Cơ sở lý luận, xã hội và những vấn đề thực tế để xác định diện thừa kế và phân chia hàng thừa kế theo pháp luật trong Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005 - 7

với những chuẩn mực đó thì bị coi là bất hiếu. Các con, cháu phải tôn kính, có bổn phận phụng dưỡng ông, bà, cha, mẹ. Đây được xem là nguồn gốc, nguyên tắc duy trì trật tự trong gia đình.

Xuất phát từ những quan niệm về "Hiếu" ăn sâu trong lẽ sống ngàn đời của nhân dân, pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam đã quy định nghĩa vụ giữa những người có quan hệ cha con, mẹ con phải chăm sóc, nuôi dưỡng nhau trong trường hợp cần thiết phải nuôi dưỡng. Ngày nay, quan niệm về "Hiếu" có những yếu tố mới so với nội dung của đạo hiếu trước đây, tuy nhiên, bản chất của nó không thay đổi theo chuẩn mực của quan hệ gia đình, huyết thống, chuẩn mực đạo đức xã hội: Các con cháu có nghĩa vụ kính trọng, lễ phép với ông, bà, cha, mẹ, phụng dưỡng, giúp đỡ ông bà, cha mẹ.

"Đạo hiếu" thể hiện thấm nhuần trong các quy định của pháp luật về thừa kế, không chỉ áp dụng đối với những người có quan hệ huyết thống là ông bà với các cháu, cha mẹ với các con ruột mà còn được áp dụng cho quan hệ cha, mẹ nuôi với con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng với cha kế, mẹ kế. Pháp luật quy định quyền và nghĩa vụ của người con nuôi như con đẻ trong quan hệ với cha nuôi, mẹ nuôi và quyền của họ được thừa kế di sản của nhau.

Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 tại Điều 34: "Việc nuôi con nuôi nhằm gắn bó tình cảm giữa người nuôi và con nuôi trong quan hệ cha, mẹ và các con cái, đảm bảo người con nuôi chưa thành niên được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tốt". Những quy định này xuất phát từ mục tiêu củng cố và phát triển tình đoàn kết yêu thương trong nội bộ gia đình.

Về "Nghĩa": Đây là một trong những căn cứ quan trọng để xác định diện thừa kế và phân chia hàng thừa kế. "Nghĩa" thể hiện đặc biệt rõ trong quan hệ nhận di sản thừa kế của nhau giữa vợ và chồng.

Pháp luật dưới chế độ phong kiến và thực dân - phong kiến ở nước ta trước năm 1945 luôn bảo vệ quyền hưởng di sản của những người trong quan

hệ huyết thống nội tộc, không có sự bình đẳng trong quan hệ vợ chồng. Vị trí của người vợ trong quan hệ gia đình, xã hội và pháp luật chỉ được đặt ở hàng thứ yếu theo thuyết Tam tòng của Nho giáo. Trong quan hệ thừa kế di sản, quyền bình đẳng về thừa kế không được bảo đảm. Người vợ không có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của riêng mình nếu không được chồng cho phép. Khi người vợ chết, người chồng được thừa nhận là chủ sở hữu duy nhất đối với toàn bộ tài sản riêng của vợ. Ngược lại, nếu người chồng chết trước thì người vợ chỉ có quyền hưởng dụng tài sản riêng của bản thân. Gia đình và dòng họ của người chồng vẫn là cơ sở chính để xác định diện thừa kế, còn quan hệ hôn nhân chỉ được coi là thứ yếu. Do coi trọng quan hệ huyết thống, pháp luật thừa kế thời thực dân, phong kiến chỉ chú ý đến quyền bình đẳng của các con trong việc hưởng di sản thừa kế của cha, mẹ.

Tuy nhiên, hiện nay vấn đề "Nghĩa" trong quan hệ thừa kế giữa vợ và chồng được pháp luật của Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Vị trí của người vợ góa được đặt ngang hàng và được coi trọng ngang bằng với những người có quan hệ huyết thống với người chồng đã chết. Pháp luật xác định quan hệ hôn nhân là một trong ba mối quan hệ để xác định diện thừa kế theo pháp luật trong Bộ luật Dân sự hiện hành. Theo quy định, diện những người thừa kế theo quan hệ hôn nhân được xếp ở hàng thừa kế thứ nhất của người để lại di sản bên cạnh quan hệ huyết thống.

Như vậy, truyền thống gia đình Việt Nam, vấn đề "hiếu", "nghĩa" trong thực tế đời sống xã hội được pháp luật hiện hành quan tâm và coi trọng. Đây được xem là một trong những cơ sở quan trọng để xác định diện thừa kế và phân chia hàng thừa kế theo pháp luật nhằm củng cố quan hệ gia đình, quan hệ hôn nhân và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình. Quyền thừa kế di sản của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là cha, mẹ, vợ, chồng, các con của người để lại di sản luôn được pháp luật thừa kế của nước

ta quy định đó là một trong những nguyên tắc pháp luật nhằm củng cố quan hệ tài sản giữa những người có quyền hưởng di sản thừa kế theo pháp luật.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.


2.2. DIỆN THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT

Cơ sở lý luận, xã hội và những vấn đề thực tế để xác định diện thừa kế và phân chia hàng thừa kế theo pháp luật trong Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005 - 7


Xác định diện thừa kế theo pháp luật nước ta là xác định phạm vi những người có quyền hưởng di sản. Việc xác định dựa trên các quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống và quan hệ nuôi dưỡng giữa những người thừa kế với người để lại di sản thừa kế theo từng bước phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, theo đó diện những người được hưởng thừa kế được mở rộng nhằm đảm bảo vệ lợi ích chính đáng của người để lại di sản thừa kế cũng như lợi ích hợp pháp của những người có quan hệ thân thích với người để lại di sản.

Diện thừa kế theo pháp luật được xác định theo các quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống và quan hệ nuôi dưỡng giữa người thừa kế với người để lại di sản khi còn sống. Tuy nhiên, ba mối quan hệ trên chỉ là những căn cứ xác định phạm vi những người thừa kế theo pháp luật. Phạm vi những người có quan hệ huyết thống gần, quan hệ huyết thống xa với người để lại di sản có thuộc diện hay không thuộc diện thừa kế còn tùy thuộc vào những quy định của pháp luật trong từng giai đoạn lịch sử nhất định.

2.2.1. Thừa kế theo quan hệ huyết thống

Phạm vi những người được thừa kế theo pháp luật được xác định dựa trên các mối quan hệ giữa người để lại di sản với người thừa kế, trong đó quan hệ huyết thống là một trong những cơ sở quan trọng để xác lập quan hệ thừa kế.

Quan hệ huyết thống là quan hệ giữa người nọ sinh ra người kia theo quan hệ huyết thống trực hệ và giữa những người do một người sinh ra là quan hệ huyết thống bàng hệ (anh, chị, em ruột).

Quy định quan hệ huyết thống là cơ sở để xác định diện thừa kế theo pháp luật được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Đối với người Việt Nam,

việc phát huy truyền thống của gia đình, dòng họ tổ tiên vốn rất được coi trọng và là nghĩa vụ thiêng liêng đối với con cháu. Vì vậy, pháp luật nước ta từ thời kỳ phong kiến đến nay đều quy định quan hệ huyết thống là cơ sở để xác định diện thừa kế theo pháp luật.

Quan hệ huyết thống bao gồm những người có quan hệ huyết thống trực hệ bề trên (các cụ, ông, bà, cha mẹ đẻ); quan hệ huyết thống trực hệ bề dưới (con, cháu, chắt); quan hệ huyết thống bàng hệ (các anh, chị, em).

Mối quan hệ giữa cha mẹ đẻ, con đẻ


Từ trước đến nay, pháp luật đều quy định con cái được thừa kế tài sản của cha mẹ. Theo pháp luật phong kiến, các con thuộc thứ tự ưu tiên hưởng di sản của cha mẹ để lại. Tuy nhiên, có sự phân biệt giới tính giữa con trai và con gái, giữa con vợ cả và con vợ lẽ (pháp luật nhà Lê). Đồng thời, pháp luật phong kiến cũng phân biệt con trong giá thú và con ngoài giá thú. Con ngoài giá thú là thuật ngữ chỉ người con sinh ra không phải từ hôn nhân chính thức và không được người cha thừa nhận. Vì thế, con ngoài giá thú hưởng kỷ phần ít hơn con chính thức (con chung). Tuy nhiên, đến pháp luật thực định, quyền thừa kế theo pháp luật của con không còn phụ thuộc vào hình thức hôn nhân của cha, mẹ đẻ. Các con đẻ của người để lại di sản, không phân biệt con trai hay con gái, con trong giá thú hay ngoài giá thú, có năng lực hay không có năng lực hành vi dân sự đều thuộc diện thừa kế của cha mẹ bởi giữa họ có mối quan hệ huyết thống. Theo Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì con cái thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cha mẹ mà không loại trừ con trong giá thú hay ngoài giá thú. Quy định này là phù hợp với đạo đức, truyền thống tốt đẹp của dân tộc cũng như quan niệm hiện đại về quyền con người và trẻ em.

Quy định của pháp luật dân sự Việt Nam hiện hành đã thể hiện sự tiến bộ khi khắc phục những hạn chế của pháp luật dân sự trước đây trong việc xác định diện thừa kế dựa trên mối quan hệ huyết thống. Tuy nhiên, thực tế

việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp con ngoài giá thú là điều đáng lưu tâm hiện nay. Theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, việc xác định cha, mẹ, con được quy định cụ thể (từ Điều 63 đến Điều 66). Tuy vậy, pháp luật về hôn nhân gia đình chưa có quy định cụ thể về các chứng cứ, cơ sở chứng minh trong các trường hợp truy nhận con. Đây là hạn chế dẫn đến khó khăn trong quá trình giải quyết.

Về vấn đề này, Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp quy định: "Quan hệ giữa cha, mẹ, con chính thức được chứng minh bằng chứng thư khai sinh đăng ký vào sổ hộ tịch" (Điều 319). "Nếu không có chứng thư khai sinh, nhưng thực tế vẫn có quan hệ chính thức thì cũng đủ để chứng minh giữa cha, mẹ, con cái" (Điều 320). "Tuy nhiên, nếu viện dẫn được rằng có sự đánh tráo hoặc thay thế đứa trẻ, dù vô tình trước hoặc sau khi lập chứng thư khai sinh thì có thể đưa ra chứng cứ bằng mọi cách và chứng cứ có thể được chấp nhận" (Điều 322). "Nếu không có tất cả những chứng cứ trên thì chứng cứ về quan hệ cha, mẹ, con cái chỉ có thể được xác lập bằng nhân chứng" (Điều 322).

Như vậy, để xác định con, cha mẹ cần phải cung cấp những chứng cứ hợp pháp như giấy khai sinh, nếu không có giấy tờ pháp lý có liên quan thì có thể xác lập thông qua nhân chứng hay xét nghiệm gien. Đây là cơ sở quan trọng để có thể xác định trên thực tế diện thừa kế di sản giữa cha mẹ và con theo quy định của pháp luật.

Mối quan hệ giữa các cụ, ông, bà với các cháu, chắt


Theo Bộ luật Dân sự năm 1995, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại của người chết; cụ nội, cụ ngoại của người chết được hưởng thừa kế của cháu, chắt nhưng cháu, chắt không phải là người thừa kế theo pháp luật của họ. Quy định này đi ngược với thứ tự ưu tiên hưởng thừa kế theo quan hệ huyết thống xuôi của cháu, chắt. Cháu, chắt không được hưởng di sản của ông, bà, các cụ là không hợp lý. Vì vậy, Bộ luật Dân sự năm 2005 đã có sự sửa đổi và bổ

sung tại Điều 676. Ngoài ra, nếu cha, mẹ của cháu, chắt chết trước hoặc cùng thời điểm với ông, bà, các cụ thì cháu, chắt được hưởng thừa kế thế vị tại Điều 677 Bộ luật Dân sự năm 2005.

Mối quan hệ giữa những người thân thuộc bàng hệ


- Mối quan hệ giữa anh, chị, em và con của anh, chị, em


Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: Anh, chị, em ruột là những người thuộc hàng thừa kế thứ hai của nhau cùng với ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại của người chết. Ngoài ra, pháp luật quy định con của anh, chị, em được xếp vào hàng thứ ba bên cạnh cụ nội, cụ ngoại. Việc quy định con của anh, chị, em ruột của người chết gọi người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột được thừa kế là hợp với đạo lý.

- Mối quan hệ giữa những người thân thuộc bàng hệ khác


Ngoài anh, chị, em và con của anh, chị, em ruột, pháp luật hiện hành chỉ thừa nhận những người mà người chết gọi cô ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, dì ruột là người thừa kế bàng hệ và được xếp vào hàng thừa kế thứ ba (Điểm c Khoản 1 Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005). Họ được hưởng di sản cùng với cụ nội, cụ ngoại của người chết, con của anh, chị, em của người chết.

Nhìn chung, diện thừa kế theo quan hệ huyết thống quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2005 đã có sự mở rộng và bổ sung xuất phát từ bản chất của pháp luật thừa kế là nhằm để bảo vệ lợi ích của các con, các cháu trong gia đình, dòng tộc, theo truyền thống đời trước để lại di sản cho đời sau. Thừa kế theo quan hệ huyết thống trong Bộ luật Dân sự năm 2005 đã góp phần củng cố tài sản của dòng tộc và tài sản của gia đình truyền thống ăn chung, ở chung theo cơ cấu gia đình hạt nhân gồm nhiều thế hệ, bề bậc khác nhau theo quan hệ tam đại đồng đường, tam đại đồng cư, tứ đại đồng đường, tứ đại đồng cư.

2.2.2. Thừa kế theo quan hệ hôn nhân


Dưới thời phong kiến, quan hệ hôn nhân không được xem là cơ sở xác định diện thừa kế của vợ và chồng. Xuất phát từ tư tưởng "trọng nam khinh nữ", quan hệ thừa kế cũng bị tác động mạnh mẽ. Trong gia đình, vị trí của người vợ bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Hôn nhân không ràng buộc bất cứ bổn phận và trách nhiệm nào của chồng đối với vợ nên người vợ không thuộc diện thừa kế của người chồng. Hoàng Việt luật lệ quy định sau khi thành vợ chồng, tất cả tài sản thuộc sở hữu của chồng ngay cả những tài sản của người vợ đem về nhà chồng khi kết hôn. Nếu người vợ chết trước, đương nhiên người chồng tiếp tục là người sở hữu. Tuy nhiên, chồng chết trước thì vợ không được quyền hưởng di sản mà chỉ được hưởng hoa lợi trên tài sản của chồng để lại.

Dân luật Bắc Kỳ và Dân luật Trung Kỳ có sự phân biệt giữa vợ cả và vợ lẽ. Người vợ cả được hưởng toàn bộ di sản của người chồng nếu không còn ai thân thích bên họ nội, còn vợ thứ khi chồng chết chỉ được ở lại nhà chồng hưởng lương thực và tiền chi dùng cho sinh hoạt hàng ngày. Với quy định ưu tiên bảo vệ quyền lợi cho gia đình, dòng tộc, quyền lợi của người vợ trong thời kỳ phong kiến chỉ được đặt sau các con, cháu, cha, mẹ, ông, bà, các cụ, anh, chị, em ruột của người để lại di sản.

Trái với pháp luật thời kỳ phong kiến, pháp luật thực định quy định vợ, chồng thuộc diện thừa kế theo pháp luật của nhau. Điều 31 Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 quy định: "Vợ, chồng có quyền thừa kế tài sản của nhau theo quy định của pháp luật về thừa kế". Có thể nói, việc thừa nhận quyền thừa kế của vợ, chồng là hoàn toàn chính đáng và phù hợp với quan niệm về gia đình Việt Nam hiện đại.

Theo quy định của pháp luật, vợ, chồng thuộc diện thừa thừa kế theo pháp luật của nhau khi quan hệ hôn nhân của họ tính đến thời điểm mở thừa kế của người vợ hoặc người chồng được xác định là hôn nhân hợp pháp.

Tại Khoản 6 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: "Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi đã kết hôn". Khoản 2 Điều 8 quy định: "Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn". Như vậy, quan hệ hôn nhân hợp pháp là quan hệ giữa vợ và chồng khi kết hôn đã tuân thủ các các quy định của pháp luật hôn nhân về độ tuổi kết hôn, ý chí tự do, tự nguyện, tự do thỏa thuận, không có sự áp đặt ý chí của một bên đối với bên kia trong kết hôn, không vi phạm quan hệ huyết thống, không vi phạm chế độ một vợ, một chồng và không vi phạm các điều cấm khác của pháp luật trong kết hôn.

Quan hệ hôn nhân hợp pháp được xác lập thông qua việc đăng ký kết hôn. Thủ tục đăng ký kết hôn được quy định cụ thể trong Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000. Để được đăng ký kết hôn thì hai bên nam, nữ phải thỏa mãn các điều kiện kết hôn được quy định tại các điều 9, 10, 11 và 14 về độ tuổi kết hôn, ý chí tự do, tự nguyện trong kết hôn, không vi phạm chế độ một vợ, một chồng, không vi phạm quan hệ huyết thống trong phạm vi ba đời và không vi phạm các điều cấm khác của pháp luật như: Giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi; bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng; giữa những người cùng giới tính. Người mất năng lực hành vi không được kết hôn. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo nghi thức tổ chức đăng ký kết hôn (Điều 14).

Tuy nhiên, ngoài việc xác định quan hệ hôn nhân hợp pháp theo quy định của pháp luật thì trong những giai đoạn lịch sử nhất định vẫn cần thiết phải đánh giá đúng mức những quan hệ hôn nhân mặc dù không tiến bộ, trái với pháp luật hiện hành nhưng vẫn tồn tại và được thừa nhận ở nước ta như giải pháp giải quyết những tàn dư của chế độ thực dân phong kiến còn sót lại. Để giải quyết vấn đề hôn nhân đa thê, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư số 690-DS ngày 29/4/1960 hướng dẫn xử lý việc ly hôn và các vấn

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 06/11/2023