Xu Hướng Biến Đổi Bên Trong Cộng Đồng Người Mông Theo Công Giáo

133


Thêm nữa, thay vì chú trọng hướng đến “cuộc sống ở thế giới bên kia” (trên Thiên đàng), Giáo hội Công giáo Việt Nam gần đây có nhiều nội dung quan tâm đến những vấn đề của cuộc sống thực tại như: bình đẳng nam nữ, bênh vực người nghèo và yếu thế, chống đói nghèo và bệnh tật, đẩy mạnh từ thiện bác ái,v.v… Hiện nay, giáo hội đang tập trung vào việc giúp đỡ giới trẻ học tập, hướng nghiệp, hôn nhân, gia đình, tạo sân chơi thể thao, văn nghệ phù hợp với từng giới và lứa tuổi nhằm củng cố đức tin và phát triển đạo.

Lào Cai, những năm gần đây, Công giáo tăng cường thăm hỏi những gia đình tín đồ khó khăn, động viên và giúp đỡ những hộ nghèo, khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí, quan tâm đến giáo dục vùng cao, tạo điều kiện nơi ăn ở cho các em học sinh Công giáo đi học trung học phổ thông. Ngoài ra, Công giáo còn tổ chức dạy chữ Mông La tinh cho giáo dân, ủng hộ kinh phí và vật liệu cho tín đồ làm nhà, kéo đường điện vào hộ gia đình, phát quà cho người nghèo, ủng hộ những gia đình bị thiên tai,v.v. Những lợi ích thiết thực về vật chất và tinh thần là điều dễ thuyết phục họ hơn là những thứ xa xôi trừu tượng. Nắm được tâm lý ấy, giáo hội Công giáo quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống đời thường của giáo dân người Mông, chăm lo đến những vấn đề thiết thân, thường nhật của cuộc sống. Những việc làm đó, sẽ thu hút được tín đồ gia nhập Công giáo.

Công giáo hiện nay cũng đang từng bước “Mông hóa” các nghi lễ sinh hoạt đạo. Giáo hội quan tâm nghiên cứu phong tục tập quán của người dân ở địa bàn truyền giáo. Đối với vùng người Mông, để Công giáo du nhập vào cộng đồng, các thừa sai đã dày công khảo cứu văn hóa, ngôn ngữ tộc người; đưa truyền thuyết của người Mông gần với điển tích Công giáo; đồng hóa Chúa Trời với những nhân vật huyền thoại của người Mông, dùng người Mông để trợ giúp việc giảng đạo. Đó là kinh nghiệm mà các nhà truyền giáo hôm nay vẫn kế thừa và tiếp tục vận dụng.

Một yếu tố mang tính hội nhập được thể hiện ở việc đến nay, các linh mục đều có ý thức học tiếng Mông để giảng đạo và giao tiếp với đồng bào, thực hiện theo tinh thần Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1992: “làm sao cho sắc thái văn hóa được diễn trong lời kinh, tiếng hát, trong cử hành mục vụ, cũng như trong suy tư ngôn ngữ thần học”.

Linh mục trực tiếp đến với những bản làng người Mông xa xôi để hành lễ, thay vì yêu cầu giáo dân đến nhà thờ như trước kia. Các buổi lễ chủ nhật thường

134


được tổ chức theo ca (gọi là lễ ca). Theo đó, linh mục làm lễ sớm hơn (từ 6-7 giờ sáng) cho điểm trung tâm, còn ở các giáo điểm xa làm lễ vào 8-9 giờ sáng. Có nơi làm lễ vào 14 giờ. Điều đó cho thấy, giáo hội đã chủ động, tích cực theo phương châm “chủ chăn đi tìm con chiên”. Địa điểm sinh hoạt cũng linh hoạt và đơn giản hóa, có thể mượn nhà của giáo dân (tất nhiên được cải tạo và bài trí gần như nhà nguyện) để cử hành thánh lễ. Việc này không chỉ diễn ra ở vùng Công giáo người Mông ở Lào Cai mà còn ở những nơi khác như Yên Bái, Điện Biên, Sơn La cũng thấy tương tự.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 229 trang tài liệu này.

Về phía tín đồ, họ đọc Kinh thánh, cầu nguyện và hát thánh ca chủ yếu bằng tiếng Mông; xưng hô với chức sắc bằng ngôn từ thân mật, tổ chức các lễ hội Công giáo mang nét đặc thù của người Mông; nhà nguyện được xây dựng giống như nhà ở của đồng bào; một số phong tục truyền thống của đồng bào được giáo hội chấp nhận,v.v... Tất cả những việc làm trên là sự hội nhập để Công giáo không xa lạ với người Mông nhằm phát triển tín đồ, mở rộng địa bàn.

4.2.2.3. Xu hướng biến đổi bên trong cộng đồng người Mông theo Công giáo

Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai - 18

Bất kỳ tôn giáo nào, trong quá trình hình thành và phát triển, đến một giai đoạn nhất định sẽ có những biến đổi từ nội bộ cộng đồng giáo hữu. Công giáo trong người Mông ở Lào Cai cũng không ngoài quy luật ấy. Sau gần một thế kỷ có mặt, từ khi chỉ có 04 hộ theo đạo năm 1921, đến nay đã có 4.354 tín đồ. Số lượng nêu trên chưa nhiều, nhưng sự phát triển Công giáo trong cộng đồng người Mông là không thể phủ nhận. Niềm tin Công giáo đang phục hồi và phát triển. Những người trước đây từng theo Công giáo, sau đó nhạt đạo, bỏ đạo nay quay trở lại. Tín đồ tăng nhanh xuất hiện nhu cầu chia tách, thành lập giáo họ, giáo điểm mới, thành lập hội đoàn. Đáng chú ý là, bên trong cộng đoàn này đang diễn ra sự biến đổi, biểu hiện trên cả ba trụ cột: cộng đồng tôn giáo, niềm tin tôn giáo và thực hành tôn giáo.

Cộng đồng Công giáo người Mông ở Lào Cai hiện nay phần lớn là tín đồ trẻ tuổi, vì chủ yếu dân số tăng tự nhiên. Số tín đồ sinh sau năm 1990 chiếm một tỷ lệ khá lớn. Lớp người này có trình độ học vấn nhất định, sống trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, đời sống được cải thiện, có điều kiện thuận lợi tiếp cận với văn hóa bên ngoài nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin, nhất là điên thoại di động và mạng internet. Người ta có thể truy cập bất cứ thông tin gì cần thiết, đọc những gì họ quan tâm. Giáo hội Công giáo đang tận dụng yếu tố này làm phương tiện truyền đạo. Nhờ có mạng internet mà giới

135


trẻ hiện nay đọc nhiều thông tin hơn, hiểu biết khoa học kỹ thuật nhiều hơn, nên không ít người phai nhạt niềm tin vào Đấng cứu thế. Ngoài ra, cần phải chú ý là, mạng xã hội cũng làm cho nhiều vấn đề trở nên phức tạp. Ở một số địa phương, kẻ xấu đã sử dụng zalo, face book làm phương tiện tuyên truyền, kêu gọi giáo dân biểu tình, chống đối chính quyền (như vụ việc nhà thờ Thái Hà, Hà Nội và vụ việc Formusa Hà Tĩnh thời gian vừa qua). Giáo dân dễ bị kẻ xấu lợi dụng để nhằm mục đích khác.

Tín đồ người Mông có niềm tin tôn giáo sâu sắc chủ yếu là người cao tuổi và phụ nữ, trong khi đó không ít người trong giới trẻ giảm niềm tin hoặc chưa thật tin vào một số tín điều trong giáo lý. Quyền lực của Công giáo cũng suy giảm, biểu hiện là một số tín đồ người Mông ở Lào Cai không đi lễ nhà thờ vào chủ nhật, không tham dự lễ trọng, tảo hôn mà không sợ phải xưng tội trước Chúa. Thêm vào đó, ở các giáo điểm, linh mục không thường xuyên đến, việc giảng giáo lý do các giáo lý viên thực hiện không tránh khỏi sai lệch, làm cho một số tín điều bị hiểu khác đi. Mặt trái của xu hướng thế tục hóa “gọt giũa” tôn giáo làm cho việc thực hành tôn giáo được hiện đại hóa, nhưng cũng trần tục hóa nếu như không tiết chế tốt vấn đề này.

Thực hành tôn giáo của giáo dân người Mông ở Lào Cai hiện nay cũng có những biến đổi nhất định. Trước đây, khi vắng bóng giáo sĩ, không có cơ sở thờ tự, tín đồ sinh hoạt tôn giáo tại gia đình. Hằng ngày, họ đọc Kinh thánh vào buổi sáng và buổi tối. Từ khi có linh mục quản xứ, nhà thờ được trùng tu hoặc xây mới, sinh hoạt tôn giáo trong cộng đồng người Mông sôi động hơn. Song, bên cạnh những giáo dân chăm chỉ đi lễ nhà thờ và thực hành tôn giáo, cũng không ít người chểnh mảng việc đạo. Sự biến đổi bên trong này dễ nảy sinh hệ lụy là nhạt đạo, bỏ đạo hoặc chuyển đổi đạo của một bộ phận giáo dân.

Sự biến đổi của Công giáo trong cộng đồng người Mông còn thể hiện ở chỗ, nếu như trước đây, họ thường tụ tập cách biệt trong xứ đạo, họ đạo, thì ngày nay, không gian sinh hoạt của họ mở rộng tới các hoạt động trần tục hơn, đang tạo ra lớp tín đồ năng động, trách nhiệm trong thực hành tôn giáo và mở rộng giao lưu phát triển kinh tế-xã hội, đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc, giảm tính khép kín của các thôn bản Công giáo, ranh giới giữa người Mông theo Công giáo và người Mông không theo Công giáo dần mờ nhạt, xu hướng xích lại gần nhau hơn.

136


4.2.2.4. Xu hướng một bộ phận người Mông theo đạo Tin lành chuyển sang theo Công giáo và ngược lại

Hiện nay, ở Lào Cai có 34.000 tín đồ đạo Tin lành (tính cả những người trong gia đình theo đạo Tin lành nhưng chưa qua lễ Bắp têm). Các hệ phái Tin lành khá thành công trong việc phát triển đạo trong vùng đồng bào dân tộc Mông ở Lào Cai trong thời gian qua, nhưng đã xuất hiện hiện tượng nhạt đạo, chuyển đổi hệ phái, bỏ đạo. Cụ thể, trong các buổi sinh hoạt ở các điểm nhóm Tin lành, số người dự lễ giảm nhiều, chủ yếu là phụ nữ và người già. Nhiều người không còn mặn mà với đạo Tin lành như trước đây. Họ nhận thấy, theo đạo Tin lành phải đóng góp nhiều (10% thu nhập), lại chưa được Nhà nước công nhận hội thánh cơ sở, mới chỉ dừng lại ở sinh hoạt điểm nhóm; nơi thờ tự không có, chủ yếu sinh hoạt tạm tại nhà tín đồ; trình độ thần học và khả năng giảng dạy giáo lý của đội ngũ trưởng nhóm, phó trưởng nhóm (một số tự nhận là mục sư) rất hạn chế, thiếu hấp dẫn; cơ cấu tổ chức ở các điểm nhóm không chặt chẽ dẫn đến tự do, thiếu kỷ luật.

Hơn nữa, đạo Tin lành còn khá bảo thủ, cứng nhắc trong hội nhập văn hóa, có nhiều cấm đoán khắt khe như giáo dân không được thờ cúng tổ tiên và các thần/ma, không được uống rượu, không ăn tiết canh động vật,v.v… Những điều này góp phần trong xây dựng đời sống văn hóa, nhưng ở thời điểm hiện tại, khi người Mông còn lạc hậu thì không ít người chấp nhận. Hiện tượng tín đồ người Mông bỏ đạo Tin lành lập lại bàn thờ tổ tiên và uống rượu không phải hiếm thấy trong những năm gần đây. Trong khi đó, Công giáo được Nhà nước công nhận, có hệ thống tổ chức chặt chẽ, có chủ thuyết rõ ràng; có nhà thờ xứ, nhà thờ họ đẹp đẽ khang trang làm nơi sinh hoạt. Ở các giáo họ đều có linh mục giảng đạo và các ngày chủ nhật. Tín đồ Công giáo đóng góp tiền bạc, vật chất ít hơn bên Tin lành. Đặc biệt, để phát triển tín đồ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Công giáo có nhiều nội dung đã được “Mông hóa”, hội nhập sâu để phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào. Giáo dân được tôn kính tổ tiên (trong nhiều trường hợp thực chất là thờ cúng tổ tiên), không cấm uống rượu, được làm lễ “chỉ đường” trong đám tang. Hiện tượng tảo hôn, nếu theo giáo luật, những trường hợp tín đồ kết hôn khi chưa đủ tuổi theo quy định của Nhà nước và quy định của Giáo hội sẽ không được làm nghi lễ hôn nhân và cha mẹ phải xưng tội. Nhưng thực tế ở Lào Cai chỉ áp dụng hình thức chưa làm phép chứng hôn; bố mẹ cô dâu chú rể tảo hôn không được chịu lễ trong

137


thời gian từ khi cưới con đến khi đủ tuổi đăng ký kết hôn và làm nghi lễ hôn nhân. Đây là sự “vận dụng linh hoạt” cho phù hợp với thực tế khá phổ biến này. Việc tín đồ ít đến nhà thờ vào chủ nhật cũng vậy, linh mục chủ yếu nhắc nhở, không bắt phải xưng tội. Đối với các thôn bản xa, linh mục bố trí thời gian để đến tận nơi giảng đạo. Đó là sự “uyển chuyển” cần thiết của Công giáo nên số người từ đạo Tin lành chuyển sang Công giáo nhiều khả năng sẽ ngày càng tăng lên.

Song song với xu hướng một bộ phận người Mông theo đạo Tin lành chuyển sang Công giáo, thì trong thời gian tới sẽ có thể một số tín đồ Công giáo chuyển sang đạo Tin lành. Bởi vì, đạo Tin lành có số lượng tín đồ khá đông, nhiều điểm sinh hoạt; đội ngũ chức sắc (trưởng nhóm, phó nhóm đều là người Mông) tích cực hoạt động; các tổ chức Tin lành quốc tế có nhiều tài trợ về kinh phí, vật chất nhằm phát triển đạo; phương thức truyền giáo đa dạng, phong phú. Đặc biệt, các Hội thánh Tin lành đã nhận ra một số điểm hạn chế và đang có những biện pháp cải sửa cho phù hợp với phong tục tập quán và sinh hoạt của người Mông. Trưởng nhóm Tin lành thuộc hệ phái Liên hữu Cơ đốc Việt Nam ở Tràn Xoan (xã Thái Niên, Bảo Thắng) cho biết, hiện nay đạo Tin lành không cấm tín đồ uống rượu mà chỉ khuyên không được uống say; khuyên mọi người không nên ăn tiết canh động vật vì mất vệ sinh… như vậy từ việc cấm kị trước đây, giờ được “nới lỏng”. Hơn nữa, với tư duy đơn giản của người Mông là theo Công giáo hay đạo Tin lành cũng đều thờ Chúa; đều là “lý mới”, “thờ con ma mới” như nhau, do vậy sẽ có tín đồ Công giáo chuyển sang theo đạo Tin lành. Sự xen kẽ giữa người Mông theo Công giáo với người Mông theo đạo Tin lành trong cùng một thôn bản, thậm chí trong một dòng họ, nên nếu số tín đồ đạo Tin lành đông đảo, có nhiều hoạt động hấp dẫn, hoặc do quan hệ hôn nhân mà một số người cải đạo cũng là điều dễ hiểu. Tất nhiên, số người chuyển từ Công giáo sang theo đạo Tin lành không nhiều, nhưng sẽ gây phức tạp trong đời sống tôn giáo của đồng bào.

4.2.2.5. Xu hướng Công giáo phải cạnh tranh ảnh hưởng với các tôn giáo, tín ngưỡng trong vùng đồng bào dân tộc Mông

Trong bối cảnh hiện nay, sự cạnh tranh ảnh hưởng tôn giáo diễn ra ở mọi nơi, mọi dân tộc. Người Mông ở Lào Cai chắc chắn không nằm ngoài xu hướng đó. Một số tôn giáo đã tìm cách để xâm nhập vào cộng đồng các dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó quan tâm đến việc phát triển đạo trong vùng dân tộc Mông. Đạo

138


Tin lành đã giành được “thị phần” tôn giáo lớn ở địa bàn này. Các hệ phái Tin lành đang tăng cường truyền giáo, phát triển đạo ở các bản làng vùng cao, vùng sâu với chiến lược “vết dầu loang” dùng tín đồ để mở rộng “Nước Chúa”. Đạo Tin lành đã gặt hái được những thành công lớn, số người theo đạo tăng lên nhanh chóng trong 30 năm qua. Sau một thời gian hiện diện trong cộng đồng người Mông, đạo Tin lành nhận thấy trong giáo lý, giáo luật có những bất cập nên đã có sự điều chỉnh để giữ tín đồ và lôi kéo thêm người nhập đạo. Đạo Tin lành thực sự xác định được chỗ đứng trong đời sống tâm linh của một bộ phận không nhỏ người Mông ở các tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc, trong đó có Lào Cai. Ảnh hưởng của đạo Tin lành rất rõ nét trên nhiều mặt đời sống xã hội của cộng đồng. Sự cạnh tranh giữa Công giáo với đạo Tin lành ở vùng người Mông là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, các hệ phái Tin lành đang có sự tranh chấp, giành giật tín đồ lẫn nhau. Tình trạng này rất có thể gây chia rẽ, làm cho một bộ phận tín đồ tìm đến tôn giáo khác, hoặc chuyển sang Công giáo.

Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của đạo Tin lành, trong vùng người Mông thời gian gần đây còn xuất hiện một số hiện tượng tôn giáo mới (đạo lạ) như: đạo “Sán sư khẻ tộ” (phát hiện ở Hà Giang, Cao Bằng năm 2001), tín ngưỡng Dương Văn Mình (xuất hiện năm 1989 tại huyện Hàm Yên, Tuyên Quang), Chề sù, Hà ly Cha, Giê sùa, Bà cô Dợ (ở Lai Châu, Điện Biên). Đáng chú ý là, các hiện tượng tôn giáo mới nêu trên tuy khác nhau về thời điểm và địa bàn ra đời, nhưng đều có điểm chung “giáo chủ” là người dân tộc Mông, giáo lý, lễ nghi theo khuynh hướng Ki tô giáo kết hợp với tín ngưỡng truyền thống của đồng bào. Người sáng lập chủ trương tập trung giải quyết những bế tắc của cuộc sống, giải tỏa tâm linh, giảm gánh nặng kinh tế, bỏ hủ tục trong cưới xin, tang ma… nên dễ được người dân tiếp nhận. Lào Cai tiếp giáp với các tỉnh Lai Châu, Tuyên Quang và Hà Giang nên rất có thể trong thời gian tới những hiện tượng tôn giáo mới nêu trên sẽ lan sang địa bàn, xâm nhập vào cộng đồng người Mông.

Trong tác động của thời cuộc hiện nay, văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của đồng bào Mông đang đứng trước những thách thức mới. Nhiều thủ tục rườm rà, phiền hà, tốn kém đã không còn phù hợp. Vì thế, để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cổ truyền cần khôi phục các lễ hội vui tươi lành mạnh; cưới xin, tang ma, cúng bái phải được giản lược hóa, giảm chi tiêu, tiết kiệm thời gian mà vẫn phải trang trọng, hợp với “cái lý”, “cái lối” truyền thống của đồng bào. Đây là nội dung của việc xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư đang được chính quyền các cấp

139


và các nhà quản lý văn hóa rất quan tâm. Ngay cả những trí thức người Mông rất đau đáu trước sự suy giảm tín ngưỡng truyền thống của dân tộc. Họ đang có nhiều hoạt động tích cực trong việc khôi phục, giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tộc người. Khi tín ngưỡng truyền thống được chấn hưng trong điều kiện mới vừa mang tính tiên tiến vừa đậm đà bản sắc dân tộc thì chắc chắn sẽ ít người đi theo các tôn giáo khác, trong đó có Công giáo.

Có thể nói, sự cạnh tranh tôn giáo trong vùng người Mông nói chung, vùng đồng bào người Mông theo Công giáo nói riêng những năm tới sẽ có nhiều diễn biến mới, không biểu hiện ra bên ngoài theo kiểu công kích nhau quyết liệt mà âm thầm ở bên trong cộng đồng. Các tôn giáo đều phải tìm các phương cách vừa giữ tín đồ hiện có, vừa nỗ lực lôi kéo thêm người tin theo và mở rộng địa bàn ảnh hưởng. Xu thế này dễ làm nảy sinh mâu thuẫn, phức tạp tình hình tôn giáo ở nông thôn vùng cao Lào Cai trong chừng mực nhất định.

4.3. MỘT SỐ GIẢI PHÁP VÀ KHUYẾN NGHỊ

Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai đang có sự chuyển biến trên nhiều phương diện. Sự phục phục hồi và phát triển Công giáo khá nhanh chóng. Trong bối cảnh hiện nay, tác động của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đặt ra nhiều vấn đề cho công tác tôn giáo ở địa phương. Đảng ta xác định: Tín ngưỡng tôn giáo là nhu cầu của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết dân tộc. Tôn giáo liên quan đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, tác động đến văn hóa, đạo đức, lối sống và an ninh quốc phòng.

Để làm tốt công tác tôn giáo nói chung, công tác đối với Công giáo trong cộng đồng người Mông nói riêng, cần phải có những giải pháp căn cơ, đồng bộ, mang lại hiệu quả thiết thực.

4.3.1. Một số giải pháp cơ bản

4.3.1.1. Nâng cao nhận thức về tôn giáo đối với cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân

Trước hết cần thay đổi cách nhìn nhận về tôn giáo nói chung, Công giáo nói riêng. Không nên coi tôn giáo chỉ là phản ánh “hư ảo hiện thực khách quan vào đầu óc con người”, là mê tín, duy tâm vv dẫn đến loại bỏ những đóng góp tích cực của Công giáo trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Càng không nên coi tôn giáo trong

140


vùng đồng bào dân tộc thiểu số là “vấn đề nhạy cảm”, dễ gây mất ổn định tình hình chính trị-xã hội. Vì như vậy, vô hình trung tạo khoảng cách giữa giáo dân với chính quyền địa phương. Tín đồ dễ mặc cảm, kẻ thù dễ lợi dụng.

Bên cạnh đó, phải tiếp tục nâng cao nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo, quần chúng tín đồ, chức sắc, chức việc về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo. Xác định rõ công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó, Đảng đóng vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, chính quyền quản lý điều hành, các đoàn thể vận động quần chúng tham gia trên cơ sở tôn trọng tự do tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào. Từng bước đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các đoàn thể quần chúng trong vùng giáo.

Trong khi các đoàn thể quần chúng của các xã vùng cao ở Lào Cai hoạt động kém hiệu quả, thì ngược lại, giáo hội Công giáo tổ chức nhiều hoạt động thu hút đông đảo tín đồ tham gia. Để khắc phục tình trạng này, đồng thời tăng cường thu hút tín đồ tham gia hoạt động do các đoàn thể nhân dân phát động, đóng góp chung vào phong trào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, trước hết các tổ chức đoàn thể phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động cho phù hợp với điều kiện thực tiễn ở từng địa phương. Cần phải gắn các phong trào của quần chúng với người có đạo; phải đa dạng hóa các hình thức vận động, đồng thời hướng các hoạt động vào các nhu cầu đời sống thiết thực của quần chúng, như đẩy mạnh các phong trào xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, từ thiện nhân đạo; xây dựng gia đình, thôn bản, khối phố văn hóa. Qua đó góp phần thu hút tín đồ tham gia các hoạt động do chính quyền địa phương phát động, góp phần phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước về hoạt động tôn giáo trên địa bàn.

Một điểm cần lưu ý là, không được phân biệt đối xử, thành kiến với người theo Công giáo. Giải quyết các vấn đề liên quan đến tôn giáo phải trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không chủ quan nóng vội, tránh tả khuynh hoặc hữu khuynh. Đặc biệt quan tâm mối quan hệ giữa tự do tín ngưỡng tôn giáo với đoàn kết dân tộc, không tách rời việc thực hiện chính sách tôn giáo với thực hiện chính sách dân tộc ở vùng đồng bào người Mông theo tôn giáo.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 29/12/2023