkinson theo thang điểm UPDRS phần III (hệ số tương quan Pearson r = 0,731, p < 0,001).
KIẾN NGHỊ
Từ kết quả nghiên cứu về đánh giá mức độ rối loạn thần kinh tự chủ trên bệnh Parkinson và teo đa hệ thống, chúng tôi có một số đề xuất:
1. Ứng dụng thực hiện các test đánh giá chức năng thần kinh tự chủ trên các bệnh nhân bệnh Parkinson và teo đa hệ thống, đặc biệt là trong những trường hợp đang cần chẩn đoán phân biệt giữa bệnh Parkinon và teo đa hệ thống, nhằm phân tích sự khác biệt về rối loạn chức năng thần kinh tự chủ giữa hai bệnh lý này, góp phần hỗ trợ chẩn đoán.
2. Ứng dụng thang điểm đánh giá rối loạn thần kinh tự chủ bằng các test (điểm Ewing) khi khảo sát các test đánh giá chức năng thần kinh tự chủ trên bệnh nhân bệnh Parkinson và teo đa hệ thống.
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ CÓ LIÊN QUAN CỦA TÁC GIẢ
Tiếng Việt
1. Võ Nguyễn Ngọc Trang, Nguyễn Hữu Công (2014), "Đặc điểm các test thần kinh thực vật trong bệnh teo đa hệ thống", Tạp chí Y học thực hành, 3 (908), tr. 149-151.
2. Võ Nguyễn Ngọc Trang, Nguyễn Hữu Công (2015), "Đánh giá mức độ tổn thương thần kinh tự chủ trên bệnh nhân Parkinson", Tạp chí Y học thành phố Hồ Chí Minh, 19 (1), tr. 271-277.
3. Võ Nguyễn Ngọc Trang (2017), “Các test đánh giá chức năng thần kinh tự chủ”, Tạp chí Thần Kinh Học, 24, tr 70 – 74.
4. Võ Nguyễn Ngọc Trang, Nguyễn Hữu Công (2020), “Khảo sát mối liên quan giữa mức độ tổn thương thần kinh tự chủ và mức độ nặng của bệnh Parkinson và teo đa hệ thống”, Tạp chí Y học thành phố Hồ Chí Minh, 24 (1), tr 208 – 213.
5. Võ Nguyễn Ngọc Trang, Nguyễn Hữu Công (2021), “So sánh mức độ tổn thương thần kinh tự chủ giữa bệnh Parkinson và teo đa hệ thống”, Tạp chí Y học thành phố Hồ Chí Minh, 25 (2), tr 75 – 81.
Tiếng Anh
1. Vo Trang N.N, Nguyen Cong H. (2014), "Autonomic function tests in MSA- C in Vietnam", Abstracts of the Fourth Asian and Oceanian Parkinson's Disease and Movement Disorders Congress, Movement Disorders, 29 (S2), pp. S13-S101.
2. Vo Trang N.N, Nguyen Cong H., Truong Daniel D. (2017), "A case report of multiple system atrophy treated with an Abelson tyrosine kinase inhibitor", J Neurol Sci, 82, pp. 53-54.
3. Vo Trang N.N, Nguyen Cong H. (2018), "Autonomic function tests in Parkinson's disease and multiple system atrophy", Parkinsonism & Related Disorders, 46, pp. e31.
4. Tran Tai N., Vo Trang N. N., Frei K., Truong Daniel D. (2018), "Levodopa- induced dyskinesia: clinical features, incidence, and risk factors", J Neural Transm (Vienna), 125 (8), pp. 1109-1117.
5. Vo Trang N.N., Frei K., Truong Daniel. D. (2020), Guidelines for the Use of Parkinsonian Drugs (in USA), NeuroPsychopharmacotherapy. Springer, Cham. https://doi.org/10.1007/978-3-319-56015-1_357-1.