Nội Dung, Vai Trò Và Quy Trình Chính Sách Bảo Hiểm Xã Hội Tự Nguyện

BHXH tự nguyện; Đòi hỏi tham gia tự nguyện nhưng dựa trên những mức phí xác định; Phần “nhàn rỗi tương đối” của Quỹ được đầu tư để thu lợi nhuận.

Theo tác giả luận án, trên cơ sở kế thừa các nghiên cứu và các quan điểm trong lĩnh vực BHXH thì “BHXH tự nguyện là một hợp phần của BHXH do nhà nước tổ chức cho NLĐ được tự nguyện tham gia, có sự hỗ trợ của nhà nước, huy động sự tham gia của xã hội, đảm bảo bù đắp một phần thu nhập cho NLĐ và gia đình họ khi bị mất hoặc giảm thu nhập bởi sự kiện hết tuổi lao động và chết”.

BHXH tự nguyện khác với BHXH bắt buộc ở đối tượng, tính chất và nghĩa vụ tham gia. Đối tượng của BHXH tự nguyện là người LĐPCT và nông dân. LĐPCT được định nghĩa là lao động có việc làm phi chính thức. Việc làm phi chính thức được định nghĩa là việc làm không có BHXH, đặc biệt là BHXH bắt buộc và không có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên. Ở Việt Nam hầu hết việc làm thuộc khu vực kinh tế phi chính thức được coi là việc làm phi chính thức [98.tr 14]. Đối tượng tham gia của BHXH tự nguyện là người không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc (người không có quan hệ lao động, nông dân), Nhà nước, không có sự tham gia của người sử dụng lao động. Người tham gia BHXH được tùy ý tham gia hoặc không tham gia BHXH tự nguyện.

Trong quá trình tham gia người đóng BHXH tự nguyện được lựa chọn phương thức đóng, mức đóng và được nhận sự hỗ trợ của Nhà nước. BHXH tự nguyện được nhà nước quản lý và khuyến khích tất cả NLĐ tham gia để tự tăng cường năng lực an sinh của người lao động; giảm thiểu rủi ro về thu nhập và phòng tránh đói nghèo; góp phần giảm gánh nặng ASXH cho nhà nước và phát triển, tiến bộ xã hội.

2.1.3. Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện

Chính sách bảo hiểm xã hội

Chính sách và chính sách công là những khái niệm được sử dụng thường xuyên, rộng rãi trong cuộc sống.

Theo Từ điển Bách Khoa Việt Nam “chính sách là những chuẩn tắc cụ thể để thực hiện đường lối, nhiệm vụ. Chính sách được thực hiện trong một thời gian nhất định, trên những lĩnh vực cụ thể nào đó”[105.tr 945].

Theo Từ điển tiếng Việt, chính sách là “sách lược chính trị cụ thể nhằm đạt một mục đích nhất định”[106.tr197].

Chính sách có thể hiểu là định hướng hành động của những chủ thể nhất định, tác động đến các vấn đề để điều chỉnh vấn đề đó theo mục đích đã đề ra. Vì vậy, tùy theo chủ thể ban hành và thực hiện chính sách được chia thành chính sách công và chính sách tư.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 232 trang tài liệu này.

Chính sách công gắn liền với hoạt động của nhà nước và các đảng phái chính trị để giải quyết các hoạt động kinh tế - xã hội. Có nhiều khái niệm chính sách công đã được các tác giả trong và ngoài nước đưa ra.

Theo Thomas R.Dye “chính sách công là bất cứ điều gì mà các chính phủ lựa chọn làm hoặc không làm”[74.tr13].

Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện ở Việt Nam - 8

Theo Nguyễn Hữu Hải, “chính sách công là kết quả ý chí chính trị của nhà nước được thể hiện bằng một tập hợp các quyết định có liên quan với nhau, bao hàm trong đó định hướng mục tiêu và cách thức giải quyết những vấn đề công trong xã hội”[66.tr51].

Theo Đặng Khắc Ánh, “chính sách công là phương hướng, cách thức hành động do nhà nước lựa chọn và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành để giải quyết một vấn đề phát sinh trong một giai đoạn nhất định, định hướng cho xã hội phát triển một cách thống nhất theo mong muốn của nhà nước” [74. tr24].

Chính sách công là định hướng hành động do nhà nước lựa chọn để giải quyết những vấn đề phát sinh trong đời sống cộng đồng phù hợp với thái độ chính trị trong mỗi thời kỳ nhằm giữ cho xã hội phát triển theo định hướng.

Chính sách công là một chuỗi các quyết định của nhà nước được thực thi trên thực tế nhằm giải quyết một vấn đề đặt ra trong đời sống kinh tế - xã hội theo mục tiêu nhất định”[73.tr15]

Ở Việt Nam chính sách công không những chỉ là định hướng hành động hay không hành động của Nhà nước và Chính phủ mà còn là định hướng chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chính sách BHXH là một chính sách xã hội vĩ mô của Nhà nước nhằm đảm bảo ASXH cho người dân, đảm bảo công bằng, phát triển xã hội. Tuy nhiên,

đến nay vẫn chưa có một khái niệm thống nhất về chính sách BHXH. Nghị quyết 28 về cải cách chính sách BHXH cũng đề cập đến thuật ngữ chính sách BHXH “Chính sách bảo hiểm xã hội đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trụ cột chính của hệ thống ASXH, là sự bảo đảm thay thế, hoặc bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi họ gặp phải những rủi ro trong cuộc sống”, tuy nhiên cũng chưa đưa ra khái niệm chính sách BHXH.

Về cơ bản, các tài liệu cũng chỉ đề cập đến chính sách BHXH với tư cách là một chính sách xã hội của Nhà nước, một trụ cột của hệ thống ASXH.

Theo tác giả luận án, trên cơ sở kế thừa các quan điểm của các nghiên cứu trước đó về BHXH và chính sách công thì Chính sách BHXH là tập hợp các biện biện pháp do Nhà nước ban hành trong lĩnh vực BHXH nhằm bảo hiểm thu nhập cho NLĐ, phòng tránh đói nghèo và đảm bảo ASXH.

Như vậy, chính sách BHXH có các nội dung sau: Thứ nhất, chủ thể của chính sách là Nhà nước và các cơ quan chức năng nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, ban hành các nội dung, quy định về BHXH. Thứ hai, mục tiêu của chính sách BHXH là bảo hiểm thu nhập cho NLĐ, phòng tránh đói nghèo và đảm bảo ASXH. Thứ ba, đối tượng tham gia chính sách là NLĐ kể cả lao động trong khu vực chính thức và LĐPCT.

Hình thức của chính sách BHXH bao gồm tập hợp các văn bản luật và văn bản dưới luật được Nhà nước ban hành và tổ chức thực thi với các mục đích rõ ràng trong lĩnh vực BHXH nhằm đảm bảo thu nhập cho NLĐ và gia đình họ; thể hiện vai trò của Nhà nước trong việc chăm lo, bảo vệ thu nhập cho NLĐ và định hướng tăng cường năng lực tự an sinh, tự bảo vệ thu nhập của NLĐ.

Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện

Chính sách BHXH tự nguyện là một chính sách thành phần của chính sách BHXH, ra đời từ vai trò bảo vệ thu nhập và đảm bảo bình đẳng và ASXH cho NLĐ. Tuyên ngôn về Nhân quyền của Liên hợp quốc (10/12/1948) tuyên bố “Tất cả mọi người với tư cách là thành viên của xã hội, có quyền hưởng BHXH”. Một trong năm tiêu chí xác định công bằng xã hội được ghi nhận tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển xã hội tại Copenhagen - Đan Mạch vào tháng 3/1995 là

“Công bằng trong cơ hội tham gia và cơ hội thụ hưởng”. Trước năm 2008, ở Việt Nam BHXH chỉ áp dụng cho những đối tượng là NLĐ trong khu vực công, sau đó áp dụng cho NLĐ có quan hệ lao động, có ký kết hợp đồng lao động. Một lực lượng lớn LĐPCT và nông dân không có cơ hội để tham gia BHXH.

Trong nền sản xuất hàng hoá, NLĐ tự do, nông dân cũng như những NLĐ khác, đều tạo ra của cải vật chất cho xã hội, góp phần phát triển xã hội. Mặt khác, trong quá trình lao động sản xuất, những NLĐ này cũng phải đối mặt với rất nhiều loại rủi ro như các nhóm lao động khác trong đó có những loại “rủi ro xã hội” như ốm đau, tai nạn lao động, tuổi già làm cho họ bị giảm hoặc mất thu nhập. Do vậy, họ cũng có nhu cầu được BHXH, đây là nhu cầu mang tính khách quan của BHXH. Vì vậy, bằng việc ban hành chính sách về BHXH tự nguyện Nhà nước đã thực hiện chủ trương công bằng về cơ hội và công bằng về thụ hưởng; đảm bảo quyền được an sinh và bình đẳng về cơ hội tham gia của tất cả NLĐ dù là trong khu vực chính thức hay phi chính thức.

Theo tác giả luận án, chính sách BHXH tự nguyện là tập hợp các biện pháp do Nhà nước ban hành để thực hiện mục tiêu gia tăng đối tượng tự nguyện tham gia BHXH, gia tăng đối tượng được bảo hiểm thu nhập, thực hiện sự bảo vệ của nhà nước với đối tượng yếu thế, đảm bảo an sinh và công bằng xã hội.

Chính sách BHXH tự nguyện là một chính sách nhằm đảm bảo công bằng xã hội, công bằng về tiếp cận và công bằng trong thụ hưởng đối với NLĐ phi chính thức. Nếu không thực hiện chính sách BHXH tự nguyện thì NLĐ trong khu vực phi chính thức không có cơ hội tham gia BHXH để bảo vệ thu nhập của bản thân và gia đình. Ngoài ra, nội dung chính sách BHXH tự nguyện còn xác định hỗ trợ kinh phí tham gia cho những người tham gia BHXH tự nguyện, trong đó tỷ lệ người nghèo và người ở hộ cận nghèo được hỗ trợ cao hơn. Điều này giúp rút ngắn khoảng cách giữa LĐPCT và lao động trong khu vực chính thức, qua đó rút ngắn khoảng cách bất bình đẳng và khoảng cách về mức độ tiếp cận và thụ hưởng ASXH của tất cả NLĐ.

Đối tượng của chính sách BHXH tự nguyện là những người không nằm trong nhóm đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc. Đó là những lao động làm

việc trong khu vực kinh tế phi chính thức; LĐPCT trong khu vực kinh tế chính thức và nông dân.

Chính sách BHXH tự nguyện giảm gánh nặng an sinh cho Nhà nước và tạo điều kiện để Nhà nước tập trung hỗ trợ những đối tượng nghèo đói và không có năng lực tự an sinh. Hệ thống BHXH được mở rộng góp phần giảm bớt những đối tượng cần trợ giúp xã hội. Xét dưới khía cạnh kinh tế, khi các chi phí công cộng cho trợ giúp xã hội giảm đi thì số tiền từ ngân sách và xã hội sẽ được đầu tư vào các lĩnh vực khác của nền kinh tế quốc dân làm cho đời sống của người dân được cải thiện hơn. Đây là ý nghĩa rất lớn của sự mở rộng và phát triển BHXH trong hệ thống ASXH quốc gia.

Ngoài ra, quy mô của hệ thống BHXH còn thể hiện trình độ phát triển, tiến bộ xã hội của một quốc gia. Trong một quốc gia, quy mô của hệ thống BHXH, độ “bao phủ” của hệ thống BHXH cũng gián tiếp thể hiện trình độ phát triển của một quốc gia, càng nhiều người tham gia BHXH có nghĩa là quốc gia đó đã đạt một trình độ văn minh, phát triển nhất định vì phải có trình độ nhận thức và điều kiện phát triển kinh tế nhất định NLĐ mới có ý định và khả năng tham gia BHXH.

2.1.3.4. Các lý thuyết liên quan đến đề tài luận án

Để giải quyết các vấn đề đặt ra trong nghiên cứu của luận án, tác giả luận án tiến hành tiếp cận và nghiên cứu luận án trên cơ sở các lý thuyết sau:

Một là, lý thuyết về Quyền được tiếp cận ASXH của mọi người dân. Theo Điều 25, Hiến chương Liên hiệp quốc năm 1948, ASXH là quyền cơ bản của người dân “Mọi người dân và hộ gia đình đều có quyền có một mức tối thiểu về sức khỏe và các phúc lợi xã hội bao gồm ăn, mặc, chăm sóc y tế (bao gồm cả thai sản), dịch vụ xã hội thiết yếu và có quyền được an sinh khi có các biến cố về việc làm, ốm đau, tàn tật, góa phụ, tuổi già hoặc các trường hợp bất khả kháng khác”.

Theo ILO:“ASXH là một sự bảo vệ mà xã hội cung cấp cho các thành viên của mình thông qua một số biện pháp được áp dụng rộng rãi để đương đầu với những khó khăn, các cú sốc về kinh tế và xã hội làm mất hoặc suy giảm nghiêm trọng thu nhập do ốm đau, thai sản, thương tật do lao động, mất sức lao động hoặc tử vong. Cung cấp chăm sóc y tế và trợ cấp cho các gia đình nạn nhân có trẻ em ”.

Như vậy, mặc dù có cách tiếp cận khác nhau nhưng điểm chung của các tổ chức này đều xác định ASXH trong đó có BHXH là một quyền cơ bản của con người để đảm bảo thu nhập, mức sống, phòng ngừa và hạn chế thấp nhất rủi ro. ASXH nói chung và BHXH nói riêng là quyền bắt buộc cho mọi thành viên trong xã hội, mục tiêu lớn nhất của ASXH là “không ai bị bỏ lại phía sau” vì vậy tất cả Nhà nước trên thế giới đều phải có chính sách và biện pháp để mọi người dân được tiếp cận và thụ hưởng những quyền này. Tác giả luận án tiếp cận và nghiên cứu luận án trên cơ sở lý thuyết quyền được hưởng ASXH để nghiên cứu các quan điểm, định hướng của Đảng về phát triển BHXH tự nguyện, thực trạng chính sách BHXH tự nguyện ở Việt Nam và đề ra phương hướng, giải pháp để hoàn thiện chính sách BHXH tự nguyện ở Việt Nam.

Hai là, lý thuyết về quy luật số lớn, “lấy số đông bù số ít” hay “chia sẻ rủi ro” trong bảo hiểm. Quy luật này đảm bảo rằng hậu quả của rủi ro xảy ra đối với một hoặc một số ít người sẽ được bù đắp bằng số tiền huy động được từ rất nhiều người có khả năng cùng gặp rủi ro như vậy. Thông qua việc huy động đủ số phí cần thiết để giải quyết chi trả, bồi thường cho các tổn thất có thể xảy ra trong cộng đồng những người tham gia bảo hiểm, quỹ bảo hiểm thực hiện việc bù trừ, chia sẻ rủi ro theo quy luật số lớn.

Theo nguyên tắc số đông bù số ít, càng nhiều người tham gia bảo hiểm thì quỹ bảo hiểm tích tụ được càng lớn, việc chi trả càng trở nên dễ dàng hơn, rủi ro được san sẻ cho nhiều người hơn. Đây là nguyên tắc căn bản hình thành nên mọi nghiệp vụ bảo hiểm. Vì vậy, thực hiện BHXH tự nguyện ở Việt Nam cũng phải tuân theo quy luật số lớn, chia sẻ rủi ro giữa những người cùng tham gia BHXH tự nguyện. Muốn vậy, số người tham gia BHXH tự nguyện phải tăng lên, đạt một tỷ lệ nhất định. Trong trường hợp số người tham gia BHXH tự nguyện chưa đạt số lượng lớn cần thiết thì chưa thực hiện được quy luật bù trừ, chia sẻ rủi ro.

Ba là, lý thuyết về chính sách công. Luận án sử dụng lý thuyết chính sách công để xây dựng khung lý luận về chính sách BHXH tự nguyện; đưa ra khái niệm về BHXH tự nguyện và chính sách BHXH tự nguyện; phân tích chức năng, vai trò, nội dung của chính sách BHXH. Chính sách công có thể có nhiều cấp độ

khác nhau, vì vậy chính sách BHXH tự nguyện cũng được chia thành các chính sách thành phần khác nhau để giải quyết từng mục tiêu chính sách.

Chính sách công được xác định là phương hướng, cách thức hành động do nhà nước lựa chọn và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành để giải quyết một vấn đề phát sinh trong một giai đoạn nhất định, định hướng cho xã hội phát triển một cách thống nhất theo mong muốn của nhà nước. Do đó, ban hành và thực thi chính sách công là một trong những hoạt động quan trọng nhất của nhà nước. Dựa trên cơ sở lý thuyết này, luận án đã nghiên cứu BHXH tự nguyện với tư cách là một chính sách công, có mục tiêu và cách thức thực hiện; có vai trò, chức năng và các nội dung chính sách và những phương hướng phát triển do Đảng và Nhà nước đã đề ra nhằm thực hiện mục tiêu bảo vệ cho các thành viên trong xã hội thông qua biện pháp bảo vệ thu nhập.

Bốn là, lý thuyết Quản lý công. Ban hành và thực thi chính sách là một nội dung do nhà nước quản lý, chính sách công là một công cụ quản lý quan trọng của Nhà nước. Thông qua chính sách công, nhà nước điều chỉnh, định hướng cho sự phát triển của xã hội; tác động lên lựa chọn hành vi của các cá nhân và tổ chức; phát huy các xu hướng tích cực và hạn chế các tiêu cực trong xã hội. Chính sách công thường được thể chế hóa thành các quy định của các cơ quan nhà nước, được các cơ quan này thực hiện bằng các nguồn lực của nhà nước, vì vậy, nghiên cứu về chính sách BHXH tự nguyện không tách rời lý thuyết Quản lý công. Luận án sử dụng lý thuyết Quản lý công để nghiên cứu các vấn đề liên quan đến nguồn lực và bộ máy thực hiện chính sách; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH tự nguyện và sự phân công, phối hợp theo ngành và theo lãnh thổ trong thực thi chính sách BHXH tự nguyện.

2.2. Nội dung, vai trò và quy trình chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện

2.2.1. Nội dung chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện

2.2.1.1. Mục tiêu chính sách

Mục tiêu chính sách BHXH tự nguyện là từng bước mở rộng các chế độ bảo hiểm; mở rộng diện bao phủ BHXH cho NLĐ không có quan hệ lao động, lao động khu vực phi chính thức và nông dân phù hợp từng thời kỳ,

đảm bảo công bằng xã hội theo phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”; có chính sách hỗ trợ phù hợp từ ngân sách nhà nước cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp; nâng cao ý thức, trách nhiệm của NLĐ đối với việc tự bảo đảm an sinh cho bản thân.

2.2.1.2. Chủ thể chính sách

Chủ thể của chính sách BHXH tự nguyện có thể là các đảng chính trị; nhà nước, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hệ thống BHXH tự nguyện có thể được thực hiện và quản lý bởi các cơ quan nhà nước, được phân quyền cho các địa phương hoặc thậm chí là các công ty tư nhân. Tuy nhiên, về cơ bản chỉ có nhà nước mới có đủ thẩm quyền và năng lực tổ chức thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, cung cấp một phần nguồn lực, kinh phí cho người tham gia BHXH tự nguyện.

2.2.1.3. Quy định nội dung chính sách

Một là, chính sách phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện thể hiện quá trình tăng lên về số lượng tham gia ở giai đoạn này so với giai đoạn trước, sự thay đổi về cơ cấu đối tượng tham gia. Sự phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trước hết là sự gia tăng về số lượng người tham gia, cơ cấu đối tượng được mở rộng, đối tượng tham gia ở nhiều tầng lớp lao động, ngành nghề khác nhau. Ngoài ra, còn là sự gia tăng chất lượng dịch vụ BHXH tự nguyện và cải thiện các chính sách BHXH tự nguyện. Phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện có thể được hiểu theo cả chiều rộng và chiều sâu:

Theo chiều rộng, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là việc mở rộng độ “bao phủ“, nghĩa là mở rộng các loại đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, nhóm lao động nông nghiệp, nông dân, đến lao động tiểu thủ công nghiệp, lao động tự do. Phát triển đối tượng gia BHXH tự nguyện theo chiều rộngcòn bao gồm cả việc mở rộng các chế độ BHXH, trước hết là chế độ hưu trí, tiếp đến, khi có điều kiện có thể là các chế độ khác, như chế độ ốm đau, chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Phát triển theo chiều rộng thường gắn với phát triển về quy mô và cơ cấu.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 17/05/2024