Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai - 12

85


không thu hút được người nghe. Quan sát những buổi sinh hoạt tôn giáo ở các điểm nhóm người Mông theo đạo Tin lành, có không ít tín đồ tham dự nhưng chỉ cầu nguyện, hát thánh ca mà không hứng thú với việc học Kinh thánh. Mức độ hiểu biết về giáo lý, giáo luật của người Mông theo đạo Tin lành không sâu như người Mông theo Công giáo là vì vậy.

Về Thiên đường: 300 phiếu (100%) trả lời là có Thiên đường. Người Mông theo Công giáo quan niệm, Thiên đường ở mãi tận trên trời cao, là nơi rất đẹp, có hoa thơm quả ngọt, có dòng suối trong xanh, có nắng ấm, có linh hồn tổ tiên trú ngụ; cuộc sống rất đầy đủ, con người rất hòa thuận; là nơi mà mọi mong ước đều được thỏa mãn; cuộc sống trường tồn, không ốm đau, không bệnh tật.

Về Địa ngục: 300 phiếu (100%) cho rằng, Địa ngục ở dưới âm ti, sâu thẳm, tối tăm, ghê rợn, có lửa bỏng, có dầu sôi. Những linh hồn xuống đây bị quỷ dữ tra tấn đủ cực hình, phải đeo gông xiềng, bị đánh đập. Địa ngục là nơi ở sau khi chết của những người sống không tin vào đạo và phạm nhiều tội ác.

Về nguồn gốc con người và sự sa ngã của con người: 300 phiếu (100%) trả lời con người do Chúa Trời tạo ra. Chúa Trời lấy đất nặn ra hình hài con người theo hình ảnh của Chúa, rồi thổi linh hồn cho con người sống. Sau đó, Chúa Trời lấy xương sườn của Adam để tạo nên Eva. Adam và Eva là những người đầu tiên được Chúa Trời tạo ra, sống trên Địa đàng, nơi có cuộc sống sung sướng. Sau này, Adam và Eva mắc tội ăn trái cấm mới bị Chúa Trời bắt xuống trần gian, trở thành thủy tổ của loài người. Con người ai cũng mắc tội tổ tông truyền.

Về Chúa Giêsu và công cuộc cứu chuộc: 297 phiếu (99%) tin Chúa Giêsu sinh ra để cứu chuộc nhân loại, giải thoát con người khỏi ách tội lỗi; Ngài chịu tội thay cho mọi người. Chúa Giêsu có nhiều phép mầu, che chở và cứu rỗi cho người Mông không còn khổ đau, hoạn nạn; được ấm no và hạnh phúc.

Về ngày tận thế: Truyền thuyết người Mông cũng có câu chuyện về ngày tận thế. Đó là ngày nhân loại sẽ bị chết hết, chỉ còn những ai được cứu vớt. Đối với người Mông theo Công giáo, khi hỏi ông (bà) tin có ngày tận thế: 278 phiếu (92,6%) trả lời là có! Họ đều cho rằng, Kinh Thánh nói do con người phạm quá nhiều tội lỗi, Chúa Trời trừng phạt bằng một ngày tận thế. Chúa sẽ làm cho mây mù đen tối, lũ ống, lụt lội, lở đất và trái đất nổ tung, kết thúc cuộc sống trần gian. Đến ngày đó, chỉ có ai tin theo, vâng phục, ngoan đạo sẽ được Chúa cứu vớt. Trái lại, những ai không theo Chúa thì sẽ bị chết và xuống Địa ngục.

86


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 229 trang tài liệu này.

Về sự phục sinh và lời phán xét cuối cùng: 274 phiếu (91%) trả lời có sự phục sinh của Chúa. Họ kể lại như những gì được nghe trong Kinh thánh. Đây là câu chuyện mang đậm tính huyền bí, nhưng tín đồ người Mông rất tin, bởi chính trong tâm thức của đồng bào, người chết cũng chưa phải là hết mà đang sống ở một thế giới khác, đến một ngày nào đó trở lại với một cuộc sống mới. Khi theo Công giáo, họ lại càng tin hơn vào sự phục sinh của con người.

Có thể nói, niềm tin tôn giáo của người Mông theo Công giáo là niềm tin chắc chắn, mang tính chủ quan, trực giác và cảm tính. Họ tin có Chúa Trời, có Chúa Giêsu, có Thiên đàng và Địa ngục. Điều này dễ hiểu vì khi cuộc sống trần thế còn nhiều khó khăn, nỗi lo cơm áo gạo tiền chưa hết và sự hiểu biết còn hạn hẹp, thì khát khao dựa vào các đấng Siêu nhiên che chở và giúp đỡ để được sung sướng, đủ đầy là ước vọng thường trực của người Mông. Tất nhiên, điều đó không bao giờ trở thành hiện thực, bởi tất cả chỉ là sự phản ánh “hư ảo” vào đầu óc con người. Nhưng nếu tạm gác những yếu tố tiêu cực sang một bên để nhìn nhận vấn đề một cách khách quan sẽ thấy, chính niềm tin “hư ảo” đó nâng đỡ tinh thần một bộ phận người Mông chịu nhiều thiệt thòi cả trong quá khứ lẫn trong hiện tại, họ luôn phải vượt lên mọi khó khăn của cuộc sống. Theo quy luật tâm lý học, “tính hư ảo” ấy góp phần làm cho niềm tin tôn giáo càng sâu sắc thêm. Ở đây, cần lưu ý thêm, niềm tin bền vững mà lại “hư ảo” này có thể làm cho tín đồ mê muội, thiếu minh mẫn trong xử lý các mối quan hệ, dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Nắm được đặc điểm về niềm tin tôn giáo của người Mông sẽ giúp cho chính quyền đề ra chủ trương, chính sách phù hợp trong công tác vận động tín đồ, chức sắc và quản lý nhà nước về tôn giáo.

Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai - 12

3.1.2.2. Thực hành niềm tin Công giáo

* Đọc kinh cầu nguyện

Đọc kinh cầu nguyện trong gia đình: Đối với người Công giáo, cầu nguyện vừa là bổn phận, vừa là kính Chúa, vừa là ngoan đạo. Cầu nguyện tại gia đình là nếp sống đạo, phản ánh sự giữ đạo của tín đồ Công giáo. Công đồng Vatican II (1962-1965) gọi gia đình là “Hội Thánh thu nhỏ”. Việc cầu nguyện trong gia đình có ý nghĩa rất quan trọng đối với người Công giáo.

Người Mông theo Công giáo ở Lào Cai thực hiện việc cầu nguyện tại gia đình khá đều đặn. Khảo sát các giáo họ Hầu Thào, Lao Chải và các nơi khác như Tả Giàng Phìn, Bản Phùng (thuộc huyện Sa Pa), giáo điểm Phìn Hồ Thầu (thành phố

87


Lào Cai) cho thấy, hằng ngày các gia đình Công giáo đều đọc kinh buổi sáng, buổi tối, nhất là buổi đêm. Trước khi đi ngủ, bố mẹ cho con cái đọc một câu hoặc một đoạn Kinh thánh bằng tiếng Mông. Nhờ việc giữ đạo trong gia đình mà Công giáo tồn tại trong cộng đồng người Mông một cách bền vững. Đọc kinh, cầu nguyện từ lâu trở thành một thói quen, một nếp sống đạo, một sinh hoạt tôn giáo, là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào Mông theo Công giáo.

Trong hướng dẫn đọc kinh cầu nguyện hay giảng lễ, các linh mục chủ yếu dùng tiếng phổ thông. Tại các giáo họ “gốc” (Lao Chải, Hầu Thào) tín đồ vẫn đọc Kinh thánh bằng tiếng Mông. Hiện nay, trong đội ngũ linh mục ở Lào Cai, chưa có người nào có khả năng soạn giảng giáo lý Công giáo bằng tiếng Mông cho đồng bào. Đây là vấn đề khó, ảnh hưởng không nhỏ đến việc truyền giảng Kinh thánh. Trước đây, khi các thừa sai truyền đạo vào vùng dân tộc thiểu số, ngoài kiến thức thần học, họ đều là những nhà dân tộc học, văn hóa học và ngôn ngữ học. Linh mục phải tự dịch Kinh thánh ra tiếng dân tộc và giảng bằng ngôn ngữ dân tộc đó, nên họ đã đem lời Chúa đến được với người dân một cách tự nhiên và người dân cũng dễ dàng đón nhận Chúa. Còn hiện tại, các linh mục thuộc giáo xứ Sa Pa và giáo xứ Lào Cai chưa làm được những điều nêu trên. Bởi vì, họ đều là người Kinh ở miền xuôi được Tòa Giám mục Hưng Hóa điều lên quản xứ hoặc truyền giảng. Cộng đồng giáo dân người Mông ở Lào Cai mới được phục hồi, số lượng khiêm tốn, nên chưa có linh mục nào là người Mông. Thêm nữa, Tòa Giám mục Hưng Hóa thường luân chuyển linh mục, nên họ chưa có đủ thời gian cần thiết để học tiếng Mông, nói thạo tiếng Mông, soạn giảng bằng tiếng Mông. Vì vậy, giảng Kinh thánh và giáo lý Công giáo bằng tiếng Mông hiện nay vẫn do các thừa tác viên hoặc giáo lý viên là người Mông ở các giáo họ đảm nhiệm.

Trong các buổi lễ, linh mục làm lễ bằng tiếng phổ thông, tín đồ đọc Kinh thánh bằng tiếng Mông trong sách được phiên âm. Những bài thánh ca chưa mang giai điệu dân ca Mông. Đây là một vấn đề khó khăn nhất của văn hóa Công giáo khi xâm nhập vào văn hóa người Mông. Trong khi ở nơi khác, khi Công giáo vào vùng dân tộc thiểu số, cùng với việc dịch Kinh thánh, sự đan xen văn hóa Công giáo với văn hóa tộc người thể hiện rất rõ, nhất là sáng tác thánh ca theo tiếng dân tộc, tiêu biểu như ở Tây Nguyên. Nguyên nhân có thể do các linh mục chưa hiểu sâu sắc về thanh điệu, làn điệu dân ca của dân tộc Mông để sáng tác. Ngôn ngữ Mông mang

88


tính đa thanh, nhiều dấu giọng khác nhau, âm vực rất đặc biệt, có sự “nhấp nhô”, nhiều phụ âm, ít nguyên âm... nên khó chuyển làn điệu thánh ca cho phù hợp. Mặt khác, nếu như dân ca của các dân tộc khác như người Kinh có hát xoan, hát quan họ, hát chèo; người Tày và người Nùng hát sli, hát lượn là hát tập thể, hát từ hai người trở lên, thì người Mông chủ yếu là hát một mình (đơn ca) cho mọi người nghe. Đúng như Mã A Lềnh (nhà văn người Mông) nhận xét: “Người Hmông hát dân ca không có nhạc đệm và không hát tập thể (từ song ca, tốp ca cho đến dàn hợp xướng) cho thấy tập tính đơn lẻ [...] Nhạc điệu cũng rất tự do, phóng khoáng, không lệ thuộc vào nhịp, khuôn, lại có thể cao vút hoặc xuống trầm hoặc ngắt đột ngột như núi non hiểm trở xứ người Hmông sinh sống” [99, tr.488-489]. Trong khi đó, thánh ca thường là nhiều người cùng hát, thanh điệu phong phú, ca từ chặt chẽ... Với những yếu tố nêu trên, việc sáng tác các thánh ca mang giai điệu dân ca Mông là điều không dễ. Chính vì thế, thánh ca chủ yếu vẫn thực hiện bằng tiếng phổ thông và giai điệu như ở miền xuôi (một số bài được dịch ra tiếng Mông).

* Thực hành giáo lý, giáo luật và các phép bí tích

- Thực hành giáo lý, giáo luật. Nói đến một tôn giáo, không thể không nói đến giáo lý, giáo luật và việc thực hành giáo lý, giáo luật của tín đồ tôn giáo ấy. Với Công giáo, giáo lý thể hiện trong hai bộ Kinh thánh: Cựu ước (46 quyển) và Tân ước (27 quyển), với tổng số 73 quyển, trong đó có 12 tín điều cơ bản: Tin kính một Chúa Trời Ba Ngôi đồng bản thể (tam vị nhất thể). Tin kính một Chúa Cha toàn năng sáng tạo vũ trụ, vạn vật, muôn loài hữu hình, vô hình và con người. Tin kính Chúa Giêsu là con Chúa Cha, cũng là Thiên Chúa. Chúa Giêsu làm người, thụ thai bởi trinh nữ Maria do quyền phép của Thánh thần. Chúa Giêsu chịu chết chuộc tội cho nhân loại. Chúa Giêsu sống lại. Chúa Giêsu về trời. Chúa Giêsu sẽ tái lâm ngày phục sinh và phán xét cuối cùng. Tin kính Chúa Thánh thần. Tin vào Hội thánh Công giáo phổ quát. Tin vào ơn tha tội qua Hội Thánh. Tin vào sự sống lại của con người. Tin vào sự sống vĩnh cửu của con người.

Luật lệ Công giáo quy định khá cụ thể trên tất cả các phương diện đối với tín đồ. Tuy nhiên, trong sinh hoạt hằng ngày, người Công giáo chỉ cần giữ những tín điều căn bản, đó là 10 điều răn của Chúa: (1) Thờ phụng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự. (2) Chớ kêu tên Đức Chúa Trời một cách vô cớ.

(3) Giữ ngày Chúa nhật. (4) Thảo kính với cha mẹ. (5) Chớ giết người. (6) Chớ dâm

89


dục. (7) Chớ lấy của người. (8) Chớ làm chứng dối. (9) Chớ muốn vợ, chồng người.

(10) Chớ tham của người. Trong mười điều răn, ba điều đầu tiên liên quan đến thái độ của con người đối với Chúa, bảy điều còn lại là thái độ của bản thân với người khác (tha nhân), xét về tổng thể là “mến Chúa” và “yêu người”. Ngoài ra, tín đồ Công giáo còn phải thực hiện 6 điều răn và 21 điều quy định của giáo hội.

Người Mông khi đến với Công giáo, ngay từ buổi đầu được các linh mục giảng giải về giáo lý, giáo luật và các điều răn đó, họ thấy gần gũi, thiết thực với đời sống của mình. Những điều trong Kinh thánh đều phù hợp với căn tính tộc người. Họ nhận thấy, những điều Chúa dạy giống như những gì người Mông thường khuyên bảo nhau. Đó là kính trên nhường dưới, hiếu kính ông bà cha mẹ, tôn trọng những người lớn tuổi trong họ tộc, không ngoại tình, không trộm cắp, không tham lam, không nói dối…

Một tộc người từng bị các triều đại phong kiến Hán tộc chèn ép, đánh đuổi, phải đi tìm miền đất sống ở “nơi đất khách quê người” nên họ luôn lấy tình người làm trọng, yêu thương nhau, chia sẻ với nhau, đoàn kết với nhau, tương thân tương ái, giúp nhau lúc khó khăn vốn là căn cốt truyền thống của tộc người này. Những người Mông theo Công giáo lấy Mười điều răn của Chúa làm lẽ sống đạo và luôn thực hiện một cách tự giác. Có lẽ vì thế nên trong các thôn bản người Mông theo Công giáo hầu như không xảy ra hủ hóa, trộm cắp, ly hôn, tệ nạn xã hội và tội phạm hình sự.

Như trên đã nói, do những nguyên nhân về lịch sử, xã hội và dân trí thấp, nên người Mông theo Công giáo có thể không hiểu sâu về những nội dung thần học Công giáo. Song, không vì thế mà đánh giá niềm tin tôn giáo thấp mà trái lại, họ có niềm tin tôn giáo rất sâu sắc, vì niềm tin tôn giáo có phần độc lập với việc am hiểu tri thức tôn giáo.

- Về thực hành các bí tích. Người Công giáo phải thực hiện 6 phép bí tích: Rửa tội, Thêm sức, Thánh thể, Giải tội, Hôn phối và Xức dầu thánh. Khảo sát thực tế của tác giả luận án cho thấy, tín đồ người Mông ở Lào Cai rất coi trọng các bí tích. Họ tuân giữ đầy đủ và sốt sắng thực hiện nghiêm túc các phép bí tích theo giáo luật. Đối với những người mới nhập đạo (tân tòng), sau khi học xong giáo lý cơ bản, đủ các điều kiện cần thiết thì được nhận đồng thời ba phép bí tích: Rửa tội (Thánh tẩy), Thêm sức và Thánh thể trong cùng một thánh lễ. Việc thực hiện các bí tích này thường tổ chức vào chủ nhật với sự tham dự của đông đảo giáo dân sở tại,

90


có khi được tổ chức vào dịp thánh lễ với nghi thức trang trọng tại nhà thờ xứ hoặc nhà thờ họ đạo. Theo giáo luật, bí tích Thêm sức phải do chức giám mục thực hiện, nhưng thực tế trong vùng Công giáo người Mông ở Lào Cai thường do các linh mục được giám mục ủy quyền thực hiện. Từ năm 2006 đến nay, việc cử hành các bí tích khai tâm (Rửa tội, Thánh thể, Thêm sức) tại hai giáo họ Lao Chải và Hầu Thào được tổ chức tương đối thường xuyên. Ở các giáo điểm, do không có nhà thờ, nhà nguyện nên không thể thực hiện các bí tích. Tân tòng ở đó phải đến nơi có nhà thờ để thực hành nghi lễ. Nhiều cuộc lễ Rửa tội cho tân tòng, nhất là Lễ thêm sức thực sự trở thành một ngày hội của người Mông Công giáo. Sau buổi lễ, giáo hội thường tổ chức cho giáo dân tham dự một bữa cơm cộng cảm đông vui, thu hút được hầu hết tín đồ tham gia một cách phấn khởi.

- Thực hành bí tích xưng tội, chịu lễ. Theo quy định của Giáo hội, tín đồ Công giáo mỗi năm xưng tội ít nhất một lần. Tùy theo thực tế, có người xưng tội nhiều lần trong năm. Trước khi đứa trẻ được nhận bí tích Thêm sức, cha mẹ phải xưng tội trước Chúa. Đây được xem như một điều kiện bắt buộc đối với tín đồ.

Người Mông vốn có tâm lý khép kín, có phần tự ti, nên khi mắc tội lỗi, họ thường âm thầm suy tư, ít dãi bày với người khác. Qua xưng tội, họ cảm thấy được trút bỏ tâm lý lo lắng vì vi phạm những điều răn của Chúa và Giáo hội, từ đó cố gắng làm nhiều điều tốt lành, vì tha nhân, sống đoàn kết, hòa thuận, nhân ái, tránh xa cái xấu cái ác. Điều này ảnh hưởng tích cực đến đạo đức, lối sống của người dân có đạo, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư. Nghiên cứu thực tế cho thấy, người Mông theo Công giáo tuân thủ khá đầy đủ các quy định của giáo hội về việc xưng tội, chịu lễ. Nhiều người không chỉ xưng tội, chịu lễ mỗi năm một lần mà mỗi năm xưng tội, chịu lễ nhiều lần, thậm chí mỗi tháng hay mỗi tuần một lần.

* Thực hành nghi lễ cộng đồng

Sinh hoạt tôn giáo chung trong cộng đồng là hoạt động tôn giáo phổ biến của các tôn giáo, riêng đối với Công giáo, giáo hội đặc biệt quan tâm, coi trọng sinh hoạt tôn giáo chung, tập thể mang tính cộng đồng. Thậm chí, giáo luật còn nâng sinh hoạt tôn giáo cộng đồng lên thành “Thánh lễ”, gồm có thánh lễ ngày chủ nhật lễ buộc, lễ trọng hay lễ trầu lượt, lễ thánh quan thầy xứ đạo, họ đạo.

- Việc tham dự lễ chủ nhật tại nhà thờ. Chủ nhật là ngày lễ quan trọng nhất đối với người Công giáo. Các chủ nhật mùa Vọng, mùa Chay, mùa Phục sinh lại càng

91


thiêng liêng hơn. Theo giáo luật, giáo dân phải dành chủ nhật để đi lễ nhà thờ. Tuy nhiên, số người Mông theo Công giáo ít đến nhà thờ làm lễ vào chủ nhật chiếm tỷ lệ không nhỏ. Những người chăm chỉ đi lễ và chịu Mình Thánh Chúa thường xuyên không nhiều. Tín đồ ở xa nhà thờ hoặc già yếu có khi chỉ đi lễ và chịu Mình Thánh một lần trong năm. Thậm chí, không ít thanh niên chểnh mảng việc đi lễ. Quan sát buổi lễ chủ nhật ở các giáo họ ở Lao Chải và Hầu Thào (Sa Pa), giáo điểm Ta Náng (Nậm Xé, Văn Bàn) thấy nhiều tín đồ không đến nhà thờ, nhà nguyện hay cơ sở thờ tự để làm lễ. Có những thanh niên đến nhưng không vào bên trong nhà thờ mà ngồi ở bên ngoài, không đọc Kinh cầu nguyện. Ngoài ra, việc sinh hoạt tôn giáo của người Mông còn tùy thuộc vào thời vụ sản xuất. Vào mùa cấy gặt, nhiều tín đồ không đi lễ nhà thờ. Các lễ chủ nhật vào thời điểm này, nhà thờ thường vắng vẻ, rất ít giáo dân đến tham dự. Khi việc ruộng nương xong, họ có thời gian đến nhà thờ vừa đi lễ, vừa đi chơi, vừa giao lưu đồng đạo. Số người tham dự sinh hoạt tôn giáo mới được đông đủ hơn.

- Về tham dự lễ buộc, lễ trọng. Để đánh giá về mức độ thể hiện niềm tin tôn giáo của giáo dân cần xem việc họ tham dự và thực hành các nghi lễ vào các ngày lễ trong năm, nhất là các Lễ buộc, lễ trọng (Lễ Giáng sinh, Lễ phục sinh, Lễ Chúa Giêsu lên trời, Lễ Chúa Thánh thần hiện xuống, Lễ Đức mẹ Maria hồn xác lên trời, lễ các thánh, lễ ngày Chúa nhật). Người Mông theo Công giáo ở Lào Cai tham dự các lễ buộc khá đều đặn. Vào các ngày lễ này, tín đồ đến dự lễ ở các nhà thờ, nhà nguyện hoặc những cơ sở thờ tự của cộng đồng. Thường thì vào các chủ nhật ở những nơi đông giáo dân đều có linh mục đến làm lễ. Những điểm xa trung tâm, việc tổ chức sinh hoạt và làm lễ do Ban hành giáo ở đó đảm nhiệm. Tín đồ dự lễ trung bình các nơi khoảng 70-80% số người theo đạo. Tín đồ luôn thể hiện lòng tôn kính Đức Chúa và vâng phục linh mục, thực hành các nghi lễ một cách nghiêm túc.

Trong các buổi lễ trọng, tại nhà thờ xứ Sa Pa thường có một em người Kinh và một em người Mông được giao nhiệm vụ đọc Kinh thánh vào ngày thứ bảy và Chủ nhật hằng tuần. Ở các giáo họ, giáo điểm cũng vậy. Một em sẽ đọc Kinh thánh bằng tiếng phổ thông, linh mục giảng nghĩa, sau đó thừa tác viên người bản địa dịch đoạn Kinh ấy ra tiếng Mông (bởi trong cộng đoàn có những tín đồ biết rất ít tiếng phổ thông). Việc đọc Kinh Thánh có yêu cầu rất cao, người đọc phải có cung giọng dành riêng cho từng mùa phụng vụ. Mùa vui, mùa mừng cho quanh năm; mùa thương cho mùa chay Thánh... Qua nghiên cứu của chúng tôi, cung giọng đọc của

92


người Mông cao hơn người Kinh ở miền xuôi. Sở dĩ như thế là do ngôn ngữ của người Mông ở Lào Cai thuộc nhóm ngôn ngữ Mông - Dao, nằm trong ngữ hệ Nam Á. Đặc điểm nổi bật trong ngôn ngữ Mông là hệ thống phụ âm đầu phong phú, nhưng lại nghèo về nguyên âm. Ngôn ngữ Mông là ngôn ngữ đa thanh (7 hoặc 8 thanh). Một câu nói bao gồm nhiều tiếng có nhiều dấu giọng khác nhau. “Mặt khác trong một tiếng của ngôn ngữ Hmông có khuynh hướng nhấn mạnh ở tiếng đầu âm tiết nhưng ngay trong tiếng sau lại được phát âm rất nhẹ” [134, tr.92]. Cung giọng đọc Kinh Thánh của người Mông cao hơn người Kinh và các tộc người khác là vì thế.

Từ khi các giáo sỹ thừa sai truyền giáo vào vùng người Mông ở Sa Pa, họ đã dịch Kinh Thánh sang tiếng Mông để thuận lợi cho việc truyền giảng Phúc âm. Những sách Kinh đầu tiên được dịch qua tiếng Mông La tinh về cơ bản chuyển tải được các ý, tuy nhiên cũng còn nhiều hạn chế, thiếu sót, thậm chí có chỗ dịch không chuẩn nghĩa. Hiện nay, Kinh sách được dịch sang tiếng Mông Latin, dễ đọc, dễ viết hơn (đạo Tin lành cũng sử dụng ngôn ngữ này). Nhờ có sách dịch, tín đồ Công giáo người Mông đã nắm bắt được những tín điều trong Kinh thánh; củng cố đức tin và sùng kính Thiên Chúa, Đức Maria, và các Thánh tông đồ.

Các ngày lễ trọng giáo dân từ các xã Lao Chải, Hầu Thào, Sử Pán, Bản Phùng, Sa Pả, Tả Giảng Phìn thường đi lễ tại nhà thờ xứ ở thị trấn Sa Pa. Tại các nhà thờ, nhà nguyện của giáo họ như Hầu Thào, Lao Chải, tín đồ chăm chỉ đi lễ vào các chủ nhật. Ngày thường, cũng có một số người đến để cầu nguyện nhưng không nhiều, chỉ khoảng một vài chục người mỗi ngày. Những nơi khác như giáo điểm Ta Náng (Nậm Xé, Văn Bàn) hoặc giáo điểm Phìn Hồ Thầu (xã Tả Phời, thành phố Lào Cai) do xa nhà thờ xứ nên giáo dân làm lễ tại một điểm tập trung (nhà của một tín đồ được sử dụng làm cơ sở thờ tự), cũng có khi đến điểm sinh hoạt cùng với nhóm tín đồ Công giáo là người Kinh ở địa bàn lân cận để sinh hoạt.

- Lễ kỷ niệm Thánh quan thày giáo xứ. Ở miền xuôi, lễ Thánh quan thày có từ lâu. Ở các làng Công giáo, nghi lễ này được tổ chức như một ngày “hội làng” vừa mang ý nghĩa tôn giáo, vừa mang ý nghĩa ngày hội của giáo dân, cũng là một sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng. Lễ kỷ niệm Thánh quan thày giáo xứ là lễ hội lớn, có cả phần lễ lẫn phần hội, thiêng liêng và trang trọng, được tổ chức trong khuôn viên của các nhà thờ xứ hoặc nhà thờ họ đạo.

Xem tất cả 229 trang.

Ngày đăng: 29/12/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí