Lí Thuyết Giao Tiếp Và Lí Thuyết Hội Thoại 1/ Lí Thuyết Giao Tiếp:

Nghệ thuật là sự sáng tạo, các hoạt động để tạo ra các sản phẩm (có thể là vật thể

hoặc phi vật thể) mang lại những giá trị lớn về tinh thần, tư tưởng và có giá trị thẩm mĩ, mang giá trị văn hóa và làm rung động cảm xúc, tư tưởng tình cảm của khán giả (người thưởng thức tác phẩm nghệ thuật). Trong mỗi loại hình nghệ thuật lại có những quy định và ý nghĩa về nghệ thuật khác nhau, nhưng đều có chung quan điểm là đạt mức hoàn hảo trong chế tác và yêu cầu cao về giá trị tinh thần. Loại hình nghệ thuật là những hình thức tồn tại ổn định của nghệ thuật. Có tất cả là 7 loại hình nghệ thuật, bao gồm: kiến trúc và trang trí; điêu khắc; hội họa; âm nhạc; văn chương; sân khấu; điện ảnh. Mỗi loại hình nghệ thuật có những đặc trưng riêng, được quy định bởi đặc điểm của đối tượng miêu tả, phương thức tái hiện, và cả những phương tiện vật chất chủ yếu tạo nên hình tượng nghệ thuật. Các nhà nghiên cứu thường coi các tác phẩm dân ca là loại hình nghệ thuật tổng hợp: âm nhạc; văn chương; sân khấu.

Ngôn ngữ nghệ thuật là gì?

Nghệ thuật ngôn từ là cách thức, nghệ thuật hay trình độ sử dụng ngôn ngữ hay nói chung là sự biểu đạt có tính chất riêng trong các loại hình nghệ thuật. Đó là cách hiểu theo nghĩa rộng. Trong dân ca, “ngôn ngữ nghệ thuật” được hiểu là hệ thống ngôn ngữ được dùng trong các văn bản nghệ thuật, ví dụ qua những bài hát lưu truyền trong dân gian - các văn bản dân ca. Trong văn bản nghệ thuật, ngôn ngữ là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện tính sáng tạo, phong cách, tài năng của các chủ thể sáng tạo. Tóm lại, nó được dùng một cách có nghệ thuật.

Ở người Tày, tiếng Tày đã được sử dụng trong văn nghệ dân gian (hát then, lượn, quan lang, phong slư, ca dao, tục ngữ, truyện cổ, truyện thơ Nôm,…). Trong sáng tác văn nghệ nói chung, dân ca Tày nói riêng, ngôn ngữ Tày có vai trò rất đặc biệt. Cùng với việc sáng tạo theo các khuôn mẫu của hình thức diễn xướng dân gian nói chung, các nghệ sĩ dân gian Tày đã có những sáng tạo riêng trong sử dụng ngôn từ để xây dựng hình tượng nghệ thuật, làm cho dân ca Tày có sức sống bền lâu và hấp dẫn từ ngàn xưa cho đến mai sau. Ngôn ngữ vừa là phương tiện nghệ thuật, vừa là cái cần hướng tới (đối tượng miêu tả) trong sáng tạo nghệ thuật.

Là một thành tố của văn hoá, là sản phẩm của quá trình lao động sáng tạo và cộng cư của con người, ngôn ngữ tộc người là một giá trị đồng thời góp phần tạo nên những giá trị cộng cảm làm nên bản sắc trong văn hóa. Tiếng mẹ đẻ thường là ngôn ngữ học được trong những năm đầu đời, là công cụ giao tiếp và tư duy quan trọng nhất của mỗi người - đối với người Tày đó chính là tiếng Tày. Nhờ có tiếng Tày mà

rất nhiều nét bản sắc của văn hóa Tày, trong đó có các tác phẩm dân ca, được bảo tồn

tương đối nguyên vẹn cho đến ngày nay.

2/ Những yếu tố tạo nên tính nhạc (tính nhịp điệu) lời dân ca:

- Thể:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 271 trang tài liệu này.

Thể là “hình thức sáng tác văn, thơ theo những quy cách nhất định” [116, tr. 1158]. “Thể là kiểu mẫu của văn bản hình thành trong quá trình phát triển của sự giao tiếp bằng lời tương đối ổn định, trở thành quy ước chung, tồn tại trong kí ức của mọi người như một mô hình cấu tạo văn bản, một thứ siêu ngôn ngữ vừa để biểu đạt vừa để định hướng cho sự tiếp thu biểu đạt” [52, tr. 210].

Để xác định thể trong một bài người ta căn cứ vào số tiếng trong một câu và tần số của số tiếng ấy xuất hiện trong một bài. Mỗi thể có những quy tắc riêng về số chữ trong câu, khổ, bài, về cách gieo vần, luật, đối, niêm.

Đặc điểm ngôn ngữ trong dân ca Tày - 5

Trong dân ca Tày, các tác giả dân gian đã sáng tạo ra ba thể sau: thể năm tiếng, thể bảy tiếng, thể hỗn hợp.

- Vần:

Vần là “một phương tiện tổ chức văn bản dựa trên cơ sở lặp lại không hoàn toàn các tiếng ở những vị trí nhất định của dòng thơ nhằm tạo nên tính hài hòa và liên kết của dòng thơ và giữa các dòng thơ” [45, tr. 423], là “hiện tượng có vần được lặp lại hoặc gần giống nhau giữa những âm tiết có vị trí nhất định trong câu để tạo nhịp điệu và tăng sức gợi cảm” [116, tr. 1364].

“Vần là sự tương hợp, sự tương đồng, sự cộng hưởng, sự hài hòa, sự lặp lại của các đặc trưng về nguyên âm, phụ âm, trọng âm, thanh điệu v.v... của hai từ hay âm tiết được hiệp vần” [131, tr.67].

Căn cứ vào vị trí hiệp vần, có các loại: vần lưng, vần chân, vần liền, vần cách, vần ôm, vần giao nhau, vần hỗn hợp; căn cứ vào tính chất của vần, có ba loại: vần chính, vần thông và vần áp [52, tr. 268 - 269].

Luận án sẽ dựa trên quan điểm của Lý Toàn Thắng [131], tiếp cận cách phân loại vần theo Nguyễn Thái Hòa [52] để phân tích ngữ liệu ở chương 2.

- Nhịp (còn gọi là “nhịp điệu”):

Nhịp điệu là yếu tố rất quan trọng hình thành nên sự hấp dẫn về hình thức trong các sáng tác văn chương, khiến cho tác phẩm vừa có nhạc điệu vừa ổn định về mặt cấu tạo. Nhịp điệu là yếu tố tổ chức biểu đạt nghệ thuật và là phương tiện nghệ thuật trong nghệ thuật thính giác như âm nhạc, thơ ca...

Mỗi thể khác nhau có thể có nhịp khác nhau. Nhịp điệu là một khái niệm thuộc

ngôn điệu (một yếu tố siêu đoạn tính) - điểm đặc biệt của lời nói cũng như trong thơ ca, được thể hiện trong văn bản. Cùng với vần, nhịp điệu cũng là yếu tố tạo nên tiết tấu, sự uyển chuyển, tạo tính nhạc của lời dân ca. Nói đến nhịp điệu ngôn ngữ phải nói đến sự chia cắt dòng âm thanh mà khi đọc hoặc nghe, người đọc, người nghe cảm thụ một cách trực tiếp. Về mặt văn bản, dòng âm thanh được chia thành đoạn, câu, cụm từ, từ,… Khi phát âm, sự phân chia này có thể được biểu hiện ở chỗ ngắt giọng và ngữ điệu,…

Nhịp điệu chính là điểm khác biệt chủ yếu giữa câu văn vần và câu văn xuôi. Văn vần khác với văn xuôi chủ yếu ở phương diện nhịp điệu (tất nhiên, văn xuôi cũng có nhịp điệu theo cách của nó).

Thông thường, nhịp điệu cách luật truyền thống bao giờ cũng có lực lớn hấp dẫn người đọc. Theo tri thức có được từ sự trải nghiệm văn vần, cứ gặp các thể quen thuộc, trong tâm thức người bản ngữ lại vang lên (hay chờ đợi) nhịp điệu có sẵn, đó là nhịp 2/2 (thể 4 chữ); 3/2 hay 2/3 (thể 5 chữ); 2/2/3 (thể 7 chữ);… Thể tự do thì nhịp điệu được sử dụng linh hoạt, phong phú.

Trong các tác phẩm nghệ thuật dân gian bằng văn vần nói chung, dân ca Tày nói riêng đều có những chỗ ngắt giọng, có những yếu tố ngôn ngữ được lặp lại, luân phiên tạo thành nhịp điệu. Chức năng của nhịp điệu không chỉ làm nên cấu trúc của văn bản, không là những khuôn mẫu buồn tẻ, mà còn được sử dụng với mục đích gợi cảm, nhằm biểu đạt vẻ đẹp ngôn từ và nội dung văn bản.

1.2.1.4. Lí thuyết giao tiếp và lí thuyết hội thoại 1/ Lí thuyết giao tiếp:

Một nét chung trong dân ca các dân tộc và dân ca Tày nói riêng (phong slư,

lượn, quan lang, then, phuối pác, phuối rọi, vén noọng nòn...): Dân ca Tày là hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ ở dạng lời ca. Hoạt động này là sự tiếp xúc giữa con người/ nhóm người với con người/ nhóm người (hoặc với thần linh - Then), trong đó diễn ra sự trao đổi thông tin (hiểu rộng), đồng thời thể hiện thái độ, cách đánh giá, cách ứng xử của các nhân vật giao tiếp đối với nội dung giao tiếp và giữa các nhân vật giao tiếp với nhau, bằng tiếng Tày.

Biểu hiện cụ thể của hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ này là: Lượn là điệu hát giao duyên của người Tày, của ít nhất là hai người (một nam và một nữ), nội dung chủ yếu là mượn hình ảnh của các loài cây, các loài hoa, những hình ảnh sự vật, sự

việc, những tích truyện xưa để giãi bày tình cảm, tâm tư của các tầng lớp thanh niên

nam nữ trong những buổi gặp gỡ ban đầu, trong những lời hẹn ước về sau; Hát quan lang là hệ thống các bài ca được đại diện nhà trai và đại diện nhà gái hát đối đáp thay cho lời chào xã giao, lịch sự và thể hiện tình cảm trân trọng nhau, cũng đồng thời thể hiện lối ứng xử tinh tế, tao nhã theo tập tục địa phương. Then là những lời hát do thầy mo hát lên, để nói với (thấu đến) Then - Ông Trời...

Hoạt động giao tiếp là sự tiếp xúc giữa con người (nhóm người) với con người (nhóm người), trong đó diễn ra sự trao đổi thông tin (hiểu rộng), đồng thời thể hiện thái độ, cách đánh giá, cách ứng xử của các nhân vật giao tiếp đối với nội dung giao tiếp và giữa các nhân vật giao tiếp với nhau. Hoạt động này có liên quan đến nhiều nhân tố:

Hoàn cảnh giao tiếp: một trong những yếu tố chủ đạo chi phối hoạt động giao tiếp của con người. Đó là thế giới thực tại mà con người đang sống với tất cả các nhân tố xã hội - ngôn ngữ ảnh hưởng đến việc lựa chọn và sử dụng các phương tiện ngôn ngữ như: hiểu biết về thế giới xã hội, văn hóa, tôn giáo, lịch sử..; phong tục, tập quán; trình độ học vấn; kinh nghiệm xã hội; thói quen sử dụng ngôn ngữ; phạm vi giao tiếp (công sở, gia đình, ngoài xã hội, trong các vùng lãnh thổ riêng…); đề tài, chủ đề hay hình thức giao tiếp…

Trong hoàn cảnh giao tiếp người ta đặc biệt chú ý đến tính quy thức và phi quy thức qua những biểu hiện ngôn ngữ của các vai giao tiếp.

Tính quy thức được hiểu là những yêu cầu, những quy tắc, những nghi lễ… trong những hoàn cảnh giao tiếp hẹp (không gian, thời gian cụ thể để cuộc giao tiếp diễn ra như trong các nghi lễ ngoại giao, tôn giáo, trong công sở, nhà trường…). Đây là các nghi thức mang tính quy phạm, có chuẩn mực chung mà các thành viên tham gia giao tiếp ngầm hiểu và thực hiện chúng.

Ngược lại, tính phi quy thức là những hành vi giao tiếp ngoài xã hội, nơi mà những hoạt động giao tiếp diễn ra không chịu ảnh hưởng chi phối của quy tắc, luật lệ nào. Các vai giao tiếp được tự do, thoải mái bộc lộ theo cách của riêng mình.

Nhân vật giao tiếp: những người tham gia vào một cuộc giao tiếp bằng ngôn ngữ, dùng ngôn ngữ để tạo ra các lời nói, các diễn ngôn qua đó mà tác động vào nhau. Nhân vật giao tiếp đóng vai trò quan trọng trong quá trình giao tiếp, có thể thúc đẩy hoặc tự kết thúc cuộc thoại. Do đó, đây chính là linh hồn của cuộc thoại. Giữa các nhân vật giao tiếp có quan hệ vai giao tiếp và quan hệ liên cá nhân.

Vai giao tiếp là cương vị xã hội của một cá nhân nào đó trong một hệ thống các

quan hệ xã hội. Vai được hình thành trong quá trình xã hội hóa các nhân vật; quan hệ liên cá nhân - quan hệ so sánh xét trong tương quan xã hội. Đó là thế giới thực tại con người đang sống với tất cả các nhân tố xã hội - ngôn ngữ ảnh hưởng đến giao tiếp: những tri thức về tự nhiên và xã hội, văn hóa, tôn giáo, lịch sử; phong tục, tập quán; trình độ học vấn; kinh nghiệm xã hội; cách sử dụng ngôn ngữ; phạm vi giao tiếp; đề tài, chủ đề hay hình thức giao tiếp…

Quan hệ liên cá nhân giữa các nhân vật giao tiếp được xác định theo hai trục quan hệ: quan hệ quyền uy và quan hệ thân sơ.

- Xét về quan hệ quyền uy, giữa các nhân vật giao tiếp có thể có:

+ Quan hệ ngang vai: quan hệ giữa những người có tuổi tác, vị thế trong gia đình, xã hội bình đẳng với nhau. Ví dụ như quan hệ bạn bè.

+ Quan hệ không ngang vai: quan hệ giữa những người có tuổi tác, vị thế trong gia đình, xã hội không bình đẳng với nhau. Quan hệ không ngang vai có thể được phân biệt tiếp thành:

Quan hệ trên vai: quan hệ giữa những người phát có tuổi tác, vị thế trong gia đình, xã hội thấp hơn người nhận. Ví dụ như: quan hệ giữa con cái trong giao tiếp với bố mẹ, ông bà… hoặc học sinh, sinh viên với thầy cô giáo…

Quan hệ dưới vai: quan hệ giữa người phát có tuổi tác, vị thế trong gia đình, xã hội cao hơn người nhận.

- Xét về quan hệ thân sơ, giữa các nhân vật giao tiếp có thể có quan hệ thân thiết hoặc xa lạ. Nên chú ý mức độ thân cận có thể tỉ lệ thuận với mức độ hiểu biết về nhau của những người giao tiếp, nhưng không nhất thiết là đã hiểu nhau thì sẽ thân nhau. Có khi những kẻ tử thù với nhau lại hiểu nhau rất kĩ. Trục thân sơ là trục đối xứng, có nghĩa là trong quá trình giao tiếp nếu SP1 dịch gần lại SP2 thì SP2 cũng dịch gần lại SP1 (tất nhiên trừ trường hợp có người không cộng tác, chối từ sự biến đổi đó) và ngược lại. Qua thương lượng có thể thay đổi khoảng cách.

Quan hệ liên cá nhân chi phối cả tiến trình giao tiếp, cả nội dung giao tiếp và hình thức giao tiếp. Nhờ việc sử dụng từ ngữ và lối trình bày mà vai nghe biết được vai nói xác định quan hệ vị thế và quan hệ xã hội với mình như thế nào.

Để giao tiếp diễn ra một cách bình thường và đạt được kết quả, các nhân vật giao tiếp phải tuân thủ các quy tắc sau:

- Quy tắc điều hành luân phiên lượt lời;

- Quy tắc điều hành nội dung;

- Quy tắc chi phối quan hệ liên cá nhân - phép lịch sự...

Những hoạt động dân ca Tày gắn bó mật thiết với sinh hoạt của cộng đồng người Tày (sinh hoạt lao động, sinh hoạt nghi lễ - phong tục, sinh hoạt gia đình và xã hội), với những mục đích giao tiếp cụ thể, phần lớn có hình thức hội thoại (hay đối thoại) và theo các nguyên tắc của lí thuyết giao tiếp trong lựa chọn và chiến lược sử dụng các phương tiện ngôn ngữ.

2/ Lí thuyết hội thoại:

Như đã nói ở trên, dân ca Tày là hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ ở dạng lời ca trong hội thoại. Hội thoại là hoạt động cơ bản của ngôn ngữ bằng lời trong giao tiếp xã hội. Trong hội thoại, luôn luôn có sự hồi đáp giữa người nói và người nghe, chẳng những người nói và người nghe tác động lẫn nhau bằng lời nói mà lời nói của từng người cũng tác động lẫn nhau. Vì thế ý thức, bản chất, hành vi, tinh thần… của mỗi con người đều được in đậm trong các cuộc hội thoại. Trong sự vận động hội thoại, các khái niệm thường được nhắc đến: trao lời (allocuton), trao đáp (eschange) và nhân vật tương tác (interactant).

Để hội thoại diễn ra một cách bình thường và đạt được kết quả một cách rõ ràng, tường minh, các nhân vật giao tiếp phải tuân thủ các quy tắc hội thoại sau:

- Quy tắc điều hành luân phiên lượt lời:

Khi tham gia hội thoại, các đối ngôn phải ý thức rõ ràng về các vai trò nói và nghe của nhau. A đóng vai trò nói thì B sẽ đóng vai trò nghe. Đến khi nhận ra dấu hiệu hết vai của A, thì B sẽ tiếp nhận vai trò của A để tiến trình hội thoại không bị gián đoạn. Các lượt lời nói có thể được một người điều chỉnh hoặc do các đối ngôn tự thương lượng ngầm với nhau.

- Quy tắc điều hành nội dung của hội thoại:

Rõ ràng là một cuộc thoại không phải là sự lắp ghép ngẫu nhiên tùy tiện các phát ngôn, các hành vi ngôn ngữ. Bởi vậy, một cuộc hội thoại còn cần đến những quy tắc điều hành nội dung của nó, đúng hơn là điều hành quan hệ giữa nội dung các lượt lời tạo nên cuộc hội thoại đó. Nguyên tắc này không chỉ chi phối các diễn ngôn đơn thoại mà còn chi phối cả những lời tạo thành một cuộc thoại; không chỉ thể hiện bên trong một phát ngôn mà còn thể hiện giữa các phát ngôn, giữa các hành động ở lời, giữa các đơn vị hội thoại…

Trong những bài giảng của mình ở đại học Havard năm 1967, H.P.Grice đã dựa vào quy luật trong hội thoại mà đề ra nguyên tắc cộng tác hội thoại và phương châm

hội thoại. Nội dung tổng quát của nguyên tắc cộng tác hội thoại được Grice đề xuất

là: "Hãy làm cho phần đóng góp của anh, chị vào cuộc hội thoại đúng như nó được đòi hỏi ở giai đoạn mà nó xuất hiện phù hợp với đích hay phương hướng của cuộc hội thoại mà anh, chị đã chấp nhận tham gia vào" [24, tr. 229].

- Quy tắc chi phối quan hệ liên cá nhân - phép lịch sự:

Để hội thoại thành công, những người tham gia hội thoại phải chú ý đảm bảo quy tắc lịch sự. Lịch sự là hiện tượng có tính phổ quát đối với mọi xã hội và trong mọi lĩnh vực. Phép lịch sự là hệ thống những phương thức mà người nói đưa vào hoạt động nhằm điều hòa và gia tăng giá trị của đối tác với mình.

Quy tắc lịch sự được cụ thể hóa thành hai bình diện: lịch sự quy ước và lịch sự chiến lược. Nguyên tắc lịch sự liên quan trực tiếp đến thể diện của những người tham gia hội thoại. Có hai loại thể diện: dương tính và âm tính, được phân biệt dựa vào bản chất của thể diện. Thể diện dương tính là sự cần được người khác thừa nhận, thường là quý mến, được đối xử như một thành viên trong nhóm xã hội. Thể diện âm tính là sự cần được độc lập, có tự do trong hành động, không bị áp đặt bởi người khác.

Việc sử dụng các biểu thức ngôn ngữ nào để đảm bảo lịch sự cần căn cứ vào tình huống giao tiếp cụ thể, nhất là quan hệ liên cá nhân. Chẳng hạn, với những người có quan hệ xa lạ, việc sử dụng các biểu thức ngôn hành gián tiếp và biểu thức ngôn ngữ rào đón có thể đem lại hiệu quả về tính lịch sự nhưng đối với những người có quan hệ liên cá nhân thân mật, thì việc sử dụng các biểu thức ngôn ngữ tương tự có thể bị coi là khách sáo và hiệu quả về tính lịch sự không cao.

Cấu trúc hội thoại:

Hội thoại được xem là một tổ chức có tôn ti, nên cũng có các đơn vị cấu trúc từ lớn đến tối thiểu. Lớn nhất trong cấu trúc hội thoại là cuộc thoại và nhỏ nhất là hành vi ngôn ngữ. Hội thoại là một hoạt động được cấu trúc hóa cao.

Trong cuốn Đại cương ngôn ngữ học, tập hai, Ngữ dụng học (2007), tác giả Đỗ Hữu Châu đã phân tích ba vận động hội thoại là: trao lời, trao đáp và tương tác. Theo ông, có các nhân tố sau giúp xác định vị trí chuyển tiếp giữa hai lượt lời quan yếu (Transition Relevance Place, viết tắt là TRP), đó là: kiểu hội thoại; cấu trúc của hội thoại; cấu trúc của lượt lời; cấu trúc ngữ pháp. Ông viết: “b) Cấu trúc của hội thoại: Đây là nói đến cấu trúc, đến quan hệ giữa các lượt lời đối với nhau chủ yếu là các cặp kế cận trong một diễn ngôn…” [24, tr. 216].

Trong tiếng Việt và trong phân tích các tác phẩm văn nghệ, thuật ngữ cấu trúc

thường được dùng đồng nhất với kết cấu (chúng cùng được dùng để chỉ “quan hệ bên trong” của các yếu tố hay bộ phận riêng rẽ, được liên kết theo một hệ thống để thể hiện nội dung). Sau đây, luận án xin sử dụng thuật ngữ cấu trúc khi nói đến quan hệ giữa các cặp kế cận trong các loại văn bản dân ca, chủ yếu là các đoạn và các lượt lời.

Các đơn vị trong phân tích hội thoại:

a. Cuộc thoại

Cuộc thoại được hiểu là cuộc tương tác bằng lời, là đơn vị hội thoại lớn nhất, tính từ khi khởi đầu nói và nghe cho đến lúc chấm dứt quá trình nói năng này.

Thông thường người ta nhận thấy được các dấu hiệu định ranh giới cuộc thoại như: dấu hiệu mở đầu (chào hỏi), dấu hiệu kết thúc (những câu hỏi: còn gì nữa không nhỉ, thế nhé…). Nhưng dù vậy, những dấu hiệu như thế vẫn không thể xem là bắt buộc, đặc biệt trong những cuộc thoại với người thân quen. Một cuộc thoại có thể chỉ có một chủ đề hoặc nhiều chủ đề. Mỗi chủ đề lại có thể có một số vấn đề nhỏ (hay tiểu chủ đề).

b. Đoạn thoại

Đoạn thoại là một phần của cuộc thoại bao gồm các diễn ngôn có sự liên kết chặt chẽ với nhau về ngữ nghĩa (thống nhất chủ đề) và về ngữ dụng (thống nhất về đích). Xét về chức năng của các đoạn thoại trong cuộc thoại, có thể phân chia các đoạn thoại trong cuộc thoại thành đoạn mở thoại, đoạn thân thoại, đoạn kết thoại.

Đoạn mở thoại và kết thoại có cấu trúc tương đối đơn giản và ổn định, dễ nhận ra hơn đoạn thân thoại; đoạn thân thoại thường có dung lượng lớn hơn và cấu trúc phức tạp hơn. Mặt khác, tổ chức của đoạn thoại mở đầu và kết thúc phần lớn được nghi thức hóa và lệ thuộc rất nhiều vào yếu tố như: các kiểu cuộc thoại, hoàn cảnh giao tiếp, sự hiểu biết về nhau của những người nói…

c. Cặp thoại

Cặp thoại là đơn vị cơ sở của hội thoại. Cặp thoại được tạo nên từ các tham thoại.

Xét về cấu trúc, có các loại cặp thoại: cặp thoại một tham thoại, cặp thoại hai tham thoại, cặp thoại phức tạp.

Xét về tính chất, có các loại cặp thoại: cặp thoại chủ hướng và cặp thoại phụ thuộc, cặp thoại tích cực và cặp thoại tiêu cực.

d. Tham thoại

Tham thoại được cấu tạo nên từ các hành động ngôn ngữ. Nó được coi là phần đóng góp của từng nhân vật hội thoại vào một cặp thoại nhất định.

Xem tất cả 271 trang.

Ngày đăng: 21/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí