Ảnh Hưởng Của Công Giáo Đến Đời Sống Xã Hội Của Người Mông Theo Công Giáo Ở Lào Cai Hiện Nay

101


chồng thì về báo với gia đình nhà trai sắm sửa lễ vật sang nhà gái dạm hỏi. Được sự đồng ý của gia đình hai bên, đôi trai gái phải học giáo lý hôn nhân, kể cả trường hợp một bên theo Công giáo một bên không, thì cả hai đều cùng phải học kinh bổn, để hiểu biết ít nhiều về giáo lý, về cuộc sống hôn nhân và trách nhiệm vợ chồng. Thời gian học khoảng 3 tháng, nhưng không liên tục, mỗi tuần học từ 1 đến 2 buổi. Nếu sắp xếp được thời gian, linh mục (hoặc nữ tu) tổ chức cho đôi nam nữ học liền trong 15 ngày. Học xong, linh mục kiểm tra kiến thức. Đôi nam nữ trả lời đúng các câu hỏi, nghĩa là đã hoàn thành chương trình, đủ điều kiện để tiến tới hôn nhân. Người ngoài Công giáo kết hôn với người Công giáo, sau khi học xong giáo lý còn phải được linh mục làm lễ lĩnh nhận các bí tích khai tâm: Rửa tội, Thêm sức, Thánh thể rồi mới được làm đám cưới. Nếu sau khi học xong giáo lý hôn nhân mà bên lương không cải đạo thì kể như cuộc hôn nhân không thành. Cá biệt có trường hợp khi cưới nhau rồi, bên lương vẫn giữ phong tục truyền thống, không muốn theo Công giáo thì mặc dù về hình thức không bị bắt buộc nhưng cũng gặp nhiều trở ngại trong nếp sống hằng ngày, nhất là đối với cô dâu. Tuy nhiên, những hiện tượng trên rất ít xảy ra, vì khi thuận tình lấy nhau thì người chồng hoặc vợ khác tín ngưỡng, tôn giáo đều phải chấp nhận cải đạo để trở thành tín đồ Công giáo.

Hiện nay, Giáo hội Công giáo có nhiều hoạt động như gặp gỡ, trao đổi, tư vấn hôn nhân để các cặp vợ chồng có thêm sự hiểu biết về đời sống gia đình sau này, tránh việc chỉ chú trọng tổ chức lễ cưới, tiệc cưới mà không chú tâm đến thực hiện các nghi thức theo quy định của giáo luật.

Khi thực hành bí tích Hôn nhân, linh mục sẽ mời đôi trai gái nói lên những cam kết sau: (1) Khẳng định mình tự do tìm hiểu, yêu nhau, thật lòng muốn kết hôn với nhau, không có sự ép buộc nào. Bởi giáo lý Công giáo quy định sự ưng thuận giữa hai người phối ngẫu là sự cần thiết “làm nên hôn nhân, nếu thiếu sự ưng thuận, thì không có hôn nhân” [73]. (2) Cam kết yêu thương nhau, kính trọng nhau suốt đời. (3) Sẵn sàng đón nhận con cái mà Chúa sẽ ban và yêu thương, nuôi dạy chúng theo luật Chúa Giêsu và Hội Thánh. Sự cam kết trọn đời ấy chỉ có cái chết mới chấm dứt được tình trạng hôn nhân giữa hai người và cũng chỉ dành cho con người sống trên trần gian.

Những điều nêu trên được đề ra từ khi lập nên giáo hội Công giáo. Về lịch sử, Công giáo ra đời cách đây hơn hai nghìn năm, vào thời kỳ chuyển từ chế độ

102


chiếm hữu nô lệ sang chế độ phong kiến. Trong xã hội ấy, thân phận phụ nữ rất đau khổ, chịu nhiều bất công, bất bình đẳng. Người đàn ông có thể lấy nhiều vợ và có thể bỏ vợ bất kỳ lúc nào. Công giáo đưa vào bí tích Hôn phối như một sự ràng buộc hôn nhân giữa hai vợ chồng, tôn trọng nhau, yêu thương nhau. Điều này ở bất cứ thời đại nào, dân tộc nào người phụ nữ cũng mong muốn. Với phụ nữ người Mông, họ càng khao khát hơn, bởi họ chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, phải làm lụng vất vả, sinh nở, nuôi nấng con cái, cáng đáng công việc nhà chồng. Nhiều người không được hạnh phúc vì bị nhà chồng (có khi cả người chồng) hắt hủi, ruồng rẫy. Bước chân đi lấy chồng tức là “nhập ma” nhà chồng, không thể bỏ nhà chồng về nhà bố mẹ đẻ dù bất cứ lý do gì. Nếu tự ý bỏ chồng thì phải hoàn trả toàn bộ tiền sính lễ khi nhà trai cưới hỏi và sẽ không còn ai “bắt” về làm vợ nữa. Do đó, không ít phụ nữ Mông phải cam phận tủi khổ trong sự đối xử bạc đãi. Khi theo Công giáo, được cam kết trước Chúa, phụ nữ như được che chở, được hưởng hạnh phúc trong ân sủng của Chúa. Có lẽ bởi thế mà phụ nữ Mông theo Công giáo luôn có niềm tin tôn giáo sâu sắc và bền vững.

Hôn nhân chỉ được tổ chức khi đôi nam nữ đảm bảo các điều kiện về mặt dân sự, đúng theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình. Đối với người Công giáo thì còn phải tuân thủ theo những chuẩn tắc của Giáo hội. Nếu chỉ đúng Luật hôn nhân và gia đình thì chưa đủ, đôi nam nữ chưa phải là vợ chồng trong cộng đoàn Dân Chúa, giáo hội không công nhận và coi như phạm tội trước Chúa. Cô dâu, chú rể chưa học giáo lý, chưa thực hiện phép Hôn phối mà vẫn tổ chức đám cưới thì cả khách đến dự cũng bị coi là mắc tội. Vì thế, trong trường hợp không có linh mục thì ít nhất cũng phải được thừa tác viên làm phép chứng hôn, đợi đến khi có linh mục sẽ thực hiện bí tích Hôn phối. Đây là điều bắt buộc mà gia đình và người trưởng thành phải có trách nhiệm trước Giáo hội, thực thi nghiêm túc giáo luật. Để giáo dân thực hiện tốt những điều nêu trên, mỗi giáo họ phải xây dung quy ước riêng. Ví dụ, giáo họ Hầu Thào quy định tổ chức việc cưới như sau:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 229 trang tài liệu này.

Tuổi kết hôn: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên mới được kết hôn, kết hôn tự nguyện, bình đẳng, hôn nhân một vợ, một chồng và phải đến Ủy ban nhân dân xã làm thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật.

Thời gian: từ khi chính thức trình diện linh mục xứ và ban hành giáo đến khi lĩnh nhận bí tích Hôn phối phải có khoảng thời gian ít nhất 03 tháng để học giáo lý

Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai - 14

103


và chuẩn bị những điều cần thiết. Tất cả những trường hợp ăn ở với nhau trước khi lĩnh nhận bí tích Hôn phối đều phạm luật và phải chịu hình thức phạt.

Chương trình học: Học Kinh ban sáng, Kinh ban tối, ngày Chúa nhật, học giáo lý dự tòng, giáo lý hôn nhân, các nghi thức Công giáo khác (bằng tiếng Mông nếu không biết tiếng phổ thông).

Thách cưới: thách cưới không có lễ phụ kèm theo (lợn, gà, rượu…) thì không quá 2 triệu đồng/1đám; thách cưới có lễ phụ kèm theo thì lợn không quá 70kg, rượu không quá 20 lít, tiền thách cưới không quá 20 triệu đồng/1đám.

Cam kết: các gia đình có con chuẩn bị kết hôn phải cam kết thực hiện những quy định trên khi trình diện với linh mục xứ và ban hành giáo [168].

Những quy định về việc cưới nêu trên rất cụ thể, chi tiết mà tín đồ Công giáo người Mông phải thực hiện. Nó có ý nghĩa cả về kinh tế lẫn về xã hội, giúp hạn chế nạn tảo hôn, tiệc tùng tốn kém, thách cưới nặng nề. Tuy nhiên, thực tế vùng người Mông theo Công giáo ở các xã hiện nay vẫn còn nhiều đôi nam nữ lấy nhau khi chưa đủ tuổi kết hôn theo pháp luật (tảo hôn). Họ về chung sống với nhau, có cuộc sống vợ chồng thực thụ nhưng không được đăng ký kết hôn (về luật pháp) và cũng không được lĩnh nhận bí tích Hôn phối. Vấn đề này giáo hội cũng không chấp thuận, nhưng với một dân tộc còn nhiều hủ tục thì điều này khó tránh khỏi. Những trường hợp tảo hôn, việc thực hiện nghi thức hôn nhân theo Công giáo sẽ phải thực hiện sau, tức là đợi đến khi đủ tuổi kết hôn được chính quyền công nhận, hai gia đình mới tổ chức tiệc cưới.

Người Mông có quy ước rất khắt khe là những người cùng họ không bao giờ được kết hôn với nhau, dù hai người không có quan hệ huyết thống. Giáo hội Công giáo cũng khuyên giáo dân giữ lấy tập tục ấy để tránh tình trạng kết hôn cận huyết, ảnh hưởng đến giống nòi. Ở đây, yếu tố văn hóa dòng tộc ăn sâu trong tâm khảm người Mông, dù họ giữ tín ngưỡng truyền thống hay theo Công giáo thì quan hệ dòng họ không hề thay đổi. Sự phân biệt dòng họ của người Mông theo tín ngưỡng truyền thống là cách thức cúng các ma chứ không phải chỉ là tên họ. Những người theo Công giáo không còn cúng ma nữa, nhưng trong tâm thức của họ vẫn nhớ về cội nguồn dòng tộc của mình, nghĩa là vẫn nhớ họ mình cúng ma như thế nào để con cái không lấy nhau cùng họ.

Nghi lễ cưới của người Mông theo Công giáo có sự đan xen giữa văn hóa truyền thống và văn hóa Công giáo. Để đi đến hôn nhân tất yếu phải qua các bước

104


mang tính thủ tục: dạm ngõ, lễ hỏi, lễ cưới. Về phần đạo phải được linh mục làm lễ tại nhà thờ xứ hoặc nhà thờ họ. Nghi lễ này diễn ra trọng thể, trang nghiêm trước sự chứng giám của cộng đồng và gia đình hai bên tại nhà thờ hoặc nhà nguyện. Trước bàn thờ Chúa, đôi nam nữ trao nhẫn cưới (bằng vàng, bạc, đồng hoặc nhôm), thề chung thủy với nhau suốt đời. Từ đây, họ chính thức nên vợ chồng, sống trọn đời với nhau. Giai đoạn không có linh mục (1948-1995), nghi lễ này do người có uy tín trong cộng đồng Công giáo đảm nhiệm. Ở giáo họ Lao Chải và giáo họ Hầu Thào (Sa Pa) thời gian này do ông Lồ A Thông thực hiện việc chứng hôn. Nghi thức diễn ra tại nhà ông Lồ A Thông. Sau khi đôi trai gái đến xin làm lễ cưới, ông Thông căn dặn vợ chồng trẻ giữ nếp sống đạo, yêu thương nhau, trách nhiệm với nhau, con dâu có nghĩa vụ bên nhà chồng, vợ chồng cùng nhau xây dựng tổ ấm gia đình. Sau đó đôi trai gái đọc Kinh ăn năn tội Kinh lạy cha. Ông Thông là người làm chủ lễ, mọi người có mặt cầu nguyện cho vợ chồng được mạnh khỏe, hạnh phúc, nhiều con cháu, chu toàn việc đạo. Có thể nói, các thủ tục được đơn giản đi nhiều nhưng rất ý nghĩa trong việc giữ đạo của người Mông theo Công giáo.

Trong giai đoạn 1995 - 2005, ở Lào Cai chưa có linh mục thường trú, Tòa Giám mục Hưng Hóa ủy quyền cho các thừa tác viên thực hiện việc chứng hôn cho tín đồ. Từ năm 2006, ở giáo xứ Sa Pa có linh mục quản xứ, những cặp vợ chồng đã kết hôn trước đây, chưa được linh mục làm lễ, thì đến nhà thờ xứ để lĩnh nhận bí tích Hôn phối. Nhiều người đã cao tuổi, lên ông lên bà vẫn đến thực hành một cách đầy đủ. Điều đó cho thấy, nghi lễ Hôn phối vô cùng quan trọng đối với đời sống vợ chồng của người Mông theo Công giáo, khi chưa được nhận bí tích, chưa được linh mục làm lễ, tín đồ vẫn cảm thấy chưa thực sự yên tâm.

Trong đám cưới, một phần không thể thiếu là tiệc liên hoan. Dù nhà giàu hay nghèo, gia đình phải tổ chức cỗ bàn mời họ hàng hai bên và xóm giềng đến ăn uống, chúc mừng hạnh phúc lứa đôi. Việc này chủ yếu làm bên nhà gái, vì theo “lý” là nhà trai đã dẫn đầy đủ lễ vật và tiền mặt cho nhà gái thì nhà gái phải làm cỗ mời hai họ. Đám cưới người Mông theo Công giáo thường làm từ 20 đến 30 mâm cỗ (mỗi mâm 6- 8 người). Khách tham dự là người trong dòng họ, thôn bản và họ đạo. Giáo hội khuyến khích việc tổ chức đám cưới trên tinh thần vui vẻ, thiêng liêng, tiết kiệm, đúng lẽ đạo.

Sự pha trộn giữa văn hóa Công giáo với văn hóa truyền thống của đồng bào Mông phản ánh hai mặt của một vấn đề. Một mặt là sự hội nhập của văn hóa Công

105


giáo với văn hóa truyền thống dân tộc Mông. Mặt khác minh chứng sự tiếp biến, thích ứng của văn hóa người Mông khi họ theo Công giáo. Đây cũng có thể được xem như một sắc thái riêng, một đặc trưng của đồng bào có đạo.

* Nghi lễ tang ma (hôngx sưv)

Tang ma là một biến cố lớn trong gia đình nên được người Mông rất coi trọng gắn với đó là các nghi lễ. Tang ma của người Mông theo Công giáo vừa thực hiện theo nghi lễ Công giáo vừa mang yếu tố truyền thống. Truyền thuyết của người Mông kể rằng, xưa kia họ không chết nhưng trời bắt phải chết nên sau khi chết linh hồn được lên trời (gần giống với truyền thuyết của Ki tô giáo). Người Mông quan niệm, người chết (tuôs) là hoàn thành phận sự ở trần thế để về với tổ tiên; chết là tuân theo quy luật của tự nhiên, ai cũng phải chết, nhưng chết chưa phải là hết mà hồn người chết vẫn còn, nên gia chủ phải tổ chức tang lễ với những nghi thức thật chu đáo để không bị hồn về quở trách.

Khi trong nhà có người qua đời, con cháu thổi ba hồi tù và (trước đây, tang chủ còn bắn 3 phát súng kíp), sau đó đi báo cho mọi người trong thôn bản biết nhà có tang, rồi người nhà tiến hành khâm liệm. Nghi lễ đám tang của người Mông theo tín ngưỡng truyền thống có quy mô khác nhau, theo hoàn cảnh gia đình, vị trí xã hội, tuổi thọ người chết. Người có tuổi thọ cao, có uy tín, gia đình khá giả thì làm đại tang; người có tuổi trung bình, gia cảnh con cháu bậc trung làm quy mô vừa phải. Nhà nghèo, hoặc chết trẻ thì giản đơn hơn.

Một thủ tục không thể thiếu là đón thầy dở mủ (zơưv mu), phải làm lễ “chỉ đường” (kruôz cêr) cho người chết để họ về được với tổ tiên. Thầy dở mủ sẽ cúng khấn đưa hồn người chết đi từ các địa danh xa xưa của người Mông, đến vùng đất tổ Quý Châu (Trung Quốc) rồi từ đó lên trời - nơi tổ tiên của họ sinh sống - ở đó có cuộc sống vĩnh hằng. Đối với người Mông, lễ “chỉ đường” cho người chết rất quan trọng. Nếu không “chỉ đường”, người chết sẽ không thể về được với tổ tiên, trở thành ma lang thang và có thể sẽ trở về quấy quả người sống. Vì vậy, “chỉ đường” là một nghi lễ bắt buộc trong đám tang của người Mông. Trong lễ tang có nghi thức thổi kèn, đánh trống, thổi khèn tiễn hồn người chết qua ma nhà, ma cửa, ma cột cái, ma bếp lò để hồn được lên trời với tổ tiên. Sau lễ viếng, mọi người trong bản đưa người chết đi an táng. Mộ của người Mông được đặt ở lưng chừng núi, gần nơi cư trú. Có dòng họ đặt mộ ngang theo sườn núi, có dòng họ đặt dọc để dễ phân biệt. Chôn cất

106


được ba ngày, tang chủ tổ chức lễ sửa mộ (sáo chang). Ít ngày sau, gia đình tang chủ làm lễ thả hồn (uô plix), để hồn người chết được đầu thai vào kiếp khác.

Đối với người Mông theo Công giáo, họ quan niệm khi kết thúc sự sống nơi trần thế là bắt đầu cuộc sống khác, cuộc sống trên Thiên đường. Đây là nét tương đồng với quan niệm của người Mông truyền thống, nên tín đồ cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi phải từ biệt trần gian, họ đón nhận cái chết một cách thanh thản để trở về với cõi vĩnh hằng. Nếu như người Mông theo tín ngưỡng truyền thống khi trong nhà có người sắp qua đời, họ phải đón thầy shaman đến làm lễ cúng bái, cầu khấn tổ tiên, mời thầy dở mủ đến làm lễ “chỉ đường”, thì người Mông theo Công giáo lại đón linh mục đến làm lễ Xức dầu để nâng đỡ phần hồn và phần xác cho người bệnh, chuẩn bị cho họ về với Chúa. Việc này hết sức quan trong và cần thiết, nên dù đường xá xa xôi, hiểm trở, hay mưa to gió lớn thì gia đình cũng phải đón được linh mục đến nhà để thực hiện nghi lễ.

Theo giáo luật, linh mục mới được ban bí tích Xức dầu, nhưng trong trường hợp nguy cấp thì các thừa tác viên hoặc tín đồ nào đó được giáo hội ủy thác cũng có thể thực hiện nghi lễ này. Trước năm 2006, ở Lào Cai không có linh mục quản xứ thường trú ở các giáo họ người Mông, nên bí tích này không thể thực hiện. Mỗi khi có người ốm nặng, hoặc sắp qua đời, gia đình đón thừa tác viên trong giáo họ đến làm lễ cầu nguyện để xin Chúa cứu chữa hoặc đưa lên Thiên đường. Tuy đơn giản như vậy, nhưng việc duy trì nghi lễ cho thấy, tang ma của người Mông theo Công giáo vẫn khác biệt với phong tục tang ma của người Mông truyền thống.

Về tổ chức tang lễ: khi gia đình người Mông theo Công giáo có người qua đời, tang chủ cử người đi báo anh em họ tộc, linh mục và ban hành giáo; sau đó rung chuông nhà thờ hoặc nhà nguyện (không phải kiểu chuông sầu, chuông tử như miền xuôi) mà người chết là nam, rung 7 tiếng, là nữ rung 9 tiếng theo tư duy truyền thống của đồng bào (nam giới có bảy hồn, nữ giới có chín hồn). Sau đó, người thân tắm rửa cho người chết, mặc quần áo mới bằng vải lanh, đưa vào quan tài, tiến hành khâm liệm. Trên quan tài thắp 4 ngọn nến đặt theo hình Thánh giá. Phía đầu quan tài có đặt ảnh người qua đời và một cây Thánh giá. Trong nhà tang chủ không có băng zôn, không dán chữ gì. Việc này rất khác với đám tang của người Công giáo miền xuôi. Khách viếng có người đem theo ít gạo, ít thực phẩm, ít tiền mặt giúp đỡ tang chủ. Trong nhóm hộ gia đình liên gia ủng hộ củi đun, lợn, gà,

107


rượu, rau quả… số lượng nhiều ít tùy theo từng nơi và mối quan hệ của gia chủ, tất cả thể hiện sự đỡ đần nhau trong lúc tang gia bối rối.

Lễ truy điệu được tổ chức tại nhà thờ xứ, nhà thờ họ đạo (nếu gần) hoặc tại nhà tang chủ (trường hợp xa nhà thờ). Linh mục xứ hoặc thừa tác viên sẽ làm lễ cho người qua đời. Lễ tang được tổ chức giống như thánh lễ thông thường, mọi người đến tham dự hát thánh ca từ biệt, tâm niệm, dâng lễ và làm phép mồ. Đám tang của người Mông theo Công giáo ở Lào Cai cũng làm lễ “chỉ đường” (kruôz cêr), đọc tang ca để hướng dẫn, dặn dò linh hồn người quá cố. Nhưng có hai điểm khác với người Mông theo tín ngưỡng truyền thống: (i) đối người Mông theo tín ngưỡng truyền thống, việc này nhất thiết phải do thầy dở mủ làm, thì ở người Mông theo Công giáo do một người trong ban hành giáo hoặc thừa tác viên thực hiện (vì dở mủ là thầy cúng nên không được mời, còn linh mục đều là người Kinh nên không hiểu lý lối của nghi lễ này); (ii) thầy dở mủ “chỉ đường” cho hồn người chết về với tổ tiên ở trên trời. Người Mông theo Công giáo được thừa tác viên “chỉ đường” cho linh hồn người chết được lên Thiên đường. Trong lễ Chỉ đường (Kruôz cêr) có tang ca - bài ca chỉ đường cho người Mông sau khi chết về với tổ tiên. Tang ca kể về lịch sử bi tráng của dân tộc Mông trong quá khứ, răn dạy linh hồn người Mông những điều cần thiết để họ sang thế giới bên kia được bình an. Vì thế, lễ chỉ đường và tang ca vừa mang ý nghĩa tôn giáo, vừa là sự trao truyền văn hóa truyền thống. Người Mông dù ở bất cứ đâu, trong hoàn cảnh nào luôn vẫn nhớ về cội nguồn, về vùng đất tổ và lịch sử tộc người. Lễ Chỉ đường trong đám tang người Mông theo Công giáo cho thấy, dù thờ Chúa và tin Chúa đưa linh hồn người chết lên Thiên đường, song họ vẫn muốn người thân được về với tổ tiên ở trên cõi Trời. Như vậy, người Mông dù tiếp nhận Công giáo, từ bỏ tín ngưỡng truyền thống, nhưng nhiều phong tục tập quán vẫn được giáo dân bảo tồn, lưu giữ. Ý thức về cội nguồn tộc người luôn sâu đậm trong tâm trí của giáo dân.

Lễ đưa tang: Quy ước của các giáo họ quy định người chết không được để trong nhà quá hai ngày (48 giờ), nên lễ đưa tang thường được tổ chức vào ngày thứ hai. Họ không xem giờ tốt xấu mà đưa tang trong khoảng từ 8 đến 9 giờ sáng. Lúc đưa tang, hai người con hoặc hai đứa trẻ đi trước cầm nến và cây Thánh giá. Theo sau là đoàn người khiêng linh cữu. Từ nhà tang chủ ra nơi an táng, nếu gần nhà thờ, hoặc đi qua nhà thờ thì đoàn lễ tang đưa quan tài vào nhà thờ để làm lễ. Khi đưa linh cữu vào thì cho chân đi trước với quan niệm để người quá cố được ngắm Cung

108


Thánh. Làm lễ xong, khi trở ra, linh cữu được xoay lại để chân ra trước. Đoàn đưa tang đi chậm để tỏ lòng thương tiếc người qua đời. Đến nơi chôn cất, đoàn người đứng đọc một đoạn Kinh thánh và cầu nguyện để linh hồn được lên Thiên đường với Chúa.

Mộ của người Mông theo Công giáo chôn tại nghĩa địa tập trung, là nơi chôn cất người chết của cả bản, không có “Vườn Thánh” như ở vùng Công giáo miền xuôi. Trên mỗi ngôi mộ có đặt một cây Thánh giá. Một điểm tương đồng với văn hóa truyền thống của đồng bào là mộ của người Mông theo Công giáo cũng tùy theo quy định của dòng họ mà có thể đặt dọc hoặc ngang sườn núi. Ví dụ, họ Lồ (thôn Lồ Lao Chải) mộ đặt dọc, đầu quay lên trên núi; họ Lý (thôn Lý Lao Chải), mộ đặt ngang. Có nơi, trong một dòng họ, chi họ này đặt mộ ngang, chi họ kia đặt mộ dọc, để tránh nhầm lẫn. Điều này thể hiện văn hóa truyền thống của tộc người vẫn được lưu giữ từ đời này qua đời khác.

Tóm lại, các nghi lễ vòng đời từ sinh nở, đặt tên, cưới hỏi, trưởng thành, tang ma của người Mông theo Công giáo cho thấy sự giao thoa giữa văn hóa Công giáo với văn hóa truyền thống người Mông khá rõ nét. Khi theo Công giáo, những phong tục tập quán cổ truyền của đồng bào có sự thay đổi cơ bản, tuy nhiên yếu tố dòng họ chi phối yếu tố Công giáo. Điều này đúng với “Lý thuyết tiếp biến văn hóa”, đó là những yếu tố văn hóa mới xâm nhập vào cộng đồng mà có những nét tương đồng và không gây không xung đột với văn hóa truyền thống sẽ được chủ thể tiếp nhận một cách chủ động, tạo nên sự tính đan xen, hòa quện với nhau giữa cái “cũ” và cái “mới”. Ở đây, văn truyền thống của người Mông được văn hóa Công giáo bổ sung làm phong phú hơn. Khách quan mà nói, văn hóa Công giáo có nhiều điểm tích cực, góp phần làm thay đổi nhiều hủ tục của đồng bào Mông. Nhưng bên cạnh đó, nó cũng làm mai một phần nào bản sắc văn hóa của dân tộc.

3.2.2. Ảnh hưởng của Công giáo đến đời sống xã hội của người Mông theo Công giáo ở Lào Cai hiện nay

3.2.2.1. Đối với lĩnh vực văn hóa, đạo đức, lối sống

* Về văn hóa: Ảnh hưởng của Công giáo đến văn hóa cộng đồng người Mông có đạo là rất lớn, thể hiện trên nhiều lĩnh vực: kiến trúc, chữ viết, âm nhạc, ảnh tượng,v.v... Công giáo thực sự là cầu nối cho sự tiếp xúc văn hóa phương Tây với văn hóa dân tộc Mông ở Lào Cai (điển hình là giáo xứ Sa Pa), biểu hiện rõ nét trên nhiều lĩnh vực, cụ thể:

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 29/12/2023