109
Đối với kiến trúc nhà thờ: Công giáo đã đem theo kiến trúc nhà thờ phương Tây vào vùng đồng bào Mông. Các nhà thờ vừa có kiến trúc phương Tây vừa mang nét văn hóa của người Mông.
Nhà thờ xứ Sa Pa được xây dựng vào thập niên 30 của thế kỷ trước, tước hiệu Nhà thờ Đức mẹ Mân côi, tọa lạc trên một vị trí đắc địa, tựa lưng vào núi Hàm Rồng, phía trước là khoảng đất rộng bằng phẳng. Đầu nhà thờ quay về hướng đông, là hướng Mặt trời mọc, đón nguồn sáng Thiên Chúa. Cuối nhà thờ (tháp chuông) hướng tây, nơi sinh thành Chúa Giêsu. Hình dáng kiến trúc nhà thờ được xây theo hình Thập giá với lối kiến trúc gotic. Mái nhà, tháp chuông, vòm cuốn đều là hình chóp tạo cho công trình nét thanh thoát, bay bổng. Vật liệu xây dựng bằng đá đẽo (tường, nền nhà, tháp chuông, sân nhà thờ, bờ kè xung quanh), được liên kết với
nhau bằng hỗn hợp cát, vôi, mật mía. Mái nhà thờ lợp ngói, trần bằng vôi trộn rơm. Quần thể kiến trúc này có diện tích khoảng 6000 m2 gồm nhiều công trình, riêng nhà thờ chính rộng 500m2. Có thể nói, nhà thờ Sa Pa vừa mang kiến trúc phương Tây vừa mang kiến trúc phương Đông. Đây thực sự là một điểm nhấn nghệ thuật, làm đẹp thêm cảnh quan của thị trấn du lịch Sa Pa.
Nhà thờ Hầu Thào được khởi công năm 2010 và khánh thành năm 2014, quy mô khá lớn, kiến trúc hiện đại, có sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương Tây với những đường nét họa tiết trang trí theo mô típ văn hóa của người Mông, tạo một cảm giác gần gũi và thiêng liêng. Nằm ở vị trí trung tâm thôn Hang Đá, trên một bãi đất được san phẳng khá rộng, xung quanh dân cư đông đúc, đường đi thuận lợi, cảnh quan tươi đẹp, nhà thờ Hầu Thào vừa là nơi sinh hoạt của Công giáo, đồng thời cũng là điểm nhấn trong tuyến du lịch của Sa Pa.
Nhà nguyện Lao Chải được xây dựng từ 1922, cột gỗ, trước đây lợp bằng ván pơ-mu, nay lợp ngói fibro ximăng, nền lát gạch men. Những nơi khác, nhà nguyện đều làm bằng gỗ, thiết kế gần giống nhà ở của đồng bào, chỉ khác là diện tích rộng hơn, nhiều cửa sổ và có tháp chuông. Bên trong nhà nguyện được bài trí cung Thánh, tranh tượng Thiên Chúa và các thánh, tạo không gian thiêng liêng và thánh thiện. Tiếng chuông quen thuộc của nhà thờ ngân lên hàng ngày như khắc vào tâm trí của những người trong họ đạo, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tín đồ, mỗi khi xa quê hương, xứ sở mọi người luôn nhớ về làng bản và cộng đoàn giáo hữu.
110
Về chữ viết: một trong những đóng góp quan trọng của các thừa sai là sáng tạo ra chữ Mông La tinh. Từ đầu thế kỉ XX, các giáo sĩ phương Tây (chủ yếu là linh mục tuyên úy FM. Savina) đã sáng tạo bộ chữ Mông La tinh nhằm biên soạn, dịch các kinh sách cho đồng bào. Hiện nay, bộ chữ Mông la tinh đã có nhiều cải cách để dễ học hơn, dễ đọc hơn. Có thể nói, kiểu chữ này có nhiều ưu điểm, nhanh thuộc chữ cái, dễ ghép vần, tương đối chuẩn âm. Người biết chữ phổ thông khi học chữ này chỉ trong khoảng 3 tháng là có thể đọc được Kinh thánh và các sách của Công giáo. Ngoại trừ những người cao tuổi, phần lớn tín đồ tự đọc và hiểu được sách báo Công giáo, nhờ đó góp phần nâng cao dân trí cho cộng đồng người Mông theo đạo.
Có thể bạn quan tâm!
- Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai - 12
- Ảnh Hưởng Của Công Giáo Đối Với Tín Ngưỡng, Phong Tục Tập Quán Và Một Số Lĩnh Vực Của Đời Sống Xã Hội
- Ảnh Hưởng Của Công Giáo Đến Đời Sống Xã Hội Của Người Mông Theo Công Giáo Ở Lào Cai Hiện Nay
- Vấn Đề Đặt Ra Từ Thực Trạng Công Giáo Trong Cộng Đồng Người Mông Ở Lào Cai
- Dự Báo Xu Hướng Công Giáo Trong Cộng Đồng Người Mông Ở Lào Cai Thời Gian Tới
- Xu Hướng Biến Đổi Bên Trong Cộng Đồng Người Mông Theo Công Giáo
Xem toàn bộ 229 trang tài liệu này.
Về âm nhạc: nhạc cụ truyền thống của người Mông ở Lào Cai chỉ có khèn, kèn, trống, kèn lá, kèn môi và sáo trúc với âm sắc rất độc đáo, được dùng trong sinh hoạt văn hóa tinh thần, các lễ hội và các nghi thức tín ngưỡng truyền thống. Các nhạc cụ này phù hợp với làn điệu dân ca, dân vũ và nghi lễ cổ truyền của đồng bào. Khi Công giáo truyền nhập vào, theo đó là nhu cầu hát thánh ca trong nhà thờ, nhà nguyện, mà thánh ca lại dùng đàn organ, đàn violin, kèn đồng, bộ gõ… nhờ đó người Mông theo Công giáo nói riêng và những người dân ở thôn bản có nhà thờ, nhà nguyện được biết đến nhạc cụ và âm nhạc phương Tây. Những buổi hát thánh ca trên nền nhạc giàu tiết tấu, giàu âm điệu làm cho sống tinh thần của giáo dân được phong phú hơn. Không quá khi nói rằng, người Mông ở Sa Pa (Lào Cai) được biết đến âm nhạc phương Tây từ nhà thờ Công giáo.
Về tranh, ảnh, tượng, lịch: trong văn hóa truyền thống của người Mông, tranh tượng chủ yếu do các thầy shaman sáng tác mang yếu tố tâm linh (phù thủy), ít yếu tố nghệ thuật và không phải để trang trí trong nhà. Người Mông theo Công giáo được xem, ngắm các ảnh tượng Chúa và thánh thần, đó là những tác phẩm có giá trị. Họ vừa có cảm giác thiêng liêng vừa như được bồi dưỡng kiến thức thẩm mỹ, nhận biết cái đẹp của nghệ thuật. Ngoài ra, trong mỗi gia đình người Mông theo đạo, hằng năm đều có lịch Công giáo để biết được các ngày lễ buộc, ngày lễ trọng. Đồng bào sử dụng lịch dương để tính ngày, tháng, khác với truyền thống là tính lịch âm, theo con giáp, vừa khó nhớ mà độ chính xác lại không cao. Lịch Công giáo vừa nhắc nhớ các ngày lễ trọng, lễ buộc trong năm, vừa giúp đồng bào tính toán gieo trồng đúng thời vụ. Những quyển lịch, tờ lịch in ảnh Chúa và các thánh thần rất đẹp mắt, người dân treo trên tường nhà làm cho ngôi nhà đẹp hơn, sáng sủa hơn.
111
* Về y tế: Công giáo góp phần tích cực vào hoạt động y tế và chăm sóc sức khỏe cho giáo dân. Khi có tín đồ ốm đau, họ được tuyên truyền đến khám chữa bệnh ở cơ sở y tế. Các tổ chức Công giáo tăng cường hoạt động từ thiện, khám chữa bệnh và cấp phát thuốc; giáo dục người dân có nếp sống vệ sinh, ăn chín uống sôi, phòng ngừa dịch bệnh, ngủ màn. Đó là những việc làm rất có ý nghĩa đối với người dân trong điều kiện sống ở vùng cao còn nhiều khó khăn, lạc hậu.
* Về giáo dục: hằng năm, tại Sa Pa, có hàng chục học sinh người Mông Công giáo ở các xã được nhà thờ xứ nuôi ăn học, hỗ trợ kinh phí để các em theo học trung học phổ thông. Cộng đoàn lập “Quỹ khuyến học” để giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn và khen thưởng những học sinh có thành tích cao trong học tập. Các linh mục, thành viên Ban hành giáo thường xuyên động viên các bậc cha mẹ cho con em đi học. Bởi giáo hội cơ sở hiểu rõ một vấn đề là dân trí nâng lên sẽ thuận lợi cho việc truyền giảng giáo lý và hoạt động mục vụ của giáo sỹ.
* Về đạo đức, lối sống: có thể khẳng định, Công giáo có vai trò lớn trong việc điều chỉnh hành vi con người. Công giáo luôn đề cao giá trị đạo đức như bác ái, nhân văn, trung thực, có nhiều điều phù hợp với xã hội hiện đại. Giáo lý, giáo luật Công giáo tạo ra những quy phạm về luân lý và hướng thiện. Những điều răn của Chúa dạy con người sống có đạo lý, nhân ái vì tha nhân. Cộng đoàn Công giáo luôn có tình đoàn kết tương thân, tương ái. Hôn nhân một vợ một chồng, chống đa thê, xây dựng gia đình bền vững. Trong gia đình Công giáo, vợ chồng yêu thương nhau, ít khi mâu thuẫn dẫn đến ly hôn - vấn đề mà cuộc sống hiện đại nhiều gia đình đang phải đối mặt. Cộng đồng Công giáo luôn thực hiện theo đường hướng hành đạo “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”, “Kính Chúa, yêu người”. Công giáo còn là tôn giáo có tổ chức chặt chẽ, có tính kỷ luật cao, được ràng buộc bằng đức tin mạnh, nên có vai trò quan trọng trong việc quản lý cộng đồng, bài trừ tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng khu dân cư văn hóa. Ở những thôn bản Công giáo, hầu như không xảy ra trộm cắp và rất ít tệ nạn xã hội. Khảo sát thực tế bước đầu cho thấy, trong cộng đồng người Mông theo Công giáo ở Lào Cai hiện có một người nghiện ma túy ở xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn.
Một vấn đề cần nhắc đến là, việc Công giáo đã cải biến, loại bỏ nhiều hủ tục trong cưới xin, tang ma, cúng bái, ảnh hưởng đến kinh tế và sức khỏe cộng đồng. Ở một chừng mực nhất định, tôn giáo này góp phần bảo tồn một số giá trị văn hóa của
112
dân tộc, như khuyến khích đồng bào mặc trang phục truyền thống, con cháu hiếu kính ông bà cha mẹ; các thành viên trong gia đình bình đẳng, hòa thuận. Ngoài ra, ở những gia đình theo Công giáo giảm thiểu chế độ “gia trưởng”, phân biệt nam nữ.
Bên cạnh mặt tích cực nêu trên, tác động tiêu cực về văn hóa cũng không nhỏ. Việc Công giáo phát triển và mở rộng địa bàn vào vùng người Mông làm thay đổi nhiều lễ hội, phong tục tập quán tốt đẹp vốn là di sản văn hóa truyền thống của dân tộc. Ở địa bàn Công giáo, các lễ hội truyền thống của đồng bào Mông dần vắng bóng hoặc có sự thay thế bằng các lễ nghi Công giáo. Tín đồ Công giáo không còn ý thức gìn giữ nhiều giá trị văn hóa của dân tộc mình. Những nhạc cụ truyền thống của người Mông dần mất đi. Tín đồ người Mông còn rất ít người biết thổi khèn, múa khèn, thổi sáo, thổi kèn đồng, đàn môi; nghệ nhân dân gian không còn. Khi hỏi về hiện tượng này, cộng đồng người Mông theo Công giáo nói bỏ từ lâu rồi, từ thời cố Tây (giáo sĩ nước ngoài). Các giáo sĩ không muốn giáo dân giữ lại những nhạc cụ liên quan đến đời sống tâm linh người Mông truyền thống, thay bằng những nhạc cụ theo văn hóa phương Tây, phải chăng là để phân biệt nghi lễ của người Mông theo Công giáo với nghi lễ của người Mông theo tín ngưỡng truyền thống. Hiện nay, ở cộng đồng người Mông theo Công giáo không còn thổi khèn trong dịp lễ hội cổ truyền. Kèn đồng, sáo trúc, trống da cũng vậy. Các đám cưới của người Mông theo Công giáo chủ yếu dùng đài cassetes để mở nhạc hoặc ca đoàn đến hát mừng một vài bài thánh ca. Trong đám tang không có kèn, trống, không thầy cúng, thầy dở mủ, thay vào đó là gia đình tang chủ, người thân và họ hàng đến cầu nguyện. Trước khi truy điệu, linh mục (hoặc đại diện ban hành giáo) đến làm lễ an táng sau đó đưa di chôn cất. Bản sắc văn hóa người Mông đã bị mai một và đang xa dần với phong tục, tập quán cổ truyền.
Điều đáng quan tâm nữa là, hiện nay thiết chế văn hóa ở các thôn bản Công giáo (nhà thờ, nhà nguyện) có ưu thế hơn nhà văn hóa, bằng chứng là ở thôn Lồ Lao Chải/giáo họ Lồ Lao Chải không có nhà văn hóa. Thôn Hang Đá/giáo họ Hầu Thào có nhà văn hóa nhưng rất khiêm tốn, trong khi nhà thờ Thánh gia Giuse ở đây khá lớn. Mọi sinh hoạt cộng đồng diễn ra sôi động ở nhà thờ là chính, còn nhà văn hóa thôn ít khi hoạt động, chủ yếu chỉ để họp hành, triển khai các công việc của chính quyền, đoàn thể là chính.
Tóm lại, sự du nhập văn hóa Công giáo vào cộng đồng người Mông ở một khía cạnh nào đó làm biến đổi nhiều giá trị văn hóa của dân tộc này. Công giáo xâm
113
nhập vào công đồng người Mông làm cho nhiều tín ngưỡng, văn hóa, phong tục, tập quán truyền thống của đồng bào bị mất đi hoặc bị tiếp biến, thay đổi, như không duy trì thờ cúng tổ tiên- một tập tục đã thấm sâu vào tâm thức của dân tộc này; vai trò của thầy cúng, thầy shaman không còn trong cộng đồng, thay vào đó là vai trò của linh mục, thừa tác viên và ban hành giáo. Trong các nghi lễ vòng đời: sinh nở, cưới xin, tang ma có nhiều điểm khác biệt, nảy sinh tình trạng trong một dòng họ, những gia đình theo Công giáo thực hiện các nghi thức khác với gia đình theo tín ngưỡng truyền thống. Đặc biệt là cưới xin, giữa bên theo đạo và bên không theo đạo có nhiều điểm không tương đồng, đôi khi không tìm được tiếng nói chung dẫn đến cuộc hôn nhân không thành, đôi trai gái phải chia tay chỉ vì lý do tôn giáo. Công tác kế hoạch hóa gia đình cũng gặp không ít trở ngại. Người Mông theo Công giáo không muốn áp dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình nên tỷ lệ tăng dân số tự nhiên rất cao. Đông con, khoảng cách giữa các lần sinh ngắn là nguyên nhân chính làm cho đời sống của nhiều gia đình tín đồ trở nên túng thiếu, mưu sinh chật vật. Mà càng khó khăn, họ lại càng cầu mong sự chở che, nâng đỡ của Chúa.
3.2.2.2. Ảnh hưởng đến đời sống kinh tế và an sinh xã hội
* Về lĩnh vực kinh tế: Công giáo tác động tích cực đối với cộng đồng người Mông. Cụ thể, các giáo sĩ khuyến khích giáo dân chịu khó làm ăn, chi tiêu tiết kiệm, ổn định cuộc sống. Thông qua các buổi giảng Kinh thánh, linh mục khuyên giáo dân phải biết chăm lo cải thiện đời sống. Ngay từ khi mới truyền nhập, các thừa sai đã dạy người Mông trồng rau quanh nhà để cải thiện bữa ăn, cách ăn ở hợp vệ sinh, chi tiêu tiết kiệm, giảm cúng kiếng gây tốn kém tiền bạc. Điều này đem lại lợi ích thiết thực cho đồng bào Mông, có tác dụng lớn trong việc truyền bá Công giáo. Hiện nay, trong các buổi sinh hoạt tôn giáo, các linh mục cũng khuyên người dân tập trung chăn nuôi, trồng trọt, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Người Mông theo Công giáo không quản ngại khó khăn, tốn kém để cưu mang người khác trong lúc hoạn nạn và luôn khuyến dụ người đời làm việc thiện để được hưởng ơn cứu rỗi của Chúa. Trong cộng đoàn Công giáo, mọi người đoàn kết, tương trợ, chia sẻ đỡ đần nhau lúc khó khăn. Khi gia đình có công to việc lớn (lấy vợ, gả chồng, làm nhà, ốm đau, tang ma…), mọi người chung tay giúp đỡ yến gạo, con gà, can rượu, con lợn, củi đuốc, tiền mặt… tất cả rất có ý nghĩa đối với những gia đình vẫn còn nghèo túng.
114
Các bài giảng giáo lý của linh mục ngắn gọn hơn, gắn nhiều hơn với đời sống xã hội, đồng thời rút bớt các lễ trong ngày, thời gian các lễ cũng rút ngắn, làm cho giá trị Công giáo đi vào cuộc sống của giáo dân, giúp họ có nhiều thời gian hơn để phát triển kinh tế gia đình.
* Về hoạt động từ thiện xã hội: đây là lĩnh vực được giáo hội Công giáo rất quan tâm. Công giáo huy động các nguồn lực và tổ chức nhiều hoạt động từ thiện xã hội góp phần cùng với chính quyền địa phương chăm lo đến những địa bàn thôn bản, cụm dân cư đặc biệt khó khăn. Điều đó gắn kết tình đoàn kết tương thân tương ái, chia sẻ, đồng cảm giữa người cho và người nhận, phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc. Hoạt động từ thiện xã hội của Công giáo chứa đựng nội dung bác ái, được triển khai trên cả hai tuyến: Giáo hội và dòng tu, vừa với tư cách cá nhân vừa với tư các tổ chức. Những hoạt động nêu trên, mục đích tất nhiên gắn với truyền giáo, nhưng rõ ràng ảnh hưởng tích cực đến đời sống xã hội.
Tuy nhiên, Công giáo cũng có tác động tiêu cực đến kinh tế của cộng đồng người Mông theo đạo. Giáo lý Công giáo khuyên người ta cam chịu cực khổ, như: “Những người nghèo khó là những người được Chúa thương yêu nhất”, hay “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Chúa” và “Chúa thử thách, Chúa sẽ không bỏ rơi con các của Người, phải siêng năng cầu nguyện, tham dự Thánh lễ”,v.v… Những lời khuyên này tạo cho giáo dân tâm lý dễ bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình, mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Những địa bàn có người Mông theo Công giáo ở Lào Cai vẫn là những nơi có tỷ lệ hộ đói nghèo còn khá cao.
Ngoài ra, theo Công giáo, đồng bào còn phải đóng góp tiền (người dân gọi là “dâng hiến tự nguyện”) để xây dựng, tu bổ, sửa chữa cơ sở thờ tự (hoặc điểm sinh hoạt tôn giáo). Ví dụ, thời điểm 2018, để có nguồn kinh phí thêm 400m2 đất gần khu vực nhà thờ, giáo họ Hầu Thào huy động mỗi gia đình Công giáo phải đóng góp 500.000đ. Ngoài ra, giáo dân còn góp tiền vào “Quỹ nhân danh” 5000đ/ người/ năm; “Quỹ Bác ái” 12000đ/ người/ năm,v.v… Những ngày đi lễ ở nhà thờ, mọi người phải góp tiền “dầu nến” tùy tâm từ vài nghìn đồng trở lên. Mỗi khi gia đình có việc cần nhờ linh mục làm lễ phải nộp một khoản tiền “bổng lễ” như xin lễ Cầu hồn: 200.000đ/lễ, lễ
Bình an: 200.000đ/lễ; ngày lễ có tổ chức liên hoan tại nhà thờ, mỗi gia đình được 01 người tham dự và phải đóng góp 100.000đ (trường hợp dự lễ, không dự tiệc cũng phải nộp 50.000đ để có kinh phí tiếp khách); mỗi gia đình phải nộp 96.000đ/hộ/ năm để
115
được ăn thịt vào các ngày thứ sáu,v.v… Tất cả những khoản tiền nêu trên cho dù không lớn, nhưng với các gia đình người Mông nghèo khó, đông con, nhiều cháu thì cũng không phải là dễ dàng, nhất là phải góp vào dịp giáp hạt.
3.2.2.3. Ảnh hưởng đến lĩnh vực đời sống chính trị
Từ khi xuất hiện Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai cho đến nay, trên lĩnh vực chính trị có sự tác động cả tích cực lẫn tiêu cực. Trước hết, phải nói về ảnh hưởng tích cực về mặt chính trị của Công giáo đối với vùng người Mông ở Lào Cai. Trong thời kỳ Pháp thuộc, tín đồ Công giáo người Mông ở Sa Pa không ai theo các tổ chức, đảng phái phản động. Khi có tổ chức Đảng lãnh đạo, có chính quyền nhân dân, người Mông theo Công giáo luôn ủng hộ cách mạng, đi theo cách mạng. Mặc dù được các giáo sĩ và công sứ ưu ái, bênh vực, nhưng khi quân Pháp thất bại ở Điện Biên Phủ, đồng bào giáo dân không nghe theo luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch di cư vào nam năm 1954 như ở một số nơi khác. Khi quân Pháp rút khỏi Việt Nam, người Mông ở Lào Cai truyền miệng nhau câu nói: Công giáo là đạo của người Pháp. Pháp rút thì đạo cũng hết, nhiều hộ gia đình nhạt đạo, bỏ sinh hoạt, không đến nhà thờ.
Bước vào thời kỳ mới, tín đồ Công giáo người Mông ở Lào Cai phấn khởi tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới toàn diện của đất nước. Giáo dân chung tay xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh toàn diện. Nhìn chung, vùng đồng bào Mông theo Công giáo luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như những quy định của chính quyền địa phương. Nhiều người đứng trong hàng ngũ của Đảng, tham gia vào bộ máy chính quyền và đoàn thể ở xã, nắm giữ các chức vụ quan trọng như: Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, Bí thư Đoàn xã, Trưởng thôn,v.v… An ninh chính trị trong vùng người Mông theo Công giáo ở Lào Cai hiện nay không có vấn đề gì nổi cộm, không có xung đột tôn giáo, không có điểm nóng tôn giáo như những hiện tượng Vàng Chứ, Tin lành hay tín ngưỡng Dương Văn Mình vv....
Tuy nhiên, tình hình an ninh chính trị vùng người Mông theo Công giáo ở Lào Cai hiện có vài điểm cần lưu ý. Đó là một bộ phận thanh niên người Mông theo Công giáo không tham gia hoặc có tên trong các đoàn thể nhưng không nhiệt tình; nhiều người không thiết tha vào Đảng, không tham gia công tác ở địa phương. Ở
116
các giáo họ lớn, số lượng đảng viên và cán bộ xã là người Mông theo Công giáo còn khiêm tốn. Nhận thức chính trị, hiểu biết pháp luật của một bộ phận giáo dân còn hạn chế. Nắm bắt thông tin thời sự trong nước, trong tỉnh rất mờ nhạt. Những ngày lễ trọng đại của đất nước ít người biết đến và ít quan tâm.
Tiểu kết chương 3
Ở Lào Cai, người Mông đầu tiên theo Công giáo được ghi nhận vào năm 1921. Từ đó đến nay đã gần một thế kỷ với sự thăng trầm trong công cuộc duy trì và phát triển đạo, có thời gian tưởng chừng như Công giáo không tồn tại trong cộng đồng, nhưng một thực tế là tôn giáo này vẫn có một sức sống bền bỉ trong một bộ phận đồng bào Mông ở Lào Cai. Sau thời kỳ suy giảm, những năm gần đây, số lượng giáo dân người Mông ở Lào Cai có sự phát triển khá nhanh; đội ngũ chức sắc, chức việc ngày càng nhiều; tổ chức xứ đạo, họ đạo được kiện toàn; cơ sở thờ tự được tu bổ và xây mới, đồng thời Giáo hội rất linh hoạt trong việc cải tạo nhà dân để làm điểm sinh hoạt tập trung ở những giáo điểm nhỏ lẻ. Niềm tin tôn giáo của tín đồ Công giáo ngày càng được củng cố. Tín đồ được linh mục và các giáo lý viên giảng giáo lý giáo luật được hệ thống hơn. Sách vở, tài liệu, phương tiện phục vụ sinh hoạt tôn giáo được Giáo hội quan tâm đầu tư. Các nghi lễ tôn giáo luôn có sự tham gia tích cực, sốt sắng của giáo dân.
Sự xuất hiện Công giáo trong vùng đồng bào Mông ở Lào Cai tạo nên một sự biến đổi trên nhiều phương diện, hình thành một cộng đồng mới – một cộng đồng thờ tôn giáo độc thần, theo đó là sự khác biệt về văn hóa, lối sống của người Mông theo Công giáo với người Mông theo tín ngưỡng truyền thống. Công giáo ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội (chính trị, kinh tế, văn hóa, tín ngưỡng) theo cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực. Ở chiều hướng tích cực, Công giáo góp phần điều chỉnh hành vi của tín đồ, làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội ở vùng đồng bào Mông theo đạo; đóng góp không nhỏ vào nền văn hóa, đạo đức truyền thống, bản sắc dân tộc, làm phong phú thêm sắc thái văn hóa Mông ở các bản làng vùng cao. Song, bên cạnh yếu tố tích cực không thể phủ nhận, thì Công giáo cũng có một số ảnh hưởng tiêu cực. Do vậy, chính quyền các cấp ở Lào Cai cần khai thác những mặt tích cực, khắc phục những tiêu cực của Công giáo trong người Mông trên địa bàn để tôn giáo này thực sự “là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân”.