3.4. Một số giải pháp chủ yếu nhằm phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam hiện nay
3.4.1. Đổi mới nhận thức, hoàn thiện môi trường pháp lý đối với kinh tế tư nhân
Việc xóa bỏ những định kiến về thành phần kinh tế nói chung và về kinh tế tư nhân nói riêng phải trở thành khâu đột phá trong nhận thức và cơ sở pháp lý cho sự phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới. Nhà nước cần có những giải pháp cụ thể tích cực nhằm rút ngắn khoảng cách từ nhận thức đến thực tiễn đối với kinh tế tư nhân. Đây cũng chính là giải pháp có tính chiến lược nhằm giải quyết mâu thuẫn đặt ra giữa đường lối đổi mới của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trong hội nhập với sự chậm trễ trong việc cụ thể hóa đường lối đổi mới đó.
Quá trình này đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ từ việc ban hành pháp luật đến tuyên truyền phổ biến pháp luật và tổ chức áp dụng, thực hiện pháp luật. Để thực hiện tốt vấn đề này, cần phải đặc biệt coi trọng nâng cao trình độ hiểu biết và thi hành pháp luật của đội ngũ công chức quản lý nhà nước có liên quan trực tiếp đối với kinh tế tư nhân.
Môi trường pháp lý minh bạch, rõ ràng và nghiêm minh sẽ tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển. Cho đến nay, các quy định pháp lý vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập, gây cản trở cho kinh tế tư nhân phát triển. Do đó cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi, an toàn là một vấn đề cấp thiết nhằm phát triển kinh tế tư nhân trong quá trình hội nhập. Trong thời gian tới cần phải:
- Tiếp tục rà soát, bãi bỏ những văn bản đã ban hành trái với Luật Doanh nghiệp, đồng thời có biện pháp ngăn chặn những văn bản mới ban hành trái với luật này.
- Xóa bỏ những văn bản cản trở sự phát triển của kinh tế tư nhân, đặc biệt là những văn bản gây bất bình đẳng giữa kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác. Cần đưa ra những quy định mới, phù hợp với thực tiễn nhằm khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển.
- Ban hành quy chế đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhằm xóa bỏ những thủ tục rườm rà không cần thiết.
Có thể bạn quan tâm!
- Thúc Đẩy Chuyển Dịch Cơ Cấu Kinh Tế, Tăng Kim Ngạch Xuất Khẩu
- Thiếu Các Doanh Nghiệp Tư Nhân Trong Lĩnh Vực Kinh Tế Quan Trọng
- Một Số Giải Pháp Chủ Yếu Phát Triển Kinh Tế Tư Nhân Ở Việt Nam Hiện Nay
- Phát triển tư nhân ở Việt Nam hiện nay - Thực trạng và giải pháp - 12
- Phát triển tư nhân ở Việt Nam hiện nay - Thực trạng và giải pháp - 13
Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.
- Các quy định về chế độ báo cáo tài chính của doanh nghiệp, về hệ thống biểu mẫu tài chính nộp tại cơ quan đăng ký kinh doanh cần được đơn giản hơn. Quy định rõ ràng và chặt chẽ hơn về cách đặt tên doanh nghiệp, tên chi nhánh, một mặt bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, thương hiệu doanh nghiệp đã có, mặt khác tránh gây nhầm lẫn giữa tên doanh nghiệp với các tổ chức khác.
Ở nước ta hiện nay đang xây dựng một nhà nước pháp quyền – xã hội chủ nghĩa, nhà nước của dân, do dân, vì dân. Vì vậy, vai trò của các tổ chức dân sự cần phải được nâng cao. Nên trao thêm quyền cho người dân và quyền giám sát cho các Hiệp hội. Đây là yếu tố then chốt để có thể giảm, ngăn chặn được các loại giấy phép vô lý đang có xu hướng bùng phát trở lại. Nếu phát huy vai trò của các hiệp hội, Nhà nước hoàn toàn có lợi, vừa bớt chi phí cho nhiều lần nghiên cứu và bãi bỏ, vừa bớt chi phí làm lại các luật, văn bản quy phạm pháp luật có tuổi đời ngắn, không phù hợp như hiện nay.
Thực tiễn hơn 20 năm đổi mới cho thấy: văn bản quy phạm pháp luật nào được chuẩn bị tốt, có sự tham gia rộng rãi của công đồng doanh nghiệp thì văn bản đó sẽ tồn tại lâu, có lợi cho dân, đáp ứng được nhu cầu phát triển. Văn bản nào hướng đến việc trao quyền cho doanh nghiệp, chủ thể kinh tế, khai thông các thủ tục hành chính… thì văn bản đó sẽ có sức sống mạnh mẽ, nhận được sự ủng hộ to lớn. Luật Doanh nghiệp 1999 là một ví dụ.
Bên cạnh môi trường pháp lý, việc cải thiện môi trường tâm lý cũng rất quan trọng. Cần phải làm cho toàn xã hội có nhận thức thống nhất là: phát triển kinh tế tư nhân là một tất yếu, ích nước lợi nhà, người lao động và chủ doanh nghiệp ở khu vực tư nhân cũng đều đáng được trân trọng, biểu dương như những khu vực kinh tế khác khi họ có nhiều đóng góp cho đất nước qua nộp thuế.
3.4.2. Giải quyết những khó khăn về đất đai và mặt bằng sản xuất kinh doanh đối với kinh tế tư nhân
Vấn đề cơ sở hạ tầng, trước hết là đất đai, luôn là nỗi bức xúc của các nhà đầu tư tư nhân trong quá trình phát triển. Giải quyết những khó khăn về đất đai và mặt bằng sản xuất – kinh doanh cần phải xếp vào hàng ưu tiên. Trong thời gian tới, việc tháo gỡ khó khăn về đất đai cần gắn với các biện pháp:
- Phát triển thị trường bất động sản, hỗ trợ kinh tế tư nhân giải quyết khó khăn về mặt bằng sản xuất – kinh doanh.
- Tăng cường các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục pháp lý về chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp tài sản và góp vốn bằng quyền sử dụng đất, nhằm tạo điều kiện cho những giao dịch về đất đai có hiệu quả và đúng pháp luật.
- Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, nhằm tạo điều kiện cho quản lý Nhà nước về đất đai và khai thông các quan hệ giao dịch chính thức trên thị trường bất động sản, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân thông qua thị trường tự tìm kiếm mặt bằng sản xuất – kinh doanh cho mình.
- Có cơ chế thông thoáng về thủ tục quản lý cho các nhà đầu tư tư nhân trong việc dùng giá trị quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng hoặc góp vốn cổ phần với các đối tác trong và ngoài nước. Đơn giản hóa các thủ tục
hành chính trong việc cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp với quy hoạch đã được duyệt.
- Mở rộng và từng bước hiện đại hóa hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại nhằm đáp ứng nhu cầu mặt bằng kinh doanh cho các doanh nghiệp tư nhân trong việc bán buôn, bán lẻ, giới thiệu sản phẩm, ưu tiên cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê với giá cả hợp lý. Đồng thời, dần xóa bỏ hệ thống chợ lề đường, chợ tạm, qua đó lập lại trật tự văn minh đô thị.
3.4.3. Đổi mới cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn đầu tư, tín dụng đối với kinh tế tư nhân
Một trong những khó khăn hiện nay của kinh tế tư nhân là vốn sản xuất – kinh doanh, nhất là vốn trung và dài hạn để đầu tư, đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Vì vậy, chính sách hổ trợ về vốn cho kinh tế tư nhân có ý nghĩa quan trọng hàng đầu để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển đúng hướng và hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả. Trên tinh thần đó, cần xúc tiến đổi mới một số chính sách và giải pháp về vốn để hỗ trợ kinh tế tư nhân:
Thứ nhất, đổi mới và đẩy mạnh việc phân cấp quản lý tài chính nhà nước
- Đẩy mạnh phân cấp về quản lý kinh tế và ngân sách, tạo sự chủ động thực sự cho các cơ quan chức năng ở địa phương, về quyền hạn và trách nhiệm tài chính đối với kinh tế tư nhân ở địa phương. Hàng năm, Chính phủ giao cho các tỉnh, thành phố kế hoạch tổng chi ngân sách và các nhiệm vụ chi thường xuyên bắt buộc theo định mức, các đơn vị cấp dưới được chủ động bố trí kế hoạch và định mức chi phù hợp với thực tiễn của mình. Đồng thời, mỗi địa phương được tự quyết định một số nguồn thu, nhiệm vụ chi cho đầu tư phát triển, trong đó có hỗ trợ phát triển cho kinh tế tư nhân.
- Trên cơ sở ngân sách được phân cấp và ổn định trong từng thời kỳ, mỗi cấp ngân sách địa phương được chủ động điều hành, tạo điều kiện tối đa cho các đơn vị kinh tế tư nhân tích tụ vốn cho đầu tư phát triển, kích thích các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả.
Thứ hai, đổi mới nội dung, phương thức hỗ trợ tài chính phát triển kinh tế tư nhân
- Chính phủ tạo điều kiện khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, bằng cách giảm số lượng cổ đông phải có của công ty cổ phần được tham gia thị trường chứng khoán từ 30 xuống 20 cổ đông, để các công ty cổ phần tư nhân có cơ hội tham gia kênh huy động vốn này. Các quy chế về BOT, BT, BTO cần chặt chẽ, rõ ràng nhằm khuyến khích khu vực tư nhan tham gia, đồng thời tạo điều kiện hơn nữa để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận trực tiếp cơ hội kinh doanh từ nguồn vốn ODA.
- Công khai hóa các quy chế và tiêu chí được nhân ưu đãi, khuyến khích đầu tư, đơn giản hóa các thủ tục cấp ưu đãi đầu tư, giảm bớt các thủ tục về đầu tư và xây dựng, đấu thầu, thủ tục cho vay, giải ngân khi vay vốn ở Quỹ hỗ trợ phát triển.
Thứ ba, tạo điều kiện thuận lợi trong việc sử dụng tài sản, quyền sử dụng đất để thế chấp khi vay vốn từ các nguồn vốn tín dụng thương mại chính thức.
Một trong những khó khăn lớn của các doanh nghiệp tư nhân khi vay vốn tín dụng là vấn đề thế chấp tài sản. Bởi vì, phần lớn các doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thêm vào đó thủ tục cho vay đối với kinh tế tư nhân còn nhiều thủ tục rườm rà. Do đó, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân vay vốn cần phải:
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định cho phù hợp với thực tiễn như đăng ký tài sản thế chấp, theo hướng thuận lợi, thông thoáng.
- Rà soát, bổ sung và nhanh chóng ban hành những quy định về đăng ký sở hữu tài sản, đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà và sở hữu tài sản khác cho các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Hình thành các trung tâm đăng ký bất động sản để tạo điều kiện xác lập quyền sở hữu cho các doanh nghiệp, qua đó chống việc lạm dụng, lừa đảo trong thế chấp (một tài sản đem đi thế chấp nhiều nơi).
- Sửa đổi, bổ sung các quy định theo hướng nâng cao hơn nữa quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong việc cho vay. Đơn giản hóa thủ tục cho vay, thực sự trao cho các tổ chức tín dụng quyền chủ động xem xét các vấn đề như: thực tế, khả năng từng đối tượng để quyết định việc cho vay, việc thế chấp, tín chấp, tỷ lệ cho vay so với tài sản thế chấp, mức độ cho vay trung và dài hạn…
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân để huy động vốn từ các nguồn trong dân cư, qua đó mở rộng cho vay đối với các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, đặc biệt là đối với khu vực nông nghiệp ngoại thành.
- Nâng cao vai trò của Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ cho kinh tế tư nhân trong vay vốn ở các tổ chức tín dụng, hỗ trợ khi gặp rủi ro, bất khả kháng không trả được nợ vay.
Thứ tư, đa dạng hóa và phối hợp sử dụng linh hoạt các nguồn vốn cho phát triển kinh tế tư nhân.
- Các Ngân hàng Thương mại quốc doanh cần nghiên cứu, xúc tiến và tăng cường cho các doanh nhiệp kinh tế tư nhân vay thương mại, có thế chấp hoặc tín chấp, đối với từng dự án, từng doanh nghiệp cụ thể tùy thuộc vào
kết quả sản xuất – kinh doanh và tình hình nộp thuế của doanh nghiệp những năm trước, vào năng lực của Ban Giám đốc doanh nghiệp và vào tính khả thi của dự án xin vay.
- Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc kinh tế tư nhân tiếp cận kện cấp vốn vay ưu đãi hoặc được nhận bảo lãnh tín dụng từ nguồn vốn ưu đãi quốc gia và tỉnh, thành phố.
- Trong xu thế hội nhập và phát triển của kinh tế tư nhân, thời gian tới cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân tiếp cận và tham gia thị trường chứng khoán. Một mặt, cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp từng bước thỏa mãn các điều kiện niêm yết trên các sàn giao dịch chính thức, mặt khác cần tăng cường phát triển hệ thống thông tin và đào tạo nhân lực về kinh doanh thị trường chứng khoán cho các doanh nghiệp.
3.4.4. Hoàn thiện chính sách thuế đối với kinh tế tư nhân
Ở nước ta hiện nay, qua nhiều lần điều chỉnh và cải cách, nhưng nhìn chung chính sách thuế của Việt Nam vẫn chưa có tác dụng tích cực thúc đẩy sản xuất và khuyến khích doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân. Thậm chí còn có loại thuế kìm hãm hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, cải cách về chính sách thuế là vấn đề cấp bách, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, hiện nay trong thời gian tới cần phải:
Thứ nhất, sửa đổi và hoàn thiện chính sách thuế, tăng cường thông tin, tuyên truyền chính sách thuế cho doanh nghiệp.
- Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện chính sách thuế nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp, chủ thể
kinh tế và những cam kết của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
- Đối với thuế giá trị gia tăng, cần sửa đổi theo hướng đơn giản về phương pháp tính thuế, giảm bớt số thuế suất, thu hẹp đối tượng không chịu thuế, phòng tránh lạm dụng trong công tác quản lý thuế.
- Bỏ thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung để khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân làm ăn có lãi và tăng cường tích lũy mở rộng đầu tư sản xuất – kinh doanh. Đồng thời nghiên cứu miễn thuế cho các doanh nghiệp khi dùng phần thu nhập vào việc đóng góp xây dựng các quỹ xã hội, giúp đỡ các tổ chức xã hội từ thiện.
- Một số khoản chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế cần được xem lại cho phù hợp với điều kiện thực tế, trên cơ sở tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản – kinh doanh (hiện nay, tài sản cố định có tham gia vào sản xuất – kinh doanh nhưng ko có hóa đơn hợp pháp thì không được tính khấu hao), chi phí tiếp khách, khuyến mại, quảng cáo… cần mở rộng cho tính vào chi phí với tỷ lệ cao hơn hiện nay, nhằm giúp cho các doanh nghiệp tư nhân có thêm cơ hội tăng quảng bá sản phẩm, tránh những thua thiệt so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đặc biệt là trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.
- Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về thuế cho các doanh nghiệp, các chủ thê kinh tế trên phương tiện thông tin đại chúng; lập bộ phận hỗ trợ, tuyên truyền về thuế ở các địa phương, trực tiếp đối thoại với đối tượng nộp thuế nhằm kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc về công tác thuế.
Thứ hai, tăng cường công tác quản lý đối tượng nộp thuế.