Việt Nam Chủ Trương Tăng Cường Quan Hệ Hợp Tác Nhiều Mặt Với Từng Nước Láng Giềng Cũng Như Với Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á (Asean) Với Tư Cách Là

trên đất liền và trên biển. Bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc là một thắng lợi quan trọng trong chính sách đối ngoại đổi mới của Việt Nam. Trung Quốc vừa là láng giềng, vừa là một nước lớn có tiếng nói quan trọng trên trường quốc tế. Bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc đã nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)

Thực hiện chính sách đối ngoại đổi mới của Đảng được xác định từ năm 1986 tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, chúng ta đã giải quyết tốt các vấn đề liên quan tới mối quan hệ với các nước láng giềng và các nước trong khu vực.

Như đã phân tích ở trên, sau khi chúng ta giải quyết xong vấn đề Campuchia và nêu rõ quan điểm trong chính sách đối với các nước ASEAN, quan hệ giữa Việt Nam với các nước ASEAN đã được cải thiện đáng kể.

Việc hội nhập khu vực Đông Nam Á là cả một quá trình giải quyết các vấn đề đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Đảng ta đã chủ trương xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng, tạo môi trường hòa bình, ổn định. Ngay từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra chủ trương phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước Đông Nam Á, đồng thời bày tỏ mong muốn sẵn sàng cùng các nước trong khu vực thương lượng để giải quyết các vấn đề ở Đông Nam Á, trong đó chủ yếu là vấn đề Campuchia. Chính vì vậy, sau khi vấn đề Campuchia được giải quyết, quan hệ giữa Việt Nam với từng nước Đông Nam Á cũng như với tổ chức ASEAN từng bước được cải thiện và phát triển theo chiều hướng đối thoại, hợp tác và cùng giải quyết các trở ngại để Việt Nam sớm gia nhập ASEAN. Đại hội lần thứ VII của Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên bố chính sách mới về Đông Nam Á: “với các nước Đông Nam Á, chúng ta chủ trương mở rộng quan hệ nhiều mặt theo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào nội bộ của nhau, hai bên cùng có lợi”[14, tr. 40].

Năm 1990, Tổng thống Inđônêxia Xuhactô là vị nguyên thủ đầu tiên trong các nước ASEAN thăm chính thức Việt Nam. Từ đó, nguyên thủ quốc gia các nước ASEAN và Việt Nam đã có những chuyến viếng thăm tạo sự tin cậy lẫn nhau và cùng hướng tới một ASEAN được mở rộng bao gồm tất cả các quốc gia Đông Nam Á.

Sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam chính thức gửi thư cho các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (ngày 16/9/1991) bày tỏ Việt Nam mong muốn tham gia Hiệp ước Bali, từ tháng 10/1991 đến tháng 3/1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt lần lượt đi thăm 6 nước thành viên ASEAN để xúc tiến việc Việt Nam tham gia vào Hiệp ước Bali.

Về phía ASEAN, tháng 1/1992, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 4 được tổ chức ở Xingapo đã chính thức hoan nghênh việc Việt Nam tham gia Hiệp ước Bali. Ngày 20/5/1992, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm gửi thư cho Ngoại trưởng các nước ASEAN bày tỏ mong muốn của Việt Nam trở thành quan sát viên của ASEAN sau khi ký Hiệp ước Bali. Sau một quá trình tích cực vận động các nước thành viên ASEAN cũng như bày tỏ thiện chí của mình, ngày 22/7/1992, tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 25 (AMM 25) họp ở Manila (Philippin), Việt Nam cùng với Lào đã chính thức tham gia Hiệp ước Bali và ASEAN đã công nhận hai nước này là quan sát viên của ASEAN. Sự kiện này chính thức mở ra thời kì mới trong quan hệ quốc tế của Việt Nam: thời kì hội nhập khu vực Đông Nam Á và tiến tới hội nhập quốc tế.

Nhằm tích cực thúc đẩy quá trình gia nhập ASEAN, tháng 2/1993, Việt Nam tuyên bố “sẵn sàng tham gia ASEAN vào thời điểm thích hợp” [28, tr.139], đáp lại các nước ASEAN cũng tuyên bố “muốn Việt Nam sớm gia nhập ASEAN” [28, tr.139]

Việt Nam đã chủ động mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực, nhiều đoàn cấp cao của Đảng và Nhà nước ta đến thăm các nước ASEAN. Đáng chú ý là vào tháng 10/1993, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã có chuyến thăm chính thức

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 142 trang tài liệu này.

Xingapo và Thái Lan. Ngày 15/10/1993, khi đang ở thăm Thái Lan, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã công bố chính sách bốn điểm mới của Việt Nam về Đông Nam Á, thể hiện rõ mong muốn xây dựng Đông Nam Á thành khu vực hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển:

i. Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở theo phương châm đa dạng hoá và đa phương hoá quan hệ với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, giải quyết các tranh chấp bằng thương lượng hoà bình, không dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực, không hình thành các liên minh chống lại nhau, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, vì hoà bình và phát triển của mỗi nước.

Chính sách hội nhập quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn từ 1995 đến nay - 4

ii. Việt Nam chủ trương tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với từng nước láng giềng cũng như với Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) với tư cách là một tổ chức khu vực, sẵn sàng gia nhập ASEAN vào thời điểm thích hợp.

iii. Việt Nam sẵn sàng tham gia các cuộc đối thoại song phương và đa phương, trước hết giữa các nước trong khu vực, để tìm ra những biện pháp hữu hiệu đảm bảo hoà bình, ổn định, an ninh trong khu vực. Với tinh thần đó, Việt Nam sẵn sàng tham gia tích cực vào diễn đàn về chính trị và an ninh khu vực trên cơ sở bảo đảm an ninh của mỗi nước; phát triển quan hệ bình đẳng với từng nước tham gia diễn đàn, không làm gì ảnh hưởng đến nước thứ ba.

Việt Nam chủ trương biến Đông Nam Á thành khu vực hoà bình, hợp tác và phát triển, không có vũ khí hạt nhân và căn cứ quân sự nước ngoài.

iv. Việt Nam chủ trương thông qua thương lượng hoà bình để giải quyết các tranh chấp giữa các nước, kể cả tranh chấp về vùng biển và hải đảo trên Biển Đông theo tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước luật Biển năm 1982; tôn trọng chủ quyền của các nước ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; trong khi tích cực xúc tiến thương lượng để tìm ra giải pháp cơ bản và lâu dài, các bên liên quan cần duy trì ổn định trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng, tự kiềm chế, không làm gì gây

phức tạp thêm tình hình, không dùng vũ lực, cùng nhau tìm kiếm sự hợp tác thích hợp, kể cả hợp tác và phát triển ở những nơi và với hình thức mà các bên liên quan đều chấp nhận được, trước mắt có thể trên các lĩnh vực khí tượng thuỷ văn, hàng hải, bảo vệ môi trường, cứu nạn, chống cướp biển và buôn lậu ma tuý. [40, tr. 199 - 200].

Chính sách bốn điểm được công bố thể hiện cụ thể đường lối đối ngoại đổi mới của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện thiện chí của Việt Nam, được các nước ASEAN và dư luận quốc tế hoan nghênh.

Tháng 7/1994, Uỷ ban thường trực ASEAN nhất trí về nguyên tắc công nhận Việt Nam là thành viên của ASEAN. Ngày 17/10/1994, Việt Nam chính thức gửi đơn xin gia nhập ASEAN. Ngày 28/7/1995 đã trở thành một ngày lịch sử trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Tại Banđa Xêri Bêgawan, thủ đô của Vương quốc Brunây Đaruxalam, Việt Nam đã chính thức được kết nạp làm thành viên đầy đủ của ASEAN. Việc kết nạp Việt Nam vào ASEAN cho thấy mục đích của tổ chức này là nhằm góp phần thúc đẩy xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác, và phát triển chung ở Đông Nam Á và trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị, nâng cao vị thế của ASEAN trên trường quốc tế. Sau khi trở thành thành viên chính thức của ASEAN, ngày 19/9/1996, Hội nghị của tổ chức Liên minh nghị viện ASEAN (AIPO) họp tại Xingapo, Việt Nam đã trở thành thành viên thứ sáu của tổ chức. Thông qua các hoạt động của AIPO, nay là AIPA, Quốc hội Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ với cơ quan lập pháp của các nước thành viên, thông qua đó, chúng ta tìm hiểu về cơ chế hoạt động của cơ quan lập pháp của các nước để bổ trợ thêm cho hoạt động của Quốc hội Việt Nam ngày càng có hiệu quả.

Bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ

Thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ cũng là một chủ trương lớn trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Hoa Kỳ là một nền kinh tế lớn nhất và phát triển nhất trên thế giới. Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, Hoa Kỳ

vẫn tiếp tục chứng tỏ là một cường quốc và có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế. Trong tình hình mới, với chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, Đảng và Nhà nước ta coi trọng việc “thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ” [19, tr.296]. Việc bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ không những phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân hai nước mà còn có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Từ cuối những năm 80 đầu 90 của thế kỷ XX, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ chuyển dần từ đối đầu sang đối thoại và có những bước phát triển khả quan sau khi vấn đề Campuchia có giải pháp chính trị và Việt Nam đạt được những thành tựu bước đầu quan trọng trong công cuộc đổi mới. Từ cuối năm 1991, Mỹ bắt đầu có những động thái nhằm hướng tới bình thường hoá quan hệ với Việt Nam: ngày 23/12/1991, Mỹ bãi bỏ việc hạn chế đi lại 25 dặm đối với các nhà ngoại giao Việt Nam tại Liên hợp quốc; ngày 13/ 4/1992, Mỹ cho phép nối đường liên lạc bằng bưu chính viễn thông Mỹ - Việt; ngày 16/9/1992, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố hỗ trợ cho Việt Nam 2 triệu đôla trong chương trình giúp người tị nạn Việt Nam hồi hương; ngày 14/ 12/1992, Tổng thống Mỹ G. Bush tuyên bố cho phép các công ty của Mỹ được lập văn phòng và ký các hợp đồng kinh tế ở Việt Nam sau khi Mỹ xóa bỏ lệnh cấm vận. Trong vấn đề bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ thì việc giải quyết các vấn đề POW/MIA (tiến hành khai quật chung; cho phép nhân viên Hoa Kỳ đi bất cứ nơi nào, gặp bất cứ ai để hỏi về POW/MIA, thậm chí cho phép phía Hoa Kỳ nghiên cứu tài liệu lưu trữ tại Bộ Quốc phòng ta về số phận MIA). Chúng ta đã phải rất kiên trì trong vấn đề đàm phán để tiến tới bình thường hóa giữa hai nước. Việt Nam kiên quyết đấu tranh đòi chính quyền Mỹ bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận chống Việt Nam. Thông qua trao đổi, gặp gỡ cả chính thức và không chính thức giữa hai bên đã thúc đẩy việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Nhiều cuộc gặp gỡ giữa những nhà ngoại giao hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ bên lề các hội nghị quốc tế đã diễn ra. Tháng 10/1991, tại hội nghị Paris bàn về vấn đề Campuchia, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam đã có cuộc tiếp xúc với Ngoại trưởng Hoa Kỳ để bàn về vấn đề thúc đẩy việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Tiếp sau đó, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ là Tướng J. Vessey tiếp tục thực hiện các chuyến thăm Việt Nam vào các ngày từ 31/1 đến 1/2/1992 và từ 17 đến 19/10/1992.

Ngày 18/10/1992 Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm gặp Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tại Bộ Ngoại giao Mỹ bàn về bình thường hoá quan hệ hai nước. Ngày 13/9/1993, Tổng thống Mỹ Bill Clinton ra quyết định nới lỏng lệnh cấm vận, cho phép các công ty Mỹ tham gia các dự án phát triển ở Việt Nam do các cơ quan tài chính quốc tế tài trợ.

Cũng trong thời gian này, nhiều đoàn nghị sĩ, thương nhân, những cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam đã sang thăm và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Từ ngày 8 đến ngày 12/2/1993, đoàn Hội đồng thương mại Mỹ - Việt gồm đại diện 22 công ty lớn của Mỹ vào Việt Nam để tìm hiểu khả năng hợp tác, đầu tư và trao đổi thương mại với Việt Nam. Từ ngày 3 đến ngày 8/4/1993, đoàn chuyên viên cấp cao thuộc trung tâm hoạch định chính sách quốc gia Mỹ do cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ E. Merski dẫn đầu đến Việt Nam tìm hiểu tình hình để kiến nghị chính sách về Việt Nam cho chính quyền Clinton. Tiếp sau đó, trong hai ngày 18 và 19/4/1993, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ B. Clinton là Tướng

J. Vessey tiếp tục tới Việt Nam nhằm trao đổi ý kiến về cải thiện quan hệ Mỹ - Việt. Từ ngày 15 đến ngày 18/7/1993, phái đoàn cấp cao của Mỹ gồm 22 thành viên được Tổng thống Mỹ cử ra do Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á

W. Lord dẫn đầu sang thăm Việt Nam. Đây là đoàn cấp cao nhất của Mỹ vào Việt Nam kể từ sau năm 1975.

Thông qua các hoạt động ngoại giao, sự trao đổi các đoàn thăm viếng lẫn nhau giữa hai nước đã góp phần thúc đẩy Chính phủ Mỹ tiến gần hơn việc bình

thường hoá quan hệ với Việt Nam. Ngày 3/2/1994, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm vận chống Việt Nam và đề nghị hai nước trao đổi cơ quan liên lạc. Sự kiện này đánh dấu việc chấm dứt cuộc bao vây cấm vận Việt Nam suốt gần 20 năm của Mỹ và mở đường cho hai nước tiến đến việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Sự kiện đó cũng đã khai thông quan hệ của Việt Nam với các tổ chức tài chính tiền tệ lớn trên thế giới, nó tạo điều kiện dễ dàng cho quan hệ của Việt Nam với các tổ chức này.

Từ đầu năm 1995, quá trình bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ được thúc đẩy mạnh mẽ. Ngày 28/01/1995, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Mỹ kí kết Hiệp định về tài sản ngoại giao và khiếu nại tài sản tư nhân, đồng thời thoả thuận lập cơ quan liên lạc của mỗi bên ở thủ đô hai nước. Thoả thuận này được Mỹ xem như là một điều kiện tiên quyết trên con đường bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Từ ngày 15 đến 17/5/1995, đoàn Đại diện của Tổng thống B. Clinton do Trợ lý Ngoại trưởng W. Lord dẫn đầu sang thăm và làm việc tại Việt Nam lần thứ hai. Căn cứ kết quả của Đoàn, ngày 13/6/1995, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ W. Christopher chính thức đề nghị Tổng thống Clinton thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Việt Nam. Ngày 11/7/1995, Tổng thống Bill Clintơn tuyên bố bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, thiết lập quan hệ ngoại giao với ta ở cấp đại sứ.

Việc bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ đã tạo ra một bước tiến lớn trong việc củng cố vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và tạo thêm điều kiện thuận lợi để Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác với các nước khác và các tổ chức quốc tế. Lần đầu tiên Việt Nam có quan hệ với tất cả các nước lớn trên thế giới.

Bình thường hoá quan hệ với Mỹ góp phần củng cố vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và đến đây có thể nói là Việt Nam đã vượt qua được trở ngại lớn cuối cùng trong tiến trình ngoại giao và hội nhập quốc tế để bước vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; đồng thời nó mở đường cho Vịêt Nam mở rộng quan hệ hợp tác với tất cả các nước và các tổ chức quốc tế trên thế

giới. Một ngày sau tuyên bố bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ của Tổng thống

B. Clinton, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra tuyên bố đánh giá đây “là một quyết định quan trọng phản ánh nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân Mỹ muốn khép lại quá khứ chiến tranh, xây dựng mối quan hệ bình thường, hữu nghị và hợp tác với Việt Nam”1.

Tuy nhiên, triển khai quan hệ với Mỹ là một quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh. Việt Nam sẽ phải tỉnh táo xử lý thích đáng các vấn đề nhạy cảm trong quan hệ giữa hai nước như dân chủ, nhân quyền, ý đồ chuyển hoá nội bộ Việt Nam theo hướng có lợi cho Mỹ thông qua thực hiện diễn biến hoà bình; nhưng mặt khác Việt Nam cũng phải thấy rõ những giới hạn giữa ý muốn và khả năng của Mỹ trong chính sách đối với khu vực đặt trong bối cảnh cục diện mới.

Thiết lập quan hệ ngoại giao với EU

Từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, EU ngày càng quan tâm tới việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Châu Á. Điều đó được thể hiện qua việc EU đã thông qua một văn kiện quan trọng với tiêu đề “Tiến tới một chiến lược mới đối với Châu Á”. Đây là một văn kiện quan trọng nhằm cụ thể mục tiêu chiến lược mới của EU đối với khu vực Châu Á trong đó có Việt Nam.

Có thể nói quá trình thiết lập quan hệ ngoại giao với EU được bắt nguồn từ mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước thành viên EU trên nhiều lĩnh vực, nhiều nước đã có những sự hỗ trợ, viện trợ kinh tế cho Việt Nam.

Ngày 22/10/1990, Việt Nam và EU ký Hiệp định về việc lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và EU và trao đổi đại sứ. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa ta với EU, chúng ta không chỉ quan hệ với từng nước thành viên EU riêng lẻ mà ta đặt quan hệ ngoại giao, trao đổi hợp tác trên mọi lĩnh vực với cả khối EU. Hai bên đã trao đổi các đoàn ngoại giao nhằm tăng cường sự hợp tác, hiểu biết lẫn nhau. Năm 1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đi thăm EU; tháng 2/1995, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh đi thăm nghị viện


1 Báo Nhân Dân, ngày 13 tháng 7 năm 1995.

Xem tất cả 142 trang.

Ngày đăng: 09/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí