pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng.
Theo hướng dẫn của Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ban hành ngày 23/12/2000 (trước khi ban hành Nghị định số 70/2001/NĐ-CP) của HĐTP TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật HN&GĐ nêu rõ: Trong thực tiễn, những tài sản lớn, rất quan trọng đối với đời sống gia đình thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu ghi tên hai vợ chồng như nhà ở, quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi chúng ta chưa thể đồng loạt áp dụng quy định này một cách triệt để, thì mặc dù giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản chỉ ghi tên một người, vợ hoặc chồng, tài sản đó vẫn được xem là tài sản chung của vợ chồng (điểm 3b Nghị quyết số 02/2000/NQ- HĐTP).
Điều 3 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ban hành ngày 03 tháng 10 năm 2001 quy định chi tiết thi hành Luật HN&GĐ năm 2000 lại quy định: Các tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng khi đăng ký quyền sở hữu phải ghi tên của vợ chồng theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật HN&GĐ năm 2000 bao gồm: nhà ở, quyền sử dụng đất và những tài sản khác mà pháp luật buộc phải đăng ký quyền sở hữu (khoản 1 Điều 5); và việc đăng ký các tài sản, quyền tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng phải ghi tên của cả vợ và chồng được thực hiện từ ngày Nghị định này có hiệu lực (ngày 18 tháng 10 năm 2001). Quy định nêu trên đã thể hiện rõ, việc ghi tên cả vợ và chồng đối với các tài sản, quyền tài sản thuộc sở hữu chung của vợ và chồng là bắt buộc. Nếu chỉ ghi tên một người là sai, có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp lại giấy tờ đăng ký quyền sở hữu tài sản đó với tên của cả vợ và chồng.
Theo quy định tại Điều 43 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ và Điều 12 của Luật Nhà ở năm 2005 thì: quyền sử dụng đất là tài sản chung của cả vợ và chồng thì ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng; trường hợp
hộ gia đình đề nghị chỉ ghi họ, tên vợ hoặc họ, tên chồng thì phải có văn bản thoả thuận của vợ và chồng có chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Đối với nhà ở: nếu nhà ở thuộc sở hữu chung của vợ chồng thì ghi đủ tên của cả vợ và chồng.
Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát “Quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ nhìn từ thực trạng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” của Tổ chức Nghiên cứu phát triển Action Aid Việt Nam công bố tháng 10/2008 thì chỉ có khoảng 3-5% số hộ gia đình được cấp “sổ đỏ” có tên cả hai vợ chồng, phần lớn người đứng tên trong sổ này là người chồng. Chính vì vậy, việc quy định của hai Nghị định nêu trên đã chưa thực sự phù hợp với thực tế, gây thiệt thòi nhiều cho người dân, đặc biệt là người phụ nữ. Vì vậy, đến thời điểm hiện nay, các quy định của Nghị định số 70/2001/NĐ-CP và Nghị định số 181/2004/NĐ-CP vẫn chưa được áp dụng một cách đồng bộ và hiệu quả, và do đó, hướng dẫn của Nghị quyết số 02/2000/NQQ-HĐTP vẫn tiếp tục được sử dụng với đầy đủ ý nghĩa ban đầu của nó.
- Luật HN&GĐ chỉ dự liệu trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng để thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng chứ không hề dự liệu việc chia tài sản để thực hiện trách nhiệm hình sự hay trách nhiệm hành chính với hình phạt tiền. Vì vậy, việc thực hiện trách nhiệm trong những trường hợp này sẽ được giải quyết như thế nào?
- Đối với việc chia tài sản trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà xin ly hôn: Theo quy định tại khoản 1 Điều 96 Luật HN&GĐ năm 2000 thì “trong trường hợp vợ, chồng sống chung với gia đình mà ly hôn, nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình”. Tuy
nhiên, việc xác định khối tài sản của vợ chồng căn cứ vào “công sức đóng góp” là rất khó. Thậm chí có thể dẫn đến sai lầm là mặc dù vợ chồng không có công sức gì trong việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản chung, không có công sức gì trong việc duy trì đời sống chung của gia đình, nhưng TA lại trích chia một phần tương đối lớn nhà ở và quyền sử dụng đất cho vợ chồng hoặc ngược lại.
3.1.3. Trong quan hệ cấp dưỡng giữa vợ và chồng
Có thể bạn quan tâm!
- Do Tác Động Của Phong Tục, Tập Quán, Đạo Đức Đến Các Quy Định Của Pháp Luật Về Quan Hệ Tài Sản Của Vợ Chồng
- Thực Tiễn Áp Dụng Pháp Luật Điều Chỉnh Quan Hệ Tài Sản Của Vợ Chồng
- Vướng Mắc Trong Các Quy Định Về Chia Tài Sản Chung Của Vợ Chồng Trong Thời Kỳ Hôn Nhân
- Cơ sở lý luận và thực tiễn điều chỉnh quan hệ tài sản của vợ chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 - 13
- Các Biện Pháp Tổ Chức Thực Hiện Và Áp Dụng Pháp Luật
- Cơ sở lý luận và thực tiễn điều chỉnh quan hệ tài sản của vợ chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 - 15
Xem toàn bộ 133 trang tài liệu này.
- Trong suốt thời kỳ hôn nhân, vợ chồng luôn có quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau. Trong khi đó, Luật HN&GĐ hiện hành không quy định rõ về trường hợp vợ, chồng có nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau trong thời kỳ hôn nhân còn tồn tại. Tuy nhiên, trong thực tế, có những cặp vợ chồng không sống chung với nhau nữa hoặc đã chia hết tài sản chung nhưng vì con cái nên không ly hôn, khi một bên khó khăn, túng thiếu thì bên kia không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Do pháp luật không quy định nên việc áp dụng biện pháp chế tài buộc người có nghĩa vụ cấp dưỡng thực hiện nghĩa vụ của mình là không có cơ sở. Vì vậy, quyền lợi của người vợ, người chồng trong trường hợp này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
- Luật không quy định thời hiệu khởi kiện cấp dưỡng đối với trường hợp cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn.Vì vậy, một trong hai người đã ly hôn có thể khởi kiện vào bất kỳ thời điểm nào để yêu cầu người kia cấp dưỡng cho mình khi gặp khó khăn, túng thiếu. Việc không quy định thời hiệu khởi kiện cấp dưỡng sẽ không phù hợp trong nhiều trường hợp. Ví dụ vào thời điểm TA giải quyết việc ly hôn thì không bên nào có khó khăn, túng thiếu nên vấn đề cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn không được quyết định trong bản án ly hôn. Sau một thời gian, một bên có khó khăn, túng thiếu có quyền yêu cầu bên kia cấp dưỡng, nếu xét thấy tình trạng khó khăn, túng thiếu của bên yêu cầu cấp dưỡng là có lý do chính đáng và bên kia có khả năng để cấp dưỡng;
nhưng hai người này đã ly hôn được nhiều năm, hoặc/và người phải cấp dưỡng đã kết hôn với người khác.
- Luật cũng không quy định về thời hạn cấp dưỡng mà chỉ quy định các trường hợp chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng. Nếu quay trở lại ví dụ trên mà không có thời hạn cấp dưỡng được quy định để áp dụng thì sẽ không phù hợp với tính chất của quan hệ cấp dưỡng cũng như tâm tư, tình cảm của những người đã ly hôn.
3.1.4. Về quyền thừa kế tài sản của nhau giữa vợ và chồng
Tranh chấp về quyền thừa kế giữa vợ và chồng ngày càng trở nên phức tạp, nhất là khi điều kiện kinh tế xã hội phát triển như hiện nay. Tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng được xác định rõ là cơ sở cho việc định đoạt tài sản thừa kế của vợ hoặc chồng. Điều này sẽ tránh được trường hợp tài sản riêng của người còn sống cũng bị đưa vào di sản. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc ngay trong nội dung quy định về quyền thừa kế tài sản của nhau giữa vợ và chồng.
Khoản 3 Điều 31 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định việc hạn chế phân chia di sản được thực hiện trong trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình. Tuy nhiên, điều luật này lại chưa quy định khoảng thời gian tối đa cho việc hạn chế phân chia di sản. Điểm 4b Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP quy định: Khi thuộc trường hợp này thì người có yêu cầu chia di sản thừa kế mới chỉ có quyền yêu cầu xác định phần di sản mà họ được hưởng và họ chỉ có quyền yêu cầu chia di sản sau một thời hạn nhất định, cụ thể là ba năm, nếu trong thời hạn này bên còn sống là vợ hoặc chồng của người đã chết chưa kết hôn với người khác. Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP quy định: Thời hạn chưa cho chia di sản thừa kế theo quy định tại khoản 3 Điều 31 của Luật HN&GĐ năm 2000 là không quá 3 năm.
Theo quy định tại Điều 686 BLDS năm 2005 thì thời hạn này là 3 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Nhưng cả hai luật này cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành đều không quy định bất kỳ căn cứ nào làm cơ sở để xác định thời hạn hạn chế phân chia di sản là dài hay ngắn trong khoảng thời gian 3 năm mà đã đặt cho TA toàn quyền quyết định. Dường như pháp luật đặt cho TA một quyền quá lớn trong việc quyết định thời gian cho việc hạn chế phân chia di sản và quyết định xem việc hạn chế phân chia này chấm dứt trong trường hợp nào (trừ trường hợp bên còn sống đã kết hôn với người khác) mà không cần phải dựa trên quy định nào của pháp luật.
3.2. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ tài sản của vợ chồng trong giai đoạn hiện nay
3.2.1. Nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc
Trong thực tiễn áp dụng Luật HN&GĐ năm 2000, các quy định của pháp luật về quan hệ tài sản của vợ chồng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân chủ yếu như:
- Hệ thống văn bản quy định và hướng dẫn thi hành Luật còn chồng chéo, mâu thuẫn. Sự chồng chéo, mâu thuẫn này không chỉ nằm trong các văn bản chuyên ngành điều chỉnh về HN&GĐ hiện hành mà còn nằm trong các văn bản chuyên ngành khác có liên quan đến quan hệ tài sản của vợ chồng.
- Sự phát triển của các điều kiện kinh tế - xã hội đã làm xuất hiện nhiều quan hệ xã hội mới, trong đó quan hệ tài sản của vợ chồng không nằm ngoài quy luật này.
- Nhiều văn bản mới điều chỉnh quan hệ tài sản của vợ chồng được ban hành. Đặc biệt là trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại như BLDS
năm 2005, Luật Doanh nghiệp năm 2005, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Chứng khoán…
- Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước còn chưa đồng bộ, chưa tạo thành hệ thống thống nhất; đội ngũ cán bộ chưa đạt chất lượng cao, trình độ năng lực chuyên môn hay đạo đức của một số cán bộ công chức còn hạn chế; cơ sở vật chất chưa đảm bảo hoạt động.
- Nhận thức của xã hội còn hạn chế. Nhiều người dân ít biết đến các văn bản pháp luật, hoặc biết nhưng không hiểu các nội dung trong văn bản.
Theo khảo sát của Tổ chức Nghiên cứu phát triển Action Aid Việt Nam, nhiều người được hỏi thậm chí còn tỏ ra ngạc nhiên khi được nghe đất ở và đất canh tác mang tên vợ và chồng. Họ cho rằng gia đình có chồng đại diện là đủ hoặc do thiếu hiểu biết, người phụ nữ không dám hỏi chồng về quyền chủ hộ gia đình hoặc người chồng chưa tạo điều kiện để người vợ được có tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật về HN&GĐ trong đó có quan hệ tài sản của vợ chồng còn chưa linh hoạt, đa dạng và hiệu quả.
3.2.2. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật về quan hệ tài sản của vợ chồng
Trước những khó khăn vướng mắc trong quá trình áp dụng Luật HN&GĐ năm 2000 và các văn bản hướng dẫn thi hành trong quan hệ tài sản của vợ chồng, việc phải hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh quan hệ tài sản của vợ chồng là nhu cầu tất yếu khách quan. Cùng với nó, cần phải cũng cố những biện pháp để việc triển khai áp dụng các văn bản về quan hệ tài sản của vợ chồng được thực hiện một cách thống nhất, tự giác và hiệu quả.
3.2.2.1. Những kiến nghị chung
- Việc quy định quan hệ tài sản của vợ chồng cần phải phù hợp với quy định của Hiến pháp; phải được thống nhất, đồng bộ trong tổng thể hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam, tránh mâu thuẫn, chồng chéo. Quan hệ tài sản của vợ chồng trong những trường hợp đặc thù (như quan hệ tài sản của vợ chồng khi tài sản vợ chồng được sử dụng để sản xuất, kinh doanh; quan hệ tài sản của vợ chồng đối với việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng…) cần ưu tiên lựa chọn những quy định trực tiếp điều chỉnh, những văn bản pháp luật chuyên ngành.
Cho đến nay, khi Nhà nước ta ban hành nhiều văn bản pháp luật mới điều chỉnh các mối quan hệ khác nhau như Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, Luật chứng khoán, BLDS, Luật đất đai, v. v.., thì Luật HN&GĐ năm 2000 cũng cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp và đồng bộ với các văn bản pháp luật hiện hành, trên cơ sở quy định nguyên tắc xác định quyền sở hữu tài sản của vợ chồng trong một số lĩnh vực đầu tư kinh doanh cụ thể gắn với đặc thù của mỗi hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với luật chuyên ngành đó.
- Việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về quan hệ tài sản của vợ chồng trước hết phải dựa trên những nguyên tắc nhất định như: Xây dựng quan hệ tài sản vợ chồng phải dựa trên các cơ sở lý luận và thực tiễn cụ thể; phải xuất phát từ lợi ích chung của gia đình, luôn bảo đảm mục đích xây dựng gia đình và phát triển gia đình; bảo đảm sự bình đẳng giữa vợ chồng cũng như sự độc lập tương đối giữa vợ chồng đối với tài sản, đảm bảo mục tiêu tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước; tạo ra cơ sở pháp lý cần thiết cho công tác xét xử của Toà án; bảo đảm cho Luật được nghiêm chỉnh thực thi trong cuộc sống…
- Việc quy định trong Luật cũng như các văn bản hướng dẫn cần cụ thể, dễ áp dụng, những thuật ngữ cần được giải thích một cách rõ ràng, thống nhất,
ví dụ như: cần quy định hoa lợi, lợi tức có được trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng, không phân biệt nguồn gốc tài sản làm phát sinh hoa lợi, lợi tức là tài sản riêng hay tài sản chung, trừ trường hợp vợ hoặc chồng đã định đoạt phần hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của họ từ trước khi kết hôn, mà sau khi kết hôn hoa lợi, lợi tức đó vẫn tiếp tục phát sinh; cần quy đĩnh rõ thuật ngữ “nhu cầu của gia đình” khi tài sản chung của gia đình được chi dùng, thuật ngữ “đồ dùng, tư trang cá nhân” gồm những gì là tài sản riêng của vợ, chồng…
3.2.2.2. Những kiến nghị cụ thể
a) Đối với việc xác định quan hệ hôn nhân
- Trường hợp cán bộ, bộ đội đã có quan hệ hôn nhân ở miền Bắc, vào miền Nam chiến đấu, công tác lại có quan hệ hôn nhân mới ở miền Nam có được công nhận hôn nhân mới ở miền nam là hợp pháp theo quy định của Thông tư số 60/TATC hay không?
Mặc dù Thông tư số 60/TATC chỉ xác định đối tượng là cán bộ, bộ đội có vợ, có chồng trong miền Nam tập kết ra miền Bắc mà lấy vợ, lấy chồng khác, nhưng trong một số trường hợp do hoàn cảnh đặc biệt của chiến tranh và yêu cầu nhiệm vụ công tác mà có cơ sở xem xét giống như quy định tại Thông tư số 60/TATC thì chúng tôi cho rằng cũng cần công nhận quan hệ hôn nhân mới của họ là hợp pháp (cùng với quan hệ hôn nhân đã có trước ở miền Bắc). Ví dụ: Do điều kiện công tác mà cơ quan, tổ chức của một người đồng ý cho họ kết hôn (mặc dù họ đang có quan hệ hôn nhân ở miền Bắc)…
Nhưng riêng với trường hợp đang có quan hệ hôn nhân ở miền Bắc lại kết hôn ở miền Nam trong khoảng thời gian từ 1/5/1975 đến trước 25/3/1977 (thời gian mà đất nước đã thống nhất nhưng Luật HN&GĐ chưa áp dụng ở miền Nam) thì không thể công nhận quan hệ hôn nhân sau là hợp pháp. Người