Cơ sở lý luận và thực tiễn điều chỉnh quan hệ tài sản của vợ chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 - 2

4. Phương pháp nghiên cứu


Trong quá trình nghiên cứu, Luận văn sử dụng một số phương pháp luận như phương pháp duy vật biện chứng, phương pháp duy vật lịch sử. Đồng thời, vận dụng các tư tưởng của Hồ Chí Minh, quan điểm của ĐCS Việt Nam và Chính phủ Việt Nam về xây dựng và phát triển gia đình.

Ngoài ra, Luận văn còn sử dụng một số phương pháp nghiên cứu khác như phương pháp phân tích, so sánh, tổng hợp, thống kê, phân tích khách quan cũng như tham khảo, vận dụng thực tế, dự đoán làm nổi bật những nội dung liên quan đến đề tài.

5. Những điểm mới của Luận văn


- Hệ thống hóa khái niệm, đặc điểm, ý nghĩa của việc xác định quan hệ tài sản của vợ chồng;

- Xây dựng một cách tổng thể những cơ sở lý luận và thực tiễn điều chỉnh quan hệ tài sản của vợ chồng theo pháp luật HN&GĐ Việt Nam;

- Dựa trên những cơ sở lý luận và thực tiễn điều chỉnh quan hệ pháp luật về tài sản của vợ chồng để đưa ra hướng giải quyết triệt để, toàn diện, đồng bộ và tích cực nhất quan hệ tài sản của vợ chồng, đồng thời, đề xuất, kiến nghị một số giải pháp nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật về quan hệ tài sản của vợ chồng, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của vợ, chồng, của nhà nước và xã hội, góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

6. Kết cấu Luận văn

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 133 trang tài liệu này.


Ngoài lời mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, Luận văn được kết cấu thành ba chương, cụ thể:

Cơ sở lý luận và thực tiễn điều chỉnh quan hệ tài sản của vợ chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 - 2

Chương 1. Khái quát chung về quan hệ tài sản của vợ chồng


Chương 2. Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn điều chỉnh quan hệ tài

sản của vợ chồng theo Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2000


Chương 3. Thực tiễn áp dụng pháp luật điều chỉnh quan hệ tài sản vợ chồng và một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ tài sản của vợ chồng trong giai đoạn hiện nay

Luận văn được hoàn thành với sự giúp đỡ tận tình của thầy giáo hướng dẫn, gia đình, bạn bè và nỗ lực của bản thân. Tuy nhiên, với khả năng còn hạn chế, Luận văn không tránh khỏi những thiếu sót. Vì vậy, tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của các thầy cô và người đọc.

Chương 1‌‌


KHÁI QUÁT CHUNG VỀ QUAN HỆ TÀI SẢN CỦA VỢ CHỒNG


1.1. Khái niệm quan hệ tài sản của vợ chồng


1.1.1. Khái niệm hôn nhân


Việc xác định một cách đúng đắn, đầy đủ khái niệm về hôn nhân có ý nghĩa rất quan trọng. Nó không chỉ tạo cơ sở lý luận cho việc xác định bản chất pháp lý của hôn nhân, mà nó còn tạo cơ sở để xác định sự tồn tại hay chấm dứt quan hệ vợ chồng. Thời điểm xác lập hay chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa vợ chồng quyết định đến thời điểm xác lập, thay đổi hay chấm dứt quan hệ tài sản của vợ chồng.

Thực tế, có nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm hôn nhân. Theo quan niệm truyền thống về hôn nhân của Cơ đốc giáo thì “Hôn nhân là sự liên kết tự nguyện suốt đời giữa một người đàn ông và một người đàn bà, mà không vì mục đích nào khác”. Còn theo quan điểm của một số luật gia ở Châu Âu và Mỹ thì cho rằng “Hôn nhân là sự liên kết pháp lý giữa một người nam và một người nữ với tư cách là vợ chồng”, hoặc “Hôn nhân là hành vi hoặc tình trạng chung sống giữa một người nam và một người nữ với tư cách là vợ chồng” [12, tr.1].

Ở Việt Nam, khái niệm hôn nhân đã được pháp điển hóa trong Luật HN&GĐ năm 2000. Khoản 6 Điều 8 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định: "Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi đã kết hôn".

Từ những khái niệm hôn nhân nêu trên, có thể hiểu, hôn nhân là sự liên kết giữa một người đàn ông và một người đàn bà, trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, bình đẳng, theo điều kiện và trình tự do pháp luật quy định, nhằm chung sống với nhau suốt đời và xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững.

1.1.2. Khái niệm tài sản của vợ chồng


Trong đời sống hàng ngày, tài sản đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu chung của gia đình, tạo điều kiện để vợ chồng có thể tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế gia đình, hay nhu cầu bản thân cá nhân vợ hoặc chồng. Vì vậy, vấn đề khái niệm tài sản qua đó xác định giới hạn về tài sản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc xác định quan hệ tài sản của vợ chồng.

Điều 163 BLDS năm 2005 của Nhà nước ta quy định: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”.

Tuy nhiên, quan hệ HN&GĐ, trong đó giữ vai trò quan trọng là quan hệ tài sản của vợ chồng, mang tính đặc thù. Bởi, những quan hệ ấy gắn liền với những chủ thể nhất định và chỉ phát sinh, thay đổi hay chấm dứt khi quan hệ hôn nhân phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt. Vì vậy, trên cơ sở Điều 163 BLDS nói trên và các quy định của Luật HN&GĐ năm 2000 có thể đưa ra một khái niệm chung về tài sản của vợ chồng là: Tài sản của vợ chồng bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản thuộc sở hữu của vợ chồng.

Nhưng khái niệm tài sản này mới chỉ bao gồm tài sản thuộc quyền sở hữu mà không bao gồm tài sản nợ thuộc nghĩa vụ tài sản của vợ chồng. Bởi, vợ, chồng ngoài tư cách là chủ thể của quan hệ HN&GĐ còn là chủ thể của các quan hệ pháp luật dân sự, kinh tế... Do đó, họ có thể xác lập các quyền về tài sản nhưng đồng thời cũng phải chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ tài sản phát sinh. Vì vậy, nói đến tài sản của vợ chồng mà chỉ đề cập đến vật và những lợi ích vật chất khác thuộc quyền mà không đề cập đến các tài sản nợ mà vợ, chồng có nghĩa vụ thanh toán cho người thứ ba là không đầy đủ. Theo đó, hiểu theo nghĩa đầy đủ tài sản của vợ chồng bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá, các quyền và nghĩa vụ về tài sản thuộc sở hữu của vợ chồng.

1.1.3. Khái niệm quan hệ tài sản của vợ chồng


Trong gia đình, bên cạnh đời sống tình cảm, yêu thương giữa vợ chồng, cần phải có đời sống vật chất, tài sản của vợ chồng vì đó là cơ sở kinh tế bảo đảm cho gia đình tồn tại và phát triển. Do đó, pháp luật đã dành sự quan tâm lớn để điều chỉnh quan hệ tài sản của vợ chồng.

Tuy nhiên, Luật HN&GĐ năm 2000 chưa có quy định nào về khái niệm “quan hệ tài sản của vợ chồng”. Nhưng, từ những khái niệm về hôn nhân, cũng như khái niệm về tài sản của vợ chồng và những quy định trong Luật HN&GĐ năm 2000, nhận thấy, khái niệm quan hệ tài sản của vợ chồng có thể hiểu theo hai nghĩa với hai phạm vi tác động khác nhau: Khái niệm quan hệ tài sản của vợ chồng có thể hiểu với ý nghĩa là quan hệ sở hữu tài sản của vợ chồng và với ý nghĩa là quan hệ sở hữu tài sản, quan hệ cấp dưỡng và quyền thừa kế tài sản của nhau giữa vợ và chồng.

Điều 164 BLDS quy định quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật. Theo đó, có thể hiểu quan hệ sở hữu tài sản giữa vợ chồng là quan hệ về quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt của vợ chồng đối với tài sản chung và tài sản riêng của mỗi bên.

Mặt khác, với ý nghĩa là quan hệ sở hữu tài sản, quan hệ cấp dưỡng và quyền thừa kế tài sản của nhau giữa vợ chồng, quan hệ tài sản của vợ chồng hay quan hệ pháp luật về tài sản của vợ chồng là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền sở hữu tài sản của vợ chồng, đồng thời xác định những xử sự mà vợ chồng được phép thực hiện liên quan đến những tài sản đó (thừa kế, cấp dưỡng) trên cơ sở đảm bảo lợi ích chung của gia đình, của Nhà nước và của xã hội. Quan hệ tài sản của vợ chồng theo nghĩa này sẽ bao hàm cả những quan hệ khác liên quan đến tài sản vợ chồng như quan hệ thừa kế, cấp dưỡng, nên nó sẽ bao trùm lên các vấn đề

liên quan đến tài sản của vợ chồng.


Tóm lại, quan hệ tài sản của vợ chồng là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh về quyền sở hữu tài sản, quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng, quyền thừa kế tài sản của nhau giữa vợ và chồng.‌

1.2. Đặc điểm quan hệ tài sản của vợ chồng


1.2.1. Chủ thể quan hệ tài sản vợ chồng


Một trong những đặc điểm của quan hệ tài sản của vợ chồng là yếu tố chủ thể. Chủ thể của quan hệ tài sản vợ chồng chỉ có thể là công dân (thể nhân), nghĩa là con người xác định.

Cá nhân muốn trở thành chủ thể của quan hệ pháp luật về tài sản của vợ chồng phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi.

- Năng lực pháp luật về quan hệ tài sản của vợ chồng là khả năng của cá nhân có quyền và nghĩa vụ về quan hệ tài sản của vợ chồng.

Để trở thành chủ thể của quan hệ tài sản của vợ chồng, cá nhân không chỉ đảm bảo điều kiện về năng lực chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự mà còn phải đủ điều kiện về năng lực chủ thể theo Luật HN&GĐ.

Bởi, trong một số trường hợp pháp luật HN&GĐ quy định những điều kiện mà khi có hoặc không có các điều kiện đó thì công dân không thể có các quyền và nghĩa vụ trong quan hệ tài sản vợ chồng (các điều kiện về độ tuổi kết hôn, điều kiện về sự tự nguyện, không vi phạm các điều cấm kết hôn).

Ví dụ, việc cấm kết hôn giữa những người có quan hệ thân thuộc về trực hệ. Điều đó có nghĩa là những người có quan hệ thân thuộc về trực hệ thì không thể kết hôn với nhau, kéo theo đó là không thể tồn tài quan hệ tài sản vợ chồng giữa họ được.

- Năng lực hành vi là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình tạo ra

cho bản thân những quyền và nghĩa vụ về quan hệ tài sản của vợ chồng. Vì năng lực pháp luật về quan hệ tài sản của vợ chồng của cá nhân chỉ phát sinh khi cá nhân đạt đến một độ tuổi nhất định (độ tuổi kết hôn) nên năng lực hành vi của cá nhân cũng phát sinh từ khi phát sinh năng lực pháp luật, tất nhiên, trừ những người mắc bệnh tâm thần.

Đồng thời, một cá nhân, công dân, muốn trở thành chủ thể của quan hệ pháp luật về tài sản của vợ chồng thì không những họ phải đảm bảo đủ điều kiện về năng lực pháp luật và năng lực hành vi mà quan hệ hôn nhân (quan hệ vợ chồng) của họ phải được công nhận theo trình tự, thủ tục luật định. Nghĩa là, chủ thể đó phải đảm bảo đã thực thi năng lực hành vi của mình trên thực tế, nghĩa là họ phải đăng ký kết hôn và được trao Giấy chứng nhận kết hôn. Do đó, Giấy chứng nhận kết hôn có một ý nghĩa quan trọng để xác định chủ thể của quan hệ tài sản của vợ chồng.

1.2.2. Yếu tố tình cảm là nét đặc trưng


Trong quan hệ vợ chồng, tình cảm là yếu tố đặc trưng, gắn bó giữa vợ chồng, nó quyết định việc xác lập, tồn tại hay chấm dứt quan hệ tài sản của vợ chồng.

Khi hai người nam và nữ có tình cảm thương yêu nhau, họ mới tiến tới quan hệ hôn nhân và trở thành vợ chồng, các quyền và nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mới phát sinh. Đồng thời, các quyền và nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng cũng chỉ được thực hiện trên cơ sở tình cảm gắn kết giữa vợ và chồng. Ví dụ: vợ, chồng thực hiện quyền sở hữu đối với tài sản chung nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống chung của vợ chồng, thể hiện tình yêu thương, chăm sóc lẫn nhau giữa vợ chồng.

Chính nét đặt trưng này dẫn đến đặc điểm là quyền và nghĩa vụ tài sản giữa vợ chồng trong Luật HN&GĐ không mang tính chất đền bù, ngang giá

và thường gắn liền với nhân thân của các chủ thể không thể chuyển dịch cho người khác. Điều này khác hẳn với quan hệ tài sản trong pháp luật dân sự, quan hệ mang tính chất đền bù, ngang giá, tính chất hàng hoá tiền tệ và có thể chuyển dịch cho người thứ ba thông qua thoả thuận. Trong quan hệ pháp luật dân sự thì các chủ thể tham gia nhằm thoả mãn nhu cầu vật chất, tinh thần của mình trên cơ sở thoả thuận hoặc do pháp luật quy định. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cũng có thể xuất phát từ yếu tố tình cảm như tặng cho, thừa kế theo di chúc... nhưng không mang tính chất thường xuyên, không thể hiện nét đặc trưng như trong quan hệ pháp luật tài sản của vợ chồng.

1.2.3. Quan hệ tài sản của vợ chồng nhằm bảo đảm quyền lợi của gia đình, trong đó có lợi ích cá nhân của vợ, chồng

Gia đình có một vị trí, vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội. Vì vậy, những quy định của pháp luật về quan hệ tài sản của vợ chồng trước hết là bảo vệ quyền lợi của gia đình, qua đó duy trì và phát triển gia đình bền vững, đảm bảo ổn định xã hội. Ví dụ việc Luật quy định các căn cứ, nguồn gốc, phạm vi các loại tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng, theo đó, vợ, chồng sử dụng các loại tài sản này để đảm bảo đời sống chung của gia đình, đảm bảo lợi ích của gia đình. Hoặc xuất phát từ việc đảm bảo đời sống chung của gia đình, vì lợi ích của vợ, chồng, con cái, pháp luật quy định các trường hợp do một bên vợ, chồng ký kết với người khác vì nhu cầu thiết yếu của gia đình được coi là có hiệu lực, bên kia (chồng hoặc vợ) phải chịu trách nhiệm liên đới. Đặc biệt, với việc thừa nhận nguyên tắc suy đoán tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại khoản 3 Điều 27 Luật HN&GĐ năm 2000 (Trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài sản chung) đã thể hiện rõ rằng việc quy định quan hệ tài sản của vợ chồng trước tiên và chủ yếu là nhằm bảo vệ quyền lợi của gia đình.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 25/12/2022