Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Dân Trí Tài Chính


Các nghiên cứu trên đều có đồng quan điểm rằng số năm đi học và kinh nghiệm làm việc ảnh hưởng cùng chiều lên thu nhập của họ. Những đối tượng có số năm đi học và kinh nghiệm nhiều hơn, sẽ có thu nhập cao hơn và thu được lợi nhuận nhiều hơn từ các khoản đầu tư. Như vậy, kiến thức tài chính, một khía cạnh trong DTTC có ảnh hưởng cùng chiều đến thu nhập của các đối tượng trong nền kinh tế.

b. Thái độ

Đối với nhánh nghiên cứu về xóa đói giảm nghèo, đặc biệt về sinh kế bền vững và tài chính vi mô sau này, đều cho rằng thái độ của các cá nhân có ảnh hưởng đến thu nhập. Mincer (1958) chỉ ra rằng các quyết định đầu tư trong tương lai cũng như thái độ của chủ thể đối với nền kinh tế là một trong những yếu tố quyết định tới thu nhập của người đó cũng như sự mất cân bằng thu nhập của quốc gia đó. Nghiên cứu này được phát triển bởi một số nghiên cứu như Furnham (1984) cho rằng thái độ tài chính định hình cách mọi người chi tiêu, tiết kiệm, tích trữ và lãng phí tiền bạc. Thái độ tài chính ảnh hưởng đến các vấn đề khácnhư nợ đọng trong thanh toán hóa đơn và thiếu thu nhập để kiếm đủ tiền. Đồng quan điểm với ý kiến trên, Hayhoe và cộng sự (1999) cũng cho rằng thái độ tài chính của một cá nhân cũng ảnh hưởng đến cách một người quản lý hành vi tài chính chính người đó.

Lusardi và cộng sự (2017) đã nghiên cứu tác động của DTTC trong hành vi ra quyết định tài chính của chủ thể. Cụ thể, các cá nhân sẽ có thái độ và cách tiếp cận kinh tế, ra quyết định tiết kiệm cũng như tiêu dùng các sản phẩm. Đối với những cá nhân có thái độ thận trọng và hiểu biết đầy đủ các thông tin sẽ chi tiêu ít hơn khi thu nhập cao, xu hướng tiết kiệm tăng và sẽ sử dụng khoản tiết kiệm đó khi thu nhập giảm. Mô hình này sẽ được làm tối đa hóa lợi ích cho cá nhân. Các nghiên cứu trước đây cũng cho ra kết quả tương tự như Modigliani và Brumberg (1954), Friedman (1957).

Như vậy, có thể cho rằng thái độ tài chính có ảnh hưởng đến cách một cá nhân điều chỉnh hành vi tài chính của mình, từ đó tạo nên sự ảnh hưởng lên thu nhập của đối tượng nghiên cứu.

c. Hành vi

Trong nhánh nghiên cứu về vốn con người, Schultz (1961) cho rằng những người có hành vi sai lệch trong việc đầu tư cũng như không có hành vi gì đối với tài chính đều ảnh hưởng xấu tới thu nhập. Perry và Morris (2005) đã phát triển trên quan điểm trên và chứng minh rằng hiểu biết ảnh hưởng tới kết quả của hành vi tài chính, tạo ra thu nhập cho chủ thể. Việc tiêu dùng, tiết kiệm và đầu tư của chủ thể thúc đẩy một thu nhập đều đặn và khả thi hơn so với những hành vi sai lệch khác (như cướp bóc, trộm cắp,..).


Servon và Kaestner (2008) thông qua hệ thống câu hỏi của mình, đã chỉ ra tỉ lệ những người có hành vi tài chính có quyết định tài chính đúng đắn hơn so với những người không đặt mục tiêu về tài chính. Nghiên cứu này đồng quan điểm với Holzmann (2010) và Huston (2010).

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 201 trang tài liệu này.

Đối với nghiên cứu riêng biệt về DTTC, Hilgert và cộng sự (2003) đã tìm ra được mối tương quan giữa DTTC và kỹ năng quản lý tài chính hàng ngày. Những hành vi và quyết định tài chính trên có ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập. Những người có kỹ năng quản lý tài chính tốt hơn thường có thu nhập cao hơn và có xu hướng tiết kiệm để phòng tránh rủi ro có thể xảy ra (Scheresberg, 2013). Kết luận cũng được tương đồng với một số nghiên cứu tại Mỹ và trên thế giới khi cho rằng những người có DTTC cao thường có xu hướng tham gia vào thị trường tài chính và đầu tư vào cổ phiếu hơn (Kimball và Shumway, 2006, Christelis và cộng sự, 2010, Almenberg và Säve-Söderbergh, 2011).

OECD (2009) cũng chỉ ra rằng những quyết định tài chính sai sót - thường được gây ra bởi sự thiếu hụt DTTC – có thể gây ra những hậu quả tiêu cực. Calvert (2005) cho rằng việc đưa ra những quyết định tài chính sai lầm, gây ảnh hưởng không chỉ tới cá nhân đó mà còn dẫn đến hệ lụy đối với những người xung quanh và có thể là toàn bộ nền kinh tế. Tương tự, Agarwal và cộng sự (2009) cũng tập trung vào những “sai lầm tài chính” và đưa ra nhận định rằng điều này hay xảy ra nhất đối với nhóm đối tượng người trẻ và người cao tuổi, những nhóm đối tượng mà thường phản ánh chỉ số DTTC, đặc biệt là kiến thức tài chính thấp nhất.

Dân trí tài chính của người nghèo tại khu vực nông thôn Việt Nam - 8

Như vậy, hành vi tài chính là một trong những nhân tố có ảnh hưởng lên thu nhập. Những hành vi tài chính tiêu cực có thể giúp cho thu nhập của một cá nhân tăng lên và ngược lại.

2.4. Các nhân tố ảnh hưởng đến dân trí tài chính

Cho đến hiện nay, DTTC xuất hiện trong ngày càng nhiều nghiên cứu trên thế giới. Phần lớn trong số chúng được thực hiện cho các nước phát triển, như Ý, Hoa Kỳ, Thụy Điển và Úc. Một số bài báo tập trung vào các nền kinh tế đang phát triển, chẳng hạn như Ấn Độ, Indonesia,... Kết quả của các nghiên cứu cũng đã chỉ ra nhiều điểm thống nhất và tương đồng về các nhân tố ảnh hưởng. Qua đó, có thể thấy có một số nhân tố đã được rất nhiều nghiên cứu cùng đề cập, đó là sự kết hợp và ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế xã hội (socioeconomic factors) và yếu tố nhân khẩu (demographic factors) lên trình độ DTTC của cá nhân.


2.4.1. Trình độ học vấn

Bhushan và Medury (2013) cho thấy mối quan hệ thuận chiều giữa trình độ học vấn và DTTC: trình độ học vấn cao thì DTTC cao và ngược lại. Kết quả cho thấy trình độ DTTC cao nhất đối với những người được hỏi có bằng tiến sĩ (66,54%), theo sau là những người được hỏi có bằng sau đại học (61,43%).

Brown và Graf (2013) cũng đã chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ giữa DTTC và trình độ học vấn: chỉ 26,6% nhóm đối tượng có trình độ giáo dục tiểu học hoặc tương đương có thể trả lời chính xác những câu hỏi liên quan đến lãi suất, lạm phát và rủi ro; trong khi tỷ lệ này ở nhóm đối tượng có trình độ đại học lên tới 68,69%. Tỷ lệ những người không xác định được câu trả lời cũng giảm dần: 34,7% ở nhóm đối tượng có trình độ tiểu học và tương đương; 22,8% ở nhóm đối tượng có trình độ phổ thông trở lên, 17,2% ở nhóm đối tượng học nghề, và 10,2% ở nhóm đối tượng có trình độ đại học. Kết quả của nghiên cứu trên cũng tương đồng với Alessie và cộng sự (2008) khi chỉ ra rằng những người có điểm số DTTC thấp nhất nằm trong nhóm có trình độ tiểu học hoặc trung cấp nghề dự bị; những người có trình độ giáo dục đại học cao hơn và nằm trong nhóm có chỉ số DTTC cơ bản cao nhất.

Tại Việt Nam, một số bài nghiên cứu cũng đã cho ra các kết quả tương tự. Morgan và Trinh (2017) chỉ ra là trình độ học vấn cao hơn có mối tương quan chặt chẽ và có ý nghĩa tích cực với DTTC ở Việt Nam. Kết quả trình độ học vấn có tác động cùng chiều với DTTC như đã được chỉ ra trong các nghiên cứu trước (Banks và Oldfield, 2007, Christelis và cộng sự, 2010, Lusardi và cộng sự, 2017).

Kết quả của những nghiên cứu trên đã chỉ ra rằng trình độ học vấn là một yếu tố ảnh hưởng tích cực lên DTTC của một cá nhân; những nhóm đối tượng có trình độ giáo dục càng cao thì tỷ lệ trả lời đúng những câu hỏi về tài chính càng cao và ngược lại.

2.4.2. Thu nhập

Về thu nhập, hầu hết các nghiên cứu trên thế giới đều đưa ra nhận định rằng thu nhập có ảnh hưởng cùng chiều lên DTTC, tức thu nhập càng cao thì điểm số DTTC của cá nhân càng cao và ngược lại. Cụ thể, Mandell và Klein (2009) đã chỉ ra rằng những sinh viên từ gia đình có thu nhập cao (hơn $80.000 mỗi năm) sẽ có điểm số DTTC cao vượt trội so với nhóm sinh viên từ gia đình có thu nhập thấp.

Kết quả cho rằng DTTC có mối quan hệ thuận chiều với thu nhập cũng được đưa ra trong nghiên cứu của Lusardi và Tufano (2015). Khi được hỏi về lãi gộp, 48% những người có thu nhập hàng năm cao hơn $75.000 trả lời đúng, trong khi con số này ở nhóm


đối tượng có thu nhập hàng năm thấp hơn $30.000 chỉ là 26%. Kết quả này cũng xảy ra tương tự với các câu hỏi còn lại trong bài nghiên cứu. Tuy nhiên, điểm cần lưu ý là tỉ lệ câu trả lời đúng ở cả 3 câu hỏi trong bài nghiên cứu đều thấp hơn 50% kể cả ở nhóm đối tượng có thu nhập cao nhất. Hơn thế nữa, có hơn 42% những người có thu nhập cao trong bài nghiên cứu này không phân biệt được giữa những khoản thanh toán một lần với những khoản thanh toán theo niên kim.

Ngoài ra, hành vi tiết kiệm cùng được các nhà nghiên cứu dùng để thể hiện cho mức độ hiểu biết DTTC, Jonubi và Abad (2013) đã chỉ ra rằng thu nhập đóng vai một vai trò quan trọng trong hành vi tiết kiệm của con người. Dấu hiệu tích cực cho thấy rằng khi thu nhập tăng thì khả năng tiết kiệm tăng. Kết quả trên cũng được ủng hộ trong các nghiên cứu khác (De Clercq và cộng sự, 2009, Monticone, 2010, Hastings và Mitchell, 2020, Bhushan và Medury, 2013, Potrich và cộng sự, 2015, Sekar và Gowri, 2015).

Phân tích hồi quy trong nghiên cứu về DTTC của Atkinson và Messy (2012) đã chỉ ra rằng những người trả lời có thu nhập cao hơn thường có điểm số DTTC cao hơn. Ví dụ, ở Ba Lan, điểm số DTTC của nhóm đối tượng thu nhập thấp là gần điểm trong khi điểm số của nhóm đối tượng thu nhập cao cao hơn khoảng 25% (tức hơn 15 điểm). Khoảng cách DTTC giữa các nhóm đối tượng có thu nhập này dễ dàng nhận ra ở Cộng hòa Séc, Hungary, Ireland, Malaysia và Nam Phi. Điều này có thể được giải thích bởi những người có DTTC cao thường sẽ có chiến lược để tận dụng thu nhập và xu hướng tránh được những rủi ro không cần thiết. Tuy nhiên, điểm số DTTC cao có thể có ở tất cả những nhóm đối tượng có thu nhập khác nhau. Bởi thu nhập không ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng cá nhân tiếp nhận kiến thức, hình thành thái độ hay có những hành vi tài chính tích cực, nhưng thu nhập thấp thường là một trong những nguyên do dẫn đến những hành vi tài chính tiêu cực, như vay mượn để trả nợ, tiêu dùng không có kế hoạch...

Như vậy, kết quả của hầu hết các nghiên cứu trên đều chỉ ra rằng thu nhập là một trong những yếu tố tác động lên điểm số DTTC của một cá nhân. Những đối tượng có thu nhập cao hơn thường có xu hướng có điểm số DTTC cao hơn và ngược lại. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên cũng chỉ ra một thực trạng rằng, điểm số DTTC và tỉ lệ những người có kiến thức tài chính chính xác vẫn còn thấp, thậm chí ở nhóm đối tượng có thu nhập cao nhất. Điều này đặt ra yêu cầu phải nâng cao và cải thiện DTTC không chỉ ở những người có thu nhập thấp mà còn ở cả những nhóm đối tượng có thu nhập trung bình và thu nhập cao.


2.4.3. Việc làm

Kết quả chỉ ra mối quan hệ giữa việc làm và DTTC đã xuất hiện từ lâu trong các nghiên cứu về DTTC, kể cả trong các nghiên cứu về lý thuyết tăng trưởng nội sinh, vốn con người và sinh kế bền vững. Scheresberg (2013) và Uppal (2016) đã phân nhóm và tìm ra điểm khác biệt về DTTC giữa ba nhóm đối tượng: có việc làm, tự chủ, thất nghiệp. Mở rộng hơn, Nanziri và Leibbrandt (2018) chỉ ra được sự khác biệt về điểm số DTTC giữa những nhóm đối tượng có đặc điểm công việc khác nhau. Nghiên cứu chia các đối tượng nghiên cứu thành 7 nhóm việc làm: có việc làm chính thức (formally employed), tự làm chủ doanh nghiệp (self-employed), nghỉ hưu (pensioner), nội trợ (housewife), có việc làm không chính thức (informally employed), sinh viên (student) và thất nghiệp (unemployed). Nhóm đối tượng có việc làm chính thức có điểm số DTTC cao nhất, trung bình là 55,73 trong khi điểm số của nhóm đối tượng thất nghiệp thấp hơn khoảng 25% (41,74 điểm) (Ansong và Gyensare, 2012). Điểm số DTTC của nhóm đối tượng có việc làm chính thức, tự làm chủ doanh nghiệp và nghỉ hưu cao hơn, trong khi sinh viên và thất nghiệp là những người có điểm số thấp nhất trong 7 nhóm đối tượng trên. Điểm số DTTC thấp ở những đối tượng sinh viên và thất nghiệp cũng đã được chỉ ra trong các nghiên cứu trước đây (Mandell và Klein, 2009, Chen và Volpe, 2002, Beal và Delpachitra, 2003, Worthington, 2004, Markow và Bagnaschi, 2005, Lusardi và Mitchell, 2011c, Ansong và Gyensare, 2012). Tại Việt Nam, kết quả trên cũng được ủng hộ bởi Morgan và Trinh (2017).

Tóm lại, tất cả các nghiên cứu trên đều chỉ ra rằng tình trạng việc làm là một trong những nhân tố ảnh hưởng lên DTTC. Nhóm đối tượng có việc làm, đặc biệt là liên quan đến kinh tế và tài chính thường có những kiến thức tài chính chính xác và thỏa đáng hơn, dẫn đến điểm số DTTC cũng cao hơn nhóm đối tượng không có việc làm.

2.4.4. Tuổi tác

Một trong những nhân tố nhân khẩu học ảnh hưởng lên DTTC là tuổi tác. Sự tác động của tuổi tác lên DTTC đã được phân tích cụ thể trong một số nghiên cứu trên thế giới. Alessie và cộng sự (2008) đã chỉ ra rằng điểm số DTTC thấp ở những đối tượng trẻ, và những đối tượng trung niên thường có điểm số cao nhất. Điều này có thể được giải thích bởi tuổi tác ảnh hưởng tới hành vi và thói quen của đối tượng với thị trường tài chính. Ví dụ, những người sở hữu cổ phiếu trên thị trường chủ yếu tập trung ở độ tuổi 40 và tương đương; thị phần thị trường chứng khoán cũng tăng lên theo độ tuổi của những người sở hữu. Nghiên cứu trên còn chỉ ra một số vấn đề tài chính mà nhóm độ tuổi trẻ thường gặp phải cũng đã được ủng hộ trong các nghiên cứu khác trên thế giới.


Sinha (2018) chỉ ra rằng: 22% trong số 3.050 người có độ tuổi từ 18 đến 24 tuổi trong mẫu nghiên cứu được coi là ổn định về mặt tài chính. Những cá nhân này lập kế hoạch và quản lý tài chính của họ tốt hơn, họ đã kiểm tra hoặc tiết kiệm tài khoản trong các ngân hàng chủ đạo và ít có khả năng sử dụng các dịch vụ tài chính thay thế tốn kém như người cho vay qua đêm. Nghiên cứu này cũng đã chỉ ra gần một phần ba thanh niên được nhận định là "tài chính không ổn định" vì họ có hiểu biết về tài chính kém và thiếu kỹ năng quản lý tiền và ổn định thu nhập.

Kết quả trên cũng tương đồng với nghiên cứu của Lusardi và Tufano (2015) khi chỉ ra những đặc điểm của DTTC theo từng nhóm độ tuổi: những đối tượng có độ tuổi lớn thường có sự nhầm lẫn khi tính toán những phép tính về lãi suất cơ bản. Lusardi và Mitchelli (2007) cũng đã chỉ ra chỉ có một tỉ lệ nhỏ nhóm đối tượng từ 51 đến 56 tuổi trả lời đúng những câu hỏi về lãi suất kép. Cụ thể, về kiến thức liên quan đến lãi suất, nhóm đối tượng có độ tuổi lớn hơn 65 thường trả lời sai hoặc không xác định được câu trả lời, nhóm đối tượng có độ tuổi dưới 30 có tỷ lệ trả lời đúng cao nhất (43,16%) trong câu hỏi này. Nghiên cứu cũng đưa ra kết luận rằng nhóm đối tượng có độ tuổi lớn sẽ có điểm số DTTC thấp hơn. Đây là một trong những phát hiện quan trọng, và điều tương tự đã được phát hiện trong nghiên cứu của Agarwal và cộng sự (2009). Tại Việt Nam, Do (2017) chỉ ra rằng: “Người Việt Nam trưởng thành (hơn 30 tuổi) làm việc và có thu nhập cao hơn trung bình thể hiện kỹ năng tài chính tốt hơn so với các nhóm khác, phù hợp với kết quả của các nước Châu Á Thái Bình Dương”.

Trong nghiên cứu của Lusardi và Mitchell (2017), điều đáng quan tâm là những người lớn tuổi tự đánh giá cho mình điểm số rất cao về DTTC, trong khi lại đạt điểm kém trong các câu hỏi về kiến thức tài chính cơ bản (Lusardi và Mitchell, 2011b, Lusardi và Tufano, 2015). Tương tự, Finke và cộng sự (2017) phát triển một thước đo đa chiều về DTTC cho người già và xác nhận rằng, mặc dù kiến thức tài chính thực tế giảm theo tuổi tác, nhưng người dân tự tin vào khả năng ra quyết định tài chính của họ thực sự tăng theo tuổi. Atkinson và Messy (2012) đã đưa ra hai nguyên nhân giải thích cho hiện tượng trên:

Có thể yếu tố thói quen làm ảnh hưởng tới những người tiêu dùng lớn tuổi. Những người lớn tuổi, với kinh nghiệm ở một thị trường tài chính thế hệ trước sẽ khó có thể bắt kịp với tốc độ phát triển nhanh chóng của thị trường tài chính bây giờ, bao gồm cả sự xuất hiện của nhiều công nghệ mới.

Sự giảm sút về nhận thức có thể làm giảm mức độ kiến thức tài chính mà người tiêu dùng có độ tuổi cao có thể duy trì và áp dụng trong thị trường tài chính.


Bhushan và Medury (2013) cũng cho thấy tuổi càng cao thì trình độ DTTC cũng tăng lên. Mức độ DTTC tối đa là 65,38% được thể hiện bởi những người được hỏi rơi vào nhóm tuổi trên 60 tuổi, sau đó là 59,66% cho nhóm tuổi 51- 60 tuổi. Tuy nhiên, kết quả kiểm định ANOVA lại cho thấy sự khác biệt về trình độ hiểu biết về tài chính của người trả lời dựa trên độ tuổi không có ý nghĩa thống kê. Tương tự, Nanziri và Leibbrandt (2018) cũng đưa ra một quan điểm cho rằng mặc dù đồ thị của số điểm DTTC và độ tuổi là đồ thị có dạng chữ U ngược, tuy nhiên yếu tố tuổi tác không phải là một biến mang ý nghĩa thống kê. Nghiên cứu cũng đã chỉ ra kết quả rằng không có sự khác biệt quá nhiều giữa điểm số DTTC ở các độ tuổi khác nhau.

Như vậy, yếu tố tuổi tác là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến DTTC được đề cập rất nhiều trong các nghiên cứu ở trên thế giới. Tuy vẫn chưa được thống nhất hoàn toàn, nhưng nhiều các nghiên cứu đều đồng tình với quan điểm cho rằng: Điểm số DTTC sẽ cao nhất ở độ tuổi trung niên và thấp dần đi ở những độ tuổi trẻ hơn hoặc già hơn.

2.4.5. Giới tính

Lusardi và Mitchell (2011a) đưa ra quan điểm cho rằng có sự khác biệt về điểm số DTTC giữa nữ giới và nam giới. Cụ thể, phụ nữ thường có DTTC thấp hơn đàn ông trong đa số các trường hợp. Hơn thế nữa, phụ nữ còn đưa ra những câu trả lời không xác định cho những vấn đề liên quan đến tài chính. Lusardi và Mitchell (2014) chỉ ra kết quả: tỷ lệ phụ nữ trả lời câu hỏi “tôi không biết” nhiều hơn rất nhiều so với nam như ở Mỹ, 26% nam giới không xác định câu trả lời, trong khi đó tỷ lệ ở phụ nữ lên tới 47%; còn ở Hà Lan, tỷ lệ này đối với nam là 26%, trong khi nữ là 42%. Điều này có thể được giải thích bởi nguyên nhân phụ nữ thường khó tiếp cận và bắt kịp với những sự phát triển nhanh chóng của thị trường tài chính và nền kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và nam giới thường quyết đoán hơn phụ nữ.

Phát triển từ kết quả của nghiên cứu trên, Brown và Graf (2013) đã đưa ra kết quả rằng có tới 62% nam giới tham gia nghiên cứu trả lời đúng những câu hỏi về lĩnh vực tài chính, trong khi đó con số này ở nữ giới chỉ là 39%. Tỷ lệ nữ giới không xác định câu trả lời hoặc từ chối trả lời những câu hỏi này ở phụ nữ lên tới 22%, gần gấp đôi ở nam giới (12%). Hơn thế nữa, nghiên cứu này đã phát triển sâu hơn khi nghiên cứu về khoảng cách giới tính khi đo lường DTTC theo tình trạng hôn nhân và sự yêu thích về lĩnh vực tài chính. Kết quả chỉ ra rằng, tỉ lệ những người không xác định được câu trả lời như nhau ở nam giới và nữ giới khi những đối tượng này không có sự thích thú với lĩnh vực tài chính. Điều này đồng nghĩa với việc nam giới không chỉ tự tin hơn trong việc trả lời các câu hỏi về tài chính mà còn quan tâm tới những vấn đề tài chính.


Tại Việt Nam, Morgan và Trinh (2017) có kết luận rằng yếu tố giới tính có ảnh hưởng ít hơn so với các nước khác (ở Việt Nam hệ số giới tính chỉ bằng một nửa khi so với 30 nước OECD năm 2016). Kết quả này cho rằng việc giới tính có tác động đến DTTC là còn phụ thuộc từng vùng, quốc gia do sự khác biệt về lối tư duy và phong tục tập quán.

Tuy nhiên, Nanziri và Leibbrandt (2018) lại đưa ra một quan điểm ngược lại khi nhận định rằng ảnh hưởng của giới tính lên điểm số DTTC là không rõ ràng. Nghiên cứu đưa ra điểm số trung bình của nữ giới là 47,87, ở nam giới là 49,02. Mặc dù nam giới có kết quả trình độ DTTC cao hơn nữ giới, tuy nhiên ảnh hưởng này là không nhiều, vì thế biến giới tính không phải là một biến mang ý nghĩa thống kê trong nghiên cứu này. Kết quả này cũng được ủng hộ bởi nghiên cứu của Bucher and Lusardi (2011) cho rằng giới tính không có sự tác động đáng kể tới trình độ DTTC của một cá nhân. Như vậy, ảnh hưởng của giới tính lên DTTC vẫn là một trong những nhân tố chưa có được sự thống nhất giữa các nghiên cứu về DTTC trên thế giới.

2.4.6. Chủng tộc và tôn giáo

Về chủng tộc, một số các nghiên cứu trên thế giới cũng đã chỉ ra được sự khác biệt điểm số DTTC giữa các nhóm đối tượng khác nhau. Zhan (2006) khi nghiên cứu về ảnh hưởng của yếu tố chủng tộc lên điểm số DTTC đã đưa ra kết luận những người có gốc Tây Ban Nha thường có điểm số DTTC thấp hơn những nhóm đối tượng còn lại (châu Âu, châu Mỹ, châu Phi và những đối tượng khác).

Quan điểm này cũng được ủng hộ trong nghiên cứu của Lusardi và Mitchell (2011b) khi đưa ra kết luận rằng những người có nguồn gốc Tây Ban Nha thường là nhóm đối tượng có điểm số DTTC thấp nhất. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ rõ ra một số lĩnh vực mà nhóm đối tượng gốc Tây Ban Nha (Hispanic) có điểm số cao hơn nhóm đối tượng người da đen (Black) như: xổ số, lãi suất. Trong khi đó, Scheresberg (2013) lại chỉ ra rằng những người Mỹ gốc Phi và gốc Tây Ban Nha có trình độ DTTC thấp nhất trong mẫu nghiên cứu khảo sát tại Hoa Kỳ.

Lusardi và cộng sự (2010) cho thấy sự khác biệt về DTTC theo chủng tộc và dân tộc: người da trắng trả lời đúng các câu hỏi về kiến thức tài chính nhiều hơn người da đen và người gốc Tây Ban Nha. Khoảng cách về tỷ lệ trả lời đúng giữa người da đen và người da trắng là khoảng 17% cho câu hỏi lạm phát và gần 12% cho câu hỏi phân tán rủi ro. Khoảng cách tương ứng cho người gốc Tây Ban Nha là khoảng 12% và 7%. Phát hiện này phù hợp với các nghiên cứu khác đã tìm thấy sự khác biệt về DTTC theo sự khác biệt về chủng tộc và sắc tộc giữa các học sinh trung học (Mandell và Klein, 2009).

Xem tất cả 201 trang.

Ngày đăng: 07/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí