nói chung, văn học Chăm nói riêng. Các công trình nghiên cứu, sưu tầm, dịch thuật, các tập tiểu luận phê bình liên tiếp được hoàn thành cho thấy một hành trình lao động nghệ thuật say mê, miệt mài, đầy tâm huyết và nghiêm túc của Inrasara. Những giải thưởng được trao tặng là sự ghi nhận tài năng và sự đóng góp của ông trong việc nghiên cứu, sưu tầm văn hóa, văn học Chăm. Có thể kể đến các công trình tiêu biểu của Inrasara như:
- Về ngôn ngữ, Inrasara là tác giả - đồng tác giả của bốn công trình có giá trị: Từ điển Chăm – Việt (1995), Từ điển Việt – Chăm (1996), Tự học tiếng Chăm (2003), Từ điển Việt – Chăm dùng trong nhà trường (2004). Đây là những cuốn sách công cụ giúp ích một cách thiết thực cho những người học tập và nghiên cứu tiếng Chăm, đồng thời góp phần đưa sự giao lưu văn hoá có truyền thống lâu đời giữa hai dân tộc Việt – Chăm đi vào chiều sâu.
- Về văn hoá Chăm, Inrasara đã cho xuất bản hai cuốn: Các vấn đề văn hoá – xã hội Chăm (1999) và Văn hoá – xã hội Chăm, nghiên cứu và đối thoại (2003). Cuốn sách thứ hai này đã đem lại cho tác giả giải thưởng chính thức của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.
- Về văn học Chăm, ông đã có công sưu tầm, dịch thuật, tổng hợp, khảo cứu và quảng bá cả văn học truyền khẩu lẫn văn học thành văn. Những công trình ghi dấu tên tuổi của ông như một nhà văn hoá tiêu biểu có công bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc mình là: Văn học dân gian Chăm: tục ngữ, câu đố (1995), Văn học Chăm, tập I – Khái luận (1994), Văn học Chăm, tập II
- Trường ca (1996), Akayet - sử thi Chăm (2009), và gần đây nhất là Ariya Cam – Trường ca Chăm ( 2006).Tập I và tập II của công trình Văn học Chăm đã lần lượt nhận được giải thưởng của Trung tâm Lịch sử và văn minh Đông Dương thuộc Trường Đại học Sorbonne (Pháp).
Các công trình trên được xem là một đóng góp đáng kể vào việc giới thiệu với thế giới bên ngoài một vốn chữ nghĩa quý báu của dân tộc Chăm, là nguồn tư liệu tham khảo quý báu cho việc dạy và học chữ Chăm. Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh (2009) là một phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực và cống hiến của Inrasara trong lĩnh vực nghiên cứu.
Bên cạnh các công trình nghiên cứu – sưu tầm, Inrasara còn là tác giả của nhiều tập tiểu luận – phê bình được đánh giá cao, cổ súy cho những cái mới trong văn học nghệ thuật như tân hình thức hay hậu hiện đại. Tiêu biểu như: Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo (2006), Song thoại với cái mới (2008)…Gần đây, ông mới cho ra đời tập tiểu luận phê bình văn học Mười căn bệnh phê bình của văn học hôm nay tạo được sự quan tâm của giới nghiên cứu. Ngoài ra ông còn quan tâm tới sự phát triển của văn học Chăm đương đại. Tuyển tập sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu văn hoá văn học Chăm: Tagalau và Tủ sách văn học Chăm do ông làm chủ biên hơn 10 năm qua với mục đích giới thiệu văn học Chăm, nâng đỡ và khuyến khích các cây bút Chăm trẻ tuổi, chấp nhận những thể nghiệm mới mẻ trong văn chương đã chứng minh cho tấm lòng và nhiệt huyết của Inrasara với văn hóa, văn học dân tộc mình.
Không chỉ dừng lại ở việc sưu tầm nghiên cứu văn hóa, văn học Chăm, Inrasara còn tiếp tục thực hiện vai trò sáng tạo và phát triển văn hóa Chăm. Hàng loạt các tập thơ đậm chất Chăm ra đời và giành được những giải thưởng cao quý trong và ngoài nước là minh chứng rò nhất cho vai trò vừa là “người coi kho” vừa là “kẻ sáng tạo” của Inrasara. Các tập thơ đã xuất bản:
Có thể bạn quan tâm!
- Đặc điểm tiểu thuyết của Inrasara - 2
- Văn Chương Inrasara Trong Dòng Chảy Của Văn Học Dân Tộc Thiểu Số Việt Nam Hiện - Đương Đại.
- Vài Nét Về Chủ Nghĩa Hậu Hiện Đại, Ảnh Hưởng Của Nó Đến Văn Học Việt Nam Và Tư Tưởng Nghệ Thuật Của Inrasara
- Con Người Mang Vẻ Đẹp Nguyên Bản Với Số Phận Bí Ẩn.
- Con Người Tài Năng, Giàu Suy Tư Và Nặng Lòng Với Văn Hóa Chăm
- Con Người Bình Dị, Đời Thường Với Bộn Bề Những Lo Toan Thường Nhật
Xem toàn bộ 133 trang tài liệu này.
- Tháp nắng – thơ và trường ca (1996), giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam.
- Sinh nhật cây xương rồng (1997), giải thưởng của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.
- Hành hương em (1999).
- Lễ tẩy trần tháng Tư – thơ và trường ca (2002), giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam và giải thưởng Văn học Đông Nam Á
- Inrasara (2003).
- Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức (2006).
Thơ ông được đánh giá là giàu ý tưởng và mang nhiều tính ẩn dụ. Nó có một quá trình vận động, cách tân đổi mới từ chỗ mang đậm hơi thở dân tộc đến những triết luận, đối thoại, biện giải cuộc sống theo hướng hậu hiện đại, ẩn chứa nhiều suy tư. Sau khi thành danh ở lĩnh vực thơ ca, Inrasara tiếp tục thử thách mình ở một địa hạt mới là tiểu thuyết nhằm gửi gắm những tư tưởng mới. Hai cuốn tiểu thuyết sau nhiều năm được ấp ủ, thai nghén đã được xuất bản, thu hút được làn sóng quan tâm của đông đảo dư luận. Đó là Chân dung cát (2006) và Hàng mã kí ức (2011). Như vậy có thể thấy dù là ở mảng sáng tác văn chương hay nghiên cứu, sưu tầm, phê bình, Inrasara cũng tạo được dư luận. Ông được xem là một trong những nhà thơ cách tân nhất hiện nay, rồi lại được khẳng định là một trong những nhà phê bình sáng giá. Với sự cách tân trong sáng tác và sự nghiêm túc, nỗ lực trong việc sưu tầm, dịch thuật, nghiên cứu phê bình văn học, Inrasara vinh dự nhận được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước cho những “đứa con tinh thần” của mình. Ông cũng là chủ nhân của những danh hiệu cao quý: Huy chương vì sự nghiệp văn học - Nghệ thuật Việt Nam 2004 của Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; Nhân vật văn hoá trong năm 2005 của VTV; Nghệ sĩ tiêu biểu năm 2005 của VTV1; Kỉ niệm chương Vì thế hệ trẻ 2009 của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh…Đó là niềm hạnh phúc không dễ gì có được trong cuộc đời lao động nghệ thuật của người nghệ sĩ.
1.3.3. Tiểu thuyết và quan niệm về tiểu thuyết của Inrasara
Với quan điểm: “con người hôm nay phải sáng tạo phần mình để đóng góp vào kho văn hóa dân tộc” [42], Inrasara luôn là người mẫn cán trong
việc thực thi công việc sáng tạo và phát triển văn hóa, văn học của dân tộc mình. Chuyển từ thể loại thơ, nghiên cứu và phê bình sang tiểu thuyết, Inrasara đã cho ra đời hai tác phẩm dày dặn: Chân dung cát và Hàng mã kí ức.
Inrasara từng là tên tuổi đã được khẳng định và vinh danh ở lĩnh vực thơ, nghiên cứu văn hóa, văn học Chăm, phê bình văn học. Vậy bước sang lĩnh vực tiểu thuyết – một thể loại dài hơi đòi hỏi người viết phải có một vốn kinh nghiệm, vốn sống và hiểu biết không nhỏ thì liệu Inrasara có tạo được dư luận và đột biến không? Điều này phần nào đã được trả lời bởi sau khi xuất bản hai cuốn tiểu thuyết của ông đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo dư luận.
Ở vai trò là nhà thơ, nhà nghiên cứu, phê bình văn học Inrasara luôn được đánh giá cao và ông luôn tự làm mới mình, cách tân, tìm tòi hướng đi mới cho sáng tác của mình. Trong dòng sáng tạo đó, tiểu thuyết cũng là một cách để ông thể nghiệm chính mình, làm “giàu vốn sống ta, đa dạng ngôn ngữ ta” (Inrasara). Mỗi bắt đầu là một khó khăn mới, thử thách mới, điều đó không tránh được. Chân dung cát và Hàng mã kí ức là nỗ lực mới của Inrasara trong việc thể hiện nguồn cảm hứng mãnh liệt về văn hóa Chăm, số phận Chăm, con người Chăm và cũng là cố gắng chinh phục thể loại sau khi đã thành danh ở những thể loại khác. Vì với ông muốn thay đổi chỉ có cách phá hủy. Phá hủy để sáng tạo, phá hủy là sáng tạo.
Theo quan niệm của ông: “Tiểu thuyết, ngoài khám phá tâm hồn con người trong cách thế khác,còn là kho lưu trữ sinh hoạt một dân tộc trong thời đại đó,vừa đứng biệt lập vừa bổ sung cho thiếu hụt của lịch sử. Làm tốt chức năng đó, hình thức tiểu thuyết cũng cần được thay đổi/ trương nở để đáp ứng trúng nhịp thời đại mình đồng thời với mỗi đề tài mà nó nhắm tới” [30]. Từ quan niệm đó Inrasara luôn có ý thức tìm kiếm một cách thức thể hiện mới để
có một ý niệm tiểu thuyết độc đáo của riêng mình. Tiểu thuyết của ông khá phức tạp và mang tinh thần hậu hiện đại rò nét ở nhiều phương diện: kết cấu, ngôn ngữ, giọng điệu, nhân vật….Vì thế người đọc tiếp cận tác phẩm của Inrasara nếu không có sự tìm hiểu thấu đáo về lí thuyết hậu hiện đại trong văn học sẽ rất bất ngờ và khó hiểu trước sự phá cách của Inrasara so với tiểu thuyết truyền thống của các cây bút dân tộc thiểu số trước đây.Tuy nhiên trong tiểu thuyết của Inrasara vẫn bàng bạc một nền văn hóa Chăm bí ẩn và cuốn hút, vẫn có một minh triết Chăm ẩn hiện trên từng trang văn của ông. Có chăng cái mới, cái phá cách, kể cả cái rối tung trong tiểu thuyết của Inrasara là một kiểu “lập biên bản” tinh thần dân tộc của kẻ sáng tạo; và cũng đòi hỏi một kiểu phê bình tương tự như vậy – “phê bình lập biên bản”: “Lập biên bản có nghĩa là chấp nhận mọi hiện tượng văn chương xảy ra trong thời đại ta đang sống. Bày nó ra như là nó thế, tìm hiểu triết lí trên đó thơ văn nảy sinh…Các quan điểm sáng tác ấy chưa hẳn đã cùng lối suy nghĩ của tôi hay tôi đã đồng tình hoàn toàn với nó, nhưng tôi cố gắng nhìn nhận nó như là nó là thế” [23]. Như vậy có thể thấy giữa lập ngôn và thực tế sáng tác của Inrasara có sự thống nhất. Ông hướng tới tiểu tự sự, nghĩa là những câu chuyện kể mang tính chất địa phương, tạm bợ, không đòi hỏi mọi người tin và làm theo nó, không phải là một chân lí phổ quát. Với hai cuốn tiểu thuyết đã xuất bản, Inrasara đã thử kể câu chuyện khác về Chăm, ở đó theo như tác giả thì “ thừa tri thức về văn hóa xã hội Chăm đồng thời không thiếu chất khôi hài, giễu nhại” và với tinh thần đó ông đã kể câu chuyện về dân tộc mình, về mảnh đất mình đang sống với độc giả ở các nơi theo cách riêng của mình.
Chân dung cát là tiểu thuyết đầu tay của ông và được chăm chút, chỉnh sửa khá lâu trước khi ra mắt chính thức độc giả trong hình hài là cuốn tiểu thuyết như hiện nay. Ban đầu tác phẩm này được Inrasara dự dịnh sẽ là một bộ tiểu thuyết sử thi bao quát xã hội Chăm từ 1932 – 1990 với nhan đề Con
đường vô tận (khoảng 1500 trang). Năm năm sau ông viết lại và thay đổi truyện thành một tiểu thuyết kí sự xã hội, lấy tên là Đi tìm chân dung Chăm. Và phải đến năm 2001, lần thứ ba Inrasara viết lại và chỉnh sửa hoàn thiện rồi được Hội Nhà văn ấn hành năm 2006 với nhan đề Chân dung cát. Chân dung cát là câu chuyện về những huyền bí của đời sống Chăm hiện đại, Chăm đương sống cuộc sống kì diệu của ngày hôm nay nhưng lại được kể qua truyền thuyết lịch sử, huyền sử; qua hàng loạt chân dung hoạt kê, mỗi người một nét tính cách và tổng hợp lại làm nên diện mạo của tinh thần Chăm đương đại trong đời sống cộng đồng. Qua chuyện kể này, Chăm và văn hóa văn minh Champa hiển lộ và sống giữa cộng đồng nhân loại.
Hàng mã kí ức cũng là cuốn tiểu thuyết trải qua quá trình sàng lọc, thay dổi khá nhiều. Lúc đầu, tác phẩm có tựa đề là Còi người ma với tiểu đề “tự sự h[ậu h]iện đại” nhưng sau đó lại được đổi thành Thằng Trạm mát, gồm 15 chương và có 02 phần. Phần một tác giả viết về tâm hồn con người Chăm và tinh thần văn hóa Chăm. Phần hai viết về tinh thần văn học Việt Nam đương đại. Cuối cùng ông bỏ hẳn phần hai và chỉnh sửa, thay đổi thành Hàng mã kí ức với tiêu đề tiểu thuyết. Tác phẩm được Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2011. Hàng mã kí ức thử kể câu chuyện khác về Chăm theo tinh thần hậu hiện đại: không tin vào những sự lớn lao, to tát, không tham vọng xây dựng một chân lí phổ quát, đòi hỏi mọi người tin vào nó mà. Inrasara chỉ kể lại những câu chuyện về “…cuộc đời tôi và mảnh đời của những người xung quanh thế giới tôi, sự kiện hay sự việc tôi biết, tôi trải nghiệm, cuốn sách tôi đọc” [15, 8] mà vẫn làm hiển hiện lịch sử một dân tộc, những vỉa tầng văn hóa của tộc người Chăm - Nam Trung Bộ. Tác giả dù khách quan, vô tư đi nữa thì những thứ kia vẫn chỉ là hàng mã - hàng mã của kí ức mà thôi. Ai cũng biết hàng mã là đồ giả nhưng vẫn chấp nhận nó. Lịch sử, dù là của một dân tộc hay chỉ là của cá nhân vẫn cần được kể lại, chỉ có điều bằng
cách khác mà thôi. Inrasara đã kể lại điều đó và mong muốn người đọc cũng tiếp nhận nó bằng cách khác đi, bằng “con mắt mở” của một nhân loại đã trưởng thành.
Trong Chân dung cát và Hàng mã kí ức mênh mông những câu chuyện kể và được kể lại bằng một cách thể hiện mới lạ, khá rắc rối nhưng lại giúp con người nhận ra và trải nghiệm nhiều điều trong cuộc sống, không chỉ là với Chăm mà là của con người ở mọi nơi. Có thể nói, với tiểu thuyết, ở chừng mực nào đó, Inrasara đã làm được cái điều mà ông từng tuyên bố: “ Hãy viết như công dân thế giới”. Tức là: “Phá bỏ bức ngăn văn chương ngoại vi với văn chương (lâu nay được cho là) trung tâm. Là chặt đứt thứ tư duy chật hẹp như thể quyết một lần cho mọi lần bước ra khỏi ao làng chật chội từng gò bó lối viết ta. Là từ bỏ mặc cảm nước nhược tiểu, mặc cảm ngôn ngữ nhược tiểu, phức cảm tự tôn, tự ti dân tộc. Chúng ta học tập thế giới và sẵn sàng cống hiến trở lại cái tinh túy nhất của chúng ta cho văn chương thế giới” [30]. Như vậy, tiểu thuyết của Inrasara nói riêng và sáng tác của Inrasara nói chung nhằm cố gắng xóa nhòa ranh giới giữa văn chương dân tộc thiểu số với văn học Việt Nam, cũng thể hiện tư tưởng hội nhập của ông với văn chương thế giới.
*Tiểu kết: Văn học dân tộc thiểu số nói chung và văn xuôi dân tộc thiểu số nói riêng, đặc biệt trong thời kì đổi mới đã có những bước phát triển vượt bậc và đạt được những thành tựu đáng kể. Đội ngũ các nhà văn ngày càng được tăng cường và có ý thức đổi mới, cách tân trong sáng tạo nghệ thuật. Đề tài, chủ đề, tư duy và cái nhìn nghệ thuật trong tiểu thuyết dân tộc thiểu số theo những biến động, thịnh suy, thăng trầm của đời sống xã hội cũng thay đổi để có thể đáp ứng nhu cầu phản ánh hiện thực, tâm tư, tình cảm của con người thời đại đó.
Chủ nghĩa hậu hiện đại đã có sức ảnh hưởng lớn trên nhiều lĩnh vực của đời sống nhân loại trong đó có văn học nghệ thuật. Mầm mống và những dấu hiệu của nó đã xuất hiện trong văn học Việt Nam, đặc biệt là từ sau 1986, chủ yếu trong tác phẩm của các nhà văn dân tộc Kinh. Hiện nay một số cây bút dân tộc thiểu số cũng đang mạnh dạn thử sức mình với khuynh hướng này và đang tạo được sự quan tâm của dư luận. Nhà văn Inrasara là một trong số đó. Các sáng tác của ông từ tiểu luận nghiên cứu, phê bình văn học đến thơ và tiểu thuyết đều mang tinh thần hậu hiện đại kết hợp với hơi thở nồng đượm của dân tộc Chăm.
Trong dòng chảy của văn học dân tộc thiểu số, Inrasara đã và đang nổi lên như một hiện tượng độc đáo. Ông là một tài năng nhiều mặt. Và ở thể loại nào cũng tạo được hiệu ứng với dư luận. Không chỉ thể hiện ý thức bảo tồn bản sắc dân tộc, văn hóa dân tộc thông qua hoạt động trước tác (nghiên cứu, sưu tầm, dịch thuật) mà ông còn luôn nỗ lực trong việc phát huy và làm phong phú vốn văn hóa truyền thống ấy của cha ông bằng các sáng tác của mình ở các lĩnh vực phê bình văn học, thơ và tiểu thuyết. Ở thể loại tiểu thuyết, với một quan niệm mới mẻ, Inrasara đã có những thể nghiệm trong kĩ thuật viết theo xu hướng hậu hiện đại mà trước hết là ở hình thức tổ chức tác phẩm nhằm chuyển tải tư tưởng trong tư duy nghệ thuật của ông: làm mới chính mình và làm mới tiểu thuyết để đưa tiểu thuyết dân tộc thiểu số hòa nhập với văn học của cộng đồng dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam và vươn ra tầm thế giới.