Đặc điểm du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX - 16

người Chăm, thông qua đó để kể về sự tích vị nữ thần được thờ cúng ở đây qua câu chuyện của người Việt và người Chăm, luận về văn hóa tín ngưỡng và văn hóa phong tục để phê phán các hoạt động phản văn hóa của những người dân cuồng tín. Kết cấu của tác phẩm Thiên Y A Na là kiểu kết cấu bắt đầu bằng lối miêu tả mang tính trực quan, qua đó tác giả đã dẫn người đọc đến những nơi xa hơn, về nơi cổ tích, huyền thoại, rồi lại bàn luận về vấn đề nữ quyền đang đặt ra trong xã hội trước những hiện thực trần trụi về việc kiếm sống của người phụ nữ nơi thờ cúng thần linh.

Kết cấu trực quan trong những tác phẩm du kí viết về đề tài danh lam – thắng cảnh là sự bố trí cảnh vật được lựa chọn trong lộ trình mà thông qua đó, tác giả bộc lộ cảm xúc, tình cảm hay suy tưởng về thời cuộc, về cuộc sống.

Trong tác phẩm Cuộc chơi trăng trên sông Nhuệ của Nguyễn Mạnh Hồng, hình ảnh trực quan xuất hiện đầu tiên không phải là sông mà là trăng, thông qua hình ảnh này tác giả luận về trăng, vịnh về trăng, sau đó đưa ra tình huống “bỗng nghe thấy hồi chuông rền rĩ kêu gầm” để tác giả luận về Phật giáo và kiếp người. Nhưng cũng Cuộc chơi trăng sông Nhuệ, Mai Khê lại bắt đầu bài du kí của mình bằng hình ảnh sông để luận về đặc điểm sông Nhuệ, nói về cuộc sống ven sông, sau đó nói đến cái thú ngồi thuyền uống rượu làm thơ trên sông của người xưa, và khép lại là cái cảm xúc, suy ngẫm như là biểu lộ ý đồ kết cấu tác phẩm của tác giả:

Chao ôi! Sông cũng chưa cạn, trăng bao giờ già, chơi sông là một cuộc phong lưu, mà thưởng nguyệt cũng nhiều phen mãnh lãng, một cái tư cách người văn khách, phận sự bậc sĩ phu thế nào cho tư ích đến tính tình, thế nào khỏi hư độ mất tuế nguyệt.” (Nam Phong, số 101, tr. 448).

Qua tìm hiểu kết cấu trực quan trong tác phẩm du kí Việt Nam giai đoạn này chúng tôi nhận thấy: viết du kí không phải để mô tả, tường thuật lại cảnh vật, sự việc hay con người do tác giả chứng kiến mà chỉ mượn những hình ảnh mang tính trực quan đó để nói lên những suy nghĩ, bộc lộ tình cảm, cảm xúc của mình về đất nước và con người nơi mình đến.

4.2.3. Kết cấu nhật trình – sự kiện

Kết cấu nhật trình trong tác phẩm du kí Việt Nam đã có từ giai đoạn trước đó như: Tây hành kiến văn kỉ lược của Lý Văn Phức, Như Tây sứ trình nhật kí của Phạm Phú Thứ, Như Tây kí của Ngụy Khắc Đản, Tây phù nhật kí của Tôn Thọ Tường ... Kết

cấu nhật trình trong tác phẩm du kí giai đoạn này đã vượt qua kiểu ghi chép nhật kí lộ trình của du kí giai đoạn trước đó để tạo ra một kiểu cấu trúc mang tính nghệ thuật. Kiểu cấu trúc này cũng sắp xếp các câu chuyện theo thời gian tuyến tính, nhưng là thời gian đã được lựa chọn để tương ứng với câu chuyện được kể trong ngày.

Kết cấu nhật trình trong du kí cũng hết sức đa dạng. Bên cạnh những tác phẩm dùng hình thức nhật kí để tường thuật các sự kiện diễn ra trong ngày còn có một số tác phẩm sử dụng hình thức ghi nhật trình để thể hiện ý đồ nghệ thuật. Tác phẩm Trên đường Nam Pháp của Trọng Toàn đã phối hợp hình thức nhật trình với hình thức “trích lục” các bức thư để kể câu chuyện hành trình theo kiểu lược thuật. Tác phẩm Lược kí đi đường bộ từ Hà Nội vào Sài Gòn của Mẫu Sơn Mục N.X.H đã ghi lại sự kiện bắt đầu thời gian trong ngày tại địa điểm xuất phát để kể lại câu chuyện hành trình. Còn tác phẩm Các nơi cổ tích đất Nghệ Tĩnh của Nguyễn Đức Tánh kết cấu theo cấu trúc thời gian – địa điểm, mỗi ngày một câu chuyện du lịch khép kín …

Cùng một chủ thể hành trình và cùng địa điểm, nhưng thời gian trần thuật khác nhau thì có kết cấu tác phẩm khác nhau. Chẳng hạn, sau chuyến công du sang Pháp, Phạm Quỳnh cho ra mắt bạn đọc hai tác phẩm du kí. Câu chuyện du lịch trong tác phẩm Pháp du hành trình nhật kí được kể theo lối kí hành, nhưng câu chuyện trong Thuật chuyện du lịch ở Paris được kể theo lối tự thuật nên không có cấu trúc thời gian – địa điểm như Pháp du hành trình nhật kí. Kết cấu tác phẩm du kí phụ thuộc rất nhiều vào điểm nhìn trần thuật. Kết cấu nhật trình trong tác phẩm du kí là cách tổ chức các sự kiện xuất hiện ở thì hiện tại để làm nổi bật vai trò, vị thế, tính cách của nhân vật.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 213 trang tài liệu này.

Kết cấu nhật trình - sự kiện còn thấy trong những tác phẩm du kí có mang nhiều yếu tố truyện. Không phải bất cứ một cuộc hành trình nào cũng để nhìn, ngắm, thưởng thức, suy ngẫm, cảm xúc trước cảnh vật mà còn có những cuộc hành trình khám phá cuộc sống, nhận thức xã hội. Bức tranh xã hội trong du kí không phải quen thuộc như trong tiểu thuyết mà phải là không gian nơi xứ lạ, có cuộc sống khác lạ hoặc ít nhất là thông tin tác giả mang đến phá vỡ phán đoán và thói quen trong suy nghĩ của mọi người. Những sự kiện nói đến trong du kí thường mang tính thời đại và thời sự. Chẳng hạn vấn đề học sinh An Nam ở bên Pháp được nói đến trong các tác phẩm của Phạm Quỳnh, Phạm Vân Anh, Tùng Hương, vấn đề văn hóa và cuộc sống các dân tộc thiểu số được nói đến trong các tác phẩm du kí của Mãn Khánh Dương Kỵ, Thi Nham, Nhật Nam, Trần Huy Bá (đăng trên Tri Tân), Thái Hữu Thành (đăng trên Nam Kỳ), … Nhưng nhìn

chung, chỉ có những tác phẩm có dung lượng lớn mới có kết cấu theo sự kiện với hình thức bên ngoài theo kiểu truyện khung (frame narrative) mang nội dung về cuộc hành trình, bên trong chứa từng câu chuyện về những sự kiện xảy ra trên lộ trình của cuộc hành trình. Kiểu kết cấu này trong du kí Việt Nam gần giống với du kí thế giới, thay vì kiểu kết cấu mang cấu trúc chương đoạn thì trong du kí Việt Nam được thay bằng cấu trúc có hình thức mục đề.

Đặc điểm du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX - 16

Trong Mười tháng ở Pháp của Phạm Vân Anh, các sự kiện được kể bằng các câu chuyện theo mục đề như: “Để chưn vào đất tổ tự do và cách mạng”, “Đại quan về thành phố Paris”, “Dự một cuộc mết tinh của học sinh An Nam”, “Tình cảnh học sinh ta ở Pháp theo con mắt tôi thấy”, “Hội những người cự rượu”, “Hội cự những nhà ở cựu tệ”,… mới nhìn qua có vẻ rời rạc, nhưng thực chất đó là cách thể hiện nhân vật hành trình: đi đến nhiều nơi, quan tâm đến nhiều vấn đề của cuộc sống.

Sự kiện trong tác phẩm du kí phải xuất hiện lần lượt theo bước chân nhân vật hành trình. Sự kiện trong Hạn mạn du kí của Nguyễn Bá Trác là các địa danh nơi tác giả đặt chân đến, mỗi địa danh là câu chuyện kể về sự khám phá xã hội, đất nước, con người ở đó. Sự kiện trong Đi Tây của Lãng Du (Nhất Linh) và Tôi thầu khoán hay: Ba tháng ở Trung Hoa của Lê Văn Trương là diễn biến của hoàn cảnh tác động đến nhân vật, tức là những gì tác giả phải vượt qua. Trong Đi Tây, các câu chuyện kể lại về việc làm sao để được sang Pháp, khi sang được thì làm sao để gặp được đồng bào mình bên đó, khi gặp được rồi thì làm sao được ở lại bên Pháp một cách hợp pháp, khi đã ở được rồi thì làm sao trở về. Các sự kiện có ý nghĩa tạo ra những thử thách mà tác giả phải luôn tìm cách đối phó, tìm cách vượt qua. Còn sự kiện trong Tôi thầu khoán hay: Ba tháng ở Trung Hoa được tổ chức để làm nổi bật hình tượng nhân vật nên bắt đầu với các câu chuyện hành trình: “Tráng sĩ nhất khứ”, “Những nỗi dọc đường”, sau đó là đi vào nội dung chính của câu chuyện mà tác giả đặt nhan đề: “Mó tay vào việc”. Mở đầu câu chuyện này kể là lời tâm sự “Sự chơi bời triền miên trên đất Hà Nội cuốn hút hết cả thì giờ, khiến tôi không lúc nào rảnh để bắt đầu một tác phẩm lớn mà cốt truyện tôi đã nghĩ từ lâu” (tr.315). Tiếp sau đó là kể về công việc thầu khoán và những gì tác giả phải chứng kiến hay trải qua trên đất Trung Hoa trong ba tháng trời. Đến cuối tác phẩm, tác giả lại trăn trở “Đến cái tuổi ấy mà tôi chưa lập được một sự nghiệp văn chương, chưa viết được một tác phẩm giá trị thì là cái tôi không có, chết đi cũng chẳng cần ân hận gì nữa” (tr.441). Cách bố trí các sự kiện, dẫn dắt các tình tiết, để rồi cuối cùng cũng để lộ

ra cái ý đồ nghệ thuật của tác giả:

“Sự kinh doanh đối với người khác chỉ là một việc kiếm tiền, nhưng với tôi, ngoài vấn đề kiếm tiền, nó còn là một thí nghiệm sự sống để thử thách bản ngã, và một dịp để lăm mình vào tầng sâu của cuộc đời.”

(Đi Tàu – Đi Tây, tr.446)

Lối kết cấu nhật trình - sự kiện trong du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX rất linh hoạt, nhất là những tác phẩm có cuộc hành trình dài ngày nhưng tác giả muốn kéo ngắn dung lượng của tác phẩm. Trên đường Nam Pháp của Trọng Toàn được trích ghép những bức thư gửi về gia đình của một người tên là Tùng Hưng trên hành trình sang Pháp du học. Trong tác phẩm Một đoạn nhật kí, Lê Thị Ẩn chọn cách thể hiện là trích một đoạn nhật kí ghi lại hành trình từ Sài Gòn đi San - Francisco để vừa nói về cuộc hành trình vừa nói lên khoảnh khắc được chứng kiến cảnh chiến tranh thế giới lần thứ hai. Phạm Huy Thông viết du kí nhưng muốn tác phẩm của mình chỉ trong vài trang, nên trong Vài trang du kí từ Hà Nội đi Toulouse, đã chọn kiểu kết cấu này để thể hiện cảm giác đi tàu thủy sang Pháp của mình: lúc thì êm ái, nhẹ nhàng tưởng như tàu đang đứng yên, lúc thì tàu vật vả trước những cơn sóng lớn. Với sự phong phú và nhiều sáng tạo như vậy, kết cấu nhật trình - sự kiện trong du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX đã làm cho nhiều người ngộ ra được về tính linh hoạt của thể loại này.

Kết cấu theo sự kiện trong du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX chi phối bởi nhân vật và điểm nhìn trần thuật. Việc tạo ra và dẫn dắt các sự kiện trong tác phẩm đã đưa du kí gần hơn với các thể loại văn xuôi hiện đại nhưng vẫn giữ được đặc trưng riêng của thể loại du kí và đây cũng là kiểu kết cấu thường gặp trong du kí đương đại Việt Nam.

4.2.4. Kết cấu tự sự - trữ tình

Tiền thân của du kí Việt Nam vốn tồn tại dưới hình thức của một số thể loại mang tính trữ tình. Khi du kí văn xuôi xuất hiện khá phổ biến ở thế kỉ XIX thì du kí bằng thơ vẫn được sáng tác. Đó là trường hợp Chư quấc thại hội (1889) của Trương Minh Ký, Hương Sơn nhật trình (1900) của Chu Mạnh Trinh viết bằng thơ lục bát trường thiên. Đến “giai đoạn Nam Phong”, khi du kí Việt Nam phát triển mạnh mẽ thì du kí viết bằng thơ vẫn còn. Đó là các tác phẩm: Vịnh cảnh chơi chùa Hương Tích của Nghĩa viên Nguyễn Văn Đào viết bằng thơ lục bát; Bài kí chơi núi Ngự Bình của Song Cử Hoàng Yến viết bằng thơ song thất lục bát, Cuộc du quan làng Bản Mún của Ph.T.L và Ph.T.T

Đi Tây của Khải Định đều là chùm thơ thất ngôn tứ tuyệt. Có thể khẳng định, tính truyền thống của du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX là phương thức trữ tình kết hợp với các phương thức tự sự.

Trong Nam Phong có tất cả 72 tác phẩm du kí thì đã có 50 tác phẩm có những bài thơ đan xen hoặc bằng thơ. Có những tác phẩm du kí chỉ một vài bài, thậm chí một vài câu thơ, nhưng ở nhiều tác phẩm khác, thơ như là một yếu tố đan xen, thậm chí có tác phẩm du kí có đến 22 bài thơ, cả thơ lục bát và thơ Đường luật như Ai Lao hành trình của Trần Văn Huyến.

Thơ xuất hiện trong tác phẩm du kí vào các giai đoạn khác nhau của cuộc hành trình. Bài thơ xuất hiện đầu tác phẩm để nói cảm xúc khi bắt đầu lên đường. Có những bài thơ xuất hiện khi đến một địa điểm nào đó là để gợi nhớ người nhớ về nơi đã từng qua. Phần nhiều bài thơ xuất hiện trong thời điểm tác giả đang nhìn ngắm cảnh vật. Có những bài thơ để kể lại một chặng hành trình nào đó, hoặc tả cảnh đi đường. Trước sự vật như di tích, danh lam, thắng cảnh thường xuất hiện những bài thơ mang nội dung suy nghiệm hay cảm xúc suy tư của tác giả về nơi ấy. Có những bài thơ giống như dạng ghi địa chí. Có những bài thơ trích ra từ một bài thơ nào đó giống như điển tích bằng thơ. Có nhiều bài thơ hồi tưởng lại một thời đã qua. Có những bài thơ ghi lại cảm nghĩ sau cuộc hành trình. Có nhiều bài thơ nói về đề tài thế sự. Có dạng thơ đối đáp giống như để đối đáp trữ tình hay đối thoại bằng thơ… Thơ trong du kí Việt Nam đầu thế kỉ đa dạng như thế, cũng có nghĩa là cảm hứng trữ tình trong du kí cũng chiếm một vị trí quan trọng. Còn 22 bài du kí khác trên Nam Phong không chứa thơ thì trong đó có 7 bài du kí viết dưới dạng tản văn, đăng ở mục “Văn uyển” của Nam Phong như: Bài kí chơi Cổ Loa của Nguyễn Đôn Phục, Bài kí chơi núi Phật Tích của Nguyễn Hữu Tiến, Bài kí chơi núi Cổ tích của Dương Mạnh Huy, Đêm tháng sáu chơi hồ Hoàn gươm của Hội Nhân, … Những tác phẩm du kí của Phạm Quỳnh rất ít thơ hoặc không có thơ nhưng không phải là không có yếu tố trữ tình.

Yếu tố trữ tình trong du kí là cơ sở hình thành kiểu kết cấu trữ tình, ở đó xuất hiện cấu trúc đan xen giữa tự sự và trữ tình hoặc thông qua các phương thức tự sự để làm xuất hiện nhân vật trữ tình trong tác phẩm. Về mặt hình thức, yếu tố trữ tình trong du kí thường là những bài thơ, đoạn thơ, cũng có khi một vài câu thơ. Thi hứng trong du kí cũng xuất phát từ cảm xúc, suy tư của tác giả trước hiện tượng của đời sống, mà những hiện tượng này tác giả gặp trên lộ trình của cuộc hành trình mà thành. Thơ trong du kí

Việt Nam phần nhiều để bày tỏ cảm xúc của tác giả trước cảnh vật hay nơi lưu dấu người xưa. Cấu trúc tự sự - trữ tình trong bài du kí thường bắt đầu là đoạn văn tả cảnh để làm xuất hiện bài thơ đi liền sau. Vì vậy, thơ trong du kí có thể được xem như là một kiểu trần thuật nên nó cũng hết sức đa dạng. Trong tác phẩm Bài kí phong thổ tỉnh Tuyên Quang, Nguyễn Văn Bân đã dùng thơ để tả cảnh:

“Thường nhân tết Trùng cửu, rủ anh em đi chơi chùa, có được bài thơ phụ lục để ghi thắng tích:

Coi thử chùa hang cảnh mới xinh, Sông trong leo lẻo núi xanh xanh. (…)

Hái hoa rót rượu mừng thu tiết,

Ngồi trước thuyền quan nghỉ cũng thanh.”

(Nam Phong, số 32, tr. 145)

Có nhiều trường hợp, bài thơ là sự trích dẫn để nói về về một sử tích:

“Ông Nguyễn Trãi triều Lê có đề bài thơ rằng:

An Sơn sơn thượng tối cao phong, Tài ngũ canh thơ nhật chính hồng…”

("Hành trình chơi núi An Tử", Nam Phong, số 106, tr. 446) Cũng có khi bài thơ chỉ là đối tượng hiện thực mà tác giả quan sát được:

“Lên trên một tí nữa đã có nhà quản khách; chỗ này có tòa nhà gạch làm theo lối mới, để chỗ nghỉ chân; trong nhà nào tao ông, dật sĩ, mặc khách, thi nhân đề vịnh không bao nhiêu mà kể. Kí giả không sao kí ức được tường tận, duy chỉ có bài này còn nhớ phảng phất, vậy chép ra để chư quân nhàn lãm:

Tượng phục, lân què, tượng cũng đi, Sài Sơn phong cảnh vẫn thanh kì. (…)

Non kia sao mãi không già nhỉ, Trải tự hồng mông biết mấy thì.”

("Bài kí chơi chùa Thầy", Nam Phong, số 48, tr. 515)

Nhưng phần nhiều thơ trong du kí biểu thị cảm xúc, tình cảm của tác giả trước đối tượng mà mình lần đầu tiên quan sát được:

“Đến ngày 27 là ngày phiên chợ Thất Khê, tôi với ông Đốc cùng ra chơi chợ, xem người

Thổ người Nùng buôn bán, tôi nhân ngâm một luật rằng: Chợ này buôn bán khác trung châu, Thuần thức sơn hào ở thượng du;

Người Thổ líu lô chào khách bán,

Mán Mường líu nhíu đón người mua;…”

("Mấy ngày chơi Thất Khê", Nam Phong, số 122, tr. 387)

Thơ trong du kí còn được sử dụng như là một kiểu đối thoại bằng hình thức xướng

– họa, không chỉ giữa người với người mà còn giữa con người với cảnh vật.

Kết cấu trữ tình thường đặt tác giả - nhân vật hành trình trước cảnh vật, sự việc để bộc lộ cảm xúc mà thường bắt đầu bằng các thán từ “ôi!”, “làm sao!”, “vậy thay!”,

… hoặc các câu văn biểu cảm “… trong một khoảnh khắc mà ra vào giong ruổi hai cái thế giới, thưởng thức liền hai cái phong vị văn minh mới cũ, ôi! Há không khoái chí lắm dư?” ("Nam du đến Ngũ Hành Sơn", Nam Phong, số 184, tr.442). Trong nhiều tác phẩm viết về các cuộc tham quan danh lam thắng cảnh, tác giả thường xen vào những đoạn văn biểu cảm. Chẳng hạn như đoạn văn sau trong Thăm đảo Phú Quốc của Đông Hồ.

“Đêm nay chợt trông cành dương bên mạn rừng, mà hồi nhớ đến một đêm nay ba năm trước trông trăng lên trên Hồ Đông, mà bồi hồi nhớ chuyện năm xưa cùng ai vui thú. Nay quê người đất khách, nhưng mà trăng quen tình cũ, lại cái vẻ đẹp của bóng trăng tha thướt trên cành dương cũng chẳng kém cái vẻ đẹp của bóng trăng long lanh trên mặt nước Hồ Đông. Bất giác xúc động, dẫu không biết đàn cũng khảy, dẫu không biết nhịp cũng ca.”

(Nam Phong, số 124, tr. 533)

Kết cấu trữ tình có thể dùng để lược bỏ một số lộ trình trong cấu trúc tác phẩm. Trong du kí thường lược bỏ lộ trình trở về, nhưng cũng có trường hợp lược bỏ lộ trình xuất phát. Đinh Gia Trinh trong một chuyến đi theo đoàn thanh niên Hà Nội vào dự Hội thể thao ở Phan Thiết, ông không kể chuyện hành trình vì công việc mà ghi lại cảm nhận của mình về cảnh vật nơi đây qua tác phẩm Kỉ niệm Phan Thiết. Kết cấu của tác phẩm có hai phần: phần đầu nói về những địa danh, cảnh vật mà tác giả trải nghiệm bằng cảm xúc, phần sau là dòng cảm xúc đầy lưu luyến trong hành trình trở về Hà Nội.

“Rồi đêm ấy trên bãi biển Nha Trang yên tĩnh, rồi những vũng bể đẹp ở Cap Varella, thuyền trắng trên nước xanh mầu da giời dưới chân núi xanh mầu lá cây, rồi mây trên đèo Hải Vân, sóng xô rào rào vào những mòm đá xám và nâu (…).

Rồi Huế thi vị đơn sơ và cổ kính (…). Rồi này những phong cảnh quen thuộc của Bắc

Kỳ: Ninh Bình, Nam Định (…). Tôi lại hít không khí cũ. Tôi đã trở về quê hương. Giời vẫn mây của Hà Nội, những bức tường cũ, những hạt mưa lác đác rơi.”

(Thanh Nghị. số 17, tr. 31)

Tính linh hoạt trong kết cấu cho thấy du kí là một thể loại có khả năng phát huy mọi khả năng sáng tạo của mọi người khi viết về cuộc hành trình của mình. Đó cũng chính là đặc trưng phong cách văn bản của du kí.

4.3. Điểm nhìn trần thuật

Đối với du kí, nhân vật có khả năng chi phối cả về nội dung và hình thức tác phẩm. Với tư cách kép: nhân vật và chủ thể (đồng nhất với tác giả) trong tác phẩm du kí đã tạo ra những điểm nhìn đối với hiện thực vượt ra ngoài sự ghi chép thông thường để khách thể trở thành đối tượng nghệ thuật. Nhân vật trong tác phẩm du kí là một hiện tượng đa chức năng: nhân vật du khách, nhân vật chính, nhân vật trữ tình, chủ thể sáng tạo, nhân vật phát ngôn xã hội, …

Điểm nhìn trong du kí không phải đơn giản là tác giả đứng ở vị trí nào để quan sát và miêu tả mà theo Bakhtin là “cái lập trường mà xuất phát từ đó câu chuyện được kể, hình tượng được miêu tả hay sự việc được thông báo” [3, tr.23]. Nếu chỉ hiểu đơn giản, du kí là câu chuyện kể lại trên đường trong cuộc hành trình thì vấn đề câu chuyện được kể lại như thế nào? Ai kể và kể lại có mục đích gì? Đặt ra hai trường hợp, câu chuyện được kể lại trong tác phẩm du kí là có chủ ý và không có chủ ý thì căn cứ vào đâu để xác định câu chuyện hành trình được kể lại có hay không có chủ ý? Nếu quan niệm du kí chỉ là sự ghi chép và nghiên cứu du kí bằng việc đi tìm hiểu đối tượng mà tác giả phản ánh bằng phương thức “ghi chép” như lâu nay người ta thường làm để tìm kiếm hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thì điểm nhìn trần thuật trong du kí là điểm nhìn “vô ý”, tác giả là chủ thể chứ không phải là khách thể, tức là không phải nhân vật, vì thế phải luôn đứng ngoài sự kiện. Trong du kí Việt Nam, tác giả không hoàn toàn toàn đứng ngoài sự kiện mà luôn theo sát sự kiện, tạo ra các sự kiện hoặc làm xuất hiện các sự kiện bên cạnh các sự kiện diễn ra một cách khách quan. Trong cuộc hành trình, tác giả không chỉ là nhân vật bình thường mà là nhân vật trung tâm, nhân vật – người kể chuyện. Dù cuộc hành trình đó là đi chơi núi, chơi biển, vãn cảnh chùa, thăm di tích hay đi chơi phiếm thì tác giả trong du kí Việt Nam không đứng ra ngoài nhân vật, tức là cảnh vật, con người, sự kiện trong tác phẩm du kí được tái hiện thông qua chủ thể, là phương tiện bộc lộ tư tưởng và khát vọng của tác giả. Điểm nhìn không có chủ ý trong du kí

Xem tất cả 213 trang.

Ngày đăng: 20/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí