Nội Dung Cơ Bản Trong Chính Sách Đối Ngoại Của Liên Bang Nga Dưới Thời


đồng rúp và đồng đôla, phát hành tín phiếu, trái phiếu, hạn chế lưu thông tiền mặt nên đã từng bước hạ được mức lạm phát, giữ được đồng rúp ổn định.

Từ cuối năm 1995, kinh tế Nga đã có bước khởi sắc. Đến cuối năm 1997, GDP của Nga đã tăng được 0,4% so với năm 1996, công nghiệp tăng khoảng 1,7%, nông nghiệp được mùa lớn đạt 95,1 triệu tấn lúa mỳ và nước Nga có thể xuất khẩu từ 3-4 triệu tấn. Lạm phát dưới 1%/tháng, chỉ số giá cả tăng 8,3%. Nước Nga đã thu hút được 7 tỷ đôla Mỹ vốn đầu tư nước ngoài, tăng 2 lần so với năm 1996. Trong giai đoạn 1992-1997, đầu tư nước ngoài vào Nga là 23 tỷ đôla, trong đó đầu tư trực tiếp là 9,7 tỷ đôla Mỹ. Tổng kim ngạch

ngoại thương đạt 138,2 tỷ đôla Mỹ tăng gần 2% so với năm 1996, khai thác được trên 275 triệu tấn dầu và 391 tỷ m3 khí đốt. Đến năm 1997, đã tư nhân hoá gần 60% số xí nghiệp quốc doanh cũ, khu vực kinh tế tư nhân chiếm 60-70% GDP [26, tr. 84].

Đây được coi là những dấu hiệu khả quan cho sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, tháng 7 năm 1997, cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã nhanh chóng gây tác động đến nước Nga. Nền kinh tế mới được phục hồi của nước Nga không đủ sức chống đỡ lại những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng. Năm 1998, kinh tế Nga lại rơi vào một cuộc khủng hoảng toàn diện, sản xuất suy thoái nghiêm trọng. So với năm 1997, GDP năm 1998 giảm 8%, sản xuất công nghiệp giảm 4,5%, 48% số xí nghịêp có nguy cơ bị phá sản, sản xuất nông nghiệp giảm 8-9%, sản lượng lúa mỳ đạt 47 triệu tấn, lạm phát tăng 100%, kim ngạch ngoại thương hai chiều giảm 17% [26, tr. 85].

Dư âm của cuộc khủng hoảng còn kéo dài đến năm 1999. Đồng thời, trong thời gian này cuộc đấu tranh tranh giành quyền lực ở nước Nga đang diễn ra quyết liệt (trong vòng chưa đầy 1 năm, từ tháng 9 năm 1998 đến tháng 8 năm 1999, ở Nga đã ba lần thay đổi chính phủ), đã làm cho nền kinh tế Nga lại tiếp tục bị suy giảm. Các chỉ tiêu kinh tế đều thấp hơn so với năm 1997, GDP chỉ bằng 98,1%, nông nghiệp bằng 88,9%, đầu tư vốn cơ bản bằng 94,2%. Tuy nhiên, lạm phát đã giảm, chỉ còn mức 36,5%, công nghiệp tăng 8,1%. Người ta ước tính, sau 8 năm tiến hành cải cách (1991-1998), con số thiệt hại lên tới 1200 tỷ đôla Mỹ, gấp 3 lần thiệt hại trong Chiến tranh thế giới lần II (420 tỷ đôla Mỹ) [26, tr. 86].

Khủng hoảng kinh tế trầm trọng đã làm cho đời sống xã hội của người dân Nga bị suy giảm. Thu nhập thực tế của người dân Nga liên tục giảm trong những năm tiến hành


quá trình cải tổ và đặc biệt sau cuộc khủng hoảng tháng 8 năm 1998. Tổng thu nhập bằng tiền của người Nga, theo phương pháp tính toán của Liên hiệp quốc, chỉ bằng gần 10% chỉ số tương ứng của người Mỹ. Các chỉ số chủ yếu cho thấy chất lượng của cuộc sống như: tình trạng sức khoẻ, tuổi thọ của người Nga tiếp tục giảm sút. Nhân dân mất niềm tin vào nhà nước.

* Về uy tín quốc tế: Uy thế của Nga trên trường quốc tế đã giảm sút mạnh so với Liên Xô trước đây. Sự suy giảm vị thế của Nga không chỉ gắn liền với cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội trầm trọng cả về bề rộng lẫn chiều sâu, mà còn với thực tế rất bất lợi sau khi trật tự thế giới hai cực tan rã, Liên bang Nga trở thành quốc gia không có kẻ thù công khai và trực tiếp, nhưng cũng không có đồng minh lẫn đối tác tin cậy, những nước có thể giúp đỡ Nga trong trường hợp xảy ra nguy cơ đe dọa những lợi ích sống còn của Nga.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 105 trang tài liệu này.

Ảnh hưởng của Nga bị suy giảm ngay cả đối với các nước SNG và các nước cộng sản cũ. Những nước ở Châu Âu thì đang có xu hướng gia nhập EU và NATO. Những nước ở Châu Á, cụ thể là Trung Á, đang rơi vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc hoặc của Mỹ. Với tình hình kinh tế còn eo hẹp, Nga không đủ khả năng để giành ưu thế so với Mỹ nên buộc phải nhượng bộ và hoà hoãn nhiều vấn đề. Nga hoàn toàn không phải là đối thủ ngang bằng với Mỹ.

Trong quan hệ chính trị quốc tế, nước Nga rơi vào nguy cơ bị cô lập, bị gạt ra ngoài lề các công việc của châu Âu và thế giới, không lọt vào danh sách các trung tâm sức mạnh chủ yếu của trật tự thế giới thế kỷ XXI. Nước Nga hầu như đứng tách biệt khỏi xu thế khu vực hoá và quốc tế hoá.

Chính sách đối ngoại của Liên Bang Nga dưới thời tổng thống V.Putin - 3

Như vậy, bức tranh toàn cảnh về đất nước Nga mang đậm một gam màu xám: chính trường nước Nga rối như mớ bòng bong, kinh tế suy thoái nghiêm trọng, tài sản quốc gia bị đục khoét mục ruỗng, các băng đảng mafia mọc lên như nấm sau cơn mưa. Nước Nga không có một trung tâm quyền lực tuyệt đối và như thế cuộc đấu tranh giành quyền lực sẽ diễn ra vô cùng khốc liệt. Có thể nói, thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX là thập kỷ khó khăn nhất của nước Nga. Nhưng ở thời điểm bước sang thế kỷ mới, ở nước Nga đã diễn ra một sự kiện chính trị quan trọng, cuộc bầu cử tổng thống đã kết thúc với sự thắng lợi của một nhân vật đang đi vào lịch sử nước Nga, đó là Tổng thống V.Putin. Ông được coi như là ngôi sao mới xuất hiện trên bầu trời chính trị Nga.


1.3. Vài nét về con người V.Putin


V.Putin tên đầy đủ là Vladimir Vladimirovich Putin. Ông sinh ngày 7 tháng 10 năm 1952 ở Lêningrad (nay là Saint-Peterburg), trong một gia đình bình dân. Mẹ ông, bà Maria là công nhân trong nhà máy và cha ông, ông Vladimir làm việc trong lực lượng hải quân, tại hạm đội tàu ngầm. Sau này ông chuyển sang lực lượng bộ binh trong Thế chiến thứ hai. V.Putin có hai người anh ra đời giữa thập niên 1930, nhưng đều đã chết từ nhỏ, một người trước chiến tranh và một người trong thời gian phong toả Lêningrad. Theo nhận xét của những người thân quen với gia đình Putin thì họ đều là những người nhân hậu. Gia đình không bao giờ to tiếng với nhau, và đặc biệt họ giáo dục con trai rất nghiêm khắc, dạy con trai luôn biết hướng về Tổ quốc. Vì thế, đối với V.Putin, khi chỉ là nhân viên của Cục tình báo Liên bang (KGB) và sau này khi đã là Tổng thống, thì nhiệm vụ hàng đầu là bảo vệ nước Nga, nhân dân Nga và khôi phục vị thế cường quốc cho nước Nga,... Điều này không phải người lãnh đạo nào của nước Nga cũng để ý đến.

V.Putin có vợ và hai người con gái. Phu nhân V.Putin, bà Ludmila Alecxandrovna Putina (tên thời con gái Shkrebneva), sinh ngày 6 tháng 1 năm 1958. Bà là người khiêm tốn và cởi mở. Con gái lớn của V.Putin là Ekaterina, sinh năm 1985, còn cô út là Maria, sinh năm 1986.

Từ thời đi học, V.Putin đã tỏ rõ khả năng thiên về các môn khoa học xã hội. Ông đặc biệt ham thích các tin chính trị, những sự kiện đang xảy ra trên thế giới. V.Putin đã lấy đề tài “Nguyên tắc tối huệ quốc trên bình diện quốc tế” làm luận văn tốt nghiệp đại học của mình. Trong thời gian học đại học ở Lêningrad, V.Putin đã làm quen với ông Anatoli Sobchak, khi ấy là trợ giảng, về sau là Phó giáo sư khoa Luật Kinh tế. Đây chính là người đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp của V.Putin sau này.

Trong suốt thời gian từ tháng 5 năm 1990 đến tháng 6 năm 1996, V.Putin đã hoàn thành nghĩa vụ của một người trợ lý, cán sự, thư ký và đại diện cho Chủ tịch Hội đồng Lêningrad, ông A.Sobchak. V.Putin là chiến hữu duy nhất, luôn bên cạnh A.Sobchak. Bề ngoài V.Putin chỉ giữ vai phụ nhưng lại thực hiện những chuẩn mực của vai chính. V.Putin đã trở thành một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất ở Saint-Peterburg. Thời gian bên cạnh A.Sobchak này đã giúp V.Putin rất nhiều trên con đường chính trị của ông sau này và cũng có thể, chính nhiệm vụ cố vấn về các vấn đề quốc tế đã giúp ông trong việc định hình chính sách đối ngoại cho Liên bang Nga.


Sự xuất hiện của V.Putin trên chính trường nước Nga thời điểm này được coi là một trong những sự kiện quan trọng khép lại thế kỷ XX và mở ra thế kỷ XXI. Phản ứng của người dân Nga trước sự xuất hiện của V.Putin rất khác nhau. Không quan tâm bởi lẽ cũng sẽ giống như những người tiền nhiệm trước, ông không mang đến được nhiều sự thay đổi cho nước Nga. Là sự hoài nghi về thời gian tồn tại của chính quyền mới và tác động của những chính sách mới. Nhưng cũng có không ít người tin tưởng vào sự trẻ tuổi và bản lĩnh của cựu điệp viên tình báo thời Liên bang Xô viết.

Tính đến thời điểm hiện nay, V.Putin đã đi hết hai nhiệm kỳ Tổng thống của mình. Nhìn lại tình hình nước Nga vào những năm cuối thế kỷ XX, chúng ta mới có thể cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt của nước Nga hiện nay. Và sự thay đổi đó của nước Nga có được đó chính là nhờ sự linh hoạt, khéo léo và đầy tính thực dụng của Tổng thống V.Putin được thể hiện qua chính sách đối ngoại của ông. V.Putin được coi như là một vị thuyền trưởng đã dẫn dắt con thuyền nước Nga vượt qua nhiều sóng gió. Trong cuộc họp báo cuối cùng trên cương vị Tổng thống ngày 14 tháng 2 năm 2008, V.Putin đã nói: “Tất cả các mục tiêu đặt ra đều đã đạt được và các nhiệm vụ đã được hoàn thành”. Năm 2007, tăng trưởng kinh tế Nga đạt 8,1% và sức mua sắm đứng thứ 7 trong các nền kinh tế thế giới. Nước Nga đã xây dựng được cơ sở cho một nền kinh tế thị trường mới và đang nhanh chóng trở thành một trong những “ông lớn” của nền kinh tế thế giới. Về uy tín quốc tế, Nga đã không còn là vị khách của Châu Âu mà đang dần lấy lại được vị thế cường quốc của mình, được Mỹ và Châu Âu tôn trọng.

Có một điểm khác biệt rất lớn giữa V.Putin và những người tiền nhiệm, đó là V.Putin là “tín đồ” trung thành của chủ nghĩa Đại Nga và chính sách đối ngoại cường quốc. V.Putin có một niềm tin mãnh liệt vào sự hồi phục của nước Nga. Niềm tin đó được xây dựng dựa trên nền tảng giáo dục của gia đình từ khi còn nhỏ và trong thời gian còn là điệp viên tình báo của KGB. V.Putin còn là một con người hết lòng vì nhân dân và đất nước Nga. Ông luôn đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu, luôn quan tâm tới sự ổn định, phồn thịnh và dân chủ ở Nga. Đúng như lời nhận xét của cựu Tổng thống Nga B.Elsin, V.Putin đã “quy tụ quanh mình những người quyết tâm làm sống lại trong thế kỷ XXI một nước Nga lớn [34, tr. 505]”. Chính niềm tin và sự quyết tâm đó đem lại thành công cho V.Putin và cho nước Nga.


CHƯƠNG 2: NỘI DUNG CƠ BẢN TRONG CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA LIÊN BANG NGA DƯỚI THỜI‌‌

TỔNG THỐNG V.PUTIN


2.1. Quá trình hình thành chính sách đối ngoại


2.1.1. Mục tiêu của chính sách đối ngoại


Ngày 31 tháng 12 năm 1999, V.Putin nhận chức quyền Tổng thống Liên bang Nga từ tay người tiền nhiệm B.Elsin. Ông hiểu rằng, đây không phải là món quà ngọt ngào chào đón thế kỷ mới. Trước mắt ông bây giờ là những khó khăn và thách thức. V.Putin phải làm gì để cải thiện được tình hình của nước Nga và đồng thời lấy lại được hình ảnh của một cường quốc.

Qua những năm tháng làm việc cùng A.Sobchak tại Saint-Peterburg, qua thực tế đang diễn ra ở nước Nga, V.Putin hiểu rằng phải tìm ra được cho nước Nga một chiến lược lâu dài, mà ưu tiên trước mắt là tạo sự ổn định và phát triển kinh tế của quốc gia chứ không phải là tăng cường ảnh hưởng ra bên ngoài.V.Putin hiểu rằng trong thế giới ngày nay, sức mạnh kinh tế, quyền lực kinh tế trở nên quan trọng hơn, quyết định đến sự tồn tại và hưng thịnh của một quốc gia. Khi nước Nga có được dấu hiệu hồi phục và bắt đầu đi vào quỹ đạo phát triển thì ưu tiên tiếp theo đó là khôi phục địa vị cường quốc thế giới cho nước Nga. Việc xác định mục tiêu này đóng một phần quan trọng trong sự thành công của chính sách đối ngoại. Trong “Chiến lược đối ngoại của Liên bang Nga”, công bố ngày 28 tháng 6 năm 2000, V.Putin đã từng khẳng định:“Một đường lối đối ngoại thành công của Nga phải được xây dựng trên cơ sở tuân thủ sự cân bằng giữa các mục tiêu và khả năng đạt được các mục tiêu đó”.

Chiến lược đối ngoại mới của Nga phải nhằm hai mục tiêu:


- Một là, tạo mọi điều kiện thuận lợi để có thể ổn định tình hình chính trị và từng bước khôi phục, phát triển nền kinh tế trong nước.


- Hai là, bảo đảm cho nước Nga giữ được vị trí nhất định trên trường quốc tế, trước hết là ở các khu vực, lĩnh vực chiến lược quan trọng nhất.

Đây được xem là mục tiêu cơ bản trong chính sách đối nội và chính sách đối ngoại của Tổng thống V.Putin. Nhưng ở Tổng thống V.Putin có điểm khác biệt so với những người tiền nhiệm trước, đó là ranh giới giữa chính sách đối ngoại và đối nội của ông hầu như đã bị xoá nhoà. Chính sách đối ngoại của Nga phải đáp ứng những yêu cầu cơ bản của nhân dân Nga: tích cực vượt qua nghèo đói, xây dựng đội ngũ công chức trong sạch không tham nhũng, hạn chế ảnh hưởng của “bọn tài phiệt”, chấm dứt chiến tranh ở Chechnya,… Việc củng cố thể chế nhà nước Nga cũng như sự gia tăng tốc độ phát triển kinh tế đã ảnh hưởng tích cực tới vị thế quốc tế của nước Nga và ngược lại một mối quan hệ hợp tác quốc tế hiệu quả sẽ có thể đem lại lợi ích trong phát triển kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hoá - giáo dục trong nước.

Chính sách đối ngoại của Liên bang Nga cần đóng góp thiết thực vào những nhiệm vụ chung của quốc gia như nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Nga, tăng cường xuất khẩu hàng hoá, bảo vệ lợi ích của các công ty Nga ở nước ngoài và thúc đẩy sự liên kết giữa kinh tế Nga với nền kinh tế thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu tăng gấp đôi tổng sản phẩm quốc nội của Nga vào năm 2010.

Mục tiêu cao nhất của đường lối đối ngoại là bảo vệ lợi ích của Nhà nước, xã hội và các cá nhân. Muốn hồi sinh lại nước Nga, chính sách đối ngoại của V.Putin phải đạt được các mục tiêu trên, trong đó quan trọng nhất là bảo vệ vững chắc an ninh của đất nước, giữ gìn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị trí và uy tín của nước Nga trong cộng đồng thế giới, đưa nước Nga trở thành một cường quốc. Từ đó, hình thành một vành đai láng giềng thân thiện xung quanh biên giới nước Nga, xoá bỏ và ngăn chặn việc nảy sinh những cuộc xung đột ở khu vực gần kề lãnh thổ Nga.

V.Putin muốn đưa nước Nga trở thành cường quốc thế giới bằng sức mạnh của chính nước Nga. Muốn làm được điều đó thì Nga phải có một nền kinh tế phát triển. Và V.Putin đã đề ra một nguyên tắc, đó là lấy ngoại giao phục vụ kinh tế, lấy mục tiêu đối ngoại để phục vụ mục tiêu đối nội. Theo V.Putin, mục tiêu cơ bản của chính sách ngoại giao là tạo ra và duy trì môi trường quốc tế và môi trường xung quanh tốt đẹp để tập trung sức lực và tài nguyên giải quyết vấn đề kinh tế, xã hội của đất nước. Lợi ích kinh tế không


chỉ là nội dung chủ yếu trong chính sách đối ngoại của Liên bang Nga mà đó còn là động cơ thúc đẩy sự phát triển của nền ngoại giao Nga.

Chính sách đối ngoại của Liên bang Nga thuộc lĩnh vực quyền lực của Tổng thống, Chính phủ không hề ảnh hưởng gì tới chính sách đó. Chính sách đối ngoại cuối cùng phải giành thắng lợi, phải tạo điều kiện thuận lợi để chiếm lĩnh thị trường bên ngoài cho các nhà máy, xí nghiệp trong nước. Tại hội nghị ngành ngoại giao mang chủ đề “Các cuộc cải cách ở Nga và nhiệm vụ của ngành ngoại giao”, ngày 12 tháng 7 năm 2004, Tổng thống V.Putin đã khẳng định: “nhiệm vụ ưu tiên là phải bảo vệ lợi ích của Nga ở nước ngoài. Nước Nga không cho phép người khác chà đạp lên quyền lợi của công dân nước ta và coi họ như những công dân loại hai. Vì thế, chúng ta có thể áp dụng mọi biện pháp ngoại giao truyền thống tới biện pháp mậu dịch kinh tế nghiêm khắc. Tất cả mọi người cần nhớ rằng, bài xích nước Nga là việc không thể làm được và cũng không có kết quả gì. Nhiệm vụ của chính sách đối ngoại là nâng cao uy tín của nước Nga. Nếu không làm được như vậy, chúng ta vừa không bảo vệ được công dân nước mình, vừa không thể giúp được ngành xuất khẩu nước ta. Do đó, từ nay về sau, chúng ta phải tích cực tham gia gìn giữ hoà bình và hành động, tham gia vào hoạt động của các tổ chức khu vực và quốc tế”[64].

Quan điểm chiến lược của V.Putin: “Lấy lợi ích quốc gia làm hạt nhân; lấy phát triển kinh tế làm tiền đề; lấy tinh thần dân tộc làm động lực; lấy chính quyền hiệu quả làm chỗ dựa; lấy đoàn kết xã hội làm biện pháp; lấy lịch sử làm bài học kinh nghiệm; không chỉ một chiều phê phán sai lầm của thời kỳ Liên Xô mà còn khẳng định những thành tựu của thời kỳ Liên Xô; lấy việc chọn con đường phát triển phù hợp làm phương hướng; không đi theo con đường của Châu Âu và Mỹ; lấy hợp lý hóa môi trường bên ngoài làm điều kiện và cuối cùng lấy chấn hưng địa vị nước lớn làm mục tiêu” [52, tr. 61].

Chính sách đối ngoại của Nga phải hướng tới mục tiêu tác động vào tiến trình chung của thế giới nhằm xây dựng một trật tự thế giới ổn định, công bằng và dân chủ trên cơ sở những nguyên tắc của luật pháp quốc tế đã được thừa nhận, kể cả những mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, trên cơ sở bình đẳng và quan hệ đối tác giữa các quốc gia.

Nhìn chung, chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia đều nhằm ba mục tiêu cơ bản là an ninh, phát triển và phát huy ảnh hưởng của quốc gia trên thế giới. Ba mục tiêu này có quan hệ chặt chẽ với nhau và thứ bậc ưu tiên của mỗi mục tiêu trong việc hoạch định và


triển khai chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia phụ thuộc vào điều kiện lịch sử cụ thể trong từng giai đoạn nhất định. Chính sách đối ngoại của V.Putin cũng nhằm thực hiện những mục tiêu đó. Và khi được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng thống Nga, V.Putin đã quyết định bắt tay ngay vào công cuộc khôi phục đất nước bằng mọi giá. V. Putin cho rằng đó là mục tiêu lớn nhất, là ý nghĩa sống còn của cuộc đời ông. Ông nói: “Số phận đã mang đến cho tôi cơ hội giữ một vai trò quan trọng trong lịch sử dân tộc và tôi có nhiệm vụ phải thực hiện trọng trách đó” [66].

Với những mục tiêu trên, chúng ta thấy ở V.Putin một con người yêu nước, tràn đầy ý tưởng về sự vĩ đại của nước Nga. Ông muốn nước Nga giữ một vị trí xứng đáng trên trường quốc tế và được thế giới kính trọng.


2.1.2. Những giai đoạn chính trong quá trình hình thành chính sách đối ngoại của Tổng thống V.Putin

Chính sách đối ngoại của V.Putin được hình thành và phát triển qua hai giai đoạn chính, tương đương với hai nhiệm kỳ Tổng thống của ông.

* Nhiệm kỳ I (2000-2004):


Ngay từ những ngày tháng đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống, V.Putin đã đề ra một đường lối đối ngoại, có thể nói là phù hợp với hoàn cảnh thực tế của nước Nga và đáp ứng được yêu cầu của người dân Nga. Đường lối đó thể hiện qua các văn bản đã được công bố. Đó là: “Nguyên tắc chung chính sách ngoại giao Liên bang Nga” (4-2000), “Ý tưởng chính sách ngoại giao Liên bang Nga” (7-2000), “Chiến lược đối ngoại của Liên bang Nga” (28- 6-2000). Ngoài ra, còn có các văn bản khác như: “Chiến lược an ninh quốc gia Nga” (10-1- 2000),“Học thuyết quân sự Liên bang Nga”,... Đây là những văn kiện có ý nghĩa quan trọng nhất và là bước tiến đáng kể nhất trong lĩnh vực đối ngoại của Liên bang Nga suốt hơn mười năm qua.

Trong các văn bản này, V.Putin đã thể hiện rõ quan điểm của mình. Trước hết, V.Putin đã xác định vị trí của nước Nga trong cộng đồng thế giới, các lợi ích quốc gia của Nga, các nguy cơ và những biện pháp cụ thể để bảo đảm an ninh quốc gia Nga. Theo ông, nguy cơ trong nước là tình trạng kinh tế sa sút, suy giảm nặng nề và kéo dài, và đó được coi là nguy cơ hàng đầu đe doạ an ninh quốc gia. Ngoài ra còn là sự thiếu hoàn thiện của

Xem tất cả 105 trang.

Ngày đăng: 26/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí