phục hồi cơ sở mọi mặt” [60, tr. 312]. Hướng hoạt động lúc đầu trọng tâm là Thái Ninh, Đông Quan nhưng sau đó Mặt trận 5 đã chỉ đạo chuyển sang Phụ Dực, Thụy Anh để hợp đồng tác chiến với Tiên Lãng, Vĩnh Bảo phá âm mưu thành lập khu quân sự Vĩnh-Ninh (Vĩnh Bảo – Ninh Giang) tạo nên tuyến phòng thủ sông Hóa của địch.
Cuối tháng 12 năm 1951 một Tiểu đoàn của Trung đoàn 42 được Mặt trận 5 tăng cường cho Thái Bình cùng Tiểu đoàn 38 tiến vào huyện Phụ Dực, Thụy Anh.
Ngày 1-1-1952, một đơn vị của Trung đoàn 42 diệt đồn vệ sĩ Đồng Bằng. Ngày 2-1- 1952, bộ đội huyện Phụ Dực ( Đại đội 218) cùng du kích các xã tiêu diệt, bức hàng, bức rút một loạt đồn vệ sĩ: Đào Động, Đại Điền, Vọng Lỗ, Thanh Mai, Lý Xá, An Hải, Tô Đê. Ngày 9-2 một đơn vị của Trung đoàn 42 cùng bộ đội huyện Phụ Dực phục kích đánh địch tại Dục Linh, An Lộng diệt và làm bị thương gần 100 tên địch, thu 3 trung liên, 5 tiểu liên, 37 súng trường, …Sau những thắng lợi này, khu du kích Phụ Dực đã được mở rộng thêm gồm: Tô Công, Tô Xuyên, Tô Hải, Tân Tiến.
Tại Thụy Anh, đêm 1-1-1951 bộ đội huyện phối hợp với du kích bao vây các đồn An Tiêm, Đông Hồ, Duyên Trữ. Ngày 2-1-1951 ta tiêu diệt đồn An Tiêm, các đồn Đông Hồ, Duyên Trữ xin ra hàng, ta thu hơn 20 súng trường và nhiều đạn được. Được sự hỗ trợ của bộ đội tỉnh, ngày 9-1-1951 bộ đội và dân quân du kích Thụy Anh phục kích đại đội Commăngđô của địch đang chuyển quân từ Ninh Giang về Xá Thị, diệt 15 tên, bắt sống tên chỉ huy Pháp. Để kỉ niệm chiến thắng, Đại đội bộ đội huyện Thụy Anh được Bộ tư lệnh Liên khu và Tỉnh đội cho phép được mang tên từ đại đội thành đại đội
91. Phát huy chiến thắng, Đại đội 91 phối hợp với Tiểu đoàn 38 liên tục tấn công địch, tiêu diệt bốt Đoài, Cao Ninh, giải thoát cho hơn 100 đồng bào bị bắt giam ở đây, đánh đồn tổng dũng Hạc Ngang bức rút các vị trí: Thượng
Phúc, Cúc Mai, Cam Động, phá một loạt tề vũ trang: Hồng Hưng, Nghĩa Hưng, Đại An, Trường Sơn…
Theo sự chỉ đạo của tỉnh, huyện Đông Quan cũng chủ động phối hợp với Thụy Anh. Bộ đội huyện và du kích Đông Quan đã bao vây diệt đồn Bảo chính đoàn Đông Khê (quận lỵ Đông Quan) vũ trang tuyên truyền, bức rút các đồn hương dũng vệ sĩ: Liên Phương, An Bình, Bắc Lạng.
Ở Tiên - Duyên - Hưng, bộ đội địa phương phối hợp với dân quân du kích các làng thuộc các xã Kim Châu, Tiến Thuật, Hồng Việt (Tiên Hưng), Hồng Lĩnh, Chí Minh (Duyên Hà) và các làng Then, Mẹo (Hưng Nhân) làm tan rã nhiều ban tề do địch mới lập tháng 10-1951.
Chỉ trong 10 ngày hoạt động đầu tháng 1-1952, quân dân Thái Bình đã tiêu diệt và bức rút 40 đồn địch, chủ yếu là các đồn hương dũng, tổng dũng, vệ sĩ. Kết quả này đã góp phần cùng quân dân huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo (Hải Phòng) phá vỡ một mảng lớn tuyến phòng thủ sông Hóa thuộc Khu quân sự (Secteur) Vĩnh Ninh của địch. Tinh thần quần chúng lên cao, tư tưởng bi quan, sợ càn quét lớn được khắc phục. Quân và dân trong tỉnh phấn khởi chuẩn bị mọi mặt để đón bộ đội chủ lực vào Thái Bình.
Để chuẩn bị đón Đại đoàn 320 về Thái Bình phối hợp với quân và dân trong tỉnh chiến đấu, trung tuần tháng 12-1951, Tỉnh ủy Thái Bình đã họp hội nghị, với sự tham gia của các đồng chí trong Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến hành chính, tỉnh đội, bàn kế hoạch chuẩn bị chiến trường đón bộ đội chủ lực. Đồng chí Nguyễn Xuân Quang quyền Bí thư Tỉnh ủy đã trình bày nội dung các công việc cụ thể như: Khẩn trương thông báo cho các cấp (huyện, xã) chuẩn bị đón bộ đội chủ lực vào hoạt động ở địa phương; tổ chức thống nhất ban theo dõi tình hình địch, chuẩn bị nhân mối, lập binh yếu địa chí địa bàn hoạt động. Phân tán thuế nông nghiệp về cất giấu tại các gia đình. Dự trữ, chuẩn bị lương thực cho bộ đội. Huy động nhân dân ở những vùng căn cứ du kích ven sông chuẩn bị 300 đến 400 chiếc thuyền nan, các nơi khác chuẩn bị
Có thể bạn quan tâm!
- Đảng Bộ Tổ Chức Phát Động Chiến Tranh Du Kích Đánh Bại Mọi Âm Mưu Thủ Đoạn Càn Quét, Khủng Bố, Bình Định Của Địch (2/1950 –1951)
- Đảng Bộ Tỉnh Thái Bình Lãnh Đạo Củng Cố, Mở Rộng Các Làng Kháng Chiến, Đẩy Mạnh Chiến Tranh Du Kích, Chống Âm Mưu Càn Quét Bình Định Của Địch
- Lãnh Đạo Đẩy Mạnh Chiến Tranh Du Kích Trên Địa Bàn, Góp Phần Cùng Quân Dân Cả Nước Kết Thúc Thắng Lợi Cuộc Kháng Chiến (11/1951–7/1954).
- Đảng bộ tỉnh Thái Bình lãnh đạo chiến tranh du kích trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp 1946 - 1954 - 10
- Đảng bộ tỉnh Thái Bình lãnh đạo chiến tranh du kích trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp 1946 - 1954 - 11
- Một Số Nhận Xét Và Bài Học Kinh Nghiệm
Xem toàn bộ 129 trang tài liệu này.
200 đến 250 chiếc để sẵn sàng phục vụ bộ đội vượt sông. Hội mẹ chiến sĩ và Hội phụ nữ thành lập tổ “Hỏa thực” lo việc cơm nước. Chuẩn bị lực lượng thanh niên bổ sung cho bộ đội khi cần. Điều chỉnh lại lực lượng bộ đội, đổi phiên hiệu Tiểu đoàn 38 thành 66, chuyển hướng hoạt động từ Phụ Dực, Thụy Anh về Vũ Tiên, Kiến Xương, Tiền Hải, mỗi huyện thành lập một trung đội dự trữ. Dân quân du kích cac thôn xã tích cực hoạt động phối hợp với các hoạt động tác chiến của bộ đội chủ lực.
Thực hiện kế hoạch chuẩn bị chiến trường, Tỉnh đội đã điều Tiểu đoàn 66 đang hoạt động ở Phụ Dực, Thụy Anh cấp tốc về Vũ Tiên, Tiền Hải. Đêm ngày 24 rạng ngày 25-1-1952, Tiểu đoàn 66 bao vây buộc quân địch ở các đồn vệ sĩ Trung Đồng, Đông Thành ra hàng. Tiếp đó ta lại bức hàng, bức rút thêm một lọat vị trí như Thanh Châu, Bạch Long, Lương Điền, Cam Lai, Chí Trung, Lạc Thiện (Tiền Hải), Bắc Trạch (Kiến Xương). Trong những ngày cuối tháng 1-1952, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích bức rút 9 vị trí của lực lượng vệ sĩ thiên chúa giáo phản động giải phóng phần lớn huyện Tiền Hải.
Được sự hỗ trợ của nhân dân, ngày 17-1-1952, cánh quân thứ nhất của Đại đoàn 320 đã vựơt sông Hồng sang Quang Thẩm (Vũ Tiên). Một tuần sau ngày 25-1-1952 bộ phận còn lại (cánh quân thứ hai) của Đại đoàn 320 cũng vượt sông an toàn. Bộ tư lệnh Đại đoàn đứng chân tại làng Kiến Xá huyện Thư Trì. Đây là lần đầu tiên, một lực lượng lớn chủ lực ta luồn sâu vào vùng địch tạm chiếm, phối hợp với chủ lực của tỉnh và bộ đội địa phương, dân quân du kích thực hiện trong ngoài cùng đánh, đẩy mạnh chiến tranh du kích, tiến tới đánh bại quân địch ở Hòa Bình, giữ vững quyền chủ động chiến lược.
Ngay sau khi cánh quân thứ hai của Đại đoàn vượt sông, một cuộc họp quan trọng giữa đại diện Ban Cán sự Tả Ngạn, Bộ tư lệnh Đại đoàn 320, Bộ chỉ huy Mặt trận 5, Tỉnh ủy Thái Bình đã triệu tập tại thôn Kinh Nhuế (Phía bắc huyện Kiến Xương). Cuộc họp đã được quán triệt Nghị quyết của Liên
khu ủy III về việc thành lập Đảng ủy mặt trận Tả Ngạn sông Hồng. Trong cuộc họp này Đảng ủy nhận định: “Ở phía nam đường 10, cơ sở một vài nơi còn yếu nhưng một số vùng như Kiến Xương, Vũ Tiên, phong trào du kích chiến tranh đang phát triển mạnh mẽ…Phía nam đường 10 là nơi địch đóng nhiều vị trí, các vị trí phản động đóng tại các nhà thờ Thiên chúa giáo có nhiều sơ sở” [60, tr. 302]. Đảng ủy Mặt trận quyết định thực hiện phương châm tác chiến đề ra là “Bộ đội chủ lực tạo mọi điều kiện để đánh điểm diệt viện; kết hợp uy hiếp bằng quân sự với vận động chính trị rộng rãi. Bộ đội địa phương và dân quân du kích phải phối hợp với chủ lực…đẩy mạnh bao vây uy hiếp, tước vũ khí hương tổng dũng và bọn phản động đội lốt Thiên chúa giáo; vũ trang tuyên truyền vào vùng địch tạm chiếm diệt tề phản động, bắt do thám, tranh thủ nhân dân, phục hồi, củng cố cơ sở, triệt để phá hoại giao thông…” [60, tr. 303].
Căn cứ vào chủ trương của Đảng ủy Mặt trận, Tỉnh ủy Thái Bình chỉ đạo các địa phương khẩn trương phối hợp chiến đấu với Đại đoàn 320. Hướng hoạt động tác chiến ban đầu được xác định chủ yếu là miền bắc Thái Bình, nơi có khu căn cứ du kích Tiên - Duyên - Hưng - Quỳnh Côi rộng lớn đang bị địch chiếm đóng. Tuy nhiên, do bị binh đoàn cơ động số 4 (GM4) của địch ra sức ngăn chặn, nên đại bộ phận lực lượng của Đại đoàn 320 không thể sang Hưng Nhân mà phải vượt sông vào miền nam Thái Bình. Vì vậy, hướng tác chiến ban đầu được chuyển xuống địa bàn phía nam tỉnh. Địa bàn cụ thể được xác định là hệ thống chiếm đóng của địch ở Kiến Xương và Tiền Hải.
Mở đầu đợt hoạt động, ngày 26-1-1952, Tiểu đoàn Đống Đa, thuộc Trung đoàn 48, Đại đoàn 320 phối hợp cùng du kích phục kích trên đường 39, đánh tan một trung đội Âu - Phi khi chúng đang trên đường từ Đông Hướng tới Thanh Nê (Kiến Xương). Trung đội nữ du kích và nhân dân xã Tán Thuật (Kiến Xương) đã cùng bộ đội xông ra đánh giáp lá cà với địch. Nữ du kích Nguyễn Thị Chiên tay không bắt sống tên trung úy chỉ huy Maduya. Trận mở màn thắng lợi đã gây
tiếng vang lớn, thanh thế của bộ đội chủ lực lan rộng. Tinh thần binh lính trong các đồn bốt ngụy và vệ sĩ công giáo hoang mang, lo sợ.
Để mở rộng khu du kích nam sông Trà Lý, cơ quan tỉnh đội và một bộ phận lực lượng của Đại đoàn 320 quyết định tiến công Chi khu quân sự La Cao (còn gọi là Đông Hướng), nơi đặt đầu mối chỉ huy 19 đồn bốt, trong đó có cả vị trí do quân Âu Phi chiếm đóng và đồn bốt của bọn vệ sĩ công giáo hai huyện Kiến Xương, Tiền Hải. Đồn La Cao do một đại đội đóng giữ, có boongke hầm ngầm kiên cố nối thông giữa các lô cốt hoặc rút theo cửa bí mật sang đồn khác khi nguy khốn, là một vị trí trung tâm của Chi khu quân sự, nếu bị tiêu diệt sẽ có tác động quyết định đến số phận của các đồn bốt khác.
Sau gần một tháng bị quân dân địa phương bao vây, địch phải dùng máy bay chở đồ tiếp tế cho La Cao. Sáng ngày 31-1-1952, Tiểu đoàn Đống Đa và Tiểu đoàn pháo binh 834 có dân quân du kích phối hợp nổ súng tiến công La Cao. Sau nửa giờ chiến đấu, quân ta tiêu diệt và bắt sống hai trung đội địch. Số còn lại rút xuống hầm ngầm cố thủ và tìm cách rút chạy sang đồn Trà Lý (Tiền Hải). Song chúng bị rơi vào trận địa phục kích của ta. Tên đồn trưỏng Vôret khét tiếng gian ác và một số tên khác bị bắt sống. La Cao được giải phóng. Ngay sau đó, các đồn phụ cận như Vũ Lăng, Giáo Nghĩa (Kiến Xương) đầu hàng. Đến lượt binh lính đồn Trà Lý phải rút chạy.
Phát huy chiến thắng La Cao, bộ đội và du kích liên tiếp tổ chức đánh vận động phục kích, nội ứng, công kích diệt đồn bốt địch. Tiểu đoàn 66 bộ đội địa phương tỉnh nhân thời cơ quân địch rệu rã, hoang mang, dùng chiến thuật bao vây, bức hàng 9 vị trí vệ sĩ công giáo, giải phóng huyện Tiền Hải, trong đó có Đông Thành, một vùng Thiên chúa giáo tập trung. Từ Tiền Hải, Tiểu đoàn 66 lại vận động đến phía nam huyện Vũ Tiên, Kiến Xương phối hợp với các lực lượng vũ trang địa phương tiêu diệt, bức hàng 12 vị trí lớn nhỏ, giải phóng gần hết huyện Kiến Xương và khu vực phía nam huyện Vũ Tiên. Đặc biệt đối với vị trí Liên hiệp Pháp ở Hội Khê (Vũ Tiên) và vị trí vệ sĩ
công giáo Cao Mại (Kiến Xương), ta kết hợp giáo dục, thuyết phục kết hợp với việc dùng áp lực quân sự đấu tranh buộc địch phải nộp vũ khí đầu hàng.
Trước sức uy hiếp mạnh mẽ của bộ đội và dân quân du kích, một loạt 10 đồn bốt do tổng dũng, vệ sĩ đóng giữ thuộc hai huyện Kiến Xương, Vũ Tiên đã phải ra hàng hoặc rút chạy.
Cho đến đầu tháng 2 -1952, tại nam Thái Bình, các đơn vị của Đại đoàn 320 cùng dân quân du kích, bộ đội địa phương đã giải phóng một vùng rộng lớn gồm các huyện Kiến Xương, Tiền Hải và phía nam huyện Vũ Tiên. Vừa tác chiến, bao vây bức hàng các vị trí địch, các lực lượng chủ lực và địa phương vừa đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân vùng mới giải phóng, nhất là vùng tập trung đông đảo đồng bào theo đạo Thiên chúa, hướng bà con tham gia các hoạt động kháng chiến, hỗ trợ cho bộ đội đánh địch có hiệu quả.
Trong lúc các đơn vị thuộc Trung đoàn 48 phối hợp với Tiểu đoàn 66 (sau đổi phiên hiệu là tiểu đoàn 705) hoạt động ở khu vực phía nam sông Trà Lý thì các đơn vị khác của Đại đoàn 320 đã tranh thủ vượt sông Trà Lý đánh địch ở các huyện Thái Ninh, Thụy Anh, Đông Quan.
Tại Thái Ninh ngày 8-12-1952, cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 320 tổ chức tiến công Tiểu khu chợ Cổng (Thái Ninh), diệt và bắt sống 130 tên địch, thu nhiều vũ khí, trong đó có cả khẩu đại bác 105 ly. Thừa thắng, ngày hôm sau, đơn vị tiến công vị trí Thanh Đầu. Hoảng sợ trước sức tấn công mạnh mẽ, quyết liệt của quân ta, một loạt các đồn nhỏ lân cận như Xuân Hòa, Danh Giáo, Đồng Chanh, Xuân Hải, Cống Cất, Đồng Tỉnh, Sơn Thọ, Các Động, Bích Du đã nhanh chống đầu hàng khi ta vừa nổ súng. Riêng đối với vị trí Nghĩa Phong, do một đại đội Liên hiệp Pháp chiếm giữ, Đại đội Lê Lợi, phối hợp với bộ đội địa phương và dân quân du kích huyện Đông Quan đã tổ chức tấn công địch liên tục trong một giờ đồng hồ mới chiếm được, diệt và bắt 131 tên. Cho đến giữa tháng 2- 1952, cả huyện Thái Ninh địch chỉ còn hai vị trí là Cầu Sắt và Chùa Khô.
Tại huyện Thụy Anh, trong các ngày 9 và 10-2-1952, Trung đoàn 52 tổ chức bao vây các vị trí Trà Linh, Diêm Điền, Đông Hòa, Bình Lạng khiến quân địch ở đây bị cô lập, phải dùng máy bay tiếp tế.
Bị đánh quyết liệt ở Hòa Bình, sông Đà, Ba Vì, đường số 6 và ở Trung du, lại bị tổn thất nặng nề ở đồng bằng, quân Pháp lâm và tình thế “tiến thoái lưỡng man” trên mặt trận Hòa Bình. Để đối phó với Đại đoàn 320 và đại đoàn 304 đang hoạt động mạnh ở Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, đối phó với hoạt động mạnh mẽ của quân dân Thái Bình cùng quân dân các tỉnh Tả Ngạn sông Hồng, bộ chỉ huy Pháp buộc phải điều động binh đoàn cơ động số 4 và số 7, mở cuộc hành binh Crasanh (Mưa Phùn) đánh vào các khu căn cứ du kích phía nam huyện Đông Quan, sau đó tiến sang các huyện Thụy Anh, Phụ Dực… nhằm ngăn chặn chủ lực ta phát triển hoạt động lên phía bắc đường 10 (bắc Thái Bình). Tuy nhiên cuộc hành quân Crasanh của địch đã không thu được kết quả, trái lại binh đoàn GM4 và GM7 còn bị tổn thất nặng nề . Hàng trăm lính Âu - Phi bị chết, bị thương và bị bắt. Các Tiểu đoàn Tiên Yên (d884), Kiên Trung (d337), Thanh Lũng (d868) thuộc Đại đoàn 320 đã phối hợp với du kích, bộ đội địa phương vừa đánh quân cơ động của địch, vừa bao vây bức hàng, bức rút một loạt các vị trí địch ở Thái Ninh, Thụy Anh, Phụ Dực, Duyên Hà.
Phối hợp với mặt trận phía nam tỉnh, mặc dù chưa có sự hỗ trợ trực tiếp của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích các huyện phía bắc cũng tổ chức bao vây, bức rút, bức hàng một số vị trí như Tạ Xá (Tiên Hưng), Nguyệt Lãng (Thư Trì), Cần Phán (Quỳnh Côi)…
Trên đà thắng lợi, Ban chỉ đạo Mặt trận Tả Ngạn quyết định chuyển phần lớn lực lượng chủ lực lên hoạt động ở phía bắc đường 10, khôi phục lại khu căn cứ du kích Tiên - Duyên - Hưng. Tiểu đoàn Tiên Yên đã phối hợp với bộ đội địa phương và nhân dân du kích các huyện bao vây, bức hàng một loạt đồn như Dốc Văn, Buộm, Phú Vật, Mỹ Đình (Hưng Nhân), Cúc Đình (Duyên
Hà). Đặc biệt quân dân ta còn quyết định đánh bốt Đào Thành để mở cống lấy nước tưới cho 3000 ha ruộng lúa của ba huyện Tiên - Duyên - Hưng đang khô hạn. Để đảm bảo bí mật, bất ngờ, Bộ tư lệnh Đại đoàn 320 quyết định giao nhiệm vụ đánh vị trí Đào Thành cho Tiểu đoàn Đồng Mít (d 706) thuộc Trung đoàn 64 đang hoạt động ở Hà Nam. Đêm mùng 9-2-1952, Tiểu đoàn 706 đã vượt sông Hồng sang địa phận Hưng Nhân(Thái Bình), nổ súng tấn công địch với khẩu hiệu “Quyết lấy nước về cho đồng bào”. Trận đánh diễn ra quyết liệt đến rạng sáng 10-2 vẫn chưa kết thúc. Tiểu đoàn 884 thuộc trung đoàn 64 tổ chức một trận phục kích tại Hà Nguyên trên dường 39, tiêu diệt gọn Đại đội 3 thuộc trung đoàn bộ binh thuộc địa số 5 của địch (5e REI) đến cứu viện cho vị trí Đào Thanh. Thấy đồng bọn bị tiêu diệt, ngay chiều hôm đó, số quân địch cố thủ ở Đào Thành buộc phải tháo chạy theo đường sông. Cống Đào Thành đưa nước từ sông Luộc tới các cánh đồng rộng lớn thuộc ba huyện Tiên - Duyên - Hưng được mở, cứu sống 3000 ha lúa chiêm đang cằn héo. Lúc mở cống, có người dân đã mang chai hứng dòng nước chảy đầu tiên đem về đặt lên bàn thờ gọi là “Chai nước cụ Hồ”. Khuếch trương thanh thế Đào Thành, bộ đội, du kích các huyện Hưng Nhân, Duyên Hà, Quỳnh Côi tiếp tục chiến đấu diệt thêm năm vị trí địch khiến cho vùng giải phóng và căn cứ du kích ở Thái Bình ngày càng mở rộng.
Qua hơn một tháng phối hợp với Đại đoàn 320, quân và dân Thái Bình đã tiêu diệt, tiêu hao, mở vùng giải phóng, làm tròn nhiệm vụ tác chiến góp phần giam chân địch ở mặt trận địch hậu đồng bằng, tạo điều kiện cho mặt trận Hòa Bình giành thắng lợi, đánh bại cuộc hành quân quy mô lớn chiếm đóng Hòa Bình của thực dân Pháp. Hai huyện Kiến Xương, Tiền Hải được giải phóng. Ba phần tư huyện Thái Ninh và một nửa huyện Thụy Anh cũng trở về tay chính quyền kháng chiến. Quân và dân ta đã diệt, làm bị thương và bắt sống 3000 tên địch, khôi phục, củng cố hàng loạt khu du kích, căn cứ du kích tại các huyện Tiên Hưng, Duyên Hà, Hưng Nhân, Quỳnh Côi, Phụ Dực,