Thực Trạng Tổ Chức Công Giáo Trong Cộng Đồng Người Mông Ở Lào Cai Hiện Nay

69


người Mông thuộc huyện Trạm Tấu và Văn Chấn (Yên Bái) hiện có 05 linh mục thuộc Tu đoàn Truyền giáo Vinh Sơn coi sóc. Năm 2015, Tòa Giám mục Hưng Hóa ký hợp đồng giao hai giáo xứ Phình Hồ (Văn Chấn, Yên Bái) và Tà Ghênh (Trạm Tấu, Yên Bái) cho các linh mục Tu đoàn Truyền giáo Vinh Sơn cai quản. Trong khi đó, tại Lào Cai, các linh mục dòng chỉ hoạt động truyền giáo dưới sự chỉ đạo của linh mục triều. Dễ nhận ra là các linh mục dòng hoạt động rất tích cực, nhiệt tình nên việc truyền giáo đạt kết quả khá cao.

Các linh mục chính xứ, phó xứ, linh mục dòng, nữ tu là người Kinh được Tòa Giám mục Hưng Hóa điều động lên các giáo xứ ở Lào Cai đều có kiến thức nhất định về văn hóa dân tộc thiểu số nói chung và người Mông nói riêng. Một số linh mục ở xứ trên dưới chục năm (linh mục Phạm Thanh Bình, linh mục Nguyễn Văn Thành), nên thuộc địa bàn và hiểu giáo dân. Hoạt động của các linh mục, nữ tu cơ bản tuân thủ theo quy định của pháp luật cũng như quy định của địa phương. Tuy nhiên, cho đến nay, các linh mục vẫn gặp một số trở ngại, nhất là về ngôn ngữ: “khó khăn lớn đối với họ trong việc cải giáo người Mông sang Công giáo, trước hết, vẫn là sự bất đồng về ngôn ngữ. Đội ngũ linh mục không thể giảng đạo bằng tiếng Mông, trong khi không ít người Mông lại không thạo tiếng Kinh” [91, tr.92]. Ngoài ra, với đặc thù miền núi, những bản làng Công giáo thuộc vùng sâu vùng xa mà “các linh mục Công giáo trong điều kiện cai quản một địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, nên khó có thể thường xuyên sống “ba cùng” với người dân. Thêm vào đó chế độ luân chuyển linh mục xứ khó có thể để các linh mục gắn bó cả đời với sinh hoạt tôn giáo của các dân tộc thiểu số theo đạo như các linh mục thừa sai Châu Âu từng thực hiện với họ một thế kỷ trước đó” [91, tr.92].

Về cơ cấu độ tuổi: nhìn chung đội ngũ linh mục ở Lào Cai còn khá trẻ. Tuổi đời bình quân của họ là 45 tuổi (dưới 40 tuổi có 06 người, 41- 45 tuổi có 04 người, 46-50 tuổi có 08 người, trên 51 tuổi có 02 người). Họ được đào tạo cơ bản, trình độ học vấn và trình độ thần học tương đối cao, hiểu biết xã hội rộng, luôn sống gần gũi với đồng bào. Việc tăng cường linh mục lên Lào Cai, nhất là linh mục dòng và tu sĩ, cho thấy chủ trương của Giáo phận Hưng Hóa đang tập trung phát triển tín đồ vùng dân tộc thiểu số nói chung, vùng người Mông ở Lào Cai nói riêng.

Đến thời điểm hiện tại, có khá nhiều linh mục đến hoạt động trên địa bàn tỉnh Lào Cai nhưng vẫn chưa có ai là người Mông. Tình trạng ấy do ba nguyên nhân

70


cơ bản sau: Một là, Công giáo trong cộng đồng người Mông một thời gian dài bị “đứt gãy”, bị khô đạo, nhạt đạo, số lượng tín đồ giảm sút nghiêm trọng, nhất là giai đoạn 1954-1990, nên không có người Mông được cử đi đào tạo. Hai là, Giáo hội Công giáo đòi hỏi tiêu chí rất cao đối với giáo sĩ. Để được vào Chủng viện cần phải đáp ứng yêu cầu về học vấn, ít nhất là tốt nghiệp lớp 12, trong khi đồng bào Mông theo Công giáo ở Lào Cai trình độ dân trí khá thấp nên không đủ điều kiện được đi học. Ba là, dấn thân tu hành phải thực hiện nhiều quy định nghiêm ngặt của Giáo hội Công giáo, điều mà người Mông không dễ gì thực hiện. Do đó, đến nay, cộng đồng người Mông theo Công giáo ở Lào Cai mới có một người học Đại Chủng viện Thánh Giuse Hà Nội và mới được thụ phong phó tế tháng 2/2020, là Mã A Cả, sinh năm 1983 (cháu nội của ông Mã A Thông). Trong tương lai gần có thể có linh mục là người Mông địa phương quản xứ.

* Thực trạng chức việc

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 229 trang tài liệu này.

Chức việc trong cộng đồng Công giáo người Mông ở Lào Cai là những giáo dân được tuyển chọn tham gia ban hành giáo xứ, ban hành giáo họ trước kia và hội đồng giáo xứ.

- Ban hành giáo xứ: Trước năm 2004, cũng như các giáo xứ thuộc Giáo phận Hưng Hóa, giúp việc cho linh mục chính xứ giáo xứ Sa Pa và giáo xứ Lào Cai, ngoài các linh mục phó xứ, linh mục dòng, mỗi giáo xứ còn có một Ban hành giáo xứ. Tổ chức này do linh mục chính xứ cử ra hoặc do tín đồ lựa chọn những giáo dân trong giáo xứ có lòng mộ đạo, đạo hạnh tốt, có uy tín trong cộng đồng, bầu lên giúp cho linh mục chính xứ sinh hoạt tôn giáo và cai quản cộng đồng. Theo đó, Ban hành giáo xứ có từ 05 đến 07 người, gồm chánh trương, phó trương, trương tuần, thư ký, thủ quỹ giúp việc và các trùm họ đạo.

Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai - 10

Hiện nay, giáo xứ Sa Pa có 4 giáo họ và 10 giáo điểm trực thuộc giáo họ, trong đó Ban hành giáo các họ trong vùng người Mông thường có từ 7 đến 10 thành viên, ban trùm giáo điểm có từ 3-5 người. Như vậy, số thành viên của Hội đồng giáo xứ Sa Pa hiện nay có tới 60-70 người. Số lượng này đông hơn rất nhiều mô hình ban hành giáo xứ, họ đạo trước đây.

Về độ tuổi, nhìn chung đội ngũ chức việc trong vùng dân tộc Mông ở Sa Pa còn rất trẻ, chủ yếu trên dưới 40 tuổi. Trong số 25 người, 02 người trên 50 tuổi, 03 người trên 40 tuổi, 18 người từ 30 đến 40 tuổi và 02 người dưới 30 tuổi (xem phụ

71


lục 4). Trình độ học vấn của thành viên ban hành giáo nhìn chung khá thấp, số người học hết phổ thông trung học không nhiều, cơ bản là trung học cơ sở, cá biệt là tiểu học. Điều này ảnh hưởng đến việc thực hiện mục vụ và lễ nghi công giáo.

Về giới tính, tham gia Ban hành giáo chủ yếu là nam giới. Trong các giáo họ, chỉ có giáo họ Hầu Thào có 01 phụ nữ tham gia ban hành giáo, giữ chức vụ thủ quỹ (xem phụ lục 4). Sở dĩ như vậy vì phụ nữ Mông trình độ học vấn hạn chế lại bận bịu gia đình, ruộng nương, con cái nên khó tham gia được công việc chung của họ đạo. Hơn nữa, phụ nữ Mông rất ngại tham gia công việc xã hội. Họ yếu về khả năng tổ chức, phân công công việc và kỹ năng thuyết trình trước đám đông.

- Đội ngũ thừa tác viên: Trong các ban hành giáo xứ, giáo họ và giáo điểm người Mông ở Lào Cai hiện nay đều có các thừa tác viên. Đó là những người được linh mục chính xứ ủy quyền cho một số hoạt động mục vụ, như dạy giáo lý, thực hiện bí tích rửa tội cho người nguy tử… Những năm gần đây, việc xây dựng đội ngũ thừa tác viên trong cộng đồng giáo dân người Mông được Tòa Giám mục Hưng Hóa hết sức quan tâm, tuyển chọn kỹ lưỡng. Thừa tác viên phải đọc thông viết thạo, hiểu biết giáo lý, giáo luật và lễ nghi; hình thức dễ nhìn, nhân thân tốt, không quá trẻ cũng không quá già (từ 40 đến 60 tuổi). Họ được đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức sơ đẳng nhất về thực hành nghi lễ như: nghi thức Thánh tẩy, nghi thức Xức dầu, đọc kinh trong các dịp lễ. Riêng ở giáo xứ Sa Pa, các giáo họ lớn như: giáo họ thị trấn Sa Pa, giáo họ Lao Chải và giáo họ Hầu Thào đều có thừa tác viên (thị trấn: 01, Lao Chải: 02, Hầu Thào: 02). Người được tiến cử làm thừa tác viên phải thể hiện sự tốt lành của mình qua đức tin, nếp sống và phẩm hạnh để nêu gương cho các tín đồ khác qua lòng mộ đạo và sự tôn kính Thiên Chúa.

Với những điều kiện nêu trên, thừa tác viên là người rất tín nhiệm trong cộng đoàn tín hữu. Để đáp ứng được yêu cầu mục vụ, hằng năm họ phải dự các khóa thường huấn được tổ chức tại Tòa Giám mục, hoặc do giáo xứ tổ chức. Ở những địa bàn xa xôi, linh mục ủy quyền cho thừa tác viên thực hành nghi lễ vào ngày thứ năm Tuần Thánh. Khi cộng đồng có người qua đời, thừa tác viên có thể thay linh mục làm các thủ tục tang lễ theo quy định. Trước đây, do thiếu linh mục nên đội ngũ thừa tác viên đóng vai trò quan trọng trong giáo họ. Hiện nay, số lượng linh mục tương đối đông đủ cho việc phục vụ các cộng đoàn, nên thừa tác viên chủ yếu là người giúp việc trong các buổi lễ.

72


Có thể nói, thừa tác viên vùng dân tộc Mông có vai trò rất quan trọng, nhất là ở những giáo điểm mới thành lập, còn thiếu linh mục hoặc linh mục ít đến được. Họ giống như đội ngũ giáo phu làng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, là những nhà truyền giáo đắc lực, đồng thời là những người phục vụ Giáo hội sốt sắng, tích cực, hiệu quả.

3.1.2. Thực trạng tổ chức Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai hiện nay

Các loại hình tổ chức của Công giáo trong vùng đồng bào dân tộc Mông ở Lào Cai hiện nay gồm có giáo xứ, giáo họ, giáo điểm và các hội đoàn. Các tổ chức này đặt dưới sự coi sóc của linh mục chính xứ, linh mục phó xứ, các linh mục phụ tá, các tu sĩ và han hành giáo xứ, han hành giáo họ phụ giúp.

3.1.2.1. Giáo xứ và tổ chức Hội đồng giáo xứ

Theo Bộ Giáo luật hiện hành của Giáo hội Công giáo (ban hành năm 1983), giáo xứ là một cộng đoàn tín đồ được thiết lập một cách bền vững ở trong giáo hội địa phương (giáo phận). Việc chăm sóc mục vụ được giao phó cho một linh mục, dưới quyền của Giám mục giáo phận. Giáo xứ là đơn vị cơ bản cấu tạo thành Giáo hội Công giáo. Hiện nay, tín đồ Công giáo người dân Mông ở Lào Cai sinh hoạt tại hai giáo xứ Sa Pa và giáo xứ Lào Cai.

- Giáo xứ Sa Pa: thành lập năm 1902, do các giáo sĩ Hội Thừa sai Paris (MEP) cai quản. Năm 1926, giáo xứ xây dựng nhà thờ và nhà xứ. Hiện nay, giáo xứ Sa Pa có 4 giáo họ (giáo họ chính xứ, giáo họ Lồ Lao Chải, giáo họ thôn Lý Lao Chải, giáo họ Hầu Thào) và 11 giáo điểm: Bản Phùng Mông, Bản Toòng, San 2, San 1, Tả Van (giáo họ Lao Chải); Sả Séng, Sử Pán, Hầu Chư Ngài (giáo họ Hầu Thào); thôn Lý 2, thôn Lý 3 (giáo họ Thôn Lý) và giáo điểm Tả Giàng Phìn (giáo điểm độc lập), với 4.497 tín đồ (trong đó 4.197 người Mông) [63].

- Giáo xứ Lào Cai: thành lập từ năm 1912, tín đồ chủ yếu là người Kinh từ miền xuôi lên làm ăn sinh sống. Giáo xứ Lào Cai hiện có 04 giáo họ (giáo họ chính xứ, giáo họ Bắc Cường, giáo họ Bảo Hà và giáo họ Mường Khương) và một số giáo điểm (trong đó có hai giáo điểm tín đồ người Mông là giáo điểm thôn Phìn Hồ Thầu xã Tả Phời, thành phố Lào Cai và giáo điểm Ta Náng, xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn), với 5.869 tín đồ (chiếm 63,6%, tổng số tín đồ Công giáo toàn tỉnh), do linh mục Nguyễn Văn Thành làm linh mục chính xứ [62].

73


- Tổ chức Hội đồng giáo xứ. Trước năm 2004, cũng như trong giáo phận Hưng Hóa, các giáo xứ Sa Pa, Lào Cai có tổ chức của giáo dân giúp việc cho linh mục chính xứ được gọi là Hội hàng phủ, hội hàng xứ hay Ban hành giáo xứ đạo. Theo đó, cơ cấu tổ chức của Ban Hành giáo xứ, họ đạo thường đơn giản, ở giáo xứ có chức chánh trương hay chánh thông đứng đầu phụ trách chung, có phó chương (giáo thứ lớn có thể có 2 phó chương), tuần kiểm (giữ trật tự trọng các buổi lễ), thư ký, thủ quỹ và các thành viên (ông chương, bà chương dạy giáo lý cho trẻ em). Ban hành giáo họ thường có trùm trưởng phụ trách chung, có trùm phó (họ lớn có thể có 2 trùm phó), thư ký, thủ quỹ và ông quản, bà quản dậy giáo lý cho trẻ em và tân tòng.

Ngày 26 tháng 11 năm 2004, Giám mục giáo phận Hưng Hóa An tôn Vũ Huy Chương ban hành Bản quy chế hội đồng giáo xứ thực hiện cho toàn giáo phận. Bản quy chế xác định: “Hội đồng Giáo xứ theo tinh thần Giáo luật hiện hành là một cơ chế gồm những giáo dân đạo đức trong giáo xứ có uy tín, có tinh thần phục vụ, được chọn bầu lên để tham gia việc điều hành giáo xứ dưới quyền lãnh đạo và trách nhiệm của cha quản xứ (xem GL, 536- 537). Còn theo phương diện dân sự “Hội đồng Giáo xứ là một tổ chức mà các thành viên là những giáo dân tiêu biểu, được toàn thể giáo dân trong giáo xứ bầu ra, để làm đại diện chính thức cho giáo dân trong các mối tương quan đối nội và đối ngoại của giáo xứ, đặc biệt là cầu nối liên hệ giữa các giáo dân với giáo quyền và chính quyền” [xem phụ lục 5].

Về cơ cấu tổ chức, bản quy chế này quy định Hội đồng giáo xứ gồm: mọi thành viên Ban hành giáo đã được bầu cử hợp lệ của các họ đạo trong Giáo xứ. Hội đồng giáo xứ tổ chức đại hội bầu cử Ban Thường vụ Hội đồng giáo xứ. Ban Thường trực hội đồng gồm có Chủ tịch Hội đồng (chánh trương, chánh thông), Phó Chủ tịch Nội vụ (phó chương), phó Chủ tịch ngoại vụ (phó chương) phụ trách Đối ngoại và Bác ái, xã hội; Thư ký, Thủ quỹ.

Các ủy viên Hội đồng gồm có: ủy viên chuyên trách Giáo lý đức tin; ủy viên chuyên trách Phụng tự; ủy viên chuyên trách Bác ái; ủy viên chuyên trách Truyền giáo; ủy viên chuyên trách Kinh tài. Các Tiểu ban chuyên trách của Hội đồng giáo xứ; Tiểu ban Giáo lý Đức tin; Tiểu ban Phụng tự; Tiểu ban Bác ái; Tiểu ban Truyền giáo; Tiểu ban Kinh tài.

Hội đồng giáo xứ có nhiệm vụ: 1) Nắm bắt tình hình giáo xứ về mọi mặt, nhất là về đời sống Đức tin và phong hóa. Cùng với Cha quản xứ tìm ra phương

74


hướng giải quyết; 2) Phối hợp các sinh hoạt mục vụ ở các Giáo họ, nhưng vẫn tôn trọng đức tính độc lập nội bộ của mỗi Giáo họ; 3) Giúp cha quản xứ quản lý tài sản chung của giáo xứ. Người được tuyển chonjvaof Hội đồng giáo xứ phải có lòng đạo đức uy tín, nhiệt thành lo công ích, không bị ngăn trở bởi Giáo Luật và Dân Luật; có đủ năng lực đáp ứng với công tác sẽ đảm nhận. Tuổi đời từ 30 đến 65 tuổi, nhiệm kỳ 4 năm [xem phụ lục 5].

Căn cứ vào quy chế nêu trên, hiện nay giáo xứ Sa Pa và giáo xứ Lào Cai đều đã chuyển sang theo mô hình Hội đồng giáo xứ.

Trong nhiều năm, giáo xứ Lào Cai không sinh hoạt tôn giáo cũng như không có linh mục xứ để hướng dẫn đời sống tâm linh cho giáo dân, nên mọi sinh hoạt của giáo xứ gần đây coi như mới bắt đầu. Sự hiểu biết về giáo lý chưa sâu sắc vì không được học thường xuyên, dẫn đến đời sống đạo của đồng bào còn nhiều yếu kém. Trình độ dân trí thấp, nhiều người không biết chữ nên nhận thức về giáo lý, giáo luật hạn chế. Hiện nay, Giáo phận Hưng Hóa chủ trương phát triển và xây dựng cộng đoàn giáo xứ thành một cộng đoàn đức tin, phụng sự, bác ái. Đó cũng là mục tiêu truyền giáo của giáo hội. Giáo phận đang tiếp tục đào tạo thêm giáo lý viên, thường xuyên quan tâm động viên để họ nhiệt tình giảng dạy giáo lý. Ngoài ra, Giáo phận đẩy mạnh đào tạo ca đoàn, cổ vũ tinh thần bác ái, quan tâm tới người nghèo và những người khuyết tật trong giáo xứ.

3.1.2.2. Giáo họ và tổ chức Ban hành giáo họ đạo

- Giáo họ: như đã đề cập, người Mông theo Công giáo ở Lào Cai hiện nay sinh hoạt tôn giáo chủ yếu trong 03 giáo họ (Hầu Thào, thôn Lồ Lao Chải, thôn Lý lao Chải) và 01 giáo điểm thuộc giáo xứ Sa Pa; 02 điểm giáo thuộc giáo xứ Lào Cai (giáo điểm Phìn Hồ Thầu (thành phố Lào Cai) và giáo điểm Tà Náng (xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn). Trong đó, giáo họ Hầu Thào được thành lập vào năm 1926, giáo họ Lao Chải thành lập vào năm 1927 và giáo họ Thôn Lý Lao Chải (tách ra từ giáo họ Lao Chải) thành lập vào năm 2008.

Trong những năm mới thành lập, hai giáo họ Hầu Thào và Lao Chải được linh mục Hội Thừa sai Paris thường xuyên đến thuyết giảng và hướng dẫn việc đạo. Giúp việc cho các linh mục còn có những người Mông ở đó. Vì thế, hai giáo họ có sự phát triển về số lượng giáo dân, trở thành cộng đồng khá bền vững. Từ năm 1948 đến năm 1994, hai giáo họ hầu như không có linh mục, mọi lễ nghi và sinh hoạt tôn

75


giáo đều do chức việc và người có uy tín trong họ đạo đảm nhiệm. Năm 1995, hai giáo họ Hầu Thào, Lao Chải được tái lập và sinh hoạt trở lại, trực thuộc giáo xứ Sa Pa. Đây là hai giáo họ “gốc”, hiện có số tín đồ là người Mông đông nhất ở Lào Cai, được chính quyền công nhận. Giáo dân ở Sử Pán, Bản Phùng, Sa Pả (Sa Pa); Nậm Xé (Văn Bàn), Tả Phời (thành phố Lào Cai) đều có nguồn gốc từ hai giáo họ nêu trên, hoặc do di cư, hoặc do quan hệ hôn nhân. Ở hai giáo họ Lao Chải và Hầu Thào, số lượng tín đồ đông đảo và tập trung nên mọi sinh hoạt tôn giáo tương đối thuận lợi. Hai giáo họ này đều có nhà thờ và nhà nguyện. Vào các ngày lễ buộc, lễ trọng có các linh mục xứ hoặc linh mục dòng đến làm lễ. Giáo họ Hầu Thào có

1.320 tín đồ; giáo họ Lao Chải có 1.917 tín đồ. Giáo họ thôn Lý Lao Chải có 960 tín đồ [63]. Còn lại tín đồ sinh hoạt ở các giáo điểm khác.

Tổ chức ban hành giáo họ đạo (giáo họ). Vào thời các thừa sai, đứng đầu mỗi họ đạo là một vị giáo trưởng (như chức trùm trưởng trong các giáo họ ở miền xuôi của người Việt vậy), thường là người có uy tín nhất trong đạo. Trong đó, họ đạo Hầu Thào do ông Má A Thông làm giáo trưởng; họ đạo Lao Chải do ông Lồ A Tính làm giáo trưởng. Giúp việc cho giáo trưởng có phó giáo trưởng và các thầy giảng phụ trách việc giảng dạy giáo lý cho trẻ em và người tân tòng.

Từ năm 2004, các giáo họ trong vùng đồng bào người Mông ở Lào Cai cũng thực hiện theo quy chế Hội đồng giáo xứ của Giáo phận Hưng Hóa. Theo đó, thành phần Ban hành Giáo các giáo họ gồm các thành viên: trưởng ban phụ trách chung; Phó ban nội vụ phụ trách Giáo lý Đức tin; Phó ban ngoại vụ phụ trách công tác Truyền giáo; Thư ký; Thủy quỹ; Các ủy viên còn lại chuyên trách các công tác Giáo lý Đức tin, Phụng tự, Bác ái, Truyền giáo và Kinh tài. Tuyển chọn Ban Hành giáo các Giáo họ (theo hai phương thức): phổ thông đầu phiếu, cử tri là giáo dân trong họ đạo, từ 18 tuổi trở lên hoặc mỗi gia đình cử một cử tri đi bầu cử (có thể gửi phiếu đến từng gia đình để thăm dò ý kiến từng người, từ 18 tuổi trở lên) [xem phụ lục 5].

Hiện nay, Ban hành giáo họ đạo Hầu Thào có 08 thành viên, gồm: 01 trưởng ban, 01 phó trưởng ban nội vụ, 01 phó trưởng ban ngoại vụ, thư ký, thủ quỹ và 03 thành viên. Ban hành giáo họ đạo Lồ Lao Chải có 10 thành viên, gồm 01 trưởng ban, 01 phó trưởng ban nội vụ, 01 phó trưởng ban ngoại vụ, không có thư ký, thủ quỹ, còn lại là 07 thành viên. Tương tự, Ban hành giáo họ đạo Lý Lao Chải có 07

76


thành viên, gồm 01 trưởng ban, 01 phó trưởng ban nội vụ, 01 phó trưởng ban ngoại vụ, không có thư ký, thủ quỹ, còn lại là 5 thành viên (xem phụ lục 4).

Do địa bàn rộng, đi lại khó khăn nên linh mục ít khi đến những giáo điểm, mọi hoạt động mục vụ cơ bản ủy quyền cho trùm trưởng giáo điểm. Tín đồ ở đây phát triển chậm, chủ yếu là tăng tự nhiên theo dân số do sinh đẻ.

Mỗi giáo họ có Thánh quan thày, nam tín đồ thường lấy tên Thánh quan thày để đặt tên thánh cho mình. Ví như ở giáo họ Lao Chải, Thánh quan thầy là Micae thì hầu hết nam giới lấy tên thánh là Micae. Tương tự, giáo họ Hầu Thào có Thánh quan thày là Giuse nên nam giới đều lấy tên thánh là Giuse. Việc lựa chọn tên thánh là do người theo đạo thế hệ trước trong họ tộc lấy tên thánh nào thì thế hệ sau lấy theo như thế. Trong cộng đồng người Mông giữa dòng tộc và họ đạo có một sự liên kết chặt chẽ và đan quện vào nhau tạo nên một kết cấu dòng họ - họ đạo. Điều này đã làm thay đổi cấu trúc xã hội truyền thống của người Mông nhưng lại rất phù hợp với điều kiện thực tế của vùng đồng bào Công giáo.

3.1.2.3. Giáo điểm

Hiện nay, trong tổ chức giáo hội cơ sở ở vùng người Mông còn xuất hiện các “giáo điểm”. Đơn vị đạo này mới xuất hiện những năm gần đây giống như các dâu, gia, tích, giáp, giáo khu ở vùng đồng bằng Bắc Bộ hay giáo buôn ở khu vực Tây Nguyên. Các giáo điểm thường trực thuộc các giáo họ, song có giáo điểm độc lập, trực thuộc giáo xứ. Tính đến năm 2019, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 13 giáo điểm vùng đồng bào Mông. Trong đó, giáo họ Hầu Thào có 03 giáo điểm, đều thành lập năm 2008: giáo điểm Sả Xéng có 100 tín đồ, giáo điểm Sử Pán có 200 tín đồ, giáo điểm Hầu Chư Ngài có 120 tín đồ. Giáo họ Lao Chải có 05 giáo điểm: giáo điểm Bản Phùng Mông, thành lập năm 2008, có 205 tín đồ; giáo điểm Bản Toòng, lập năm 2008, có 162 tín đồ; giáo điểm San 1, thành lập năm 2015, có 240 tín đồ; giáo điểm San 2, thành lập năm 2015, có 200 tín đồ; giáo điểm Tả Van, thành lập năm 2015, có 60 tín đồ. Giáo họ thôn Lý Lao Chải có 02 giáo điểm: giáo điểm Thôn Lý 2, thành lập năm 2015, có 260 tín đồ; giáo điểm thôn Lý 3, thành lập năm 2015, có 120 tín đồ. Ngoài ra, có 3 giáo điểm trực thuộc giáo xứ, hoạt động như giáo họ. Đó là giáo điểm Tả Giàng Phình (giáo điểm độc lập), thành lập năm 2015, có 120 tín đồ; giáo điểm Phìn Hồ Thầu, xã Tả Phời, thành phố Lào Cai, thành lập năm 2015, có 48 tín đồ; giáo điểm Nậm Si Tan (xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn) trực thuộc giáo xứ Lào Cai, thành lập năm 2015, có 102 tín đồ (xem phụ lục 3).

Xem tất cả 229 trang.

Ngày đăng: 29/12/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí